00
Mục Lục
|
01
Lời đầu sách của HT Thanh Từ
|
02
Đề Tựa của Tỳ Kheo Huệ Nguyên (1763)
|
03
Hành Trạng Thượng Sĩ
|
04
Đối Cơ (trả Lời Người Hỏi)
|
05
Tụng Cổ
|
06-1
Bài ca Tâm Phật
|
06-2
Bài ngâm phóng cuồng, Sống
chết nhàn mà thôi
|
06-3
Phàm Thánh không hai, Mê ngộ không khác, Ngậm bĩu môi
|
06-4
Bài văn Trứ Từ tự răn, Thời tiết an định, Dương
chân, Vào cát bụi
|
06-5
Muôn việc về như, Thói đời hư dối, Họa thơ quan
Huyện, Cảnh vật Tịnh Bang, Họa Thơ Hưng Trí Thượng Vị
Hầu
|
06-6
Tụng đạo học Trần Thánh Tông, Chăn trâu đất, Vui
thích giang hồ, Vật không tuỳ người, Viếng Đại Sư Tăng
Điền, Thăm bệnh Đại Sư Phước Đường
|
06-7
Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường, Cảnh vật
Phước Đường, Tăng Pháp sư Thuần Nhất, Đùa Thiền Sư Trí
Viễn xem kinh giải nghĩa, Điệu Tiên Sư
Khuyên
đời vào đạo, Bảo chúng, Bảo chúng, Bảo học giả, Chợt
hứng
|
06-8
Cội tùng đáy khe, Xuất trần, Đạo lớn không khó,
Tâm vương, Thả trâu, Đề tịnh xá, Chợt hứng, Cây gậy,
Chiếu thân, Tự đề, Chợt tỉnh, Tự tại, Bảo học trò,
Bảo tu nghiệp Tây phương, Thoát đời, Vui thú giang hồ.
|
07
Lời Bạt
|
|
|
|
|
X
TUỆ TRUNG THƯỢNG
SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI
Biên
Soạn: Trúc Lâm Tổ Sư (Trần Nhân Tông)
Dịch
và Giảng: Hoà ThượngThích Thanh Từ
Ban
Văn Hoá Trung Ương GHPGVN Xuất Bản 1996
ĐỐI
CƠ
(Trả
lời người hỏi)
Dịch:
Một hôm Thầy (Tuệ Trung) rảnh rang, môn đệ theo thứ tự
đứng hầu. Khi đó có vị Tăng hỏi:
- Bạch Thượng Sĩ, tôi vì việc lớn sanh tử, vô thường
nhanh chóng, chưa biết thân này, sanh từ đâu lại, sau khi chết
đi về đâu?
Thầy đáp:
Giữa trời dù có đôi vành chuyển
Biển cả ngại gì hòn bọt sanh.
Lại hỏi:
- Thế nào là đạo?
Thầy đáp:
- Đạo không ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo.
Lại hỏi:
- Cổ đức nói: “Không tâm là đạo” phải chăng?
Thầy đáp:
- Không tâm chẳng phải đạo, không đạo cũng không tâm.
Thầy tiếp:
- Nếu người bảo: “không tâm là đạo” thì tất cả cỏ
cây đều là đạo sao? Nếu lại nói “không tâm chẳng phải
đạo” thì đâu cần nói có, không. Nghe tôi nói kệ:
Vốn không tâm không đạo
Có đạo chẳng không tâm
Tâm đạo vốn rỗng lặng
Chỗ nào lại đuổi tầm?
Vị Tăng bỗng nhiên nhận ra ý chỉ, lễ bái lui ra.
Giảng:
Hôm trước tôi có nói, không phải chỉ có giới cư sĩ đến
học đạo với Thượng Sĩ mà có cả giới xuất gia tới học
đạo với Ngài. Ở đây, người đứng ra thưa hỏi là một
vị Tăng.
“Tăng hỏi: Bạch Thượng Sĩ, tôi vì việc lớn sanh tử,
vô thường nhanh chóng, chưa biết thân này, sanh từ đâu lại,
sau khi chết đi về đâu?”
Câu hỏi này là câu hỏi căn bản của người tu. Đi tu là
vì chẳng biết thân này từ đâu lại, và sau khi chết đi
về đâu?
“Ngài đáp: Giữa trời dù có đôi vành chuyển, biển cả
ngại gì hòn bọt sanh!”
Tăng thắc mắc việc sanh tử; từ đâu sanh ra và chết đi
về đâu? Đây là vấn đề thiết yếu trọng đại của kiếp
sống con người, thế mà Ngài đáp quá đơn giản. Đôi vành
chuyển là chỉ cho mặt trời mặt trăng mọc lặn trong bầu
trời. Mặt trăng mặt trời mỗi ngày mọc rồi lặn trong hư
không, sánh với bầu trời thênh thang chẳng có nghĩa lý gì.
Và, hòn bọt nổi lên rồi tan đi trên mặt biển cũng chẳng
có quan trọng gì đối với biển cả mênh mông. Ý Ngài nói
chúng ta tu, khi nhận ra nơi mình có tâm thể bất sanh bất
diệt rồi thì, thấy sự sống chết ở thế gian này chẳng
có nghĩa lý gì hết. Thế thì bận gì mà hỏi sanh từ đâu
lại chết rồi đi về đâu? Cũng giống như mặt trời mặt
trăng mọc lặn trong bầu trời thênh thang và hòn bọt nổi
tan trong biển cả chẳng có nghĩa lý gì. Để thấy, người
tu khi nhận ra bản thể chân thật bất sanh bất diệt rồi,
thấy tất cả tướng sanh diệt ở thế gian chỉ là trò chơi
chẳng có gì bận tâm. Sở dĩ bận tâm với sanh tử là vì
chúng ta còn thấy thân này thật, thấy thân này quan trọng.
Hai câu này lấy ý từ hai câu thơ của người xưa: “Nhật
nguyệt chuyển song cốc, cổ kim đồng nhất khâu.” Nghĩa
là mặt trời mặt trăng xoay vần như hai bánh xe, xưa nay ai
rồi cũng tới gò mả, tức là ai rồi cũng chết.
“Lại hỏi: Thế nào là đạo? Thầy đáp: Đạo không ở
trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo.” Tăng thắc mắc
đạo là gì, đạo như thế nào? Thượng Sĩ đáp: Đạo không
ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo. Bởi vì khởi
niệm tìm hiểu, khởi niệm hỏi là vọng động, đạo không
hiện, nên nói đạo không ở trong câu hỏi. Và, câu hỏi là
tướng sanh diệt cho nên không ở trong đạo, vì đạo là thể
bất sanh bất diệt.
“Lại hỏi: Cổ đức nói: ‘không tâm là đạo’, phải
chăng? - Thầy đáp: Không tâm chẳng phải đạo, không đạo
cũng không tâm.” Chúng ta thường nghe nói: “Không tâm là
đạo.” Tại sao ở đây Thượng Sĩ phủ nhận, nói không
tâm chẳng phải đạo? Vì tâm và đạo là hai từ ngữ đối
đãi dựng lập, nó chỉ là giả danh không thật có. Thể chân
thật tự nó không có tên thì nói gì là đạo nói gì là tâm?
Cho nên đứng về mặt thể thì không đạo cũng không tâm.
Thượng Sĩ đáp như thế sợ vị Tăng ấy còn nghi nên nói
tiếp: “Nếu người bảo: không tâm là đạo, thì tất cả
cỏ cây đều là đạo sao?” Cỏ cây là vật vô tri, nếu
nói không tâm là đạo thì cỏ cây vô tri là đạo sao? Không
đúng. “Nếu lại nói: không tâm chẳng phải đạo thì đâu
cần nói có, không!” Nếu nói có nói không là còn thấy hai
bên, là đã ở trong chỗ có tâm rồi.
“Nghe tôi nói kệ: Vốn không tâm không đạo, có đạo chẳng
không tâm, tâm đạo vỗn rỗng lặng, chỗ nào lại đuổi
tầm?” Thể chân thật tự nó không có tướng mạo, không
có danh tự. Đã không tướng mạo danh tự thì nói tâm hay
nói đạo, cũng chỉ là lời nói hư dối không thật, nên nói
có đạo chẳng không tâm, vì thấy có đạo liền thấy có
tâm, không thể nói không tâm được. Tâm hay đạo vốn rỗng
lặng, nó không có tên và tướng nhất định để chúng ta
có thể nhìn thấy hay sờ mó, thì làm sao theo đuổi tìm kiếm?
Thượng Sĩ nói tới đây thì vị Tăng khế hội ý chỉ của
Ngài dạy, nên lễ bái.
Dịch:
Vị khác hỏi:
- Bạch Thượng Sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp?
Thầy đáp:
Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ
Cánh bằng lướt gió ruột kiến trùng.
Lại hỏi:
- Thế ấy thì học nhân được chỗ vào.
Thầy nói:
Gãi ngứa không phải người khác ngứa
Đói ăn chính thật là ông ăn.
Lại hỏi:
- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Thầy đáp:
Ra vào trong nước đái trâu
Chui rúc trong đống phân ngựa.
Lại nói:
- Thế ấy thì chứng nhập đi vậy.
Thầy bảo:
- Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh. Nghe tôi nói kệ:
Xưa nay không dơ sạch
Dơ sạch thảy tên suông.
Pháp thân không ngăn ngại
Nào sạch lại nào dơ.
Giảng:
Tăng muốn biết đại ý của Phật pháp, nên đến hỏi Thượng
Sĩ, Thượng Sĩ trả lời bằng hai câu câu thơ rất thi vị.
Câu này ngày xưa ngài Lâm Tế hỏi Tổ Hoàng Bá bị Tổ cho
ăn gậy. Ở đây, Thượng Sĩ hiền quá không cho ăn gậy, mà
lại nói thơ nghe như chơi. Điều này cho chúng ta thấy Thiền
Trung Hoa quá táo bạo, còn Thiền Việt Nam thì thi vị hiền
hòa. Con trạnh là loại rùa biển, đầu mình to, mắt thì nhỏ
như sâu bọ, vì nó ở ngoài biển nên bị sóng vỗ trên đầu
nó. Cánh bằng là chỉ con chim lớn, thường gọi là đại
bàng, cánh to lướt gió, bay trên hư không che rợp mát cả
bầu trời, ruột nó nhỏ bằng con kiến con trùng. Thiền tăng
muốn hiểu về đại ý Phật pháp đến hỏi thì bị Thiền
sư Trung Hoa đập một gậy, không hiểu gì hết. Ở đây thì
Thượng Sĩ nói hai câu thơ nghe qua cũng chẳng biết nói gì!
Tuy vậy, trọng tâm trả lời không hai, mà cách sử dụng phương
tiện của Thiền sư Trung Hoa và Thiền sư Việt Nam có khác.
Cả hai đều nhằm đưa người học đạo đến chỗ dứt nghĩ
bàn. Câu hỏi này xưa kia ngài Lâm Tế đem hỏi Tổ Hoàng Bá
bị ăn đòn, nên từ giã tìm đến Thiền sư Đại Ngu. Thiền
sư Đại Ngu hỏi:
- Ông từ đâu đến?
- Con ở Hoàng Bá đến.
- Hoàng Bá dạy ông lời gì?
- Con ba phen hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh. Chẳng
biết con có lỗi hay không lỗi.
- Hoàng Bá với tâm lão bà đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ,
lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi.
Ngay câu ấy, ngài Lâm Tế đại ngộ. Ở đây Thượng Sĩ đọc
thơ diễn tả con rùa biển to mà mắt nhỏ giống như con sâu,
con chim đại bàng lớn mà ruột nó nhỏ như con kiến con trùng.
Diễn tả ngược ngạo như vậy cốt không cho người học
đạo khởi tâm chấp trước. Thế mà vị Tăng vẫn chưa hiểu,
nói:
“Thế ấy thì học nhân được chỗ vào.” Như vậy là con
vào được rồi. Thượng Sĩ bảo: “Gãi ngứa không phải
người khác ngứa, đói ăn chính thật là ông ăn.” Tức là
mình ngứa chỗ nào, mình gãi mới đúng chỗ mình ngứa, người
khác biết đâu mà gãi cho mình. Cũng như mình đói mình ăn
mình mới no, người khác không ăn thế cho mình được. Ý
nói thấy được chỗ vào đó là ông thấy và ông sống chớ
không ai thế cho ông được việc này.
“Lại hỏi: Thế nào là Pháp thân thanh tịnh? Thượng Sĩ
đáp: Ra vào trong nước đái trâu, chui rúc trong đống phân
ngựa.” Chỗ này trong kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ có dạy
ba mươi sáu cách trả lời trong pháp đối đãi. Thí dụ hỏi:
Thế nào là trắng? Đáp: Do đen mà có trắng. Hỏi: Thế nào
là tối? Đáp: Do sáng mà có tối. Dùng sáng trả lời tối,
dùng đen trả lời trắng. Vì tất cả pháp thế gian nằm trong
pháp đối đãi không thật, pháp này có là do đối đãi với
pháp kia mà lập ra. Nếu không có tối thì có lập sáng không?
Bây giờ, nếu có ai hỏi: thế nào là sáng, chúng ta trả lời
sáng là thấy mọi vật trước mắt, thấy đường đi ... Diễn
tả như thế để cho người ta hiểu, nhưng không chắc là
hiểu đúng. Vì sự thật nếu không có tối thì làm sao biết
sáng? Từ ngữ “sáng” có là do từ ngữ “tối” mà lập.
Sở dĩ nói cái này đen là do đối với cái kia trắng, do trắng
mà nói đen, nếu tất cả sắc cùng một màu thì không còn
nói đen. Như vậy, có trắng là do có đen, có tối là do có
sáng, cho nên lấy tối mà đáp sáng, lấy đen mà đáp trắng.
Ở đây hỏi Pháp thân thanh tịnh là thế nào, Ngài lấy nước
đái trâu đống phân ngựa là đồ nhơ nhớp để đáp, đó
là cái thuật đáp trung thành với lời dạy của Lục Tổ.
Hiểu như thế mới hiểu được ý nghĩa của câu đáp, bằng
không thì thấy thô tháo kỳ quái.
“Lại nói: Thế ấy thì chứng nhập đi vậy. Thầy bảo:
Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh.” Còn thấy nhơ nhớp
là còn chấp hai bên đối đãi, nếu hết niệm nhơ nhớp thì
ngay đó là Pháp thân thanh tịnh. “Nghe tôi nói kệ: Xưa nay
không dơ sạch, dơ sạch thảy tên suông, Pháp thân không ngăn
ngại, nào sạch lại nào dơ?” Thượng Sĩ nói ngôn ngữ chúng
ta lập ra, đây là dơ kia là sạch là lập trong đối đãi,
không thật, nên nói là tên suông. Pháp thân là Thể chân thật
vượt khỏi pháp đối đãi, nên không có gì ngăn ngại. Đã
không ngăn ngại thì nói thanh tịnh, dơ bẩn làm gì? Thế nên,
muốn thấy được Pháp thân chân thật thì phải vượt ra
ngoài cái thấy hai bên đối đãi nhơ sạch.
Dịch:
Lại hỏi:
- Tổ Qui Sơn nói: “sau trăm năm, lão tăng đến dưới núi
làm con trâu”, ý chỉ thế nào?
Thầy đáp:
Nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ,
Ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng.
Lại hỏi:
- Xưa Thái tử Tất-đạt-đa vào miếu thiên thần, tượng
thần sụp lạy dưới chân việc ấy thế nào?
Thầy đáp:
Xòe nắm vẫn một bàn tay
Ấn mắt thấy ngàn sai khác.
Giảng:
Câu: “Tổ Qui Sơn nói: ‘sau trăm năm, lão tăng đến dưới
núi làm con trâu’ ý chỉ thế nào” được nói gọn từ
câu bảo chúng của Tổ Qui Sơn: “Sau khi lão tăng trăm tuổi
đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ
‘Qui Sơn tăng Linh Hựu’. Khi ấy gọi là Qui Sơn tăng hay
gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn tăng?
Gọi thế nào mới đúng?” Vị Tăng hỏi ý chỉ của câu
nói này, được Thượng Sĩ đáp: “Nếp đỏ mổ thừa hạt
anh võ, ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng.” Hai câu
này là thơ của Đỗ Phủ. Đỗ Phủ muốn dùng lối thơ đổi
ngược để diễn tả cái kỳ đặc của ông (Xem bản chữ
Hán). Từ cái ý đổi ngược đó chúng ta thấy rõ ý nghĩa
câu chuyện này. Câu nói xuôi là chim anh võ mổ hạt nếp đỏ,
đây đổi ngược lại là nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ.
Và câu: ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng, nói xuôi
là: chim phượng hoàng đậu cành ngô đồng biếc. Thượng
Sĩ dẫn hai câu thơ của Đỗ Phủ để nói lên ý nghĩa gì?
Tôi đọc lời dạy chúng của Thiền sư Bổn Tịch, thuộc
tông Tào Động cho quí vị nghe để hiểu ý nghĩa này:
Ngài dạy chúng:
- Tình phàm kiến Thánh là khóa kín đường huyền, hẳn phải
hồi hỗ.
Người lấy chánh mạng thật phải đủ ba thứ đọa: Một
là phi mao đới giác. Hai là bất đoạn thanh sắc. Ba là bất
thọ thực.
Khi ấy, Trù Bố Nạp hỏi:
- Phi mao đới giác là cái gì đọa?
Sư đáp:
- Là loại đọa (bản xưa chép sa-môn đọa).
- Bất đoạn thanh sắc là cái gì đọa?
- Là tùy đọa (tùy loại đọa).
|