00 Mục Lục 
01 Lời đầu sách của HT Thanh Từ
02 Đề Tựa của Tỳ Kheo Huệ Nguyên (1763)
03 Hành Trạng Thượng Sĩ
04 Đối Cơ (trả Lời Người Hỏi)
05 Tụng Cổ
06-1 Bài ca Tâm Phật 
06-2 Bài ngâm phóng cuồng, Sống chết nhàn mà thôi
06-3 Phàm Thánh không hai, Mê ngộ không khác, Ngậm bĩu môi
06-4 Bài văn Trứ Từ tự răn, Thời tiết an định, Dương chân, Vào cát bụi
06-5 Muôn việc về như, Thói đời hư dối, Họa thơ quan Huyện, Cảnh vật Tịnh Bang, Họa Thơ Hưng Trí Thượng Vị Hầu
06-6 Tụng đạo học Trần Thánh Tông, Chăn trâu đất, Vui thích giang hồ, Vật không tuỳ người, Viếng Đại Sư Tăng Điền, Thăm bệnh Đại Sư Phước Đường
06-7 Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường, Cảnh vật Phước Đường, Tăng Pháp sư Thuần Nhất, Đùa Thiền Sư Trí Viễn xem kinh giải nghĩa, Điệu Tiên Sư
Khuyên đời vào đạo, Bảo chúng, Bảo chúng, Bảo học giả, Chợt hứng
06-8 Cội tùng đáy khe, Xuất trần, Đạo lớn không khó, Tâm vương, Thả trâu, Đề tịnh xá, Chợt hứng, Cây gậy, Chiếu thân, Tự đề, Chợt tỉnh, Tự tại, Bảo học trò, Bảo tu nghiệp Tây phương, Thoát đời, Vui thú giang hồ.
07 Lời Bạt

 

X
TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI
Biên Soạn: Trúc Lâm Tổ Sư (Trần Nhân Tông) 
Dịch và Giảng: Hoà ThượngThích Thanh Từ
Ban Văn Hoá Trung Ương GHPGVN Xuất Bản 1996
    THI CA (tt)
    Dịch: 
    CỘI TÙNG ĐÁY KHE 

     Rất thích tùng xanh trồng mấy niên 
     Chớ than thế đất khiến tùng nghiêng. 
     Cột rường chưa dụng người đừng lạ 
     Cỏ nội hoa ngàn mắt hiện tiền. 
    Giảng: 
     “Rất thích tùng xanh trồng mấy niên.” Thượng Sĩ vừa nói cây tùng mà cũng vừa ám chỉ Ngài. Thượng Sĩ rất thích tùng và trồng mấy năm rồi mới được một cây. “Chớ than thế đất khiến tùng nghiêng.” Đừng buồn trách vì thế đất nghiêng cho nên trồng tùng cũng nghiêng. Cây tùng là hiện thân của Thượng Sĩ, thế đất chỉ cho hoàn cảnh xã hội Thượng Sĩ đang sống. “Cột rường chưa dụng người đừng lạ.” Thường thường cây tùng cây thông khi già, người ta cưa làm gỗ hoặc làm rường làm cột. Nhưng cây tùng này chưa cưa để làm cột làm kèo thì đừng thấy nó là vô ích. Vì sao? Vì “cỏ nội hoa ngàn mắt hiện tiền”. Tuy cây tùng chưa dùng được nhưng cỏ nội hoa ngàn đầy dẫy ở trước mắt. Thượng Sĩ nói rằng, ở trong hoàn cảnh Ngài chưa thi thố được tài năng để giúp đời, nhưng đối với Ngài, trước mắt đều là cảnh chân thật hiện tiền. Ý nói đời Ngài chẳng làm gì nhiều cho xã hội, đó là Thượng Sĩ khiêm nhường thôi. 

    Dịch: 
    XUẤT TRẦN 

     Đã từng vật dục khiến lao đao 
     Buông hết trần ai thoát khỏi nào. 
     Bên ấy thõng tay siêu Phật, Tổ 
     Một lần phủi giũ trắng phau phau. 
    Giảng: 
     Người đời thường nói thế gian là cõi hồng trần. Xuất trần là ra khỏi thế gian. Muốn ra khỏi phải làm sao? Mở đầu Thượng Sĩ nói: “Đã từng vật dục khiến lao đao, buông hết trần ai thoát khỏi nào.” Đã từng theo đuổi những vật dục ở thế gian, nên khiến cho thân này phải nhọc nhằn lận đận, tâm này phải bối rối khổ sở. Muốn hết khổ Thượng Sĩ nói phải buông hết những vật dục để thoát ra khỏi cõi trần. Và, “bên ấy thõng tay siêu Phật, Tổ, một lần phủi giũ trắng phau phau”. Buông bỏ hết vật dục thế gian, nhảy một nhảy là đến bờ giác ngộ, một lần phủi là sạch thì trắng tinh. Tóm lại, Thượng Sĩ dạy chúng ta sống ở thế gian vì theo đuổi vật dục, nên phải lao thân khổ tâm. Bây giờ muốn hết khổ thì phải buông hết để thoát ra. Khi buông hết rồi thì nhảy một nhảy lên bờ Phật Tổ, tức là bờ giác. Và, bao nhiêu năm nhiễm nhơ phiền não chỉ cần một lần phủi giũ là hết sạch. Quí vị phủi một lần sạch chưa? Hay sạch rồi một lát lại dơ, phải tốn công phủi nữa, phủi nhiều lần? Ý bài này Thượng Sĩ nói đến sức mạnh của những người quyết tâm “chém một đao không ngó lại”; khi đã quyết tâm thì phải làm cho kỳ được. Khi buông là buông sạch, chớ không phải tay buông tay nắm như chúng ta, nên nói một bước nhảy thẳng vào đất Phật Tổ là vậy. 
     
    Dịch: 
    ĐẠO LỚN KHÔNG KHÓ 
     Đạo lớn không khó đừng bảo khó 
     Quay đầu chuyển não càng mịt mờ. 
     Đem tâm lại nhắm cầu tâm ấy, 
     Giống hệt cá con nhảy ngọn tre. 
    Giảng:
     “Đạo lớn không khó” là lấy ý của câu “chí đạo vô nan” trong bài Tín Tâm Minh của Tam tổ Tăng Xán. “Đạo lớn không khó đừng bảo khó, quay đầu chuyển não càng mịt mờ.” Nghĩa là đạo lớn không khó, vì lúc nào cũng hiện tiền trước mắt, nếu chúng ta quay đầu tìm kiếm thì càng tìm càng mờ mịt. Nói nghe thì đơn giản, nhưng ứng dụng tu thì rất là khó khăn. Bởi vì ai nghe nói mình có tánh giác cũng muốn tìm kiếm cho được. Nhưng càng tìm càng xa và càng muốn thấy thì không thấy, như vậy có khó không? Như chúng ta có con mắt sáng, muốn thấy được con mắt sáng của mình. Thấy được không? Muốn biết mình có con mắt sáng thì đơn giản quá, khi nhìn thấy người này vật kia là biết mình có con mắt sáng. Như người mù không thấy gì cả nên mắt họ tối, còn chúng ta thấy được cảnh vật nên biết mình có mắt sáng, hết sức đơn giản không khó khăn chút nào hết. Nếu không biết như vậy thì càng tìm càng xa và phăng tìm suốt kiếp cũng không ra. Đó là cái lý đặc biệt, nên nói quay đầu chuyển não càng mịt mờ. “Đem tâm lại nhắm cầu tâm ấy, giống hệt cá con nhảy ngọn tre.” Đem tâm tìm tâm làm sao tìm? Việc làm này giống như cá con muốn nhảy lên đầu ngọn tre, không bao giờ nhảy nổi. Ý này Thượng Sĩ nhắc chúng ta, tu phải khéo nhận ra thì thấy, nếu không nhận ra thì càng tìm càng nhọc chớ không có ích gì cả. 

    Dịch: 
    TÂM VƯƠNG 
     Tâm vương không tướng cũng không hình 
     Mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh. 
     Muốn biết loại này chân diện mục 
     Ha! Ha! giữa ngọ là canh ba. 
    Giảng: 
     Tâm vương là tâm vua, tâm vương này khác với tâm vương của Duy thức học. Duy thức học chia tâm làm hai thứ là tâm vương và tâm sở. Tâm vương có tám thứ, tâm sở có năm mươi mốt thứ (muốn hiểu rõ hơn xin xem lại Duy thức học). Tâm vương như chủ, tâm sở như những thuộc hạ. Ví dụ như con mắt thấy sắc khởi niệm ưa thích gọi là tham tâm sở, tai nghe tiếng trái ý sanh tâm giận ghét gọi là hận tâm sở v.v... tùy trường hợp mà có tên riêng. Nhưng tâm vương này khác với tâm vương của Duy thức học. 
     “Tâm vương không tướng cũng không hình, mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh.” Tâm vương này là tâm chúa không tướng không hình. Lục tổ gọi là “Bản lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật) cho nên nói không tướng không hình. Dù cho người có mắt sáng như hạt châu của con rồng vẫn không thể thấy được tâm này. Nhưng “muốn biết loại này chân diện mục, ha! ha! giữa ngọ là canh ba.” Muốn biết mặt thật của tâm vương thì cười ha! ha! đúng lúc trưa là canh ba. Thật là lạ lùng! Lâu nay chúng ta quen nhìn sự vật trên hình tướng, nên cứ đuổi theo những cảnh sắc bên ngoài không bao giờ dừng. Tâm vương Thượng Sĩ nói đây không có hình tướng mắt không thể thấy, tay không thể sờ mó được. Là Thể chân thật hằng hữu  mà không tướng mạo, nên muốn nhận ra thì phải quay ngược trở lại không kẹt nơi hình tướng. Song, muốn xoay trở lại thì đang giữa ngọ là mười hai giờ trưa mà thấy là mười hai giờ đêm, nghĩa là ngay nơi cái sáng mà thấy được cái tối, ngay nơi cái có mà đạt được lý không. Ý Thượng Sĩ nói rằng: chúng ta muốn nhận ra tâm chân thật thì phải có khả năng nhìn ngược lại, nên nói đang trưa mà thấy là canh ba. Bây giờ chúng ta thấy ngược hay thấy xuôi? Thường thấy xuôi nên không nhận ra Thể chân thật. 
    Dịch: 
    THẢ TRÂU 
     Chợt hứng non Qui được bạn thân 
     Đồng hoang cam nhận kẻ mục đồng. 
     Quốc vương ơn đức rộng như bể 
     Tùy phận đôi phần nước cỏ xuân. 
    Giảng: 
     “Chợt hứng non Qui được bạn thân, đồng hoang cam nhận kẻ mục đồng.” Làm bạn thân với non Qui tức là làm bạn thân với Thiền sư Đại An, để chăn trâu ngoài đồng hoang. Ý Thượng Sĩ nói Ngài thích làm bạn với Thiền sư Đại An ở núi Qui để chăn trâu. Vậy, bạn đó là một đại Thiền sư chớ không phải bạn thường. Sử ghi rằng: Một hôm nhân buổi thượng đường Thiền sư Đại An bảo chúng: “Sở dĩ, Đại An này ở tại núi Qui ba mươi năm, ăn cơm núi Qui, đại tiện núi Qui, mà không học Thiền núi Qui, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi.” Thượng Sĩ tự nói mình là bạn thân với ngài Đại An thì chắc rằng hai vị không thua không kém nhau. 
     “Quốc vương ân đức rộng như bể, tùy phận đôi phần nước cỏ xuân.” Đất nước của quốc vương lớn rộng như biển,  nhưng trâu chỉ hưởng đôi phần đủ để nuôi sống thôi. Ý Thượng Sĩ muốn nói rằng quốc vương đối với Ngài rất mến mộ và ban ân huệ cho Ngài rất nhiều, nhưng Thượng Sĩ chỉ nhận đôi phần đủ nuôi mạng sống, chớ không tham lam thụ hưởng của cải vật chất  nhiều. Thật là đúng với tinh thần của người chăn trâu! Còn chúng ta bây giờ chăn trâu mà nay thả đồng này mai thả đồng nọ, bao nhiêu lúa mạ xanh mướt của người, chúng ta đều muốn lùa trâu thả ăn hết. Như vậy, chúng ta chăn trâu mà tham lam quá! Thế nên tôi chủ trương bắt ở một chỗ sống đạm bạc tức là ăn ít ít, để lo chăn trâu thì rất phù hợp với tinh thần của Thượng Sĩ dạy. Có như thế, chúng ta mới có cơ hội chăn trâu kỹ, và trâu mới thuần. Hiểu rồi chúng ta mới thấy giá trị của việc chăn trâu. 
     
    Dịch: 
    ĐỀ TINH XÁ 
     Bước đến cổng chùa chửa phút giây 
     Dọc ngang kệ tụng viết xong ngay. 
     Năm sang ngọn bút sao sắc lắm 
     Ba cõi Như Lai chẳng thế này. 
    Giảng: 
     “Bước đến cổng chùa chửa phút giây, dọc ngang kệ tụng viết xong ngay.” Đây là ngày Tết, Thượng Sĩ đến Tinh xá Phước Đường, mới tới cổng chưa bao lâu mà Ngài đã viết xong bài thơ khai bút Tết, cho nên nói: “Năm sang ngọn bút sao sắc lắm.” Sang năm mới, ngọn bút sao mà sắc quá, vừa khởi niệm liền viết thành bài thơ. Nhưng “ba cõi Như Lai chẳng thế này”. Ngài nói chư Phật không giống như vậy, nghĩa là Phật ba đời không làm thơ làm kệ liên miên như chúng ta, vì chư Phật không thích làm thơ. Bây giờ chúng ta thích làm thơ làm kệ lắm, và cho mình lanh lẹ xuất khẩu thành thơ v.v... Nhưng kỳ thật bị Phật Tổ quở. Có những vị lóe sáng được chút ít, làm thơ làm kệ hết bài này tới bài kia, đâu biết rằng đó là điều không thích hợp với Phật Tổ. 
     
    Dịch: 
    CHỢT HỨNG 
     Mộng dậy cần nên xét kỹ xem 
     Gặp thời chạm mắt chớ tối mèm. 
     Dầu cho ngũ nhãn thông minh đấy 
     Chưa khỏi gọi chuông là hũ xem. 
    Giảng:
     Chợt hứng là nơi tâm dấy lên niềm hứng khởi nên làm thơ. “Mộng dậy cần nên xét kỹ xem, gặp thời chạm mắt chớ tối mèm.” Mộng là mê thức là tỉnh, tỉnh rồi thì phải quán xét để khi gặp duyên đối cảnh không còn tối nữa. Khi gặp duyên cảnh dính mắc đó là mê, khi tỉnh gặp duyên cảnh không dính mắc là không tối. “Dầu cho ngũ nhãn thông minh đấy, chưa khỏi gọi chuông là hũ xem.” Ngũ nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Dù cho người tu chứng được ngũ nhãn, mà không nhận ra Thể chân thật của mình thì vẫn còn lầm mê, nên Thượng Sĩ dụ như người gọi cái chuông là cái hũ. 

    Dịch: 
    CÂY GẬY 
     Ngày một trong tay nương gậy rong 
     Bỗng dưng như cọp cũng như rồng. 
     Nắm lên lại ngại núi sông nát 
     Quơ gậy, e rằng trời, trăng mờ. 
     Ba thước Song Lâm chỗ nào có 
     Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm. 
     Dù cho thế đạo gai chông lắm 
     Chẳng nệ từ xưa lão chập chùng. 
    Giảng: 
     “Ngày một trong tay nương gậy rong, bỗng dưng như cọp cũng như rồng.” Mỗi ngày mỗi ngày cầm cây gậy rong chơi, nhưng cây gậy này nó có muôn ngàn diệu dụng không thể nghĩ lường nên nói: “Nắm lên lại ngại núi sông nát, quơ gậy e rằng trời trăng mờ.” Đây là diệu dụng của cây gậy hễ Ngài nắm đưa lên thì núi sông tan nát, nếu quơ một cái e trời đất trăng sao đều mờ. Đó là diệu dụng quá mức của cây gậy. “Ba thước Song Lâm chỗ nào có, sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.” Song Lâm có người hiểu lầm là chỗ của Phật nhập Niết- bàn, nhưng Song Lâm đây là chỉ cho chỗ của ngài Phó Đại Sĩ ở Trung Hoa. Ngài Phó Đại Sĩ tự là Huyền Phong hiệu là Thiện Huệ sanh năm 497 tịch năm 569 Dương lịch, quê ở Đông Dương huyện Ô Thương tỉnh Chiết Giang. Ngài tự xưng là Thiện Huệ Đại Sĩ hay là Phó Đại Sĩ hay Song Lâm Đại Sĩ (Song Lâm là chỗ Ngài ở). Năm mười sáu tuổi lập gia đình với bà Lưu Diệu Quang. Sanh được hai người con đặt tên Phổ Kiến và Phổ Thành. Đến năm hai mươi bốn tuổi Ngài đi thả lưới ở sông Chiết Giang, gặp một vị Tăng người Ấn hiệu là Đạt-ma hay Tung Đầu-đà nhắc lại tiền kiếp của Ngài. Vị Tăng bảo: “Ngài cùng tôi lúc xưa tu ở trên cung trời Đâu-suất, bây giờ xuống đây Ngài quên rồi sao?” Nói rồi dẫn Ngài tới một bờ hồ bảo Ngài nhìn xuống dòng nước thì thấy rõ hình ảnh của Ngài là vị Tăng. Khi đó Ngài thức tỉnh xin xuất gia tu hành. Rồi đến huyện Ô Thương ở Tùng Sơn dưới hai cây tùng cất am tu nên để hiệu là Song Lâm am. Sau này thành chùa cũng là Song Lâm. Ngài tu rất đắc lực và có nhiều sự kỳ bí (xem trong Tục Cao Tăng truyện quyển thứ hai mươi lăm, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển thứ hai mươi bảy-ba mươi, Thánh Tăng Truyện quyển bốn kể lại sự tích đời Ngài). Ngài có làm bài kệ đêm đêm ôm Phật ngủ. Sau đây là bài kệ pháp thân của Ngài: 
     Không thủ bả sừ đầu, 
     Bộ hành kỵ thủy ngưu. 
     Nhân tùng kiều thượng quá 
     Kiều lưu thủy bất lưu. 
    Tạm dịch: 
     Tay không cầm cán cuốc 
     Đi bộ cỡi lưng trâu. 
     Người trên cầu đi lại 
     Cầu trôi nước chẳng trôi. 
     Đây là lối nói ngược: tay không lại cầm cán cuốc, đi bộ mà cỡi lưng trâu, cầu trôi nước không trôi v.v.. toàn là chuyện nói ngược, nghĩa là ai muốn nhận ra Pháp thân thì phải có cái nhìn ngược lại. Chúng ta quen đuổi theo ngoại cảnh dính mắc các duyên cho nên không nhận được cái chân thật của mình. Bây giờ muốn nhận ra cái chân thật thì phải xoay trở lại, đừng chạy ra ngoài. Đó là ý nghĩa của hai chữ Song Lâm. Hơn nữa, Phó Đại Sĩ đi đâu cũng cầm cây gậy Song Lâm ba thước (một thước bằng bốn tấc tây). Bây giờ muốn thấy cái diệu dụng của Ngài qua cây gậy phải làm sao? “Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.” Quí vị thấy tượng Bồ-tát Địa Tạng cầm cây tích trượng, trên đầu tích trượng có gắn sáu khoen tượng trưng cho Lục độ. Ngài Địa Tạng cầm cây gậy sáu khoen chúng ta thích lắm, nhưng cũng khó tầm ra. 
     “Dù cho thế đạo chông gai lắm, chẳng nệ từ xưa lão chập chùng.” Dù cho đường đời có gai chông, nhưng mà không ngại, vì lão già đi chập chững đã có cây gậy tùy thân, nên vượt qua hết, thật là diệu dụng của cây gậy khôn lường. Thượng Sĩ nói rằng cây gậy là chỗ nương thân của người yếu đuối. Cũng vậy người tu khi nhận ra THể CHÂN THậT, ĐÓ MớI CHÍNH LÀ CHỗ CủA MÌNH NƯƠNG tựa. Nó có diệu dụng khôn lường nên ở đây Thượng Sĩ dẫn cây gậy của ngài Phó Đại Sĩ và cây tích trượng của Bồ-tát Địa Tạng, ở đời ít ai có, hoặc có mà không nhận ra, nhưng nếu nhận ra thì dù cho đường đời nhiều chông gai, dù cho thân này già yếu cũng vẫn xông pha một cách nhẹ nhàng. Cho nên các Thiền sư nói: “Ông không có cây gậy thì ta cướp cây gậy của ông, còn ông có cây gậy thì ta sẽ cho ông cây gậy.” Các Ngài nói nghe ngược đời, không có lấy gì mà cướp, đã có rồi cho làm gì? Mới nghe dường như ngược, nhưng mà đúng vậy, mình nhận mình có cây gậy thì cho mình mới dùng, còn không nhận mình có cây gậy thì bỏ luôn đâu có dùng. Cho nên nói không có thì cướp, mà có thì cho. Cây gậy đó không phải là cây gậy tầm thường, mà là cây gậy để chúng ta nương thân qua bờ bên kia; đó là chỉ Pháp thân của mỗi người vậy. 

    Dịch: 
    CHIẾU THÂN 
     Cháy đầu dập trán mặc kim bào 
     Năm bảy năm qua kiếp ngựa mao. 
     Ví thực siêu quần cùng xuất chúng 
     Một lần buông xuống một lần cao. 
    Giảng: 
     Chiếu thân là soi lại thân mình, xét lại để thấy rõ cuộc sống của đời mình như thế nào. Soi lại đời mình Thượng Sĩ thấy “cháy đầu dập trán mặc kim bào, năm bảy năm qua kiếp ngựa mao”. Kim bào là cái áo giáp của mấy ông quan nhà tướng. Theo Thượng Sĩ, mặc áo giáp của mấy ông quan nhà tướng, tức là làm tướng làm quan năm bảy năm, nhớ lại như là kiếp trâu ngựa, đó là nỗi buồn của Ngài. Nỗi buồn này không phải là nỗi buồn của một nhà Nho bị thất sủng, rồi chán đời về ở nơi hoang dã hay chỗ điền viên, làm thơ để chế giễu cuộc đời. Đối với Thượng Sĩ thì khác; bao nhiêu năm làm quan tuy luôn luôn được hưởng ân sủng của nhà vua, nhưng Ngài nhớ lại thấy chỉ là một kiếp trâu ngựa không có gì quan trọng. “Ví thực siêu quần cùng xuất chúng, một lần buông xuống một lần cao.” Qua hai câu này chúng ta thấy Thượng Sĩ là người tu theo đạo Phật có quan niệm khác hơn những nhà Nho. Nhà Nho khi mất địa vị mất quyền lợi thì về vườn than thân trách phận đủ thứ, còn ở đây Thượng Sĩ nhìn thấy giá trị của quyền tước danh vọng không đáng kể, nó chỉ là một kiếp tôi đòi. Thấy rõ như vậy nên buông quách nó và nhảy vọt lên một bình diện cao hơn, chớ không phải buông ra rồi than thân trách phận. Đó là điểm đặc biệt của Thượng Sĩ, vì Ngài đã hiểu đạo và sống được với đạo. Quan niệm của Ngài rất hợp với quan niệm của người xuất gia. Ở trong pháp hội này cũng có những người có chút ít địa vị và sự nghiệp trong xã hội, nhưng thức tỉnh nhớ lại những thứ ấy thấy như bọt nước, như hoa đốm không bền chắc rồi buông bỏ hết để đi tu. Tuy nhiên, chúng ta phải học theo Thượng Sĩ là một lần buông là một lần nhảy lên cao, chớ đừng nuối tiếc, buông rồi nắm lại, tuột xuống chỗ thấp kém, như vậy không xứng đáng là người xuất gia. 

    Dịch: 
    TỰ ĐỀ 
     Ánh thu có bút khó hình dung 
     Mắt ngắm núi sông chốn chốn đồng. 
     Một mạch Tào Khê lạnh ngăn ngắt 
     Ngàn năm Hùng Nhĩ biêng biếc tùng. 
     Lồng đèn đập phá Kim Cang khóa 
     Cột cái nuốt ngon gai góc trong. 
     Muốn biết trong đây ý đích thực 
     Tân La đêm giữa mặt trời hồng. 
    Giảng: 
     “Ánh thu có bút khó hình dung, mắt ngắm núi sông chốn chốn đồng.” “Ánh thu” biểu trưng cho TÁNH giác có sẵn nơi mỗi người. Tánh giác trong sáng như ánh sáng mùa thu, nó sáng trong mát diệu, dù chúng ta có bút cũng không thể nào tả được, vì nó không có tướng mạo nên không thể diễn tả, nên nói khó hình dung. Nhưng nhờ ánh sáng của mùa thu mà chúng ta nhìn khắp hết núi sông, nơi nơi đều nhìn thấy suốt một cách rõ ràng không mờ tối. “Một mạch Tào Khê lạnh ngăn ngắt, ngàn năm Hùng Nhĩ biêng biếc tùng.” Mạch Tào Khê tức là dòng suối Tào Khê chỗ ở Lục Tổ nơi đó lạnh ngắt. Và, những cây thông cây tùng trên núi Hùng Nhĩ sau lưng chùa Thiếu Lâm trồng cả ngàn năm mà vẫn xanh biêng biếc. Nhờ có “ánh thu” mà chúng ta cảm nhận được dòng nước Tào Khê lạnh ngăn ngắt, nhờ có “ánh thu” chúng ta mới thấy được màu xanh biêng biếc của những cây tùng ở núi Hùng Nhĩ. Ý Thượng Sĩ nói rằng nếu nhận ra nơi chúng ta có tâm thể không sanh không diệt thì sẽ nhận được ý chỉ của Tổ Bồ-đề-đạt-ma và Lục Tổ ở Tào Khê. 
    “Lồng đèn đập phá Kim Cang khóa, cột cái nuốt ngon gai góc trong.” Cái khóa Kim Cang quá cứng mà lồng đèn đập phá làm cho nát cái khóa đó. Cây cột cái lại nuốt hết những lùm gai góc. Ở đây ý Thượng Sĩ muốn nói gì? Thiền sử có ghi ngài Vân Môn khi thượng đường chỉ cây cột cái nói: “Cây cột cái này với chư Phật tương quan.” Có khi chỉ cây cột cái nói: “Sao không nói Thiền đi?” Thượng Sĩ dùng hình ảnh lồng đèn đập khóa Kim Cang, cột cái nuốt hết gai góc là muốn nói rằng: Thiền sư khi muốn chỉ cho người học đạo nhận ra cái chân thật thì không cho suy gẫm phân biệt, vì suy gẫm phân biệt là hư dối và còn nằm trong sự đối đãi. Muốn nhận ra cái chân thật thì phải buông hết ý nghĩ suy gẫm phân biệt, nên cái Ngài hay nói những câu vô lý như “lồng đèn đập nát khóa Kim Cang”... để chúng ta không còn suy nghĩ gì nữa. Cả ngày các Ngài nói mà không động lưỡi, cả ngày nhai mà không nát hạt cơm, các Ngài nói đông nói tây mà không có cái gì để chúng ta suy nghĩ hết. Đó là cái thuật khéo của các Thiền sư. Bây giờ chúng ta chưa có gì kỳ đặc nên nói ra thì phải phân tích để suy gẫm đúng sai v.v... Còn các Ngài nói không cho suy gẫm, mà không suy gẫm thì mới thấy được lý chân thật. Hai câu này ý nói muốn nhận ra cái chân thật thì phải buông tất cả những suy gẫm của ý và phân biệt của trí, hai cái đó buông hết thì mới nhận ra “ánh thu” là tâm thể chân thật nơi mình. 
     “Muốn biết trong đây ý đích thực, Tân La đêm giữa mặt trời hồng.” Tân La là nước Triều Tiên. Nước Triều Tiên ở về phía đông nước Trung Hoa, mỗi sáng mặt trời lên ở phương đông, như vậy ở Tân La thấy mặt trời trước nhất. Ở đây Thượng Sĩ lại nói rằng: “muốn biết trong đây ý đích thực, Tân La đêm giữa mặt trời hồng” là muốn biết ý đích thực thì phải thấy ngược lại là nửa đêm mà thấy mặt trời mọc, thấy như vậy là không còn gì để suy gẫm, nếu thấy mà còn suy gẫm để phân biệt thì chưa thấy ý đích thực; tức là chưa hưởng được “ánh thu” mà Ngài nói ở đây. 
     
    Dịch: 
    CHỢT TỈNH 
     Đoán rằng Không Hữu chẳng khác nhau 
     Sanh tử vốn từ mạch sóng xao. 
     Trăng sáng tối qua, nay trăng sáng 
     Hoa cười năm mới, năm cũ hoa. 
     Ba đời nhanh chóng, gió đùa đuốc 
     Chín cõi xoay vần, kiến bò quanh. 
     Hoặc hỏi thế nào là cứu kính 
     Ma-ha Bát-nhã Tát-bà-ha. 
    Giảng:
     “Đoán rằng KHÔNG HỮU chẳng khác nhau.” Mở đầu Thượng Sĩ nói KHÔNG và CÓ hai cái không khác nhau. Tại sao vậy? Vì chúng ta luôn luôn nhìn cuộc đời đây là có kia là không, đây là phải kia là quấy, đây là tốt kia là xấu v.v... nhìn sự vật theo cái nhìn đối đãi hai bên. Nhưng cái đối đãi hai bên thể nó không thật; KHÔNG chẳng thật không, CÓ chẳng thật có. Nghĩa là cái KHÔNG không có hình tướng thô chớ có những cái tế ở trong đó. CÓ là do tướng duyên hợp có hình tướng thô nên gọi là có, nhưng trong đó lẫn bao nhiêu cái không. Chúng ta nghiệm lại thân mình thì đủ biết, trong cái thân duyên hợp này mà không có khoảng hư không thì làm sao sống được? Như cái miệng không trống làm sao nhai nuốt đồ ăn để nuôi sống thân này? Và, nếu bao tử là một khối đặc sệt không có chỗ trống lấy gì chứa thức ăn? Vậy trong cái CÓ có chứa cái không. Thế nên KHÔNG chẳng tuyệt đối không, mà CÓ cũng chẳng tuyệt đối có. Tôi dẫn câu chuyện bắt hư không của ngài Trí Tạng để quí vị rõ nghĩa này: 
     Thiền sư Huệ Tạng cùng Trí Tạng dạo chơi. Huệ Tạng hỏi Trí Tạng: 
     - Sư đệ biết bắt hư không chăng? 
     Trí Tạng đáp: 
     - Biết. 
     - Làm sao bắt được? 
     Trí Tạng lấy tay chụp hư không. 
     Huệ Tạng nói: 
     - Làm như thế đâu bắt được hư không. 
     - Huynh làm sao bắt? 
     Huệ Tạng liền nắm mũi Trí  Tạng kéo mạnh. Trí Tạng đau quá la lên: 
     - Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay! 
     Huệ Tạng bảo: 
     - Làm như thế mới bắt được hư không! 
     Đó là sự thật, nếu trong lỗ mũi không có hư không làm sao thở? Như vậy nắm lỗ mũi là bắt được hư không rồi. Và, cái không nó có sẵn trong cái có chớ không phải riêng chỗ khác. Cái có sẵn trong cái không. Như trong hư không chúng ta thấy có biết bao nhiêu là bụi, mà bụi là có hình tướng, như vậy cái có đã nằm sẵn trong không. Hiểu ý này mới nhận ra cái lý KHÔNG HỮU không khác nhau. “Sanh tử vốn từ mạch sóng xao.” Câu này đánh thức chúng ta nhiều nhất. Sanh tử là sống chết, cái đó từ đâu mà có? Vọng tưởng dấy động dụ cho sóng, tâm thể chân thật dụ cho biển. Biển vốn lặng, do gió thổi nước chao động dấy sóng dụ cho sanh tử. Vậy, sanh tử có ra là từ cái dấy động nơi tâm chớ không phải từ đâu đem lại, những dấy động ở tâm mình là những mầm sanh tử. Đức Phật dạy người tu phải buông hết những cái dấy động, không cho chúng ta tiếp tục gieo mầm sanh tử. 
     “Trăng sáng tối qua, nay trăng sáng, hoa cười năm mới, năm cũ hoa.” Trăng sáng hôm qua và trăng sáng hôm nay không khác. Hoa năm mới không khác với hoa năm cũ. Như mùng một thấy hoa nở, qua ngày mùng hai mùng ba thì mùng một là năm cũ rồi, những cái hoa ngày mùng một và hoa ngày mùng hai, mùng ba là hoa của năm cũ mà cũng là của năm mới. Như vậy hoa năm cũ hoa năm mới đều là hoa, trăng hôm qua trăng hôm nay cũng là trăng, có khác nhau đâu? 
     “Ba đời nhanh chóng gió đùa đuốc.” Ba đời quá khứ hiện tại vị lai qua nhanh như gió thổi. Ban đêm chúng ta cầm đuốc đi đường gặp gió thổi mạnh, cây đuốc dài thấy nó cụt, gió càng thổi nhanh thì đuốc càng tàn sớm. Như vậy quá khứ hiện tại vị lai qua vùn vụt, giống như ngọn đuốc gặp gió mạnh thổi mau tàn! Nghĩ lại xem mới tháng tám tới tháng chín rồi tháng mười, cứ như vậy mà qua đều đều. Và, năm ngoái, năm nay, năm tới, cứ liên miên không dừng, nên nói ba đời thời gian qua nhanh chóng như ngọn gió thổi mạnh thì cây đuốc mau tàn. Đó là ý gió đùa đuốc. “Chín cõi xoay vần kiến bò quanh.” Chúng ta thường nghe nói lục đạo, sao ở đây Ngài nói chín cõi? Bởi vì ở đây Ngài căn cứ kinh Lăng Nghiêm nên nói có chín cõi. Chúng ta bị luân hồi trong chín cõi lên xuống qua lại giống như con kiến bò quanh miệng chén không có ngày cùng, vì miệng chén không có đầu đường và cuối đường. Buồn chưa? 
     “Hoặc hỏi thế nào là cứu kính, Ma-ha Bát- nhã Tát-bà-ha.” Hỏi làm sao ra khỏi thời gian nhanh chóng và ra khỏi vòng luân hồi thì chỉ cần “Ma-ha Bát-nhã Tát- bà-ha”. Tới đó lặng yên không cần suy nghĩ gì cả! Thượng Sĩ không cho chúng ta suy nghĩ nên mới dùng câu kết “Ma- ha Bát-nhã Tát-bà-ha”. Nhưng ở đây tôi tạm giải thích từ ngữ. Ma-ha là tiếng Phạn Trung Hoa dịch là Đại, Bát- nhã dịch là trí tuệ, Tát-bà-ha chỗ khác gọi là Tát- bà-nhã gọi là Nhất thiết chủng trí, là trí biết tất cả giống loại. Như vậy, chỗ cứu kính là chỗ thấu suốt được tất cả. Đó là giải thích theo chữ nghĩa, còn nói theo lý Thiền thì chỗ cứu kính là chỗ bặt suy tư bàn luận. 

    Dịch: 
    TỰ TẠI 
     Bìm, chuột không nhân mãi mãi xâm 
     Lui về, già gởi chốn sơn lâm. 
     Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát 
     Không đúng không sai tự tại tâm. 
    Giảng: 
     Thượng Sĩ diễn tả tâm tự tại của người đã đạt đạo. Mở đầu Ngài nói: “Bìm, chuột không nhân mãi mãi xâm.” Ngài dẫn câu chuyện trong kinh Đại Tập, đức Phật kể rằng: Có một anh chàng bị hai con voi đuổi gấp, anh chạy trốn, gặp được cái giếng, anh đu dây tuột xuống giếng để có chỗ ẩn an toàn. Nhưng, anh bám sợi dây đu đưa trong lòng giếng sâu chẳng an ổn tí nào. Chung quanh thành giếng có bốn con rắn độc le lưỡi chực cắn anh. Đầu trên sợi dây anh đang đu, có hai con chuột một đen một trắng chạy qua chạy lại cạp sợi dây sắp đứt. Ở dưới đáy giếng có ba con rồng dữ phun lửa lên. Tình huống của anh bấy giờ vô cùng bức ngặt, khó bề thoát thân! Sợi dây treo sanh mạng của anh, chuột đang cạp sớm muộn gì cũng đứt. Sợi dây dụ cho mạng căn. Chuột đen chuột trắng dụ cho đêm và ngày. Câu “bìm, chuột không nhân mãi mãi xâm”, nghĩa là không lý do gì hết mà hai con chuột cứ chạy qua chạy lại cạp sợi dây sắp đứt. Cũng vậy, mạng sống của chúng ta ngày qua đêm lại tuổi thọ sắp hết, cái già nó đuổi gấp, cái chết sắp tới nơi, bây giờ phải làm gì đây? “Lui về, già gởi chốn sơn lâm.” Bây giờ lui về gởi cái thân già chốn núi rừng mặc cho mọi sự vật đổi thay dồn đuổi. Giờ phút chót của cuộc đời ở chốn sơn lâm để “nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát”. Chỉ một mái nhà tranh cửa làm bằng gỗ mà cuộc đời được an nhàn thanh thoát. Sống cuộc đời đạm bạc dù ai có nói đúng nói sai, cũng bỏ qua không thèm lưu tâm tới, nên lúc nào cũng được an nhàn tự tại. Nếu ở sơn lâm mà tâm còn chấp đúng sai thì vẫn còn phiền não. Cho nên dù ở đâu, nếu muốn được an nhàn tự tại thì phải gỡ bỏ những chấp trước đúng sai, vì nó là những mầm sanh ra phiền não khổ đau. Nên Ngài kết thúc bằng câu: “Không đúng không sai tự tại tâm.” 
     Bài này Thượng Sĩ diễn tả hình ảnh một lão già thâm hiểu giáo lý Phật, biết rõ thân vô thường tạm bợ, lui về ở ẩn chốn núi rừng, sống đời sống đạm bạc, buông xả mọi chấp trước phải quấy hơn thua để tâm được an nhàn tự tại. 
     
    Dịch: 
    BẢO HỌC TRÒ 
     Niệm khởi tâm tâm khởi 
     Tâm quên niệm niệm quên. 
     Muốn biết ý đích thực 
     Cọp đá cắn dê vàng. 
     Đất trời ngón tay khảy 
     Sông núi tiếng ho khàn. 
     Tạm thời mưa gió động 
     Gà gáy canh năm sang. 
    Giảng: 
     Bảo học trò là khuyên những người học trò học đạo với Ngài. Mở đầu Ngài nói “niệm khởi tâm tâm khởi”. Vừa khởi niệm thì tâm yêu, ghét, hờn giận... khởi lên. “Tâm quên niệm niệm quên.” Niệm là động cơ khiến cho buồn thương giận ghét theo đó dấy khởi; nếu buông xả tâm không chấp chứa thì những niệm khởi cũng theo đó mà hết. Như vậy tâm và niệm hai cái đó nó liên hệ nhau; cái là ngọn cái là gốc. Niệm khởi là gốc, thương ghét là ngọn, nếu cái gốc khởi thì ngọn theo đó sum sê, nếu cái ngọn tàn thì cái gốc lần lần cũng diệt, nên nói “tâm quên niệm niệm quên”. 
     “Muốn biết ý đích thực, cọp đá cắn dê vàng.” Cọp bằng đá dê bằng vàng cắn nhau được không? Cọp đá và dê vàng cả hai đều vô tình làm sao cắn nhau? Chúng ta tu muốn thấu tột chỗ chân thật cứu kính thì tâm niệm phải sạch hết. Tâm niệm lăng xăng lặng hết rồi, chúng ta giống như vô tình như cây đá. Song, sự thật không vô tình. Vì: 
     “Đất trời ngón tay khảy, sông núi tiếng ho khàn.” Chỉ cần khảy móng tay thì đất trời rúng động, chỉ một tiếng ho khàn thì sông núi ngả nghiêng. Ý Thượng Sĩ nói, khi chúng ta tu đến chỗ rốt ráo dường như không còn niệm không còn tâm, nên dụ như cọp đá dê vàng. Song, đạt được chỗ không còn tâm không còn niệm thì diệu dụng không thể lường nổi. Vì vậy mà khi Tổ Bồ-đề- đạt- ma đạt đến chỗ này Ngài chỉ cần bẻ một cành lau ném xuống nước liền biến thành con thuyền cho Ngài cỡi sóng vượt biển khơi. Thượng Sĩ dẫn ý này để nhắc chúng ta tu đừng lo sau khi tâm niệm vắng lặng rồi rơi vào không, tức là không còn gì hết. 
     “Tạm thời mưa gió động, gà gáy canh năm sang.” Người tu tới chỗ này tuy còn ở trong thế gian tới lui qua lại, nhưng thấy sanh hoạt hằng ngày chỉ là tạm bợ, chớ không thật. Thấy có mưa có gió... Chẳng khác nào sáng nghe tiếng gà gáy rộ thì biết là canh năm mặt trời sắp mọc. Khi tu đạt tới chỗ đó tuy chưa phải là Phật là Tổ nhưng đã bước vào cảnh giới xán lạn; tức là từ cảnh giới mê lầm bước sang cảnh giới giác ngộ. Đến đây rồi vẫn còn ăn còn ngủ còn nói năng sanh hoạt như kẻ phàm tục, nhưng trí tuệ thì sáng ngời khác hơn kẻ phàm tục vậy. 

    Dịch: 
    BẢO TU NGHIỆP 
    TÂY PHƯƠNG 
     Thân báu Di-đà ở nội tâm 
     Đông Tây Nam Bắc pháp thân trùm. 
     Bầu trời chỉ thấy vầng trăng lẻ 
     Trong vắt đêm thu cả biển chùa. 
    Giảng: 
     Đa số người tu, niệm Phật là cầu sanh về Tây phương, mà ở đây Thượng Sĩ nói tu nghiệp Tây phương, nên có nhiều người không chịu. Chúng ta phải biết nghiệp có ba loại: nghiệp thiện, nghiệp ác, và nghiệp tịnh. Làm lành, nói lành, nghĩ lành là nghiệp thiện, làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ là nghiệp ác. Chuyên niệm danh hiệu Phật để tâm được thanh tịnh là nghiệp tịnh. Tại sao gọi là nghiệp tịnh? Vì còn tác động là còn tạo nghiệp, tác động lành thì tạo nghiệp lành, tác động dữ thì tạo nghiệp ác, tác động tịnh thì tạo nghiệp tịnh. Thế nên Thượng Sĩ mới bảo tu nghiệp Tây phương tức là tu nghiệp tịnh để về cõi Tây phương. “Thân báu Di-đà ở nội tâm.” Đối với các Thiền sư thì niệm Phật không phải để nhớ đức Phật ở cõi Cực LạC phương Tây mà niệm Phật là nhớ Phật ngay nơi tâm mình. Đa số người tu theo pháp môn Tịnh độ niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để cầu sanh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Đó chỉ là quan niệm của những người tu theo Tịnh độ mà chưa thấu suốt lý cứu kính của pháp tu này. Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu chữ Di-đà là gì? Nam-mô A-di-đà Phật là đọc trại âm chữ Phạn, nếu đọc đúng âm tiếng Phạn phải đọc Na-mô A-mi-ta Bu-đa. A-di- đà là dịch âm, nếu dịch nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, vô lượng thọ là tuổi thọ không lường, vô lượng quang là ánh sáng không lường. Như vậy, Phật A-di-đà là một vị Phật có tuổi thọ vô lượng ánh sáng vô lượng. Nhưng theo Thiền tông thì Phật tánh có sẵn nơi mỗi người là thể tánh sáng suốt trùm khắp không hình tướng không sanh diệt. Phật tánh không tướng mạo không sanh diệt thì tuổi thọ bao nhiêu? - Làm sao tính đếm? Nên nói vô lượng thọ. Phật tánh sáng suốt không có giới hạn nên nói vô lượng quang. 
     Ai ai cũng đều có Phật tánh nên Thượng Sĩ nói: “Thân báu Di-đà ở nội tâm.” Thiền tông nhận ra Phật ở ngay tâm mình chớ không nhận Phật ở ngoài. Trong kinh A-di-đà có đoạn nói rằng: “Nếu người nào niệm danh hiệu Phật A-di-đà được nhất tâm bất loạn, từ một ngày cho đến bảy ngày thì người đó khi lâm chung sẽ thấy Phật hiện trước.” Như vậy khi niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, tức là tâm không còn dấy niệm, tâm không dấy niệm lặng lẽ hoàn toàn thì Phật tánh hiện tiền, cho nên nói thấy Phật hiện. Hiểu như thế mới phù hợp với cái lý niệm Phật. Tu pháp nào cũng vậy sự lý phải viên dung, chớ không thể chấp sự mà bỏ lý được. Chúng ta niệm danh hiệu Phật A-di-đà để cho tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì nhắm mắt thấy Phật, đó là thấy ông Phật của chính mình. 
     Có một vị sư tu Thiền hỏi vị sư tu Tịnh độ: 
     - Anh tu pháp môn gì? 
     - Tôi tu pháp môn Tịnh độ. 
     - Đức Phật A-di-đà bao nhiêu tuổi? 
     - Bằng tuổi của tôi. 
     - Anh bao nhiêu tuổi? 
     - Bằng tuổi Phật A-di-đà. 
     Nghe câu trả lời của vị ấy, chúng ta thấy như đùa cợt bất kỉnh Phật, nhưng lại phù hợp với lý này. Phật A-di- đà là tự tánh thanh tịnh của mình. Tự tánh ấy trùm khắp chớ không riêng ở nơi nào, nên nói: “Đông Tây Nam Bắc pháp thân trùm.” Hai câu này Thượng Sĩ xác định rằng Phật tức tâm chớ không phải ở ngoài, Phật A-di-đà chính là tánh giác bất sanh bất diệt sáng suốt có sẵn nơi mỗi người. 
     “Bầu trời chỉ thấy vầng trăng lẻ, trong vắt đêm thu cả biển chùa.” Cả bầu trời đêm mười sáu nếu không mây thì nhìn lên chỉ thấy có một vầng trăng, nhưng nhìn xuống dưới biển thì thấy đầy cả biển trăng. Biển chùa là chỉ cho bóng mặt trăng. Đêm trăng có một trăm chiếc thuyền đi trên biển, mỗi người ngồi trên thuyền của mình nhìn xuống biển thì thấy có một mặt trăng, một trăm người ngồi trên một trăm chiếc thuyền thì thấy có một trăm bóng mặt trăng đi theo. Nhưng nhìn lên bầu trời chỉ thấy có một vầng trăng thôi. Như vậy một trăm bóng trăng đó là thật hay giả? Bóng là bóng mặt trăng chớ không phải mặt trăng thật. Bóng mặt trăng thì nhiều mà mặt trăng thật thì không có hai. Cũng vậy, pháp thân của chúng ta không hai, nhưng khi mê nó dấy lên bao nhiêu thứ tâm, lường không hết tính không được. Chúng ta tu cốt là buông bỏ những niệm lăng xăng, để trở về với thể chân thật không hai. Trong nhà Phật thường gọi là lý bất nhị; bất nhị là không còn hai vì còn hai là chưa tới lẽ thật. Thế nên người tu theo pháp môn Tịnh độ là phải đạt tới chỗ nhất tâm, nhất tâm thì Phật tánh mới hiển bày đó là Phật A-di- đà của chính mình nên nói Phật tức tâm. 

    Dịch: 
    THOÁT ĐỜI 
     Chuyển mình một nhảy khỏi lửa vòng 
     Muôn việc đều không vào mắt không. 
     Ba cõi thênh thang tâm sáng rỡ 
     Vầng trăng tây lặn, nhật lên đông. 
    Giảng: 
     Người nào muốn thoát khỏi vòng trần tục thì phải học theo lời chỉ dạy của Thượng Sĩ là: 
     “Chuyển mình một nhảy khỏi lửa vòng, muôn việc đều không vào mắt không.” Một tối nào đó chúng ta chất bổi thành vòng tròn đốt lửa lên, chúng ta đứng ở giữa, nếu muốn ra khỏi vòng lửa thì phải nhảy một cái cho thật cao và thật xa mới ra được. Cũng vậy, nếu muốn ra khỏi vòng trần tục thì phải nhảy một lần cho thật cao và thật xa mới ra khỏi, bằng không chúng ta sẽ bị lửa đốt thân. Lửa này là lửa vô thường, lửa nóng giận, lửa ái dục v.v... Nhảy khỏi vòng lửa này, chúng ta phải nhìn sự vật với cặp mắt không dính không mắc. Vì chúng ta quen nhìn sự vật với cặp mắt có tác ý phân biệt, nên lửa mới vây ta được. Bây giờ nhìn sự vật ở thế gian thấy rõ nó hư dối tạm bợ, do duyên hợp mà thành. Tuy vật có đó mà vẫn không làm bận lòng chúng ta. Cái nhìn của chúng ta không vướng mắc vào đâu cả, nên nói “muôn việc đều không vào mắt không”. Như vậy thì “ba cõi thênh thang tâm sáng rỡ, vầng trăng tây lặn nhật lên đông”. Người mà thấy được như vậy rồi thì thấy ba cõi thênh thang tâm sáng rỡ như mặt trăng giữa bầu trời không mây. Tức là thấy rõ lẽ thật của cuộc đời không còn điều gì ngờ vực, giống như mặt trời mọc ở phương đông và mặt trăng lặn ở phương tây. Đó là lý đương nhiên không có gì để nghi ngờ. 
     Tóm lại Thượng Sĩ muốn nói người nào có khả năng nhảy khỏi vòng trần tục thì phải nhảy một cái cho thật mạnh và thật xa mới thoát ra được, nếu nhảy không xa thì bị lửa đốt cháy. Muốn nhảy được thì phải biết nhìn tất cả sự vật đều không có gì thật hết, được như vậy tâm mới sáng rỡ thênh thang không có gì che khuất và chân lý sẽ hiện tiền. Vậy quí vị phải đem hết sức mình mà nhảy một cái cho ra khỏi vòng trần lụy, chớ đừng để hụt chân thì nguy lắm! 
     
    Dịch: 
    VUI THÚ SÔNG HỒ 
     Sông dài thuyền nhỏ nổi lênh đênh 
     Chèo nhịp đẩy qua đoạn thác ghềnh. 
     Tiếng nhạn từ đâu đưa vẳng lại 
     Gió thu dấy động khắp mông mênh. 
    Giảng: 
     Bài thơ này Thượng Sĩ làm lúc dạo chơi ở sông hồ, khi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên mặt sông hồ, từ từ chèo lướt qua đoạn thác ghềnh. Khi tới đầu ghềnh thì thấy thác đổ, bỗng có tiếng chim nhạn từ đâu vẳng lại và lúc đó gió thu thổi đến dấy động khắp mặt hồ. Đó là bài thơ thuần tả cảnh chớ không nói lý Thiền. 
     

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chuyến Bàn dieu kien den voi kinh phap hoa tâm thức suy tư liên tục thiền giữa đường hoa trí tuệ và kỉ cương 中孚卦 อาจารอเกว sự tích quan thế âm bồ tát お墓のお手入れ方法 xuân trong nét đẹp người tu æ æ æœ ç quay về với hiện tại 什么叫斋主 tứ thập nhị chương お寺との付き合い 檀家 大学生申请助学金的申请理由怎么写 曹洞宗 御禅会 参加方法 tranh phat giao qua cach nhin nghe thuat dao nguoc Tuà chua son thuy Mứt hoa hồng thắm đỏ Nguyễn 8 cách giúp bạn cai thuốc lá hiệu quả Những loại cây và hoa độc 山西林业职业技术学院 梵僧又说我们五人中 Ngài Gyalwang Drukpa Hãy chuyển hóa oán Ai có thể thở giùm ai ด หน ง hạnh phúc đến từ đâu 栃木県寺院数 hòa thượng tịnh sự 1913 人生是 旅程 風景 xanh hòa thượng thích phúc hộ 1904 簡単便利戒名授与水戸 cu Ngừng thở khi ngủ ảnh hưởng xấu Ba tôi và thiền khán thoại đầu Trung 佛教与佛教中国化 Trá Ÿ giû ý nghĩa trai đàn chẩn tế ղ 浄土真宗 お守り Táo có lợi cho sức khỏe ศ กษาพระพ ทธะว Đọc kinh sám hối tham thiền