Hỏi:
Thiền
có lợi ích cho con người thế nào?
Đáp:
Có
đủ thứ thiền, nhưng tôi hoằng Tổ sư thiền là pháp thiền
trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền. Thiền này rất
lợi ích, như tham thiền được 5 phút thì 5 phút này không
có phiền não, tham được một ngày thì một ngày không có
phiền não, tham được một tháng thì một tháng này không
có phiền não, vừa làm là có lợi ích liền. Còn các thiền
kia là tọa thiền có rất nhiều nên tôi không thể nói ra
được, người tu Phật pháp phải tu đúng tông chỉ của tông
phái đó.
Như
tông Thiên thai có chỉ quán thiền, tông Duy thức có Duy thức
quán thiền, tông Hiền thủ có Pháp giới quán thiền, mỗi
tông phái đều có thiền riêng của tông phái đó. Tông Tịnh
độ cũng có 16 pháp thiền quán. Nếu tu không đúng theo tông
chỉ thì có hại.
Tông
chỉ của Tổ sư thiền là có chín chữ “vô sở đắc, vô
sở cầu, vô sở sợ”. Đúng tông chỉ thì không có thiền
bệnh, không bị tẩu hỏa nhập ma. Ma nhập được là do có
sở cầu, có sở đắc, có sở sợ; thực hành được chín
chữ này nên không thể nhập ma.
Hỏi:
Tánh
tình nóng nảy hay lo lắng mà học thiền có thể bớt không?
Đáp:
Những
người thích xem hát, tham Tổ sư thiền một thời gian không
thích đi xem hát nữa; có người ham mặc đồ đẹp, tham thiền
một thời gian không ham mặc đồ đẹp nữa; có người ưa
ăn uống, tham thiền một thời gian không ưa ăn uống nữa.
Tại sao? Vì nghi tình là không biết, cứ tối ngày giữ không
biết hoài thì sự ham thích tự nhiên không còn.
Cái
nóng nảy cũng vậy, nếu không biết làm sao biết nóng nảy!
Người ta chửi mắng, đánh đập mình, mình nhẫn nhục được
nhưng trong tâm thấy rất khó chịu. Tham Tổ sư thiền thì
người ta có chửi mắng mình cũng không biết, không thấy
khó chịu; ở trong tâm không có nhẫn nhục, đó mới là chân
thực nhẫn nhục.
Hỏi:
Con
nghe nói người hay lo lắng suy nghĩ nhiều mà tu thiền có thể
bị tẩu hỏa nhập ma phải không?
Đáp:
Chính
tẩu hỏa nhập ma là do lo lắng suy nghĩ, còn Tổ sư thiền
là không cho bộ óc suy nghĩ. Nếu có suy nghĩ không phải tham
thiền, không cho bộ óc lo lắng, lo lắng và suy nghĩ là biết.
Tham thiền không suy nghĩ, không cho tìm hiểu câu thoại đầu;
học thiền học đạo cũng không cho. Tại sao tham thiền mà
không cho học thiền học đạo? Vì tham thiền đã có thiền
có đạo rồi, nếu còn học thiền học đạo thì ở trong
Thiền tông gọi là đầu thượng an đầu (trên đầu mọc
thêm đầu).
Mình
đã có một cái đầu đủ dùng rồi, nếu mọc thêm một cái
đầu nữa làm cho cái đầu này khó chịu, phải mời bác sĩ
cắt bỏ mới được, không cắt bỏ thì rất cực khổ. Tìm
hiểu thiền tìm hiểu đạo còn không cho, huống là cái khác
mà lo lắng gì nữa!
Hỏi:
Chúng
con là kẻ sơ cơ tham câu thoại thấy nhạt nhẽo vô vị quá,
làm sao câu đó giúp con đạt đến kiến tánh được?
Đáp:
Tổ
thứ 18 của tông Lâm Tế là Thiền sư Trung Phong dạy mình
phải thống thiết sanh tử, hôm nay mình sống đây, không biết
ngày mai còn sống không! Như tôi năm nay 68 tuổi, rồi 10 năm
sau 78 tuổi, 10 năm sau nữa là 88 tuổi, 10 năm sau nữa 98 tuổi,
10 năm nữa 108 tuổi, cứ suy nghĩ hoài tới chừng đó làm
sao? Nếu trước khi chết, mình không giải quyết vấn đề
sanh tử, không biết chết rồi sẽ ra sao?
Trước
khi chết, phải giải quyết, phải thống thiết vấn đề sanh
tử của mình. Dẩu cho mình ở ngoài thế gian có sự nghiệp
bằng vua, thế lực cũng mạnh, tiền tài cũng nhiều hơn cả
nước; nhưng kết cuộc bi thảm là phải già phải bệnh phải
chết. Nếu giải quyết sanh tử không được thì cái khổ
vẫn tiếp tục mãi mãi.
Cho
nên, tham thiền không được nhờ hứng thú, nếu nhờ hứng
thú để tham thiền thì hết hứng thú lại bỏ tham. Ngài Hư
Vân nói “năm đầu là sơ tham, năm thứ nhì là lão tham, năm
thứ ba hết hứng thú thì hết tham”. Nếu sanh tử được
giải quyết thì sanh tử tự do, không tham nữa. Chưa giải
quyết sanh tử nên phải tiếp tục tham. Vì vậy, mình phải
thống thiết sanh tử, chứ đừng nhờ hứng thú để tham.
Hỏi:
Khi
ngồi thiền, tâm hay bị phân tán thì có cách gì tâm khỏi
bị phân tán?
Đáp:
Tâm
phân tán là có muốn đắc, có muốn cầu, có sở sợ. Nếu
thực hành được 9 chữ “vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở
sợ”, tự nhiên tâm không bị phân tán. Lại chính nghi tình
là không biết, không biết làm sao phân tán, biết mới phân
tán.
Nghi
tình là do Phật Thích Ca truyền rất hay, chỉ giữ một chữ
nghi thì được thành tựu tất cả. Khi đã không biết nên
tất cả đều được giải quyết. Giới định huệ, lục
độ vạn hạnh cho đến công thương kỹ nghệ ở xã hội,
niệm Phật, trì chú, sám hối cũng gồm trong đó, chứ không
có ở ngoài.
Hỏi:
Tối
thiểu ngồi thiền là bao nhiêu lâu?
Đáp:
Tham
thiền không phải ngồi thiền, ngồi thiền không phải tham
thiền; tham thiền không cần ngồi, Lục Tổ nói “Đạo do
tâm ngộ bất tại tọa”, ngộ là do tâm, chứ không phải
do thân. Thân này sau khi chết, đi thiêu thành tro, chôn thành
đất; còn tâm mình không thể biến thành tro, biến thành đất,
vĩnh viễn tồn tại, cho nên mới cần tu, tu cái tâm này; tâm
này ngộ thì tất cả khổ đều được giải thoát, tự do
tự tự tại, tự làm chủ tâm mình.
Bộ
óc làm chủ thì có ngã chấp, tranh giành trong xã hội, chửi
mắng, xung đột sanh ra đổ máu. Nếu phát hiện được Phật
tánh của mình thì Phật tánh làm chủ, bộ óc làm đầy tớ.
Phật tánh làm chủ thông qua bộ óc để dùng ra, nên ngã chấp
không còn. Vì vậy tất cả đều được giải quyết. Như
tất cả đèn đều chung một ánh sáng, tất cả chúng sanh
đều chung một hạnh phúc, không có ta với người làm tương
đối để tranh giành với nhau.
Hỏi:
Kính
xin Thầy giải thích phân biệt giữa nghi tình của một Thiền
sư và nghi tình của một nhà khoa học? Sự ngộ của một
Thiền sư và sự khám phá ra của nhà khoa học?
Đáp:
Trong
Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền, tôi đề ra ông
Newton thấy trái bôm trên cây rớt xuống, ông khởi lên nghi
tình “tại sao trái bôm rớt xuống đất, mà không rơi lên
trời?” Do nghi tình này, ông nghiên cứu tìm hiểu, phát minh
được định luật hấp dẫn lực vạn hữu, đó là hồ nghi,
nhà khoa học nghi việc thế gian chỉ phát minh những đồ vật
của thế gian, có giá trị thế gian; nhưng không phát minh được
chính mình, nên không làm chủ cho mình, không được giải
thoát khổ.
Nghi
của tham thiền là chánh nghi, không cho bộ óc suy nghĩ, tìm
hiểu, nghiên cứu; để cho tự ngộ, tức phát hiện chính
mình là Phật tánh. Biết được chính mình mới tự làm chủ,
tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ.
Cho
nên, danh từ nghi thì giống, nhưng sự thực khác. Cái nghi
của nhà khoa học là hồ nghi, phải bộ óc suy nghĩ nghiên
cứu. Còn cái nghi của Thiền tông không cho bộ óc nghiên cứu,
tìm hiểu; chỉ là nuôi cái nghi cho thật mạnh, (giống như
bôm bong bóng đến bong bóng căng rồi sẽ nổ) đến lúc nghi
tình vỡ gọi là kiến tánh thành Phật.
Mặc
dù, cuối cùng ngộ, nhưng hai thứ ngộ có khác. Cái ngộ của
nhà khoa học là ngộ pháp thế gian, cái ngộ của Thiền tông
là ngộ tâm chính mình cùng khắp không gian thời gian, thần
thông trí huệ vô lượng vô biên bằng như Phật, cho nên được
tự do tự tại, dứt hết tất cả khổ vĩnh viễn, muôn ngàn
kiếp sau cái khổ không thể trở lại.
Hỏi:
Câu
kết của kinh Bát Nhã, đức Bồ tát có dạy “ga tê, ga tê,
ba ra ga tê, ba ra ga tê, bo di sa va ha”. Câu chú này có phải
là một công án không?
Đáp:
Thần
chú là muốn cho mình không biết, nhưng không có nghi tình,
vì không có dấu hỏi. Còn nghi tình của Thiền tông là không
biết nhưng có dấu hỏi, có hỏi thì phải có đáp, mình đáp
không ra thấy tức lắm thì phải tiếp tục hỏi nữa, hỏi
đến một ngày đáp ra được là kiến tánh. Thần chú không
có dấu hỏi, thành ra khác xa với tham công án hay tham thoại
đầu.
Công
án là một chuyện tích, như tham công án chữ vô của Triệu
Châu, chữ vô không có dấu hỏi, dưới đây là công án:
Tăng
hỏi Triệu Châu: con chó có Phật tánh không?
Triệu
Châu đáp: có.
Tăng
khác hỏi: con chó có Phật tánh không?
Triệu
Châu đáp: không.
Tại
sao một người trả lời có, một người trả lời không?
Thì đã có dấu hỏi rồi. Lại kinh Phật nói tất cả chúng
sanh đều có Phật tánh, tại sao Triệu Châu nói không? Vì
con chó cũng là chúng sanh vậy. Tại sao con chó không có Phật
tánh? Cũng là dấu hỏi. Tham công án thì cả chuyện tích,
chứ không phải khán chữ vô. Nếu chữ vô thì không có dấu
hỏi, làm sao gọi là nghi tình? Nghi tình phải có dấu hỏi.
Niệm
chú
chỉ là để cho mình không biết, nếu dịch ra thì thần chú
không còn nữa. Thần chú không thể dịch được. Thần chú
là thay mặt cho mệnh lệnh, thay mặt cho sự dụng của tâm;
cho nên kinh Lăng Nghiêm gọi là tâm chú, tôi dịch kinh Lăng
Nghiêm có lược giải tâm chú này.
Hỏi:
Con
có thể hiểu câu chú này như là “thả buông, thả buông,
con hãy thả buông, mau con hãy thả buông, bồ đề hiện nơi
con” không?
Đáp:
Nếu
dịch chú ra nghĩa thành kinh, không phải là chú; chú là không
cho mình hiểu nghĩa, mới có tác dụng cho mình không biết.
Cho nên chú không có dịch nghĩa, như trên đã dịch ra là phá
hoại tác dụng của chú.
Hỏi:
Tham
Tổ sư thiền chưa đắc thì đã chết, tâm và thân đời sau
sẽ ra sao? Nếu như không có duyên gặp lại Phật pháp để
tu theo pháp tham thiền Tổ sư rồi mình sẽ như thế nào? Còn
Tịnh độ tông ít ra mình cũng có một chỗ đỡ khổ để
tu tiếp, có phải dễ không?
Đáp:
Kinh
Pháp Hoa nói “như thị nhân như thị quả” (nhân nào quả
nấy), mình đã gieo chánh nhân thì được chánh quả. Tại
sao gọi là chánh nhân? Vì pháp Tổ sư thiền do Phật Thích
Ca thân truyền là chánh nhân. Ở Việt Nam có người hỏi “hôm
nay tôi tu Tổ sư thiền, rồi ngày mai chết sẽ ra sao?” Mặc
dù chỉ tu có một ngày, nhưng chánh nhân đã gieo thì chánh
qiả sẽ đến.
Ở
Việt Nam, tôi thường ví dụ Chợ Lớn đi Sài Gòn là 100 bước,
mục đích đến là Sài Gòn. Tuy kiếp này mình chỉ đi một
bước, nhưng kiếp sau mình tiếp tục đi 99 bước, khỏi cần
đi 100 bước. Mình đi 1 bước cũng không uổng công. Nếu mình
đi được 50 bước thì kiếp sau tiếp tục 50 bước nữa.
Nếu mình đi được 99 bước thì kiếp sau đi thêm 1 bước
là đến nơi. Đó là tùy theo sự đi của mình, đi nhanh hay
đi chậm, mình quyết tử tham thì mau đến.
Cho
nên, pháp môn này không kể sơ tham hay lão tham. Tại sao? Vì
sơ tham có thể đi 99 bước rồi, mặc dù kiếp này họ mới
tham, chỉ cần bước thêm 1 bước thì đến nơi. Người lão
tham kiếp trước chưa đi hay mới một hai bước thì kiếp
này phải đi chín mươi mấy bước nữa, nên phải chậm hơn.
Vì vậy, người nào đi nhanh thì tới trước.
Từ
Chợ Lớn đi Sài Gòn, mình cứ cuối đầu đi, chứ không phải
luôn nói “tôi đi Sài gòn”, mình cứ đi sẽ đến nơi; hay
giữa đường gặp rạp hát ghé lại để coi, hoặc gặp hồ
bơi vô coi người ta tắm… nếu vậy biết bao giờ mới đến
Sài gòn! Cho nên mình cứ đi thẳng sẽ đến nơi. Như tham
thiền mà còn tìm hiểu cái này cái kia, làm sao mau ngộ!
Nhưng
mình gieo chánh nhân thì chánh quả sẽ đến. Tôi hoằng Tổ
sư thiền ở Việt Nam, tôi không ngờ tôi đến Hoa Kỳ. Tại
sao? Tôi không có làm hồ sơ đến Hoa Kỳ, chỉ có cô Như
đến học thiền, ở thiền đường của tôi một tháng. Hôm
đó, cô Như đi gặp phái đoàn Mỹ, đến gặp tôi và nói
“Sư Phụ đi với con gặp phái đoàn Mỹ, có thể Sư Phụ
đi Mỹ”. Chỉ có lấy tên tôi ghi vào hồ sơ của cô
Như. Tôi đi với cô Như gặp phái đoàn Mỹ, cô Như vào trước,
người Mỹ chỉ tên tôi trong hồ sơ và hỏi cô Như: người
này là ai vậy?
Cô
Như đáp: cha nuôi tôi.
Người
Mỹ nói: ở đâu?
Cô
Như đáp: Ở bên ngoài.
Người
Mỹ nói: bảo ông ấy vô.
Rồi
cho tôi đi, bảo tôi khám sức khỏe và chích thuốc ngừa.
Chỉ có mấy tiếng mà đã đi được qua bên này, nên các
vị mới gặp tôi giảng Tổ sư thiền. Kiếp trước đã gieo
trồng chánh nhân, nên kiếp này nghe tôi giảng Tổ sư thiền.
Tôi tự mình không thể biết mình đến Hoa Kỳ.
Hỏi:
Đức
Phật bảo rằng “người nào tin tưởng thọ mạng của Như
lai là bất khả tư nghì, thì công đức vô lượng gấp trăm
ngàn lần, so với công đức của một hành giả tu năm ba la
mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định”.
Kính xin Thiền sư giảng giải?
Đáp:
Đường
Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền, sau cùng có 2 cơ bản: Tin
tự tâm và phát nghi tình.
Tin
tự tâm là thế nào? Thọ mạng của Phật không có cuối cùng,
vì cùng khắp thời gian, không có bắt đầu. Tuy mình chưa
kiến tánh, nhưng bản tâm của mình cùng khắp không gian thời
gian, không có khác với Phật tánh của Phật, như Phật đã
nói Phật tánh bình đẳng bất nhị.
Tôi
muốn chứng tỏ cùng khắp không gian thời gian cho các vị
dễ hiểu, vì không gian và thời gian mênh mông nên khó hiểu.
Tâm là thể tinh thần không có hình tướng, không có âm thanh
để mình nhận biết được thì lấy gì để chứng tỏ cùng
khắp không gian thời gian?
Những
người học khoa học biết ánh sáng cùng khắp không gian. Chỉ
nói ánh sáng khắp trung tâm này. Hiện có 1 cây đèn, 2 cây
đèn, 3 cây đèn… mỗi cây đèn có ánh sáng cùng khắp, cũng
như mình ngồi đây cả trăm người thì có cả 100 tâm cùng
khắp, mỗi tâm đều cùng khắp.
Nhưng
tâm mình cùng khắp mà không tin vì mình không thấy, còn ánh
sáng đèn thì mình thấy cùng khắp; đã cùng khắp nên sự
tương đối không còn, như diệu minh là không có sự tương
đối nên gọi là diệu minh.
Nếu
có năng minh và sở minh thì mất cái diệu, bản thể của
mình cũng vậy; nếu đã cùng khắp thì trở thành diệu, không
có năng sở. Nguồn gốc của sự tương đối là có và không
có, như có ta và không có ta, có ta là hữu ngã, không có ta
là vô ngã. Phật pháp là phải phá ngã chấp.
Tôi
sắp đèn này là số 1, đèn kia là số 2, số 3, số 4, số
5… bây giờ tôi thay mặt cho đèn số 1 là ta; có ta là có
ngã, nếu có ngã thì phải lập cái lý có ngã mới được.
Ánh sáng của 5 cái đèn đã cùng khắp, nếu nói có ngã phải
chỉ ra ánh sáng nào thuộc về cây đèn số 1 của ta? Nếu
chỉ ra được thì chứng tỏ là có ngã, có ánh sáng đèn
số 1 của ta. Nhưng tôi biết các vị chỉ không ra, vì nó
đã cùng khắp. Chỉ không ra nên cái lý có ngã, ánh sáng đèn
số 1 của ta không thể thành lập.
Nếu
nói không có ngã, vậy các vị chỉ chỗ nào không có ánh
sáng đèn số 1 của ta? Chỉ ra được là vô ngã thì lý vô
ngã mới thành lập được. Chỉ ra được không? Chỉ không
được. Cho nên, có ngã và vô ngã đều không thể thành lập.
Tại sao? Vì ánh sáng đã cùng khắp. Có 100 cây đèn thì ánh
sáng cũng cùng chung ánh sáng, chứ không thể phân biệt ánh
sáng nào cây đèn số 1, ánh sáng nào của cây đèn số 2…
Vì
vậy, khi kiến tánh phát hiện bản thể cùng khắp, không có
phân biệt ta với ngươi; không có phân biệt nên không có
giành giựt chửi mắng, tất cả mọi người cùng hưởng chung
một hạnh phúc. Đây là mục đích của Phật Thích Ca.
Cái
biết của bộ óc không cùng khắp không gian thời gian, cái
biết Phật tánh cùng khắp không gian thời gian. Cái biết Phật
tánh gọi là chánh biến tri nhưng lấy gì để chứng tỏ?
Vì cùng khắp không gian thời gian, cái biết cũng không có
hình tướng; không gian thời gian mênh mông.
Tôi
phải dùng cơ thể này để ví dụ cho quý vị được dễ
hiểu chứng tỏ cùng khắp: Cảm giác lớp da này phải cùng
khắp cơ thể này không? Cảm giác lớp da có phải gọi là
biết không? Vậy cái biết của lớp da này cùng khắp không
gian cơ thể. Nếu đã cùng khắp cơ thể thì không có chỗ
búng. Tại sao? Có chỗ búng thì búng tay tay biết, búng đầu
đầu biết, những chỗ không búng không biết. Những chỗ
không búng không biết, làm sao gọi là cùng khắp? Cho nên đã
cùng khắp thì không có chỗ búng. Đây là về không gian.
Còn
về thời gian thì không có lúc búng, nếu có lúc búng thì
lúc búng mới biết, lúc không búng nên không biết. Lúc không
búng, cảm giác lớp không mất mà nói không biết! Cảm giác
lớp da ngày đêm luôn luôn như vầy, đâu phải nhờ búng mới
biết, không búng lại mất! Rõ ràng cảm giác lớp da cùng
khắp không gian và thời gian của toàn cơ thể. Nhưng bộ óc
mình có thói quen đã nhận thức sai lầm cho là chỗ búng mới
biết, chỗ không búng thì không biết; lúc búng mới biết,
lúc không búng không biết.
Phật
muốn mình đừng cho bộ óc làm chủ, phải cho Phật tánh làm
chủ thì những tai họa không còn sanh nữa, mới được hưởng
hạnh phúc mà không có sự khổ đối đãi. Như tất cả bao
nhiêu đèn cùng chung một ánh sáng, tất cả bao nhiêu chúng
sanh cùng chung một hạnh phúc. Lúc đó hạnh phúc mới là chân
thật, Đại Thừa Tuyệt Đối Luận nói “nhập vào quốc
độ tuyệt đối”.
Hỏi:
Thầy
có nói “niệm Phật, trì chú là tạo cho nhân duyên mai sau,
tham thiền mới là tu thật sự”. Kính xin Thầy khai thị?
Đáp:
Vấn
đề này, ngài Lai Quả đã nói rõ trong Thiền Thất Khai Thị
Lục. Pháp thiền trực tiếp của Phật Thích Ca thân truyền,
muốn mọi chúng sanh tự ngộ; ngộ mới được giải thoát
tất cả khổ.
Muốn
ngộ phải có nhân làm cho ngộ, nhân làm cho ngộ là nghi. Cho
nên Phật Thích Ca truyền pháp môn này là từ nghi đến ngộ.
Còn trì chú, niệm Phật không có nghi, không có nghi thì không
có ngộ.
Nếu
tu đúng theo tông chỉ của tông phái đó, niệm Phật được
bất thối (không lui sụt), ở nơi Cực Lạc chuyển qua thiền
là từ nghi đến ngộ; Mật tông cũng vậy, phải có nghi
mới có ngộ. Bất cứ tông phái nào cuối cùng phải có nghi
rồi được ngộ.
Chỉ
có Thiền tông bắt đầu phát nghi trước, còn pháp môn khác
như tông Thiên thai đến Thể chơn chỉ rồi phát nghi. Cho nên,
các pháp môn khác (ngoài Tổ sư thiền) chỉ gieo cái nhân để
sau này được ngộ.
Hỏi:
Thiền
phải đến chỗ vắng vẻ, không cho mắt chạy theo cảnh, không
cho tai chạy theo tiếng, đó là phương pháp bớt thâu chủng
tử mới để có thì giờ loại những chủng tử cũ. Tại
sao Thiền tông nói là định ở trong động?
Đáp:
Thiền
tông có một câu là “bất phá trùng quan, bất bế quan”.
Người Việt gọi bế quan là nhập thất, tức là nhốt mình
ở trong phòng, không có tiếp xúc với ai. Đã ngộ (phá trùng
quan) mới cho bế quan, bế quan là để bảo nhậm dứt trừ
tập khí. Nếu chưa ngộ mà nhập thất rất có hại.
Có
một Thầy ở trên núi, nuôi một đứa bé một tuổi; ở trên
núi chỉ có hai thầy trò, nuôi đứa bé trai đến 20 tuổi
không có gặp người nào khác, chỉ thấy các con thú rừng.
Một
ngày, Thầy dẫn đứa bé xuống chợ chơi, đứa bé thấy mọi
thứ đều hỏi, Thầy đều trả lời.
Đứa
bé thấy con gái rồi hỏiThầy: đây là gì vậy?
Thầy
trả lời: đây là con cọp chợ, nếu mày gần nó có thể
bị hại hơn cọp trên núi.
Đi
chơi về, qua hai ngày sau, Thầy muốn thử đứa bé, hỏi: Trong
cuộc đi chơi, mày có thấy cái gì thích nhất không?
Đứa
bé đáp: Tất cả con không thích, nhưng chỉ thích con cọp
chợ.
Công
án này chứng tỏ mắt không tiếp xúc cảnh nên niệm thích
không nổi lên. Đứa bé từ hồi nhỏ đến lớn không tiếp
xúc với con gái, nhưng tập khí từ kiếp trước có sẵn,
khi tiếp xúc thì tâm nổi lên ham thích. Vậy làm sao nhập
thất cho là tu!
Theo
kinh nghiệm của tôi thấy những người chưa vô thất thì
tốt hơn, khi vô thất được một thời gian rồi ra thất càng
tệ hơn nhiều. Bởi vì tâm đè nén một thời gian, lúc gặp
cảnh bộc phát ra rất mạnh. Không được tránh cảnh mà tu,
nên Thiền tông có câu “bất phá trùng quan, bất bế quan”,
tức là chưa ngộ không cho nhập thất.
Hỏi:
Chúng
con được biết: “Tu mà không học là tu mù, học mà không
tu là đãy sách”. Vậy chúng con phải làm sao tu cho đúng?
Đáp:
Đó
là lời của Giáo môn, còn Thiền môn là muốn phát hiện cái
dụng của tự tánh. Tham thiền là tu cũng là học, như ngài
Lai Quả nói “tham thiền có đầy đủ giới định huệ”.
Bản tâm cùng khắp không gian thời gian, thần thông trí huệ
sẵn đầy đủ, không thiếu sót một thứ gì. Kinh Pháp Hoa
thí dụ hạt châu như ý là bản tâm có sẵn trong áo, tự
cho mình nghèo rồi đi ăn xin các nơi, gặp người trí cho biết
hạt châu thì không còn đi ăn xin.
Con
dơi không có con mắt mà có ra đa, nhà khoa học bắt chước
con dơi chế tạo ra đa; nhưng con dơi không có học, tự bản
năng có sẵn. Con ong làm tổ, các nhà kiến trúc phải học
cách làm tổ của con ong, kiến trúc mới được kiên cố;
con ong cũng không có học.
Kỳ
thật, trong Giáo môn có phân biệt hữu và vô học, hữu học
còn thấp, vô học mới cao. Tại sao còn nói phải học? Giáo
môn là vừa học vừa tu, biết được bao nhiêu thì tu bấy
nhiêu.
Thiền
môn không phải vậy, là giáo ngoại biệt truyền, chỉ cần
phát hiện cái của mình sẵn có. Cho nên tôi dạy phải tin
tự tâm đầy đủ tất cả thần thông trí huệ, năng lực
bằng Phật Thích Ca, không kém Phật Thích Ca một chút nào.
Nếu
đã tin như vậy thì không cần phải học, chính tôi mà người
ta cho rằng tôi học mới trả lời được. Nếu tôi học thì
có cái không thể trả lời được, vì đâu thể nhớ hết
và cũng không học hết.
Hồi
xưa chưa tham thiền, tôi muốn coi hết đại tạng kinh, tục
tạng kinh. Tục tạng kinh có 150 cuốn, tôi coi suốt 1 năm được
7 cuốn, phải mất hơn 21 năm coi hết tục tạng; coi một lần
cũng không nhớ hết, dù có nhớ hết cũng không dùng được.
Cái
của mình sẵn có, khỏi cần học khỏi cần nhớ; muốn dùng
thì sẵn sàng dùng, có phải tốt hơn không! Bởi vì người
nào cũng bằng nhau, Phật Thích Ca nói “Phật tánh bình đẳng
bất nhị”. Do mình không tin, nếu mình tin chỉ cần phát
hiện; chứ đâu cần học!
Hỏi:
Có
người nói pháp môn này cao quá, xưa kia thời Phật Thích Ca
chỉ có ngài Ca Diếp ngộ được. Chúng con tự nhủ thế này
“bao giờ mới kiến tánh được, sợ chúng con đi lầm pháp
môn chăng! Vì căn cơ chúng con yếu kém lắm”. Kính xin Thầy
khai thị?
Đáp:
Ngày
xưa Phật Thích Ca đưa cành hoa trong hội hơn triệu người
chỉ có Ma Ha Ca Diếp ngộ. Đó là vị đầu tiên, ấy cũng
là nhân duyên. Sau này bên Trung Quốc, Lục Tổ có 43 người
kiến tánh, Mã Tổ có 139 người kiến tánh; không phải Lục
Tổ và Mã Tổ hay hơn Phật Thích Ca. Vì cơ duyên là người
ta chưa tin, sau này người ta tin nhiều nên nhiều người ngộ.
Nếu
tin pháp môn tham thiền 100 %, tôi nói chưa được. Tại sao?
Vì mới có phân nửa, còn chưa tin tự tâm. Nếu tin pháp môn
Tổ sư thiền 100 %, mà không tin tự tâm, dù có siêng năng
cách mấy cũng không thể kiến tánh.
Bởi
không tin tự tâm nên không thể phát hiện tự tâm. Cho nên
phải tin tự tâm 100 % nữa mới đúng. Vì vậy, không phải
người ngộ ít hay nhiều, mình phải gieo trồng thiện căn
thì được phước, được tin, được ngộ.
Hỏi:
Trong
phần nhân quả nghi ngộ của Đường Lối Tham Tổ Sư Thiền,
Thượng tọa có nói rằng “tham thiền lúc nghi tình nặng
thì ảnh hưởng đến nhức đầu, tức ngực, khó thở, đó
là đại nghi; nhức đầu nhiều chừng nào tốt chừng nấy,
đừng sợ”. Phật có dạy “tâm bệnh thì thân bệnh”,
ở đây nhức đầu, tức ngực, khó thở là thân bệnh. Khi
tham thiền có ảnh hưởng gì đến tâm hành giả không?
Đáp:
Do
nghi tình ảnh hưởng đến nhức đầu, tức ngực, khó thở
là do nghi tình nặng mới có; nếu bỏ nghi tình thì những
trạng thái vừa kể liền hết, bệnh của thân mà bỏ nghi
tình thì bệnh vẫn còn, cần phải đi bác sĩ trị.
Do
nghi tình làm cho đau đầu, tức ngực, khó thở… là do tâm
lý tiến bộ rất mau nên sinh lý theo không kịp làm cho đau
đầu, tức ngực, khó thở… qua năm bảy ngày tự hết, vì
sinh lý đã theo kịp.
Rồi
một thời gian sau, tinh tấn tham thiền, sinh lý theo không kịp
tâm lý cũng có những trường hợp như vậy nữa, qua năm bảy
ngày sẽ hết. Đó là quá trình tham thiền bình thường, cho
nên tôi nói cho biết đừng sợ.