Chương
4 : Thái độ và Quan điểm
Thế
kỷ vừa qua, khoa học thực nghiệm phương Tây đã thành công
những khám phá mà làm cho chính con người cũng phải kinh ngạc,
và làm thay đổi nhân sinh quan đã có của nhân loại về vũ
trụ trong quá khứ. Ví dụ như, hạt nhân là một phân tử
rất nhỏ mà mắt người không thể nào nhìn thấy nếu không
có những dụng cụ thích hợp đúng mức. Tùy vào góc độ
nhìn, bạn có thể thấy hạt nhân có hình dạng của một
quả cầu nhỏ nhảy lung tung theo một đường thẳng, hay là
nó có dạng của một điện tử thể tạo nên những làn sóng.
Nó rực sáng và di động lung tung. Một điện tử thể là
một sự kiện hơn là một vật thể, và người quan sát cũng
là một phần tử của sự kiện trong quá trình tiến hành
sự khám nghiệm mà không thể nào tách rời được.
Triết
học Đông phương đã nhận thấy ra nguyên lý cơ bản này
từ lâu rồi. Tâm là một dòng vận hành của sự kiện và
người quan sát cũng là một bộ phận trong tiến trình ấy
mỗi lần hành giả quay tâm vào bên trong. Tu thiền là
tham dự vào sự quán sát. Những gì bạn đang nhìn thì
phản ảnh qua tiến trình của sự nhìn. Cho nên cái mà bạn
đang nhìn là chính bạn, và cái mà bạn thấy được còn tùy
thuộc vào cách nhìn của mình. Do đó, quá trình tu thiền thì
rất ư là tinh vi vì bởi cái hệ quả có được luôn luôn
bị
tác động bởi trạng thái tâm của hành giả trong lúc
đó. Vì lý do đó, thái độ của hành giả thật là quan yếu
đối với thành quả của sự tu tập, như đã được nhắc
qua ở phần trên. Chúng tôi đúc kết ở đây một cách cô
đọng vài qui luật trong lúc tu tập.
Đừng
kỳ vọng bất cứ một thứ gì. Chỉ ngồi và quan sát những
gì đang xảy ra. Ví toàn thể như là một cuộc thí nghiệm
để xem nó ra sao, và không để cho mình bị phân tâm bởi
lòng mong muốn một kết quả nào đó. Theo chiều hướng đó,
đừng lo âu về bất kỳ cái gì xảy ra. Hãy để thiền phát
triển theo chiều hướng và vận hành của nó; cho nó dạy
những gì bạn muốn học. Tu tập tỉnh giác là tìm kiếm để
nhìn ra sự thật như-nó-là. Dù cho có phù hợp với kỳ vọng
của chúng ta hay không, tu thiền đòi hỏi sự đình chỉ tạm
thời mọi định kiến và khái niệm đã có của chúng ta.
Cho nên chúng ta phải tạm dẹp qua một bên tất cả những
kiến giải, quan niệm, qui ước trong suốt thời gian này, bằng
không chúng ta sẽ phải sẩy chân ngã xuống bởi những thứ
này.
Đừng
quá căng thẳng: đừng nên cưỡng
ép quá mức hay tạo nên những cố gắng ngoài sức mình. Tu
thiền là không thể nào hiếu động, không có sự phấn đấu
vượt sức người. Chỉ để cho sự cố gắng của bạn ung
dung và đều đặn.
Đừng
vội vã: Không nên hấp tấp, phải
từ từ. Ngồi xuống và xem như là bạn có trọn một ngày
để ngồi. Bất cứ những gì quí báu đều cần có thời
gian phát triển. Kiên nhẫn. Nhẫn nại.
Đừng
dính mắc và phản kháng bất cứ gì:
Hãy để những gì đến và điều chỉnh mình cho thích hợp
với nó, bất cứ là gì. Nếu một hình ảnh tốt đẹp hay
xấu nào xuất hiện thì cũng mặc kệ; nhìn vào chúng giống
như nhau và làm cho mình thư thản với bất kỳ điều gì xảy
ra. Đừng đấu đá với kinh nghiệm của chính mình mà chỉ
quan sát nó trong Chánh niệm.
Buông
xả: Học cách hòa đồng mình vào
dòng thay đổi của những hiện tượng phát sinh. Nới lỏng
và thư thái.
Chấp
nhận mọi sự kiện khởi sinh:
Đón nhận cảm xúc của bạn ngay cả những xúc cảm mà bạn
không mong có được, kinh nghiệm những gì dù cho bạn không
thích nó. Đừng chỉ trích bản thân vì những khuyết điểm
và giới hạn của mình. Hãy học nhìn tất cả hiện tượng
trong tâm một cách tự nhiên và cảm thông. Cố gắng thực
tập đón nhận một cách vô tư trong mọi thời và nghiêm chỉnh
đối với mọi kinh nghiệm mà bạn đang có.
Hãy
dịu dàng với chính mình: Hãy hòa
nhã với bản thân. Có thể chưa là người hoàn hảo nhưng
đây là con người mà bạn chỉ có thể có để bắt đầu.
Quá trình để trở thành luôn luôn bắt đầu từ sự chấp
nhận trọn vẹn con người bạn đang-là.
Tự
kiểm soát mình: Luôn đặt câu
hỏi. Đừng bao giờ cả tin một điều gì, nhất là những
gì nghe qua chừng như có vẻ là thông thái hay phải vâng theo
vì đó là lời ban truyền qua những người linh hướng. Hãy
tự thấy. Điều đó không có nghĩa là bạn nên tỏ ra thờ
ơ, xấc xược hay không tôn kính họ, mà là nên kiểm chứng
qua thực nghiệm. Hãy đưa những lý lẽ kia qua sự kiểm nghiệm
và để cho kết quả dẫn dắt bạn tới sự thật. Trí tuệ
tự chứng phát triển dần từ lòng mong ước từ bên trong
ra để tiếp xúc với sự thật và đạt đến trí tuệ giải
thoát về vạn hữu đời sống. Toàn thể sự tu tập tùy thuộc
vào lòng mong muốn hiểu biết sự thật này. Nếu không có
nó, sự tu tập chỉ có tính cách làm dáng mà thôi.
Nhìn
mọi vấn đề như là những đề mục:
Hãy nhìn thật gần những cơn thối chí trổi dậy như là
những cơ hội học hỏi và huấn luyện kỷ năng tập trung
cho mình. Đừng bao giờ trốn tránh, chê trách bản thân hay
che dấu trong êm lặng. Bạn gặp trở ngại? Rồi thì sao! Thì
cũng giống như có lúa bỏ vào trong máy xay, hãy vui vẻ lao
vào mà khám xét, quan sát để học hỏi thêm.
Đừng
phân vân: Bạn không cần phải
giải quyết bất kỳ một việc gì cả. Những sự suy nghĩ
rời rạc sẽ không giúp được gì cho bạn cả trong vấn đề
thoát ly khỏi ngục tù tư duy nhị nguyên. Trong thiền định,
tâm phải được tôi luyện một cách tự nhiên qua chánh niệm,
qua sự chú tâm đơn thuần không văn tự. Thói quen chậm rãi
thì không hẵn là cần thiết trong việc loại bỏ những tập
quán hay lơ đãng, trôi dạt của tâm này. Điều cần thiết
hơn tất cả là sự nhận thức trong sáng không gầy dựng
trên khái niệm về bản chất của sự kiện và đường lối
vận hành của nó. Chỉ bấy chừng ấy cũng đủ để phân
hóa chúng. Khái niệm và phân tích chỉ tạo thêm trở ngại
mà thôi. Đừng suy nghĩ mà hãy nhìn.
Đừng
chú trọng về sự khác biệt: Sự
khác biệt giữa người và người thì luôn luôn tồn tại,
nhưng quan tâm nhiều về nó thì rất ư là nguy hiểm, nếu
không khéo, nó sẽ đưa ta đi dần đến tính ích kỷ. Thông
thường sự nghĩ suy của con người thì đầy dẫy nét tham
lam, ganh tị và tự phụ. Khi nhìn người khác trên đường,
một người có thể lập tức nghĩ như thế này, “Anh ta thì
đẹp trai hơn tôi.” Tư tưởng ấy tạo ra cái quả gần là
lòng đố kỵ và sự ngượng ngập. Một người nữ có thể
nghĩ khi nhìn thấy một người nữ khác, “Mình đẹp hơn
cô ta.” sẽ làm cho mình phát sinh lòng tự phụ. Những loại
so sánh như thế này là một thói quen tâm lý, sẽ đưa con
người đến những trạng thái tâm ô nhiễm như là: tham lam,
ganh tị, tự phụ, đố kỵ, ganh ghét. Đó là trạng thái vụng
về của tâm mà chúng ta luôn luôn có trong mọi thời. Chúng
ta hay so sánh sắc diện, nghề nghiệp, thành quả, danh tiếng,
tài sản hay trí tuệ tri thức, những thứ này đều dẫn đến
một kết quả — sự cô lập, những cách ngăn giữa con người,
và cảm giác không lành mạnh.
Việc
làm của thiền sinh là xóa đi những thói quen vụng về này,
bằng cách xét nghiệm nó một cách thấu suốt; để rồi thay
vào những tư tưởng hoàn thiện hơn. Thay vì chỉ bận rộn
so sánh về sự khác biệt, thiền sinh huấn luyện cho mình
nhận diện ra sự đồng dạng giữa mình và người khác. Khi
tập trung nhìn vào những điểm tương đồng của mọi người,
sẽ giúp cho hành giả gần gủi hơn với họ. Theo lối này,
nếu có sự khác biệt hiện hữu, thì thay vì cảm giác lãnh
đạm khởi sinh, thiền sinh sẽ phát sinh sự đồng cảm.
Thở
là một quá trình rất tự nhiên. Tất cả mọi loài có xương
sống đều thở theo cùng một chiều hướng như nhau. Loài
động vật hoán đổi hơi thở với môi trường chung quanh
theo cách này hay cách khác. Cho nên, đây cũng là một trong
nhiều lý do, hơi thở được chọn làm đề mục đối tượng
cho tu thiền. Thiền sinh được khuyến khích, nên khám phá
quá trình hơi thở của mình như là một phương tiện để
nhận diện ra mối tương quan vốn có giữa bản thân và vũ
trụ chung quanh mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta nhắm
mắt xoay lưng với tất cả những gì khác biệt đang vây quanh
ta. Sự khác biệt dĩ nhiên tồn tại, cho nên ở đây nó có
nghĩa là, chúng ta coi nhẹ sự khác biệt và chú trọng hơn
về điểm tương đồng. Phương pháp được đề nghị như
thế này:
Khi
nhận thức được đối tượng giác quan nào, thiền sinh không
nên tiếp nhận nó theo lề lối một tự ngã thường hay làm,
mà nên quan sát cái tiến trình khái niệm của nó. Thiền sinh
nên nhìn cảm giác đang trổi dậy và những tâm sở nối đuôi
theo cảm giác này khởi sinh lên. Để rồi thiền sinh có thể
ghi nhận những thay đổi xảy ra trong ý thức của mình. Trong
khi quan sát những hiện tượng này, thiền giả phải lưu ý
những nét tượng trưng về những gì mình đang thấy. Cái
khái niệm ban đầu đó sẽ làm phát sinh nét dễ chịu, khó
chịu, hay trung tính, đây là tính chất chung của mọi hiện
tượng. Nó xảy ra như nhau cho tất cả mọi người và thiền
sinh nên thấy ra điều đó. Tiếp theo sau cảm giác đó, những
phản ứng tùy thuộc sẽ phát sinh, thiền sinh có thể có cảm
giác tham lam, khát khao, hay ganh tị; hoặc là cảm thấy sợ
hãi, lo lắng, bồn chồn, hay nhạt tẻ; đây cũng là rất tự
nhiên. Thiền sinh chỉ đơn giản ghi nhận chúng và nhận thức
ra, đây là những phản kháng này luôn xảy ra cho mọi con người.
Tu
tập theo đường lối so sánh này có thể tạo ra những áp
lực và căng thẳng lúc ban đầu vì không quen. Theo thời gian,
tiến trình này sẽ thay thế cho thói quen tự kỷ đang có của
mình và trở thành tự nhiên hơn. Chúng ta sẽ thấu hiểu và
cảm thông với mọi người hơn; không còn dễ nổi giận hay
ngoảnh mặt đối với người khác. Chúng ta càng trở nên
hòa nhập với đời sống hơn.