Chương
5: Sự Tu tập
Mặc
dù đường lối tu tập thiền định có rất nhiều đối tượng,
chúng tôi vẫn khuyến khích bạn nên khởi đầu bằng lối
gom tất cả mọi chú ý vào hơi thở của mình, để đạt
đến một mức độ nào đó của khả năng tập trung. Nên
nhớ rằng, bạn không phải là đang tu tập để đi vào trạng
thái thôi miên hay xuất thần; mà chính là tu tập Chánh niệm.
Cho nên chỉ cần có một chừng mực sức mạnh tập trung vừa
phải; dùng nó để học hỏi và nhận thức ra chân lý về
mọi hiện tượng (Pháp) như-nó-là. Những gì bạn muốn
là hiểu biết đường lối vận hành của thân và tâm ra sao
như-nó-là. Có được như thế, bạn mới có thể buông
xả đi những phiền não tâm lý, hầu mong có một đời sống
thật sự bình an và hạnh phúc. Tâm không thể nào trong sáng
khi không có sự hiểu biết rõ ràng cái bản thể của sự
vật. Mệnh đề “Thấy mọi sự vật như-nó-là” đôi khi
không diễn đạt được hết cái ý nghĩa về trạng thái này
cho một số người, nhất là cho những thiền sinh còn mới
sẽ lấy làm ngạc nhiên, vì bất kỳ ai có nhãn quan bình thường,
đều có thể thấy mọi sự vật như là một vật thể hiện
hữu trước mắt kia mà.
Khi
chúng tôi đề cập đến mệnh đề này, trong lãnh vực trí
tuệ tự chứng do kết quả thu được từ tu tập thiền, thì
không có nghĩa là, thấy một cách hời hợt bên ngoài với
đôi mắt bình thường, mà là thấy sự vật với tuệ giác
ở nơi bản chất của nó. Nhìn sự vật bằng tuệ giác có
nghĩa là, nhìn với trực giác mà không có xen lẫn những
phán xét nảy sinh ra từ thành kiến, thiên vị của Tham, Sân,
và Si. Thông thường, khi ngắm nhìn sự vận hành của
thân-tâm, chúng ta có chiều hướng trốn tránh hay lơ là đối
với những gì không dễ chịu và nắm bắt những thứ mà
mình ưa thích hơn. Điều này xảy ra, vì bởi tâm của chúng
ta thường hay bị ô nhiễm bởi sự ham muốn, sự phẫn uất
và sự thiếu hiểu biết về sự thật. Cái ngã, tính ích
kỷ, hay tư duy đầy ắp những khái niệm luôn nằm chắn ngang
và tô màu sự phán xét của chúng ta.
Khi
quan sát cảm xúc giác quan (Thọ) của mình trong chánh niệm,
chúng ta đừng lầm lẫn những cảm thọ này với những chập
tâm (Hành) cùng đang khởi sinh. Cảm thọ của thân có thể
hình thành mà không cần có sự tác động nào của tâm cả.
Cho một dẫn dụ: chúng ta đang ngồi thoải mái. Sau một lúc,
bất chợt phát sinh cảm giác khó chịu ở lưng hay ở chân.
Tâm của ta lập tức kinh nghiệm nổi khó chịu đó và tác
động nên điều kiện làm khởi sinh lên biết bao tư tưởng
về cảm giác khó chịu đó. Vào thời điểm đó, đừng
để mình bị lẫn lộn cảm giác với hiện tượng tâm hành.
Chúng ta nên cô lập cảm thọ như chỉ là cảm giác và quan
sát nó trong chánh niệm. Thọ là một trong bảy Tâm sở hữu
tợ tha biến hành (Xúc, Thọ, Tưởng, Tư hay Hành, Nhất hành
hay Tập trung, Mạng quyền, và Tác ý).
Ở
vào một khi khác, chúng ta có thể sẽ có những cảm giác
như phẫn uất, lo sợ, hay thèm khát, thì ta nên quan sát những
cảm giác đó một cách khách quan mà đừng để cho lẫn lộn
với những gì khác. Nếu chúng ta gom lại Thọ, Tưởng, Hành,
Thức vào nhau mà quan sát cùng một lúc, giống như là một
cảm giác chung, thì sự xáo trộn sẽ làm cho ta không thể
nào nhận ra nguồn gốc của cảm giác được. Nếu chỉ đơn
thuần đeo đuổi theo cảm thọ mà bỏ qua những tâm sở biến
hành khác, thì quá trình học hỏi về chân lý sẽ rất ư
là khó khăn. Muốn có được trí tuệ về đặt tính Vô thường
của các pháp để xuyên rọi sự phẫn uất; sự hiểu biết
về tính Bất toại nguyện để phá vỡ tâm Tham; nhận diện
tính Vô ngã để đã phá tự ngã; thì chúng ta nên thấy ra
tâm và thân một cách riêng biệt trước. Khi hiểu thấu suốt
thân-tâm từng phần riêng rẽ, chúng ta sẽ thấy ra sự liên
hệ thiết yếu bên trong của chúng. Khi trí tuệ tự chứng
được vững vàng, chúng ta trở nên bén nhạy hơn trong sự
chú tâm về tính phối hợp của mọi sự kiện đang lúc nó
vận hành. Cái này không thể hiện hữu nếu không có
những cái kia. Từ đó chúng ta thấy ra cái ý nghĩa
thật của câu chuyện ngụ ngôn về một người mạnh khỏe
mà bị mù có thể đi bình thường khi cỏng trên lưng một
người tàn phế hai chân nhưng mắt vẫn còn sáng. Thiếu đi
một trong hai người thì sự di chuyển của họ sẽ bị trở
ngại ngay; còn khi hợp tác chặt chẽ thì họ hoạt động
và làm việc họ muốn dễ dàng hơn. Cũng tương tự như thế,
tự cơ thể không thể làm được điều gì cả. Nó giống
như là một khúc gỗ không làm được một điều gì ngoại
trừ nằm lăn ra để chờ bị biến dạng, hư nát, và chết
đi theo thời gian. Còn tâm cũng không thể nào làm được điều
gì khác cả ngoài trừ một việc duy nhất là hợp tác với
thân thể. Khi có chánh niệm chúng ta quan sát cả hai — thân
và tâm — thì sẽ thấy ra những điều kỳ diệu mà thân-tâm
có thể làm khi hòa điệu với nhau.
Chỉ
khi nào ngồi một nơi, thì chúng ta có thể đạt được một
chừng mực chánh niệm nào đó — dù là rất nhỏ. Dự khóa
tu học để có cơ hội quan sát cảm giác, tri giác, trăm ngàn
tư tưởng, và những trạng thái khác nhau của Ý thức một
cách chặt chẽ hơn trong vài ngày hay vài tháng, có thể mang
lại cho ta sự điềm tĩnh và bình an. Thông thường, chúng
ta không có nhiều thời gian để tọa thiền ở một nơi chốn
nào đó. Cho nên, chúng ta nên tìm một phương pháp áp
dụng chánh niệm vào sinh hoạt hàng ngày, để giúp
cho mình có thể đối diện và hành xử tốt hơn với những
sự việc sẽ xảy ra mà không thể nào nhìn thấy trước được.
Những gì ta phải va chạm mỗi ngày thì không ai có thể nào
đoán trước được. Sự việc xảy ra do nhiều nguyên nhân
và điều kiện, bởi vì chúng ta đang sống trong thế giới
của điều kiện và luôn thay đổi. Chánh niệm là một trang
bị khẩn cấp luôn luôn sẵn sàng giúp cho ta trong mọi thời.
Khi gặp những cảnh ngộ làm cho ta phẫn nộ, nếu có được
chánh niệm hiện hữu, ta sẽ khám phá ra nhiều chân lý đang
diễn ra trong tâm mình. Chúng ta sẽ thấy ra tính ích kỷ, tự
ngã, chấp chặt, bảo thủ, tự cho mình là đúng và người
khác thì sai, có thành kiến, thiên vị. Nói tóm lại, từ tất
cả những thứ trên chỉ ra là, ta không thật sự biết yêu
thương lấy chính mình. Khám phá ra sự thật đau lòng này,
là bạn kinh nghiệm được một phần thưởng quí giá nhất,
để rồi theo thời gian, sự khám phá này mang đến cho bạn
trí tuệ hiểu biết thấu suốt về nguồn gốc của khổ đau
tâm sinh lý.
Tu
tập chánh niệm là rèn luyện cho thiền sinh phải hoàn toàn
thành thật và trung thực với chính mình. Khi quán sát thân-tâm,
chúng ta nhận biết ra nhiều điều không dễ chịu chút nào
cả. Thông thường, chúng ta hay phản kháng, tránh xa những
gì mà mình không thích. Vậy con người thường hay không thích
những gì? Loài người luôn không muốn rời xa những gì họ
yêu thích và không muốn sống chung với những người họ
không thương yêu. Đó không chỉ ám thị vào con người, nơi
chốn, vật chất, mà còn bao gồm luôn những thứ khác như
là: quan niệm, ý tưởng, niềm tin, và những quyết định
mà mình phải đối mặt trong đời. Những gì xảy đến một
cách tự nhiên thì thường là những điều chúng ta không thích
(vì ngoài ý muốn của con người). Ví như, bị già cỗi theo
tuổi, bị bệnh hoạn, trở nên yếu đuối hơn khi lớn tuổi,
là những gì ta không thích; ngược lại chúng ta có ước muốn
bảo tồn cái tuổi thanh xuân của mình mãi mãi. Hay là, không
muốn ai chỉ ra những lầm lỗi của mình, vì nó sẽ làm tổn
thương niềm tự hào bản thân. Hoặc là, tự lừa dối lấy
mình bằng cách không chấp nhận bất cứ ai khác thông minh
hơn mình. Đây là vài dạng của cá tính Tham, Sân, và Si.
Khi
Tham, Sân, và Si biểu lộ trong đời sống hàng ngày, chúng
ta nên dùng chánh niệm theo dõi và tìm hiểu thấu suốt tường
tận cái cội nguồn của chúng. Căn nguyên của chúng không
ở đâu xa cả, mà là ngay bên trong tâm ta. Nếu không có nguồn
gốc Sân hiện hữu bên trong, thì không bất kỳ ai có thể
làm cho ta giận dữ lên được; bởi vì có, nên nó mới nhảy
ra, phản kháng lại những hành động, lời nói, hay thái độ
của kẻ khác. Nếu có chánh niệm, chúng ta sẽ siêng năng
dùng trí tuệ của mình để nhìn vào tâm; nếu không có sự
căm hờn từ bên trong, ta sẽ không xem nặng vấn đề về
những phê phán của người khác về mình. Thay vào đó, chúng
ta còn cảm ơn người đã giúp ta nhận ra những khuyết điểm
của chính mình. Chỉ khi nào có được trí tuệ và chánh niệm
vững mạnh, ta mới cảm ơn được người đã lý giải ra
lầm lỗi của mình, từ đó ta mới có thể thăng tiến trên
con đường tu tập. Tất cả chúng ta đều có khuyết điểm.
Đối với người có trí tuệ thì người khác là tấm gương
phản chiếu những khuyết điểm của mình. Do đó, hãy nên
xem người nói lời chỉ trích như là ân nhân của mình, vì
họ đã chỉ ra những nét cao thượng đang tiềm ẩn mà ta
đã bỏ quên. Chỉ khi nào ta nhận ra mình còn thiếu xót, thì
ta mới có thể thăng tiến lên hơn. Trở nên tốt hơn là phương
pháp bất biến để đi đến sự hoàn thiện mà cũng là mục
đích của chúng ta trong kiếp sống kia mà, phải không? Chỉ
khi nào vượt qua những yếu điểm, chúng ta mới có thể vun
đắp những chất lượng cao quý luôn ẩn tàng trong tiềm thức
của tâm. Muốn khắc phục những sai sót, thì trước tiên
ta phải biết chúng là gì.
Nếu
khi mắc bệnh, chúng ta phải biết nguồn gốc và nguyên nhân
của căn bệnh rồi mới có thể trị liệu đúng mức. Cho
nên, nếu cứ khăng khăng cho là mình không bị bệnh trong khi
ta luôn luôn đau khổ, thì chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến
việc tìm cách chạy chữa. Tương tự như thế, nếu nghĩ là
mình không có sai lầm, thì chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao
giờ hiểu thấu được tâm mình. Vì mù quáng về những khuyết
điểm tự thân, cho nên cần phải có ai đó chỉ ra cho ta.
Và nếu họ giúp đỡ cho ta, thì chúng cần nên cảm ơn họ
giống như ngài Xá-lợi-phất đã nói: “Dù cho một vị thầy
còn trẻ đã chỉ ra khuyết điểm của tôi, tôi sẽ chấp
nhận và cảm ơn người ấy tột cùng.” Ngài Xá-lợi-phất
đã là một vị A-la-hán, luôn luôn có chánh niệm và đã siêu
thoát tự ngã, thế mà còn có phong thái như thế. Mặc dù
chưa chứng đắc quả vị A-la-hán, chúng ta cũng nên noi theo
gương của ngài, hầu mong đạt đến những gì mà ngài đã
đạt tới.
Dĩ
nhiên người chỉ ra được khuyết điểm của kẻ khác, chưa
hẵn là người ấy siêu thoát được vấn đề này. Nhưng
người ấy có thể thấy ra cũng như chúng ta cũng thấy ra
khuyết điểm của người đó, mà họ không nhận ra cho đến
khi nào ta chỉ ra cho họ.
Sự
phản ảnh hai chiều này nên diễn ra trong chánh niệm. Nếu
nêu ra khuyết điểm của người khác khi mình không có chánh
niệm, người này dễ dàng tạo ra những điều phản tác dụng,
rồi không gây nên lợi ích gì cho cả đôi bên. Bởi vì người
không có chánh niệm thường hay dùng ngôn từ và cử chỉ
lầm lạc, nên không diễn đạt được ý nghĩ của mình một
cách chính đáng và rõ ràng. Người nghe sẽ dễ bị đánh
mất chánh niệm theo, khi đón nhận những ngôn từ chói tai,
và không còn nhận biết cái ý thật của người nói nữa.
Cho nên, dù nghe hay nói phải tiến hành trong chánh niệm thì
mới có ích lợi, có thế thì tâm ta mới không bị kiềm chế
bởi tham lam, sân hận, ích kỷ, và si mê.
Mục
tiêu
Người
tu thiền phải có một mục tiêu, bằng không chúng ta chỉ
mò mẫm như là đi trong bóng đêm theo sự chỉ dẫn của người
nào đó. Mục tiêu nào đó thì phải được chúng ta chọn
một cách có ý thức và sẵn sàng. Mục tiêu của người tu
thiền Minh Sát không phải là để giác ngộ trước hơn một
người nào khác, hay là sẽ có được thần thông, hoặc là
có quyền lợi gì đó. Tu tập chánh niệm vốn không phải
là để ganh đua với ai cả.
Mục
đích của thiền giả là trở nên hoàn hảo hơn, có được
đời sống tâm linh lành mạnh hơn. Mục tiêu này bao gồm năm
yếu tố: 1) Tâm được trong sáng. 2) Siêu thoát cơn đau buồn
và thương tiếc. 3) Siêu thoát nỗi đau và phiền não. 4) Bước
đúng theo con đường dẫn đến sự bình an tuyệt đối. 5)
Có được hạnh phúc trong lúc tu tập và sống theo con đường
này. Hãy giữ lấy năm phần này trong tâm thì chúng ta có thể
vững bước tiến dần đến mục đích của mình với niềm
hy vọng và tự tin.
Phương
pháp Tu tập
Một
khi đã ngồi, thì đừng thay đổi tư thế cho đến khi hết
khoảng thời gian đã được ấn định trước. Giả sử, bạn
thay đổi tư thế này bởi vì nó đang có cơn khó chịu, qua
một tư thế khác. Nhưng rồi sau một lúc, tư thế kia rồi
cũng phát sinh cơn khó chịu giống như lúc trước. Thế là
bạn lại tiếp tục thay đổi, rồi thay đổi.. thì bạn sẽ
không bao giờ có được tầng mức tập trung sâu hơn trong
chánh niệm. Do đó, đừng bao giờ thay đổi tư thế ban đầu
dù cho cơn đau có khốc liệt đến đâu.
Để
tránh thay đổi tư thế ngồi trong giờ tọa thiền, hãy lập
quyết định “không thay đổi” từ lúc bắt đầu và ấn
định thời gian cho buổi ngồi. Nếu bạn là người mới tập
ngồi thì chỉ nên ngồi bất động không hơn hai mươi phút.
Rồi theo thời gian, bạn có thể tăng dần lâu hơn. Khoảng
thời gian ngồi còn tùy thuộc vào hai yếu tố: bao nhiêu thời
gian bạn có được để cho buổi tọa thiền hôm nay, và bạn
ngồi được bao lâu trong trầm mặc trước khi cơn đau hành
hạ bạn.
Bạn
không nên ấn định thời gian phấn đấu (bao lâu ta sẽ phải
giác ngộ?) để đạt đến mục đích của mình. Thành quả
có được luôn tùy thuộc vào sự tiến triển trong khi tu tập
và khả năng hiểu biết xuyên suốt, cũng như mức độ trưởng
thành của tâm. Chúng ta phải tu tập chuyên cần trong chánh
niệm, tiến dần đến mục tiêu mà không có lòng mong mõi
hay vội vã. Bao giờ sẵn sàng thì chúng ta tự nhiên sẽ đến.
Việc cần phải làm là trang bị cho mình đầy đủ khả năng
để khi đón nhận mà không bị chao đảo hay choáng ngợp.
Sau
khi ngồi ổn định, hãy nhắm mắt lại. Tâm cũng tương tự
như một ly nước đục. Nếu giữ được ly nước yên lặng
càng lâu thì những tinh thể bẩn sẽ lắng đọng xuống đáy
ly nhiều hơn; những tinh thể bẩn thô thì lắng mau hơn những
tinh thể vi tế. Cùng diễn tiến như thế, nếu bạn giữ thân
yên tịnh, chú tâm trọn vẹn vào đề mục, thì tâm sẽ lắng
đọng dần cho đến lúc bạn có thể kinh nghiệm được trạng
thái tĩnh lặng của thiền định.
Để
chuẩn bị cho trạng thái này, chúng ta nên giữ cho tâm
của mình luôn sống với phút giây hiện tại. Phút
giây hiện tại thì luôn luôn thay đổi thật nhanh, làm cho
người quan sát sơ cơ không thể nào nhận thấy sự hiện
hữu của nó được. Mỗi phút giây là đời sống của mỗi
sự kiện; nó luôn có điểm khởi đầu, thời gian biến đổi,
tồn tại, và hoại diệt — Sinh, Trụ, Hoại, Diệt. Cho nên,
chúng ta cố gắng tỉnh giác đối với phút giây hiện tại.
Tâm ta quan sát dòng sự kiện như xem một đoạn phim trên màn
ảnh, chiếu rọi những viễn ảnh của quá khứ qua từ kinh
nghiệm và một số hình ảnh trong tương lai do sự tưởng
tượng về những gì ta dự tính sẽ làm sau này.
Tâm
không thể nào tập trung nếu không có đối tượng tâm. Do
đó, chúng ta phải chọn một đề mục để nó có thể bám
lấy trong mọi thời. Hơi thở thì luôn luôn ở hiện tại
và cũng là một đề mục tốt. Tâm có thể nhận ra hơi thở
ở trong bất kỳ sát na thời gian nào trong lúc trôi chảy vào
và ra nơi mũi. Tu tập tuệ giác thì phải liên tục trong mọi
lúc và mọi nơi, cho nên hơi thở là một đối tượng tốt
nhất vì nó luôn luôn dính liền với bạn.
Sau
khi đã ngồi như sự chỉ dẫn trên, hãy trang trải lòng Từ
của bạn cho mọi người và hít thở ba hơi thật dài. Sau
khi thở ba hơi dài rồi, thì thở lại một cách bình thường,
cứ để hơi thở ra vào một cách thật tự nhiên mà không
có bất cứ gì kiềm hãm hay điều khiển nó, và đặt chú
tâm vào ở viền mũi nơi hơi thở va chạm. Chỉ đơn thuần
cảm nhận hơi thở ra vào mà thôi. Ban đầu bạn chưa có đủ
chú tâm thì sẽ không thấy có gì. Nhưng khi chánh niệm tăng
dần, bạn sẽ nhận ra, từ trạng thái hít vào chuyển sang
thở ra, có một khoãng thời gian ngắn của sự dừng lại.
Khi nhận ra được sự kiện ấy và chánh niệm sâu xa hơn
thì bạn cũng bắt được điểm chấm dứt, ngừng nghĩ, và
khởi sinh của từng chu kỳ hơi thở.
Đừng
bao giờ diễn đạt thành lời hay khái niệm hóa bất cứ điều
gì trong lúc tọa thiền. Chỉ đơn giản nhận biết hơi thở
ra vào mà không cần phải thầm nói “hít”, hay “thở”.
Khi bạn chú tâm vào hơi thở thì hãy gác lại những tư tưởng,
kỷ niệm, âm thanh, mùi vị… mà chỉ chú tâm dành riêng cho
hơi thở mà thôi, không cho bất cứ gì khác cả.
Vào
lúc ban đầu, hơi thở thì ngắn và gấp, vì bởi thân và
tâm chưa được thư giãn và trầm ổn. Chỉ cảm nhận cái
trạng thái này mà không cần phải thầm nói “hít ngắn”
hay “thở ngắn”. Nếu tiếp tục nhận thức hơi thở, thì
thân và tâm dần dần ổn định lại. Sau một lúc thì hơi
thở sẽ trở nên dài ra. Hãy nhận biết hơi trở một cách
trọn vẹn từ đầu cho đến cuối từng chu kỳ. Cho đến
khi hơi thở vi tế dần và thân-tâm cũng tĩnh lặng hơn nữa.
Nhận biết sự tĩnh lặng và trạng thái an bình này.
Những
phương pháp đối trị tâm xao lãng
Bất
chấp sự trù tính giữ cho tâm dán chặt vào hơi thở mạnh
mẽ ra sao, thì vẫn có lúc tâm bị trôi dạt. Những dĩ vãng,
nơi chốn, con người, bạn cũ lâu ngày không gặp, quyển sách
đã đọc qua, hương vị một món ăn, vv.. là những gì tâm
hay lai vãng đến. Khi bất chợt biết ra tâm không còn ở với
hơi thở nữa, một cách chánh niệm hãy mang nó về và cột
nó vào lại. Tuy nhiên, vài phút giây sau, bạn lại nghĩ đến
làm sao trả những phiếu chi tiêu, cú điện thoại quên gọi,
một điện thư chưa trả lời, quần áo đang chờ giặt, thức
ăn cần phải mua, dạ tiệc sẽ phải dự sắp đến, kế trình
cho lần nghĩ hè tới… khi nhận ra tâm lại lang thang, mang
nó trở về với hơi thở trong chánh niệm. Những lời khuyên
sau đây có thể giúp bạn tái lập lại được mức tập trung
cần thiết trong sự tu tập chánh niệm.
1.
Đếm
Trong
hoàn cảnh như thế, đếm số có thể làm cho tâm bớt trôi
dạt. Mục đích của đếm số là làm đơn giản hóa vấn
đề cho việc tập trung tâm vào hơi thở. Cho đến khi
nào tâm đã an định vào hơi thở thì không còn cần phải
đếm số tiếp nữa.
Trong
khi hít vào thì đếm “một, một, một…” cho đến khi phổi
đầy. Trong khi thở ra đếm “hai, hai, hai..” cho đến lúc
phổi xẹp. Rồi tiếp đến đếm “ba, ba, ba..” khi hít vào,
và “bốn, bốn, bốn…” khi thở ra. Đếm cho đến “mười”
và lập lại nếu cần cho đến khi nào tâm hoàn toàn an định
vào hơi thở.
Cách
đếm thứ hai là đếm nhanh tới “mười.” Hít vào trong
lúc đếm “một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, và
mười.” Rồi lại đếm giống như thế trong khi thở ra. Và
cứ lập lại như thế nhiều lần cho đến khi nào tâm an ổn
với hơi thở.
Lối
thứ ba là đếm tiếp nối tới mười. Trong khi hít vào thì
đếm “một, hai, ba, bốn, năm” (chỉ tới năm) và thở ra
trong lúc đếm “một, hai, ba, bốn, năm, sáu” (tới sáu).
Rồi đếm tới “bảy” khi hít vào, và đếm tới “tám”
khi thở ra. Và cứ thế cho đến “mười” rồi bắt đầu
lại.
Phương
pháp thứ tư là hít thở dài. Khi hít vào đếm “một” và
thở hết ra thì đếm “hai”. Và cứ thế cho đến “mười”
rồi đếm ngược trở lại cho tới “một”. Lập lại cho
đến khi nào tâm ở vững bền với hơi thở.
Cách
thứ năm là đếm gập chung. Khi xong một chu kỳ hít vào và
thở ra thì đếm “một”. Rồi một chu kỳ tiếp thì đếm
“hai”. Đếm cho đến “năm” rồi ngược lại cho đến
“một”. Lập lại cho đến khi hơi thở thật điều hòa
và êm dịu.
Nên
nhớ rằng bạn không cần phải đếm trong mọi thời. Cho đến
bao giờ tâm của bạn dán chặt vào viền mũi nơi mà hơi thở
va chạm khi ra-vào, và cảm thấy hơi thở điều hòa và mỏng
manh đến nỗi bạn không thể phân biệt hít vào hay là thở
ra thì bạn nên dừng đếm. Đếm chỉ dùng vào mục đích
huấn luyện tâm tập trung ở lại một điểm mà thôi.
2.
Liên tục
Sau
giai đoạn hít vào, đừng bao giờ gắng công nín thở để
nhận diện ra điểm chuyển tiếp trước khi thở ra, mà hãy
để cho hít và thở đi liên tục. Bạn có thể cảm nhận
hít và thở như là một dòng liên tục.
3.
Bám chặt
Sau
khi liên tục hít và thở, đặt chắc tâm vào điểm nơi hơi
thở va chạm trong lúc ra vào. Hít và thở như một dòng hơi
đi ra vào, va chạm hay cọ xát nơi viền của cánh mũi.
4.
Chú tâm giống như người thợ mộc
Vẽ
một đường thẳng trên tấm ván mình muốn cắt, người thợ
mộc cưa theo lằn đã vẽ. Anh không nhìn vào những răng của
lưỡi cưa khi cưa, mà người thợ chỉ chú tâm vào lằn vẽ
để cắt. Giống như thế, hãy giữ tâm nơi cái điểm mà
bạn cảm thấy hơi thở va chạm.
5.
Xem tâm như người gác cửa
Một
người canh gác cửa thì không bao giờ để ý đến những
chi tiết về kẻ đi vào nhà, mà anh chỉ nhận ra có những
ai đi vào và ra khỏi nhà mà thôi. Cũng tương tự như thế,
trong khi tập trung, bạn không nên đặt nặng về những
chi tiết của kinh nghiệm, mà chỉ đơn thuần nhận biết cái
cảm xúc hơi thở va chạm ở viền mũi khi nó ra vào.
Sự
tu tập đều đặn và đúng đắn dần dần sẽ làm cho thân
và tâm trở nên nhẹ nhàng đến nỗi bạn có thể có cảm
giác như là mình đang bay bổng trong không khí hay bềnh bồng
trên mặt nước. Bạn cũng có thể có cảm tưởng như thân
của mình đang bật tung lên cao. Khi hơi thở càng lúc càng
trở nên vi tế hơn, và hơi thở vi tế này chính là đối
tượng tâm mà bạn cần phải tập trung vào. Đây là dấu
hiệu của tâm tập trung. Sự xuất hiện dấu hiệu này sẽ
càng trở nên vi tế hơn giống như tiếng của cái chuông,
lúc ban đầu thì thật lớn và rõ ràng, rồi dần dần nhỏ
đi và tan biến vào trong hư không vô tận. Hơi thở thì cũng
tương tự như vậy, lúc đầu thì rất thô, nếu chú tâm đủ
lâu thì nó sẽ êm dịu dần và càng vi tế hơn, nhưng ý
thức thì vẫn luôn luôn chú tâm nơi viền mũi. Những
đối tượng tâm khác cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn khi khả
năng tập trung này phát triển mạnh hơn, trong khi hơi thở
thì càng lúc càng trở nên tan biến dần. Chính vì sự vi tế
này, mà đôi khi bạn có cảm giác là hơi thở có lúc có,
có lúc không. Đừng có lo âu hay hoảng sợ, chỉ chánh niệm
và mang tâm về nơi viền mũi dù có cảm giác được sự xúc
chạm của hơi thở hay không. Lúc này là lúc sự tu tập của
bạn đang ở trạng thái nghiêm túc, năng lực được bền
vững, có Chánh tín, có Chánh niệm, có Chánh định, và có
Chánh kiến.
Dụ
ngôn về người nông phu
Giả
sử có một người nông dân dùng những con trâu để cày đất
cho cánh đồng lúa. Vào lúc ban trưa, anh nghĩ ngơi dưới bóng
cây trong khi các con trâu thì cũng quanh quẩn nhai cỏ gần đấy.
Khi anh thức giấc thì không còn thấy trâu của mình ở đâu
nữa cả. Anh thật lo lắng, chạy đến bờ sông gần đấy
thì thấy những con vật ấy đang uống nước dưới khí hậu
oi bức lúc ban trưa. Không có vấn đề gì cả, anh kéo nài
dẫn chúng về, rồi tiếp tục cày đất tiếp.
Một
cách tương tự trong lúc tu tập, hơi thở trở nên vi tế và
nhuần nhuyễn đến nỗi bạn không còn cảm giác ra nó hiện
hữu nữa hay không. Khi hiện tượng này xảy ra thì bạn cũng
không nên lo lắng. Thật ra thì nó lúc nào cũng ở đó, ngay
nơi chóp mũi; chỉ cần thở mạnh vài cái là bạn sẽ nhận
ra nó ngay. Hãy tiếp tục chú tâm vào nơi va chạm của
hơi thở.
Trong
khi giữ tâm nơi viền mũi, bạn có thể nhận ra sự hình thành
của đối tượng thiền định (mà theo thiền ngữ còn gọi
là Cận tướng.) Những “Cận tướng” do tu thiền mang lại,
còn tùy thuộc vào mỗi thiền giả và có những tác động,
sự cảm nhận khác nhau. Có người thấy một vì sao, một
then cửa, một sợi dây dài, những đốm hoa, những đợt khói,
hay những màng nhện, hay là những đám mây, bông hoa nở, hay
mặt trăng, mặt trời v.v…
Ở
vào giai đoạn ban đầu của sự tu tập, bạn xem hơi thở
ra vào là đề mục tu thiền. Cho đến lúc này thì bạn thấy
ra Cận tướng như là một đề mục thứ ba (hít vào là một;
thở ra là hai). Khi nào chú tâm vào đề mục thứ ba này, thì
cũng là lúc tâm của bạn đang ở trạng thái tập trung thích
hợp cho giai đoạn tu tập Tuệ giác. Đề mục này hiện bày
rõ ràng ở ngay viền mũi của bạn. Hãy thuần thục và tập
sự nắm bắt nó một cách vững vàng, để bất cứ khi nào
bạn cần đến nó thì có bắt nó dễ dàng. Kết hợp tâm
và Cận tướng đang hiện có trong lúc ấy và để cho tâm
hòa nhập theo dòng vận hành của thời gian. Trong khi chỉ chú
tâm vào nó, bạn sẽ thấy Cận tướng thì đang luôn luôn
thay đổi không ngừng. Sự kết hợp của tâm vào phút giây
hiện tại thì được gọi là “Sát-na Định”. Trong khi dòng
thời gian liên tục trôi qua từ sát-na này sang sát-na kế tiếp
thì tâm cũng hòa nhập theo như một thể mà cùng thay đổi,
cùng xuất hiện và cùng tan biến, nhưng không có sự chấp
thủ vào bất cứ hiện trạng nào cả. Nếu cố gắng dừng
tâm lại ở một khoảng thời điểm nào, thì chúng ta sẽ
phải thất vọng bởi vì tâm sinh diệt quá nhanh. Nó phải
dính liền với những gì đang xảy ra trong từng sát-na mới.
Chỉ có phút giây hiện tại thật sự hiện hữu, cho
nên chúng ta chỉ có thể thật sự sống nếu hòa nhập vào
phút giây hiện tiền.
Kết
hợp tâm vào với phút giây hiện tại, chúng ta phải tìm thấy
một điểm tựa đang xảy ra trong phút giây này. Nhưng bạn
không thể nào chú tâm vào dòng thay đổi khi không có một
mức tập trung cần thiết để bắt kịp nó. Chừng bao giờ
có được khả năng tập trung đủ mạnh, bạn sẽ có thể
tận dụng nó trong sự chú tâm vào bất kỳ những sự việc
nào mà bạn muốn kinh nghiệm — sự phồng xẹp của bụng,
sự căng giãn của ngực, sự sinh diệt của cảm giác, hay
sự bắt đầu và đoạn cuối của hơi thở, tư tưởng, vv…
Để
đạt được một chừng mực tiến bộ trong quá trình tự
chứng, bạn rất cần loại “Sát-na Định” này. Đó là
tất cả những gì bạn cần trong quá trình tu tập Tuệ giác,
bởi vì mọi thứ chỉ có thể kinh nghiệm trong một sát-na.
Khi tập trung để mang trạng thái Định này vào dòng thay đổi
đang xảy ra trong thân-tâm, bạn sẽ nhận ra rằng hơi thở
là phần sinh lý (sắc) và cảm giác về hơi thở qua Ý thức
nhận biết là phần tâm lý (danh). Trong lúc nhận diện chúng,
bạn cũng thấy ra chúng luôn thay đổi không ngừng. Có rất
nhiều loại cảm xúc cùng xảy ra ngoài cảm giác về hơi thở
nữa trong thân. Hãy quan sát tất cả ở từng phần trong thân.
Đừng bao giờ thử tạo ra bất kỳ một cảm giác nào không
tự nhiên lên thân. Khi có tư tưởng phát sinh thì hãy ghi nhận
chúng. Bạn nên nhận ra những hiện tượng này đều có tính
vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã, dù cho kinh nghiệm
chúng ở lãnh vực nào — tâm hay sinh lý — thì cũng thế.
Trong
khi Chánh niệm tăng trưởng thì sự khó tính của bạn cũng
dần thay đổi, tính phản kháng lại những gì mình không thích,
bám víu vào những gì mình ưa thích, và quan niệm về tự
ngã, sẽ dần dần bị thay thế đi bởi sự hiểu biết thấu
suốt về vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Kinh nghiệm
được chân lý này, nó giúp bạn vun bồi thêm sự trầm tĩnh,
an bình, và tư thế vững vàng đối với cuộc đời. Những
gì trong quá khứ mà bạn cho là thường hằng, giờ đây bạn
thấy ra chúng đã và đang thay đổi ở một tốc độ khó
mà tin được, ngay cả tâm của mình cũng còn không thể bắt
kịp. Vì một lý do nào đó, dần dần bạn nhận ra được
nhiều sự đổi thay, sẽ thấy ra tính vô thường và vô ngã
luôn tiềm ẩn của chúng. Khả năng thấu hiểu sự thật ẩn
dấu bên trong này, sẽ chỉ ra cho bạn con đường đi đến
bình an, hạnh phúc và cho bạn trí tuệ để đối diện với
mọi vấn đề hàng ngày trong đời sống.
Khi
tâm kết hợp với hơi thở và vận hành như một thể trong
mọi sát-na, chúng ta sẽ có thể tập trung tâm vào giây phút
hiện tại một cách tự nhiên. Chúng ta nhận thấy cảm giác
phát sinh từ sự va chạm của hơi thở vào viền mũi. Nguyên
tố đất của hơi khi đi ra-vào, xúc chạm vào nguyên tố đất
của viền mũi, cho nên tâm cảm nhận ra luồng gió vào ra.
Cảm giác ấm trổi dậy ở viền mũi hay ở bất cứ nơi nào
trên thân do sự xúc chạm của nguyên tố lửa tạo nên do
quá trình thở. Cảm giác vô thường của hơi thở sinh khởi
khi yếu tố đất của hơi thở chạm vào viền mũi. Mặc dù
yếu tố nước cũng có mặt trong hơi thở nhưng tâm không
thể nào cảm giác ra.
Chúng
ta cũng cảm nhận ra sự căng và co thắt của phổi, bụng,
đan điền khi không khí mới được bơm vào và ép ra khỏi
lồng phổi. Sự căng và co thắt của bụng, đan điền, và
ngực là những phần chu kỳ chung của vũ trụ. Mọi hiện
tượng trong vũ trụ có cùng chung chu kỳ của sự căng ra và
co thắt cũng giống như hơi thở và thân của chúng ta. Tất
cả đều có sinh và diệt. Dù thế nào đi nữa, mối quan tâm
chính của chúng ta là hiện tượng sinh diệt của hơi thở
cùng với thân-tâm của chúng ta ở vào thời điểm đó.
Trong
tiến trình của sự hít vào, nếu có đủ định lực chúng
ta có thể kinh nghiệm được ít nhiều sự bình thản. Sự
bình thản không có nét căng thẳng này lập tức biến thành
sự căng thẳng nếu chúng ta không thở ra trong vài sát-na kế.
Rồi khi thở ra, sự căng thẳng kia bị tan biến đi. Sau khi
thở ra, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự khó chịu nếu đợi chờ
hơi lâu trước khi hít vào hơi thở mới. Điều này có nghĩa
là mỗi khi phổi đầy thì phải thở ra và phổi xẹp thì
bắt buộc phải hít vào. Và trong lúc hít thở, chúng ta kinh
nghiệm được một chút sự bình thản. Chúng ta luôn có chiều
hướng ham muốn sự bình thản và trút đi áp lực; và lại
càng không thích áp lực tạo ra từ sức ép thiếu hơi. Chúng
ta mong muốn sự bình thản ở lâu hơn và sức ép biến mất
mau hơn, nhưng điều đó không thể nào xảy ra được theo
ý muốn của mình. Để rồi, chúng ta trở nên dao động, cáu
bẳn do cái tính ham muốn phi lý của mình. Ở điểm này, chúng
ta thấy ra tính tham lam vi tế về “cầu bất đắc” — muốn
hiện tượng vô thường trở nên vĩnh thường — tạo ra khổ
đau và bất toại nguyện. Vì không ai có thể khống chế được
hiện trạng này, cho nên chúng ta càng trở nên thất vọng
hơn.
Tuy
thế, nếu quan sát hơi thở mà không có lòng ham muốn sự
bình thản và cũng không bực bội về sức ép trổi dậy do
quá trình thở, mà chỉ kinh nghiệm tính vô thường, bất toại
nguyện, và vô ngã của hơi thở, tâm của chúng ta dần dần
trở nên bình an và tĩnh lặng.
Dĩ
nhiên, tâm không bao giờ ở mãi với cảm xúc của hơi thở,
nó còn đón nhận âm thanh, ý tưởng trong quá khứ, tình cảm,
quan niệm, tri thức, và các tâm sở biến hành nữa. Khi chúng
ta kinh nghiệm những trạng thái này, chúng ta nên quên đi cảm
xúc hơi thở mà lập tức tập trung tâm ý vào trạng thái
hiện đang có — từng trạng thái cho mỗi lần, không phải
là tất cả trong một lần. Khi chúng tan biến đi, chúng ta
mang tâm mình về lại hơi thở vốn là điểm căn bản mà
ta luôn luôn trở về sau những cuộc hành trình xa nhà. Cũng
cần nhắc lại, tất cả những cuộc hành trình vượt không
gian này luôn luôn được diễn ra không ngoài tâm.
Mỗi
khi tâm trở về lại hơi thở, nó trở lại với sự hiểu
biết một chút sâu xa hơn về ba đặc tính của sự thật
— vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Tâm trở nên
thấu suốt hơn ra, từ quan điểm khách quan, không thiên vị,
về những sự cố này. Nó sẽ có được sự hiểu biết bên
trong về sự thật là, thân này, cảm giác, muôn ngàn ý tưởng
và tâm hành, đều dùng để dạy cho ta sự thật rốt ráo
về mối kết hợp đa dạng của tâm và thân này.