Chương
12: Đối diện với Vọng tâm – II
Thế
rồi bạn tu thiền thật êm xuôi. Thân thì hoàn toàn bất động
và tâm của bạn rất tĩnh mịch. Bạn cứ lướt nhẹ theo
dòng chảy của hơi thở, ra, vào, ra, vào … êm ả, bình thản
và tập trung. Mọi thứ thật trọn vẹn. Nhưng rồi bất thình
lình, cái gì ấy hoàn toàn xa lạ nhảy vọt vào tâm của bạn:
“Chắc chắn là mình đang muốn ăn một cây cà rem!” Rõ
ràng nó là vọng tâm. Đó là cái mà bạn không nên nghĩ đến
trong giờ phút này. Bạn biết thế, cho nên kéo tâm mình trở
lại với hơi thở, phẳng lặng trôi chảy, ra, vào … và rồi:
“Mình đã trả tiền ga tháng này chưa?” Một vọng tâm khác.
Bạn nhận ra nó ngay và quay trở về lại hơi thở. Vào, ra,
vào, ra .. “Phim khoa học giả tưởng mới ra rồi. Có lẽ
ta đi xem nó thứ ba. Không, thứ ba không được, thứ tư còn
quá nhiều việc để làm. Thứ năm thì tốt hơn..” Lại vọng
tâm nữa. Bạn nhận biết ngay và trở về với hơi thở, nhưng
lần này chưa ổn định với hơi thở thì, “cơn đau ở lưng
thật là chết người.” Và cứ thế mà tiếp diễn, từ vọng
tâm này sang chập kế tiếp chừng như vô tận.
Thật
là phiền toái. Nhưng đây là những gì làm cho tu thiền trở
nên cần thiết. Sự xao lãng này là vấn đề muốn nói ở
đây. Điểm chính yếu là học cách đối trị chúng. Học
phương cách nhận ra chúng mà không bị lôi cuốn vào. Đó
là những gì mà chúng ta đến đây để học. Tâm lang thang
thật không dễ chịu, đó là điều chắc chắn. Nhưng tâm
vốn có một vùng hoạt động bình thường. Đừng nên nghĩ
về trạng thái xao lãng như kẻ thù. Nó chỉ là một sự thật
đơn giản. Nếu bạn muốn thay đổi một điều gì, điều
bạn phải làm trước nhất là, thấy điều đó như-nó-là.
Trước
khi ngồi xuống để tập trung vào hơi thở, thì trạng thái
tâm của bạn thật đang rất bận rộn. Nó nhảy múa như con
ngựa dở chứng. Nó đổi hướng, chụm bốn vó, quay vòng
vòng giống như con chó chạy đuổi theo chiếc đuôi của mình.
Nó nói huyên thuyên, suy nghĩ, tưởng tượng, mộng du. Đừng
nên bực mình về vấn đề này, vì đó là lẽ rất tự nhiên.
Khi tâm của bạn lang thang ra khỏi đề mục thiền, chỉ
quan sát sự xao lãng trong chánh niệm.
Khi
nói đến vọng tâm trong thiền Tuệ, chúng tôi muốn nói về
tình trạng lơ đãng kéo sự chú tâm rời khỏi hơi thở. Điều
này đưa đến một qui tắc mới trong tu tập: khi nào
có một trạng thái tâm nổi lên đủ mạnh kéo tâm rời khỏi
đề mục, thì chuyển sự chú tâm của bạn sang trạng thái
này lập tức. Tạm thời xem trạng thái xao lãng này
như là một đề mục để quan sát. Ghi nhớ là chỉ tạm
thời thôi. Điểm này rất quan trọng. Chúng tôi không
khuyên bạn đổi ngựa trong lúc đang cởi, và không mong là
bạn chọn đề mục mới trong mỗi ba phút. Hơi thở bao giờ
cũng là đề mục chính. Bạn chỉ chuyển sự chú tâm qua sự
xao lãng đủ lâu, để ghi nhận những đặt tính của nó thôi.
Nó là cái gì? Mạnh yếu ra sao? Ở bao lâu. Đến bao giờ bạn
biết (không phải niệm) đủ về nó, thì quá trình khám xét
trạng thái xao lãng xem như hoàn tất, trở lại với hơi thở.
Làm ơn ghi nhớ là BIẾT. Những câu hỏi này không phải là
lời mời gọi cho một cuộc độc thoại bên trong. Nó có thể
đưa bạn đi lạc hướng, dần vào trạng thái suy tư. Chúng
tôi muốn bạn rời xa tiến trình tư duy, trở lại ngay với
kinh nghiệm trực giác — không lời, không khái niệm — của
hơi thở. Những câu hỏi này dùng để giúp bạn thoát ra khỏi
sự xao lãng và cho bạn cái nhìn về thực chất của nó, chứ
không phải nghiên cứu thâm sâu để kẹt vào nó. Chúng điều
chỉnh bạn vào với vọng tâm và giúp bạn buông xả nó —
tất cả trong một bước.
Vấn
đề là ở chỗ này: khi có sự xao lãng hay bất kỳ trạng
thái tâm nào khác, phát khởi lên trong tâm, nó nảy sinh từ
trong vô thức. Chỉ một sát-na kế tiếp nó xuất hiện ở
ý thức. Chỉ một sát-na thời gian khác biệt thì rất là
quan trọng, bởi vì chừng bấy nhiêu thời gian cũng đủ cho
sự chấp thủ xảy ra. Sự chấp thủ hình thành gần như là
lập tức, và ở ngay nơi vô thức. Theo lẽ này, vào thời
điểm chấp thủ hiện thân và phát triển tới tầng mức
mà ý thức nhận biết được, chúng ta đã bị dính
mắc vào nó rồi. Thật là rất tự nhiên cho chúng ta cứ tiếp
tục tiến trình này, dính càng chặt thêm hơn vào sự xao lãng
trong lúc nhìn theo nó. Phút giây này chắc chắn là chúng
ta đang suy nghĩ, chứ không còn là quan sát vọng tâm bằng
sự chú tâm đơn thuần nữa. Toàn bộ quá trình hoàn
tất trong sát-na. Điều này chỉ ra cho chúng ta một vấn đề
là, lúc chúng ta nhận thức ra được vọng tâm, cũng có nghĩa
là chúng ta đã dính vào rồi. Có ba câu hỏi về cách điều
trị cho căn bệnh này. Để trả lời những câu hỏi này,
chúng ta phải xác định phẩm chất của sự xao lãng. Muốn
làm được việc này, chúng ta phải (1) tách rời mình ra khỏi
nó, (2) đem tâm lùi về sau một bước, thả nó ra, và (3) nhìn
nó một cách khách quan. Chúng ta phải dừng suy nghĩ hay cảm
giác để nhìn đối tượng đang được giám định. Qui trình
này là một bài ứng dụng trong chánh niệm, sự tỉnh giác
không dính mắc, dùng để phân cách với vọng tâm. Sợi dây
trói buộc của vọng tâm bị cắt đứt và chánh niệm trở
lại. Ở thời điểm này, chánh niệm nhẹ nhàng mang sự tập
trung về lại với hơi thở.
Lúc
mới thực tập phương thức này có lẽ bạn sẽ phải làm
với ngôn ngữ (lập niệm.) Bạn tự hỏi và tự trả lời.
Không lâu bạn phối hợp cách thức với nhau. Một khi quen
thuộc rồi thì bạn chỉ đơn giản ghi nhận vọng tâm, phẩm
chất của nó, và rồi trở về lại hơi thở. Quá trình này
không dựa trên khái niệm và hoàn tất rất nhanh chóng. Vọng
tâm có thể là bất cứ gì: một âm thanh, một cảm giác,
một cảm xúc, một tưởng tượng, mọi thứ. Không cần biết
nó là gì, đừng thử đè nén nó, đừng đẩy nó ra khỏi
tâm. Đó là điều không cần thiết. Chỉ quan sát nó trong
chánh niệm với sự chú tâm đơn thuần. Xem xét vọng tâm
trong êm lặng và nó sẽ tự ra đi. Bạn sẽ thấy sự chú
tâm của mình trở về lại với hơi thở một cách dễ dàng.
Đừng tự kết tội vì đã để xao lãng. Vọng tâm là tự
nhiên, chúng đến rồi đi.
Dù
cho lời khuyên này có vẻ thông thái ra sao, bạn rồi sẽ tự
kết án mình vào một lúc nào đó. Đó cũng là lẽ tự nhiên
nữa. Chỉ quan sát cả quá trình tự kết tội như là sự
xao lãng khác, rồi trở về lại với hơi thở.
Xem
xét cả trình tự của sự kiện: Thở. Thở. Vọng tâm nổi
lên. Thất vọng về vọng tưởng đã nổi lên. Tự trách tại
sao để cho tâm lang bạt. Nhận biết sự tự kết tội. Trở
về lại với hơi thở. Thở. Thở. Rất là tự nhiên, một
chu kỳ trơn tru trôi chảy, nếu bạn làm đúng. Điểm chính
yếu dĩ nhiên là Kiên nhẫn. Nếu bạn có thể học quan
sát vọng tâm mà không can thiệp vào với chúng, thì mọi việc
trở nên rất dễ dàng. Bạn chỉ lướt nhanh qua vọng
tâm và trở về với hơi thở lập tức. Dĩ nhiên, cũng là
vọng tâm này, nó có thể trở lại vào phút giây kế tiếp.
Nếu có thì chỉ quan sát một cách chánh niệm. Nếu vấn đề
này xảy ra có trình tự và khuôn mẫu nhất định, thì bạn
phải cần rất nhiều thời gian để phá vỡ cái khối ký
ức tích lũy từ bao đời kia — có thể vài năm. Đừng nên
nản lòng, tình trạng này rất tự nhiên và phổ biến. Chỉ
quan sát sự xao lãng và rồi trở về lại với hơi thở. Đừng
đấm đá với những tư tưởng lang thang này làm gì. Cũng
đừng căng thẳng hay vẫy vùng làm gì cho vô ích. Năng lượng
dùng vào sự phản kháng sẽ bị guồng máy tư tưởng thu hút
và làm cho nó lớn mạnh hơn thêm mà thôi. Cho nên, đừng cố
gắng đẩy những vọng tưởng ra khỏi tâm. Đây là một trận
chiến tất bại cho bạn. Chỉ quan sát vọng tâm trong chánh
niệm thì nó lập tức ra đi. Thật là lạ kỳ, càng nhiều
chú tâm đơn thuần cho phiền nhiễu như thế bao nhiêu, thì
chúng suy tàn nhanh bấy nhiêu. Quan sát chúng đủ lâu, đủ
thường xuyên với chú tâm đơn thuần, thì chúng sẽ tan biến
đi vĩnh viễn. Chống chọi lại chúng thì chúng có thêm sức
mạnh; còn ngắm nhìn chúng với sự thờ ơ thì chúng lại
héo tàn.
Chánh
niệm có công năng tháo gỡ vọng tâm, giống như chuyên gia
rút ngòi quả bom. Vọng tâm yếu thì chỉ cần một chớp mắt.
Rọi ánh sáng tỉnh giác vào chúng, thì những vọng tâm này
lập tức biến thành mây khói và không còn trở lại nữa.
Những tập khí hằn sâu cần phải có chánh niệm liên tục
và áp đặt vào chúng theo thời gian dài để chặt đứt xiềng
xích của chúng ở trong ta. Vọng tưởng thật ra chỉ là những
con cọp bằng giấy. Chúng không có nguồn sinh lực tự tồn.
Nếu không có nguồn cung cấp năng lực liên tục thì chúng
sẽ chết. Nếu bạn chối từ nuôi chúng bằng nỗi sợ hãi,
cơn giận, và lòng tham lam của mình, thì chúng sẽ tan biến.
Chánh
niệm là bộ phận quan trọng nhất của thiền định.
Nó là điều quan yếu mà bạn cố gắng vun bồi. Cho nên, không
thật cần thiết phải vật lộn với vọng tâm. Điều
tất yếu là có chánh niệm về những gì đang xảy ra, chứ
không phải kiểm soát chúng. Nên nhớ, sự tập trung
chỉ là một dụng cụ mà thôi. Nó thuộc vào hàng thứ hai
sau sự chú tâm đơn thuần. Từ góc độ nhìn của chánh
niệm, không có gì gọi là vọng tâm cả. Bất cứ gì
sinh khởi trong tâm đều được xem như là một cơ hội vun
bồi cho chánh niệm. Ghi nhớ rằng hơi thở là điểm tập
trung tùy tiện và được dùng làm đối tượng chính cho sự
chú tâm. Còn vọng tâm thì được dùng như là đối tượng
thứ hai. Chúng cũng không khác gì so với hơi thở cả trên
thực chất. Chỉ có khác biệt một chút là cái nào hiện
là đối tượng của chánh niệm đang trụ vào trong thời điểm
ấy mà thôi. Bạn có thể chú tâm về hơi thở hay về
tâm xao lãng. Bạn có thể chú tâm về trạng thái yên tĩnh
của tâm, trạng thái bền vững của sự tập trung, hay sự
tập trung giống như mảnh vải mà tâm của bạn đang kéo lê
chân trên nó. Tất cả những thứ đó đều là chánh niệm.
Chỉ duy trì chánh niệm thì sự tập trung lập tức đi theo
sau.
Mục
đích của tu thiền không phải để tập trung vào hơi thở
không cho gián đoạn mãi mãi. Nếu chỉ là thế thì
mục đích kia hoàn toàn vô ích. Mục đích của tu thiền cũng
không phải để đạt đến cái trạng thái tâm hoàn toàn tĩnh
lặng và yên ổn. Dù cho đó là một trạng thái kỳ diệu,
nhưng nó không đưa đến sự giải thoát. Mục đích của tu
thiền là để đến chánh niệm miên mật. Chánh
niệm và chỉ có chánh niệm mới phát sinh ra giác ngộ.
Vọng
tâm xuất hiện qua thiên hình vạn trạng. Triết học phật
giáo có thống kê chúng vào nhiều loại. Một trong những loại
này là những chướng ngại. Tất cả đều được gọi là
chướng ngại bởi vì chúng làm cản bước phát triển cả
hai bộ phận của thiền tập, Chánh niệm và sự Tập trung.
Cẩn thận về từ ngữ này: từ “chướng ngại” mang ý
nghĩ không tốt thay vì những trạng thái tâm này chúng ta muốn
đoạn diệt đi. Nhưng đó không có nghĩa là chúng cần phải
bị đàn áp, xa lánh hay kết án.
Hãy
dùng tham lam làm ví dụ. Chúng ta mong tránh trạng thái tham
lam càng lâu càng tốt, vì bởi, sự kéo dài của tâm tham sẽ
dẫn đến cảnh nô lệ và đau buồn. Điều đó không có nghĩa
là, chúng ta cố gắng vất bỏ cái tư tưởng kia ra khỏi tâm
mỗi khi chúng sinh khởi. Chúng ta chỉ đơn giản không
đồng ý làm điều gì để giúp nó ở lại lâu hơn thôi,
mà để cho nó tự đến và đi. Lúc ban đầu tâm tham bị sự
chú tâm đơn thuần quan sát thì không có sự phán xét hình
thành cả. Chúng ta chỉ đơn giản đứng lùi ra sau và ngắm
nhìn nó nổi lên. Toàn bộ chuyển biến của tâm tham được
quan sát theo cách này từ lúc bắt đầu cho đến biến mất.
Chúng ta không giúp, ngăn chặn hay cản trở nó dù một chút
nhỏ nào. Nó muốn ở bao lâu tùy ý, và chúng ta học hết
khả năng, tính chất của nó trong lúc nó đang nấn ná ở
đây. Chúng ta tra xét xem tâm tham làm gì. Nó tạo ra khó khăn
cho ta như thế nào và tạo nên gánh nặng cho người khác ra
sao. Nhận thấy nó làm chúng ta thất vọng dai dẵng làm sao,
và vĩnh viễn sống trong niềm ao ước không bao giờ toại
nguyện. Từ kinh nghiệm lần đầu này, chúng ta biết chắc
tận gốc rễ là, tham lam là một phương cách sống vụng về.
Sự hiểu biết này không phải là một lý thuyết suông.
Tất
cả những chướng ngại đều được xử lý theo một chiều
hướng giống nhau, và chúng ta sẽ xem xét chúng từng loại
một.
Tham
Dục: Giả sử bạn bị xao lãng
bởi một kinh nghiệm nào đó trong tu tập. Nó có thể là một
tưởng tượng thích thú hay một niềm tự hào. Cũng có thể
là một cảm giác của lòng tự trọng. Hoặc là một tình
yêu, hay niềm hạnh phúc do cảm xúc sinh lý phát sinh từ kinh
nghiệm thiền định. Bất kỳ nó là gì, theo sau đó là một
trạng thái tham dục — ham muốn đạt được cái gì đó mà
bạn nghĩ đến, hay ham muốn kéo dài kinh nghiệm bạn đang
có. Không cần biết bản chất của nó là gì, bạn nên xử
lý tham dục theo cách này. Nhận biết “tư tưởng” hay “cảm
giác” khi nó trồi lên. Nhận biết “trạng thái tâm
ham muốn” đi theo nó như một đối tượng biệt lập.
Nhận biết chính xác rõ ràng cái “mức độ” của sự ham
muốn. Kế đó, nhận biết nó tồn tại bao lâu cho
đến khi nó cuối cùng diệt đi. Khi bạn làm tất cả những
bước trên xong, đem chú tâm về với hơi thở.
Sân
hận: Giả sử bạn bị xao lãng
bởi kinh nghiệm tiêu cực. Có thể có những gì đó làm cho
bạn lo sợ hay lo lắng liên tục. Hoặc là cảm giác tội lỗi,
phiền muộn, hay đau đớn. Bất cứ bản chất của tư tưởng
hay cảm giác đó là gì, bạn cảm thấy mình như bị khước
từ hay ức chế — cố gắng tránh đừng kháng cự hay phủ
nhận nó. Phương pháp đối trị bản chất sân hận cũng tương
tự, ngắm nhìn sự phát sinh của tư tưởng hay cảm giác.
Ghi nhận trạng thái bị từ chối đi theo nó. Ước lượng
mức độ và tầm mức sự khước từ. Xem bao lâu nó tồn
tại cho đến lúc nó tan biến đi. Kế đó đem sự chú tâm
về với hơi thở.
Lãnh
đạm (Hôn trầm): Lãnh đạm xuất
hiện ở nhiều dạng khác nhau, nhiều cấp bậc, cường độ,
phạm vi từ hơi mơ màng cho tới thật là uể oải. Chúng tôi
đang nói về “trạng thái tâm” chứ không phải về thân.
Buồn ngủ hay mệt lả thân thể thì khác, trong hệ thống
phật học phân loại, nó thuộc về cảm giác sinh lý. Tâm
lý thờ thẫn thì gần gũi giống với sự ác cảm theo một
chiều hướng có tính cách tinh ranh hơn của tâm, để tránh
đi hiện trạng phải đối diện sự khó chịu. Sự thờ
thẫn là một trạng thái tắt nghẽn những bộ phận hoạt
động của tâm,nó làm lụt cùn giác quan và sự bén nhạy
của tri thức. Nó là sự ngớ ngẩn cưỡng chế giả
vờ như buồn ngủ. Đây là một tình trạng rất khó đối
phó, bởi vì sự hiện diện của nó thì trực diện đối
nghịch lại việc làm của chánh niệm. Sự uể oải thì gần
như là bề trái của chánh niệm. Tuy thế, chánh niệm cũng
điều trị được chướng ngại này, và cũng cùng một phương
pháp chung. Ghi nhớ là, khi trạng thái mơ màng phát sinh, ghi
nhận tầm mức và cường độ của nó; nổi lên khi nào, bao
lâu, và lúc nào nó diệt đi. Điểm đặt biệt khác ở đây
là, sự quan trọng nhất là bắt được hiện tượng này thật
sớm. Bạn phải nhận ra nó ngay lúc nó hình thành và áp đặt
sự chú tâm đúng mức lập tức. Nếu bạn để cho nó phát
khởi, thì có lẽ nó sẽ lớn mạnh thật nhanh và vượt quá
sức mạnh chánh niệm mà bạn đang có. Khi trạng thái uể
oải thắng thế, thì tâm sẽ bị cùn nhụt và tê liệt suốt
cả khoảng thời gian ngồi, và có thể đi vào những buổi
ngồi sau đó.
Dao
động (Trạo cử): Trạng thái bất
an và lo âu là hình thức biểu lộ trạng thái tâm dao động.
Tâm của bạn cứ nhảy lung tung, khước từ ở yên với bất
kỳ một đối tượng nào cả. Bạn có thể gặp phải vấn
đề này rất nhiều lần. Đôi khi, ngay cả cảm giác không
yên cũng chiếm ưu thế hơn. Tâm chối từ dừng lại bất
kỳ nơi đâu, nó liên tục nhảy chuyền. Phương pháp căn bản
vẫn là cách đối trị tốt cho tình trạng này. Bất an chiếm
một phần cảm giác trong ý thức. Bạn có thể gọi nó là
đặt tính hay phần cấu tạo nếu muốn. Dù cho gọi nó là
gì, cảm giác háo động đó đang hiện hữu với đặc tính
có thể định rõ. Tìm cho ra nó. Một khi xác định ra rồi,
ghi nhận xem nó tồn tại bao nhiêu, khi nào nó phát sinh, ở
đó bao lâu, và ngắm nhìn nó ra đi, rồi đem sự chú tâm về
lại hơi thở.
Ngờ
vực (Mạn nghi): sự nghi ngờ có
cảm giác khác biệt rõ ràng trong ý thức. Kinh tạng Pali diễn
đạt nó một cách thanh nhã. Cảm giác của một người vật
vã xuyên qua một sa mạc, dừng lại một ngã tư đường không
có bảng chỉ dẫn. Con đường nào anh ta sẽ chọn đây? Không
có một manh mối nào cả, cho nên anh chỉ biết đứng đó,
mãi do dự. Một mẩu độc thoại thường hay xảy ra trong những
buổi tọa thiền như thế này: “Tôi ngồi như thế này để
làm gì? Tôi thật sự có được gì không từ những thứ này?
Dĩ nhiên là có. Việc này sẽ tốt cho mình, cuốn sách đã
nói thế. Không, cái này rõ là điên mà. Những việc này chỉ
tổ làm mất thời gian. Không, tôi không thể nào bỏ cuộc
được. Tôi đã nói tôi sẽ tu tập, thì tôi sẽ làm. Hay là
mình chỉ là một người cứng cổ? Tôi không biết nữa. Tôi
thật không biết.” Đừng bị rơi vào tình trạng này. Nó
chỉ là một chướng ngại, một làn mây mù khỏa lấp tâm
của bạn, để bạn đừng tiếp tục làm một việc làm khủng
khiếp nhất trên đời: thật sự trở nên tỉnh giác
về những gì đang xảy ra. Để đối trị nghi ngờ,
chỉ đơn giản chú tâm về trạng thái tâm đang nao núng này
như là một đề mục giám định. Đừng bị kẹt trong nó.
Lùi lại và ngắm nhìn nó. Nhìn xem nó mạnh ra sao, đến khi
nào, ở bao lâu, rồi nó cũng sẽ ra đi, để rồi trở về
với hơi thở.
Đây
là mô hình chung mà bạn sẽ dùng cho bất kỳ vọng tâm nào
phát sinh. Vọng tâm là tên gọi chung cho bất cứ trạng thái
tâm nào khởi sinh để ngăn cản sự tu tập của bạn. Một
số thì rất vi tế. Những trạng thái tiêu cực dễ nhận
ra như: thiếu tin tưởng, sợ hãi, giận dữ, phiền muộn,
khó chịu, và chán nản.
Khát
vọng và tham lam thì hơi khó nhận diện ra, bởi vì, chúng
áp đặt những chiêu bài mà chúng ta thường coi như là đạo
đức hay thánh thiện. Bạn có thể kinh nghiệm sự ham muốn
là mình sẽ hoàn chỉnh bản thân, có thể cảm giác khát vọng
có được nền tảng đức hạnh cao hơn. Ngay cả sự quyến
luyến mà bạn có thể bị dính mắc vào trạng thái hạnh
phúc của Thiền-na. Nhưng khó khăn hơn, là làm sao để tách
rời bản thân ra khỏi cảm giác của lòng vị tha. Nói cho
cùng, nó là trạng thái tham lam vi tế, cơn ham muốn sự hài
lòng và đây cũng là một cách khôn khéo để tránh cái sự
thật trong giây phút hiện tại.
Quỷ
quyệt hơn tất cả là những trạng thái tâm quá tự tin; nó
len lén đi vào trong buổi tu tập của bạn. Sự hài lòng, bình
an, thỏa mãn nội tâm, sự cảm thông, và lòng bi mẫn cho muôn
loài, là những trạng thái tâm quá êm ái, rộng lượng mà
bạn có thể mở lòng ra, để bám víu vào chúng mà không hề
bị ngăn ngại; bằng không thì bạn cảm thấy mình giống
như kẻ phản bội loài người (vì mình không có lương tâm
và lòng nhân ái). Thật ra không cần phải cảm thấy như thế.
Chúng tôi không khuyên bạn từ bỏ những trạng thái tâm này,
để trở thành một người máy. Chúng tôi chỉ mong bạn thấy
chúng như-nó-là mà thôi. Chúng chỉ là những trạng thái tâm,
đến và đi, phát sinh để rồi hoại diệt. Trong khi tiếp
tục việc tu tập của bạn, những trạng thái này sẽ sinh
khởi nhiều hơn. Điều căn bản là đừng bao giờ dính mắc
vào chúng, chỉ nhìn từng chập tâm một nổi lên. Hãy nhìn
xem nó là gì, mạnh yếu ra sao, tồn tại bao lâu, ngắm nhìn
nó trôi dạt đi mất. Tất cả đều là một đoạn phim trôi
qua trên nền trời tâm tưởng của bạn mà thôi.
Trạng
thái tâm diễn ra cũng giống tương tự như hơi thở thôi.
Mỗi hơi thở đều có giai đoạn ban đầu, giửa, và cuối.
Mỗi trạng thái tâm đều có sinh khởi, phát triển, và rồi
hoại diệt. Bạn nên cố gắng thấy những trạng thái này
một cách rõ ràng, nhưng việc này thật không phải là dễ.
Trong khi chúng ta đã ghi nhận, mỗi tư tưởng hay cảm giác
bắt đầu trong vùng vô thức của tâm và chỉ xuất hiện
nơi ý thức sau này. Chúng ta thường hay chú ý vào những thứ
này sau khi chúng đã phát sinh ở lãnh vực nhận biết và trụ
lại đó trong một lúc. Thật sự, chúng ta thường trở nên
chú ý đến vọng tâm, chỉ khi nào chúng đang vào giây sắp
sửa muốn buông thả chúng ta để ra đi. Vào lúc ấy, chúng
ta bàng hoàng như là bị giáng mạnh một đòn, bởi sự hiểu
rõ thình lình là mình đã lạc lối, mơ ngày, tưởng tượng
hay gì khác tự bao lâu rồi. Quá rõ ràng, lúc ấy là quá trể
trong cả một chuỗi tiến trình đã xảy ra. Chúng ta có thể
gọi hiện tượng này là “chộp bắt đuôi sư tử” và nó
là một việc làm vụng về. Giống như đang chạm trán với
con thú hung bạo, chúng ta phải tới gần trực diện với trạng
thái tâm. Một cách kiên nhẫn, chúng ta sẽ học nhận ra chúng
trong lúc đang phát khởi, lớn dần và đi sâu vào ý thức
của mình.
Vì
trạng thái tâm phát sinh từ vô thức, để bắt được sự
sinh khởi của nó, bạn phải nới rộng sự tỉnh giác xuống
tới vùng vô thức. Điều này thật là khó, bởi vì
bạn không thể nào thấy những gì xảy ra ở đó, ít nhất
nó không giống như bạn thường hay thấy tư tưởng tri thức.
Nhưng bạn có thể học để nhận ra sự chuyển động của
nhận thức mập mờ và được điều hành bởi một loại
cảm giác tâm lý của giác quan. Thứ này đến từ sự tu tập,
và khả năng này chỉ là một trong những hiệu quả của trạng
thái tập trung thâm sâu và tĩnh lặng. Sự tập trung làm chậm
lại sự phát khởi trạng thái tâm, đủ thời gian cho bạn
cảm nhận ra từng sự nảy sinh từ vô thức, và trước khi
bạn thấy nó trong ý thức. Tập trung thâm sâu giúp bạn nới
rộng sự tỉnh giác vào bóng tối xôi bỏng, nơi mà tư tưởng
và cảm giác khởi sinh.
Khi
sự tập trung đã đủ sâu, bạn có được khả năng nhìn
thấy tư tưởng và cảm giác sinh khởi một cách từ từ,
giống như những cái bong bóng riêng biệt, mỗi cái riêng và
có khoảng cách giữa chúng. Chúng sủi bọt lên thật chậm
từ vô thức, ở vùng nhận biết một lúc rồi trôi dạt đi
mất.
Áp
dụng tỉnh giác vào trạng thái tâm là một qui trình rõ ràng.
Điều này thật đúng đặt biệt cho cảm giác hay khả năng
cảm giác. Đối với khả năng cảm giác rất dễ bị quá
trớn, có nghĩa là dễ dàng tô điểm thêm lên trên những
gì đang có; và cũng dễ dàng bỏ qua những chi tiết về đối
tượng mà không thấy hết. Cái tiêu chuẩn ở đây là cố
gắng kinh nghiệm trọn vẹn mỗi trạng thái tâm như-nó-là,
đừng thêm hay bớt gì cả. Hãy dùng cơn đau nơi chân làm
ví dụ. Ở đó, rõ ràng là một luồng cảm xúc tinh khiết,
liên tục thay đổi, không có hai phút giây nào giống nhau cả.
Nó đi từ chỗ này sang nơi khác; cường độ cũng lên xuống
liên tục. Cơn đau không phải là một thật thể, mà là một
hiện tượng; không có khái niệm ghim dính vào nó hay hộ trợ
cho nó cả. Sự chú tâm tinh thuần không đứt khoảng về hiện
tượng này, sẽ kinh nghiệm thật đơn giản nó như một dòng
năng lượng không khác. Không có tư tưởng hay là sự phản
kháng nào cả. Chỉ là dòng năng lượng mà thôi.
Ở
giai đoạn ban đầu của sự tu thiền, chúng ta cần nghĩ lại
những giả thuyết phía dưới được cho là khái niệm. Đa
phần trong chúng ta đều có một trình độ tri thức từ học
đường, cuộc sống giúp cho khả năng thao tác những hiện
tượng tâm — khái niệm hóa — một cách hợp lý. Sự nghiệp
của chúng ta, những gì mà chúng ta cho là thành công trong đời
sống hàng ngày, những mối quan hệ vui vẻ, đều được nhìn
qua cái lăng kính khái niệm kia. Nhưng trong quá trình phát triển
chánh niệm, chúng ta tạm thời gác lại cái tiến trình khái
niệm hóa và tập trung vào thực chất của hiện tượng tâm.
Trong quá trình tu thiền, chúng ta tìm kiếm kinh nghiệm cái
tâm ở giai đoạn trước khi bị khái niệm hóa.
Nhưng
tâm con người lại khái niệm hóa những cố sự như thế,
rồi đặt tên là cơn đau. Bạn thấy mình đang nghĩ về nó
như “cơn đau.” Đó là khái niệm. Đó chỉ là cái nhãn
hiệu được dán lên cái thực chất của cảm giác này. Rồi
bạn thấy mình gầy dựng lên một tâm ảnh, một bức họa
về cơn đau, nhìn nó như là một hình thể. Bạn có thể thấy
ra một biểu đồ của cái chân với cơn đau được phát họa
với màu sắc nổi bật hơn. Đây quả thật là đầy sáng
tạo và rất thú vị, nhưng không phải những gì chúng ta muốn.
Những khái niệm này được đưa vào sự thật của đời
sống. Gần như bạn sẽ phải thấy mình nghĩ là: “Tôi có
một cơn đau ở chân.” “Tôi” là khái niệm. Nó là những
gì dư thừa đã được gán thêm vào cơn kinh nghiệm thuần
khiết kia.
Khi
đưa cái “Tôi” vào trong quá trình, là bạn đang gầy dựng
lên một khoảng cách khái niệm giữa sự thật và sự tỉnh
giác đang nhìn vào sự thật đó. Tư tưởng như là “Tôi”,
“của tôi”, hay “những gì của tôi” không có chỗ đứng
trong chú tâm trực giác; chúng chỉ là phần phụ thuộc với
giá trị rất ư là hạn chế. Khi đem cái “tôi” vào trong
hiện cảnh, có nghĩa là bạn xác định cơn đau, và thêm thắt
những thứ không liên hệ gì với nó vào đó. Nếu bạn bỏ
“Ta” ra ngoài tầm sự việc thì cơn đau không còn tính đau
đớn nữa. Nó chỉ là một dòng năng lượng tinh khiết đang
biến đổi, thậm chí nó còn rất đẹp nữa. Nếu bạn thấy
ra cái “Ta” tiềm ẩn trong kinh nghiệm cơn đau hay hành động
của bất kỳ cảm giác nào, chỉ quan sát nó một cách chánh
niệm. Nhìn những hiện tượng đau đớn mang đầy nét đặc
thù cá nhân với sự chú tâm thuần khiết mà thôi.
Nhưng
cái ý niệm chung thì gần như là rất đơn giản. Bạn thật
sự muốn thấy từng cảm giác, dù cho nó là cơn đau, niềm
hạnh phúc, hay nỗi nhàm chán. Bạn muốn kinh nghiệm hiện
tượng đó trọn vẹn với cái thể tinh nguyên và tự nhiên
của nó. Chỉ có một cách duy nhất để làm được là, điều
chỉnh thời gian phải thật chính xác. Sự tỉnh giác của
bạn cho mỗi cảm giác phải phối trí chuẩn xác với sự
sinh khởi của nó. Nếu chỉ trễ một chúng thì bỏ mất phần
đầu, bạn sẽ không nhận hết toàn thể tiến trình. Nếu
quấn quít với bất kỳ cảm giác nào trong giây phút, thì
nó trở thành dĩ vãng, và bạn chỉ bận bịu với hồi ức,
rồi không còn bắt kịp sự phát sinh của cảm giác kế tiếp
xuất hiện. Đây là một qui trình hoạt động tinh vi. Bạn
phải theo dõi đều đều giây phút hiện tại, nhặt lên và
bỏ xuống sự kiện mà không có bất kỳ thời gian trì hoãn
(hay ngập ngừng) nào. Nó cần một sự bén nhạy của cảm
giác. Sự tương quan với cảm giác không thể nào bị rơi
vào quá khứ hay tương lai, mà chỉ đơn thuần trong hiện tại,
phút giây hiện tiền.
Tâm
con người luôn tìm kiếm những hiện tượng khái niệm và
đã được huấn luyện theo chiều hướng đó qua bao thời
gian rồi. Mỗi một cảm giác nhỏ sẽ bộc phát, làm nổ tung
ra một tư tưởng khái niệm theo chiều hướng tâm đang vận
hành. Dùng tiến trình nghe để làm ví dụ. Bạn đang ngồi
tọa thiền và ai đó ở phòng bên đánh rơi một cái dĩa.
Âm thanh giáng mạnh vào tai của bạn. Lập tức bạn thấy
toàn diện hiện cảnh của căn phòng ấy, và có lẽ bạn thấy
được người đã đánh rơi chiếc dĩa kia nữa. Nếu đây
là chốn quen thuộc, chẳng hạn như là nhà của bạn, thì
có lẽ bạn sẽ có một cuộn phim không gian ba chiều, đủ
màu, chiếu qua tâm là ai đã làm rơi và chiếc dĩa nào đã
bị vỡ. Cả một tiến trình diễn ra trong tri thức một cách
nhanh chóng. Nó nhảy ra từ vô thức, trong sáng và rõ ràng,
ép buộc, đẩy tất cả những ý thức khác ra khỏi phạm
vi hiện tại. Còn cảm giác lúc ban đầu đâu, kinh nghiệm
thuần khiết của sự nghe đâu? Nó bị lạc mất trong sự
xáo trộn, hoàn toàn bị áp đảo và bỏ quên. Chúng ta đánh
mất hiện tại và đã đi vào thế giới của tưởng tượng
rồi.
Một
ví dụ khác: Bạn đang ngồi tọa thiền và âm thanh chọc mạnh
vào màng tai. Nó chỉ là một tiếng động mơ hồ, lạo rạo
không được rõ lắm; nó có thể là bất cứ gì. Những gì
có thể xảy ra như thế này. “Cái gì vậy? Ai làm thế? Nó
xảy ra từ nơi nào? Cách đây có xa lắm không? Có nguy hiểm
gì không?” Và hơn nữa, bạn càng đi xa hơn, mà không có
một câu trả lời, ngoại trừ sự ức đoán tưởng tượng
của bạn. Khái niệm là một quá trình tiềm ẩn khéo léo.
Nó lén đi vào kinh nghiệm và nắm lấy quyền kiểm soát. Khi
nghe một tiếng động đang lúc thiền, chỉ hướng sự chú
tâm tinh thuần tới kinh nghiệm nghe mà thôi, không gì khác.
Những gì thật sự xảy ra thì rất đơn giản, và chúng ta
có thể không cần nghĩ tới gì cả. Làn sóng âm thanh chạm
vào nhĩ căn theo một thể nhất định riêng biệt, và được
biến đổi thành những xung lực bên trong bộ não, rồi truyền
vào ý thức của dạng tiếng động, vậy thôi. Không có hình
ảnh, hồi ức trong tâm, khái niệm, mẩu chuyện tự hỏi trong
đầu, chỉ là tiếng ồn. Sự thật thì rất đơn giản đến
một cách duyên dáng và không tô điểm vẽ vời. Khi bạn nghe
một âm thanh, chỉ chánh niệm về tiến trình của sự nghe.
Những thứ khác chỉ là phần ríu rít thừa thãi, cần nên
bỏ đi. Cùng phương cách này, có thể áp dụng cho từng cảm
giác, tình cảm, kinh nghiệm mà bạn có. Nhìn thật cẩn thận
vào kinh nghiệm của riêng mình. Đào sâu và xuyên qua những
tầng lớp tâm cũ rích, để xem thật sự những gì trong ấy.
Bạn sẽ phải lấy làm kinh ngạc nó đơn giản và đẹp đẽ
ra sao.
Rồi
cũng có những khi nhiều cảm giác cùng nổi lên một lúc.
Bạn có thể có tư tưởng sợ hãi, cái quặn thắt nơi bụng,
cơn đau nơi lưng, và ngứa ngáy nơi vành tai trái một lượt.
Đừng ngồi đó mà cảm thấy khó xử. Cũng đừng phân vân
xem chọn cảm giác nào để quan sát. Chọn cái rõ ràng nhất.
Chỉ thoải mái, cởi mở mình ra đón chào những hiện tượng
này xâm nhập vào và đòi hỏi sự chú tâm của bạn. Vì vậy,
hãy cho nó sự chú tâm đủ dài để thấy nó hoại diệt đi,
rồi trở về với hơi thở. Nếu hiện tượng khác đến thì
cũng tiếp đãi nó cùng một phương pháp như thế.
Nhưng
quá trình này có thể kéo dài thật lâu. Đừng chỉ ngồi
đó tìm kiếm sự kiện để chánh niệm. Giữ sự chánh niệm
của mình nơi hơi thở cho đến bao giờ những sự kiện khác
đến mang sự chú tâm của bạn đi. Khi bạn cảm thấy điều
đó xảy ra, thì cũng đừng kháng cự lại. Cứ để cho sự
chú tâm trôi chảy tự nhiên trên vọng tâm và quan sát nó,
cho đến khi nào nó phân hóa, rồi trở lại hơi thở. Đừng
tìm kiếm những hiện tượng tâm hay sinh lý, chỉ ở với
hơi thở. Để cho chúng đến với bạn. Dĩ nhiên sẽ có lúc
tâm của bạn bị trôi dạt. Ngay cả sau một thời gian dài
tu tập, bất ngờ giật mình, nhận ra rằng mình đã lạc lõng
một lúc thật lâu rồi. Đừng nản lòng. Nhận thức ra rằng,
mình bị trôi dạt chừng bao lâu rồi, rồi trở lại với
hơi thở. Không cần phải có một phản ứng tiêu cực nào
cả. Chỉ mỗi hành động của sự nhận thức về vọng tâm
đã là một sự tỉnh giác tích cực rồi. Điều đó chính
là một bài thực tập cho sự chánh niệm thuần khiết.
Chánh
niệm lớn dần theo quá trình tu tập. Cũng tương tự như cơ
bắp trong thân thể. Mỗi lần vận động, bạn mang sinh lực
cho nó, làm cho nó mạnh lên một chút. Trên thực tế, bạn
cảm nhận ra rằng, đánh thức cảm giác nghĩa là bạn cải
tiến tốt hơn sức mạnh chánh niệm của mình. Có nghĩa là
có kết quả. Trở về lại với hơi thở mà không cần phải
hối tiếc. Nhưng hối tiếc chỉ là một phản ứng tự nhiên
đã bị điều kiện hóa và nó chỉ có thể đi kèm theo một
trạng thái tâm — là một trong những thói quen tâm lý. Nếu
bạn thấy mình thất vọng, cảm thấy nản lòng, hay tự trách,
thì chỉ quan sát hiện tượng đó với sự chú tâm đơn thuần.
Nó chỉ là vọng tâm mà thôi. Cho nó một ít sự chú tâm và
ngắm nhìn nó diệt đi, rồi trở về hơi thở.
Qui
luật mà chúng ta vừa nói qua có thể và nên áp dụng một
cách triệt để đối với tất cả những trạng thái tâm.
Bạn sẽ thấy, đây là những sắc lệnh chính thức, đầy
nhẫn tâm, nhưng hoàn toàn có kết quả thực dụng. Đây là
một việc làm khó khăn nhất mà bạn chưa từng đảm trách
qua. Bạn sẽ thấy mình sẵn sàng ứng dụng phương pháp này
vào một vài lãnh vực của kinh nghiệm và miễn cưỡng dùng
nó ở những lãnh vực khác.
Thiền
định giống như là loại hóa chất tâm lý. Nó ăn mòn dần
bất cứ gì bạn bỏ vào nó. Đời sống con người thì rất
lạ kỳ. Chúng ta thích hưởng thụ chất độc, và tiếp tục
một cách cứng đầu cứng cổ ăn (những chất độc này)
dù cho chúng đang giết dần chúng ta. Tư tưởng mà chúng ta
bám díu vào chính là chất độc. Bạn sẽ thấy ra, mình thiết
tha đào bứng ra khỏi gốc rễ một số tư tưởng trong khi
lại ganh tỵ bảo vệ và trìu mến một số khác. Đó là tính
điều kiện hóa của con người.
Thiền
Minh Sát không phải là một trò chơi. Tỉnh giác trong sáng
có giá trị quan trọng hơn những thú tiêu khiển cho vui. Đây
là con đường dẫn ra khỏi cái đầm lầy, nơi tạo bởi tham
ái và sân hận của chính mình, mà chúng ta đang bị kẹt cứng
trong ấy. Thật ra cũng không khó lắm, khi muốn áp đặt tỉnh
giác vào những lãnh vực không tốt của đời sống. Mỗi
khi nhận thấy ra nỗi sợ hãi, cơn phiền muộn tan biến trong
sức nóng cao độ của tỉnh giác, thì bạn sẽ rất muốn
diễn lại cái tiến trình này thêm nữa. Những trạng thái
tâm khó chịu này thì gây ra đau đớn, cho nên bạn muốn lánh
xa chúng. Lợi ích cũng không kém khi áp dụng tiến trình này
vào những trạng thái tâm thương yêu, yêu quốc gia, tình thương
của bậc cha mẹ, hay tình yêu luyến ái, nếu khi cần thiết.
Những dính mắc lạc quan cũng sẽ giam giữ bạn trong vũng
lầy, tương tự như chấp thủ tiêu cực mà thôi. Bạn có
thể trồi lên khỏi mặt bùn đủ để thở dễ hơn một chút,
nếu có tu tập thiền Minh Sát một cách chuyên cần. Thiền
Minh Sát là con đường đi đến Niết Bàn. Từ trong thiền
đăng lục đã được để lại của những người bước trên
con đường đi đến quả vị cao thượng, thì thật là xứng
đáng cho mỗi lần phấn đấu trong tu tập.