Chương
10: Đối diện với khó khăn
Rồi
bạn sẽ phải gặp nhiều khó khăn trong sự tu tập của mình.
Ai cũng thế. Khó khăn xảy ra ở muôn ngàn dạng khác nhau,
và điều bạn có thể tin chắc là, bạn sẽ phải gặp không
ít thì nhiều mà thôi. Điều khuyên chính để đối diện
với những trở ngại là, nên có một thái độ đúng đắn.
Khó khăn là phần cần thiết phải có, để làm cho sự tu
tập trở nên trọn vẹn. Chúng không phải là những gì cần
phải tránh, mà là những thứ được dùng như là những cơ
hội quí giá cho sự học hỏi.
Nguyên
nhân mà chúng ta bị đắm ngập trong bãi bùn đời sống, là
không ngừng chạy trốn những khó khăn và kiếm tìm những
ham muốn của mình. Tu thiền như là cái phòng thí nghiệm,
cho chúng ta có được một hoàn cảnh để khám nghiệm những
hội chứng và chế ra những phương thức đối trị từng
khó khăn một. Những khó khăn bất ngờ, chật vật phát sinh
trong suốt buổi tọa thiền giống như là lúa trong máy xoay.
Chúng là những vật liệu cho chúng ta làm việc. Sẽ không
có hạnh phúc nếu không có khổ đau và ngược lại. Cuộc
sống được cấu thành bởi niềm vui và sự khốn khổ. Chúng
cùng tồn tại và song hành. Tu thiền cũng không ngoại lệ.
Bạn sẽ kinh nghiệm qua lúc tốt, lúc xấu, khi mê ly, khi sợ
hãi.
Cho
nên đừng bao giờ ngạc nhiên khi bạn kinh nghiệm được cái
cảm giác như gặp phải một bức tường dày không lối qua.
Đừng nghĩ là mình đặc biệt. Mỗi thiền sinh lão luyện
đều có bức tường riêng của họ. Nó xuất hiện rất nhiều
lần. Nên sẵn sàng, chuẩn bị để đương đầu với bức
tường của chính mình. Và khả năng đương đầu với khó
khăn còn tùy thuộc vào thái độ lúc ấy của bạn. Nếu bạn
học cách để ý tới những sự chật vật này như là những
cơ hội, vận may để phát triển trong tu tập thì bạn sẽ
có được nhiều tiến bộ. Khả năng trực diện với những
vấn đề nóng bỏng khởi sinh trong tu thiền sẽ đi vào cả
cuộc đời của bạn, và giúp bạn xử lý trôi chảy những
vấn đề to tát đã từng làm khó khăn bạn. Nếu bạn trốn
tránh những mảnh tâm thô thiển xấu xa trong tu thiền lúc
nó trổi dậy, đó là bạn làm cho những thói quen mạnh thêm
lên. Những thói quen này đã làm cho cuộc đời bạn không
ra gì cả và rồi sẽ gây tệ hại thêm hơn.
Rất
ư quan trọng khi học cách chạm trán với những lãnh vực
khiếm khuyết của đời mình. Công việc của thiền giả là
học sao kiên nhẫn với chính mình, nhìn tự thân theo chiều
hướng khách quan, toàn bộ với tất cả những điều bất
hạnh và nhược điểm của bản thân. Chúng ta phải học cách
dịu dàng với chính mình. Nhìn xa sẽ thấy rằng, trốn tránh
những gì mình không thích là một hành động tàn nhẫn cho
bản thân. Nói một cách nghịch lý, lòng nhân từ đòi hỏi
phải đối diện với sự ghét bỏ khi nó phát sinh. Một chiến
lược phổ thông của con người khi đối diện với nghịch
cảnh là tự kỷ ám thị: khi những gì xấu xa phát sinh, bạn
tự thuyết phục lấy mình là tránh xa nó đi để tìm những
gì tốt hơn. Còn sách lược của đạo Phật thì trái ngược
lại. Thay vì giấu diếm hay cải trang cho nó, lời Phật dạy
là thôi thúc bạn nghiên cứu nó cho đến tận cùng. Đạo
Phật khuyên bạn đừng nên khắc sâu những cảm giác mà bạn
không thật có hay trốn tránh những tình cảm mà bạn thật
sự có. Nếu bạn đang bị khốn khổ thì hãy cứ khốn khổ
đi; đây là một sự thật, nó đang xảy ra, hãy đối diện
với nó. Nhìn thẳng vào nó mà không một chút gì nao núng.
Khi bạn gặp cảnh trạng không tốt, kiểm nghiệm sự không
tốt kia, quan sát nó trong chánh niệm, nghiên cứu hiện tượng
và học cái lý lẽ cấu tạo ra nó. Phương pháp vượt ra khỏi
một cái bẫy là học xem cấu trúc và sự hoạt động của
cái bẫy ra sao. Bạn làm việc này bằng cách tháo rỡ nó ra
thành từng phần nhỏ. Cái bẫy không còn giam giữ bạn được
nữa khi nó bị bạn rã nó ra thành từng mảnh. Kết quả là
sự tự do.
Đây
là điểm quan yếu, nhưng nó lại là điểm hời hợt nhất
trong triết lý Phật giáo. Những ai nghiên cứu giáo lý Phật
giáo một cách theo hình thức bên ngoài sẽ vội vàng kết
luận là một giáo lý bi quan, chỉ nhấn mạnh về những điều
không tốt như là khổ đau, luôn luôn thôi thúc chúng ta đối
diện với những cảnh trạng khó chịu của cơn đau, chết,
và bệnh hoạn. Người Phật tử không nghĩ rằng mình là người
bi quan — mà trên sự thật còn là trái ngược nữa. Đau khổ
luôn tồn tại trong đời sống và là điều không thể nào
tránh được. Học cách đối xử với nó thì không thể nào
gọi là bi quan được, mà còn là lạc quan thực dụng. Bạn
sẽ phải hành xử ra sao khi người hôn phối của bạn qua
đời? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu có người mẹ sẽ
từ trần vào ngày mai? Hoặc là em gái hay là người bạn thật
thân? Giả sử bạn bị thất nghiệp, mất số tiền trong trương
mục tiết kiệm, tàn tật một cánh tay trong một ngày; và
đối diện với cái viễn ảnh sẽ phải sống trọn chuỗi
ngày còn lại trên chiếc xe lăn? Bạn sẽ ra sao khi đối diện
với nổi đau khi mắc phải bệnh ung thư và xử thế ra sao
khi tử thần đang kề cận? Bạn có thể vượt qua một vài
bất hạnh trên nhưng không thể nào tránh hết tất cả được.
Phần lớn chúng ta đây đều có bạn bè, người thân đã
vĩnh viễn ra đi. Tất cả chúng ta thỉnh thoảng lâm bệnh;
và rồi cũng sẽ có một ngày không sớm thì muộn ta sẽ chết
đi. Bạn có thể khổ đau vật vã khi nó đến hay là đối
diện bằng trí tuệ — sự lựa chọn là của bạn mà thôi.
Cơn
đau thì không thể nào tránh, còn khổ đau thì tránh được.
Cơn đau và khổ đau là hai điều khác biệt. Nếu bất kỳ
một trong những thảm họa kia giáng xuống đầu của bạn
trong trạng thái hiện giờ thì bạn sẽ khổ đau. Theo thói
quen sẳn có hiện đang khống chế tâm sẽ đưa bạn vào cơn
thống khổ mà không có cách nào thoát ra. Chỉ một ít thời
gian học những phương pháp thay thế cho các thói quen này thì
thật là đáng giá. Phần lớn đời người đã bỏ ra biết
bao năng lực để chế ra phương cách tăng thêm khoái lạc
và giảm đi cơn đau. Đạo Phật cũng không có khuyên bạn
đừng làm việc này. Tiền tài và sự bảo đảm là điều
tốt. Cơn đau thì nên tránh nếu có thể được. Không có
ai bảo bạn phải từ bỏ những gì bạn sở hữu hay tìm ra
những cơn đau không cần thiết, nhưng đạo Phật khuyên bạn
nên bỏ chút thời gian và năng lực để học cách đối diện
với sự khó chịu, bởi vì có những cơn đau không thể nào
tránh khỏi.
Khi
bạn thấy một chiếc xe đang đà cán lên người mình, thì
bằng mọi phương cách và nổ lực bạn phải cố gắng tránh
nhanh. Dành thời gian cho tu thiền cũng như thế. Học cách chạm
trán với phiền muộn là cách duy nhất để xử sự với những
chiếc xe mà bạn không thể thấy.
Nhiều
vấn đề sẽ phát sinh trong tu tập. Một số là ở dạng sinh
lý, một phần ở dạng tâm lý, và phần khác qua quan điểm
của thiền giả. Tất cả đều phải đương đầu, có cách
hành xử riêng biệt, và đều là cơ hội để cho bạn tự
vượt qua chúng.
Vấn
đề 1: Cơn đau sinh lý
Không
ai thích cơn đau cả, nhưng dù muốn hay không mỗi người đôi
khi đều có cơn đau. Nó là kinh nghiệm chung và có chiều hướng
xảy ra trong lúc tu tập ở dạng này hay thể khác. Xử lý
cơn đau phải qua hai giai đoạn. Một là thoát ra khỏi cơn
đau nếu được, bằng không thể thì giảm thiểu nó được
phần hay phần ấy. Kế tiếp, nếu cơn đau còn xót lại,
dùng nó như là một đề mục thiền.
Bước
đầu là đối phó với cơn đau sinh lý. Có thể, cơn đau là
một cơn bệnh chẳng hạn như nhức đầu, nóng lạnh, vết
bầm, hay bất kỳ thứ gì tương tự. Trong trường hợp này,
hãy dùng những dược liệu trước khi ngồi tọa thiền: uống
thuốc, thoa bóp dầu, hay làm những gì thường hay vẫn làm.
Có những cơn đau do tư thế ngồi gây ra. Nếu bạn chưa từng
ngồi lâu trong thế kiết già trên sàn nhà, thì cần phải
có thời gian điều chỉnh. Những nỗi khó chịu gần như không
thể nào tránh được. Tùy theo nơi đau mà có cách đối trị
tương ưng. Nếu đau nơi ống quyển hay đầu gối, thì xem
xét lại quần của bạn. Có thể nó chật trội quá hay làm
bằng vật liệu dày, nên thay đổi nó. Xét lại cái tọa cụ
nữa. Nó nên cao khoảng ba phân tây khi ngồi lên. Nếu đau
nơi thắt lưng, hãy nới lõng giây lưng quần. Nếu đau nơi
eo lưng, thì tư thế ngồi chắc là không đúng. Nghiêng ngã
thì không bao giờ dễ chịu cả, hãy ngồi thẳng lên. Đừng
nên cứng đơ dù cho đang giữ cho cột sống thẳng. Đau nơi
vùng vai và cổ thì do nhiều nguyên do. Thứ nhất, cách đặt
tay không đúng. Hai bàn tay nên nằm yên trên vế. Đừng khép
chúng lên ngang eo. Cánh tay và gân cổ nên thả lỏng. Đừng
để đầu rũ xuống phía trước. Giữ nó thẳng lên theo chiều
cột sống.
Sau
khi bạn đã điều chỉnh những thể loại khác nhau mà vẫn
còn bị cơn đau tồn tại, thì thử bước thứ hai. Xem cơn
đau như là đối tượng thiền. Đừng lúc lắc, xoay chuyển,
chỉ đơn thuần quan sát cơn đau trong chánh niệm. Khi cơn đau
trở nên khốc liệt, bạn sẽ nhận ra là sự chú tâm không
còn ở với hơi thở nữa. Đừng chống chọi lại. Cứ để
cho sự chú tâm nhập theo cảm giác đó. Hòa nhập trọn vẹn
vào cơn đau, chứ đừng xen vào kinh nghiệm đang có. Hãy kiểm
tra cảm giác này. Vượt qua cái phản ứng tránh né để đi
thẳng vào thực chất của cảm giác nằm tiềm ẩn phía bên
dưới kia. Bạn sẽ khám phá ra vốn có hai phần đang hiện
hữu. Một là cảm giác đơn thuần — cơn đau. Hai là sự
kháng cự của bạn đối với cảm giác đó. Phản ứng kháng
cự thì một phần ở thân và một phần ở tâm. Phần sinh
lý bao gồm sự căng thẳng các cơ bắp ở vùng có cơn đau
xảy ra. Hãy thả lỏng các cơ bắp này, từng phần nhỏ một
cho đến bao giờ tất cả không còn căng nữa. Chỉ mỗi bước
này có lẽ làm giảm bớt phần lớn cơn đau rồi. Kế tiếp
là đuổi theo sự kháng cự của phần tâm lý. Cũng giống
như sự căng thẳng sinh lý, tâm lý cũng bị ảnh hưởng theo.
Tâm lý của bạn bị cột cứng bởi cảm giác của cơn đau,
đang cố gắng tự vệ và đẩy nó ra khỏi Ý thức. Sự chối
bỏ là một dạng của thái độ “Tôi không thích cảm giác
này” hay “đi chỗ khác chơi” mà không cần nói thành lời.
Nó rất vi tế, nhưng nó đang ở đấy, và sẽ được thấy
nếu bạn thật sự quan sát. Hãy tìm ra nó để thư giãn nó.
Phần
sau cùng thì rất tế nhị. Không có ngôn ngữ nào của loài
người có thể diễn đạt hành động này một cách chắc
chắn được. Cách tốt nhất là dùng lối suy diễn. Kiểm
soát những gì bạn làm đối với những cơ bắp đang gồng
cứng kia, dùng cách ấy đối với tâm căng thẳng của mình,
thả lỏng từng phần. Kinh điển thừa nhận rằng thân và
tâm có mối liên hệ mật thiết. Điều này đúng đến nỗi
nhiều người không nhận ra sự khác biệt của hai phần khác
nhau. Đối với họ, nới lỏng thân là nới lỏng tâm và ngược
lại. Họ kinh nghiệm sự thả lỏng thân và tâm là một tiến
trình. Dù theo cách nhìn nào đi nữa, cứ thả lỏng hoàn toàn
cho đến khi nào sự chú tâm chậm xuống để vượt qua cái
chướng ngại (cơn đau) đang gặp. Có một vùng xám giữa cái
Ngã và những thứ khác. Có một ranh giới giữa “tôi” và
“cơn đau.” Làm tan biến cái chướng ngại này thì sự phân
cách kia biến mất. Bạn dần dần đi vào và đồng hóa với
cơn đau. Bạn trở thành cơn đau. Bạn chăm chú nhìn thấy
sự suy giảm của nó (cũng như cái Ta) và bám theo nó, để
rồi sẽ có điều kỳ diệu đến với bạn. Nó không còn
đau nữa. Khổ đau cũng mất đi. Chỉ còn lại cơn đau ở
đó, một kinh nghiệm gần đó, ngoài ra không còn gì cả. Con
người “tôi” bị đau đã biến mất. Kết quả là sự giải
thoát cơn đau.
Đây
là một tiến trình từng phần. Giai đoạn ban đầu, bạn mong
vượt qua được những cơn đau nhỏ và bị quật ngã bởi
cơn đau lớn. Cũng giống như những kỹ năng khác, nó sẽ
tăng tiến theo thời gian thực hành. Càng thực hành nhiều
hơn thì khả năng xử lý cơn đau lớn sẽ khá hơn. Nên hiểu
rõ ràng điều này vậy. Chúng tôi không ủng hộ việc hành
hạ thân xác ở trong lãnh vực này. Tự sĩ nhục bản thân
không phải là điều muốn nói ở đây.
Đây
là buổi tập luyện trong tỉnh giác chứ không phải chịu
đựng cơn hành hạ. Nếu cơn đau trở nên khủng khiếp thì
cần phải dời chuyển tư thế, nhưng phải làm thật chậm
và trong chánh niệm. Quan sát sự di chuyển, cảm cái cảm giác
trong khi di động. Quan sát xem nó tác động ra sao đối với
cơn đau, xem xét cơn đau giảm xuống. Cố gắng đừng di chuyển
nhiều. Thay đổi càng ít thì càng dễ giữ trọn vẹn chánh
niệm chừng bấy nhiêu. Nhiều thiền sinh mới nói rằng họ
không thể nào giữ chánh niệm được trong khi cơn đau đang
hiện diện. Sự khó khăn này xuất phát từ ý niệm sai lầm.
Những thiền sinh này quan niệm là chánh niệm thì khác biệt
với trạng thái kinh nghiệm cơn đau. Thật ra thì không phải.
Chánh niệm không bao giờ hiện hữu đơn độc. Nó luôn luôn
có đối tượng. Cơn đau là trạng thái của tâm. Bạn có
thể chánh niệm về cơn đau giống như về hơi thở.
Ở
chương 4 chúng tôi đã nhắc qua những qui tắc ứng dụng vào
cơn đau giống như vào những trạng thái tâm khác. Bạn nên
cẩn trọng đừng để vượt quá mức chịu đựng và cũng
đừng quá giải đãi cho có lệ. Đừng bao giờ áp đặt thêm
mà cũng đừng nên để bỏ xót chi tiết nào cả. Đừng khõa
lấp kinh nghiệm đơn thuần với những khái niệm tương đối
hay những ý tưởng xa xôi nào đó. Giữ sự tỉnh giác vào
giây phút hiện tại, ngay nơi cơn đau, để không bỏ xót bất
cứ gì từ đầu cho đến cuối. Cơn đau không được nhìn
dưới ánh sáng của chánh niệm, sẽ tạo nên sự đề kháng
tâm lý như là sợ hãi, hồi hộp, hay giận dữ. Nếu nhìn
nó một cách đúng đắn, chúng ta không có phản ứng như thế.
Nó chỉ là cảm giác, luồng năng lực đơn giản mà thôi.
Một khi bạn đã học được cách thức này rồi đối với
cơn đau sinh thể, thì bạn có thể ứng dụng nó cho hết khoảng
đời còn lại của mình. Bạn áp dụng nó vào bất kỳ cảm
giác khó chịu. Những gì giải quyết được cơn đau thì sẽ
công hiệu với sự bất an và sự trầm cảm. Phương pháp
này là một kỹ năng ích lợi và phổ biến nhất trong đời
sống con người. Nó là tính kiên nhẫn.
Vấn
đề 2: Chân bị tê dại đi
Rất
phổ biến cho những thiền sinh mới là hai chân bị tê dại
trong buổi tọa thiền. Chẳng qua là họ không quen với tư
thế ngồi kiết già. Một vài người lo âu về vấn đề này.
Họ cảm thấy cần phải đứng lên và di động một chút.
Số ít khác thì cho rằng họ sẽ bị chứng hoại thư vì máu
không thể tuần hoàn. Tê cứng nơi chân thì không có gì đáng
lo ngại cả. Nó xảy ra do sự xiết chặc vào nhau chứ không
phải do máu không tuần hoàn. Bạn không thể nào làm tổn
hại các tế bào chân do ngồi. Cho nên đừng căng thẳng. Khi
chân của bạn bị tê trong lúc tọa thiền, chỉ quan sát hiện
tượng ấy trong chánh niệm là đủ. Kiểm soát xem nó cảm
thấy như thế nào. Nó là một dạng khó chịu, nhưng nó không
đau đớn nếu bạn không căng gồng lên. Hãy bình tĩnh mà
xem xét nó. Nó sẽ không sao cả dù cho hai chân của bạn bị
tê suốt cả buổi thiền tọa. Sau một thời gian tu tập, hiện
tượng này dần dần biến mất. Thân thể của bạn dần dần
điều chỉnh theo thời gian tu tập. Rồi đây bạn sẽ không
còn bị tê chân nữa dù cho bạn có ngồi trong suốt một thời
gian thật dài.
Vấn
đề 3: Cảm xúc lạ
Thiền
giả kinh nghiệm đủ loại hiện tượng khác nhau trong tu thiền.
Một số người bị ngứa ngáy. Có người bị rùng mình, thoải
mái sâu xa, cảm thấy bay bổng hay bềnh bồng. Bạn cũng có
thể cảm thấy mình to lớn lên hay thu nhỏ lại, hoặc là
tung lên không. Những thiền sinh mới thường hay mừng rỡ
khi gặp những cảm giác này. Trong sinh hoạt đời sống, phần
lớn của cảm xúc giác quan luôn bị hạn chế mà không thể
truyền thông trọn vẹn tới ý thức và chúng ta đã quen với
phối cảnh ấy rồi. Khi sự thư giãn được thiết lập, cả
hệ thống thần kinh thu nhập những cảm xúc giác quan trở
nên có năng xuất cao hơn, mang đến những trạng thái cảm
xúc khác lạ hơn bình thường, chứ không biểu hiện bất
cứ ý nghĩa gì đặc biệt cả. Nó chỉ đơn thuần là cảm
giác như những cảm giác khác mà thôi. Cho nên cứ giữ vững
phương pháp hành trì, xem xét nó trổi dậy và tan biến đi
chứ đừng can thiệp vào.
Vấn
đề 4: Trạng thái mơ màng — Hôn trầm
Hôn
trầm hay trạng thái mơ màng thường hay xảy ra trong buổi
tọa thiền. Khi bạn trở nên yên lặng và thoải mái, lại
chính là lúc nó dễ dàng xảy ra nhất. Điều oái oăm là,
thông thường kinh nghiệm trạng thái này khi chúng ta chập
chờn đi vào giấc ngủ, giờ thì lại gặp nó trong tiến trình
tu tập. Cho nên chúng ta dễ dàng bị buông trôi (vào giấc
ngủ gục). Khi nhận ra vấn đề này xảy ra, bạn phải áp
đặt chánh niệm vào chính cái trạng thái hôn trầm này. Hôn
trầm có nét đặc trưng riêng và rõ ràng. Nó có chừng mức
ảnh hưởng đến quá trình tư tưởng của bạn. Tìm xem đó
là những gì. Cảm giác nơi thân cũng cùng hoạt động với
nó, xem xét ở những nơi nào.
Sự
tỉnh giác muốn tìm hiểu này là khắc tinh của hôn trầm,
và sẽ phân hóa nó đi. Nếu sự tỉnh giác không mang lại
kết quả, thì bạn nên xét lại nguyên nhân sinh lý của cơn
buồn ngủ. Tìm ra và giải quyết nó. Nếu bạn vừa ăn xong
và hơi no thì có thể đó là nguyên nhân. Tốt nhất là ăn
nhẹ trước khi tọa thiền hay là đợi khoảng chừng một
giờ sau bữa ăn no. Đừng bỏ qua những điều hiển nhiên
khác. Nếu bạn làm việc nặng nhọc quần quật cả ngày,
thì dĩ nhiên là bạn bị mệt mõi. Tương tự thế, nếu bạn
chỉ ngủ vỏn vẹn vài giờ đêm qua. Chăm sóc phần yêu cầu
căn bản cho thân thể, rồi đến tu tập. Đừng chịu đầu
hàng cơn buồn ngủ. Tỉnh biết trong khi ngủ là kinh nghiệm
hoàn toàn trái ngược với tỉnh biết trong khi thiền định.
Bạn sẽ không có được trí tuệ trong khi ngủ nhưng sẽ có
được trong tu thiền. Nếu bạn cảm thấy quá buồn ngủ thì
hãy hít vào một hơi thở thật dài và giữ đó càng lâu càng
tốt; rồi thở ra từ từ. Lập đi lập lại cho đến khi thân
thể nóng bừng và cơn buồn ngủ ra đi. Sau đó, trở về lại
với hơi thở.
Vấn
đề 5: Không thể tập trung
Sự
chú tâm quá tích cực hay nhảy chuyền là trạng thái ai cũng
có khi này hay khi khác. Thông thường thì áp dụng phương pháp
được đề ra ở chương 11 và 12 nói về Vọng tâm. Bạn sẽ
được chỉ dẫn về những nhân tố tác động từ bên ngoài
đối với hiện tượng này. Điều chỉnh thời khóa biểu
có thể là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này. Chủng tử
tâm có sức mạnh siêu nhiên, chúng có thể tồn tại trong
tàng thức qua nhiều kiếp. Những hình ảnh nghệ thuật đã
được thêu dệt, uốn nắn bằng những chất liệu, được
diễn đạt một cách tài tình qua ngòi viết của nhà văn tài
hoa qua những chi tiết và diễn cản có khả năng tiềm ẩn
trong tâm mà ta không hay biết. Nếu bạn có xem cuốn phim hay
nhất trong năm, thì buổi tọa thiền sau đó sẽ đầy dẫy
những hình ảnh trong cuốn phim ấy. Nếu bạn đang xem dở
dang quyển tiểu thuyết kinh dị nhất, thì buổi tọa thiền
của bạn sẽ đầy ắp những quái vật kinh khiếp. Cho nên
bạn cần phải hoán chuyển lịch trình của mình. Tọa thiền
trước rồi mới đọc sách hay xem phim sau.
Yếu
tố có tính thuyết phục khác là trạng thái cảm giác của
bạn. Nếu đời sống của bạn đang có xung đột, sự dao
động đó sẽ đi vào buổi tọa thiền. Cố gắng giải quyết
hay ít nhất dàn xếp những va chạm cho ổn thỏa, nếu có
thể, trước khi ngồi thiền. Cuộc sống sẽ suôn sẻ hơn
và bạn không phải suy nghĩ một cách vô ích trong lúc tu tập.
Đừng dùng lời khuyên này như là một nguyên cớ để bỏ
qua buổi tọa thiền. Đôi khi bạn không thể nào giải quyết
từng vấn đề trọn vẹn được trước khi ngồi xuống, thì
cứ ngồi thiền đã. Dùng pháp tu thiền để buông xả tất
cả những xử thế vị kỷ đã nhốt bạn vào trong quan điểm
giới hạn của mình. Rồi đây vấn đề của bạn sẽ được
cởi mở dễ dàng hơn. Cũng có những ngày chừng như cái tâm
không chịu lắng yên mà bạn lại không thể nào tìm ra lý
do tại sao. Nên nhớ lại tính lưu chuyển luân phiên mà chúng
tôi đã nói qua. Tu thiền cũng đi theo tuần hoàn, có ngày tốt
và cũng có ngày xấu.
Sự
tu tập chính của thiền Minh Sát là tỉnh giác. Một cái
tâm trống không thì không quan trọn bằng chánh niệm về những
gì cái tâm đang làm. Nếu bạn đang bị bấn loạn mà
không thể làm một điều gì ngừng được, vậy thì hãy theo
dõi nó (sự bấn loạn). Tất cả đều là của bạn. Kết
quả sẽ là một bước gần hơn trong cuộc hành trình khám
phá tự ngã. Ở trên tất cả, đừng bao giờ chán nản bởi
cái tâm léc chéc không ngừng của mình. Tiếng xì xào kia chỉ
là một đối tượng cho bạn áp đặt chánh niệm vào.
Vấn
đề 6: Sự nhàm chán
Thật
là khó mà nghĩ ra được một việc làm nào khác nhàm chán
hơn cái việc ngồi như cục đá hàng giờ không làm gì cả
ngoài việc theo dõi cảm giác của hơi thở ra vào nơi viền
mũi. Bạn sẽ rơi vào trạng thái nhàm chán rất nhiều lần
trong quá trình tu tập của mình. Tất cả mọi người đều
như thế và bạn cũng không ngoại lệ. Nhàm chán là một trạng
thái tâm và cũng phải được đối trị một cách tương ưng.
Có vài phương thức đơn giản giúp bạn xử lý vấn đề
này.
Phương
pháp A: Tái lập Chánh niệm thật sự
Nếu
hơi thở bị lu mờ qua nhiều lần quan sát, thì bạn có thể
tin chắc một điều: Chánh niệm của bạn đang bị lệch lạc
rồi. Chánh niệm không bao giờ nhàm chán. Nhìn lại xem. Đừng
bao giờ giả sử rằng bạn biết hơi thở là gì. Đừng bao
giờ tin chắc rằng bạn đã thấy tất cả những gì mình
đang thấy cả. Nếu bạn tin tưởng như thế, có nghĩa là
bạn đang tạo ra khái niệm cho cả tiến trình quan sát rồi.
Bạn không còn quan sát cái sự thật sống động nữa. Khi
chú tâm rõ ràng vào hơi thở, hay bất cứ gì khác, thì bạn
không bao giờ nhàm chán. Chánh niệm nhìn vào mọi đối tượng
bằng cặp mắt của một em bé, đầy dẫy những kinh ngạc;
mỗi giây phút như-nó-là và chỉ có một giây phút này tồn
tại trong vũ trụ mà thôi. Bạn hãy nhìn lại thử xem.
Phương
pháp B: Quan sát trạng thái Tâm của bạn đang có
Nhìn
vào trạng thái nhàm chán trong chánh niệm. Nhàm chán là gì?
Ở đâu? Cảm giác ra sao? Cấu trúc của nó là gì? Nó có xúc
chạm được không? Nó ảnh hưởng ra sao tới tâm hành? Cho
nhàm chán một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ như là bạn chưa
hề nhàm chán bao giờ, và đây là lần đầu tiên vậy.
Vấn
đề 7: Sợ hãi
Trạng
thái sợ hãi thỉnh thoảng phát sinh trong giờ tọa thiền mà
không rõ lý do. Nó là một hiện tượng chung và có rất nhiều
nguyên nhân. Một là, có thể bạn kinh nghiệm sức ảnh hưởng
của điều bị bức chế nào đó trong quá khứ. Nên nhớ,
tư tưởng hình thành trước trong Vô thức. Nội dung cảm giác
của tâm hành thường chọn lọc đưa vào ý thức phân biệt
trước khi tư tưởng biểu hiện. Nếu bạn ngồi xuyên qua
cơn sợ hãi, chính sự hồi tưởng đó có thể trồi lên ngay
nơi mà bạn đang chịu đựng. Hai là, bạn có thể đang đối
mặt trực diện với nổi sợ chung của mọi người: “nổi
sợ thiếu hiểu biết.” Ở một thời điểm nào đó trên
con đường tìm chân lý, bạn sẽ bị sốc một cách trầm
trọng về những gì bạn đang thật sự làm. Bạn đang phá
dần cái bức tường của ảo tưởng, cái mà bạn luôn dùng
để giải lý cuộc đời cho mình và bảo vệ mình từ ngọn
lửa kinh hồn của sự thật. Bạn sắp phải đối mặt với
sự thật tối hậu. Đó là một điều đáng sợ, nhưng cuối
cùng rồi cũng phải xảy đến. Vậy thì tại sao không đi
thẳng vào.
Khả
năng thứ ba là: nỗi sợ mà bạn đang cảm giác có thể do
tự tạo. Nó trổi dậy từ sự tập trung vụng về. Bạn có
thể thiết lập một chương trình vô thức để “kiểm xét
những gì phát sinh.” Theo cách này, khi nỗi sợ tưởng tượng
trỗi dậy thì tâm tập trung khóa cứng vào nó và rồi điều
không tưởng bồi đắp năng lượng vào sự chú tâm để nó
lớn lên hơn. Vấn đề thật sự ở đây là, chánh niệm yếu
quá. Nếu chánh niệm (Tứ) đủ mạnh, nó sẽ nhận ra sự
chú tâm (Tầm) bị thay đổi kịp lúc nó đang xảy ra để
có thể mang tâm về lại đề mục chính. Không cần biết
nguồn gốc của sợ hãi là gì, chánh niệm là dược liệu
hữu hiệu. Quan sát phản ứng cảm giác tùy biến để tìm
hiểu xem chúng là những gì. Hãy đứng bên lề của tiến
trình mà quan sát chứ đừng can thiệp vào. Nhìn xem toàn bộ
sự biến đổi như một người khán giả đầy hứng thú.
Điều quan trọng nhất là đừng chống đối lại hoàn cảnh
hiện tại. Đừng thử ức chế ký ức, cảm giác, hay tưởng
tượng. Chỉ bước sang một bên, để cho toàn bộ mớ hổn
loạn trồi lên và trôi đi theo thời gian. Dĩ nhiên nó không
thể nào làm tổn thương được bạn nữa vì nó chỉ là một
mớ kỷ niệm, tưởng ảnh. Nó không là gì cả ngoài nỗi
sợ hãi.
Khi
bạn để cho nó tự vận hành trong diễn đàn của sự chú
tâm có ý thức, nó sẽ không chìm đắm trở vào Vô thức
nữa. Sau này nó sẽ không trở lại ám ảnh bạn nữa. Nó
sẽ ra đi vĩnh viễn.
Vấn
đề 8: Sự dao động — Trạo cử
Bất
an (hay trạo cử) thường che đậy cho những kinh nghiệm sâu
kín trong Vô thức. Loài người chúng ta hay thích đè nén sự
việc. Thay vì đối diện những ý tưởng khó chịu để kinh
nghiệm, chúng ta lại chôn kín nó; rồi nghĩ là mình không
phải chạm trán với vấn đề này nữa. Nhưng thật không
may, chúng ta không bao giờ toại ý cả. Chúng ta che giấu tư
tưởng, nhưng năng lượng tâm linh dùng để làm chuyện đó
thì tồn trữ đó và sôi sục thêm theo thời gian. Kết quả
là cái cảm giác bất an mà người ta gọi là dao động hay
không nghĩ yên. Bạn không chạm được nó, nhưng lại cảm
thấy không yên, cũng không thể thả lỏng. Khi trạng thái
rối loạn này phát sinh trong buổi tọa thiền, thì chỉ quan
sát nó, chứ đừng để cho nó giẫm lên bạn. Đừng nhảy
nhỏm và trốn chạy. Cũng đừng đấm đá với nó và cố
gắng đuổi nó đi. Chỉ để cho nó đó và theo dõi nó thật
kỹ càng. Kế tiếp, những thứ bị đàn áp rồi sẽ phải
trồi lên, và bạn sẽ biết được là mình lo âu về những
gì.
Kinh
nghiệm khó chịu mà bạn cố gắng tránh có thể là mọi thứ:
tội lỗi, tham lam hay phiền não. Nó có thể là một cơn đau
không đáng kể, một con bệnh khó trị, hay là chứng bệnh
sắp bộc phát. Dù nó là gì đi nữa, cứ để cho nó hiện
lên rồi quan sát nó trong chánh niệm. Nếu ngồi êm lặng đó
và quan sát cơn dao động của mình, thì rốt cuộc rồi nó
cũng sẽ qua đi. Ngồi qua cơn bất an là một bước tiến quan
trọng trong cuộc đời tu tập thiền, bạn sẽ học được
rất nhiều. Bạn sẽ thấy rằng dao động thật ra chỉ là
bề mặt của một trạng thái tâm chứ không gì hơn. Nó chỉ
thoáng qua thôi. Nó đến và ra đi mà không gây ảnh hưởng
gì bạn cả. Và nếu bạn học được nó thì lợi ích cho
cả cuộc đời của bạn.
Vấn
đề 9: Dụng công quá sức
Những
thiền giả có tiến bộ theo thời gian thường trở nên những
người vui tính. Họ hưởng chung một kho tàng quí giá của
loài người, tính hài hước. Nó không phải là khả năng đối
đáp bằng nét hóm hỉnh bên ngoài của những người điều
khiển chương trình nói chuyện phiếm. Mà là niềm vui tính
nhân bản. Họ có thể vui vẻ ở sự thất bại của mình,
cười mỉm khi bản thân đang có thảm họa. Thiền sinh mới
thường hay nghiêm túc để sửa chữa mình, cho nên rất ít
cười. Thật ra, học cách thả lỏng trong khi ngồi, thoải
mái trong tu tập, thì rất ư là quan trọng. Bạn cần nên học
cách thể nhập với dòng đời (bất kỳ những gì đang xảy
ra). Bạn không thể nào làm được điều này nếu lúc nào
cũng căng thẳng, chiến đấu, đối mặt với mọi việc một
cách quá nghiêm túc. Những thiền sinh mới thường hay thiết
tha quá độ với thành quả. Họ luôn muốn phóng đại kỳ
vọng và bơm phồng cái thành quả của mình. Họ lao thẳng
vào thiền và khát vọng một thành quả tuyệt vời sau một
đêm. Họ thúc ép, căng thẳng, vất vả, mỏi mệt, tất cả
được diễn ra một cách rất nghiêm nghị, lạnh lùng. Trạng
thái căng thẳng này thì hoàn toàn đối lập thẳng với chánh
niệm. Dĩ nhiên, họ cũng đạt được một chút gì
đó. Để rồi họ kết luận là tu thiền không có gì là thú
cả, nó không mang đến những gì họ mong muốn. Rồi họ ném
nó qua một bên. Điều nên nó ở đây là, bạn nên học thiền
bằng cách tu tập thiền. Bạn nên học để biết tu thiền
là ra sao và sẽ đi về đâu bằng cách kinh nghiệm trực quán
qua bản chất của mọi sự. Do đó, những người mới bắt
đầu không biết mục tiêu chân chính của thiền, vì bởi
họ góp nhặt được sự hiểu biết quá nhỏ nhoi về mục
đích của con đường tu tập.
Sự
kỳ vọng thiếu kinh nghiệm thì vốn không thực tế và không
đúng. Là một người mới đối với tu thiền, họ kỳ vọng
toàn là những gì không đúng, thì những thứ này không giúp
ích được gì cả. Chúng sẽ trở thành những chướng ngại
trên con đường tu tập. Gắng quá sức đưa đến tính khắc
khe và u sầu, rồi cảm thấy tội lỗi và tự kết án mình.
Khi cố gắng quá độ, sự phấn đấu của bạn trở nên máy
móc và phá hủy chánh niệm ngay từ lúc trước khi bắt đầu.
Điều khuyên tốt nhất là bạn nên bỏ đi tất cả những
thứ đó, những kỳ vọng và sự căng thẳng. Đơn thuần tu
tập với sự gắng công thăng bằng và đều đặn. Hưởng
thụ sự tu tập của mình và đừng hủy diệt mình bằng sự
mệt nhọc và đấu tranh. Chỉ chánh niệm. Thực chất của
tu thiền là chăm sóc cho tương lai kia mà.
Vấn
đề 10: Sự ngã lòng
Hậu
quả trực tiếp tối hậu của cố gắng quá sức là tình
trạng chán nản. Bạn đang bị căng thẳng, không đi đến
đâu cả. Bạn nhận ra mình chẳng đạt đến kỳ vọng mong
muốn, cho nên ngã lòng. Thấy mình là người thất bại. Tất
cả đều là lẽ tự nhiên, nhưng có thể tránh được. Cái
nguyên nhân là do theo đuổi một mục đích không thực tế.
Tuy thế, đây vẫn là hiện tượng phổ thông, dù cho có tất
cả những lời khuyên tốt nhất, bạn bất chợt thấy ra nó
lại vẫn xảy ra cho mình. Có một cách để giải quyết vấn
đề này. Nếu thấy mình bị ngã lòng, hãy quan sát trạng
thái tâm một cách rõ ràng. Đừng tô điểm thêm gì vào, chỉ
xem xét thôi. Cảm giác thất bại chỉ là dạng khác của phản
ứng tâm lý chợt thoáng qua mà thôi. Nếu bạn can dự vào,
có nghĩa là bạn cho nó năng lượng để lớn thêm lên. Còn
bằng như bạn chỉ đứng bên lề ngắm nhìn thôi, nó sẽ
đi qua và biến mất không từ giả gì cả.
Nếu
sự ngã lòng do bạn nhận biết ra sự thất bại trong tu thiền,
thì rất dễ giải quyết. Bạn cảm thấy mình thất bại trong
tu tập. Bạn không thể lập chánh niệm; thì chỉ đơn giản
chú tâm về cảm giác thất bại đó. Đó, bạn đã tái lập
chánh niệm ngay rồi đó. Nguyên nhân của cảm giác thất bại
không là gì cả, mà chỉ là một hồi tưởng. Vốn không có
thất bại trong tu thiền. Có sự thối chuyển và khó khăn,
nhưng không có thất bại ngoại trừ bạn bỏ không tu tập
nữa. Ngay cả, nếu bạn bỏ ra suốt hai mươi năm ròng rã
mà không đi đến đâu, bạn vẫn có thể chánh niệm ở bất
kỳ giây phút nào bạn muốn. Quyết định là của bạn. Hối
tiếc chỉ là một cách đánh mất chánh niệm thôi. Ngay phút
giây bạn nhận ra mình mất chánh niệm, sự hiểu rõ ấy,
tự thân nó là một hành động của chánh niệm vậy. Cho nên
hãy tiếp tục quá trình. Đừng bị lạc hướng trong phản
ứng tâm lý.
Vấn
đề 11: Trở lực đối với thiền
Cũng
có lúc bạn cảm thấy không muốn ngồi chút nào cả. Ý tưởng
này không tốt, bỏ qua một buổi ngồi chắc không có gì là
quá đáng hay nghiêm trọng lắm, nhưng nó rất dễ dàng trở
thành một cái lệ. Người có trí truệ sẽ băng ngang qua trở
lực này, ngồi và quan sát qua cảm giác chống đối đó. Thường
thì đây chỉ là một cảm giác bất chợt, như một giọt
nước rơi xuống chiếc chảo nóng, rồi bốc hơi trước mắt
của bạn. Năm phút sau khi ngồi xuống thì cảm giác này biến
mất. Vài trường hợp khác, nó phát sinh từ tình trạng tâm
lý không tốt trong ngày và nó kéo dài cho tới giờ tọa thiền.
Dù thế, nó rồi cũng sẽ qua đi. Vậy tại sao không bỏ nó
đi trong hai mươi hay ba mươi phút đầu, mà lại cưu mang nó
đi lung tung, để cho nó hủy diệt phần ngày còn lại của
bạn. Lần sau, trở lực có thể xuất phát từ khúc mắc trong
tu tập, mà bạn có thể hoặc không thể biết sự khúc mắc
đó ở chỗ nào. Nếu biết được vấn đề là gì, thì dùng
một trong những phương pháp trong quyển sách này để giải
quyết. Khi giải tỏa xong thì trở lực không còn nữa. Còn
nếu không biết vấn đề là gì, thì bạn sẽ phải bền bỉ
tìm cho ra nó là gì. Chỉ cần ngồi xuyên qua trở lực mà
quan sát trong chánh niệm. Khi nó hết hạn thì nó cũng ra đi
trong thầm lặng mà thôi dù cho bạn không biết nó là gì.
Sau đó nguồn gốc của vấn đề sẽ hiện thân, và bạn có
thể xử lý nó.
Nếu
trở lực đối với tu thiền là những nét đặt trưng chung
của phương pháp tu tập, thì bạn nên tin rằng nó xuất phát
từ những sai sót vi tế trong phong thái hành xử căn bản của
mình. Tu thiền không phải là hành xử theo nghi lễ qua một
chuỗi động tác nhất định nào cả. Nó không phải là một
bài tập thể dục đau đớn, hay khoảng thời gian huấn luyện
chịu đựng áp lực của sự nhàm chán. Cũng không là sự
khắc nghiệt, nghiêm nghị, bổn phận. Tu thiền là chánh niệm.
Nó là một lối nhìn mới, lối sống mới. Thiền định là
những gì hữu dụng của chúng ta. Hãy đế mà phẩm định
nó, còn trở lực thì sẽ bị tan biến đi giống như khói
mù gặp ngọn gió mù hạ vậy thôi.
Nếu
bạn sử dụng mọi khả năng mà trở lực vẫn còn, thì có
vấn đề đây. Có thể là trở ngại siêu hình mà thiền giả
gặp phải quá xa so với phạm vi của quyển sách này. Thường
thì không thể xảy ra cho những người mới bắt đầu, nhưng
cũng có khả năng xảy ra. Đừng bỏ cuộc, đi tìm sự giúp
đỡ. Tìm một vị thầy tốt về thiền Minh Sát để giúp
bạn xem vấn đề là gì. Họ có mặt để làm những chuyện
này đây.
Vấn
đề 12: Tình trạng u mê hay tối tăm
Chúng
ta đã nói qua hiện tượng “vô ký không.” Nhưng có một
ngã rẽ đặc biệt mà bạn cần phải lưu ý canh chừng. Tâm
ù lì có thể là một sản phẩm phụ dư thừa tạo nên do
định thâm sâu. Bao giờ bạn hoàn toàn nới lỏng từ cơ bắp
cho đến hệ thống phản xạ thần kinh, sẽ đưa đến trạng
thái thật yên tĩnh, nhẹ nhàng nơi thân. Lúc ấy bạn cảm
thấy thật phẳng lặng và như không có thân nữa. Đây là
một trạng thái dễ chịu cho thấy là sự tập trung của bạn
đang rất tốt, và đang gắng liền với hơi thở. Khi tiếp
tục, trạng thái dễ chịu càng tăng thêm làm cho bạn chuyển
sự chú tâm khỏi hơi thở. Bạn bắt đầu thật sự hưởng
thụ trạng thái này và sự tập trung của bạn xuống dốc
thê thảm. Sự chú tâm của bạn vỡ tan rời rạc, trôi dạt
một cách vô vọng qua đám mây hạnh phúc dễ tan rã kia. Sau
phút giây nó để lại cho bạn một trạng thái thất niệm,
tình trạng u mê ngây ngất. Cách đối trị dĩ nhiên là chánh
niệm. Chánh niệm quan sát những hiện tượng này thì chúng
sẽ bị xua tan. Khi cảm giác hạnh phúc trỗi dậy thì chấp
nhận chúng, không cần phải tránh mà đừng nên bị chúng
lôi cuốn. Đối xử với những cảm giác sinh lý này như-nó-là.
Quan sát cảm giác như là cảm giác, tối tăm như là tối tăm.
Xem xét khi chúng phát sinh rồi diệt đi. Đừng can thiệp vào.
Bạn
sẽ phải gặp khó khăn trong tu tập là điều không thể nào
tránh. Ai cũng thế. Bạn cứ xem chúng như là nỗi khổ về
thân xác hay là những thử thách để vượt qua. Nếu cho chúng
là những gánh nặng, thì nỗi khổ đau của bạn tăng thêm
hơn mà thôi. Còn nếu bạn xem chúng là cơ hội cho bạn học
hỏi và trưởng thành thì viễn cảnh tâm linh của bạn không
thể nào đo lường được.