Chương
7 – Làm gì đây với Tâm của bạn?
Phương
pháp tu tập mà chúng tôi phổ biến ở đây là trau dồi Thiền
Tuệ. Như đã nhắc qua, đề mục thiền thì muôn hình vạn
trạng và loài người đã dùng qua bao thời gian. Vỏn vẹn
trong pháp tu thiền Minh Sát đã có bao thứ bất đồng rồi.
Có những vị thầy dạy các thiền sinh theo dõi hơi thở, bằng
cách nhìn chuyển động phồng xẹp nơi bụng. Cũng có vài
người lại khuyến khích tập trung chú ý vào nơi xúc chạm
của thân với tọa cụ, hay tay này chạm vào tay kia, hay cảm
xúc của chân này vào chân kia. Tuy thế, ở đây chúng tôi
đơn thuần theo cách mà đức Phật đã dạy thưở xưa. Trong
kinh Đại Niệm Xứ, đức Phật đã nhấn mạnh nhiều lần
rằng, thiền sinh phải bắt đầu chú tâm vào hơi thở,
để rồi tiếp sau đó ghi nhận tất cả những hiện
tượng sinh khởi nơi thân và tâm.
Chúng
ta ngồi, theo dõi dòng hơi thở ra-vào nơi mũi. Ở lúc ban đầu,
xem chừng như đây là một việc làm vô ích và dị hợm nếu
không muốn nói là điên. Trước khi đi xa hơn, hãy kiểm nghiệm
xem cái nguyên nhân đằng sau việc làm này. Câu hỏi đầu
tiên mà chúng ta có thể đặt ra là: Tại sao dồn tất cả
mọi chú tâm? Bởi vì chúng ta muốn phát triển khả năng tỉnh
giác. Thế tại sao không chỉ ngồi bất kỳ nơi chốn và tư
thế nào đó, rồi nhận biết bất cứ những gì đang xuất
hiện trong tâm? Thật ra, đó chính là những gì mà chúng ta
muốn đạt đến. Nhưng muốn làm được điều đó thì thật
là khó khăn bởi vì tâm thật là gian xảo. Tư tưởng vốn
được hình thành theo một đường lối rất phức tạp và
khó hiểu. Cho nên chúng ta luôn luôn bị câu thúc, trói buộc,
và thao túng bởi dòng tư tưởng không dừng. Từng tư tưởng
phát sinh rồi nối đuôi nhau mà dẫn dắt ta đi, để rồi
mười lăm phút sau, bất chợt chúng ta giật mình thì nhận
ra rằng mình đã sống trong giấc mộng giữa ngày với những
điều xa vời tách biệt với cái hiện thật mà mình đang
có mặt ở đây.
Có
một sự khác biệt giữa “nhận biết một tư tưởng” và
“nghĩ ra một tư tưởng”, và sự khác biệt này thì rất
vi tế, mà sự quan trọng chỉ là vấn đề cảm giác và kết
cấu. Một tư tưởng, mà bạn chỉ đơn thuần nhận biết
bằng sự chú tâm, có sự cấu tạo do cảm xúc nhẹ nhàng;
có một sự phân cách giữa cái tư tưởng (bị biết) và sự
tỉnh giác (chủ thể biết) đang NHẬN BIẾT tư tưởng đó.
Sự tỉnh giác thoáng hiện như một cái bóng rồi biến mất
đi mà không cần phải tạo nhân duyên điều kiện cho chập
tỉnh giác kế tiếp trong cả dòng tư tưởng. “Nghĩ ra một
tư tưởng” thì có cấu trúc thô thiển hơn. Nó có tính chậm
chạp, tạo ra ấn tượng và ép buộc. Nó thu hút bạn và điều
khiển ý thức. Cái bản chất của nó là làm ám ảnh con người
và dẫn nhập vào dòng tư tưởng một cách liên tục mà không
cho có kẻ hở.
Tư
tưởng do tác ý tạo nên một sức căng thẳng tương ứng
cho thân, chẳng hạn như là tạo ra sự co thắt các cơ bắp
hay làm cho nhịp tim đập nhanh lên. Nhưng bạn sẽ không cảm
nhận ra sự căng thẳng cho đến khi nào nó tích lũy và lớn
dần thành những cơn phẫn uất, bởi vì tư tưởng do tác
ý chính là hóa thân của tham lam. Nó tóm lấy tất cả tỉnh
giác của bạn mà không chừa lại chút gì để bạn có thể
nhận ra cái hậu quả của nó sẽ gây ra. Sự khác biệt giữa
“nhận biết một tư tưởng” và “nghĩ ra một tư tưởng”
thì rất là thật, nhưng nó quá ư là vi tế và khó thấy.
Chỉ có thiền định là dụng cụ giúp cho ta thấy ra sự khác
biệt này.
“Định
thâm sâu” sẽ làm cho tâm hành chập lại và sự tỉnh giác
bén nhạy lên hơn. Cái kết quả là chúng ta rèn luyện cho
mình khả năng kiểm soát quá trình hoạt động của tâm hành.
Thiền định giống như là một cái kính hiển vi để nhìn
những trạng thái vi tế bên trong. Chúng ta tập trung sự chú
tâm để đạt đến “Nhất điểm tâm” với sự tĩnh lặng
và liên tục giữ sự chú tâm không gián đoạn. Nếu không
có điểm tựa thì bạn sẽ dễ bị trôi dạt bởi sự thay
đổi không ngừng của dòng sinh diệt trong tâm.
Chúng
ta dùng hơi thở như là đối tượng tập trung. Nó được
dùng như là một điểm tựa quan trọng để khi nào tâm có
bị trôi dạt thì sẽ có chổ quay về. Không thể nào cho một
trạng thái là “lang thang” nếu tâm không có một căn nhà
khi nó rời khỏi. Cho nên, chúng ta phải chọn một điểm tựa
chắc chắn so với sự thay đổi không dứt và không mạch
lạc trong mọi thời bởi dòng suy nghĩ của tâm.
Trong
Kinh tạng có so sánh tu thiền với phương cách huấn luyện
một con voi hoang. Vào thời buổi xưa ấy, người ta cột con
vật chưa thuần kia và một cây cột chắc chắn bằng một
sợi dây tốt. Dĩ nhiên việc này không làm cho con voi kia hài
lòng tí nào cả. Nó sẽ gầm hét, giẫm mạnh và giật ghì
sợi dây qua nhiều ngày. Cuối cùng rồi nó cũng nhận ra là
nó không thể nào thoát ra được, cho nên đành phải chấp
nhận sự thật. Đến lúc ấy, bạn có thể cho nó ăn và điều
khiển nó trong chừng mực sinh hoạt nào đó một cách an toàn
để cho quen dần. Giai đoạn kế tới, bạn có thể bỏ đi
cây cột và sợi dây mà huấn luyện con voi thêm những hành
động mới hơn. Sau cùng, bạn có được một con voi biết
nghe lời và hiểu ý mình để làm công việc hữu ích. Con
voi hoang kia vốn không khác gì cái tâm không thể điều khiển
của chúng ta, còn sợi dây kia chính là Chánh niệm, và cây
cột kia là đề mục thiền — Hơi thở. Một con voi được
huấn luyện tốt có thể làm những chuyện nặng nhọc với
năng xuất cao, còn cái tâm được tập trung có thể làm xuyên
thủng các lớp ảo tưởng đang che lấp chân lý cuộc đời.
Tu thiền là huấn luyện cho tâm.
Câu
hỏi kế tiếp mà chúng ta cần luận bàn là: Tại sao lại
chọn hơi thở làm đề mục chính để tu thiền? Tại sao không
chọn cái gì đó thích thú hơn? Câu trả lời thì thật là
đa dạng. Một đề mục thiền tốt thì phải có khả năng
mang lại kết quả cao. Nó nên uyển chuyển, sẵn sàng và tự
nhiên. Nó không nên có tính lôi cuốn, trong khi chúng ta muốn
buông xả mọi thứ như là tham lam, sân hận, và si mê. Hơi
thở có đầy đủ những đặc điểm này và hơn nữa. Hơi
thở có tính tổng thể của mọi loài, và chúng ta luôn mang
nó theo cho dù bất kỳ nơi nào mình đến. Nó luôn tồn tại,
sẵn sàng, và không bao giờ mất cho đến phút giây lìa đời,
hơn nữa chúng ta không cần phải mua nó.
Thở
thì không phải là một quá trình của khái niệm, chúng ta
có thể kinh nghiệm nó mà không cần có tác ý.
Hơn thế nữa, nó là một tiến trình sống, một dạng của
đời sống thay đổi không ngừng. Hơi thở vận hành theo chu
kỳ — hít vào, thở ra. Nó cũng đồng dạng như một chu kỳ
của một đời sống.
Cảm
giác của hơi thở thì rất vi tế, nhưng cũng không khó phân
biệt ra khi bạn học được cách bắt theo nó, chỉ cần một
chút cố gắng. Bất kỳ ai cũng có thể làm được điều
này. Chỉ là vấn đề bạn phải thực dụng khả năng của
mình vào việc này và đừng có gắng công quá sức. Cho tất
cả mọi nguyên do, hơi thở thì đúng là một đề mục thiền
lý tưởng nhất. Thông thường thở là một quá trình tự
nhiên, nó tiến hành theo chiều hướng riêng của nó mà không
cần tác ý gì cả. Nhưng chỉ một biến chuyển nhỏ sẽ có
thể làm cho nó chậm lại hay nhanh lên, hoặc có thể làm cho
nó dài và bình lặng hay ngắn và dồn dập. Sự khác biệt
giữa lối thở tự nhiên và có tính kiềm chế hơi thở thì
rất vi tế; và đây cũng chính là bài học quan trọng về
tính chất tự nhiên và tính nét cưỡng cầu. Kế đó, ngay
nơi viền mũi, bạn có thể có cái nhìn qua khung cửa sổ giữa
hai cái thế giới trong đây và ngoài kia. Đó là điểm quan
hệ, nơi trao đổi năng lượng từ bên ngoài đi vào, để
trở thành một phần của cái mà chúng ta gọi là “Ta” và
cũng là phần đi ra để thể nhập vào vũ trụ ngoài kia. Những
bài học này dạy cho ta thế nào là “khái niệm tự ngã”
và “làm sao chúng ta gầy dựng ra nó.”
Hơi
thở là hiện tượng chung của mọi loài. Thấu suốt được
quá trình này bằng kinh nghiệm thật sự sẽ mang bạn tới
gần hơn những loài sống khác. Bạn sẽ nhận ra sự liên
hệ vốn có của mọi loài. Rốt lại, hơi thở là một
tiến trình của hiện tại, có nghĩa là nó luôn luôn diễn
tiến trong lúc này và ở đây. Chúng ta thì không thường
hay sống với hiện tại, mà là hoang phí phần lớn thời gian
để hồi tưởng về quá khứ, kỷ niệm hay mơ mộng về những
viễn ảnh trong tương lai, hoặc là đốt đời mình cho những
nổi lo lắng, bất an hay trù tính kế hoạch cho mai sau. Hơi
thở thì không có dính dáng gì với những “ngoài hiện tại”
tính toán kia. Khi thật sự quan sát hơi thở là tự động
chúng ta đang sống trong hiện tại, là bỏ qua một bên những
điều rối rắm, để có được cái kinh nghiệm đơn thuần
của phút giây hiện tiền. Theo lối nhìn này thì, hơi thở
là một mảnh nhỏ của chân lý đời sống. Chánh niệm quan
sát cái thực chất của mô hình nhỏ đời sống, sẽ dẫn
ta đến trí tuệ trực giác mà chúng ta có thể áp dụng nó
vào quá trình kinh nghiệm trêm mọi lãnh vực còn lại.
Bước
đầu tiên trong sự quan sát hơi thở như là một đề mục
là phải thấy ra nó. Những gì mà bạn đang tìm là sự xúc
chạm sinh lý của làn hơi đi ra-vào nơi cánh mũi. Thường
là ở ngay bên trong của hai viền mũi, nhưng chính xác thì
còn tùy thuộc vào từng cá nhân, do có sự khác biệt về
hình dạng của chiếc mũi. Để tìm ra cái điểm cho mình,
hãy hít thật mạnh một hơi và cảm nhận xem nơi nào có một
sự xúc chạm khác biệt khi luồng hơi đi qua; rồi thở mạnh
ra để cảm nhận ra cảm xúc cùng nơi ấy. Điểm này chính
là nơi mà bạn cần phải bám lấy trong suốt quá trình của
một chu kỳ hơi thở. Một khi bạn đã xác định rồi điểm
tựa, thì đừng bao giờ để mình sai lệch nó nữa. Hãy dùng
điểm tựa này để giữ sự chú tâm cố định. Nếu không
có điểm tựa thì bạn sẽ dễ bị lôi cuốn theo dòng hơi
thở, hoặc lên xuống hay hoặc ra vào, không ngừng chạy theo
hơi thở vì nó luôn luôn thay đổi và lưu chuyển.
Nếu
đã từng cưa một tấm ván gỗ thì bạn đã biết được
nguyên tắc này. Người thợ mộc không nhìn lưỡi cưa đi
lên xuống, mà là giữ chú tâm vào điểm nơi mà răng cưa
cắn vào gỗ. Đó là cách duy nhất để có thể cưa một đường
thẳng. Cùng thế ấy, thiền giả nên tập trung sự chú tâm
vào một điểm nơi có sự xúc chạm ở viền mũi. Điều lợi
ích là bạn nhìn được toàn bộ sự chuyển động của hơi
thở với tâm tập trung. Đừng bao giờ có ý định điều
khiển hơi thở. Đây không phải là cách tập thở trong Yoga.
Tập trung một cách tự nhiên và không gượng ép vào sự chuyển
động của hơi thở. Đừng cố ý thử điều hòa hay nhấn
mạnh nó theo một chiều hướng nào cả. Đây là điều mà
những thiền sinh mới thường hay vấp phải. Để giúp cho
họ tập trung vào cảm xúc, những thiền sinh mới vô tình
làm cho nổi bật hơi thở của mình. Kết quả là đã tạo
nên sự ép buộc không tự nhiên, đây là điều kiện cản
ngăn sự tập trung chứ không phải đang giúp ích cho định
phát sinh. Đừng bao giờ kéo dài hơi thở hay tạo ra âm thanh
nhất là đang tu tập trong một nhóm người, sẽ làm quấy
rối cho những người chung quanh. Chỉ để hơi thở vận hành
một cách thật tự nhiên giống như lúc bạn đang ngủ. Hãy
buông xả và để cho cả một tiến trình tự vận hành theo
nhịp nhàng của nó.
Nghe
qua thì rất ư là dễ dàng phải không? Sự thật thì nó không
dễ như là bạn nghĩ đâu, nhưng đừng vội nản lòng, nếu
chịu khó một chút thì bạn sẽ tìm ra cách. Hãy dùng nó như
là một cơ hội để quan sát bản chất của Ý thức. Xem xét
sự quan hệ nội tuyến trong hơi thở, giữa xung lực muốn
điều khiển và xung lực không muốn điều khiển hơi thở.
Bạn có thể sẽ phải thất vọng trong một thời gian nhưng
đây là một giai đoạn nhất định phải đi qua và sự lợi
ích mang lại từ quá trình này cũng rất ư là lớn lao. Dần
dà rồi hơi thở sẽ trở nên ổn định và bạn không còn
cảm thấy có một xung lực nào can dự vào. Lúc này là lúc
bạn sẽ học được bài học vĩ đại về sự khát vọng
nghịch thường của mình.
Vào
lúc tiên khởi, hơi thở dường như là rất bình thường và
không có gì đáng lưu ý, nhưng trái lại nó là một tiến
trình rất quyến rủ và có một cấu trúc rất ư là to lớn.
Nếu bạn chịu nhìn sẽ thấy ra rằng nó có thiên hình vạn
trạng. Có giai đoạn hít vào-thở ra, dài-ngắn, sâu-cạn,
trôi chảy liên tục và rời rạc hấp tấp. Những thể loại
này còn hòa trộn vào nhau theo biết bao phương cách vi tế
và rắc rối. Hãy quan sát hơi thở thật cặn kẻ. Thật sự
nghiên cứu nó. Bạn sẽ thấy ra nhiều mức độ thay đổi
và những chu kỳ tái diễn theo các cung cách bất biến. Nó
thì cũng giống như một bản giao hưởng. Đừng quan sát những
nét thô của hơi thở. Có rất nhiều điều để học hơn
là sự hít và thở. Mỗi hơi thở đều có phần đầu, giữa,
và cuối. Mỗi tiến trình hít vào đều trải qua giai đoạn:
thành, trụ, hoại, diệt; và thở ra cũng giống như thế. Độ
sâu và tốc độ của hơi thở tùy thuộc vào trạng thái cảm
giác của bạn, tư tưởng thoáng phát sinh trong tâm và âm thanh
mà bạn nghe. Hãy nghiên cứu những hiện tượng này, bạn
sẽ thấy rằng chúng thật là hấp dẫn.
Những
vấn đề này không có nghĩa là bạn nên mãi mê ngồi đó
để độc thoại với chính mình trong im lặng: “Đó là hơi
thở rời rạc và kia là hơi thở sâu, cái kế sẽ ra sao?”
Không nên thế! Đó không phải là thiền Minh Sát, mà đó là
bạng đang suy nghĩ. Bạn sẽ gặp phải những tình trạng này
nhất là lúc mới bắt đầu tu tập, giai đoạn này thì ai
cũng phải trải qua. Chỉ đơn giản ghi nhận hiện tượng
này và trở lại sự quan sát hơi thở. Những lúc tâm trôi
dạt rồi lại sẽ xảy ra nhiều lần nữa, nhưng bạn chỉ
cần kéo tâm về lại với đề mục, hết lần này sang lần
khác, cho đến bao giờ tâm không còng lang thang nữa.
Vào
lúc bắt đầu tu tập, bạn nên sẵn sàng cho những trở ngại.
Tâm của bạn sẽ lang thang, nhảy chuyền như những con ong
say rượu nhảy lung tung. Đừng lo, tâm hưu ý vượn vốn là
một hiện tượng phổ biến, nó là những gì mà bất cứ
hành giả nào cũng phải đối diện và phải vượt qua bằng
cách này hay cách khác, và bạn cũng phải như thế. Khi nó
xảy ra, đó không phải là bạn đang suy nghĩ, ngủ ngày, lo
lắng, hay là bất cứ gì. Uyển chuyển nhưng vững vàng không
có gì phải giận dữ, hay phê phán bản thân cho sự lơ là,
chỉ đơn giản mang tâm về lại với cảm xúc của hơi thở.
Và cứ như thế cho lần sau, và sau đó nữa…
Vào
một lúc nào đó trong quá trình tu tập, bạn sẽ phải trực
diện trong ngỡ ngàng và bất ngờ, khi hiểu biết ra về sự
phi lý và điên rồ của bản thân mình. Trong tiềm thức, bạn
sửng sờ, lúng túng như đang bị giam trong một chiếc thùng,
mà chiếc thùng kia đang bị lăn cuồng xuống từ ngọn đồi
cao một cách vô vọng. Nhưng không sao cả! Bạn cũng không
có điên khùng gì hơn ngày hôm qua đâu, bạn luôn vẫn như
thế, chỉ có điều là bạn chưa từng nhận thấy ra vấn
đề này trong quá khứ mà thôi. Còn thêm điểm này nữa, bạn
cũng không điên hơn những người chung quanh mình đâu. Sự
khác biệt giữa họ và bạn hiện nay là, bạn đã đối diện
với vấn đề này, trong khi họ thì chưa; cho nên họ vẫn
cảm thấy tương đối dễ chịu hơn bạn mà thôi. Điều đó
không có nghĩa là họ sống tốt hơn bạn. Sự thiếu hiểu
biết có thể làm họ vui vẻ tạm thời nhưng không đưa họ
tới sự giải thoát, cho nên đừng để sự hiểu biết này
làm cho bạn bất an. Đây chính là một giai đoạn, là một
dấu hiệu của sự tiến bộ thật sự. Điều rõ ràng nhất
là, bạn đang nhìn thẳng vào vấn đề luôn hiện hữu mà
không còn bị bịt mắt hay không nhận ra nó như trước kia
nữa.
Quan
sát hơi thở trong thầm lặng cần phải tránh hai trạng thái:
suy nghĩ và trầm mặc. Tâm suy tư là sự biểu lộ của
hiện tượng tâm viên ý mã mà chúng ta đã nói qua ở
trên. Tâm trầm mặc thì trái ngược. Theo thiền ngữ thường
hay dùng từ “vô ký không” để chỉ trạng thái này, một
trạng thái mơ mơ màng màng mà thiếu đi sự tỉnh giác. Nó
chỉ là một trạng thái trống rỗng, không tư tưởng nhưng
cũng không có chánh niệm, không có sự hiểu biết bất cứ
điều gì trong giây phút hiện tại. Nó chỉ là một khoảng
trống, một vùng xám gần như là một giấc ngũ gục không
có mộng mị vậy thôi. Đây là trạng thái cần phải tránh.
Thiền
Minh Sát là một pháp tu năng động. Sức tập trung sâu, năng
lực chú tâm dồn hết vào một đề mục. Sự tỉnh giác là
sự chú tâm trong sáng rõ ràng. Định và Chánh niệm là hai
bộ phận mà chúng ta muốn vun bồi. Vô ký không thì không
thuộc trong hai bộ phận này, nó có thể đưa bạn vào trong
hôn trầm và làm bạn phí đi thời gian ngồi mà thôi.
Bao
giờ bạn nhận ra mình rơi vào trạng thái “vô ký”, thì
chỉ cần ghi nhận điều đó rồi mang tâm trở về lại với
hơi thở của mình. Quan sát cảm giác xúc chạm của hơi thở
lúc ra-vào để xem những gì đang xảy ra. Khi bạn thực hành
theo lối này trong một thời gian — nhiều tuần lễ hay nhiều
tháng — bạn sẽ bắt đầu cảm nhận cái xúc cảm kia giống
như là một thật thể. Hãy thực hành tiếp tục — hít-thở
và quan sát, theo dõi những gì đang xảy ra. Bao giờ sự tập
trung được sâu hơn thì tâm của bạn ít nhảy chuyền hơn.
Lúc đó hơi thở của bạn sẽ chậm dần, cho nên bạn có
thể xem xét nó tỏ tường hơn vì ít bị gián đoạn hơn (phải
mang tâm trở về với hơi thở.) Bạn sẽ kinh nghiệm một
trạng thái tĩnh lặng mà không còn bị những kích thích bên
ngoài gây ảnh hưởng đến. Không có tham lam, thèm khát, đố
kỵ, ganh tị hay ghét bỏ. Sự dao động biến mất trong lúc
đó và nổi sợ hãi không tồn tại, mà chỉ còn lại một
trạng thái tâm vô cùng trong sáng và hạnh phúc. Đây là một
trạng thái tạm thời và nó cũng sẽ mất đi khi bạn xuất
thiền. Nhưng dù cho đây chỉ là một kinh nghiệm ngắn ngủi
cũng sẽ làm thay đổi cả cuộc đời của bạn. Đây không
phải là giải thoát nhưng nó là những bước thang lần theo
con đường đi đến giải thoát. Đừng nên kỳ vọng vào trạng
thái hạnh phúc tạm thời này. Nhưng muốn đạt được trạng
thái này cũng phải mất rất nhiều thời gian, gắng sức và
kiên nhẫn mới có được.
Tu
thiền không phải là một cuộc tranh tài. Tuy có mục tiêu
rõ ràng nhưng không có giới hạn thời gian. Những gì bạn
đang làm là đục thủng dần càng lúc càng sâu hơn, xuyên
qua nhiều tầng lớp của ảo giác để tiến gần đến sự
hiểu biết về chân lý rốt ráo. Tự thân của cái quá trình
này đã đầy nét quyến rũ và hoàn hão rồi. Nó rất ư là
thích thú cho nên không cần phải vội vã.
Sau
một buổi tọa thiền tốt, bạn sẽ có một cái tâm thật
thoải mái và trầm lắng. Nó bình an, vui vẻ, và đầy năng
lực để áp xử với mọi vấn đề trong đời sống. Bao nhiêu
đấy cũng là một phần thưởng to lớn cho mình rồi. Mục
đích của tu thiền không phải là để giải quyết vấn đề.
Khả năng giải quyết vấn đề là sản phẩm phụ người
tu thiền có được trên con đường mà thôi. Nếu đặt quá
nặng vào lãnh vực này, bạn sẽ dễ bị đánh mất sự tập
trung, vì tâm sẽ xoay qua những vấn đề này trong buổi tọa
thiền. Đừng bao giờ nghĩ đến những vấn đề trong lúc
tọa thiền, mà hãy khéo léo gác chúng lại qua một bên trong
khoảng thời gian này.
Hãy
tạm gác lại tất cả những lo âu và trù tính trong lúc này.
Xem buổi tọa thiền của bạn như là một giai đoạn nghĩ
phép hoàn toàn. Hãy tự tin tưởng vào bản thân mình rằng,
rồi đây ta sẽ đối diện với những vấn đề này sau. Còn
bây giờ thì nỗ lực, tận dụng với tất cả tinh thần để
vun bồi thiền định. Hãy tạo cho mình niềm tin như thế và
rồi nó sẽ trở thành sự thật theo thời gian qua quá trình
tu tập.
Đừng
bao giờ chọn mục tiêu ngoài tầm khả năng. Hãy tử tế với
bản thân. Bạn luôn cố gắng theo dõi hơi thở liên tục đừng
để sự chú tâm bị gián đoạn. Nghe qua thì rất ư là dễ,
cho nên bạn có chiều hướng ép buộc mình ở lúc ban đầu
phải tỉ mỉ và chính xác. Nhưng cách này không thực tế
chút nào cả, mà là cần có thời gian để tiến từng bước
nhỏ một. Lúc ban đầu của cái hít vào, hãy giữ quyết tâm
theo một cái hít của hơi thở này mà thôi. Mặc dù nó không
phải là dễ dàng nhưng nó vẫn là điều có thể làm được.
Kế đó, ở giai đoạn bắt đầu thở ra, giữ quyết tâm theo
cái thở ra đó mà thôi cho đến khi nào nó chấm dứt. Rồi
bạn sẽ vẫn phải bị thất bại lần này sang lần khác,
nhưng hãy cứ tiếp tục thử mà công phu.
Mỗi
một lần bạn thất bại, thì bắt đầu trở lại. Cứ một
lần cho một hơi thở. Thành công hay không là ở giai đoạn
này. Hãy phấn đấu với nó — tái lập quyết tâm cho mỗi
chu kỳ hơi thở, mỗi một sát-na. Quan sát mỗi hơi thở với
tất cả tâm ý (cẩn thận và chính xác), từng giây phút này
sang phút giây kế tiếp, với sự quyết tâm vượt bực lên
cao hơn. Theo cách này sự tỉnh giác liên tục, không bị đứt
quãng, rốt cuộc sẽ phát sinh.
Chánh
niệm về hơi thở là sự tỉnh giác trong phút giây hiện
tại. Khi đang thực hành một cách đúng đắn, bạn
chỉ chú tâm vào những gì đang xảy ra trong phút giây hiện
tiền. Bạn không nghĩ về quá khứ, cũng không tưởng đến
tương lai. Bạn không còn nhớ về hơi thở vừa qua, mà cũng
không nhảy vọt ra phía trước để chờ hơi thở sắp đến.
Khi bắt đầu hít vào, bạn không chờ trực giai đoạn cuối
của tiến trình hít vào và cũng không nhảy vọt lên trước
tiến trình để chờ sự thở ra sắp xảy ra. Bạn chỉ hiểu
biết những gì đang xảy ra lúc này. Đang hít vào và
đó là những gì bạn đang chú tâm tới, thế thôi không có
gì khác.
Tu
thiền là quá trình huấn luyện sửa chữa tâm. Trạng thái
mà bạn đang muốn đến là một trạng thái của tất
cả sự chú tâm trọn vẹn vào những gì đang xảy ra trong
thế giới cảm giác của riêng mình, chính xác như-nó-là,
chính xác đang-nó-là, một sự tỉnh giác hiện tiền
trọn vẹn không gián đoạn. Đây là một mục tiêu tối thượng
và không thể nào đạt đến nhanh chóng. Nó đòi hỏi sự
tu tập và huấn luyện, cho nên chúng ta phải bắt đầu từ
những gì thật nhỏ. Chúng ta phải hoàn toàn tỉnh giác về
mỗi một sát-na thời gian, chỉ một hơi thở. Khi thực hiện
được tốt, bạn sẽ có được một kinh nghiệm hoàn toàn
mới về cuộc đời này.