CHƯƠNG
VIII
MƯỜI
LOẠI MA LÀM LOẠN CHÁNH ĐỊNH
Sư
nói: Ngộ đạo tu thiền chẳng phải là việc nhỏ. Những
loại ma trong, ma ngoài làm não loạn chánh định, một chút
không chủ tể, liền tham trước cảnh ái, do cảnh kích động
mà rơi vào lưới ma. Vốn là nhơn lành mà trở lại phải
chuốc quả ác. Kẻ sơ học đời sau hãy cẩn thận và đề
phòng vậy.
Tôi
xin nêu ra mười điều đã biện biệt về nghĩa ma. Tự soi
tự xét về thiên ma và tâm ma. Dùng huệ quán chiếu tiêu diệt
ma nghiệp. Tâm cấu nếu tịnh các chướng tự nhiên dứt,
sợ gì thiên ma nào dám loạn chánh? Nay đem mười loại
ma và thuật rõ ràng ở sau: một là ma túc oan, hai là ma ngoại
hoặc, ba là ma phiền não, bốn là ma sở tri, năm là ma tà
kiến, sáu là ma vọng tưởng, bảy là ma khẩu nghiệp, tám
là ma bịnh khổ, chín là ma hôn trầm, mười là thiên ma. Mười
loại ma chướng nầy hay làm nhiễu loạn người tu hành chơn
chánh. Người ngộ đạo nên thận trọng đó.
HỎI:
Thế nào là ma túc oan?
ĐÁP:
Ma túc oan gọi là nghiệp chướng. Từ những kiếp lâu xa cho
đến đời nầy, sanh ra trong kiếp phàm phu, bất trung bất
hiếu, bất nhơn bất nghĩa. Sát sanh trộm cắp, dâm dục, vọng
ngữ, tham lam, giận dữ và si ái. Kết nhiều oan gia, ngày nay
gặp gỡ, muốn học đạo lớn bị chúng xâm nhiễu chẳng
an, hay làm chướng việc thánh, chẳng được thành tựu. Phải
sanh tâm quý chí thành sám hối, tha thiết cầu tam bảo buông
sức thần gia hộ. Tất cả những nghiệp từ trước tự tiêu
tự diệt, tất cả oan gia tự lui hay tan mất, mau được vô
lậu, chóng làm lợi khắp chúng sanh, mau được vô lậu, chóng
chứng bồ đề. Người tham thiền phải tự sám hối đó.
HỎI:
Thế nào là ma ngoại hoặc?
ĐÁP:
Ma ngoại hoặc (làm ngoại hoậc bên ngoài), gọi là nhơn chướng.
Kẻ tiểu nhơn không có căn lành, sang hèn chẳng đồng, làm
não loạn định tâm chẳng được an ổn. Việc nầy không
riêng một cớ nào, tất cả đều do thiếu quyền biến, hoặc
kém lễ nghi, hoặc do tự cao, hoặc tự ngã mạn, hoặc nói
thẳng, hoặc hạnh thô, hoặc nương thế lực, hoặc khoe tài,
hoặc nói ác, hoặc khen mình,hoặc chê người, hoặc thiếu
vẻ ôn hoà, hoặc không cung kính, hoặc độ lượng không rộng
rãi, hoặc thiếu nhẫn nại. Cho nên chuốc cái chẳng tin mà
hoặc loạn sự tu hành, sanh tâm động niệm, che lấp cái bản
minh. Kẻ sĩ một đạo cần yếu phải thấp xuống mà lui về
nuôi đức, mới khỏi được nhơn chướng. Kẻ hậu học đời
sau phải khoan tâm và nhẫn nại đó.
HỎI:
Thế nào gọi là ma phiền não?
ĐÁP:
Ma phiền não là sự chướng. Sự chướng nếu chẳng trừ
hay làm lộn xộn việc chánh tu. Thế nào là phiền ? Thế nào
là não ?
Phiền
thì đuổi theo ngoại cảnh, não thì sanh ở nội tâm. Người
tu thiền nhứt định phải đoạn phiền não. Phiền não chẳng
trừ sạch tánh định khó hiện. Thấy người nữ mà sanh tâm
là dâm tâm phiền não. Thấy sự giết hại mà sanh tâm là
ác tâm phiền não. Thấy tài lợi mà sanh tâm là đạo tâm
(tâm trộm) phiền não. Thấy vật mà sanh tâm là tham tâm phiền
não. Thấy người sanh khinh thường là ngã tướng phiền não.
Thấy kẻ thấp sanh kiêu ngạo là tự đại phiền não. Thấy
nghịch cảnh sanh sân là khuể tâm phiền não. Thấy thuận
cảnh sanh vui là tùy hỷ phiền não. Thấy kẻ oán sanh tâm
ghét là hận tâm phiền não. Thấy người thân sanh thương
là tư tâm phiền não. Tất cả những cái thấy bên ngoài mà
bên trong sanh thủ xả đều là phiền não, không thể nào mà
nói ra cho hết được. Kẻ tham thiền nhất định phải trừ
sự chướng. Sự chướng nếu chẳng không (rỗng) làm não
loạn chánh định. Người học đời sau, tại sao chẳng đoạn
nó ?
HỎI:
Thế nào gọi là ma sở trị?
ĐÁP:
Ma sở trị gọi là lý chướng, lý chướng nếu chẳng trừ
hay làm loạn chánh định. Sở tri là thế nào mà lỗi như
thế? Biết (tri) ta được ngộ, biết ta thông thiền, biết
ta rõ giáo, biết ta hội lý, biết ta học nhiều, biết ta hiểu
nhiều, biết ta trì giới nghiêm túc, biết ta được định,
biết ta phát huệ, biết ta được thần thông, biết ta được
lẽ mầu, biết ta chứng đạo, biết ta thành Phật, muôn ngàn
điều biết (Sở tri) gọi đó là lý chướng. Lý chướng nếu
chẳng trừ pháp chấp chẳng quên. Pháp chấp chẳng quên thì
chơn tâm chẳng hiện. Người tu thiền định nhứt định phải
dứt trừ lý chướng.
HỎI:
Thế nào là ma tà kiến?
ĐÁP:
Ma tà kiến là chấp chướng. Chấp chướng chẳng trừ ắt
rơi vào định tà. Tà kiến như thế nào mà loạn chánh định
như vậy? Chấp tánh chẳng hoại, gọi sự chấp ấy là hữu
kiến (thấy có). Chấp tánh vốn không (rỗng) gọi sự chấp
ấy là vô kiến (chấp không). Chấp vốn không chết gọi sự
chấp ấy là thường kiến. Chấp theo khí mà diệt gọi sự
chấp ấy là đoạn kiến. Chấp từ không sanh ra có là tự
nhiên kiến. Chấp từ khí (hơi) hóa ra hình là tà nhơn kiến.
Tự như chẳng có chẳng không, tức có tức không. Tất cả
những tà chấp, tà kiến nhơn duyên tự nhiên… đều chẳng
lìa không hữu, đoạn thường hai đầu. Tự chướng bốn lý
đến rơi vào đường tẻ. Người tham thiền phải biết mà
ngộ lẽ nầy.
HỎI:
Thế nào là ma vọng tưởng?
ĐÁP:
Ma vọng tưởng gọi là Tự chướng. Tự chướng chẳng không
(rỗng), thì sanh diệt chẳng dừng, điên đảo tán loạn, che
chướng bản tâm. Người tham thiền cần phải làm cho rỗng
không cái chướng nầy. Nay nêu ra một hai điều để làm sáng
tỏ cái vọng chướng, như: vọng tưởng ngộ đạo, vọng
tưởng tu chứng, vọng tưởng đắc định, vọng tưởng phát
huệ, vọng tưởng nhiều hiểu biết, vọng tưởng hay làm
văn, vọng tưởng về danh đạt, vọng tưởng về sự cúng
dường nhiều, vọng tưởng làm thầy, vọng tưởng chư tăng
qui hướng, vọng tưởng tiếp nối tổ vị, vọng tưởng trụ
một ngôi chùa, vọng tưởng hoằng đạo, vọng tưởng về
tác phẩm lưu truyền, vọng tưởng về kẻ nối dòng, vọng
tưởng về sự nhập tháp, vọng tưởng thần thông, vọng
tưởng huyền diệu, vọng tưởng kỳ đặc, vọng tưởng quái
lạ, vọng tưởng trường sanh, vọng tưởng hoàn đồng, vọng
tưởng bay lên, vọng tưởng thành Phật,… các vọng chẳng
không (rỗng), động niệm làm trái với lẽ nhơn. Người mới
học mộ đạo dứt vọng làm gốc.
HỎI:
Thế nào là ma khẩu nghiệp?
ĐÁP:
Ma khẩu nghiệp gọi là cuồng chướng, nếu chẳng dè dặt
lời nói mà buông ý lắm mồm, thì tán tâm loạn niệm chẳng
được tịnh tâm. Khẩu nghiệp do đâu mà lỗi nó quá nhiều?
Bởi ưa bàn huyền nói diệu, giảng giải (kinh), nói tông (thiền),
tự khoe rằng đã được ngộ, chê kẻ khác ngu mê, luận về
sở trường sở đoản của người, nói sự phải quấy của
người.ngâm thi vịnh phú, mở miệng xướng càn, bình
luận chuyện xưa nay, bàn chuyện đất nước hưng phế, xưa
kia là người hiền kẻ ngu, nay là kẻ ác người thiện. Chẳng
quan hệ đến việc ta mà rống lời tranh luận chuyện được
mất của người. Vô cớ chê khen, nói những cảnh dục khiến
người sanh yêu. Nói chuyện bất bình khiến người sanh giận.
Chê sau lưng, khen trước mặt. Tất cả những lời nói lợi
hại khiến người quên mất chánh niệm. Người tham thiền
cần yếu phải gắng gìn giữ, chẳng những ít lời nuôi đức
mà lại khiến tâm chẳng loạn. Kẻ sơ cơ tu hành cẩn thận
và kiêng giữ việc nầy.
HỎI:
Thế nào là ma bệnh khổ?
ĐÁP:
Ma bệnh khổ gọi là khổ chướng. Thân nhiều tật bệnh đều
do nghiệp đời trước, hoặc do mất sự điều hoà mà biến
sanh trăm thứ bệnh, chẳng được thọ dụng, làm cho người
học đạo có sự chướng ngại. Nay tôi nêu lên mấy điều
phải tự đề phòng: Điều hoà tỳ vị, tiết chế và chọn
thức ăn uống, ít đắm mùi vị nồng hậu, lại phải cữ
vật sống và lạnh. Khi đói chớ đọc tụng, lúc no chớ gánh
vác nặng. Sau khi ăn chớ ngủ, tối cữ ăn no, thích ăn đồ
thối nát, ưa ăn đồ chiên đồ xào, thích ăn ngũ vị, dùng
nhiều vật quấy. Toạ Thiền nơi đất ẩm, ngủ nơi chỗ
gió, đang ra mồ hôi mà nhảy vào nước, thích ấm tham mát,
đang lúc gió mà tắm rửa, nằm trần ngoài trời, đói quá
no quá, vui quá giận quá, lạnh quá nóng quá, mưa lớn sương
nhiều. Bịnh nội thương ngoại cảm, tất cả đều do mất
sự điều hoà nên sanh những bệnh hoạn, làm cho thân chẳng
được yên. Kẻ hậu học phải biết mà dự phòng và tránh
bệnh.
HỎI:
Thế nào là ma hôn trầm?
ĐÁP:
Ma hôn trầm gọi là thuỳ chướng (chướng về ngủ). Thuỳ
chướng chẳng luyện trừ, hôn trầm quá nặng, chơn tâm chẳng
sáng, huệ tánh chẳng phát khởi, rơi vào chỗ mờ tối của
núi đen và hang ma. Nguyên nhơn của bệnh hôn trầm kia
như thế nào? Sự hôn chướng nầy phần lớn cho ăn nhiều,
tham nhiều vị ngon, nói nhiều làm tán khí, hình lao tì yếu,
tinh thần chẳng trong lặng, độc khí hỗn loạn, ngu si nhiều
giận tức, lười biếng buông lung. Chẳng nhớ nghĩ việc sanh
tử chỉ tham an lạc. Kẻ hậu học khi dụng công nên phát
tinh tấn: mang dùi chích thịt, cho đầu chạm vào cây cột,
lễ Phật đốt đèn, đứng nơi nguy hiểm, đi kinh hành, khổ
thân mài luyện ma ngủ mới nhẹ, nếu chẳng như vậy mặc
tình ngủ nghỉ, thì chơn tâm chẳng sáng. Người tham thiền
nên dũng mãnh hàng phục ma ngủ.
HỎI:
Thế nào là đại thiên ma?
ĐÁP:
Đại thiên ma chẳng đồng với các chướng. Bởi do tu hành
đúng đắn, sắp chứng đạo quả, tâm tinh thuần thông suốt,
lặng yên chẳng động, làm kinh động thiên ma và cung điện
của quỉ thần đều sụp đổ, cõi đất rung động, ma chúa
kinh hãi, loài yêu quái ở cây, ở đá cũng hoảng sợ. Tất
cả loài ma mị đều có ngũ thông đồng đến não loạn, chẳng
cho người vào thánh vị. Chúng biến ra những điều quái lạ,
hoá ra những cảnh dục để làm loạn thiền định của người
tu. Người tu nếu tâm sanh ra thủ xả ma liền được tiện
lợi, mà người tu thì thọ hại. Tự phát điên cuồng, cho
là đã thành Phật. Còn sống thì bị hãm vào nạn vua, lúc
chết đoạ vào vô gián ngục. Kẻ sĩ tham thiền chánh niệm
rõ ràng, trí huệ chiếu sáng, một lòng chẳng động, mặc
tình chúng tác quái ta chẳng thèm thấy nghe, dùng chánh định
hàng phục, ma tự nhiên tiêu diệt. Kẻ tu học đời sau phải
cẩn thận và tự phân biệt cho rành rõ ma sự nầy.
Ở
trên đã được nên lên mấy điều ma sự, nếu muốn hiểu
cho khúc chiết rõ ràng, nên xem kinh Lăng Nghiêm nói về ma nghiệt
trong ngoài. Tất cả những dị kiến, mỗi mỗi đều rõ ràng,
khi hạ thủ dụng công chẳng rơi vào lưới ma, mà chứng thẳng
qủa Phật.