CHƯƠNG
IV
ĐỐN
NGỘ TU CHỨNG
Tăng
hỏi: Thế nào là Tông?
Sư
đáp: Muôn pháp đều qui về Tông. Tông tức là Tâm. Tâm nầy
rỗng suốt mà mầu nhiệm, dung thông rộng lớn, vô trụ vô
vị, không tu không chứng. Kinh nói: “Phật nói lấy tâm làm
Tông, lấy cửa không làm cửa Pháp”. Từ Ấn Độ đến Trung
Hoa, xưa nay chư Phật đã tao tay nhau, chư Tổ truyền thụ nhau
chỉ một tâm nầy lập làm tông thể.
Thế
nầy thanh tịnh vốn tự tròn sáng, theo dòng đời chẳng nhiễm
ô, ngược dòng trở lại cũng chẳng tịnh, ở trong phàm chẳng
giảm bớt, nơi thánh chẳng tăng thêm. Ở trong các loài tuy
khác mà tâm kia chẳng hại. Trí huệ soi nó thì quang minh hiện.
Phiền não che nó thì diệt thể ẩn. Nếu lìa tâm này mà tu
cái gì khác, rốt lại chỉ thành tà ma ngoại đạo.
Tăng
hỏi: Thế nào là giáo?
Sư
đáp: Chư phật thuyết pháp, phương tiện mở ra ba thừa, năm
tánh. Bồ tát tạo luận phát minh ra muôn pháp chỉ một Tâm.
Người học đời sau nhơn giải bày mà được yếu chỉ, đoạn
hoặc về chơn. Kẻ sơ cơ được thỏ quên dò, gia công tu
tập để chứng lý.
HỎI:
Hai môn Tông (thiền), Giáo (kinh điển) lý nó là đồng hay
biệt?
ĐÁP:
Tông tức là giáo không chữ (vô tư giáo). Giáo tức là tông
có chữ (hữu tự tông).
HỎI:
Hai môn Tông, Giáo lý kia vốn một. Vậy do đâu lại nói “giáo
ngoại biệt truyền”?
ĐÁP:
Giáo nhờ ngôn ngữ văn tự mới có thể hiểu lẽ màu. Tông
(thiền) lìa ngôn ngữ văn tự, đốn ngộ nhứt tâm, nên nói
“giáo ngoại biệt truyền” (truyền riêng ngoài giáo điển),
lại gọi là “Tông chỉ hướng thượng”.
HỎI:
Vậy sao nói sự truyền thụ có sâu cạn?
ĐÁP:
Sâu cạn là do người, lý vốn không hai.
HỎI:
Thế nào là lý không hai?
ĐÁP:
Nghe giáo hiểu lý, phải gia công tu chứng, tự hiệp với đạo
vô vi. Tông môn Đốn ngộ ắt phải mượn viên tu mới trở
lại bổn tâm tịch chiếu.
Tăng
hỏi: Kinh nói: “Phương tiện có nhiều cửa, trở lại nguồi
tánh không hai”. Chưa biết cửa nào là cửa liễu thoát thẳng?
Sư
đáp: Có hai nhơn trong ngoài có thể liễu thoát thẳng.
Tăng
nói: Xin thầy chỉ thẳng hai nhơn trong ngoài ấy?
ĐÁP:
Nhơn bên ngoài là phải đoạn tâm dục, sát sanh và trộm cắp.
Nhơn bên trong cốt yếu là phải “Minh tâm kiến tánh”.
HỎI:
Cớ sao nhơn bên ngoài phải đoạn dâm dục, sát sanh và trộm
cắp?
ĐÁP:
Chúng sanh do ý tưởng dâm dục, nên bị cột trói trong sanh
tử. Sát sanh thì phải lần lượt thường mạng đã vay, nên
có luân hồi. Trộm cắp thì phải trả lại cái lợi xưa,
nên phải tái lai. Ba thứ nhơn nầy nếu trừ thì dòng luân
hồi vĩnh viễn cắt đứt, không tiếp tục nữa.
HỎI:
Nhơn bên trong là “Minh tâm kiến tánh” như thế nào?
ĐÁP:
Minh tâm là rõ tâm vốn tịnh. Kiến tánh là thấy tánh vốn
không.
HỎI:
Thế nào là rõ tâm vốn tịnh?
ĐÁP:
Tâm ở đây chẳng phải là trái tim máu thịt trong sắc thân.
Tâm nầy cũng chẳng phải là vọng tâm sanh diệt, vuông chừng
gang tấc ở bên trong. Trái lại, tâm nầy biến khắp pháp
giới, thấu suốt mười phương, vượt ra ngoài đối đãi,
dứt các hí luận chẳng diệt chẳng sanh, chẳng có chẳng
không, mà rỗng suốt màu nhiệm chẳng mê, ứng vật tròn đầy
khéo léo, cuốn lại hay buông ra đều chẳng ngại, ra vào ngang
dọc, tuỳ duyên mà chẳng biến đổi. Đấy là chơn tâm thường
trụ. Cho nên chư Phật quá khứ đều chứng tâm nầy. Hiện
tại chư Bồ tát đồng học tâm nầy. Người học vị lai
đều sáng tâm nầy. Chúng sanh ở trong mê là mê tâm nầy.
Hành nhơn phát ngộ là ngộ tâm nầy. Một đại tang giáo chỉ
làm hiển bày tâm nầy. Tâm nầy quá linh diệu khó đem ra mà
nói cho hết, chỉ lược nêu ra một hai để người sau tin
ngộ.
HỎI:
Thế nào là thấy tánh vốn không?
ĐÁP:
Chơn như tự tánh xưa nay vốn là không tịch, không hình không
tướng, lặng trong như thái hư, chẳng động chẳng lai, ngưng
nhiên thường trụ, gọi là “Bổn lai diện mục”, lại gọi
là “Vô vi chon nhơn”. Tất cả sơn hà đại địa, có cây
rừng bụi, sum la vạn tượng, các pháp nhiễm tịnh đều từ
trong tánh nầy lưu xuất.
HỎI:
Bản tánh và chơn tâm là một hay hai?
ĐÁP:
Chẳng phải một, cũng chẳng phải hai.
HỎI:
Thế nào chẳng phải một, chẳng phải hai?
ĐÁP:
Bản tánh là thể, chơn tâm là dụng. Bản tánh như gương,
chơn tâm như ánh sáng (của gương). Ánh sáng chẳng lìa gương,
gương chẳng lìa ánh sáng. Cổ đức nói: “Tánh thì sáng
mà mầu, ngưng đọng mà lặng trong, giống như thể của gương.
Tâm thì từ mầu khởi sáng viên dung chiếu liễu, như ánh
sáng của gương”. Ánh sáng và gương phân làm hai, nên chẳng
phải một. Ánh sáng và gương vốn một nên chẳng phải hai.
HỎI:
Ngài đã nói tâm tánh của Phật và chúng sanh thể chỉ có
một. Do đâu Phật ở cõi thánh, còn chúng sanh nơi đất phàm?
ĐÁP:
Phật và chúng sanh tánh thể vốn không. Bởi tâm có nhiễm
tịnh nên gọi là thánh hay phàm.
HỎI:
Tại sao tâm có nhiễm tịnh?
ĐÁP:
Bổn tánh như gương tròn sáng không lặng. Các bậc thánh vô
tâm ứng đối với sự vật, tới lui không nhiễm, gọi đó
là ánh sáng tịnh (tịnh quang). Chúng sanh hữu tâm ứng đối
với sự vật, phân biệt thủ xả, gọi đo là ánh sáng nhiễm
(nhiễm quang). Nhiễm tịnh tuy khác nhau, nhưng thể nó không
hai.
HỎI:
Bản thể của tâm tánh có hạn lượng chăng?
ĐÁP:
Có.
HỎI:
Thể nó lớn lắm không?
ĐÁP:
Gồm khắp thập hư, đầy khắp muôn cõi.
HỎI:
Tâm tánh đã rộng lớn không ngần như vậy, do đâu lại ở
trong nhục thân nầy?
ĐÁP:
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị cột trói, tù
hãm trong thai ngục, bị cùm gông nơi nhục thân. Vọng chấp
cứng ngắc, lầm cho cái tâm tánh rộng lớn ở trong thân,
rồi đi nhận giặc làm con, như tù hãm trong ngục lớn, ngày
nào mới được ra? Chẳng những người, trời mê lầm như
vậy mà hàng tiểu thừa cũng còn như thế.
HỎI:
Tâm tánh không ở trong thân tôi này hay suy nghĩ đó là gì?
ĐÁP:
Ông nghi hỏi cái huyễn thức trong thân, hay suy nghĩ cho là
tâm ta. Đấy là bóng dáng duyên theo sáu trần, làm mê hoặc
chơn tánh ông. Ông vô cớ chấp cứng ở bên trong, khó thoát
khỏi thai ngục. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phật bảo A-Nan! Đấy
là tướng tiền trần vọng tưởng hư dối, làm mê hoặc chơn
tánh ông. Từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc làm con, làm
mất cái nguyên thường của ông, nên chịu luân chuyển”.
Nếu hướng vào trong đây mà sáng tỏ được tâm suy nghĩ,
như bóng trong gương, như hoa đốm trong hư không, như dối
hiện vành xe trong không, vốn không có thực chất.
HỎI:
Cái suy nghĩ, ở trong thân là do bóng dáng duyên theo sáu trần.
Vậy thế nào là cái chơn tánh sáng suốt mầu nhiệm của
tôi?
ĐÁP:
Chúng sanh chẳng ngộ tâm tánh rộng lớn, không ở trong ngoài
mà lại nhận bóng dáng của trần cảnh lầm cho là hư không
bao nhục thân, nhục thân bao nhục tâm, nhục tâm bao chơn tánh,
rồi bị nhiều lớp cột trói, và chấp cứng vào tham ái.
Há chẳng biết, hư không đại địa, muôn vật thân tâm đều
là những bóng dáng từ diệu minh chơn tánh của ta hiện ra.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Các duyên hội hợp lại dao động bên
trong, rong ruổi bên ngoài, mờ mịt nhiễu loạn và tưởng
nhiễu loạn. Tất cả cho là tâm tánh. Một khi lầm cho là
tâm rồi thì nhất định cũng lầm cho bên trong sắc thân.
Chẳng biết sự vật bên ngoài sắc thân cho đến núi sông,
hư không, cõi đất… tất cả đều là vật trong diệu minh
chơn tâm cả”.
Sợ
e ông chưa ngộ, tôi xin nêu ra một thí dụ: Bản tánh như
một chiếc gương lớn cùng tận pháp giới. chơn tâm mầu
nhiệm chiếu soi như ánh sáng trong chiếc gương kia. Núi sông
cõi đất, sum la vạn tượng, cho đến nhục thân cùng tâm
thức, tất cả đều là bóng trong chiếc gương. Chúng sanh
nhận bóng cho nên phải chìm đắm trong chín cõi, bốn loài.
Nếu nhận gương thì trở về chơn tâm trong chớp mắt.
HỎI:
Tâm tánh rộng lớn, nuôi khắp muôn loài, chẳng ở trong thân,
tưởng ở ngoài thân và bao trùm nhục thân, lý nầy phải
chăng?
ĐÁP:
Chẳng phải!
HỎI:
Bên trong chẳng thành, bên ngoài chẳng phải, lý nầy rất
ngờ, xin thầy giải cho?
ĐÁP:
Bản tánh là một cái không cùng khắp, không ở trong thân,
không ở ngoài thân. Chơn tâm cô trụ chẳng tức là thân,
cũng chẳng lìa thân. Cho nên ngài A Nan, trong Kinh Lăng Nghiêm,
chấp cái vọng không bằng cứ, bảy nơi mờ mịt. Nhị Tổ
Huệ Khả ngộ lẽ chơn vốn chẳng sanh, nên chỉ một lời
khế hợp với Đạo. Ông nếu ngu độn tôi chỉ bày trở lại
cho ông bằng một thí dụ:
Bản
tánh như bể lớn, nước trong lặng. Chơn tâm như ánh sáng
của nước trong ấy. Do gió khởi động bỗng thành bọt bể.
Bọt bể là sắc thân, nước bể là pháp thân, chất ướt
của bọt bể là thức tánh, chất ướt của nước bể là
bổn tánh. Bọt bể ướt, nước biển ướt, tánh ướt vốn
có một, cho nên chẳng phải trong ngoài. Nước biển ướt,
bọt biển ướt, tánh ướt mỗi cái có một như có trong ngoài.
Kẻ phàm phu mê chấp bọt biển, trở lại đi bỏ bể cả
vô biên. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ví như trăm ngàn bể lớn
trong lặng mà bỏ đi, rồi lại nhận một tí bọt bể cho
là toàn cả nước thủy triều, đều gom trong hòn bọt ấy.
Tất cả các ông là những người mê gấp bội hơn trong những
người mê”. Người học đời sau nếu ngộ được nước
bể và nước của bọt bể, tánh ướt vốn một thì
làm gì có cái chấp nhất định rằng trong hay ngoài? Chẳng
ngộ được bổn tánh thật đáng buồn vậy!
HỎI:
Chất ướt của nước biển dụ cho pháp giới tánh. Chất
ướt của bọt biển dụ cho thức ở trong thân. Tánh ướt
không hai chẳng trong ngoài. Đã chẳng trong ngoài khi báo hết
mạng chung, lìa đây sanh nơi kia hiện có ra vào... đã có ra
vào sao nói chẳng trong ngoài?
ĐÁP:
Như sự khai thị ở trên của tôi, ông không thể liễu ngộ
mà trở lại tìm sự sanh diệt của những bông hoa chập chờn
trong hư không, có thể bảo là kẻ ngu muội thái quá.
Bởi
do ngay lúc đầu chẳng giữ tự tánh, một niệm vọng động
nên bị trói buộc trong thai ngục, đời đời chấp cứng,
nhất quyết là ở trong thân có ra có vào, có đến có đi.
Trong ngoài đến đi như hoa trong hư không. Hoa tuy có sanh diệt
nhưng hư không vốn bất động. Thần thức giống như có ra
vào, nhưng tánh nó vốn chẳng động. Chỉ như hoa giữa hư
không là huyễn, thần thức trong thân là vọng. Nay đem hoa
huyễn trong không, để phát minh vọng thức trong thân, lý kia
không hai, ông nên tư xét. Ông nếu chẳng ngộ xin dẫn kinh
ra để dụ:
Kinh
Lăng Nghiêm nói: “Thí như có người mang chiếc bình Tần
già điểu, đậy kín hai miệng lại, bên trong đầy cả hư
không, mang bình ấy đi xa ngàn dặm rồi dùng bình ấy tặng
cho một nước khác. Nên biết thức ấm cũng lại giống như
vậy. A Nan, hư không nầy chẳng phải từ phương trời kia
lại, cũng không từ phương nầy vào. Như vậy A Nan, nếu từ
phương trời kia lại thì ở trong bình đã có chứa hư không
mang đi, và ở nơi quê hương của chiếc bình, lý ưng đã
thiếu một khoảng hư không. Nếu từ phương nầy vào thì
khi mở nút trút bình ra lý ưng thấy hư không rớt ra. Thế
cho nên biết, thức ấm hư vọng vốn chẳng phải nhân duyên,
cũng chẳng phải tự nhiên”.
Giải
thích: Tần già điểu là tên của chiếc bình. Đậy hai miệng
là dụ cho nghiệp thiện ác. Bình dụ cho nghiệp lựchay dẫn
thức đi. Hư không trong bình là dụ cho thức theo nghiệp. Hư
không ở bình và hư không ở ngoài, giống như có trong ngoài.
Hư không không có hai thể, trong ngoài chỉ có một, nên chẳng
phải trong ngoài. Hư không trong bình dụ cho thức vốn không,
do nghiệp thiện ác mà dẫn thần thức đi, dụ như vác bình
đi xa ngàn dặm. Dùng tặng nước khác dụ cho xả ở đây
và thọ ở kia. Kinh nói: “A Nan! Hư không ấy chẳng phải
từ phương trời kia lại, mà cũng chẳng từ phương nầy vào”.
Đấy là dụ cho sự xả thân, như từ phương trời kia lại,
nhưng mà thần thức của thân trước chưa từng thiếu. Sự
thọ thân như từ phương nầy vào, nhưng mà thần thức của
thân sau chưa từng đến. Thế nên biết, thân chết chẳng
phải đi, trước khi chưa chết cũng chẳng riêng ở nơi đây.
Thân sống chẳng phải đến, trước khi chưa sanh vốn cũng
khắp cả nơi đây. Kẻ mê chẳng rõ cho là ở bên trong và
có ra vào. Người ngộ hiểu rõ ràng thể vốn không đây kia,
há lại có đến đi ư?
HỎI:
Người ngộ rõ biết được thể vốn không đi không lại.
Hiện nay có người chết đây sanh kia, tức là có tướng đi
tướng lại?
ĐÁP:
Các duyên hội hợp thì sanh, các duyên chia lìa thì diệt. Tuy
có hiện ra tướng đến đi, nhưng mà cái “Viên minh bản
nhiên” chẳng động. Kẻ phàm phu do bệnh mắt, lần nhận
hoa đốm giữa hư không, có sanh có diệt theo duyên mà lưu
chuyển. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nầy thiện nam tử! Tất cả
chúng sanh từ vô thỉ đến nay, điên đảo nhiều lớp. Giống
như người lầm bốn hướng đổi chỗ. Lầm nhận tứ đại
làm tướng của tự thân. Sáu trần duyên bóng làm tướng
của tự tâm. Ví như người bệnh mắt, thấy hoa đốm trong
hư không. Cho đến những hoa ấy diệt trong hư không, cũng
không thể nói rằng quyết có chỗ diệt. Tại sao thể? –
Vì là không sanh vậy. Tất cả chúng sanh ở trong không sanh
mà lầm thấy có sanh diệt. Ấy cho nên gọi là lưu chuyển
sanh tử”. Người học đời sau chẳng đốn ngộ được sự
sanh diệt của huyễn thức, và tâm thể viên giác thường
trụ chẳng động. Tổ Sư nói: “Hài cốt tuy có hợp có tan,
nhưng có một vật màu nhiệm còn mãi” (hài cốt tuy hội
tán, nhứt vật trấu trường linh). Nếu liễu đạt được
tâm nầy thì có gì là sanh tử?
HỎI:
Ngài khai thị quá rõ ràng không thể chẳng hiểu. Nhưng chẳng
biết do đâu ngay lúc ban đầu lại có thân tâm của ta?
ĐÁP:
Nguồn chơn trạm tịnh, biển giác lặng trong. Vốn không có
đầu mối của năng sở, thì làm sao có dấu tích của danh
tướng? Bởi ngay lúc ban đều chẳng giác ngộ, bỗng có động
tâm, nhơn minh lập ra chiếu, theo chiếu lập ra trần. Do đó
nên khiến phần bỗng chốc hưng khởi, rồi danh tướng bày
khắp. giống như gương hiện tướng, thoắt khởi ra căn thân.
Kế đó tuỳ theo tưởng mà thế giới thành sai khác. Về sau
do yêu ghét mà chìm đắm trong ba cõi, dối thọ luân hồi không
lúc ngơi nghỉ.
HỎI:
Nếu thật như lời ngài nói ngay lúc ban đầu chẳng giác ngộ,
chợt có động tâm, thoắt khởi ra căn thân. Cái huyễn thân
này quả báo hết, bốn đại phân tán, cái huyễn thức trong
thân đầu thai như thế nào?
ĐÁP:
Kẻ phàm phu suốt ngày cứ chạy đuổi theo tình thức mà kết
nghiệp hoặc thiện hoặc ác, rồi theo nhơn đã tạo mà cảm
quả. Đến lúc lâm chung, cõi đất tối đen, lúc ấy thần
thức gặp được chỗ có duyên, thấy một đốm sáng, chạy
đến thấy cha mẹ hai tướng giao cấu, bèn khởi ra ý tưởng
yêu ghét, dồn tưởng ấy rồi nhẩy vào hai giọt nước đỏ
trắng, giống như đá nam châm hút sắt. Trong chớp mắt những
khuấy động kia dừng lại, bây giờ ở trong thai lần lượt
trải qua năm giai đoạn:
Bảy
ngày đầu gọi là tạp uế. Bấy giờ tinh cha và huyết mẹ
lắng lại như váng sữa mỏng, cùng hoà hợp với nhau gọi
là Tạp, chẳng sạch gọi là uế. Bảy ngày thứ hai gọi là
thương bào, giống như huyễn đậu. Hình dáng của thương
bào như sữa gần đặc, nhưng mà chưa sanh ra máu. Bảy ngày
thứ ba gọi là ngưng kết, lần đầu có dáng ngưng đọng
lại, như có máu. Bảy ngày thứ tư gọi là ngưng hậu, lần
lượt cứng chắc, năm tạng lần lần sanh. Bảy ngày thứ
năm gọi là hình vị, lúc bấy giờ gió bên trong thổi nên
sanh ra hình dáng của các căn: một thân mình và tứ chi sai
khác, bảy ngày thứ năm ngũ căn đều đủ. Bảy ngày thứ
sáu gọi là “phát trảo xỉ” (tóc răng đều mọc). Bảy
ngày thứ bảy gọi là các cụ căn (các căn hoàn toàn đầy
đủ), tất cả tạng phủ và ngũ căn đều xong xuôi. Đủ
mười tháng ra khỏi thai làm người, ở trong sự ràng buộc
của thức tình, phân thành sáu công dụng, thấy nghe hiểu
biết tùy theo cảnh mà tạo nghiệp, sanh tử tiếp nối xoay
vần không dừng.