|
. |
NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO
TƯ TƯỞNG LUẬN
Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất
bản 1969
Chùa Khánh Anh, France tái
xuất bản
Tác giả:
KIMURA TAIKEN
Hán dịch:
ÂU DƯƠNG HÃN TỒN
Việt dịch:
THÍCH QUẢNG ĐỘ
--o0o--
THIÊN THỨ HAI
THẾ-GIỚI-QUAN HIỆN-THỰC
(Luận về khổ, Tập Ðế)
CHƯƠNG VI
LUẬN VỀ
BẢN CHẤT TỒN TẠI
Như trên đã
trình bày, trong thiên này mới chỉ lấy sinh mệnh làm trung tâm
để chuyển khảo sát những hiện tượng hoạt động của sự tồn tại.
Bây giờ, sau hết, lại phải nói qua về vấn đề bản chất của sự
tồn tại theo cách nhận định của Phật ra sao. Nói một cách chặt
chẽ thì trong thời kỳ Phật Giáo Nguyên Thủy chưa có cái bộ
phận được gọi là thế-giới-quan hình-nhi-thượng học, tất cả sự
khảo sát đều xoay quanh những hiện tượng lấy sinh mệnh làm
trung tâm, điều đó tưởng không cần nói ai cũng hiểu. Nói đúng
ra thì vấn đề bản chất cũng đã nằm trong tất cả những điểm đã
được trình bày ở trên rồi. Tuy nhiên, để thích ứng với các lập
trường quan sát khác nhau, ở đây, nó cần phải được đặt riêng
thành một mục để khảo sát.
Song, nói
một cách khái quát, thái độ của đức Phật đối với vấn đề này
như thế nào? Xét ra vấn đề này cũng như những giáo lý khác, có
chỗ sâu, nông khác nhau, có vấn đề chuyên đứng trên lập trường
thường trực để giải thích, cũng có vấn đề được khảo sát theo
kiến địa triết học cao xa, trong đó không thể nói một cách
nhất luận được. Hơn nữa, phần nhiều các vấn đề ấy không được
quan sát như vấn đề thế giới tự thân, mà lại được dùng làm bối
cảnh của việc tu dưỡng để trình bày, do đó, nếu đổi chúng
thành những vấn đề thuần túy lý luận mà khảo sát theo thứ lớp,
thì ta có thể chia thành nhiều lập trường. Ở đây, ta hãy thử
chia ra bốn lập trường để thảo luận. Duy vấn đề này, về sau,
đối với nguồn gốc phát khởi của triết học Ðại Thừa và Tiểu
Thừa, nó đã trở nên một vấn đề rất to tát, bởi thế, ở đây, ta
hãy đặc biệt khảo sát nó theo kiến địa ấy.
1- KHUYNH
HƯỚNG THƯỜNG THỨC.
Vấn đề bản
chất, cứ theo tư tưởng được thấy phổ thông nhất trong các kinh
văn, có thể cho đó là khuynh hướng thực-tại-luận; nghĩa là,
lập trường cho rằng tâm, vật đều là những vật phú bẩm,
đều vô thủy vô chung. Như các thuyết Lục giới (đất,
nước, lửa, gió không thức) và Ngũ uẩn “sắc, thụ, tưởng,
hành, thức), Phật chỉ nhận chúng là những yếu tố, đều là sự
tồn tại độc lập, không do đâu dẫn khởi; đến khi chúng trở
thành tồn tại cụ thể thì tuy cần phải nhờ các duyên hòa hợp,
song mỗi yếu tố đều là vật phú bẩm, không thể suy tầm đến khởi
nguyên của nó được. Lại nữa, về vật-chất-quan thì Phật cho
đất, nước, lửa, gió, (tứ đại) là bản chất, nghĩa là, hết
thảy hiện tượng vật chất đều phát xuất từ đó, để chia thành
nội (ajjhattika), ngoại (bahira), tức là những yếu tố nhục thể
(nội) và những yếu tố ngoại giới (ngoại), rồi chia thành cảm
quan và đối tượng của nó, tức là năm căn mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân, và năm cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Tất cả tuy đều được cho là những hiện tượng vật chất do tứ đại
tạo nên (1), nhưng, nếu đã là vật tứ đại phú bẩm thì không
luận đến khổ nguyên của nó. Lại nữa, khi đứng về phương diện
tinh thần mà khảo sát cũng thế, những yếu tố tuy phải dựa vào
nhiều điều kiện để trình hiện thành những hiện tượng cụ thể,
nhưng những yếu tố tự thân thì bất luận là thức, hành,
tưởng, thụ, cho đến tác ý, xúc, tư v.v… mỗi mỗi đều
là tác dụng tâm có đủ độc-lập-tính. Vả lại, đối với những yếu
tố tinh thần, đức Phật thường khảo sát thêm về mặt tam thế
nữa, nghĩa là thường bao quát hết thảy quá khứ, hiện tại và vị
lai để thuyết minh.
“Hết thảy
sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong,
hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc thẳng, hoặc liệt, hoặc xa,
hoặc gần - tổng quát tất cả gọi là sắc uẩn”.
(1) Như
Tượng-Tích Dụ trong Trung-Hàm, 7; Ma-Ha-Ðà, 28
Mahàhatthhipadopama,
Trên đây là
một thí dụ về sự thuyết minh định nghĩa của Phật đối với sắc
uẩn, và với thụ, tưởng, hành, thức cũng cùng một định nghĩa
như thế. Xem thế thì thấy Phật đã cho những yếu tố không gian
tồn tại một cách hỗn hợp, đồng thời lại nhận các yếu tố thời
gian tồn tại một cách liên tục.
Do đó, nếu
nhận xét theo những hình thức thuyết minh rất phổ thông này,
thì có thể nói lập trường của Phật thuần là thật-tại-luận, bởi
vì từ vật, tâm nhị nguyên luận mà tiến đến thế giới quan đa
nguyên vậy. Về sau, trong các bộ phái, Thuyết-nhất-thiết-hữu
bộ lấy “tam thế thực hữu, pháp thể hằng tồn” làm chủ trương
cương yếu, phân tích tâm, vật làm nhiều thứ để rồi đi đến quan
hệ nhiếp cả tâm, vật (tâm bất tương ứng), tức phô diễn tam thế
thực hữu, thật ra cũng không ngoài việc suy diễn cái khuynh
hướng thực tại luận của Phật.
2- KHUYNH
HƯỚNG QUAN NIỆM LUẬN.
Đứng trên
lập trường khoa học mà nhận xét thì vậy, tâm đều là vật phú
bẩm. Tuy nhiên, nếu lại tiến lên một bước nữa mà nghiên cứu
xem yếu tố nào đóng vai trò chủ yếu trong việc thành lập thế
giới thì, nói theo tinh thần của Phật, dĩ nhiên là yếu tố tâm,
vì tất cả giá trị thế giới hoàn toàn do tâm người ta tạo tác;
đó là lập trường triết học của Phật. Về vấn đề này, Phật đã
thuyết minh bằng nhiều phương diện và trước hết, bây giờ ta
hãy khảo sát theo phương diện nhận thức luận.
Theo Phật,
hết thảy thế giới tuy được thành lập trên quan hệ nhận thức
lục căn, lục cảnh, nhưng trong đó phương diện trực tiếp nhất
không phải là khách quan mà là phương diện chủ quan, nghĩa là,
phải dựa vào yếu tố chủ quan mà yếu tố khách quan mới được
thành là khách quan: đó là quan điểm của Phật.
“Có tay
nên mới biết lấy, bỏ, có chân nên mới biết đi, lại, có khớp
xương nên mới biết co, ruỗi, có bụng nên mới biết đói, khát.
Như thế,
tỳ-khưu, vì có mắt mờ ở mắt tiếp xúc mà có cảm giác bên trong,
tức khổ, vui, hay không khổ không vui, cho đến tai, mũi, thân,
ý cũng lại như thế” (1)
Ý trên đây
chỉ cho thấy thế giới kinh nghiệm của người ta, tất cả đều nhờ
có cơ quan cảm giác mà phát sinh. Như vậy, nếu không có cơ
quan cảm giác thì không có thế giới kinh nghiệm. Từ lập trường
nhận thức luận này, còn một điểm là sáng tỏ ý nghĩa thành lập
khách quan nhất là cách thuyết pháp về tứ đại và
danh sắc (khách quan) tiêu diệt ở vị danh nào.
(1)
Tạp-Hàm, 43, Các bản, trang 719; S, IV. Phật Giáo Nguyên
Thủy; 171.
“Hỏi:
Ở chỗ nào đất, nước, lửa, gió không đứng? Ở chỗ nào dài,
ngắn, nhỏ, thô, sạch, nhơ không đứng? Ở chỗ nào danh sắc diệt
hết không còn? Ðáp: ở thức không thể thấy, hết thảy ánh
sáng vô hạn (sabbatopabham) mà đất, nước, lửa, gió
không đứng, dài, ngắn, nhỏ, thô, sạch, nhơ không đứng, hễ thức
diệt thì tất cả đèu diệt”. (1)
ý nghĩa
trong đoạn văn trên đây đại khái cho rằng nhờ có ánh sáng nhận
thức mới thấy những vật chất đất, nước, lửa, gió hoặc những
hiện tượng thô, nhỏ, đẹp, xấu v.v… Nói một cách đơn giản, phàm
vật gì được thành lập là danh sắc khách quan thì khi nào thức
diệt, tất cả đều cũng diệt. Ý nghĩa này đã được gói ghém một
cách rất gọn gàng bằng câu sau đây trong kinh Tập
(Suttanipata):
“Hết thảy
đều dựa vào thức mà đứng”
(vinnatthitiyosbbha) (2)
(1) D,
Kevadha vol, I, p. 223; Trương-Hàm 6, Kiên Cố Kinh, p, 841
(tham chiếu Suttanipata, 1036 – 1137).
(2)
Suttanipata, 1114.
Như vậy, ta
thấy rằng thế-giới-quan của Phật tuy là
thực-tại-luận-nhị-nguyên-luận, nhưng một khi muốn đề cập đến
những vấn đề nhận thức mà không chủ trương quan niệm luận thì
không thể được, do đó mà lập trường của Hữu bộ đã không đúng
với chân ý của Phật (1).
Song, ở đây
có điểm cần chú ý là: không thể cho thế giới quan nhận thức
luận này chỉ là đại biểu cho khuynh hướng quan niệm luận của
Phật được, vì, theo Phật, bối cảnh của nhận thức có đầy đủ ý
chí mà nguyên nhân của nó thì như đã được trình bày trong
hữu-tình-luận ở chương trên, cho nên, nếu biến nó thành thế
giới quan thì tức nó là thế giới quan chủ ý luận.
“Tâm nắm
giữ thế giới
Tâm dẫn
dắt thế giới
Tâm ấy là
một pháp
Hay chế
ngự thế gian”
(cittena
loko niyati
cittena
parikissati
cittassa
ekadhammassa
sabheva
Vasam) (2)
(1) Tạp-Hàm
36, p, 682; (tham chiếu Trung-Hàm 45, Tâm Kinh).
(2) S, I,
p, 39; cf, A. 11, p. 177.
Trên đây là
tâm đối với những cái mà thức (vinnana) nhận thức, hoặc
có thể bảo là vật liên quan đến phương diện tình ý; tức là hết
thảy thế gian đều được tạo tác và chi phối bởi một pháp duy
nhất là dục vọng hay ý chí. Nếu lại nói một cách
rõ hơn, thì:
“Thế gian
bị dục dẫn đạo, bị dục trói buộc, chỉ do dục mà hết thảy bị
chế ngự”(1)
Ở đây, cái
tâm (citta) trong bài kệ trên kia đã được đổi thành dục
(tanhà) để nói lên thế-giới-quan-chủ-ý-luận vậy. Và, ta nên
nhớ rằng trong các kinh điển, phương diện này đã được dùng để
thuyết minh sự thành lập thế giới nhiều hơn là phương diện
nhận thức luận. Vì vậy, căn cứ vào đó mà suy cứu thế giới quan
của Phật, ta sẽ nhận thấy nếu là yếu tố thì bất luận tâm hay
vật đều là vật phú bẩm, nhưng khi biểu hiện thành thế giới của
người ta thì có thể nói hoàn toàn lấy ý chí làm nguyên lý thứ
nhất, nhận thức làm nguyên lý thứ hai và đều do tâm con người
khiến ra như thế. Nếu lại suy cứu xa hơn nữa thì cái điều kiện
thành lập vạn hữu là pháp tắc nhân duyên rốt ráo cũng không
ngoài ý chí của người ta và pháp tắc nhận thức: do đó mà thế
giới quan “vạn pháp duy tâm” được thành lập. Nếu nói một cách
chặt chẽ thì mục đích của những đoạn văn trích dẫn ở trên, dĩ
nhiên, không phải đứng trên lập trường lý luận mà là chủ
trương quan niệm luận; nhưng khốn nỗi Phật đã chưa từng nói rõ
như thế, cho nên, nếu chỉ căn cứ vào những đoạn ghi chép rải
rác ấy mà thẳng thắn cho thế giới quan biểu hiện của Phật là
quan niệm thì quyết không nên. Duy có điều là: nếu biến đổi
những tư tưởng bối cảnh tiềm tàng trong các câu văn này thành
lý luận, thì trong tư tưởng Phật giáo, dĩ nhiên cái khuynh
hướng thế-giới-quan-duy-tâm-luận, có thể nói, đã trở thành rõ
rệt; và nếu bảo rằng cách thuyết pháp này của Phật, so với các
khảo sát thực tại luận, thâm thúy hơn thì điều đó hoàn toàn
tin được. Triết học quan niệm luận của Ðại-Thừa-Giáo sau này,
có thể nói, chính đã bắt nguồn từ đó, mà điểm đặc biệt rõ ràng
hơn cả là Phật giáo Bát-Nhã-Hệ theo lập trường nhận thức luận
và Phật giáo Duy-Thức-Hệ lấy chủ ý luận làm chủ vậy.
(1)
S.I, p. 39; cf A.11, p. 177.
3- KHUYNH
HƯỚNG VÔ VŨ TRỤ LUẬN
Như vậy, thế
giới quan của Phật, trên bề mặt, tuy là thực tại luận, nhưng
chiều sâu, có thể nói, là quan niệm luận. Duy có điều là, theo
Phật, cả hai khi thành lập các pháp đều phải hội đủ tất cả mọi
quan hệ. Song, nếu lại tìm đến sự tồn tại vô điều kiện vượt
lên trên mọi quan hệ thì ý kiến của Phật ở chỗ nào? Vấn đề
này, cứ lấy lý mà suy thì ta không thể cho đó là “không”
(sunnata), tại sao? Vì trong giáo nghi của Phật Giáo Nguyên
Thủy, nếu xa rời nhân duyên thì không thể nào tìm cầu được
pháp, tức là, nói cách dễ hiểu hơn, vấn đề này vượt ra ngoài
vòng nhận thức.
“Thế nào
là kinh đệ-nhất-nghĩa không? – Các Tỷ-Khưu, mắt khi sinh không
có nơi đến, khi diệt không có chỗ đi, như vậy, mắt không thật
sinh, sinh rồi diệt hết; có nghiệp báo, không tác-giả, ấm này
diệt ấm khác tương tục, trừ pháp tục đế, tai, mũi, lưỡi, thân,
ý cũng lại như thế. Pháp tục đế có nghĩa bảo rằng: cái này có
nên cái kia có cái này sinh nên cái kia sinh, như vô minh
duyên hành, hành duyện thức”. (1)
Ý đoạn văn
trên cho rằng pháp tắc nhân duyên tự nó tuy tồn tại, nhưng hết
thảy những cái đã do nhân duyên sinh chẳng qua cũng chỉ đều là
không mà thôi.
“Hỏi: Bảo
rằg thế gian là không, vậy ý nghĩa thế gian như thế nào? Thế
Tôn cho thế giới là không ư?
(1) Tạp-Hàm
13, các bản, p. 555. Ðoạn văn trên đây là văn Ba-li, nhưng
trong Luận-Câu-Xá, quyển 9, cũng dẫn dụng một cách tương tự.
Dĩ nhiên đây là đoạn kinh văn thuộc chính hệ cổ đại truyền
lại.
Ðáp: Vì
ngã, ngã sở là không nên bảo thế gian là không, Ngã, ngã sở
không là thế nào? Là: mắt đối với ngã, ngã sở là không, nhãn
thức đối với ngã, ngã sở là không, nhãn xúc đối với ngã, ngã
sở là không; đến tất cả sự cảm thụ khổ, lạc, xả vì nhờ vào
nhãn xúc ấy làm duyên mà sinh khởi nên thụ đối với ngã, ngã sở
cũng là không. Bởi thế, A-Nan, vì đối với ngã, ngã sở là không
nên gọi thế gian là không” (1)
Trên đây là
dựa vào lý do ở đoạn văn trích dẫn trước để đi đến ngã, ngã sở
mà thuyết minh nghĩa “không” một cách rõ ràng hơn.
“Như thế,
Thích-Ðề-Hoàn-Nhân, tất cả cái có đều quy về không, không ngã,
không nhân, không thọ, không mệnh, không sĩ, không phu, không
hình, không tướng, không nam, không nữ, cũng như gió,
Thích-Ðề-Hoàn-Nhân phá hoại cây lớn” (2)
Tức là xa
lìa nhân duyên thì hết thảy mọi hiện tượng đều là không, không
thể tìm cầu được cái danh tướng của bất cứ vật gì. Nghĩa là
trong không, ngoài không, trong, ngoài đều không đi đến rốt
ráo là không (3). Thuyết này không là tư tưởng sâu xa nhất
trong các thời nói pháp của Phật, cho nên, trong các kinh có
câu thường được láy lại, như “Cái mà Phật nói có đầy đủ ý
nghĩa thâm diệu tinh vi, siêu việt hẳn các kinh nghĩa không
của thế gian”.
(1) S. IV, p.
54; Tạp 9, Các bản, p. 528,
(2) Tăng
-Nhất 6, p, 303; (tham chiếu Căn Bản Phật giáo, p. 208).
(3) M.
121-122 Culasunnata, Mahàsunnata Trung-Hàm, 50 hai kinh Tiểu
không, Ðại không xiển minh pháp tu nội không, ngoại không,
nội ngaọi không v.v…
Cứ theo đó
mà suy thì thế giới quan đệ-nhất-nghĩa của Phật sẽ trở thành
vô-vũ-trụ-luận. Nói một cách thự tế thì mục đích của chủ
trương thuyết không của Phật dĩ nhiên là chỉ để tiện cho việc
tu dưỡng(1), nhưng nếu chuyển đổi nó thành thế giới
quan thì hiển nhiên nó là chủ nghĩa “nhất thiết không”. Về
sau, trong các phái Ðại Thừa, có phái chủ trương hết thảy chỉ
là giả danh, không có thực thể cũng chính là kết quả đã được
suy diễn từ tư tưởng trên. Ðến như phạm vi bao quát và thành
tích hiển trứ nhất của nó thì phải kể đến phái Trung-quán lấy
Bát-Nhã làm trung tâm. Câu danh ngôn “Những pháp do nhân duyên
sinh, ta bảo đó là không” (Nhân duyên sở sinh pháp, ngã tức
thuyết vi không) (2) chẳng qua cũng chỉ được coi
như đã tóm thâu cái tư tưởng trên đây trong Phật giáo nguyên
thủy mà thôi.
(1)
Hai
kinh trên toàn đứng trên lập trường tu dưỡng để xiển minh
nghĩa không, đặc biệt lấy đó làm công án để tư duy thiền định
gọi là không tam muội (sunnata sàmadhi) và là sở trường của Tu
Bồ Ðề. Lại gồm với vô tướng, vô nguyên gọi là ba loại tam
muội, rồi hợp với vô thường, khổ, phi ngã gọi là tứ niệm trụ
v.v… như thế đủ thấy ý nghĩa không của sự tu dưỡng cực kỳ rộng
rãi.
(2)
Trung Quán
Luận quyển 1: ”Các pháp do nhân duyên sinh, ta bảo độ tức
không không, cũng gọi là giả danh, cũng gọi là nghĩa Trung
Ðạo”.
4- KHUYNH
HƯỚNG HÌNH NHI THƯỢNG HỌC THỰC TẠI LUẬN.
Như vậy, thế
giới quan của Phật tựa hồ như không luận, nhưng thật có
phải chỉ ngừng ở không không? Ðứng trên lập trường lý
luận mà khảo sát thì Phật tuy bảo các pháp do nhân duyên sinh,
xa lìa nhân duyên thì là không như đã được đoán định
trong kinh Ðệ-Nhất-Nghĩa-Không trích dẫn ở trên, nhưng
cái pháp tắc nhân duyên tự thân thì không bảo là
không mà, thay vì; lại nói là pháp tính thường trụ
(Dhammatthitata), pháp tính tự nhiên như thế
(Dham-maniyamata), và tả nó đến cùng cực là vật bất biến bất
động như đã trình bày ở mục Pháp Quan trong thiên thứ
nhất. Cái gọi là pháp tính, đương nhiên, là trỏ cho cái
pháp tắc nhất định bất động trong những cái biến động mà, nếu
quan sát nó như nguyên lý hình-nhi-thượng-học thì nó quán
triệt hết thảy mọi hiện tượng, là căn để của hết thảy hiện
tượng và, như vậy, nó cũng có thể được coi là sự tồn tại lý
tưởng quan niệm bất động, tức là, nếu ngoài những hiện tượng
vật chất là không ra còn nhận có không gian
tuyệt đối thì, cũng thế, ngoài hết thảy hiện tượng hoạt động
là không ra không thể không thừa nhận có cái gọi là
pháp tính thường hằng vậy. Tuy Phật đã không nói rõ hẳn
như thế, nhưng cứ theo ý nghĩa chứa đựng trong nội dung
Pháp Quan mà nhận xét thì người ta thấy rất rõ điều đó.
Cho nên, cái mà Phật bảo là không, rốt cục, chẳng qua cũng trỏ
pháp tính ấy mà thôi. Ở nguyên vị của nó, nó là cái đương thể
bất hoạt động, nhưng dù có chuyển dịch nó sang tư tưởng tích
cực hoạt động mà khảo sát cũng không phải là điều sai lầm.
Nghĩa là, Pháp tính, khi động, tuy là hiện tượng quan hệ tương
đối ở trong phạm vi nhận thức của người ta, nhưng khi ở nguyên
vị tuyệt đối bất động của nó thì hết thảy hiện tượng tiêu
diệt, siêu việt tất cả nhận thức của con người, do đó mới nói
hết thảy là không. Nhưng hết thảy ở đây không có nghĩa
là hư vô: đó là cho trương lý thuyết về pháp tính. Sau này,
lấy Bát-Nhã làm chỗ chí cực của không không, rồi lại
cho nó là chân như pháp tính để chuyển thành nguyên lý
khế cơ tích cực cũng hoàn toàn do ở điểm trên. (1) Bởi thế,
đứng riêng về phương diện thế giới quan của Phật Giáo Nguyên
Thủy mà nói, ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, thế
giới quan này cũng đã đi đến khuynh hướng đó.
(1) Cùng
tác giả: Chân Như Quan của Bát-Nhã (Ðại Chính, năm thứ 8, Tu
Dưỡng Tạp Chí).
Bây giờ lại
đứng về mặt thực tế mà nhận xét thì ta thấy chủ trương
không của Phật cũng chỉ là cái công án cho việc tu luyện
tâm thân, mục đích của ý nghĩa không ở phương diện này
là khiến cho người ta xả ly tất cả mọi tướng cá biệt và tướng
biến hóa để chỉ trụ vào cái tâm niệm bình đẳng vô sai biệt.
(1) Nếu đứng về phương diện khái niêm mà nói thì cái cảnh giới
ấy có vẻ như một cảnh hư vô, nhưng đứng về phương diện người
thể nghiệm mà nói thì chính là sự thoát ly tất cả mọi ràng
buộc cá biệt để trở thành cái đương thể sung thực cực kỳ tự
do: điều này cứ xem những trường hợp thực tế của người tu hành
không quán đã đạt được tối đại dụng lực thì đủ rõ. Do
đó, nếu căn cứ vào sinh hoạt tinh thần của cảnh giới ấy mà cấu
thành thế giới quan, thì về mặt khái niệm, tuy có thể chỉ bảo
đó là rốt ráo không, nhưng, về mặt ý nghĩa của nó thì
quyết không phải nghĩa hư vô mà là cái thực tại
hình-nhi-thượng không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được; hay
cũng có thể bảo đó là cái thực tại hình-nhi-thượng-lực đặc
hữu; thiết tưởng sự giải thích tất nhiên phải như thế. Lại
nữa, nếu theo thế giới quan của Phật và các đệ tử của Ngài là
lấy cảnh giới tinh thần làm nền tảng để xây dựng, thì sự suy
định trên đây lại càng được coi là có căn cứ.
Sau khi đã
khảo sát về cả hai phương diện lý luận và thực tế như thế, ta
thấy thế giới quan không của Phật không phải chỉ ngừng
lại ở không mà là đả phá hết tất cả để tiến đến yếu tố
hình nhi thượng thực tại luận: đó là một sự thật không thể
chối cải. Về sau, các nguyên lý hình nhi thượng trong thế giới
quan của Ðại Thừa Giáo đều đã bắt nguồn và triển khai từ tư
tưởng này. Về vấn đề này, xin xem lại mục Pháp Quan đã
trình bày trong thiên thứ nhất và Niết-Bàn-Quan sẽ được
nói đến trong thiên thứ ba ở dưới thì càng dễ hiểu hơn.
(1)
Trung-Hàm 50, Không Kinh M. 121-122 Snnata.
---o0o---
Mục Lục
Thiên thứ nhất
|
I
|
II |
III
Thiên thứ hai |
I |
II |
III
|
IV |
V
| VI |
VII
Thiên thứ ba |
I |
II
|
III
|
IV|
V |
VI
---o0o---
Trình bày:
Linh Thoại
Cập nhật:
01-10 -2003
|
|