Mẹ tôi được tôn kính trên khắp đất nước Tây Tạng bởi các năng lực siêu phàm như một đạo sư, nhưng bà nổi tiếng hơn vì là một delog (phiên âm theo Anh ngữ là DAY-loak), người đã vượt qua ngưỡng cửa của sự chết và trở về kể lại chuyện đó. Điều bà thuật lại không phải là một kinh nghiệm cận tử hão huyền hay nhất thời. Suốt năm ngày, bà nằm lạnh ngắt, ngưng thở và không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống, trong khi tâm thức bà di chuyển tự do tới các cõi giới khác, luôn luôn được vị thiên nữ trí huệ Tara Trắng hộ tống. Bà thực hiện cuộc du hành của mình như một delog phù hợp với các giáo huấn đã nhận từ Đức Tara trong các linh kiến, nhưng đi nghịch lại ước muốn của các đạo sư của bà, các ngài nài xin bà đừng làm một việc mạo hiểm như thế.
Đặc biệt là bà, một thiếu nữ mười sáu tuổi, có nhiều xác quyết trong sự thiền định khiến bà trổi vượt hơn các vị đạo sư hết sức uyên thâm và lớn tuổi hơn bà. Tuy thế, bản thân bà được công nhận là một hóa thân của Đức Tara Trắng, một năng lực mạnh mẽ của tâm giác ngộ vì sự trường thọ và giải thoát của chúng sinh. Suốt thời thơ ấu, Dawa Drolma đã biểu lộ một lòng bi mẫn sâu xa. Không có người hành khất nào tới lều của chúng tôi mà phải ra đi không có quà tặng trên tay – gia đình tôi phải cất dấu những món quý giá kẻo bà đem cho mất.
Căn lều bằng nỉ đen của gia đình chúng tôi có thể chứa bốn trăm người trong suốt những buổi lễ lớn. Dawa Drolma được tôn kính khi được mời ngồi trên một cái ngai cùng với các lạt ma cao cấp khác, gồm cả bốn người chú của bà là những vị nổi tiếng khắp miền đông Tây Tạng. Bản thân bà là người cầu toàn trong việc cử hành nghi lễ. Vài năm trước tôi đã gặp một nhà sư, ông nhớ lại sự giận dữ của bà khi ông thổi quá tệ chiếc kangling (kèn lễ) của mình. Sự hiện diện của bà đem lại sự cẩn trọng trong từng bước nỗ lực thực hành lẫn sự nhận ra rằng bản tánh nền tảng của những bước này là giác tánh không cần dụng công.
Những giấc mơ và linh kiến của bà là những khám phá của sự chứng ngộ và chúng giúp cho kinh nghiệp delog của bà được rõ ràng đáng tin cậy trong các giáo huấn. Những e ngại của các đạo sư khẩn nài bà đừng thực hiện một cuộc du hành như thế, nhưng đúng ra là ăn chay, dùng thuốc và cử hành các buổi lễ không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên – sau khi bà mất và đi tới cõi thuần tịnh của Đức Padmasambhava, bà gặp người chú quá cố của bà là đạo sư tôn kính Khakyod Wangpo, Ngài cảnh báo là bà sẽ gặp nguy hiểm khi ở lại và bảo bà nên trở về cõi người để làm lợi ích chúng sinh.
Sau này, khi bà du hành qua bardo, hay trạng thái trung gian giữa các chết và sự tái sinh, và tới các cõi địa ngụ và ngạ quỷ, một hóa thân của nữ bổn tôn Vajravarahi tỏ vẻ nghi ngờ việc Dawa Drolma có thể đem lại nhiều lợi lạc. “Con gái của ta, có thể con cần trở về cõi người. Nhưng… khi đã tái sinh làm một phụ nữ, con sẽ có chút uy quyền… Sẽ khó làm cho chúng sinh trong thời đại suy hoại này tin rằng những tường thuật của con là chân thực”.
Đức Tara Trắng không đồng ý với tuyên bố này, Ngài nói: “Cô ta là một nữ anh hùng với tâm hồn dũng cảm” và nói thêm rằng bà đừng nên nghe lời những ai cố gắng gây trở ngại cho bà. “Nếu cô ta trở về thế giới con người, cô ấy có thể nói rõ những chọn lựa đạo đức trong việc chấp nhận những thiện hạnh và từ bỏ các ác hạnh. Cô ấy có thể xoay chuyển tâm thức của chúng sinh hữu tình”.
Quả thực, kinh nghiệp trực tiếp về những cõi khác đã khiến cho mẹ tôi có một quyền lực âm linh vĩ đại khi bà giảng về hành vi đúng đắn và nhân quả nghiệp báo. Không ai nghi ngờ điều bà nói, không chỉ vì những đại đạo sư như Tromge Trungpa đã chứng kiến tử thi của bà trở lại cuộc đời, mà cũng bởi bà đã biết chỗ cất dấu những đồng tiền và những hành động của người đã khuất trước khi họ chết – là những sự việc mà bà không thể biết nếu không được trực tiếp cho biết bởi những người bà gặp khi là một delog. Sau này trong đời bà, một trong những người cộng tác nhiệt thành nhất của những công trình của bà là một thương gia Tây Tạng, ông ta từng là một phi hành giả cứng đầu trong vùng cho tới khi mẹ tôi gởi tới ông thông tin về số tiền chôn dấu của người chị quá cố của ông.
Ở đây, tường thuật của Dewa Drolma thì sống động như tường thuật của một du khách miêu tả một đất nước mà người ấy đã viếng thăm, tuy thế tường thuật của bà thực sự là một hành trình của tâm thức xuyên qua những sự phô diễn thanh tịnh và bất tịnh của tâm. Nó bắt đầu khi như Đức Tara chỉ dạy, “Tôi để tâm tôi an trụ trong một tâm thái khoáng đạt và cực kỳ hỉ lạc, tôi kinh nghiệm một trạng thái hoàn toàn trong sáng… Tôi hoàn toàn tỉnh giác về trạng thái nền tảng của tâm tôi trong mọi tính chất thông thường của nó. Bởi giác tánh đó không bị ngăn che, tôi như thể nghe được tất cả những âm thanh và tiếng nói trong mọi xứ sở, chứ không chỉ ở vùng lân cận”.
Khi sự tham luyến, sân hận và si mê thông thường của sự nhị nguyên đối tượng chủ thể hoàn toàn biến mất, ta kinh nghiệm giác tánh không bị tạo tác, trần trụi - tuyệt đối, không hai, siêu vượt ý niệm, tánh Không tràn đầy mọi phẩm tính thuần tịnh và năng lực để hiển lộ như hình tướng bất khả phân với tánh Không. Đây là Phật tánh, bị ngăn che và không được nhận ra trong tâm chúng sinh, nhưng hoàn toàn được hiển lộ nơi những bậc giác ngộ.
Để làm lợi ích chúng sinh, các bậc giác ngộ hóa hiện một cách tự nhiên các cõi của sự xuất hiện thuần tịnh, chẳng hạn như Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ của Đức Padmasambhava, Núi Potala (Phổ Đà) của Đức Avalokiteshvara và Yulokod của Đức Tara. Những hành giả đã tịnh hóa dòng tâm thức và những người đã tích tập công đức rộng lớn qua thiện hạnh của họ có thể kinh nghiệm các cõi thuần tịnh trong các linh kiến, trong các giấc mơ hoặc như mẹ tôi đã làm, như một delog. Tường thuật của bà hết sức đặc biệt trong khoa địa lý vũ trụ của nó và đầy đủ chi tiết trong sự diễn tả, tuy thế chắc chắn là những cõi giới mà bà thăm viếng là sự phô diễn tròn đầy của bản tánh tâm, được kinh nghiệm khi sự thiền định xuyên thủng những giới hạn của tri giác bình phàm.
Các cõi thuần tình là sự phô diễn của tâm, nhưng vì thế nó cũng là trạng trái bardo và sáu nơi đến của sự tái sinh. Sự khác biệt nằm ở chỗ các cõi thuần tịnh là sự phô diễn của giác tánh, trong khi sáu cõi và bardo là sự phô diễn của mê lầm và sự phóng chiếu của những độc chất của tâm. Cõi địa ngục là một phóng chiếu của sự thù ghét, sân hận và ác hạnh sát sinh; cõi ngạ quỷ, là một phóng chiếu của sự tham lam và thèm muốn; cõi súc sinh là một phóng chiếu của sự ngu si; cõi bán thần là phóng chiếu của đức hạnh bị ô nhiễm bởi sự ganh tị; cõi trời là một phóng chiếu của đức hạnh bị hư hỏng bởi sự kiêu ngạo; cõi người là một phóng chiếu của một sự hòa trộn tất cả năm độc kết hợp với đức hạnh tối thiểu để ngăn chặn việc tái sinh nơi các cõi thấp. Sự tái sinh làm người may mắn được đặt nền trên một số lượng đức hạnh rộng lớn và giúp cho ta thực hành một con đường tâm linh. Mẹ tôi thường nói: “Cho dù cuộc sống làm người của con có khó khăn tới đâu, nhưng những khó khăn ở đây không thể so sánh với những khốn khổ trong các cõi thấp”.
Loài người và súc sinh cùng sống trong thế giới này và cùng có khuynh hướng nhìn mọi sự như cái gì hết sức vững chắc, thật có. Khi cái chết chia cách tâm và thân, và lột trần sự kiên cố tương đối của sắc tướng, tâm thức trần trụi đi vào trạng thái bardo sau – cái chết. Nếu không sớm đạt được giải thoát suốt trong sự phô diễn thuần tịnh của cái gọi là bardo chân tánh của thực tại, thì tâm thức của ta bị đẩy vào bardo trở thành, sau giai đoạn này nó sẽ tái sinh ở một trong sáu cõi của sự kinh nghiệm phù hợp với nghiệp của ta.
Như thể trong một giấc mơ hay ảo giác, chúng sinh trôi lềnh bềnh trong và ngoài tri giác của Dawa Drolma như những bông tuyết. Trong chốc lát bà gặp gỡ một người quen đang chịu đựng những đau khổ ghê gớm nhất của địa ngục hay ngạ quỷ trải qua những thống khổ của sự mất mát cực độ; giây lát kế tiếp bà gặp một người đức hạnh trên đường đi tới một cõi thuần tịnh hay một chúng sinh trong cõi trời. Thỉnh thoảng, bà thấy toàn bộ đoàn người trong địa ngục hay chúng sinh trong bardo đi tới các cõi thuần tịnh, được dẫn dắt bởi một đạo sư hay hành giả vĩ đại là những người bằng năng lực của những ước nguyện vị tha của mình đã tới cứu giúp chúng sinh. Điều này thực sự có ý nghĩa khi ta cầu nguyện “xin hãy lưới vét tận đáy sâu của vòng luân hồi sinh tử và giải thoát chúng sinh”.
Dawa Drolma đối mặt với Yama Dharmaraja, Thần Chết và cùng với Đức Tara, bà đã tán thán ông ta bằng một bài ca chứng ngộ:
Nếu nhận ra được, thì chính là đây - bổn tâm của ta;
Nếu không nhận ra, đó là Thần Chết phẫn nộ vĩ đại.
Thực ra, đây chính là Đấng Chiến Thắng, Pháp Thân Phổ Hiền (Samantabhadra):
Chúng con đảnh lễ và tán thán dưới chân Dharmaraja.
Mặc dầu sự thật là, trong ý nghĩa tuyệt đối thì các cõi luân hồi sinh tử có bản tánh trống không, chỉ là những phóng chiếu của những mê lầm của tâm thức, nhưng trên bình diện tương đối, nỗi khổ mà chúng sinh phải chịu đựng thì không thể phủ nhận được. Khi Dharmaraja cùng các thuộc hạ của ông liên tục đưa ra nhiều bằng chứng thì không có sự nói dối hay giả đò nào làm giảm bớt được nghiệp quả của ta. Cuộc đời của ta trôi qua trước mắt với từng hành vi tốt và xấu được vạch rõ; những nghiệp quả phát sinh một cách tương ứng. Những mô tả ớn lạnh của Dawa Drolma về những hậu quả khủng khiếp của việc sát sinh và hãm hại người khác cảnh báo thật rõ ràng để ta tránh làm những hành động như thế. Mặt khác, những mô tả quyến rũ của bà về những cõi thuần tịnh gây hứng khởi cho ta để thực hành thiền định bổn tôn và để chứng ngộ bản tánh thuần tịnh của những phẩm tính của tâm.
Sau cái chết, ngay cả khi năng lực của nghiệp quả xô đẩy tâm thức ta tái sanh trong vòng luân hồi, nhưng nếu ta đã từng thực hành đủ tốt đẹp trước đó để có sự tỉnh giác trong việc khẩn cầu bổn tôn thiền định của ta với đức tin, thì ta tức thời tái sinh trong cõi thuần tịnh của vị bổn tôn đó.
Sau kinh nghiệm delog của mình, Dewa Drolma làm một cuộc hành hương tới Lhasa, ở đó với phối ngẫu của bà là một lạt ma cao cấp, bà mang thai tôi. Bà sống với ông bà tôi cho tới khi tôi lên bốn, sau đó di chuyển tới Tanp’hel Gonpa, một tu viện xa khoảng một tuần trên lưng ngựa. Một ngôi nhà với quang cảnh đẹp đẽ được xây cao trên sườn núi và bà sống ở đó, được kính trọng như một đạo sư và một dakini, một hiện thân nữ của trí tuệ và hoạt động giác ngộ. Sau đó, bà sanh em gái tôi, T’hrinlay Wangmo, một đứa trẻ phi thường mà cuối cùng được công nhận là hóa thân của một yogini trí tuệ. Em tôi và tôi, cả hai đều hoang dã và ngang ngạnh, và đôi khi tôi vẫn còn cảm thấy hối tiếc về những rắc rối mà tôi đã gây nên cho mẹ tôi. Bà không kềm chế việc sử dụng kỷ luật nghiêm khắc với tôi, nhưng bà cũng quả quyết rằng nếu tôi thực hành Pháp mạnh mẽ và với động cơ thanh tịnh thì tôi sẽ đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Những lời khuyên dạy của bà gia hộ sâu xa cho con đường của tôi.
Bà mất năm 1941, không lâu sau khi sanh một bé trai, nó cũng chết hai năm sau. Khi mất, mẹ tôi khoảng giữa tuổi ba mươi, còn tôi thì mười một. Xác bà vẫn ở tư thế thiền định trong vài ngày, sau đó gục xuống, cho thấy tâm thức đã thoát đi. Bà được hỏa táng trên mái nhà bà. Các cầu vồng xuất hiện và năm con kên kên, mà trong Phật Giáo Kim Cương thừa là những con vật tượng trưng cho nhãn kiến siêu việt rằng bà đã trở về những cõi thuần tịnh, nhưng tôi cũng không nghi ngờ là bà cũng đã trở lại các cõi địa ngục và ngạ quỷ để cứu thoát bất kỳ ai có liên hệ với bà. Với lòng bi mẫn, bà tuyệt đối không sợ hãi.
Tôi rời Tây Tạng năm 1959, ngay trước cuộc củng cố xâm lược tàn bạo của Trung Quốc. Năm 1982, sau gần ba thập kỷ không có tin tức của gia đình, bất ngờ tôi nhận được một lá thư ngắn của người em gái, trong đó kể rằng cô có một bản sao duy nhất tường thuật delog của mẹ tôi. Điều này giống như một cái móc từ Tây Tạng thả xuống California, tuy thế tôi không thể chụp được nó mãi cho tới năm năm sau khi lập trường chính trị của Trung Quốc đã có phần mềm dẻo hơn. Sau cùng khi tôi về thăm T’hrinlay Wangmo, cô bảo tôi rằng bản văn đã từng bị tịch thu nhưng cô biết được ai lưu giữ nó. Trong những nămg tháng khủng khiếp của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, khi những kinh điển bị người Trung Quốc dùng làm giấy vệ sinh, cô chẳng thể làm được gì, nhưng ngay khi cảm thấy an toàn, cô đã biếu một số tiền rất lớn để có được bản tường thuật. Chỉ có vài trang bị mất.
Tôi không muốn giữ bản gốc của em tôi, nhưng người Trung Quốc ở Szechuan thủ phủ của Chengdu không cho phép tôi sao chụp nó. Hiểu rằng tôi phải lén đưa nó ra ngoài, tôi có đem sách Tây Tạng từ Hoa Kỳ về và đã liệt kê chúng trong tờ khai quan thuế. Tôi ghi thêm bản tường thuật delog vào danh mục sách của tôi không bị phiền nhiễu khi quá cảnh ở phi trường. Vài năm sau, tôi trở về Tây Tạng để cho em gái tôi một bản sao. Tôi vẫn còn giữ bản gốc, giờ đây nó đã hơn sáu mươi tuổi, được một người sao chép ghi lại bằng chữ viết tay thật đẹp khi Dawa Drolma thuật lại tiểu sử của bà.
Có những tường thuật delog khác – một trong số đó là tường thuật khá nổi tiếng của nữ hành giả Delog Ling Zha Chhodron. Thư viện tác phẩm và văn khố Tây Tạng ở Dharamsala có ít nhất là một tá cuốn. Các delog thì thường là phụ nữ; một số xuất hiện như những cư sĩ bình thường, nhưng chính kinh nghiệm là một dấu hiệu của sự chứng ngộ thiền định vĩ đại, vì thế thực ra các ngài không thể là những người bình thường. Những tường thuật của các ngài làm tăng thêm lòng tin của mọi người nơi giáo lý của các đạo sư về các cõi hiện hữu vô hình.
Tôi không rõ có những tường thuật nào khác từng được dịch ra các ngôn ngữ Tây phương không. Tôi thật may mắn có mối liên hệ với dịch giả tuyệt hảo Richard Barron (Chokyi Nyima) và chủ bút rất có năng lực Mary Racine, họ đã cho ra đời bản dịch Anh ngữ tường thuật của Dawa Drolma. Richard Barron chịu trách nhiệm về các chú thích cuối mỗi chương. Mặc dù các chương được viết với ba cõi thuần tịnh ở phần đầu rồi tới cõi bất tịnh nằm trong chương thứ tư, nhưng nội dung của bản văn dường như chỉ ra rằng cuộc du hành không được biểu lộ ra theo thứ tự khi xuất bản ở đây: Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ, các cõi bất tịnh, núi Potal và yulokod. Chương cuối cùng, được con trai tôi là Jigme Tromge Rinpoche đem từ miền đông Tây Tạng tới Hoa Kỳ năm 1994, là một tóm lược mà chính yếu là những kinh nghiệm của Dawa Drolma trong các cõi bất tịnh. Để bản Anh ngữ dễ đọc, hơn là một bản dịch sát nghĩa và chính xác, bản văn là một dịch phẩm bằng văn xuôi có phần uyển chuyển của nguyên bản Tây Tạng được viết bằng thể thơ. Sự phiên âm ngữ âm học của cấu trúc ngôn ngữ Tây Tạng được dựa trên một hệ thống mà nhà xuất bản Padma sử dụng.
Kinh nghiệm delog thì phi thường, kỳ diệu, ngay cả trong phạm vi bí truyền của các phái Kim Cương thừa của Phật Giáo Tây Tạng. Tuy thế, tường thuật của Delog Dawa Drolma có năng lực và sự gần gũi của kinh nghiệm trực tiếp và tôi tin rằng những ai đọc nó sẽ nhận ra rằng các hiện tượng của các cõi giới thì tương ứng với những khía cạnh kinh nghiệm của bổn tâm họ. Cầu mong những nhắn ngủ của bà truyền cảm hứng cho sự thành tựu tâm linh tối cao; cầu mong những nhắn nhủ ấy đưa dẫn bất kỳ ai đọc chúng tới những tịnh thổ của các Đấng Chiến Thắng.
Nguồn: www.quangduc.com