BÀI GIẢNG THỨ NHẤT
Tối nay tôi sẽ
trình bày vắn tắt quan điểm của Phật giáo về đời sống thực của con
người, về sự chết và trong khi chết.
Phật giáo dậy rằng con người có một giá trị rất cao, đáng tôn qúi, đặc
biệt ở sự thông minh tuyệt vời và trí tuệ siêu đẳng. Theo quan điểm của
Phật giáo, tiến trình phát triển của con người thì khác xa với các loài
khác như thú vật, rau cỏ; mỗi một người đều có một tiểu sử rất dài, có
một tiến trình phát triển hầu như bất tận, đặc biệt là phần tâm thức của
mỗi cá nhân.
Trong Phật giáo chúng tôi quan niệm rằng bản tính tự nhiên của tâm thức
(Tâm bản nhiên) con người thì hoàn toàn trong sáng và thanh tịnh. Chúng
tôi cũng quan niệm rằng tâm thức của con người mới chính là nguyên tử
năng của con người chứ không phải cái thân xác thịt xương máu huyết này.
Đồng thời chúng tôi cũng xác nhận rằng con người có đời sống hạnh phúc
hay đau khổ tất cả đều tùy thuộc vào thái độ của tâm thức của riêng từng
cá nhân: nếu anh (chị) nghĩ đời anh khổ, anh sẽ khổ. Tất cả những phiền
toái, tất cả những vấn đề của con người đều do tâm của con người sáng
tạo ra -- không phải Thượng Đế, không phải Phật.
Từ quan điểm đó, chúng ta biết con người có khả năng tạo ra những phiền
phức cho đời sống thì chính con người cũng có khả năng giải quyết những
vấn đề khó khăn của đời sống. Thực là sai lầm khi nghĩ rằng, “ Những vấn
đề của tôi quá vĩ đại, bao la như bầu trời, rộng lớn như không gian, hầu
như tất cả đều là phiền phức, rắc rối, dù cho có phá hủy cả mặt trời, cả
mặt trăng thì cũng không hủy hết được những vấn đề của tôi! ” Thật là
sai lầm. Thật là u mê! Tất cả chúng ta nên nhìn nhận rằng chúng ta phải
có trách nhiệm giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta. Chúng ta
phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động từ thân, khẩu và ý của
chúng ta. Chúng ta không thể đổ, không thể trút lên đầu người khác.
Hầu như tất cả những vấn đề của con người đều do trí thông minh mà ra,
bởi vì chúng ta có quá nhiều liên hệ với sự thông minh và những lý lẽ.
Dĩ nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề đến từ trí tuệ, nhưng hầu như cội
nguồn của tất cả những vấn đề trong đời sống của chúng ta như sự giận
dữ, sự bạo động đều từ trí thông minh mà ra. Chúng ta đã thông minh hóa
sự kiện nên chúng ta đã có những vấn đề.
Khi sinh ra, khi còn là một đứa trẻ nhỏ, chúng ta đã chẳng có một vấn đề
chính trị nào, phải không quý vị? Hãy suy nghĩ cho kỹ đi. Trong tâm khảm
của một đứa trẻ chẳng có một tí chính trị nào. Khi còn là một đứa trẻ
nhỏ, chúng ta chẳng có một chút gì là rắc rối kinh tế, chẳng có một chút
gì là khó khăn xã hội, bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng, bởi vì chúng ta
chưa trưởng thành để có những xung khắc của cái tôi, để thông minh hóa
những sự kiện. Và khi chúng ta còn là trẻ thơ chúng ta không có những sự
xung đột tôn giáo hay kỳ thị chủng tộc trong tâm của chúng ta.
Khi chúng ta còn nhỏ chúng ta không có những vấn đề thông minh này; bắt
đầu lớn là bắt đầu thông minh hóa, bắt đầu thông minh hóa, thông minh
hóa: “Ai đây?” “Tôi là ai?” “Làm sao tôi nhận ra tôi?” “Cái gì là khuôn
mẫu của đời sống?” Cái tôi của chúng ta muốn có một phương pháp, một
đường lối để khám phá, để nhận biết mình; phải có một cái gì để bám vào,
để chiếm hữu. Chúng ta không còn tự nhiên. Chúng ta đã không còn hồn
nhiên. Đó là lý do tại sao chúng ta hoàn toàn là nhân tạo, hoàn toàn do
chúng ta làm ra, nên chúng ta có nhiều lầm lẫn, nên chúng ta không bao
giờ hài lòng, không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ thoải mái.
Chúng ta có thể nhìn thấy một cách rất rõ hầu như tất cả những vấn đề
trong thế giới tân tiến văn minh ngày nay đều bắt nguồn từ những sự
tương quan mâu thuẫn, từ những sự liên hệ đối nghịch nhau mà ra. Đàn ông
có vấn đề với đàn bà, đàn bà có vấn đề với đàn ông. Người có vấn đề với
người. Tất cả những vấn đề này đều đến từ sự thông minh của chúng ta,
chúng ta chơi những trò chơi thông minh với nhau, những vấn đề này không
phải từ trí tuệ, không phải từ trực giác, không phải từ tiên thiên tri
thức. Chúng ta đã sáng tạo, chúng ta đã xây dựng lên những sự kiện bằng
những quan niệm thông minh của chúng ta, “ Đây là đối tượng tuyệt hảo
cho tôi, tôi phải có, tôi phải chiếm lấy, nếu không có nó, nếu không
chiếm được nó, thà là tôi chết còn hơn! Những cái kia không phải, chỉ có
cái này mới thực là của tôi! ”
Vấn đề là chúng ta đã sử dụng trí thông minh một cách không tự nhiên,
quá ư là u mê, chúng ta không thực chút nào. Chúng ta chưa hề chạm được
sự thật. Bởi vì chúng ta mù quáng, khi diễn tả một trái táo, chúng ta
nói, “ Oâi chao, quả táo này tốt quá, thật là tuyệt, màu sắc tươi rói,
thơm phức, tôi thích nó quá.” Chúng ta đã diễn tả sự vật theo chiều
hướng xúc cảm của chúng ta, theo chiều hướng bệnh hoạn của một cái tâm
tràn đầy ảo tưởng của chúng ta. Chúng ta đã gán cái vọng tưởng tốt đẹp
ngon lành trên quả táo để rồi nó làm chúng ta thất vọng, để rồi nó làm
chúng ta bất mãn khi chúng ta biết được sự thật, nó chua quá, nó chát
qúa. Cái lý do mà chúng ta bất mãn với đối tượng ‘qủa táo’ này là chúng
ta đã có sự liên hệ với cái tâm vọng tưởng của chúng ta về quả táo,
chúng ta đã tưởng nó tốt, chúng ta đã không thật, chúng ta đã không biết
sự thật là quả táo đang như thế nào.
Theo Phật giáo, tất cả chúng ta đều có khả năng phân tích, đều có khả
năng khám nghiệm cái tâm của chúng ta xem nó đang suy nghĩ theo chiều
hướng nào, tích cực hay tiêu cực, vọng tưởng hay chân thật. Chúng ta có
khả năng làm điều này. Như chúng ta đã biết, “Phật, Buddha” có nghĩa là
“Một người đã hoàn toàn phát triển”ø mỗi một người chúng ta đều có cơ
hội, đều có khả năng phát triển được như vậy, mỗi một người chúng ta đều
có khả năng tẩy xóa đi tất cả những ô nhiễm, những mê mờ vọng tưởng của
chúng ta để trở nên một người hoàn toàn phát triển, để là trí tuệ.
Trong một xã hội tràn đầy sự cạnh tranh, giành dật; chúng ta luôn luôn
muốn chiếm hữu những tiện ích của xã hội mà chúng ta đang sống, của đất
nước mà chúng ta đang ở và của những người chung quanh chúng ta. Tất cả
những vấn đề này đều bắt nguồn từ sự thông minh của chúng ta, chúng ta
tự tạo ra, chúng ta chộp dật, chúng ta luôn luôn nói, “Tôi muốn”, “Tôi
muốn”. Đó là đau khổ, đau khổ từ đó mà ra. Quý vị có hiểu không? Có rất
nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã bị trầm uất, chúng ta đã bị khổ
đau, chúng ta đã bị dằn vặt mà không có một lối thoát. Nếu chúng ta đã
ôm ấp những vọng tưởng quá cao để tự an ủi, để xây dựng mộng mơ của
chúng ta thì khi chúng ta không đạt được những điều mong muốn đó, chúng
ta sẽ bị chết khát trong biển cả mênh mông của chính thế giới huyễn ảo
mà chính chúng ta đã tạo ra. Chúng ta không thể đương đầu nổi, chúng ta
không còn sức để chống chọi với nó nữa, vì nó đã trở nên quá khó khăn.
Vì thế, tôi đề nghị trước khi sự lầm lạc to lớn xẩy ra, chúng ta nên từ
từ, từ từ giải trừ, từ từ loại bớt những sai lạc nhỏ hàng ngày, bằng
phương cách đó chúng ta sẽ cảm thấy dễ hơn, dễ hơn. Chúng ta nên tự hỏi
thông minh như vậy tốt hay là xấu? Lanh lợi kiểu đó có lợi hay là hại?
Theo quan điểm của Phật giáo, thay vì dùng trí thông minh để sống chúng
ta nên dùng trí tuệ, nên phân tích, nên tìm hiểu để biết nó thực có giá
trị hay không.
Sở dĩ tôi nói rằng tất cả những rắc rối, những vấn đề của chúng ta, của
xã hội, của thế giới và của riêng từng cá nhân đều đến từ sự thông minh
hoá, bởi vì nó được xây dựng trên một cái tôi, trên một bản ngã không
được tự nhiên, bởi vì khi sinh ra, khi còn là một trẻ thơ, chúng ta
không có những vấn đề này và khi chết đi chúng ta cũng không có những
vấn đề này.
Trong Phật giáo có thiền định, thiền định là gì, thiền là nhìn thấu suốt
những gì đang xẩy ra, đang diễn ra một cách tự nhiên hay không tự nhiên,
trong sáng hay u mê --đây chính là những sự xung đột của cái tôi. Thiền
định cho chúng ta đến gần . Càng thiền định, càng đến gần sự thật, càng
nhìn được phía bên kia của những cảm xúc là gì, càng nhìn được những sự
xung đột của chính cái tôi như thế nào, và sẽ biết được cái gì thực sự
đang hoạt động trong tâm của chúng ta như nhìn một đối tượng ở bên
ngoài.
Qua Phật giáo, chúng tôi tin tưởng rằng tất cả chúng sinh đều có những
vấn đề, nó xẩy ra mỗi ngày, thường ngày. Chúng ta có những xung đột ở
nội tâm của chúng ta về chính cái tôi của chúng ta, chúng ta có những
vấn đề về những xúc cảm của chúng ta, chúng ta đã bị ám ảnh. Chúng ta
biết chúng ta có đủ mọi thứ vấn đề nhưng chúng ta cũng biết rằng chúng
ta có những khả năng đến gần chúng, nhìn được chúng và thấu suốt được
tận gốc rễ phía bên kia của vấn đề là gì. Thực sự chúng ta có khả năng
này. Chúng ta không nên nghĩ, “ Tôi qúa lầm lẫn, bản tính của tôi hoàn
toàn sai lầm. Tôi không thể bỏ nó được, không có cách nào để thay đổi
nó, để chuyển hóa nó.” Đó là một thái độ qúa sai lầm, chúng ta đã hạ
thấp gía trị con người, chúng ta đã từ chối khả năng của chúng ta.
Phật giáo là nhân bản, là một loại khoa học tôn giáo, nó đặc biệt chú
trọng đến những vấn đề của con người và tìm cách giải quyết những vấn đề
này -- nó không quá chú trọng đến Phật hay Thượng đế. Đó là lý do tại
sao chúng ta tin tưởng vào gía trị của con người, mục đích để thẩm định,
để tìm ra sự thật của tâm thức chúng ta, thay vì bỏ quên nó mà chỉ để ý
đến thân xác. Hãy luôn nghĩ rằng thân xác chỉ mang lại bệnh tật và không
có gía trị, nó không mang lại sự thỏa mãn. Sự thỏa mãn nằm trong tâm
thức, sự thỏa mãn chỉ có từ tâm thức, chẳng phải từ cái thân xác xương
thịt này. Tâm thức của con người thì khác xa với cái thân xác hay khối
óc này.
Vậy, điều mà tôi muốn đặc biệt chú trọng đến đời sống thực sự của con
người là tất cả chúng ta đều có khả năng giải quyết tất cả những vấn đề
của chúng ta, những vấn đề của nhân loại. Chúng ta nên hiểu rõ điều này,
“ Rắc rối là của tôi, vấn đề là của tôi, tôi sẽ giải quyết nó, tôi phải
giải quyết nó.” Bằng cách đó, chúng ta tạo được sự tự tin mãnh liệt, sự
tự tin ở trong tâm của chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng trí tuệ của
chúng ta có khả năng giải quyết tất cả những rắc rối của con người. Tất
cả mọi người đều có trí tuệ. Đừng bao giờ nghĩ rằng bản tính tự nhiên
của con người hoàn toàn ngu si, vô minh, Chúng ta có trí tuệ, chúng ta
có tình yêu, chúng ta có lòng từ bi. Đừng nghĩ rằng, “ Tôi là người nóng
nảy, tôi là người đầy sân hận, tôi không có trí tuệ, tôi không có tình
yêu, tôi không có lòng từ bi.” Đây là thái độ vô cùng tiêu cực về sự
thật của chúng ta. Khi có tự tin, khi tin tưởng vào chính mình, khi có
kinh nghiệm về trí tuệ của chính mình, về lòng từ bi của chính mình,
chúng ta sẽ trở nên tự nhiên hơn, thoải mái hơn, chỉ lúc đó chúng ta mới
có thể phát triển được trí tuệ tự nhiên của chúng ta, trí tuệ chỉ có thể
phát triển trong tình trạng cởi mở thoải mái tự nhiên.
Sự thông minh hóa và cái tôi (ngã chấp) làm hủy hoại trí tuệ. Trí tuệ là
trí tự sinh, tự có, nó không hề bị ảnh hưởng bởi triết lý, bởi giáo lý,
bởi thầy dậy hay bởi khung cảnh sống...Trí tuệ, tiên thiên tri thức hằng
ở đó, thay vì bị nhốt kín ở bên trong thì nó được bảo vệ để tìm đường
phát triển.
Chúng ta biết rằng con người luôn tự tạo ra những vấn đề cho chính mình.
Như vậy, chúng ta không nên đỗ lỗi cho xã hội, cho bạn bè hay cho cha mẹ
của chúng ta, chúng ta không nên trút lên đầu bất cứ người nào khác. Vấn
đề của chúng ta là do chính chúng ta tạo ra. Chúng ta là người tạo ra
vấn đề thì cũng chính chúng ta là người phải giải quyết vấn đề.
Ngay tại thời điểm của sự chết, ngay trong tiến trình chết, một cách rất
tự nhiên tất cả những ý niệm sau đây của chúng ta: chính trị, kinh tế,
xã hội, kỳ thị, tư bản, cộng sản...đều biến mất vào không gian, chúng
biến đi một cách tự nhiên. Hãy suy nghĩ những vấn đề này: tất cả những
thái độ ích kỷ, tất cả những suy tính để chiếm phần lợi ích từ người
khác như, “ Tôi thật là thông minh, tôi chiếm tất cả những nguồn lợi ích
của người Phi châu, tụi nó ngu qúa, chúng chẳng biết gì cả, nên tôi phải
chiếm lấy.” Tất cả những thái độ ích kỷ, tất cả những tính toán mưu cầu
lợi ích đều tan biến vào không gian khi chúng ta chết.
Tất cả những vấn đề này không chỉ biến mất khi chúng ta chết mà ngay cả
khi chúng ta đi ngủ. Khi chúng ta đi vào giấc ngủ, tất cả những ý niệm
này cũng tan biến đi y như khi chúng ta chết. Ngay cả những sự xung đột
của ngã chấp như tôi đã trình bày cũng biến mất. Tốt hơn hãy đi ngủ, ngủ
còn hơn là thức để suy tính, để thông minh hoá, để cảm xúc, để nóng giận
ganh ghét... vì khi ngủ chúng ta đi vào một trạng thái tự nhiên, một
trạng thái căn bản của tâm thức không có sự thông minh.
Trong truyền thống Phật giáo, người ta thiền vào buổi sáng vì buổi sáng
khi vừa thức dậy tất cả những ý niệm bị ô nhiễm đã biến mất nên chúng ta
có được một chút yên tĩnh trong sạch. Trong lúc ngủ, tất cả những năng
lực đã được tích tụ sẽ biến mất trong một thời gian; rồi khi chúng ta
thức dậy, chúng cũng từ từ trở lại. Nếu thiền vào buổi sáng, chúng ta sẽ
ở trong tình trạng trung dung hơn là ở vào một đầu của cực điểm. Sự tập
trung của chúng ta ở buổi sáng sẽ dễ hơn là ở những thời điểm khác. Nếu
chúng ta không phải là một thiền sinh hay nếu chúng ta cũng không phải
là một thiền gia mà chỉ là một người đang suy nghĩ về một vấn đề gì thì
buổi sáng cũng là lúc trong sáng nhất để chúng ta làm việc. Đó là sự đề
nghị của tôi. Trong Phật giáo không phải chỉ có một phương pháp thiền là
tập trung vào một đối tượng mà chúng tôi còn có những phương pháp khác
như quán sát, phân tích để tìm ra sự thật.
Một điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải biết tâm của chúng ta làm
việc như thế nào trong thường ngày, trong lúc ngủ cũng như trong lúc
chết. Một điều cũng vô cùng quan trọng là chúng ta nên tự giáo huấn
chúng ta về vấn đề này. Như vậy chúng ta sẽ không còn sợ hãi. Nhiều
người nghĩ rằng chết là một sự khiếp đảm kinh hồn, là sẽ đi vào một cái
lỗ đen vĩ đại, khi tới đó, chúng ta sẽ bị nó cuốn hút, bị nó ăn thịt. Sự
thật là chúng ta đã chết ngay từ lúc chúng ta sinh ra, sự chết đã có khi
vừa sinh ra. Chúng ta nghĩ chết là một sự kiện vĩ đại! Vĩ đại hơn mất
việc làm, vĩ đại hơn mất người yêu, vĩ đại hơn mất vợ mất chồng. Đây là
một thái độ sai lầm.
Chúng ta cũng thường nghĩ chết là xấu -- đây chỉ là một phóng tưởng của
tâm chúng ta. Thực ra chết còn tốt hơn cái hoa này, bởi vì cái hoa này
không cho chúng ta đại lạc, sự chết có thể cho chúng ta sự bình an vĩnh
cửu. Kinh nghiệm về sự chết còn tốt hơn có vợ, có chồng hay có người yêu
bởi vì những người này chỉ cho chúng ta một chút hạnh phúc. Họ không
giải quyết được những vấn đề căn bản của chúng ta; họ chỉ có thể tạm
giải quyết được một vài rắc rối về cảm xúc của chúng ta. Nhưng ngay tại
lúc chết, tất cả những sự tức bực đều chấm dứt, tất cả những cảm giác
đều chấm dứt. Tiến trình của một cái chết tự nhiên xẩy ra rất lâu và rất
chậm.
Khi chúng ta chết một cách tự nhiên, tứ đại từ từ suy đồi, từ từ thoái
hóa --chúng ta gọi nó đang bị “ chìm,thấm, thẩm thấu, hút vào” -- chúng
suy đồi từ từ, giảm hoạt động từ từ, từ từ, chúng tạo nên, chúng để lại
những ảo giác cả bên trong lẫn bên ngoài thân xác của chúng ta . Đồng
thời ngũ uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức - cũng bắt đầu chìm dần, mất
dần.
Thông thường, chúng ta nghĩ rằng thị giác của chúng ta thật là tuyệt
diệu, nó cho chúng ta những khoái lạc. Chúng ta cũng nhận thấy những
kinh nghiệm xúc giác thật là quan trọng nên chúng ta ham muốn càng nhiều
càng tốt. Tuy nhiên, trong Phật giáo, chúng tôi quan niệm không nên bám
víu, không nên để bị ràng buộc vào những đối tượng gây cảm giác này. Đó
là sự từ bỏ, sự buông xả. Buông xả là một hiện tượng rất tự nhiên. Tại
sao? Rất dễ hiểu, khi sinh ra, khi còn là một trẻ thơ, chúng ta không có
một vấn đề gì, không có một rắc rối nào về sự ràng buộc; tất cả những sự
ràng buộc, níu kéo, bám víu, dính mắc đều được bồi đắp lên ở trong đời
sống xã hội. Khi còn nhỏ chúng ta không có những ham muốn này.
Khi còn trong bụng mẹ, chúng ta đã từ bỏ tất cả mọi thứ, đã buông xả tất
cả mọi thứ. Chúng ta chẳng có gì, chúng ta chẳng tích trữ cái gì, chúng
ta chẳng chộp dật cái gì, chúng ta chẳng tranh giành cái gì với ai. Khi
còn trong bụng mẹ, chúng ta chẳng có một đối tượng nào để bị lôi cuốn,
hấp dẫn chúng ta, cũng chẳng có một đối tượng nào để chúng ta phải bám
víu vào, phải khổ sở vì nó. Tại thời điểm đó, chúng ta đã từ bỏ, từ bỏ
một cách tự nhiên, buông xả một cách tự nhiên!
Bây giờ, chúng ta có một chiếc xe... vậy mà cũng chưa đủ. Chúng ta mua
thêm xe thứ hai... cũng không đủ, chưa thỏa mãn. Chúng ta muốn nữa, muốn
có một cái tàu. Có tàu rồi, chúng ta muốn một cái lớn hơn nữa...vân
vân... Quý vị có hiểu không? Và cứ như thế mà muốn cho đến kỳ cùng,
không bao giờ đủ. Đó là sự không thỏa mãn, đó là sự bất mãn. Chúng ta
nên hiểu rằng chúng ta được sinh ra trong sự buông xả, một sự buông xả
rất tự nhiên. Chúng ta không cần phải tranh giành, bám víu, chiếm hữu,
chúng ta không cần phải qúa lo lắng. Chúng ta vào đời để được an vui,
chúng ta đi vào cuộc đời để hưởng an lạc. Nhưng chúng ta đã tạo dựng qúa
nhiều lo âu, qúa nhiều rắc rối, quá nhiều phiền não, rồi khi chết đi,
một lần nữa chúng ta lại trở về với sự buông bỏ, chúng ta lại chẳng có
gì, lại trở về với sự buông bỏ tự nhiên.
Vậy, hãy trở về với thiên nhiên, với sự tự nhiên của chúng ta. Đừng nghĩ
rằng triết lý buông xả, triết lý từ bỏ của Đông phương là xấu, là bị ô
nhiễm, hoặc chỉ là một ý tưởng. Sự thỏa mãn không tùy thuộc vào vật
chất. Sự thỏa mãn đến từ sự đơn giản, đơn sơ. Tôi không có ý nói qúy vị
xấu bởi vì qúy vị đang ở trong một xã hội giầu có. Tôi không ganh tị đời
sống của qúy vị để nói qúy vị xấu. Tất cả chúng ta đều cần một đời sống
đơn giản để có sự an lành, để có sự hoàn mãn ở bên trong này (Lạt ma chỉ
vào trái tim của ngài) Tôi không ganh tị sự thịnh vượng của qúy vị hay
những lợi lộc mà qúy vị đang có. Câu hỏi của chúng ta là, tại sao chúng
ta đã không thỏa mãn? Tại sao chúng ta thường xuyên bất mãn? Chúng ta đã
luôn luôn đỗ lỗi cho những cái ở bên ngoài, chúng ta đã luôn luôn tìm
những cái ở bên ngoài để “ cái này không đủ, cái kia không đủ.” Điều này
không đúng! Cái “không đủ” đang ở bên trong này chứ không phải ở ngoài
kia. Đó là điều chúng ta cần phải kiểm điểm, cần phải kiểm thảo !
Khi tôi nói ‘buông bỏ’ có nghĩa là để đời sống tiếp diễn một cách dễ
dàng, thoải mái, tự nhiên. Buông bỏ không có nghĩa là chúng ta phải vất
bỏ đi tất cả mọi thứ. Buông bỏ có nghĩa là chúng ta không quá bận tâm về
sự vật, không quá bám víu vào vật chất. Hãy nới lỏng sự gắn bó, hãy thư
giãn, thoải mái, thay vì bám chặt, đeo dính.
Theo ý kiến của riêng tôi, thí dụ, người Thụy điển có một đời sống rất
hạnh phúc sung sướng -- quý vị không cần phải vất hết tiền bạc đi mới
gọi là buông xả. Qúy vị cứ làm tiền, cứ vui hưởng nó nhưng trong một
chiều hướng hợp lý, cảm nhận và cám ơn cuộc đời của qúy vị, đồng thời
đừng quên những người đang sống nghèo khổ ở thế giới Thứ Ba. Nếu không,
chỉ lo tích trữ tiền bạc rồi ngồi nhìn nó thì cuộc đời chẳng vui chút
nào. Quý vị nên biết giá trị của những đồng tiền Thụy điển, chúng ta nên
biết giá trị của những tiện ích này, chúng ta nên biết giá trị của đời
sống sung túc ở đây, hãy hưởng tất cả những lợi lộc này và thỏa mãn
những gì hiện có. Nếu không như vậy thì dù quý vị có sở hữu tất cả tiền
bạc của xứ sở này nó cũng chẳng làm cho quý vị hạnh phúc vui tươi.
Theo tâm lý học Phật giáo, dù những đối tượng vật chất có làm chúng ta
thỏa mãn hay không cũng tùy thuộc vào sự quyết định của tâm thức chúng
ta. Tâm thức của chúng ta nói như thế này, “ cái này làm tôi vui sướng,
cái này tốt...” mặc dù chúng ta chưa nhìn thấy vật đó, rồi khi nhìn thấy
nó tận mắt, chúng ta mới nghĩ, “ ồ, cái này tốt.” Tâm thức của chúng ta
nói như thế này, “ông bạn này xấu.” Rồi khi gặp họ, chúng ta chỉ nhìn
thấy những cái xấu của họ.
Lý do tại sao Phật giáo Tây tạng dậy con người hiểu tiến trình của sự
chết -- giải thích cái gì sẽ xẩy ra, làm thế nào để đối diện với những
gì sẽ xuất hiện, làm thế nào để đương đầu với những ảo giác xung đột lẫn
nhau -- là để chúng ta có thể đương đầu với chúng thay vì sợ hãi và bối
rối. Trong lúc đó, chúng ta dễ dàng nhận diện được cái gì huyễn ảo là
huyễn ảo, vọng tưởng là vọng tưởng, mê lầm là mê lầm.
Sau sự tàn lụi của tứ đại, khi chúng đã biến mất, chúng ta vẫn còn thể
tâm thức (thân vi tế). Ngay cả khi không còn thở, thể tâm thức vẫn còn
đó. Các bác sĩ Tây phương tin tưởng rằng khi chúng ta chấm dứt thở là
chúng ta đã chết, rồi họ bỏ chúng ta ngay vào thùng ướp lạnh! Theo quan
niệm của Phật giáo, mặc dù một người không còn thở, họ cũng vẫn còn sống
và đang kinh nghiệm bốn hình ảnh: hình ảnh có mầu trắng, mầu đỏ, mầu đen
và ánh sáng trong suốt. Bốn hình ảnh này xuất hiện sau khi chúng ta đã
hoàn toàn ngưng thở, nó cho phép một thiền giả có thể ở trong trạng thái
trong sáng này nhiều ngày, nhiều ngày, có khi cả tháng. Họ ở trong trạng
thái trong sáng này, trạng thái đại lạc, tiếp xúc với sự thật của vũ trụ
(của nhất thể) thay vì bị ô nhiễm.
Dĩ nhiên là người Tây phương sẽ nghĩ, “ Ồ, đây chỉ là đức tin của Phật
tử, ông sư này đang nói về cái gì ông ta tin, chẳng có gì liên hệ đến
chúng ta, đến những người Thụy điển.” Nhưng đây là kinh nghiệm của con
người, mặc dầu nó chưa phải là kinh nghiệm của chúng ta.
Tôi đã được nghe kể về một người Pháp, ông ta đã chết và sống lại. Oâng
ta không phải là người có đạo, nhưng theo bác sĩ, ông ta đã chết hai
tiếng đồng hồ rồi ông ta tỉnh dậy. Oâng ta viết ra những gì ông ta đã
trải qua trong khi ông ta chết. Đây là một thí dụ điển hình, ông ta
không tin bất cứ một tôn giáo nào, ông ta không hề biết Phật giáo, nhưng
họ xác nhận ông ta đã chết, ông ta sống lại và ông ta đã viết ra những
gì ông ta đã trải qua trong lúc chết.
Dù chúng ta có tin sự giải thích của Phật giáo hay là không tin, chúng
ta vẫn có thể hiểu một cách dễ dàng khi nhìn vào tiến trình đi vào giấc
ngủ. Tôi nghĩ rằng bây giờ với kỹ thuật khoa học tân tiến chúng ta đã có
những máy móc có thể đo, có thể quan sát được tiến trình cảm giác trong
khi chết hay trong giấc ngủ. Không cần phải có những sự giải thích của
Phật giáo, tôi tin tưởng rằng con người có thể phân tích những tiến
trình này bằng máy móc tinh vi. Và chúng ta có thể so sánh tiến trình
của giấc ngủ với tiến trình của sự chết.
Tôi nghĩ rằng đã hết giờ và tôi chắc chắn rằng tôi đã gây ra nhiều nghi
ngờ cho quý vị, tốt hơn, chúng ta hãy đi vào phần hỏi và trả lời.
Thính giả: Con người chỉ có khả năng biết khi có sự so sánh giữa các sự
vật --- Làm thế nào chúng ta có thể biết được nhiệt độ nếu chúng ta
không có sự thay đổi, sự biến thiên của nhiệt độ? Nghĩa là cần phải có
cái xấu để có thể đánh giá được cái tốt, có lẽ sự bất toàn là một phần
của cái hoàn toàn trong sự sáng tạo để tạo nên sự chuyển động. Làm thế
nào ngài có thể loại bỏ cái xấu để giữ lại cái hoàn toàn tốt?
Lạt ma: Chúng ta không nên quan tâm nếu không có cái xấu thì làm sao có
cái tốt. Đó chỉ là một lối suy nghĩ đáng thương. Dĩ nhiên, tôi đồng ý
với anh hạnh phúc hay đau khổ là những điều kiện tùy thuộc vào nhau. Anh
có thể nhìn thấy rằng có những sự kiện anh có thể làm giảm bớt đau khổ
mà tăng thêm hạnh phúc.
Thính giả: Xin ngài trình bày thêm một chút, có thể có sự xung đột cho
một người đang theo Thiên Chúa giáo muốn đổi qua Phật giáo?
Lạt ma: Chẳng có trở ngại nào cả! Phật giáo hay Thiên Chúa giáo cũng chỉ
là sự thông minh hóa mà thôi. Tại sao? Có một chút triết lý khác biệt
giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo, nhưng sự khác biệt triết lý này cũng
giống như sự khác biệt quần áo -- người Thụy điển mặc như quý vị đang
mặc, người Tây tạng mặc như tôi đang mặc, nhưng tôi tin chắc rằng quý vị
sẽ thích bơ làm từ con trâu Tây tạng cũng như tôi thích bơ của Thụy điển
và sô cô la của quý vị!
Tôi có rất nhiều học trò ở Hoa kỳ, nhiều bà già là tín đồ Thiên Chúa
giáo, nhưng tôi dậy họ Phật giáo: làm thế nào để thiền, đời sống là gì
--- Chúng ta đối diện với cuộc đời mỗi ngày và Phật giáo là tất cả những
thứ đó. Phật không chống lại Thượng đế, Thiên Chúa không chống lại Phật.
Những cụ bà ở tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, đã 80 tuổi, nhiều lắm, họ bảo
tôi, “ Phật giáo giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu Kinh thánh,
trước kia tôi chẳng hiểu Kinh thánh, Phật giáo đã giúp chúng tôi hiểu
Kinh thánh hơn, hơn rất nhiều.”
Chúng ta luôn luôn tạo ra vấn đề, thí dụ, Phật giáo nói rằng tất cả
những vấn đề của chúng ta đều do tâm của chúng ta tạo ra, Thiên Chúa
giáo nói rằng Thượng đế tạo ra tất cả mọi thứ. Theo tôi vấn đề này chẳng
có gì đối chọi nhau. Giáo lý của Thiên Chúa giáo nói Thiên Chúa sáng tạo
ra tất cả mọi sự trên thế gian này, đó là một điều tốt cho tâm của những
người Tây phương bởi vì cái tôi của người Tây phương nghĩ, “ Tôi làm tất
cả mọi thứ.” Cá tính của người Tây phương quá mạnh. Tất cả những người
Tây phương đều nghĩ họ là nguyên lý sáng tạo, vì thế khi họ nói. “
Thượng đế là đấng sáng tạo -- không phải anh,” sẽ giúp họ hạ thấp xuống,
họ sẽ khiêm nhường hơn. Phật giáo cũng tốt; nó nói rằng tâm của chúng ta
tạo ra tất cả mọi vấn đề -- anh không thể đổ lỗi cho Phật! Tôi hoàn toàn
đồng ý với quan niệm này. Dĩ nhiên, tôi không được dậy bảo nhiều về Kinh
thánh nhưng tôi vẫn học Kinh thánh và học một chút Phật giáo. Theo quan
điểm của tôi, căn bản của Thiên Chúa giáo và căn bản của Phật giáo không
có gì chống đối nhau, nó đi cùng với nhau.
Hãy lấy một thí dụ khác, những người Tây phương đã trở nên một Phật tử
nói rằng, “ Phật giáo có thiền định, tôi thích như vậy. Thiên Chúa giáo
không có thiền định.” Đây là một quan niệm sai lầm. Quý vị có hiểu tôi
nói gì không? Có rất nhiều Phật tử Tây phương nghĩ, “ A, tôi tìm được
Phật giáo, Phật giáo tốt quá, tôi có thể thiền mỗi ngày. Tôi có thể
thiền về sự chết, tôi không cần đi nhà thờ, Thiên Chúa giáo không có
thiền.” Họ hãnh diện với cái tôi của họ vì họ tìm thấy được Phật giáo!
Đó là sai lầm. Họ đã không hiểu Thiên Chúa giáo, Thiên Chúa giáo thực sự
có thiền; tội nghiệp họ, họ đã không hiểu tôn giáo riêng của đất nước
họ.
Thính giả: Tại sao một đứa trẻ khóc khi nó đói, nếu nó hoàn toàn buông
xả?
Lạt ma: Thật là tốt, tranh luận rất tốt. Đứa trẻ khóc vì nó đói, nó
không khóc vì nó không có bồ hay nó bị bồ bỏ! Được chưa? Và đứa bé không
đòi hỏi phải có sô cô la, “ A...” giống như vậy. Chúng ta khóc vì sô cô
la. Anh có nghĩ rằng đứa bé có vấn đề chính trị không? Hay nó không đủ
tiền lương? Phải chăng một đứa bé khóc vì mất việc hay không kiếm được
việc làm? Tất cả là như vậy, có rõ ràng không quý vị?
Thính giả: Có nhiều người có những kinh nghiệm giống nhau về sự chết khi
họ dùng thuốc. Ngài nghĩ thế nào?
Lạt ma: Tôi nghĩ đó là một thí dụ tốt. Đúng, đó là kinh nghiệm của con
người. Tôi nghĩ điều này có thể giúp họ hiểu được rằng con người không
phải chỉ có cái thân xác này mà thôi. Bên ngoài cái thân xác này còn có
một cái gì khác nữa, nguyên tử lực, như tôi đã trình bày trước đây.
Nguyên tử lực của con người chính là tâm thức của con người, tâm con
người --chứ không phải cái xương này.
Tuy nhiên, dùng thuốc thì xấu, vì nó làm anh mất trí nhớ. Như vậy nó có
tốt có xấu. Khi anh đã có kinh nghiệm rồi, đừng dùng nó nữa. Được không?
Cũng như khi anh đã có kinh nghiệm với một người bồ xấu, hãy dừng lại!
Thính giả: Ngài đã nói về tứ đại không phải năm. Ngài có thể kể ra
không?
Lạt ma: Đất, nước, lửa và khí (gió)
Thính giả: Ngài cũng nói về ngũ uẩn, xin ngài nói ra.
Lạt ma: Đó là: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Thính giả: Ngài có thể nói về tam độc?
Lạt ma: Đó là: tham, sân và si (ngu si, vô minh)
Thính giả: Xin ngài nói về ba nguyên lý kết tập thành tứ đại.
Lạt ma: Trong Phật giáo chúng tôi không có ba nguyên lý này.
Thính giả: Tôi nghĩ rằng tâm thức trong lúc mơ thì thô kệch. Ngài nói
rằng sự thông minh sẽ biến mất trong lúc mơ. Tôi muốn hiểu thêm về vấn
đề này.
Lạt ma: Trước hết, khi chúng ta ngủ, rồi khi tứ đại đã chìm đi như trong
tiến trình chết, chúng ta sẽ thấy ánh sáng rất trong. Rồi từ ánh sáng
trong này chúng ta xuất hiện ra thân xác trong lúc mơ. Cái thân xác
trong lúc mơ này giống như ở trong một câu lạc bộ về đêm của Tây
phương!(mờ mờ ảo ảo) Lý do mà tôi nói nó sai khác là vì trạng thái ngủ
và trạng thái mơ khác nhau. Trạng thái mơ hay thân mơ (thân xác trong
lúc mơ) xuất hiện từ trong giấc mơ khi cái tâm-mơ (tâm thức trong lúc
mơ) bắt đầu làm việc. Khi nguyên tố thứ nhất (địa đại) của thân-xác-mơ
chìm là lúc chúng ta bắt đầu hết mơ, chúng ta trở lại trạng thái ngủ rồi
đến trạng thái thức dậy. Qúy vị hiểu không? Trạng thái ngủ và trạng thái
mơ là hai hiện tượng khác nhau.
Thính gỉa: Ở trong mơ, chúng ta có tạo nghiệp không?
Lạt ma: Có, có chứ. Mật tông giải thích rằng, tiến trình chết cũng giống
như tiến trình đi ngủ. Từ tiến trình chết vào trong thân trung ấm
(bardo, cõi trung gian sau khi chết) cũng giống như tiến trình ngủ đi
vào giấc mơ, bởi vì kinh nghiệm hầu như giống nhau. Khi chết những
nguyên tố (tứ đại) của cái thân xác thô kệch này bị thẩm thấu, cũng
giống như khi ngủ, cái thân xác này và những ý niệm thô kệch bị thẩm
thấu, có những luồng ánh sáng xuất hiện trong lúc ngủ, rồi thân vi tế
xuất hiện, đó là cái thân xác trong lúc mơ. Sự kiện này giống như cái
thân trong cõi bardo và những hoạt động cũng giống như những hoạt động ở
cõi bardo.
Cái thân trong lúc mơ thì vi tế hơn cái thân xác thô kệch này, cái tâm
trong lúc mơ cũng vi tế hơn cái tâm trong lúc tỉnh. Do đó, trong Phật
giáo những thiền gỉa đã có được những kinh nghiệm của tâm trong lúc mơ
trong sáng hơn để soi vào tương lai hay vào những sự kiện hơn là tâm
trong lúc tỉnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã giải thích rằng bất cứ
cái gì xẩy ra ở tâm trong lúc mơ, bất cứ hiện tượng nào hay hình ảnh nào
mà chúng ta có được trong lúc mơ đều hoàn toàn có liên hệ đến lúc tỉnh,
thành ra chúng ta không nên phán đoán, phê bình nó như chúng ta vẫn
thường nói: đụng chạm, sờ mó sự vật trong lúc tỉnh thì thật hơn là trong
lúc mơ. Chúng có giá trị như nhau.
Tất cả mọi người đều có tâm. Tâm có ba thể: thô, vi tế và siêu vi tế.
Đồng thời chúng ta cũng có ba thân: thân thô kệch (thân xác), thân vi tế
và thân siêu vi tế. Tâm thức của thân thô kệch có năm tâm thức thô kệch
(nhãn thức -mắt, nhĩ thức - tai, tỉ thức -mũi, thiệt thức -lưỡi và thân
thức -thân hay xúc giác. --Dg). Chúng ta dùng năm thức này hằng ngày.
Tâm vi tế có thể gọi là siêu ngã hay tri thức u mê. Đây là giác quan vi
tế chúng ta không thể nhìn thấy nó và hiểu nó một cách rõ ràng được. Tâm
thô kệch rất bận rộn nên tâm vi tế bị lu mờ. Khi tâm thô kệch không hoạt
động thì tâm vi tế mới có cơ hội hoạt động và phát triển. Đó là lý do
tại sao phương pháp của Phật giáo mật tông Tây tạng là loại bỏ những ý
niệm thô để dành chỗ cho tâm vi tế làm việc. Đó là phương pháp của mật
tông. Đó là cách làm việc của mật tông.
Mặc dù chúng ta hiểu được nó, nhưng tâm thô kệch của chúng ta chẳng có
chút năng lực nào cả; tâm vi tế có năng lực hơn để hiểu biết thấu đáo và
có thể lý luận phân tích. Thiền định loại bỏ tâm thô kệch để cho tâm vi
tế làm việc. Thiền định thực hiện đúng như tiến trình của sự chết. Dĩ
nhiên, kiểu thiền này cũng hướng dẫn đến tiến trình của sự chết, nên cần
phải vững mạnh, cần phải tập trung năng lực.
Phật giáo giải thích bản thể thực của vũ trụ: trống rỗng (emptiness,
sunyata, tính không). Một khi chúng ta loại bỏ được tâm mê tín thô kệch,
thì kinh nghiệm về sự trống rỗng sẽ đến, sẽ hiện ra. Một người không có
một chút tư tưởng nào hay một chút ý niệm nào về tính không, về thực thể
hay nếu họ có một chút hiểu biết về tiến trình của sự chết, thì cái kinh
nghiệm này sẽ hướng dẫn họ đi xa hơn để kinh nghiệm được sự trống rỗng
hay tính không. Mặc dù trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chúng ta
không có một ý niệm gì về tính không, nhưng một khi cái tâm thô kệch bận
rộn biến mất thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự trống rỗng vĩ đại ngay
lập tức. Do đó, hãy chấm dứt cái thô kệch, hãy chấm dứt những ý niệm
lăng xăng lộn xộn, thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được không gian thực, một
cái gì đó trống rỗng. Khi không còn bận bịu, lăng xăng, ồn ào thì sự
rỗng lặng sẽ hiện ra.
Mỗi khi chúng ta diễn tả sunyata, “ thế này, thế này, thế này, tính
không, thế này, thế này, thế này,” âm thanh nghe sao phức tạp, qúa phức
tạp. Có thể giáo lý của Phật giáo qúa phức tạp, qúa ngụy biện chăng. Một
người bình thường không thể hiểu được, không có thể nhận ra được
sunyata. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) nói, “ Thế này, thế này, thế này; ”
Ngài Nguyệt Cái (Chandrakirti) nói, “ Thế này, thế này, thế này.” Qúy vị
có hiểu không? Khi mà những sự bận rộn, những ý niệm u mê lầm lẫn đã
được bỏ đi, đã được cắt vứt đi bởi sự thật, bởi những chứng nghiệm và
kinh nghiệm thật thì sunyata sẽ đến, như tiến trình của sự chết
Bình thường, chúng ta rất xa sự thật: sự thật của chính chúng ta và sự
thật của vạn vật. Tại sao? Bởi vì chúng ta bị che bởi những chiếc mền
qúa nặng nề --mọât, hai, ba...lớp mền u mê, lầm lẫn. Tất cả những chiếc
mền thô kệch này, tâm thô kệch, đã được xây dựng, đã được bồi đắp lên,
vĩ đại như núi Meru, như Hy mã Lạp Sơn, vì thế chúng ta không dễ gì xé
rách được những chiếc mền dầy cộm này.
Trong Phật giáo, chúng tôi dùng những phương pháp thiền định để lấy đi
từ từ những lớp mền này. Đó là sự làm việc của chúng tôi. Bây giờ, để
mang những phương pháp này ra, để thực hiện những cách làm việc này,
chúng ta cần phải hiểu bản tính của tâm chúng ta, tâm của chính chúng ta
không phải của ai khác. Trước nhất, tâm không phải là vật chất, không
phải là sự vật. Nó giống như một năng lực tư tưởng, một năng lực ý thức.
Nó không có hình tượng, không có mầu sắc. Nó là năng lượng vô hình, vô
sắc. Bản tính của nó trong và sạch; nó phản ảnh những hiện tượng ở bên
trong chúng ta. Ngay cả một tư tưởng rất tiêu cực cũng có bản tính
riêng, trong sáng riêng, để nhận sự thật hay để phản chiếu những phóng
tưởng, những vọng tưởng. Thức, hay tâm thức, giống như không gian. Nó
không là những đám mây ô nhiễm. Bản tính của không gian thì khác. Qúy vị
vẫn lắng nghe tôi đấy chứ? Mặc dù có mây đen bao phủ không gian, nhưng
cả hai đều có bản tính riêng, chúng không là nhau.
Sở dĩ tôi nói như vậy bởi vì chúng sinh đã có những xu hướng và đã có
những tiền ý niệm. Chúng ta nghĩ, “ Tôi là một người xấu, tâm của tôi
xấu và đầy tiêu cực.” Chúng ta luôn luôn than, “ Tôi thế này, thế này,
thế này, tâm tôi thế này, thế này..,” “ người tôi thế này, thế này, thế
này...” Chúng ta luôn luôn tự mâu thuẫn. Theo Phật giáo, đây là những
quan niệm sai lầm. Chúng tôi nghĩ: bản tính tự nhiên của không gian thì
không hề bị ô nhiễm; bản tính tự nhiên của ô nhiễm thì không phải là
không gian. Tương tự như vậy, bản tính của tâm thức thì không tiêu cực,
không xấu. Chính Đức Phật đã nói, Phật tính hay Như Lai đều có trong tất
cả mọi chúng sinh, nó thanh tịnh và trong sạch. Đức Di Lặc (Maitreya)
cũng giải thích, nếu anh đem cái trong sạch tự nhiên bỏ vào cục cứt thì
cái bản tính của nó cũng khác với cục cứt, bản tính của cục cứt thì khác
với bản tính trong sạch tự nhiên. Qúy vị vẫn nghe tôi đấy chứ? Giống như
thế...( Xin lỗi qúy vị, ông sư Tây Tạng này không có cái gì tốt để nói
--- ông ấy luôn luôn nói cái xấu !) Nhưng đây là điều quan trọng. Một
cái tâm trong sạch luôn luôn hiện hữu. Một bản tính tự nhiên hay tâm bản
nhiên thì luôn luôn hiện hữu. Bản tính của nó và sự trong sáng của nó
luôn luôn hiện hữu. Nhưng tất cả những ý niệm của chúng ta, tất cả những
chiếc mền nặng nề này đều bị ô nhiễm, đều bị nhiễm độc, chúng che lấp
những giác quan của chúng ta. Nếu không, bản tính của chúng thì trong
sạch; tâm bản nhiên thì trong sạch.
Trước tiên, điều này rất quan trọng, chúng ta phải nhận cho ra bản tính
tự nhiên của chúng ta -nguyên tính của tâm thức- thì không hoàn toàn
tiêu cực, không hoàn toàn xấu. Chúng ta phải nhận ra nó, bản tính của
chúng ta hoàn toàn trong sạch, tâm bản nhiên của chúng ta thanh tịnh,
hiện hữu, ngay ở đây, bây giờ.
Tâm thức của chúng ta có hai đặc tính: tương đối và tuyệt đối. Bản tính
tương đối của tâm thức thì không tiêu cực, không u mê. Thí dụ, theo
người Thiên chúa gíao, linh hồn của con người thì trong sạch, không có
mâu thuẫn, không có xung đột, không có tham lam, sân hận và ganh ghét.
Cũng giống như vậy, một cách tương đối, tâm của chúng sinh có thể đi
thẳng từ cấp độ thấp nhất đến giác ngộ. Nhưng một cái tâm mâu thuẫn
không thể đi như vậy được. Tâm bất mãn, tâm bận rộn không bao giờ có thể
đi từng cấp độ từ thứ nhất đến thứ mười trong Thập địa Bồ tát được hay
tới giác ngộ được. Như vậy bản tính của tâm thức con người, bản tính của
linh hồn con người thì liên tục thăng tiến, thăng tiến, chuyển hóa.
Những chiếc mền u mê lầm lạc không bao giờ thăng tiến. Mỗi lần trong
sạch là mỗi lần u mê, ô nhiễm biến mất, biến mất, biến mất. Tôi hy vọng
rằng qúy vị hiểu được cái đặc tính tương đối của tâm chúng ta.
Đặc tính tuyệt đối của tâm chúng ta hay của linh hồn chúng ta thì không
nhị- nguyên. Cái tâm không nhị-nguyên này không bao giờ bị những cảm xúc
lôi kéo hay quấy rầy. Bản tính tự nhiên của nó luôn luôn trong sạch.
Chúng ta nên hiểu rằng cái tiềm năng nguyên tử lực của mỗi người chúng
ta chính là tâm thức của chúng ta. Tâm thức của chúng ta không hề bị
trộn lẫn với những cái xấu, những sự kiện tiêu cực. Nó có đặc tính riêng
của nó: tương đối và tuyệt đối. Tâm thức giống như đại dương. Những xung
đột của cái tôi giống như những làn sóng. Tất cả những ý niệm và tất cả
những mâu thuẫn giống như những làn sóng nhấp nhô trên tâm thức, ngoài
tâm thức. Chúng nhấp nhô, lên xuống -- whoop, whoop! -- rồi lại trở về
tâm thức.
Hình ảnh đó cho chúng ta thấy mỗi tâm thức hay mỗi linh hồn của riêng
mỗi người chúng ta hoàn toàn trong sạch tự nhiên. Giống như những làn
sóng trên mặt biển, chúng ta có làn sóng tham, làn sóng sân và làn sóng
si. Đồng thời chúng ta cũng có khả năng làm cho tâm của chúng ta yên
tịnh, không lay động, không xáo trộn, chúng ta có thể giữ tâm của chúng
ta như mặt biển không có sóng. Công việc đó Phật giáo gọi là thiền định.
Tất cả những lầm lẫn, tất cả những bất mãn, tất cả những đau khổ đều đến
từ những sự chuyển động, từ những động lực trong tâm của chúng ta. Qúy
vị sợ ư ? Hãy thư dãn, ngồi thoải mái. Hãy nghĩ chúng ta không là người.
Đó là sự thật. Nếu chúng ta nghĩ chúng ta là một người nào đó, chúng ta
sẽ “khớp”. Phải không? Phải! Tốt.
Tất cả những vấn đề, tất cả những gốc rễ sâu xa của tất cả những vấn đề
của con người đang nằm một chỗ nào đó ở bên trong tâm. Thật là có gía
trị, nếu chúng ta trực tiếp kiểm điểm soi tìm nó. Mỗi một người chúng ta
nên thấu hiểu rằng bản tính của chúng ta không hoàn toàn xấu, khổ, đau,
buồn và không có hy vọng. Chúng ta nên kính trọng tự nhiên tính của
chúng ta, sự thanh tịnh của chúng ta, bản tính của chúng ta. Như thế
chúng ta mới có thể bắt đầu kính trọng người khác. Nếu chúng ta chỉ giận
hờn, ganh ghét, ích kỷ, tiêu cực, chán nản và mất hết hy vọng thì chúng
ta cũng chỉ nhìn thấy người khác cũng y như vậy. Thật là nguy hiểm!
Khi chúng ta thiền, tri giác của chúng ta hay thức giác của chúng ta
không phải là một người thiền. Đôi khi người ta nghĩ, vì họ quen dùng
ngũ quan nên những cảm nhận từ giác quan là sự thật. Vì thói quen của
người Tây phương, cái gì họ sờ mó được, thấy được, ngửi được ...vân
vân... là của họ thành ra họ cho tất cả những đối tượng cảm giác là sự
thật.
Thực ra, thức giác chỉ là gỉa, chỉ là một sự đánh lừa. Nó không đủ thông
minh, nó không có khả năng để phân biệt xấu tốt. Đó là lý do tại sao khi
vừa mở mắt ra là chúng ta đã bị quyến rũ ngay, là chúng ta chạy theo
những ý niệm nhị nguyên ngay lập tức. Trong thiền định, những sự lừa đảo
của thói quen tri giác này sẽ tự động chấm dứt.
Gỉa sử chúng ta đang ở trong nhà và đang nghĩ về trái lê, “ Ồ, đây là
một trái lê đẹp.” Ngay trước khi đi chợ, tâm của chúng ta đã tưởng tượng
về trái lê và quyết định sẽ mua lê hôm nay. Vì thế, khi ra chợ, thấy
trái lê là chúng ta bị quyến rũ ngay. Bởi vì chúng ta đã có những tiền ý
tưởng về nó.
Tri giác giống như dân Thụy điển, thức giác giống như chính phủ Thụy
Điển. Chính phủ luôn luôn có những quyết định về dân chúng: thành phần
nào tốt thành phần nào xấu. Đó là lý do tại sao tâm thức luôn luôn có
những tiền ý niệm. Vì thế khi tri giác thấy một sự vật, nếu tâm thức nói
“tốt” thì nó tốt; nếu tâm nói “xấu” thì nó xấu. Đó là lý do tại sao tôi
nói tri giác rất khờ dại, nó không có một chút khả năng phân tích nào.
Nó chỉ có thể nhìn được những gì thô kệch, không có cách nào để nó hiểu
được bản tính, không có cách nào để nó có thể hiểu được thể tính. Không
thể được. Khoa học đã cố gắng hết sức để tìm hiểu sự thật qua những ống
kính siêu hiển vi nhưng đành thất vọng. Phật giáo đã biết điều đó, chúng
ta không thể nào hiểu được sunyata, tính không bằng lý luận, bằng ý
nghĩa.
Buổi trưa nay chúng ta sẽ thiền định trên cái tâm thức riêng của chúng
ta. Chúng ta không nên sợ hãi, chúng ta thường suy nghĩ, “ Làm sao tôi
có thể thiền được khi tôi không biết gì về tâm thức của tôi? Oâng sư này
dậy tôi nên thiền về tâm thức của tôi, nhưng nếu đây là căn nguyên của
mọi vấn đề của tôi thì làm sao tôi có thể thiền về nó được?” Đây, thí
dụ, chúng ta đang ở trong cái phòng này. Mặc dầu chúng ta không trực
tiếp nhìn thấy mặt trời nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy những tia sáng. Vì
thế chúng ta biết, qua những tia sáng nhận được, mặt trời chắc chắn có,
chắc chắn đang hiện diện. Tương tự như vậy, chúng ta biết rằng qua những
kinh nghiệm của chúng ta thì những tư tưởng và những động năng đều có
ảnh hưởng đến tâm thức của chúng ta. Vậy, vì nhận biết có tư tưởng, vì
biết rõ có tư tưởng, vì tỉnh thức trong tất cả những tư tưởng của chúng
ta và có động năng thúc đẩy nên chúng ta có thể thiền định với tâm thức
của chúng ta. Mỗi khi chúng ta quan sát tâm của chúng ta, mỗi khi chúng
ta tỉnh thức trong sự nhìn ngắm tâm của chúng ta, là chúng ta đang thiền
về tâm của chúng ta.
Một cách khác để thiền về tâm của chúng ta là hãy nhận biết nó qua những
kinh nghiệm. Mỗi khi chúng ta nhắm mắt lại chúng ta biết có một vài tư
tưởng đang đến; hãy chỉ biết tư tưởng đang đến. Đừng quan trọng hóa về
tư tưởng tốt hay xấu. Qúy vị có hiểu không? Bản tính của cả tốt và xấu
đều trong sạch bởi vì tâm phản chiếu tất cả mọi hiện tượng.
Bên Tây phương, danh từ “ Thiền ” mang lại nhiều ngộ nhận, hiểu sai. Đôi
khi người ta nghĩ, người ta diễn tả thiền là xiết chặt mình lại, tự thắt
mình lại, có người lại nghĩ thiền là bành trướng ra, mở rộng ra. Cả hai
lối diễn tả này đều sai lầm. Nếu chúng ta mở rộng ra, chúng ta sẽ trở
nên không còn kiểm soát, bị mất tự chủ; nếu chúng ta thu hẹp lại, chúng
ta sẽ trở nên ích kỷ.
Thiền rất là đơn giản. Hãy nhắm mắt lại. Cái gì đang xẩy ra? Sự tỉnh
thức của chúng ta làm việc giống như một cái máy nhậy cảm. Giống như một
cái ra đa. Nếu có một dấu hiệu nào, nếu có một chấn động nào, nếu có một
rung động nào, chúng ta liền nhận ra nó. Chúng ta nhận được, hoàn toàn
tỉnh thức, hoàn toàn biết được cái gì đang xẩy ra. Qúy vị đang nghe tôi
đấy chứ? Đó là tất cả những gì tôi gọi là thiền về tâm thức.
Thiền không có nghĩa là “ Ồ, có ánh sáng! Aùnh sáng đến! Cái này, cái
này, cái này....”. Chúng ta không có đối thoại gì cả. Giả sử chúng ta
đang thiền, chúng ta đang nhận thức những cái ở chung quanh đây -- bầu
trời, chiếc xe đang chạy qua -- chúng ta đang nhìn thấy tất cả. Nhưng,
chúng ta tuyệt nhiên không nói gì cả, như kiểu: “ Những cái xe này đẹp
qúa, chở đầy trái cây và bánh kẹo ra chợ.” Không nên có những kiểu đối
thoại này. Mặc dầu đang nhìn ngắm chúng, nhưng chúng ta cũng cần ở trong
tình trạng kiểm soát, tỉnh thức và tránh tình trạng tâm lơ là, mơ màng,
không được kiểm soát.
Cái gì làm chúng ta không có sự kiểm soát? Chính cái đối thoại -- “Cô ta
như thế này, cô ta nói cái đó, nó bảo như vậy, tôi không thích cái đó,
tôi không thích cô đó, tôi thích, tôi không thích...” -- Chúng ta tự
phản ứng với những cái gì đang diễn ra. Kiểm soát có nghĩa là không phản
ứng. Nếu có ai nói: “Anh là thằng xấu,” chúng ta không phản ứng, chúng
ta không nói lại, “Nó bảo tôi là thằng xấu, tôi (cái tôi) không chịu
được.” Đó là phản ứng. Đó là một cái tâm không kiểm soát. Đó cũng là một
cái tâm bị quấy nhiễu. Theo tôi, có hai hiện tượng trong một cái tâm bị
quấy nhiễu: một là đối tượng tốt đẹp, hai là đối tượng đáng ghét. Bị
quấy rầy có nghĩa là chúng ta không thoát ra khỏi ý nghĩ về đối tượng,
là cứ bị cái đối tượng bắt phải suy nghĩ. Qúy vị có hiểu tôi nói gì
không? Bị quấy rầy có nghĩa là chúng ta không có tự do, không có sự an
lành mà cứ luôn luôn nghĩ, “ cái này, cái này, cái này, cái kia, cái
kia, cái kia.” Đó là bị quấy rầy. Như vậy một cái tâm sân hận, ganh
tương, tham lam, dính mắc là một cái tâm luôn luôn bị phiền nhiễu, bị
quấy rầy. Đó là lý do thiền định dậy chúng ta thói quen không phản ứng
khi bị những đối tượng quấy nhiễu xuất hiện.
Cái gì là ơn ích thực sự và trực tiếp trong sự tỉnh thức hướng về tâm
của chúng ta, thay vì cứ để cho cái hoa này, cô bạn gái kia, anh bồ này
quấy rầy chúng ta? Có những nguồn năng lượng sẽ đến khi chúng ta tỉnh
thức trong cái tâm của chúng ta. Tâm thức tự nó không có cứng ngắc, bền
chặt như xi măng, như sự hiện diện của chậu hoa này, như cô bồ này, như
anh bạn kia. Cái đẹp của sự quan sát hay tỉnh thức trong tâm thức riêng
của chúng ta là nó sẽ hướng dẫn chúng ta phá đổ được những ý niệm cố hữu
của chúng ta; nó sẽ trực tiếp hướng dẫn chúng ta cởi bỏ những lớp mền
nặng nề của u mê, của mù quáng để kinh nghiệm được sự rỗng lặng, tính
không. Để giải quyết những vấn đề, chúng ta cần những kinh nghiệm của
chính chúng ta, của chính tâm chúng ta, như vậy chúng ta mới có thể phá
vỡ được những ý niệm. Từ đó, chúng ta mới có đủ can đảm, đủ khả năng,
chúng ta mới có thể nói được: “ Ô, tôi có thể làm bất cứ gì, nếu muốn
giải quyết những rắc rối, những trở ngại, tôi có thể làm được.” Theo
Phật giáo, đó là con đường mà tất cả mọi chúng sinh có thể tự giải phóng
cho chính mình.
Chúng ta rất thông minh. Chúng ta thường phán đoán, thường phê bình,
“tốt/xấu, tốt/xấu, đẹp/xấu, đẹp/xấu.” Chúng ta luôn luôn như vậy. Nhưng
khi thiền, chúng ta chấm dứt nói tốt/xấu, tốt/xấu. Chấm dứt sự thông
minh phê phán tốt/xấu. Đây chính là nhị nguyên. Khi tâm chúng ta bị phân
tán --tốt/xấu, tốt/xấu, tốt/xấu -- Hãy chấm dứt! Hãy ngưng lại, chỉ tỉnh
thức, chỉ chú tâm. Như mặt trăng, như mặt trời. Chúng không suy nghĩ,
“Tôi đang làm cho người Thụy điển ấm áp” hay “ Tôi đang cho người Thụy
điển ánh sáng. Tội nghiệp họ !” Mặt trăng và mặt trời không bao giờ nói
như vậy. Hãy như mặt trăng, hãy như mặt trời. Đó là điều quan trọng.
Đức Di Lặc nói rằng tất cả những sách vở, giáo lý, kinh thánh...vân
vân... giống như những chiếc cầu. Để đi qua sông chúng ta cần những
chiếc cầu. Sau khi đã qua sông, hãy nói “ cầu ơi, chào mi.” Sau khi đã
qua sông, không còn lý do gì để nghĩ, “ chiếc cầu này qúa tốt,” hay
“cuốn kinh này tốt qúa.” Nói như vậy, nghĩ như vậy chỉ tỏ cho chúng ta
biết chúng ta đang bám víu, đang bị dính mắc vào chiếc cầu, vào kinh
sách.
Vậy, nó chỉ có lý khi chúng ta dùng trí phân biệt để biết gía trị
tốt/xấu. Nhưng lúc nào cũng “tốt/xấu, tốt/xấu, tốt/xấu” thì chẳng còn
gía trị chút nào. Vì thế, mặc dầu chúng ta cần trí phân biệt nhưng có
lúc chúng ta nên đi ra ngoài nó.
Làm thế nào tâm tỉnh thức có thể hướng dẫn chúng ta đến những kinh
nghiệm không nhị-nguyên? Qúy vị có thể nói lại rằng, luôn luôn có hai
cái hoa, có mặt trăng và mặt trời, có rất nhiều người. Vậy thì làm thế
nào có thể kinh nghiệm được không nhị-nguyên trong khi nhị-nguyên vẫn
luôn luôn có đó, vẫn luôn luôn hiện diện ở đây?
Nhị-nguyên là gía trị công ước của sự thật, do con người bằng lòng với
nhau. Khi chúng ta có kinh nghiệm về không nhị-nguyên không có nghĩa là
chúng ta bị bắt buộc tin có thượng đế; nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ
hiểu sâu rộng hơn về sự thật, về tất cả những tập tục và những công ước,
khi đã hiểu được chúng thì chúng không còn lay động tâm chúng ta nữa. Đó
là lý do tại sao chúng ta không nên tranh cãi khi chúng ta đang cố gắng
có kinh nghiệm về không nhị-nguyên.
Trong lúc thiền, chúng ta không nên thắc mắc, “ Tại sao tôi phải làm cái
này? làm cái này thế nào? làm cái này để làm gì? Có hai cái hoa, sao ông
sư này lại nói không được nhị-nguyên?” Cái kiểu thắc mắc này, cái kiểu
tranh luận này chúng ta nên chấm dứt ngay. Chúng ta đang cố gắng đạt
được kinh nghiệm, chúng ta không nên phá hủy bông hoa. Qúy vị có hiểu
không? Chúng ta đang cố gắng phát triển khả năng tỉnh thức và tìm hiểu
toàn thể sự thật về bông hoa.
Theo quan điểm của Phật giáo, khi chúng ta tập trung vào tính không nhị-
nguyên của bông hoa thì ngay tại thời điểm đó kinh nghiệm về bông hoa sẽ
biến, những công ước về bông hoa sẽ biến mất trong kinh nghiệm, trong
chứng nghiệm. Qúy vị đang nghe tôi nói phải không? Vậy, khi chúng ta
kinh nghiệm về tính không nhị-nguyên của chính chúng ta thì ngay tại lúc
đó trong tâm của chúng ta không còn ý niệm thất vọng về chính chúng ta
--Tất cả đều biến mất. Không còn thắc mắc, “tôi đẹp hay xấu?” Qúy vị có
hiểu tôi muốn nói gì không? Những sự liên hệ về một sự đối thoại liền
biến mất. Ngay tại giây phút kinh nghiệm đó không còn ý niệm về sắc đẹp.
Do đó không còn sự lo lắng nào về nhan sắc tàn phai. Khi sự lo lắng gỉam
đi thì những vết nhăn cũng giảm đi.
Chúng ta đang thảo luận về một trạng thái của kinh nghiệm, kinh nghiệm
của tâm thức, chúng ta không nên lo lắng băn khoăn, “ tôi sẽ biến mất,
tất cả mọi sự đang biến mất, có thể tôi sẽ chấm dứt con người hư vô
này.” Chúng ta không nên lo lắng về điều đó. Phải vậy không qúy vị? Chỉ
nên phá đổ cho tan tành những ý niệm sai lầm, về một triều đại của cái
tôi. Trong lúc thiền định, hãy chỉ tỉnh thức trên cái tâm thức của chính
mình. Cũng đừng diễn dịch, cũng đừng nghĩ cái tâm của chính mình là tốt
hay xấu. Hãy là và hãy ra đi ! Qúy vị có hiểu không? “Hãy ra đi” không
có nghĩa là chúng ta biến mất; chỉ có nghĩa là chúng ta đi trong sự tỉnh
thức. Sự tỉnh thức giống như mặt trời, chiếu những tia tỉnh thức --rồi
ra đi. Hãy là ! Hãy ra đi ! Vậy là đủ rồi!
Mỗi khi chúng ta nhắm mắt lại, hãy thư dãn, thoải mái, tỉnh thức. Thỉnh
thoảng có những mầu sắc xuất hiện, hãy để chúng đến rồi đi. Đừng suy
nghĩ về những mầu trắng xuất hiện, đừng nói chuyện với chúng. Đừng thắc
mắc về chúng. Chỉ theo dõi, chỉ tỉnh thức. Nói cách khác, bất cứ cái gì
tâm thức của chúng ta đang kinh nghiệm được trong lúc này, hãy chỉ là,
hãy chỉ tỉnh thức, hãy chỉ biết sự liên tục của trí nhớ của chúng ta mà
thôi.
Tôi nghĩ rằng đã hết giờ rồi, phải không? Qúy vị coi giờ xem sao? Bởi vì
tôi đang ở đây nên tôi phải giữ đúng giờ, qúy vị thông cảm. Điều mà tôi
đang cố gắng giải thích là chúng ta chỉ nên đơn giản cố gắng kinh nghiệm
được một vài điều trong cuối tuần này, hãy phá hủy chiếc mền u mê của
chúng ta đi, như vậy cuối tuần này mới thực có gía trị. Qúy vị có hiểu
không?
Đây là sự cảm nhận của tôi, quyền làm người của tôi nói với qúy vị. Qúy
vị không cần phải tin bất cứ điều gì tôi trình bày. Không có gì bắt buộc
qúy vị cả, không có một trách nhiệm nào, không có một bổn phận nào bắt
qúy vị phải tin những vấn đề tôi trình bày. Hãy chỉ đơn giản tự kinh
nghiệm chúng. Oâng sư này nói: có được một chút kinh nghiệm nào hay là
không? Chỉ vậy thôi. Không có kinh nghiệm về thiền thì không giải thoát
được; như vậy Phật giáo chẳng giúp gì được.
Nó rất đơn giản. Chúng ta không cần phải trở nên một đại thiền gỉa; chỉ
cần thoải mái và tỉnh thức. Đừng phê phán những nhận thức của chúng ta
tốt hay xấu; chỉ cần tỉnh thức về tất cả những tri thức của chính chúng
ta mà không diễn dịch nó ra dưới bất cứ một hình thưc nào cả. Như thị,
hãy là như vậy. Ngay cả những ý tưởng xấu đến, đừng lo lắng về nó cũng
đừng xua đuổi nó. Bản tính của những tư tưởng xấu cũng vẫn là tri thức
trong sạch.
Đừng nói chuyện với những đối tượng xẩy ra. Đây là điều tệ hại nhất của
thiền định. Chúng ta chỉ nên tỉnh thức với tâm thức của chính chúng ta.
Khi một ý tưởng xuất hiện, đừng vội xua đuổi nó, như nghĩ : “ Ồ, không
được, cái này xấu.” Đừng tức giận như vậy. Chỉ quan sát chúng, chỉ tỉnh
thức, chỉ biết chúng đang như vậy. Đừng đối thoại, như thế này: “ Ô, đẹp
qúa, tốt qúa, ...qúa, ...qúa, huyền diệu qúa...” Đừng đối thoại, đừng
diễn dịch. Hãy chấm dứt tất cả mọi hình thức này, chỉ tỉnh thức! Sự tỉnh
thức này sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng không còn nhị nguyên, không còn
phiền nhiễu.
Tôi nghĩ đã trễ giờ. Khi bắt đầu đi vào con đường thiền định, trước nhất
hãy tìm hiểu cái động năng nào đang thúc đẩy chúng ta. Nếu chúng ta cảm
thấy chẳng có động năng nào cả, hãy ngồi thở tự nhiên. Sau đó, chỉ quan
sát, chỉ theo dõi cái ý nghĩ riêng của chúng ta. Tôi nghĩ rằng đã qúa đủ
rồi. Tôi không cần phải giải thích thêm nữa. Qúy vị sẽ thực hành, phải
không? Cám ơn nhiều lắm và sẽ gặp qúy vị lại vào chiều nay.
Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã tạo nên rất nhiều kinh nghiệm
hão huyền, tại lúc chết chúng ta lại càng sản xuất ra những phản ứng sai
lầm, lú lẫn. Vì càng về gìa, bốn nguyên tố càng bị chìm lặn đi, lại càng
tăng thêm sự lầm lẫn, lại càng mất đi sự sáng suốt. Càng về gìa, những
cảm nhận của các cơ quan trong người càng yếu đi; bốn nguyên tố bắt đầu
ngưng hoạt động. Người thì mất thị giác hoặc nhìn cái này ra cái kia,
người thì đi lại khó khăn hoặc không còn có sự kiểm soát bình thường.
Khi chúng tôi nói “nguyên tố đất (địa đại) chìm đi” thì chỉ là ngôn từ.
Nó có nghĩa là những thành phần cứng - xương cốt trong thân thể - bắt
đầu hư hoại. Những cơ quan cảm nhận của người gìa bị hư hoại, chúng
không còn có khả năng nhìn rõ ràng, làm việc đúng. Nguyên tố địa đại đã
bắt đầu bị suy thoái, có khi ngay cả khi còn trẻ.
Không phải chỉ có những giác quan bị suy thoái mà ngũ uẩn - những nhận
thức của năm giác quan - cũng trở nên yếu dần, vì thế chúng mang lại
những sự lầm lẫn và hư ảo. Ngay cả xúc giác cũng bị suy thoái, không còn
cho chúng ta những khoái cảm. Khi chúng ta bị nhiễm trùng hay bị bệnh,
những thứ như thức ăn, mầu sắc, hình dáng...vân vân...cũng không còn cho
chúng ta những khoái cảm mà thường ngày vẫn có. Chúng ta không còn cảm
giác với những đối tượng hấp dẫn, ngay cả khi đứng trước một đóa hoa
tươi thắm. Bông hoa ngay ở đây mà chúng ta cũng chẳng còn hứng thú gì.
Có khi nó còn làm chúng ta thêm bực mình: “ Bông hoa đỏ này đang ghét,
đem vất nó đi!” Những người bị bệnh, những người bị khó chịu ở trong
người thường có những phản ứng như vậy.
Sự suy thoái của tứ đại có ảnh hưởng đến tâm lý, chúng là nguyên nhân
của những kinh nghiệm ở nội tâm, chúng cho những ảo ảnh, như sương khói
như lửa chập chờn. Tất cả đều là những kinh nghiệm ở bên trong, ở nội
tâm, không có lửa ở bên ngoài. Họ cảm thấy nóng, thấy lạnh nên họ cứ lẩm
bẩm: “Hãy đổ nước đi,” hay “ Hãy dập tắt lửa đi.” Sự lầm lẫn, lẩm cẩm
xẩy ra ở bên trong. Họ cảm thấy lửa đang cháy, đang thiêu đốt họ ở bên
trong. Đó là những ảo cảnh đang xẩy ra ở bên trong. Họ thấy như có lửa,
có nước thực sự, nên những nhận xét của tâm thức chỉ toàn là những sai
lạc, huyễn ảo. Nếu chúng ta có thể tưởng tượng được những hình ảnh này,
chúng ta sẽ hiểu rất rõ.
Thông thường, cái tôi của chúng ta cứ muốn nắm bắt những đối tượng.
Nhưng ở thời điểm tan rã của tứ đại thì những đối tượng ở bên ngoài đều
tan biến. Chúng ta chỉ thấy, chỉ kinh nghiệm những hình ảnh giả đầy
huyễn ảo. Chúng ta mất hết những cái chúng ta muốn nắm bắt, muốn chiếm
đoạt nên chúng ta đâm ra sợ hãi. Cùng lúc đó chúng ta cũng không còn
nhận ra chúng ta nữa. Trong khi chúng ta đang cảm nghiệm sự chìm dần của
tứ đại cùng những ảo ảnh của chúng để lại thì chúng ta hãy nhớ rằng năm
giác quan và năm nhận thức cũng đang suy thoái. Nên biết rằng cả một đời
chúng ta ôm ấp cái tôi của chúng ta thì bây giờ đây nó đang từ từ biến
mất, chúng ta mất nó, chúng ta đâm ra sợ hãi, sợ hãi vô cùng. Trong đời
sống thường ngày, cái tôi là bạn chí thân của chúng ta, nó luôn luôn làm
cho chúng ta cảm thấy an lòng. Nhưng bây giờ, khi mà tất cả mọi sự đang
tàn phai, đang tan rã thì cả bên trong lẫn bên ngoài đều cho chúng ta sự
sợ hãi, chúng ta mất hết nơi bám víu, chúng ta mất hết điểm tựa, chúng
ta mất hết sự an toàn.
Bằng sự thực hành thiền định, chúng ta tự giáo dục chúng ta những gì sẽ
xẩy ra trong lúc chết để chúng ta nhận diện được những sự việc gây ra ảo
giác trong tâm thức chúng ta. Hãy nhận biết rằng những ảo giác này không
phải tự chúng mà có được và chúng ta cũng chẳng có liên hệ gì với những
đối tượng hão huyền đó, nhận biết này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính
không, về sự rỗng lặng.
Chúng ta không nên nghĩ và tin rằng “CÁI-TÔI-ĐANG-CÓ-ĐÂY” là có thật.
Chúng tôi cố gắng dùng những từ ngữ giáo dục như “ không có nhị-nguyên
TÔI.” Chúng tôi cố gắng dồn vào qúy vị: “không có cái TÔI hiện hữu.”
Chúng tôi cố gắng giải thích một cách thông minh, nhưng tại thời điểm
chết sự thúc đẩy thông minh này không còn cần thiết, vì chúng ta sẽ mất
cái hiện hữu của chúng ta một cách rất tự nhiên. Đó là lý do tại sao
trong lúc thiền, có rất nhiều người chứng nghiệm được sự mất cái tôi của
họ và họ đâm ra sợ hãi. Đó là điều rất tốt, chúng ta nên sợ !
Những ông sư Tây tạng muốn làm cho qúy vị sợ. Người Tây phương không
thích sợ. Tuy nhiên, chúng tôi có tài làm cho qúy vị sợ. Đã có rất nhiều
người có kinh nghiệm này. Tại sao chúng ta lại sợ khi mất một cái gì?
Mất cái tôi có nghĩa là mất cái tự hữu hay mất cái ý niệm bền chắc về
một cái tôi --đó là điều làm chúng ta run sợ. Cái phóng tưởng, cái vọng
tưởng về một cái tôi có thật đang run sợ. Đó không phải là cái không
nhị-nguyên hay cái bản tính tự nhiên của chúng ta run sợ, chính cái tâm
vọng tưởng run sợ.
Trong lúc Lạt ma Je Tsong Khapa đang giảng dậy về tính không, một người
đệ tử ruột của ngài ngộ tính không. Ngay trong lúc đang nghe giảng, ông
ta run lên vì ông ta cảm thấy mình biến mất, hoàn toàn biến mất. Nên ông
ta liền ôm lấy chính ông ta và cả người ông ta rung lên. Lắng nghe sự
giảng dậy về tính không và chứng nghiệm về tính không đến cùng một lúc.
Nên có những sự kiện như vậy. Do đó sự khám phá ra bản tính tự nhiên của
chúng ta sẽ phá đổ tất cả những ý niệm vững chắc về một cái tôi huyễn
ảo.
Bên Tây phương có rất nhiều nghĩa khác nhau về từ ngữ “ Mất cái tự ngã,
mất cái tôi.” Có hàng trăm lối giải thích khác nhau về chữ “ Self, tôi,
thằng tôi, cái bản ngã, tự ngã, ích kỷ, của tôi, tự tôi, chính
tôi,......TÔI ! ” Bởi vì đã có những tiền ý niệm nên chúng ta nhất định
bản tính của chúng ta “ Tôi là thế này ! ” Chúng ta tự cho nó thường
hằng bất biến, không bao giờ mất, tự có như vậy đời đời kiếp kiếp. Tương
tự như vậy, khi người Thiên Chúa giáo diễn tả về linh hồn, họ đã sáng
tạo nên một cái tôi, họ nghĩ, “Tôi thế này, thế kia, đây là tôi.” Họ có
một tiền ý niệm rất mạnh mẽ về họ là ai, họ là cái gì. Cái “tôi ” này
không hiện hữu, không có, nó chỉ là một phóng tưởng về một cái tôi của
riêng anh.
Thí dụ, khi một người tự giới thiệu họ, bằng cách nói, “ tôi như vậy đó,
là chồng của một bà như vậy đó, ” ông ta trình diện một khái niệm về cái
tôi của ông ta như là một người chồng tự hiện hữu. Do đó ông ta tự coi
ông ta một cách vững chắc là người chồng như vậy và ngay khi đó ông ta
xây dựng, ông ta phóng chiếu hình ảnh người vợ của ông ta cũng phải như
vậy. Oâng ta trình diện ông ta trong chiều hướng đó và tin tưởng rằng “
vợ tôi cũng phải như vậy, một người vợ tự hiện hữu như vậy.” Kết qủa, ý
niệm này đã mang đến toàn là đau khổ. Cho tới khi nào sự có mặt của tôi
còn tùy thuộc vào sự có mặt của vợ tôi, sự hiện hữu của vợ tôi còn lệ
thuộc vào sự hiện hữu của tôi thì khi vợ tôi mất đi tôi cũng phải mất đi
! Qúy vị có hiểu không? Vậy, khi ông ta cho ông ta là một người chồng
như thế nào thì ông ta cũng phóng tưởng người vợ phải như vậy. Rồi khi
ông ta không được là người chồng như vậy, người vợ của ông ta không như
ông ta tưởng, nó khác, nó thay đổi, nó luôn luôn thay đổi mỗi ngày, ông
ta liền nổi cáu với thực tại, ông ta liền nổi sùng với sự thật.
Ngay cả những người trẻ tuổi Tây phương cũng trải qua sự lầm lạc này.
Khi vừa mở mắt, họ đã hỏi, “Tôi sẽ làm cái gì ở xã hội Thụy điển này?
Tôi sẽ là một kỹ sư? một khoa học gia?...” Họ muốn xác nhận họ với một
vài cái gì đó. Họ cảm thấy, “tôi muốn một chức vụ.” Những người bạn trẻ
rất là bối rối bởi vì xã hội này nói với họ, “anh phải là như thế, chị
phải như vậy.” Một đàng họ tin cái này, đàng khác họ lại tin cái kia.
Đúng ra, họ muốn có một cách nào đó để xác nhận họ nhưng họ không tìm ra
cách nào cả, dù là một sự xác nhận tạm thời, rồi họ trở nên điên loạn.
Họ dùng thuốc, họ cảm thấy mất hết hy vọng: “ Tôi không xác định được
tôi, tốt hơn tôi nên bỏ cuộc.” Điều này không có nghĩa là họ không có
một cái tôi. Họ đã có một cái tôi rồi. Tuy nhiên, cái tôi của họ muốn
xác nhận một cái khác nữa. Họ đã có một tiền ý niệm về họ là ai, nhưng
họ vẫn muốn thêm nữa, một cái hay hơn để bỏ thêm vào cái kho tiền ý niệm
của họ, nhưng họ đã không tìm thấy cái nào.
Cái hình ảnh ôm giữ cái tôi như là một thực thể tự hiện hữu này rất dễ
nhận ra. Không khó lắm. Ngay bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy cái hình
ảnh mà chúng ta muốn là, hay cái hình ảnh về một cái tôi mà chúng ta
hằng mơ tưởng. Ngay ở đây, ngay bây giờ, chúng ta hãy thử kiểm chứng xem
sao. Ngay từ khi chúng ta có tiền ý niệm về hình ảnh của chính chúng ta
là chúng ta bắt đầu có vấn đề. Chúng ta luôn luôn tự mâu thuẫn, “tôi vẫn
chưa tốt đủ”, nguyên nhân là chúng ta đang ôm giữ. Nếu chúng ta tự kiểm
điểm theo phương pháp này, chúng ta có thể hiểu được chúng ta đã bị ô
nhiễm như thế nào, nó cho chúng ta biết chúng ta chưa hề chạm được sự
thật -- qúy vị có thể biết ngay bây giờ. Vì chúng ta tự cho chúng ta một
phóng tưởng giới hạn, một hình ảnh giới hạn nên nó trở nên một căn bản
cho tất cả mọi thứ: giới hạn về tình yêu, giới hạn về trí tuệ, giới hạn
về lòng từ bi... Chúng ta đã thiết lập một căn bản giới hạn cho chính
chúng ta, chúng ta đã trở nên chật hẹp. Vì lý do đó, tất cả mọi thứ
trong cuộc đời của chúng ta --đời sống, trí tuệ, tình yêu...--cũng trở
nên chật hẹp. Bởi vì chúng ta đã tự giới hạn chúng ta chật hẹp như vậy.
Vào lúc chết, khi mà tứ đại bắt đầu chìm thì tất cả những ý niệm thô
kệch về chúng ta, về những lạc thú của chúng ta, về những sinh hoạt của
chúng ta, về bạn bè của chúng ta, về an toàn, về tình yêu, về lòng từ
bi,... tất cả đều tan biến hết. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói khi mà
phong đại (khí) chìm vào tâm thức, thì 80 hình ảnh u mê về cái tôi biến
mất. Khi đó 80 hình ảnh này chấm dứt. Tại nội tâm, chúng ta sẽ kinh
nghiệm được sự vắng lặng vĩ đại, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự trống
rỗng vĩ đại, như bầu trời xanh kia; chúng ta sẽ chứng nghiệm được, sẽ
kinh nghiệm được tự bên trong hoàn toàn rỗng lặng. Bình thường, chúng ta
qúa bận rộn với những ý niệm ô nhiễm, với 80 hình ảnh u mê, nên không
còn chỗ để nhìn thấy sự thật.
Vào giờ của tử thần, tất cả những ý niệm về nhị nguyên biến mất, nó cho
phép chúng ta chạm được sự thật. Đó là tất cả những gì chúng ta sẽ kinh
nghiệm được. Cũng thế, năng lượng vật chất của chúng ta thường ngày đi
sai đường, lạc lối, bị ô nhiễm, bị thất thoát. Nhưng tại lúc chết, tất
cả những nguồn năng lượng này được kết tụ lại một cách tự nhiên vào kinh
mạch chính, kinh mạch trung tâm (shushuma) nên chúng ta sẽ kinh nghiệm
được sự đại lạc, sự rỗng lặng tuyệt đối. Đó là lý do tại sao mật tông
thường chăm chú vào việc đưa năng lượng vào kinh mạch chính. Chúng ta
đặt hết sự chú ý vào các luân xa để dẫn năng lượng vào kinh mạch chính.
Mỗi khi chúng ta tập trung vào luân xa rốn (quen gọi là luân xa đan
điền, hay luân xa 3. --Dg), luân xa trái tim, luân xa cổ họng, luân xa ở
giữa hai chân mày, luân xa đỉnh đầu là chúng ta thẩm thấu vào thể vi tế,
vào kinh mạch trung tâm, rót tất cả năng lượng vào đó, chấm dứt ngay tất
cả những hướng đi sai lạc của năng lượng. Vì thế tất cả những vị hành
gỉa du gìa nam (yogis) cũng như nữ (yoginis) kiểm soát năng lượng của họ
bằng cách thiền đi vào kinh mạch chính, trong lúc thiền họ có những kinh
nghiệm giống y như lúc chết.
Sau khi tứ đại đã chìm hẳn, hơi thở liền ngưng. Bốn linh ảnh bắt đầu
xuất hiện: linh ảnh có mầu trắng, đỏ, đen và trong sáng. Bốn linh ảnh
này sẽ hội tụ tại kinh mạch chính. Linh ảnh có mầu trắng phản ảnh năng
lượng trắng, tượng trưng cho cha; tâm thức của người chết sẽ kinh nghiệm
được không gian bao la rỗng lặng, giống như những tia sáng trắng. Cũng
như thế, mầu đỏ phản ảnh năng lượng đỏ, sẽ hội tụ vào kinh mạch chính,
nó tượng trưng cho mẹ; tâm thức của người chết sẽ kinh nghiệm được màu
đỏ trong không gian bao la. Trong mật tông họ giải thích rằng trong mỗi
một người chúng ta đều có những nguồn năng lượng âm dương kết hợp này,
hai năng lượng này luôn luôn có trong chúng ta. Sau khi linh ảnh đỏ biến
mất, linh ảnh đen sẽ xuất hiện rất ngắn ngủi.
Rồi linh ảnh trong sáng đến, có nghĩa là tâm thức của người chết sẽ kinh
nghiệm được toàn thể sự bao la vĩ đại của không gian rỗng lặng. Vào
trong không gian rỗng lặng tuyệt đối này sẽ kinh nghiệm được, sẽ cảm
nghiệm được sự thật tuyệt đối của sự trong sạch, cũng gọi là chứng
nghiệm ánh sáng trong suốt. Trong cả thời gian kinh nghiệm ánh sáng
trong suốt này tâm thức của người chết sẽ không còn biết được bất cứ một
cảm giác trần tục nào nữa. Sẽ không còn một chút ý niệm nào về một người
đàn bà đẹp, một người đàn ông lịch sự của Thụy điển, cũng chẳng còn một
tiệm buôn bán nào ở đây; cũng không còn một buổi hội họp nào trong tòa
nhà Liên hiệp quốc; tại giây phút đó không còn một chút gì bận bịu của
Thụy điển. Trong khi kinh nghiệm ánh sáng trong suốt này, tất cả mọi
hình thức của cái tôi đều tan biến hết --tôi hãnh diện, tôi tham lam,
tôi ganh tị, tôi ...tôi... đều tan biến. Tất cả những trầm uất, hình ảnh
đen tối biến mất; tâm thức của người chết chỉ kinh nghiệm có ánh sáng
trong suốt mà thôi.
Đây, đây là điều vô cùng quan trọng để hiểu. Khi chúng ta đang bị ô
nhiễm, chúng ta không tỉnh thức. Chúng ta cứng nhắc, chẳng có chút uyển
chuyển nào, không cởi mở, chúng ta lầm lạc, vì thế chúng ta không trong
sạch. Nên tất cả những thức giác chỉ kinh nghiệm được sự đen tối. Nhưng
phải hiểu rằng chúng ta vẫn trong sạch, chúng ta vẫn luôn luôn biết ánh
sáng ở ngay trước chúng ta. Tôi tin chắc chắn rằng qúy vị biết điều đó,
kinh nghiệm được điều đó, nhưng , vì vô minh, mà chúng ta bị ô nhiễm,
chúng ta bị mù, chúng ta không còn thấy gì cả. Khi tâm chúng ta trong
sạch thì ngay lúc đó ánh sáng sẽ chiếu soi. Nếu chúng ta lầm lẫn, sai
lạc và không trong sạch thì những hình ảnh ô nhiễm sẽ xuất hiện ngay lập
tức trong tâm của chúng ta và ngay trước mặt chúng ta. Đây là một điều
vô cùng quan trọng mà chúng ta phải hiểu, phải biết.
Khi chúng ta cảm thấy u uất, nặng nề ở bên trong là tâm của chúng ta
không còn hoạt động. Ngay khi chúng ta cảm thấy đời sống của chúng ta
tràn đầy u tối, mặc dù chúng ta có đi ra ngoài trời trong sáng kia chúng
ta cũng chẳng thấy gì, chỉ thấy một mầu đen tối. Nhưng khi tâm hồn trong
sáng thoải mái, dù bầu trời có âm u chúng ta cũng vẫn cảm thấy tươi vui.
Đây là tất cả những gì tôi muốn trình bày với qúy vị. Có bao nhiêu người
trong qúy vị ở đây có được kinh nghiệm này? Nó rất đơn giản. Tôi không
bao giờ nói những chuyện cao xa ở mãi trên kia. Hãy tỉnh thức.
Càng bối rối, lầm lẫn trong cuộc đời, càng xác định được những phản ảnh
trong cuộc sống. Cũng giống như vậy, nội tâm càng trong sạch an tịnh,
ngoại cảnh càng an vui, hạnh phúc. Quý vị hãy tự phân tích lấy, nó rất
đơn giản. Nó không phải là kinh nghiệm của thiền định mà là những cảm
nhận trong cuộc sống. Mỗi khi chúng ta xuống tinh thần, rất tiêu cực,
chúng ta có thể nhìn thấy một cách rất dễ dàng đời sống ở bên ngoài cũng
phản ảnh như vậy. Nhưng khi tâm hồn lành mạnh, trong sáng thì những cảnh
sống ở bên ngoài cũng dễ dàng vui tươi, cũng xẩy ra trong sáng. Đó là
điều quan trọng nhưng rất dễ hiểu. Nó không qúa cao, nó không khó hiểu.
Nó rất dễ cảm nhận. Chúng ta đang nói về tiêu cực và tích cực, vui và
buồn, phải chăng đây là công việc của chúng ta? Công việc của chúng ta
là cố gắng trở lên tích cực, vui tươi và có thể thực hành được; vậy hãy
cố gắng phân tích lãnh vực này, làn sóng này.
Tôi sẽ trình bày theo một khía cạnh khác. Chúng ta đã đọc tiểu sử của
rất nhiều Lạt ma, họ luôn luôn có những linh ảnh trong sáng về các vị
thần linh, như Phật, Văn Thù Sư Lợi, Quan Thế Aâm...vân vân...Họ luôn
luôn có những linh ảnh trong sáng này xuất hiện ra với họ. Nhưng chúng
ta lại luôn luôn có những hình ảnh tức giận, tham lam, ganh ghét hoặc vô
minh xuất hiện. Đây là điều rất dễ hiểu và đơn giản, phải không qúy vị?
Mặc dù chúng ta là người nhưng có những người luôn luôn có những linh
ảnh trong sáng, có những người lại luôn luôn thấy những hình ảnh đen
tối. Chẳng có gì qúa phức tạp trong vấn đề này, rất dễ hiểu.
Nếu chúng ta chú trọng và nhận xét thật kỹ vào những kiểu mẫu mà chúng
ta thường có, thường gặp như những linh ảnh, âm thanh, hình ảnh... xuất
hiện ra trong tâm thức chúng ta thì chúng ta có thể phân tích được những
giấc mơ và những hình ảnh đó. Điều này không khó lắm khi chúng ta muốn
tìm hiểu ý nghĩa của những gì xuất hiện trong tâm của chúng ta. Đó là
việc ích lợi nếu chúng ta phân tích nó. Đây là điều vô cùng quan trọng
để chúng ta học hỏi về nghiệp. Mặc dù chúng ta vẫn nói: “ nghiệp như thế
này, thế này...,” ‘nghiệp như thế này, thế này’ không gây được sự chú ý
ở chúng ta, nhưng khi kinh nghiệm được nghiệp, chúng ta sẽ làm chủ được
sự hiểu biết, chúng ta sẽ làm chủ được sự tỉnh thức, chúng ta sẽ làm chủ
được tâm thức của chúng ta về bất cứ sự việc gì sẽ xẩy ra cho cuộc đời
của chúng ta, trong từng ngày từng tháng -- nó sẽ giúp chúng ta hiểu
được nghiệp.
Chúng ta đã được nghe, có rất nhiều đại thiền gỉa vẫn còn ở trong tình
trạng thiền định mặc dù ông ta đã chết. Khi họ đạt tới trạng thái kinh
nghiệm ánh sáng trong suốt, vị hành gỉa ở ngay trong đó. Họ có thể ở
trong trạng thái đó cả ngày, cả tuần hay có khi cả tháng. Vì thế, mặc
dầu hơi thở đã ngưng nhưng họ vẫn còn sống cho nhiều tháng nhiều tuần.
Cho tới khi nào họ còn ở trong trạng thái thiền định là họ còn sống, họ
chưa chết.
Vậy, điều quan trọng cho những thiền giả Thụy sĩ là hãy thay đổi luật
nhân quyền của họ. Nhưng họ cần xin phép chính quyền Thụy sĩ ! --“ Ngài
có ý nói gì khi ngài nói ‘xin phép để thiền?’ Chúng tôi không cần, chúng
tôi đã có phép rồi.” --Sau khi chết, đừng đụng chạm vào thân xác của
những thiền giả cho đến khi năng lượng thoát ra khỏi mũi của họ hay bất
cứ phần nào trên thân thể của họ. Đó là giấy phép mà quý vị cần.
Chúng tôi cũng có một cách giải thích khác: có một số lạt ma lại nói
rằng kinh nghiệm ánh sáng trong suốt là kinh nghiệm tính không; người
khác lại cho rằng đó là kinh nghiệm tính không giả, nó không phải là
kinh nghiệm tính không thật. Họ tranh luận về điểm này. Vậy, làm thế nào
người ta có thể nói họ kinh nghiệm được tính không? Có lẽ không phải
việc của chúng ta để tranh cãi về kinh nghiệm được tính không hay là
không kinh nghiệm được nó. Công việc của chúng ta là chấm dứt những ý
niệm cứng ngắc và những u mê. Ở ngay cái giây phút chúng ta kinh nghiệm
được không nhị -nguyên hay không có một cái tôi hiện hữu, thế là đủ rồi.
Vậy chúng ta không nên tranh luận.
Chúng ta có thể nói với nhau, theo kiểu thông minh hóa, tôi có thể hỏi,
“Kinh nghiệm của anh về tính không là gì?” Anh có thể trả lời, ” Ô, kinh
nghiệm của tôi về tính không là lúc tôi không có bạn trai, bạn gái hay
không cần một thỏi sô cô la.” Tôi hỏi lại, “ Tại sao? ” và cuộc tranh
luận bắt đầu, “Không cần một thỏi sô cô la, đó không phải là tính
không.” Quý vị có hiểu không? Tôi có thể tranh luận kiểu khác, “Không có
vấn đề gì về chính trị -- đó là kinh nghiệm của anh về tính không. Hừm.
Đó không phải là tính không.” Chúng ta có thể tranh luận bằng bất cứ một
cách nào. Có thể tôi đang cố gắng thuyết phục anh rằng đó không phải là
kinh nghiệm về tính không.
Bây giờ, với sự thực hành, chúng ta đang xây dựng một kinh nghiệm về
tính không từ cái-không-là-gì cả. Chúng ta cần phải xây dựng kinh nghiệm
về tính không. Chúng ta cần phải xây dựng một chút kinh nghiệm về tính
không --từ kinh nghiệm tính không thời trẻ con, kinh nghiệm tính không
thời thanh thiếu niên, kinh nghiệm tính không thời trung niên, kinh
nghiệm tính không thời lão niên, đến một kinh nghiệm tính không vĩ đại.
Chúng ta đang nói về kinh nghiệm, không phải về sự thông minh. Có rất
nhiều người nghĩ tính không phải như thế này thế kia, nên khi họ có kinh
nghiệm tính không họ bảo nó không đúng! Đó chỉ là cách thông minh hóa
tính không mà thôi. Đó không phải là lối trình bày mạch lạc về một kinh
nghiệm. Sự mạch lạc có nghĩa là chúng ta bắt đầu từ từ, từ từ, từ từ.
Chúng ta xây dựng từ từ mỗi lúc một chút kinh nghiệm về tính không và
giảm bớt đi, giảm bớt đi những ý niệm cứng nhắc. Vì thế, tại sao nói về
tính không một cách thông minh và thực sự kinh nghiệm tính không hoàn
toàn khác nhau.
Ngay tại lúc kinh nghiệm về ánh sáng trong suốt ngưng, là có sự xuất
hiện ngược lại. Người chết báét đầu thấy mầu trắng, đỏ rồi đen rồi ánh
sáng trong. Bây giờ, khi ánh sáng trong ngưng thì mầu đen hay mầu tối sẽ
khởi lên. Rồi từ mầu tối này, chuyển qua mầu đỏ rồi trắng, rồi tất cả
các ảo ảnh đều xuất hiện.
Bây giờ chúng ta bắt đầu nói về thân trung ấm (bardo) Đừng vội vàng,
đừng hối hả, tôi muốn qúy vị hiểu vấn đề này một cách thật rõ ràng, thật
trong sáng. Trong tiến trình của sự chết, ngay tại thời điểm kinh nghiệm
ánh sáng trong suốt ngừng, chừng một giây, chúng ta liền trở thành thân
trong thân trung ấm. Chúng ta sẽ kinh nghiệm mầu đen, đến mầu đỏ rồi
chuyển qua mầu trắng. Cái tôi của chúng ta cũng hiện diện ở đây. Trong
cái trạng thái đầy ô nhiễm này, nếu chúng ta chú ý và nhạy cảm chúng ta
sẽ thấy một vài loại mầu sắc nữa. Thí dụ, nếu lòng tham hay sự ganh ghét
nổi lên mạnh bạo thì nó sẽ chế ngự mầu sắc khác. Vì thế chúng ta nên để
ý đến những loại hình ảnh này. Kinh nghiệm trong tiến trình của sự chết
cũng giống như trong lúc ngủ. Tiến trình này không chỉ xuất hiện trong
lúc chết mà nó còn xuất hiện trong lúc ngủ hay lúc chúng ta bị ngất xỉu.
Mỗi khi chúng ta bị kích thích mạnh, chúng ta cũng có những kinh nghiệm
như lúc chết. Chúng ta nên thận trọng. Mặc dầu chúng ta đã có những kinh
nghiệm về sự chết rất nhiều lần nhưng chúng ta đã không biết, đã không
có đủ sự chú ý để nhận biết nó. Nên chúng ta đã không hiểu được những
kinh nghiệm riêng của chúng ta.
Như chúng ta thấy đó, tiến trình của sự chết không có gì là bất thường
hoặc qúa xa lạ. Chúng ta đã trải qua rất nhiều lần, mỗi khi chúng ta đạt
đến một cực điểm là chúng ta có kinh nghiệm về sự chết. Đã từng có những
nguyên tố trong người bị chìm mất mà chúng ta không biết bởi vì chúng ta
còn đang mải mê trong vô minh mà không để ý đến chúng. Nếu chúng ta có
nhạy cảm và thực sự theo dõi từng hành động của chúng ta, chúng ta sẽ
nhận biết được những sự chết này xẩy ra trong đời sống thường ngày của
chúng ta. Chúng ta đã từng có kinh nghiệm, ngay cả trước khi biết đến
thiền.
Chúng ta đã từng có rất nhiều kinh nghiệm qúi gía, thực sự là như vậy.
Tôi không nói rằng chúng ta là những đại thiền gỉa nhưng tất cả chúng ta
đã từng có những kinh nghiệm qúi báu. Thật là quan trọng để biết được
những điều này, thật là quan trọng để chú ý đến chúng và cũng thật là
quan trọng nếu gợi lại được những kinh nghiệm qúi gía này. Như thế,
chúng ta sẽ tự tin hơn và đời sống tâm linh của chúng ta cũng sẽ lớn
mạnh hơn. Chúng sẽ giúp chúng ta hơn. Nếu không được như vậy, chúng ta
đã tiêu phí, đã vất đi biết bao nhiêu điều gía trị vào thùng rác như
những người Thụy điển vất rác đi mỗi ngày. Thật là hoang phí. Chúng ta
có rất nhiều kinh nghiệm tâm linh mà chúng ta cứ vất đi, trong khi đó
chúng ta lại đem vào người, khoác vào người những chiếc mền nặng nề
trong từng giây phút. Cái gì chúng ta là, cái gì chúng ta kinh nghiệm
được, chúng ta không thể mua được bằng tiền; chúng là giá trị quí giá
của chúng ta. Nhưng thay vì như vậy, chúng ta lại cố gắng quên chúng đi,
vất chúng đi mà đi khoác vào người những cái mà không phải là chúng ta
-- thật là điên cuồng!
Bây giờ, tốt hơn, chúng ta hãy trở về công việc của chúng ta. Hãy quán
tưởng chủng tử OM AH HUM. Hãy cố gắng quán tưởng chủng tử OM mầu trắng
đang ở trong giữa khối óc của chúng ta. Hãy nhận thức rằng chủng tử
trắng OM là nguồn năng lượng tinh khiết của những lời nói thánh thiện,
âm thanh thánh thiện và thân thể thánh thiện của chư Phật, chư Bồ Tát
hay của bất cứ vị nào mà chúng ta nghĩ rằng thanh tịnh.
Sau khi tụng âm OM, hãy tưởng tượng những tia sáng trắng đầy năng lượng
OM đang tràn vào thân thể của chúng ta, rồi vào kinh mạch chính của
chúng ta, thấm nhập hết vào thân thể chúng ta. Như vậy tất cả những ý
niệm, tất cả những nguồn năng lượng bị ô nhiễm của thân xác sẽ được
thanh tẩy trọn vẹn. Toàn thể thân xác của chúng ta từ đỉnh đầu đến ngón
chân, ngón tay đều được thấm nhuần sự an tịnh, sự an lạc của những tia
sáng trắng này. Hãy cảm nhận như vậy. Hãy tụng âm OM khoảng hai đến ba
phút trong lúc thiền để thanh tịnh thân xác. Ngay sau khi ngưng tụng mật
chú OM, hãy chỉ tỉnh thức, đừng nghĩ đến tốt hay xấu, không phản ứng gì
cả, không đối thoại (ở nội tâm) gì cả, hãy dành tất cả sự chú ý vào ánh
sáng tâm thức tại giữa não bộ. Hãy ở đó. Hãy chỉ tỉnh thức, rồi ra đi --
mà không một chút trì trệ, xao lãng nào cả.
Trước khi chấm dứt bài giảng này, chúng ta hãy cùng nhau thiền một chút.
Không cần phải gò bó, hãy tự nhiên, hãy thực sự thoải mái, hãy để cho
năng lượng trôi chảy tự nhiên, hãy chỉ là. Hãy để cho năng lượng của hơi
thở được tự nhiên luân chuyển. Đừng nghĩ rằng chúng ta đang thiền, đừng
nghĩ rằng chúng ta là một thiền gia. Đừng nghĩ chúng ta là một người
khiêm tốn. Đừng nghĩ chúng ta là người chấp ngã. Đừng nghĩ bất cứ một
cái gì, một vấn đề gì. Hãy chỉ là ! Hãy chỉ đang là !
Hãy để hai tay của qúy vị ở vị trí nào cũng được, sao cho thật thoải
mái; hãy nhắm mắt lại. Hãy quán tưởng chủng tử trắng OM đang ở trong óc
của chúng ta. Tụng âm OM liên tục trong khoảng ba phút. Đồng thời, từ
OM, nguồn năng lượng an lạc Kundalini (nguồn tâm hỏa trong người, có nơi
còn gọi là con hỏa xà, bình thường nó ngủ tại luân xa 1. --Dg) ) đang
tràn lan khắp thân thể chúng ta, đi đến đâu nó thanh tẩy tất cả những ô
nhiễm đến đó. Hãy quán tưởng toàn thân thể của chúng ta đang tràn ngập
ánh sáng. Đây là việc làm vô cùng quan trọng. Tất cả đều tràn ngập những
tia sáng năng lượng. Năng lượng sáng này giúp chúng ta phá đổ tất cả
những ý niệm nhị nguyên kiên cố kết tụ lâu đời lâu kiếp ở chúng ta .
(Lặp lại âm OM )
Được rồi. Hãy ở trong trạng thái tỉnh thức -- rồi ra đi, đừng nghĩ gì
cả. Hãy là!
( Mọi người thiền )
Sự tỉnh thức dẫn chúng ta đến trạng thái zero, không còn bản ngã, trống
không, vắng lặng, không. Hãy tỉnh thức, rồi hãy ra đi.
( Mọi người tiếp tục thiền )
Được rồi. Tốt hơn hãy ngừng ở đây không thì chúng ta biến mất hết. Cám
ơn qúy vị nhiều lắm.
Ngày hôm qua chúng ta đã thảo luận với nhau về những ảo ảnh xuất hiện
trong lúc chết. Theo quan niệm của Phật giáo thì tất cả những lầm lạc,
ảo ảnh và ô nhiễm này đều bắt nguồn từ ba nguyên nhân, từ tam độc: tham
sân và si.
Tất cả những ảo ảnh đều từ ba độc tố này mà ra. Nếu chúng ta không có ba
độc tố này thì chúng ta sẽ không có bất cứ một vấn đề nào trong lúc
chết. Nếu được như vậy thì chết sẽ là một sự bình an, một đại lạc. Đó là
điều quan trọng. Chúng tôi diễn tả sự chết là sự nhận chìm, là sự thẩm
thấu của tứ đại, khi chúng chìm đi chúng để lại những ảo ảnh. Chỉ có
những người nào bị tam độc hành hạ mới có những sự mất cân bằng khi tứ
đại ra đi. Tứ đại chìm đi có nghĩa là tứ đại không còn cân bằng. Trong
kinh thư của Tây tạng danh từ đất, nước và lửa “chìm”, nhưng thực ra
chúng không chìm vào nhau. Theo danh từ khoa học, nó bị suy đồi hay bị
mất cân bằng. Như vậy, khi một “đại” biến mất là một ảo ảnh xuất hiện,
một “đại” khác tan biến là một ảo ảnh khác xuất hiện.
Nguyên nhân thoái hoá của những năng-lượng-không-cân-bằng trong cơ thể
là tam độc. Sách y khoa của người Tây tạng giải thích rằng lòng ham muốn
sản xuất ra “lung”. Có nghĩa là khí không còn cân bằng. Một khi lòng
tham dấy lên là khí trong người không còn đều hoà, nó làm cho hơi thở
trở nên nặng nề khó luân chuyển.
Lòng sân hận ganh ghét sản xuất ra mật đắng. Vô minh sản xuất ra TB (ho
lao). Lòng tham lam vô độ sản xuất ra xung khí, nó có ảnh hưởng đến hệ
thần kinh. Lòng thù hận sản xuất ra qúa nhiều mật đắng có hại cho hỏa
đại. Vô minh sản xuất ra nước. Nếu năng lượng trong người mà hoạt động
mạnh qúa, hoạt động qúa sức, nó sẽ kích động mạnh tứ đại làm cho con
người xáo trộn, kết qủa là sẽ có nhiều lầm lẫn, lộn xộn xẩy ra. Sự thắng
thế của một đại trong tứ đại sẽ tạo nên một sự mất thăng bằng trong cơ
thể, nó có thể giết chúng ta. Khí lực (phong đại) trong cơ thể của chúng
ta là nguồn sinh khí phải không? Nhưng khi nó không còn cân bằng, nó sẽ
trở thành tử khí. Cũng vậy, trái tim của chúng ta, sức ấm của chúng ta,
cũng là những nguồn sinh lực, nếu nó bị thất thoát cũng sẽ gây ra rất
nhiều phiền phức.
Chúng ta cần nước, phải không? Nhưng nếu có qúa nhiều nước, chúng ta
cũng bị chết. Vì thế, nếu tứ đại cân bằng với nhau ở trong cơ thể của
chúng ta thì chúng ta sẽ có sức khỏe tốt. Nhưng khi một trong tứ đại này
mất cân bằng là toàn thể con người bị ảnh hưởng, bị xáo trộn. Đó là sự
thật, sự thật về con người của chúng ta.
Rất nhiều người Tây phương đã đọc cuốn Tử Thư Tây Tạng, trong đó diễn tả
rất nhiều cảnh kinh khủng, như có nhiều người đến tay cầm dao búa, nhiều
người xông đến để chém giết chúng ta. Họ rất là hung dữ, tàn bạo. Đó
chính là lòng ham muốn của chúng ta đã sản xuất ra những hình ảnh kinh
khủng này.Tôi tin vào sự kiện này, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta,
chúng ta đã tích tụ biết bao nhiêu là âm lực (năng lượng âm), biết bao
nhiêu là điều không đúng sự thật và biết bao nhiêu lớp mền xấu xa nặng
nề từ khi sinh ra đến bây giờ, cộng thêm với những kiếp trước nữa nữa.
Cuộc đời của chúng ta hầu như chỉ để sản xuất ra những sai lầm và u mê?
Một lần tôi được nghe kể, có những danh ca đã bán được rất nhiều đĩa
nhạc trên khắp thế giới, nếu chúng ta xếp những đĩa nhạc này chồng lên
nhau, có thể nó sẽ cao gấp hai lần núi Hy Mã Lạp Sơn. Giống như vậy,
những sản phẩm của chúng ta về chiếc mền nặng nề cũng có thể cao gấp ba,
gấp bốn lần dãy Hy Mã Lạp Sơn. Do đó, vì những dấu ấn lầm lẫn mà chúng
ta đã có, đã tích tụ, đã in sâu vào tâm thức của chúng ta từ muôn vàn
kiếp nên chúng ta sẽ thấy, sẽ kinh nghiệm được tất cả những thứ này
trong tiến trình của sự chết.
Thí dụ trong thế giới Tây phương, mỗi khi chúng ta nghe một người mắc
bệnh ung thư, thì, “ Bị ung thư -- hãy đi vào nhà thương.” Chúng ta có
thể tưởng tượng được bệnh nhân sẽ như thế nào trong những ngày tháng nằm
ở nhà thương không? Tôi nghĩ rằng đây chính là địa ngục. Tôi không cần
phải nghe bất cứ lời diễn tả nào về cảnh địa ngục nữa. Mặc dầu chúng ta
đã có rất nhiều sách nói về cảnh địa ngục, đối với tôi, đây là qúa đủ để
nhìn thấy những đau khổ mà người mắc bệnh ung thư này đang phải chịu.
Một sự đau khổ bất thường. Một sự đau đớn hơn bất cứ một sự đau đớn nào,
hơn cả một con vật. Qúy vị hãy tự cảm lấy; không thể tin nổi. Đôi khi
chúng ta ý thức được, nhưng rồi chúng ta lại không ý thức và tiến trình
của sự chết lại lặp lại.
Thật là khủng khiếp, đây chính là kinh nghiệm cảnh điạ ngục. Nó giống y
hệt ở thân trung ấm. Một hình ảnh hung dữ xuất hiện. Chính là tử thần.
Nó muốn nuốt tươi chúng ta. Đây chính là con ma đói của chúng ta.
Năm 1978 tôi đến San Francisco để thăm một số người bị bệnh ung thư. Sau
khi thăm họ, tôi không ngủ được, nó qúa đau đớn cho tôi. Giống như xem
cảnh địa ngục. Tôi không thể ngủ được.
Điều quan trọng là hãy cố gắng giữ sự trong sạch càng nhiều càng tốt.
Mỗi một ngày nên cố gắng giữ sự trong sạch càng nhiều càng tốt. Hãy giữ
chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng trong sạch, đừng tạo thêm ô nhiễm
qua thân khẩu và ý của chúng ta nữa. Như vậy sẽ không có vấn đề gì xẩy
ra cả. Tâm chúng ta cân bằng thì thân thể chúng ta cũng cân bằng, như
vậy chúng ta sẽ tránh được bệnh tật.
Khi sự rối loạn, sự lộn xộn xẩy đến trong lúc thiền, hãy coi chúng chỉ
là những ảo ảnh không có thật. Cũng như thế, trong tiến trình của sự
chết chúng ta coi những hiện tượng xẩy ra đều không có tự tính và không
thật nên chúng ta sẽ bớt sợ hơn, sẽ vững tin hơn. Tất cả đều tùy thuộc
vào thái độ của chúng ta đặt trên những hiện tượng xẩy ra. Nếu qúa sợ
hãi, chúng ta sẽ mất hết sự kiểm soát, sự tự chủ. Nếu một hiện tượng
xuất hiện ra mà chúng ta có ý chí mạnh để đối diện với chúng thì chúng
ta sẽ dễ dàng kiểm soát được hoàn cảnh.
Thí dụ, một người không thể nào chịu đựng nổi một cơn bệnh trầm trọng,
một sự nhiễm trùng nặng nề hay không thể nào đương đầu với sự thất bại
thảm thiết. Họ không thể nào giữ cho họ được thanh thản, được an tĩnh
trước những cơn khủng khoảng này. Nhưng nếu một người chết một cách tự
nhiên, không vì cơn bệnh trầm trọng, không vì sự trầm uất thì họ sẽ dễ
dàng giữ cho họ được an bình hơn, được sáng suốt trong giờ phút quan
trọng này hơn. Chúng ta có thể nhìn được điều này. Nói rõ hơn, cấp độ tự
chủ, cấp độ tỉnh thức, cấp độ sợ hãi trong tiến trình của sự chết hoàn
toàn tùy thuộc vào sự nặng nhẹ của tham sân và si.
Chúng ta có thể thắc mắc, làm sao lại tham lam trong lúc chết được. Lòng
tham lam đến từ tâm. Ngay cả trong lúc tỉnh, cuộc sống của chúng ta bị
dẫn dắt bởi những tư tưởng tham, chiếm hữu, tranh giành, muốn. Trong lúc
chết, thân xác của chúng ta thì đóng lại nhưng tư tưởng vẫn tiếp tục
đến, vẫn nuối tiếc dĩ vãng vẫn níu kéo tương lai. Giống như trong lúc
mơ. Tư tưởng tham cũng như vậy. Nó rất mạnh, vì thế ngay trong lúc thân
xác bắt đầu lạnh, ngay trong lúc thân xác không còn cử động, tam độc
cũng vẫn làm việc mãnh liệt ở bên trong.
Hạnh phúc thay những người chết một cách tự nhiên, một cách nhẹ nhàng mà
không bị những chiếc mền nặng nề lôi kéo. Phúc đức cho họ là họ còn tỉnh
thức, còn tự chủ, còn trong sạch. Do đó, khi tứ đại chìm đi, để lại
những ảo ảnh dữ tợn họ vẫn tỉnh thức để nhận diện chúng là ảo, là gỉa,
không có thật. Họ không có một ý niệm gì về một tự tính của thủy đại,
của hỏa đại...vân vân... vì thế họ còn tự chủ. Và rồi từ từ, từ từ từng
“đại” chìm đi, thẩm thấu đi, rồi chúng sẽ trở nên trong sáng hơn, trong
sáng hơn và hợp nhất hơn giữa vô tự tính và vô nhị-nguyên tính. Và rồi
chúng sẽ từ từ được dẫn đến tình trạng ánh sáng trong suốt. Tình trạng
này sẽ hoàn toàn giúp đỡ chứ không gây một trở ngại nào. Nó giúp người
chết hoà nhập trong sự thật, trong nhất thể. Vì thế, có điều lợi và cũng
có điều bất lợi.
Chúng ta không nên quá lo lắng và sợ hãi chết sẽ khó khăn, sẽ tái sinh
là súc vật, beo, cọp, lừa, khỉ hay vào ba cõi thấp nhất. Tôi nói rằng
chúng ta không nên sợ hãi lo lắng bởi vì chúng ta có lòng từ bi, chúng
ta nên phát triển lòng từ bi. Người nào có lòng từ bi với tất cả chúng
sinh tại lúc chết thì sẽ không bao giờ sợ hãi bất cứ một cõi nào cả. Với
tình thương bao la thì không thể nào vào ba cõi thấp được.
Bây giờ chúng ta lại bắt đầu thiền. Lần trước chúng ta đã thanh tẩy thân
xác, thanh tẩy nghiệp của thân. Bây giờ chúng ta thanh tẩy khẩu, lời
nói, ngôn từ của chúng ta, thanh tẩy nghiệp của miệng lưỡi. Hãy nghĩ
chủng tử đỏ AH tại luân xa cổ họng. Những tia sáng năng lượng có mầu đỏ
phát ra từ chủng tử AH. Quán tưởng chủng tử đỏ AH là những lời nói thanh
khiết của chư Phật và của chư Bồ tát.
Thanh tẩy có nghĩa là thanh tịnh tâm không được kiểm soát, tâm không
tỉnh thức và những lời nói phát ra từ miệng có liên hệ hoạt động đến
những người khác, vật khác, sự kiện khác.... Lời nói tiêu cực, lời nói
xấu sẽ làm người khác đau khổ vì sự không thành thật, vì vu cáo hay vì
phỉ báng. Tâm trong sáng, lời nói thành thật, lời nói được kiểm soát là
phương cách thanh tẩy ngôn ngữ không trong sáng và không được kiểm soát.
Vậy hãy quán tưởng chủng tử đỏ AH. Mầu đỏ AH này giống như mầu đỏ của
mặt trời lúc hoàng hôn. Hãy quán tưởng những tia sáng mầu đỏ AH tại luân
xa ở cổ họng của chúng ta. Toàn thân thể chúng ta được tràn ngập, được
bao bọc bởi những tia sáng năng lượng an tịnh này. Trong cùng lúc đó hãy
tụng âm AH nhiều lần, và cũng như lần trước, hãy chỉ là trong tình trạng
tỉnh thức của chính tâm mình. Hãy chỉ đang là! Hãy an trú trong đó mà
không khởi lên bất cứ ý tưởng nào, không diễn dịch, không đối thoại. Hãy
chỉ là như vậy, hãy chỉ là chính sự tỉnh thức.
( Lặp lại AH )
Hãy thẩm thấu kinh nghiệm vô nhị-nguyên, vô tự tính của bản ngã, vô,
không, zero, không gian rỗng lặng như sự thật, như thực thể, trống rỗng,
lặng thinh. Nguồn năng lượng vô biên này đang thấm nhập vào chúng ta.
Một sự thẩm thấu mạnh mẽ. Kinh nghiệm này thực tế hơn những cảm giác mơ
hồ từ những giác quan của chúng ta. Nếu có một tư tưởng không được kiểm
soát đến quấy nhiễu, như ở trong thân trung ấm (bardo), hãy coi như
không phải chỉ xẩy ra cho riêng anh mà nó xẩy ra cho tất cả mọi chúng
sinh, tất cả mọi chúng sinh đều có tình trạng này. Hãy phát triển tâm
bình đẳng và lòng từ bi, lòng yêu thương đến tất cả muôn loài. Hãy dành
tình yêu thương cho tất cả muôn loài.
Tâm không tỉnh thức, tâm rối loạn là nguồn phát ra năng lực yêu thương.
Khi lòng yêu thương dâng trào, hãy hướng tất cả những năng lực tình yêu
này vào tâm thức của chúng ta.
Vậy, có hai vấn đề: hãy đặt sự tỉnh thức vào tâm của chính chúng ta hay
khi có sự rối loạn, sự bất an xẩy ra, hãy chú ý hướng năng lực tình yêu
vào tâm thức của chính chúng ta. Hãy luân phiên thay đổi hai sự kiện
này.
Kế tiếp, năng lực tình yêu của chúng ta sẽ thị hiện trong kinh mạch
chính (shushuma) tại luân xa trái tim của chúng ta như là một vầng trăng
sáng tròn đầy. Hãy quán tưởng tại trái tim, trên một vầng trăng, có
những tia sáng mầu xanh của chủng tử HUM. Đây là năng lượng trí tuệ vô
nhị-nguyên của chư vị Phật và chư vị Bồ Tát. Trái tim của chúng ta hoàn
toàn trong sạch, an tịnh, được mở ra bởi những tia sáng của vầng trăng
và chủng tử HUM. Những tia sáng xanh vô tận đang phát ra từ HUM. Tất cả
những tư tưởng chật hẹp, nông cạn đều phải tan biến đi. Tâm bấn loạn,
tâm không an tịnh đang từ từ chuyển hóa, đang từ từ tan biến. Tâm chiếm
hữu, tâm bám víu đang từ từ tan biến.
Từ chủng tử HUM và từ vầng trăng có những tia sáng đang dần dần lan toả
ra khắp thân thể chúng ta. Thân thể tràn ngập sự an lạc. Tâm nhị nguyên
đang được tràn ngập bởi những làn ánh sáng xanh vô tận.
Trong lúc này hãy tụng âm HUM khoảng hai, ba phút. Sau hai phút này, hãy
cảm nhận những làn sáng xanh, như tâm thức của chúng ta, đang bao trùm
khắp vũ trụ. Sự tỉnh thức của chúng ta đang bao trùm khắp vũ trụ. Hãy
cảm nhận và hãy là, mà không có một chút diễn dịch hay suy đoán nào.
( Lặp lại HUM )
Vậy, chúng ta cần có hai kinh nghiệm: trí tuệ và phương pháp. Kinh
nghiệm trí tuệ là sự tỉnh thức của thực tại tâm thức của chúng ta. Đây
là con đường trí tuệ. Phương pháp là mỗi khi chúng ta rơi vào trạng thái
mù mờ, mất kiểm soát: chính kinh nghiệm bấn loạn này là căn nguyên tạo
ra lòng từ bi và khi sự rối loạn ra đi hãy an trú ngay vào trí tuệ. Nhắc
lại hai sự việc là: khi không có vấn đề, hãy chú ý vào trí tuệ; khi bị
rối loạn, hãy dùng phương pháp, phát triển lòng từ bi. Như thế, chúng ta
có hai công việc phải làm mỗi ngày.
( Trở lại thiền định )
Hãy thường tụng niệm câu mật chú OM AH HUM. Khi không tiện để tụng dài
(ngân dài) câu mật chú này, hãy đọc đơn giản OM AH HUM. Nó cũng đại diện
cho cả câu mật chú. Đặc biệt khi tụng âm OM, âm này sẽ đánh thức tất cả
mọi hiện tượng, tất cả mọi cõi giới trong vũ trụ; sự tỉnh thức được kích
thích, nó sẽ đánh thức tâm thức của chúng ta.
Tôi được nghe nói các nhà khoa học đã có kinh nghiệm về âm thanh khôi
phục, bồi dưỡng bộ óc của chúng ta, mặc dầu họ chưa hiểu nó làm việc như
thế nào. Họ đã và đang phân tích, nghiên cứu sự kiện âm thanh có ảnh
hưởng đến việc khôi phục bộ óc. Họ đã khám phá ra mật chú có tác dụng
làm thức dậy sự sinh hoạt của bộ óc, thay vì để chúng im lìm say ngủ.
Khi chúng ta tụng “Ommmmmmmm”, chúng ta có thể thấy toàn thể hệ thống
thần kinh của chúng ta bị kích thích. Vì thế, thiền định có gía trị đánh
thức thay vì ngủ mê ---thức dậy trong tri giác bao la của toàn diện thực
tại chứ không phải thức dậy trong u mê, ảo mộng của nhị-nguyên. Mật chú
chạm vào thực thể bao la rộng lớn. Đó là lý do mật chú thường được sử
dụng.
Tôi nghĩ rằng tôi nên chấm dứt sự trình bày của tôi ở đây. Điều vô cùng
quan trọng là bằng mọi cách, chúng ta phải thực sự đi vào tình trạng
trong sáng, không phải chỉ dùng trí thông minh mà thôi. Với những kinh
nghiệm trong thiền định, chúng ta có thể thay thế, chúng ta có thể cấy
sự tỉnh thức của chúng ta vào trong tâm thức của chúng ta thay vì để nó
bị rối loạn hoặc ù lì. Được như vậy là đủ tốt rồi. Cấy sự tỉnh thức vào
trong tâm thức là phương pháp của Phật giáo, như là thiết lập một hỏa
tiễn nguyên tử. Hướng sự tỉnh thức vào trong tâm thức của chúng ta cũng
như thiết lập một giàn hỏa tiễn nguyên tử để phóng vào không gian vô
nhị-nguyên. Chúng ta hãy tự “thiết lập”, đừng bắt chước theo cách này
hay cách kia. Chỉ đặc biệt chú ý vào sự tỉnh thức hay vào chính tâm thức
của chúng ta, hệ thống hỏa tiễn nguyên tử nội tại sẽ được kích hỏa, hay
sẽ được sửa chữa, để phóng vào không gian vô nhị-nguyên.
Nói một cách khác, nếu chúng ta thành thật quyết tâm thiền định theo
phương pháp này, tôi bảo đảm với qúy vị, nếu cần tôi ký giấy bảo đảm
cũng được, qúy vị sẽ có kinh nghiệm về gía trị của vô nhị-nguyên. Để
giải thích thêm một lần nữa: khi chúng ta chứng nghiệm được vô
nhị-nguyên, được tính không, thì ngay tại lúc đó, hãy có một sự tỉnh
thức mãnh liệt, một sự chú ý mãnh liệt, và hãy có một sự lãnh hội sâu xa
về nó. Đó là sự thật. Đó là thực thể. Đừng “hỏi và nêu nhiều ý kiến”,
đừng thắc mắc “cái này, cái kia”, hãy xây dựng, hãy phát triển một sự
mãnh liệt mạnh bạo ở bên trong. Tôi không biết phải diễn tả qua ngôn ngữ
như thế nào. Nhưng bằng bất cứ một cách nào đó ở tận bên trong, sức mạnh
nội tâm ở sâu thẳm bên trong sẽ thấu hiểu được, sẽ lãnh hội được sự tỉnh
thức của tâm là một thực tại, là chính thực thể, sự tỉnh thức chính là
thực tại.
Tại sao lại phải đặc biệt chú ý đến việc cần phải có một sức mạnh lãnh
hội này? Thông thường chúng ta nghĩ rằng tất cả những ảo giác là sự thật
rồi bám víu vào chúng, vồ chụp chúng. Nhưng khi chúng ta kinh nghiệm
được, chứng nghiệm được vô nhị-nguyên, chúng ta liền hiểu ngay rằng đó
cũng chỉ là những thói quen của chúng ta, chính những thói quen này làm
chúng ta tin tưởng vào những ảo giác là sự thật, là vững vàng. Vì thế
những kinh nghiệm nội tâm là một cái gì đó không có thực, đó chỉ là sự
đảo ngược của tư tưởng. Qúy vị đang nghe tôi đấy chứ? Đó là lý do tại
sao cần phải có sức mạnh, cần phải mãnh liệt !
Tôi nghĩ rằng quá đủ rồi. Tôi đã không giải thích nhiều về thân trung ấm
(bardo), vì phải dùng qúa nhiều trí thông minh và rất khó giải thích về
làm thế nào để một người có thể tái sinh trở lại; nó cần rất nhiều giờ,
rất nhiều chi tiết. Tuy nhiên sự quan trọng vẫn là kinh nghiệm, sự chứng
nghiệm. Vì thế, chúng ta mới biết rằng chúng ta có khả năng đi vào cõi
trung gian bằng kinh nghiệm thay vì bằng những lời nói “ như vậy, như
vậy, thân trung ấm, như vậy, như vậy, bardo như vậy, như vậy, tái sinh
như vậy, như vậy...” Qua kinh nghiệm của qúy vị, qúy vị sẽ tự khám phá
ra.
Bây giờ, qúy vị có thể hỏi ba câu hỏi ngắn. Chắc chắn là tôi đã chọc
tức, đã làm mất lòng một số qúy vị ở đây. Vì thế, những điều gì tôi nói
không có lý ở đây, những điều gì tôi đã làm cho qúy vị hoang mang, nghi
ngờ, xin hãy tự nhiên đặt câu hỏi.
Thính gỉa: Chúng ta có thể giúp người đang chết như thế nào?
Lạt ma: Tùy thuộc vào căn bản hiểu biết, tôn giáo, kiến thức,... của
người đang chết. Nhưng dù họ có bất cứ kiến thức nào, theo bất cứ tôn
giáo nào, việc quan trọng là chúng ta cần đánh thức họ, kích thích họ
tỉnh thức. Điều vô cùng quan trọng là chúng ta không nên chọc tức họ.
Khi họ sẵn sàng ra đi, hãy để họ một mình. Đừng cố gắng nói gì cả, như
“dùng thuốc đi” hay “hãy ký vào đây”. Một điều vô cùng trở ngại cho
người chết là sự khóc lóc, than vãn, như “ Trời ơi, anh sắp chết rồi.”
Thí dụ, tôi là ông bố sắp chết của anh, anh đến bên tôi, anh khóc: “Bố
ơi, nếu bố chết, con sống làm sao đây?” Như vậy tôi bị quấy rầy qúa làm
sao tôi có thể tập trung vào tình trạng của tôi trong lúc này. Do đó,
hãy để cho người ta ra đi, được không? Đừng gây xúc động qúa, đừng gây
tức bực qúa, đừng quấy rầy qúa; hãy để họ được bình an, yên tĩnh. Đó là
điều vô cùng quan trọng. Càng cho họ niềm tự tin càng tốt. Hãy cố gắng
khuyên họ, như : “Khi anh chết, anh sẽ hạnh phúc lắm, đừng lo lắng gì
cả, tất cả mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Đây là lúc tốt nhất để ra đi. Chúc anh
lên đường bình an.” Bất cứ một cái gì kích thích lòng ham muốn, lòng bám
víu, lòng ganh ghét, lòng thù hận, lòng luyến tiếc đều không tốt, đều
tai hại cho họ. Sự yên tĩnh, một bầu không khí an lành là tốt đẹp nhất.
Nếu họ là một tín đồ Thiên Chúa giáo, hãy nói với họ, “Anh hãy yên tâm,
Chúa sẽ săn sóc anh, anh là người có diễm phúc, anh sẽ được vào thiên
đàng hưởng nhan thánh Chúa.” Một hành động tích cực trong lúc này là sự
cần thiết, bởi vì mặc dù trong lúc này anh ta không là người sùng đạo
lắm nhưng ở sâu thẳm trong tâm hồn anh ta, anh ta vẫn cần một cái gì để
bám vào, cần một cơ hội để qui thuận. Vậy, khi chúng ta nói, “Jesus” hay
“Chúa”, vô thức của anh ta sẽ bắt được. Đây là một việc làm tốt, tôi tin
rằng chúng ta có thể giúp họ như vậy.
Có rất nhiều người Tây phương nói rằng họ chẳng có gì để làm với tôn
giáo tại địa phương họ; nhưng tôi nhận thấy rằng tôn giáo tại địa phương
của họ rất có ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong đời sống thường ngày của
họ và ngay cả tinh thần của họ. Trong vô thức họ là người Thiên Chúa
giáo, mặc dầu họ vẫn tự xưng “Tôi không muốn theo đạo Chúa.” Vì thế, khi
vào giờ phút nguy kịch, họ không có gì để bám vào, nếu chúng ta nói,
“Chúa” hay “Jesus” thì có một cái gì đó bắt được họ, chạm đến họ. Dĩ
nhiên, nếu họ là Phật tử, chúng ta có thể nói, “Buddha” !
Thính gỉa: Chúng ta có thể làm cái gì cho một người đang trên giường
chết mà nói, “Tôi sẽ vào địa ngục”?
Lạt ma: Đúng, đó là sự thật. Thỉnh thoảng họ có thể nhìn thấy họ đang
trên đường đi vào địa ngục, nên họ kêu lên, “Tôi thấy tôi đang đi vào
địa ngục.” Tôi nghĩ, với những người này rất khó giúp họ bằng sự thông
minh của chúng ta; chỉ còn sự hy vọng. Có thể giúp họ bằng những viên
thuốc an thần để cho họ an tĩnh lại thay vì tăng thêm sự lầm lẫn, sự xáo
trộn, bởi vì năng lượng của họ qúa nhiều. Chỉ có cách đó mới có thể giúp
họ từ từ. Ngoài ra tôi nghĩ rằng rất khó.
Thính gỉa: Trong Phật giáo Thiền tông, chúng ta có những công án để giúp
chứng nghiệm vô tự tính. Thí dụ, có công án như “Thế nào là tiếng vỗ của
một bàn tay?” Công án đó giúp chúng ta được những gì trong sự chứng
nghiệm tính không? Tiếng vỗ của một bàn tay -- nó liên hệ đến tính không
như thế nào?
Lạt ma: Qúy vị có nhớ một lần tôi nói với qúy vị, một người chấp vợ ông
ta như là một thực thể tự có và một người đàn bà chấp bạn trai của bà ta
như một thực thể tự có? Thí dụ này cũng giống như vậy. Cố gắng đến gần
sự thật hơn là cứ bám vào cái này hay cái kia. Quý vị vẫn nghe tôi đấy
chứ? Thực ra đây là một ý niệm cứng ngắc, một tư tưởng kỳ quái. Chính
phủ Thụy sĩ tin đồng tiền Thụy sĩ như là một thực hữu, rồi tin tưởng
rằng đồng tiền Thụy sĩ thực có này sẽ làm cho xã hội Thụy sĩ được hoàn
hảo. Nó cũng giống như vậy. Tất cả đều là vọng tưởng, tất cả đều là
tưởng tượng -- cái gì chúng ta giữ là thật, là tự hữu -- không chạm vào
sự thật được ! Chúng ta cần phải đụng vào đây (hai bàn tay chạm vào
nhau) mới tạo ra âm thanh (tiếng vỗ tay) được. Như vậy chúng ta cố gắng
chạm vào sự thật và hãy khám phá ra rằng những ý niệm của chúng ta,
những ảo tưởng của chúng ta và những ý niệm sẵn có của chúng ta cũng
đang cố gắng đi đến sự thật, đang cố gắng tạo ra âm thanh --nhưng nó
không tạo ra được âm thanh ! Vì thế, cái không (zero) của ảo tưởng tự-có
cũng sẽ biến mất. Đó là phương pháp để chứng nghiệm tính không.
Aâm OM có liên hệ đến các hiện tượng, nó tác động toàn thể hệ thần kinh
của chúng ta. Aâm OM không thể tự nó mà có được; cũng như tiếng vỗ tay
không tự nó mà có được. Tiếng vỗ tay tùy thuộc vào bàn tay, tùy thuộc
vào không gian, tùy thuộc vào năng lượng (sức mạnh của hai tay) và rồi
hai tay đụng vào nhau như thế này. Mỗi một âm thanh là một sự liên hệ
tùy thuộc, hoàn toàn tùy thuộc vào, hoàn toàn là duyên khởi. Rồi như thế
này ..(hai tay vỗ vào nhau)... tạo ra âm thanh. Aâm thanh tự nó không có
được, nó không có tự tính.Trong Phật giáo chúng tôi thường nói về vô
nhị-nguyên (bất nhị), vô tự tính. Thí dụ, khi qúy vị vào trong một hang
động, qúy vị tạo ra một âm “Ahhhhhh”, hang động dội lại “Ahhhhhh”. Qúy
vị có quen với hiện tượng này không?
Aâm thanh là một thí dụ rất dễ hiểu về lý duyên khởi. Hiểu được lý duyên
khởi thì không còn có một ý niệm về cái tôi thường hằng vững chắc nữa.
Nếu chúng ta cứ chấp âm thanh này (vỗ tay) là tự có (của một bàn tay)
thì nó sẽ không còn liên hệ đến những cái khác được. Hãy cố gắng hiểu
cái hợp lý theo khoa học mà Phật giáo giải thích. Nếu tiếng vỗ tay mà tự
nó có được (từ một bàn tay) thì không cần hai bàn tay này va chạm vào
nhau và những hiện tượng cũng không có liên hệ gì với nhau.
Tôi nghĩ rằng bây giờ chúng ta đã hiểu rõ các hiện tượng liên hệ phụ
thuộc vào nhau như thế nào. Sự hội họp này, dĩ nhiên, cũng không tự nó
mà có được. Chúng ta gặp nhau ở đây không phải tự nhiên mà có được. Cám
ơn qúy vị nhiều lắm. Xin cám ơn những người đã mời tôi đến đây để diễn
giải những đề tài này. Họ đã tốn rất nhiều công sức mới tổ chức được như
thế. Nguyện tất cả những công việc nặng nhọc, những cố gắng phi thường
của qúy vị mang lại ơn ích cho muôn loài. Cám ơn qúy vị nhiều lắm lắm.
Nếu những điều tôi trình bày mà qúy vị không được hài lòng, mà gây cho
qúy vị nhiều thắc mắc, thì tôi vẫn còn trên qủa đất này, qúy vị cứ viết
cho tôi, tôi sẽ trả lời. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những
gì tôi đã trình bày, vậy cứ viết cho tôi. Tôi không biến mất ngay bây
giờ đâu. Tôi cũng phải làm sạch sẽ những rác rưởi của chính tôi.
Kính chào qúy vị.
(Năm tháng sau, Lạt ma qua đời; mười một tháng sau, ngài tái sinh)
SỐNG, CHẾT và SAU KHI CHẾT
Nguyên tác LIFE, DEATH and AFTER DEATH của LAMA YESHE,
do WISDOM PUBLICATIONS xuất bản.
VÔ HUỆ NGUYÊN dịch
XIN HỒI HƯỚNG TẤT CẢ CÔNG ĐỨC ĐẾN MUÔN VÀN CHÚNG SINH TRONG MƯỜI PHƯƠNG PHẬT VÀ MƯỜI PHƯƠNG BỒ TÁT, CON KHÔNG GIỮ LẠI MỘT CHÚT GÌ CHO RIÊNG CON.
Nguồn: www.quangduc.com