Cả cánh rừng sáng rực ánh đuốc và những bếp lửa. Hàng vài trăm ghè rượu đã được cột thẳng hàng vào các cọc được chôn dưới đất. Những chiếc đầu bò rỏ máu tươi ròng ròng lủng lẳng dưới các thân cây, những đôi mắt bò không nhắm mênh mang đẫm nước rười rượi buồn như cố thu vào lần cuối cùng khung cảnh thế giới. Phía ngoài một tí, người ta chế biến thịt bò. Cảnh tượng còn ngoạn mục hơn khi đột ngột nhô ra ở đầu dốc một đoàn gần trăm thanh thiếu niên nam nữ xếp hàng 1 gùi nước từ suối về để đổ vào rượu. Mỗi người 2 ống bương tươi dài 2 m đựng đầy nước, trên tay là một bó đuốc rừng rực cháy trông như một đại cảnh trong phim lịch sử.
Đối với người tây nguyên nói chung, người Gia Rai, Ba Na ở tỉnh Gia Lai nói riêng, bỏ mả là một việc trọng, là một lễ hội cực kỳ đông vui. Họ quan niệm chết không phải là hết, mà là sang một thế giới khác, ở đó lại bắt đầu một cuộc sống mới. Vì thế lễ bỏ mả là lễ tiễn đưa người chết về với thế giới của hồn ma, thế giới cực lạc. Có buồn vì sự xa cách, nhưng lại vui vì con người thanh thản và toại nguyện. Vì thế họ không tiếc một thứ gì cho ngày này...
Tôi đã gặp rất nhiều cái cảnh này: khi trong nhà có người chết, họ không khóc lóc ầm ĩ, mà đặt người chết đấy, đi kiếm rượu thịt đã. Có người có lẽ do không thạo tiếng kinh còn bập bẹ nói với tôi rằng họ đang liên hoan người chết. Họ ăn uống và đánh chiêng vui vẻ. Có gì nghiêm trọng đâu, nó được về thế giới của hồn ma, sướng hơn mình nhiều. Nhưng mà nó mới chỉ chết cái xác thôi, còn cái hồn thì vẫn ở với mình đến bao giờ bỏ mả mới thôi. Và vì thế mà nhiều năm sau đó, người sống vẫn thường xuyên nuôi người chết. Đầu tiên là chia của. Trong nhà có gì đều phải chia cho người chết để người chết sử dụng, nhưng mà phải làm hỏng nó đi. Ghè (đựng rượu) thì đập vỡ đít, xoong nồi đập méo, cả cái xe đạp còn mới thế, đối với người dân tộc tây nguyên là cả gia sản, cũng bị chặt gãy làm đôi...chưa hết, tất cả các mồ, dù chôn kiểu gì, chôn chung, chôn riêng, thiên táng, địa táng, bằng gỗ hay bằng xi măng... Đều được khoét một lỗ bằng cổ tay ngay trên nắp thiên. Để làm gì? Xin thưa, hàng ngày đúng bữa, người sống mang đồ ăn thức uống ra cho người chết và đổ qua cái lỗ ấy. Thì đã bảo là lúc này đã chết đâu. Khi mang đồ ăn ra, bao giờ người sống cũng ngồi rất lâu bên mồ để nói chuyện với người chết, đủ chuyện, từ nhà cửa thế nào, con cái ra sao, hàng xóm láng giềng có mạnh khỏe...tùy quan hệ của người dưới mồ với người đưa cơm. Nếu là người vợ trẻ với chồng bạc mệnh nằm dưới chẳng hạn, thì có lẽ chỉ họ với nhau mới hiểu hết ngôn ngữ và ký tự họ dành cho nhau? Cứ thế , thời gian này kéo dài tùy theo... tiềm lực kinh tế, bao giờ đủ khả năng làm lễ bỏ mả thì lúc ấy người chết mới chính thức nhập hộ khẩu vào thế giới của ma, chính thức cắt đứt mọi mối quan hệ với thế giới người sống. Toàn bộ khu nhà mồ sẽ bị bỏ hoang, không còn thăm nom phúng viếng gì nữa, ma đi đường của ma, người đi đường của người...
Tôi nhận được tin có một lễ bỏ mả lớn ở một làng cách thành phố plei ku gần trăm km. Thường là vào mùa khô khi dân làng đã thu hoạch xong ( khoảng tháng 12 đến tháng 3 ), thóc lúa đã về kho, người ta làm lễ bỏ mả. Để có lễ bỏ mả này, gia chủ và dân làng đã phải chuẩn bị trước hàng nửa năm trời. Khi tôi đến, trời đã chạng vạng, cảnh tượng hiện ra cực kỳ hùng vĩ và ngoạn mục. Cả cánh rừng sáng rực ánh đuốc và những bếp lửa. Hàng vài trăm ghè rượu đã được cột thẳng hàng vào các cọc được chôn dưới đất. Những chiếc đầu bò rỏ máu tươi ròng ròng lủng lẳng dưới các thân cây, những đôi mắt bò không nhắm mênh mang đẫm nước rười rượi buồn như cố thu vào lần cuối cùng khung cảnh thế giới. Phía ngoài một tí, người ta chế biến thịt bò. Cảnh tượng còn ngoạn mục hơn khi đột ngột nhô ra ở đầu dốc một đoàn gần trăm thanh thiếu niên nam nữ xếp hàng 1 gùi nước từ suối về để đổ vào rượu. Mỗi người 2 ống bương tươi dài 2 m đựng đầy nước, trên tay là một bó đuốc rừng rực cháy trông như một đại cảnh trong phim lịch sử. Nhiều người ngạc nhiên khi lần đầu đến tây nguyên, thấy đồng bào dân tộc nghiêm chỉnh xếp hàng 1 nối đuôi nhau đi giữa phố, nhiều người trầm trồ khen bà con chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông? Xin thưa, đó là thói quen bà con đi trong rừng. Nguyên tắc đi rừng là phải bước đúng dấu chân người đi trước để đề phòng các hiểm họa từ rừng và cả từ người như bẫy chẳng hạn.
Người Ba Na gọi lễ bỏ mả là prữ, người Gia Rai gọi là pthi, đây là lễ được coi là tết lớn của họ. Lễ cơm mới chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, đâm trâu chỉ tổ chức trong một làng...thì bỏ mả được sự tham gia của nhiều làng ở nhiều xã, nhiều huyện, thậm chí có cả khách tỉnh bạn đến dự. Cái lễ bỏ mả mà tôi đang miệt mài vừa xoang vừa tranh thủ mút cần ( rượu ) này ước tính phải đến năm bảy trăm người tham gia. Khoảng chục cái đầu bò đã được treo lên mà nghe nói còn đang được dắt tới nữa. Ngoài hàng trăm ghè rượu la liệt bày sẵn thì khách các làng khác đến đều gùi theo rượu và dàn chiêng vừa góp vui vừa thi chiêng. Mà chiêng thì luôn phải đi kèm xoang. Làng nào cũng cử các cô gái đẹp nhất, xoang dẻo nhất theo đội chiêng. Chao ơi, lửa bập bùng tối sáng, sáng đủ để cần sáng và tối cũng vừa cần tối, rượu tê tê để mắt nhìn đâu cũng đẹp và miệng thì thốt ra những lời có cánh. Người uống cứ uống, người chiêng cứ chiêng, người xoang cứ xoang, người nói chuyện cứ nói chuyện và người mệt cứ nghỉ. Gần sáng thì người say nằm ngủ la liệt trên cỏ, trên các tấm dồ... Nhưng mà quái lạ, thanh niên đâu hết rồi, kể cả cô bé hồi hôm xoang với tôi, tôi có ỡm ờ hỏi có muốn lấy chồng người kinh không, đáp có nhưng sợ người kinh lừa lắm, người kinh lừa thì không biết đường nào mà tìm. Người kinh chưa thấy lừa nhưng em đã lừa tôi. Mà trông bộ dạng thì tôi cũng đáng bị lừa thật: lôi thôi lếch thếch, nhếch nhác hom hem, nhệch nhạc say, mắt đờ đẫn nhưng có lẽ trông gian lắm. Đến sáng khi tôi vật vờ díu mắt thì trời ạ, lại thấy hàng đàn hàng đống thanh niên xuất hiện, tươi trẻ, sung mãn, thỏa thuê và có phần... Ranh mãnh. Lại ai vào việc nấy, người chiêng, người xoang, người gùi nước, người nấu ăn, người mổ bò, người chia thịt...nhưng có điều thỉnh thoảng họ ý tứ liếc nhau, những ký hiệu riêng mà chỉ họ mới hiểu. Già làng Hươp bảo tôi ngày xưa già còn "dữ dội " hơn thanh niên bây giờ nhiều, song có điều làm gì thì làm không được để lại hậu quả, nếu để lại hậu quả thì phải cưới, nếu không cưới thì phải nộp phạt cho làng. Dân làng bảo xong mỗi cuộc bỏ mả như thế này, chí ít cũng có dăm bảy đôi nên vợ nên chồng, có người còn bắt được chồng ở tận huyện khác, tỉnh khác...
Thường thì mỗi lễ bỏ mả kéo dài 3 ngày, nhưng có những lễ lớn của các nhà giàu có thể kéo dài đến cả tuần hoặc nửa tháng. Trước đây có người đã cho rằng lễ bỏ mả lãng phí tốn kém. Ấy là nhìn về phía tập tục tang lễ, trong khi thực sự bỏ mả là một lễ hội, là "tết ", là một sinh hoạt cộng cảm tự thân. Người dân tộc tây nguyên quanh năm vất vả, đây là dịp để họ vui chơi và bồi dưỡng. Người Kinh ta suốt ngày thịt cá, nhiều chỗ chơi nên nhìn lễ hội này với con mắt khác. Hơn nữa mỗi lần bỏ người ta bỏ cả hàng chục người. Có điều công nhận là việc tụ tập đông người rồi ăn uống tại các khu nhà mồ là rất mất vệ sinh. Song lạ là người viết bài này là người rất sạch sẽ và bụng lại rất yếu, thế mà đi dự lễ bỏ mả đã ăn uống rất ngon lành, ăn tất tật những gì đồng bào nấu thế mà về nhà chả thấy bụng "phát biểu" gì? Cũng như rượu cần, toàn nước suối (không phải nước suối đóng chai mà là nước múc trực tiếp từ suối) đổ vào mà cấm thấy ai đau bụng?..
Để một lễ bỏ mả thành công, chỉ vật chất chưa đủ. Điều quan trọng là nhà mồ và tượng mồ. Đây là cái làm nên dấu ấn, bản sắc tây nguyên, là nơi biểu hiện sự tài hoa đến không thể tin của các nghệ nhân. Tượng mồ chẳng hạn, không cưa đục chạm bào...như các ông phó mộc người Kinh hay như các nhà điêu khắc, nghệ nhân chỉ có một cái rìu, một con rựa, thế mà họ hạ cây gỗ xuống và làm nên những pho tượng khiến các nhà điêu khắc hiện đại phải thán phục. Ấy là bởi nghệ nhân đã thổi vào pho tượng toàn bộ cái hồn, cái cốt tây nguyên. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong, người nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh cũng bởi đã bỏ ra cả cuộc đời mình chỉ để chụp ảnh tượng mồ, cùng với giáo sư Từ Chi ( đã mất ), tiến sĩ Ngô Văn Doanh, anh đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về nhà mồ và tượng mồ. Và bởi vì nó giá trị và có nhiều điều để nói như thế nên phóng sự này không thể nói hết, đành hẹn lại vào một dịp khác.
Tôi chỉ đủ sức để dự 2 đêm lễ bỏ mả này, dù rất tiếc cũng đành phải về. Bỏ mả phải dự ban đêm, lửa, rượu cần, chiêng, xoang, mắt thiếu nữ... làm cho không khí huyền ảo hơn, lung linh hơn. Con người nhập vào thiên nhiên, tan vào không khí lễ hội, giao cảm với nhau, thăng hoa giữa mênh mang cỏ với sao trời, sinh lực ngùn ngụt...Tôi phải bỏ về trước vì rất sợ không khí rã hội. Lúc ấy mọi thứ sẽ phơi bày ra, rã rời thất vọng ê chề chán nản mỏi mệt. Khi tôi về, vòng xoang đến hồi say nhất...
Nguồn: www.quangduc.com