Khoa học được xây dựng dần dần từ lâu, nhưng có thể đánh dấu từ sự thành tựu của người tiêu biểu tiên phong cho khoa học thực nghiệm là Francis Bacon (1561-1626), ông đưa ra những nhận thức mới về sự vật là nhận thức bằng cách xác định lý do qua Tam Biểu Luận : 1. biểu có mặt, 2. biểu vắng mặt, 3. biểu thứ tự. Cùng lúc đó Descartes phát biểu 4 quy tắc căn bản cho khoa học: 1. Trước hết phải chứng minh một sự vật nào đó, sau mới nhận nó là sự thật, 2. Chia sự vật ra thành nhiều phần đơn giản để dễ dàng quan sát, giải quyết, 3. Sau khi xem xét những sự vật chia cắt, thu thập lại cho có thứ tự, để tìm hiểu những sự vật khó hiểu hơn vốn nó không biểu thị. 4. Cuối cùng, kiểm điểm lại, tổng hợp những gì mình đã nhận định, để khỏi bỏ sót vật gì. Descartes đặt nền móng vững chắc cho khoa học, nhiều nhà thông thái đã đóng góp những thành tựu của họ cho khoa học.
Những nhà khoa học cho biết rằng trong vũ trụ có nhiều dãi ngân hà, mỗi dãi ngân hà có nhiều Thái dương hệ. Mỗi Thái dương hệ có mặt trời ở trung tâm, quay chung quanh mặt trời là các hành tinh. Thái dương hệ của chúng ta có 9 hành tinh: Thủy tinh (Mercury), Kim Tinh (Venus) Ðịa cầu (Earth) Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), Thổ Tinh (Saturn), Thiên Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune) và Pluto.
Và các khoa học gia đã cho biết : Ở thời kỳ hổn mang, trong vũ trụ chỉ toàn thuần tinh (Ether). Không rõ nguyên nhân, Thuần tinh kết tụ thành phần nhỏ rải rác, nhờ sức vận động và sức hấp dẫn, các phần nhỏ kết lại thành nguyên tử, trước còn rời rạc, sau kết lại thành tinh vân, đó là căn nguyên của Thái Dương Hệ, ấy là thời kỳ cấu tạo mặt trời và các hành tinh, nhiệt độ các vì sao ở thời kỷ nầy rất cao. Với sự phóng tán không ngừng, nhiệt độ giảm bớt, tạo nên thế quân bình khiến cho sự sống có thể phát khởi, ấy là thời kỳ đầu tiên có những sinh vật.
Từ năm 1929 nhà thiên văn học người Mỹ, ông Edwin Hubble (1889-1953) quan sát thấy hầu hết các tinh vân đều chạy xa tinh vân của chúng ta là dãi ngân hà, điều rất lạ là những tinh vân càng xa thì chúng chạy xa càng nhanh. Năm 1946 nhà vật lý học Mỹ gốc Nga, ông George Gamow (1904-1968) triển khai ý niệm (người ta thường gọi là thuyết Big Bang) lúc ban sơ vào thời điểm nhiệt độ cực kỳ cao, kết quả của sự nổ nguyên thủy, ông cũng đề nghị những nhân tố chung được hình thành từ khí hydro nguyên thủy trong những phút đầu tiên sau khi nổ.
Theo thuyết ấy, ngày nay, các khoa học gia cho rằng vũ trụ được hình thành từ 13.7 tỷ năm rồi với sự Nổ Lớn (big bang), một sự nổ mãnh liệt chớp nhoáng, phát khởi từ một vật chất vô cùng nhỏ bé, nóng và đậm đặc vô cùng. Sự nổ nầy đẩy đến thời gian, không gian, năng lượng và vật chất được hình thành. Những giây sau đó, vũ trụ là một vật sủi bọt tỏa nhiệt và những vật nhỏ màu sắc kỳ lạ. Trong khi vũ trụ trương nỡ, nó nguội dần và giảm bớt sự dầy đặc. Sau hàng trăm ngàn năm chất tử (proton), điện tử (elctron), trung tử (neutron) hợp lại thành nguyên tử hydro và khí hiếm. Một tỷ năm sau vụ nổ lớn, trọng lượng kéo những khí nầy lại làm thành đám mây vĩ đại, đó là những ngân hà sơ khởi. Một tỷ năm sau đó những dãi ngân hà sơ khởi phát sinh ra những ngôi sao đầu tiên. Ngày nay, vũ trụ giống như một bong bóng bao la, với những nhóm ngân hà tạo nên những bức tường thành chung quanh khoảng trống vĩ đại.
Về con người, tưởng cũng nên nói qua, đá có khoảng 3 tỉ năm, thảo mộc có chừng 345 triệu năm,loài bò sát có chừng 300 triệu năm, động vật có vú có chừng 55 triệu năm, con người có chừng 1.8 đến 1.2 triệu năm, không hiểu con người biết dùng lửa từ lúc nào nhưng khoảng 500,000 năm trước con người biết dùng lửa cho an toàn và dùng lửa để làm vật dụng hay vũ khí từ gỗ cứng. Thời đại đồ đá chừng 10,000 năm trước và thời đại đồ đồng chừng 5,000 năm trước. Theo thuyết tiến hóa của Charles (Robert) Darwin (1809-1882), người ta cho rằng thủy tổ loài người là một giống khỉ.
Tháng giêng năm 2000, người ta phát hiện cừu Dolly bị viêm khớp, một chứng bệnh thường thấy ở những con cừu già, căn bệnh nầy làm bùn nổ cuộc tranh luận giữ các nhà khoa học, vấn đề là có phải bộ gen của cừu Dolly đã già hơn 5 năm so với bình thường, do đó liệu các động vật nhân bản có bị lão hóa sớm như vậy không ? Giáosư Ian Wilmut, trưởng nhóm nghiên cứu của viện Roslin cho biết, bệnh viêm khớp của cừu Dolly chứng tỏ việc nhân bản của họ chưa hoàn hảo, cần có sự nghiên cứu thêm.
Cừu Dolly, sống như cừu bình thường, nó đã hai lần sinh nở với con cừu đực xứ Wesl, có tên là David, lứa đầu sinh một con vào tháng 4 năm 1998, lứa thứ nhì sinh ba con vào năm 1999.
Rồi con cừu Dolly bị viêm phổi nặng, nên vào ngày 14-2-2003, viện Roslin đã chích một mũi thuốc để kết liễu đời nó để khỏi chịu những cơn đau. Tiến sĩ Griffin cho biết : ?? Cừu có thể sống tới 11 hay 12 năm, bệnh viêm phổi khá phổ biến ở những con cừu già, đặc biệt với những con nuôi nhốt. Chúng tôi đang mổ khám nghiệm tử thi của cừu Dolly, sẽ công bố sớm kết quả.??
Về cái chết của cừu Dolly, giáo sư Richard Garder, Chủ tịch Hiệp hội hoàng gia Anh tuyên bố: ?? Nếu cái chết sớm của Dolly có liên quan tới việc nhân bản, thì đây sẽ là bằng chứng bổ sung cho thấy sự nguy hiểm tiềm tàng trong việc tạo bản sao người, và sự thiếu trách nhiệm của những ai đang ra sức mở rộng loại hình nghiên cứu nầy trên người ??.
Chúng ta nhớ lại gần 150 năm trước, Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp, được nhìn thấy khoa học tiến bộ ở Âu Châu thời bấy giờ, ông đã cảm khái ghi lại trong 2 câu thơ :
Bá ban hữu xảo tề thiên địa,
Duy hữu tử sanh tạo hóa quyền.
(Nghĩa là mọi thứ đều khéo léo sánh bằng trời đất, tạo hóa chỉ còn nắm quyền sống chết mà thôi).
Tạm dịch :
Trăm thứ khéo thay ngang trời đất,
Sống chết còn quyền tạo hóa kia.
Nguồn: www.quangduc.com