Nhu cầu cho lý
trí trong thời đại tạo sinh vô tính
Nguyễn
Văn Tuấn
-
-
(trái) Các nhà khoa học đã thay thế vai trò của 'thuyết
sáng tạo' tưởng tượng: Dr. Rael tuyên bố thành lập công
ty tạo sinh vô tính đầu tiên ở Canada năm 1997. (phải)
Bào thai người qua ‘tạo sinh vô tính ’ (Photos trademark
by CloneAid comp.| Caption by Giaodiem)
-
Qua báo chí [1], một
công ty sinh học ở Canada, Clonaid, có liên quan mật
thiết với một giáo phái khá kỳ dị có tên là Rael [2], tuyên
bố rằng họ đã thành công sáng tạo ra một bé gái bằng công
nghệ tạo sinh vô tính (còn gọi là cloning)
[3]. Tên của em bé là Eve. Từ khi tin này được
loan truyền đi, dư luận thế giới bàn tán một cách mê loạn,
từ hoài nghi đến lên án. Chính phủ nhiều nước trên thế
giới, kể cả Pháp và Mỹ, kêu gọi tẩy chay, thậm chí cấm đoán
hoàn toàn công nghệ tạo sinh vô tính.
Những người
“talking-heads”, những nhà bình luận thời sự loại “mì ăn
liền”, hùng hồn tuyên bố rằng, một lần nữa, bóng ma của Thế
giới mới đang làm trò ảo thuật, mà trong đó con người được
sản sinh theo đơn đặt hàng. Những nhà bình luận này
hỏi: có phải chúng ta hy sinh nhân tính của chúng ta trên
bàn thờ khoa học? Nhưng câu hỏi mà một người có lý trí
cần đặt ra là: có thật như thế không? Và, tại
sao xã hội có vẻ sẵn sàng tin vào những điều như thế?
Trong thực tế hiện nay, giới khoa học vẫn không tin rằng
công ty
Clonaid có khả năng kỹ thuật để sản sinh một trẻ em bằng
tạo sinh vô tính. Nhưng cũng không nên bác bỏ
hoàn toàn rằng họ không có khả năng làm chuyện này chỉ vì
chúng ta chưa biết thành tích của họ trong lĩnh vực này.
Dựa vào niềm tin của giáo phái Rael (rằng từ nguyên thủy con
người được những sinh vật ngoài hành tinh sáng tạo ra) thì
việc họ tự nhận rằng họ đã sản sinh trẻ em bằng tạo sinh vô
tính là điều hoàn toàn có thể đoán được, nhưng về mặt kỹ
thuật điều mà họ tự nhận hoàn toàn rất đáng nghi ngờ.
Theo kinh nghiệm của giới chuyên môn, hiệu quả của tạo sinh
vô tính hiện nay vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ thành
công chỉ khoảng 0.1 đến 3%. Tức là trong 1000 lần thử
nghiệm, chỉ có 30 trường hợp thành công. Nhưng theo
Tiến sĩ
Boisselier, người chủ trì công trình tạo sinh vô tính cho
Công ty Clonaid, tỷ lệ thành công trong phòng thí
nghiệm của bà là 50%!
Theo giới chuyên môn, hiện nay kỹ thuật tạo sinh vô tính
chưa hoàn hảo, vẫn còn đang trong vòng nghiên cứu, và không
thể đem ra ứng dụng để tạo nên một con người như nhiều người
lầm tưởng. Thử nghiệm trong các động vật cấp thấp như
chuột cho thấy các “sản phẩm” của tạo sinh vô tính thường có
nhiều dị tật, nhiều bệnh tật, và tuổi thọ trung bình rất
thấp.
Ngay cả khi thành công, một sinh vật được tạo bằng tạo sinh
vô tính tuy có cùng DNA với bản chính, nhưng hoạt động của
gien có thể khác với người cho DNA. Trong môi trường
tự nhiên, DNA trong phôi được lập trình sao cho một số gien
hoạt hóa. Khi phôi bắt đầu phân chia, chương trình
hoạt động thay đổi. Mỗi tế bào, máu, da, xương, thần
kinh, chương trình này hoạt động khác nhau. Trong tạo
sinh vô tính, cái nhân được cấy vào trứng không có cùng
chương trình hoạt động của cái phôi tự nhiên. Nhà khoa
học phải huấn luyện và lập chương cho cái nhân, giống như
huấn luyện con chó những mưu mẹo hàng ngày. Nếu
lập chương hoàn hảo, thì quá trình phát triển sẽ bình
thường. Nếu lập chương sai hay không hoàn hảo, phôi sẽ
phát triển bất bình thường và có thể sẩy thai.
Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là cuộc thảo luận hiện nay
về việc tẩy chay các kỹ thuật tạo sinh vô tính không phải là
một cuộc thảo luận khoa học, vì nó đang được những người
không biết gì về khoa học hay những người mà kiến thức
chuyên môn còn rất mù mờ cầm đầu. Những người ồn
ào này chẳng biết những chi tiết quan trọng trong kỹ thuật
tạo sinh vô tính, và không biết những lợi và hại của kỹ
thuật này sẽ đem lại cho con người ra sao. Những gì họ
biết là một niềm tin sắt đá (như niềm tin tôn giáo) rằng tạo
sinh vô tính là một việc cực kỳ kinh tởm. Từ đó, họ
cho rằng tốt hơn hết là không nên biết về kỹ thuật này, bởi
vì – theo họ – một khi chúng ta biết, chúng ta có thể làm
những chuyện “động trời”, trái với đạo lý mà chúng ta từng
biết.
Đây là một lối suy nghĩ theo Nguyên lý phòng ngừa
(Precautionary principle) hiện đang rất thịnh hành trong các
xã hội Tây phương thời hậu hiện đại. Chủ trương của
Nguyên lý phòng ngừa là tẩy chay tất cả những gì được xem là
nguy hiểm, ngay cả những nguy hiểm này chưa trở thành thực
tế trong tương tai hay hiện tại. Nói một cách khác,
những người theo Nguyên lý phòng ngừa lấy sự ngu dốt làm
niềm hạnh phúc. Nguyên lý này còn nguy hiểm hơn cả
những trò hề và tuyên bố hoang đường của một nhóm người kỳ
quặc như Rael. Quan điểm phản nhân loại này cho rằng
một khi xã hội biết được một phương cách khoa học và công
nghệ nào đó, con người sẽ dùng nó vào những mục tiêu nguy
hiểm chống lại con người. Thành ra, trong bối cảnh
hiện nay, những người ồn ào “tranh luận” về tạo sinh vô tính
không cần biết đến những phải hay trái của những đứa bé tạo
sinh vô tính trong giả thuyết, mà thực chất nó biểu hiện sự
mất niềm tin vào chính chúng ta và vào tương lai.
Thử tưởng tượng, nếu khoa học trong thế kỷ 19 hay 20 phát
triển theo những suy nghĩ của Nguyên lý phòng ngừa, thì
chúng ta đã không có những thuật giải phẫu ngoạn mục, những
quang tuyến X, ghép và cấy mô (transplants), thuốc trụ sinh.
Nếu phong trào Nguyên lý phòng ngừa là kim chỉ nam hành động
thời đó, những phát triển quan trọng cứu người này chắc chắn
sẽ không thành hiện thực, bởi vì họ lý giải rằng không ai
biết trước những thiệt hại, và tốt hơn hết là đừng mạo hiểm.
Gần đây, thuật trị liệu bằng tạo sinh vô tính (therapeutic
cloning techniques) được xem là có triển vọng rất lớn trong
việc chữa trị các bệnh ngặt nghèo bị chận đứng trong một số
nước cũng vì sự ồn ào của những người theo Nguyên lý phòng
ngừa. Ở Anh và Úc chẳng hạn, trong khi các chính trị
gia, khoa học gia, và nhà báo hô hào ủng hộ nghiên cứu tế
bào mầm (stem cell research), họ lại chống việc nghiên cứu
về tạo sinh vô tính vì họ cho rằng làm thế là đóng vai trò
Thượng đế, là cướp quyền của thượng đế, cái quyền mà con
người không nên có! Ở Mỹ, nhóm bảo thủ “Pro-life” gây
áp lực cho chính phủ của Tổng thống George W. Bush đặt ra
những điều lệ hết sức khó khăn để làm nản lòng những ai muốn
nghiên cứu tế bào mầm, và hậu quả là một số khoa học gia
phải bỏ Mỹ sang Âu châu lập cơ sở nghiên cứu.
Cần phải phân biệt những ích lợi của thuật trị liệu bằng tạo
sinh vô tính và cuộc chạy đua toàn cầu của những nhà khoa
học lập dị muốn lấy tiếng là người đầu tiên tạo con người
bằng kỹ thuật tạo sinh vô tính. Nhưng dù việc làm của
các nhà khoa học này còn rất mù mờ, cuộc chạy đua mở rộng
biên giới của khoa học còn đáng được bàn đến hơn, bất kể lợi
ích đã được chứng minh hay chưa. Nếu không, làm
sao chúng ta biết được khoa học là gì, và khoa học trong bàn
tay của con người có thể làm được gì.
Xuyên suốt lịch sử con người, xã hội có được những khám phá
khoa học quan trọng, kể cả những phát triển trong y học, vì
lòng khao khát kiến thức mới của xã hội, và sự sẵn sàng ứng
dụng những kiến thức này vào xã hội, dù lợi hại không thể
đoán trước được. Trong đại đa số các trường hợp, những
mạo hiểm này đem lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại cho con
người. Ngày nay, chúng ta sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn,
tiện nghi hơn so với nhiều thế hệ trước, những lợi ích mà
một trăm năm về trước ông cha chúng ta xem như là không thể
có được.
Cố nhiên, không có sự việc nào hoàn hảo, khoa học và công
nghệ sinh học còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Nhưng không phải có vấn đề là chúng ta đầu hàng, và nhắm mắt
không muốn biết đến. Điều đáng buồn là tình trạng áy
náy, băn khoăn trong chúng ta trước một cuộc cách mạng khoa
học ngày nay không bắt nguồn từ một ý niệm nào cụ thể cả, mà
là tự sự nhắm mắt. Thật vậy, những lo lắng của chúng
ta trước những kỹ thuật mới xuất phát từ sự nghi ngờ là
chúng ta sẽ dùng khoa học và công nghệ vào các mục tiêu tự
hủy diệt con người và hủy diệt hành tinh, làm như bất cứ ai,
kể cả nhóm lập dị Rael, có khả năng làm chuyện đó!
Nhu cầu cho một cuộc tranh luận khoa học chỉ có nếu và khi
một đứa bé được tạo ra bằng kỹ thuật tạo sinh vô tính.
Một tranh luận như thế phải dựa vào những tiêu chí khoa học,
đạo đức, và luật lệ, chứ không dựa vào những cảm tính hay
những quan điểm vô duyên của Nguyên lý phòng ngừa.
Nhưng chỉ một tin đồn về một trường hợp tạo sinh vô tính mà
đã kích động những kêu gọi tẩy chay tất cả các kỹ thuật và
khoa học của tạo sinh vô tính trên bình diện toàn cầu, thì
điều đó cho thấy khả năng tri thức của xã hội ngày nay có vẻ
thoái lui hơn là tiến tới. Không ai muốn có một thế
giới mới với những hỗn loạn về đạo đức, nhưng cũng không ai
muốn có một xã hội hoang mang đến ứ máu chỉ vì một khả dĩ.
Chúng ta không cần những thảo luận kiểu Hollywood.
Chúng ta cần những thảo luận có tính cách trưởng thành của
người lớn, dựa vào dữ kiện khoa học, hơn là dựa vào những sợ
hãi tưởng tượng cho tương lai.
Chú thích:
[1] Xem “Sect and the situation
comedy: Rael tells the gang he has cloned a baby”,The
Sydney Morning Herald (30/12/2002).
[2] Giáo phái Rael tin rằng con
người ngày nay là do người ngoài hành tinh sáng tạo ra
khoảng 25 ngàn năm về trước.
[3] Nói một
cách ngắn gọn, quá trình tạo sinh vô tính có thể được mô tả
như sau: Bước 1, lấy một trứng của một phụ nữ, rút bỏ các
chất liệu di truyền (tức là DNA hay ADN). Bây
giờ cái trứng trở thành, nói như ngôn ngữ hàng ngày, một cái
hãng sản xuất các phôi. Bước 2, lấy chất liệu di
truyền DNA từ một tế bào của một người khác hay của chính
người phụ nữ, rồi chuyển chất liệu này vào cái trứng.
Bước 3, chuyền điện vào trứng để trứng bắt đầu hoạt động, và
một khi trứng hoạt động thành công, chúng ta sẽ có một phôi.
Bước 4, phôi sẽ đưa vào một môi trường sinh học (chẳng hạn
như đưa vào tử cung của người phụ nữ) sao cho nó phát triển
thành nhiều tế bào mầm hay thành một thai hoàn chỉnh.
Bước 5, nếu không muốn cho nó phát triển thành phôi thai, có
thể lấy tế bào mầm, và nếu lấy tế bào mầm thì cái phôi sẽ bị
tiêu hủy. Bước 6, trong trường hợp tạo mầm vô tính
(stem cells), để cho tế bào mầm phát triển thành một bộ phận
con người và dùng nó cho các mục tiêu trị liệu.
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục