Chương
12
Ngã Thực Sự
Là Gì?
Giờ Citta tham gia cuộc vấn pháp bằng một câu hỏi khác về
ngã. Lần nữa, ở đây, ta thấy Citta và Potthapàda không khác
gì với chúng ta nhiều, vì chúng ta cũng thường nảy sinh ra
nhiều ý nghĩ mới lạ khi phải đối mặt với câu hỏi nan
giải là thực sự ta là ai.
Khi
nghe nói vậy, Citta Hatthisàriputta bạch Thế Tôn:
-Bạch
Thế tôn, trong khi có thô phù ngã chấp, phải chăng không có
ý sở thành ngã chấp, không có vô sắc ngã chấp? Thô
phù ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. Và cũng tương
tự như thế với ý sở thành ngã chấp và vô sắc ngã chấp?”
Citta muốn hỏi rằng có phải khi một loại ngã chấp này
có mặt, thì hai loại ngã chấp kia không có mặt? Nói
cách khác, Citta tin vào sự có mặt của tất cả ba loại ngã
chấp. Chúng ta có thể dễ dàng thông cảm với những câu
hỏi của Citta. Thí dụ chúng ta đang đi một cách bình thường
an ổn, bỗng nhiên vấp phải một gốc cây trên đường. Chân
ta bị đau, và bắt đầu chảy máu. Chúng ta tự nhủ:” Chân
tôi bị thương, tôi cần phải chăm sóc nó ngay”. Vì
thế ta đi bác sĩ, rồi bôi thuốc lên chân. Nếu nó vẫn
còn đau, ta sẽ nghĩ: “Ôi, chân tôi vẫn còn đau, tôi phải
tìm phương cách chữa trị khác”. Thế là ta quay sang
châm cứu hay một biện pháp chữa trị nào khác. Lúc đó,
loại ngã duy nhất mà chúng ta tự xác định mình với, loại
ngã thực sự quan trọng nhất đối với chúng ta lúc đó là
“cái ngã thô phù”, hay thân ngã.
Chúng ta thường tự nghĩ mình là cái ngã vật chất này. Khi
ăn, chúng ta nghĩ, “Tôi đói, tôi cần ăn”. Sau khi ăn,
chúng ta có thể nghĩ, “Bụng tôi chưa no lắm, chắc tôi phải
ăn thêm cái gì nữa”. Chúng ta quan tâm đến cái đói
“của tôi”, thân “của tôi”, bụng “của tôi”. Đối
với câu hỏi của Citta, Đức Phật đã trả lời:
Này
Citta, trong khi có thô phù ngã chấp, thời ngã chấp ấy
không thuộc ý sở thành ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã
chấp, chính khi ấy tất cả thô phù ngã chấp. Này Citta,
trong khi có ý sở thành ngã chấp, thời ngã chấp ấy không
thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính
khi ấy tất cả ý sở thành ngã chấp, . . . chính khi ấy thuộc
vô sắc ngã chấp.
Rõ ràng ở mỗi lúc, chúng ta chỉ ý thức về một loại ngã
duy nhất. Chúng ta tự nhận là thô phù ngã chấp, khi
có cảm giác đau đớn hay dễ chịu. Thân ít có những giây
phút trung tính, ngay khi vừa nhận biết được bất cứ một
cảm giác nào hơi mạnh mẽ một tí, thì ta liền nhận đó
là mình. Điều đó càng rõ hơn trong lúc ta tọa thiền.
Khi thân bắt đầu cảm thấy khó chịu, ngay lập tức, chúng
ta trở nên quan tâm đến thân, dĩ nhiên ngoại trừ trường
hợp chúng ta đã phát triển được định sâu lắng đến
nỗi ta không còn để ý đến nó nữa. Không cần nhiều cố
gắng cũng biết ta thường chấp thân này là ta. Chỉ
một chút ớn lạnh, một cơn ho, thì lập tức có một “cái
tôi” đang có vấn đề.
Cũng còn có một cái ngã do tâm tạo (ý sở thành). Giả
dụ chúng ta đã rất tinh tấn gìn giữ giới luật của Phật.
Chúng ta nghĩ: “Tốt quá, tôi đã giữ được giới luật”.
Gìn giữ giới luật là tốt, nhưng ngay lúc đó, chúng ta tự
xác nhận mình với điều gì? Chắc rằng “cái tôi” đã
giữ giới và lúc đó đang tự tán thán mình. Nhưng ở một
thời điểm khác, tâm bị dao động. Nó không thể thiền quán
vì cứ nghĩ đến hay bị một điều gì đó ám ảnh.
Chúng ta nhận ra được tâm vọng tưởng ấy và cũng nghĩ
rằng mình là chủ của nó. Trên bình diện tương đối, chúng
ta hoàn toàn có thể tin như thế. Đó là “tôi”, người
muốn hành thiền, và đó cũng là “tôi”, người bị vọng
tưởng quấy nhiểu, chứ còn ai khác nữa?
Cái ngã do tâm tạo rất quan trọng vì chính nó là quan sát
viên và là ký ức của chúng ta. Thí dụ “tôi” nhớ về
“cái tôi” của mười năm về trước. Ở đây, đó là một
cái ngã do tâm tạo nhớ đến một cái ngã do tâm tạo khác,
như thể là ta có hai cái ngã. Dĩ nhiên là chúng ta không nhìn
sự việc giống như thế. Chúng ta nói, “Có một ai đó đang
hồi tưởng, vì thế đó phải là tôi”. Chúng ta không
nhận ra rằng ký ức chỉ là ký ức, không có gì hơn thế.
Hoặc là chúng ta có thể nhìn tới phía trước, hướng về
tương lai cho ‘cái tôi’. Vậy là cũng có hai cái ‘tôi’,
dầu rằng chúng ta không ý thức được điều đó. Chúng
ta chỉ biết là ‘tôi’ đang dự tính. Chúng ta cũng
biết rằng dự định, tính toán cũng ảnh hưởng đến việc
hành thiền của chúng ta. Nhưng đó là một cách giết
thời gian rất dễ chịu, khiến ta không còn để ý đến thân,
nhất là khi thân bị đau nhức chỗ này, chỗ kia. Tóm
lại, cái ngã do tâm tạo là một tâm hành khẳng định rằng,
“Đó là tôi”.
Đúng ra, cái ngã do tâm tạo lúc nào cũng có mặt. Nó bắt
đầu từ giây phút chúng ta thức dậy. Nếu có đủ chánh
niệm, chúng ta có thể thực sự nhận biết được lúc nó
phát khởi. Lúc đầu không có gì, và rồi tự nhiên tất cả
mọi hoạt động của tâm bắt đầu. “Mấy giờ rồi? Tôi
phải làm gì bữa nay? Tôi có trễ không? Thời tiết lạnh
không?” -tất cả những thứ đó đều xảy ra trong tâm chúng
ta. Thân chưa làm gì cả, ngoại trừ việc mở mắt. Tất cả
các tâm hành này là hệ thống hỗ trợ để xác định con
người đặc biệt, được gọi là “cái tôi”. “Cái
tôi” này cũng đang đi tìm một lối thoát, một con đường
ra khỏi khổ đau, khiến ta bức rức, lo âu, dự tính, hồi
tưởng; nhưng đó không phải là con đường giải thoát, mà
nó chỉ đưa đến một ngõ cụt. Tất cả những tâm hành
này không thể giúp chúng ta thoát khổ. Có thể chúng cũng
tạo ra một sự giải thoát tạm thời nào đó, đó là lý
do tại sao tất cả mọi người đều sử dụng chúng. Nỗi
khổ tiềm ẩn lúc nào cũng có mặt, mà biểu hiện của nó
là tâm lăng xăng, bận rộn. Nhưng khi hoạch định điều
này, điều nọ, ta tạm thời không phải đối mặt với khổ
ngay giây phút đó. Vì thế chúng ta đắm chìm trong suy nghĩ,
“Tôi phải làm gì hôm nay? Tôi phải đi làm, nhưng sau đó,
tôi sẽ đi bách bộ, hay tôi sẽ mời bạn đi ăn”.
Cái ngã do tâm tạo (ý sở thành ngã chấp) này là cái mà
chúng ta quan tâm đến nhất và cũng khó buông bỏ nhất. Chúng
ta có thể nói, “Ồ, tôi biết tất cả những điều đó
rồi”, nhưng ai là người biết?
Nếu chúng ta thực sự muốn được hạnh phúc, thí chỉ có
một cách duy nhất, là buông bỏ con người đang đau khổ,
chứ không phải cố gắng bám víu vào con người hạnh phúc.
Đúng hơn, khi con người bất hạnh đã biến mất, thì không
còn gì lại ngoại trừ niềm hạnh phúc của thanh tịnh, và
sự hiểu biết rõ ràng. Chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội
để ý thức về việc tìm kiếm cái ngã này, cái ngã do tâm
tạo nên. “Sắp tới tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ đi đâu? Làm
sao tôi có thề xếp đặt mọi thứ theo ý tôi?” Tâm luôn
trăn trở, tìm kiếm, không thể có được thanh tịnh.
Dĩ nhiên, nhận biết được điều đó cũng không có nghĩa
là chúng ta có thể buông bỏ cái ngã do tâm tạo, nhưng là
chúng ta đã tiến một bước khá dài. Một khi còn chưa nhận
biết điều đó, chỉ hành động theo bản năng và vô thức,
thì chúng ta chỉ bước tới theo đám đông. Có thể chúng
ta không ý thức được nội tâm bất an của mình, nhưng tâm
biết, nên tâm cố gắng để thoát khỏi một cái gì đó,
nếu không nó sẽ ở nguyên vị trí cũ, ở trong cái bây giờ
và ở đây. Ngay khi tâm cố gắng thoát khỏi giây phút hiện
tại, là nó đang tìm cách để tránh một đau khổ nào đó.
Khi nhận biết được như thế, chúng ta có thể bắt đầu
làm một điều gì đó cho tâm.
Khi ý thức được rằng chính ta tạo nên cái ngã này, thì
một mức độ nhận thức khác sẽ phát sinh. Nói thế không
có nghĩa là chúng ta có thể buông bỏ ngã chấp này ngay lập
tức, nhưng chắc chắn là ta đang rất gần kề với khả năng
đó. Từ giờ cho đến lúc đó, điều quan trọng là chúng
ta có thể nhận biết được những thói quen của mình: “Tôi
đang suy nghĩ, tôi đang nhận xét, tôi đang chú tâm, tôi không
chú tâm”, tất cả đều là liên quan tới “cái tôi là”,
“cái tôi sẽ là”, hay “tôi đã là”.
Giờ Đức Phật bảo:
Này
Citta, nếu có người hỏi Ngươi: “Ông có tồn tại trong
quá khứ hay không? Ông sẽ tồn tại trong tương lai hay
không? Ông có tồn tại trong hiện tại hay không?”
Này Citta, được hỏi như vậy, ngươi trả lời như thế nào?
Citta thưa:
-Bạch
Thế Tôn, nếu được hỏi như thế, con sẽ trả lời: “Tôi
đã có tồn tại trong quá khứ, không phải không tồn tại;
tôi sẽ tồn tại trong tương lai, không phải không tồn tại;
tôi tồn tại ở hiện tại, không phải không tồn tại”.
Bạch Thế tôn, đó sẽ là câu trả lời của con.
Citta hoàn toàn thuyết phục rằng tự ngã của ông có mặt
ở hiện tại, quá khứ, và tương lai; và chúng ta cũng thế.
Không có gì mới mẻ trong đó; điều mới mẻ duy nhất, trong
trường hợp của ông, là Đức Phật có mặt ở đó để
dạy rằng sự thật là điều ngược lại.
Có rất nhiều giả định sai lầm trong cái ngã của quá khứ,
hiện tại và tương lai đó. Trước hết là chúng ta đang
tạo ra những biên địa. Tự ngã trong quá khứ là cái ngã
trong ký ức của ta. Tự ngã ở hiện tại là cái ngã mà ta
ít khi quán sát; ta biết nó ở đâu đó, nhưng ít khi ta cảm
thấy thực sự kết nối với nó. Tự ngã tương lai là cái
ngã mà chúng ta đặt tất cả hy vọng vào đó; là cái sẽ
làm nên những điều tuyệt vời, sẽ hoàn toàn hạnh phúc,
sẽ trở nên hoàn toàn định tĩnh, vân vân và vân vân. Chúng
ta khá chắc chắn rằng ba tự ngã này chính là “tôi”. Thực
ra, nó còn phức tạp hơn thế nữa. Khi chúng ta mang quá khứ
đến trong tâm tư thì nó trở thành hiện tại. Khi ta nghĩ
đến tương lai thì nó cũng trở thành hiện tại. Như thế
không những là ta tạo ra biên địa chung quanh ba cái ngã tách
biệt này, mà chúng ta còn tạo biên giới giữa thời gian và
chia nó ra làm ba phần như thế. Kết quả là ta không thể
sống trọn vẹn, vì sống là trải nghiệm, mà ta chỉ có thể
trải nghiệm thời hiện tại. Còn lại, tất cả chỉ là ký
ức hay hoài vọng. Khi chia cả hai, bản ngã và thời gian, làm
ba phần, lúc đó chúng ta sẽ thấy mình sống trong chờ đợi
một cách bức xúc cho tương lai và cũng thường tiếc nuối
khi nghĩ đến quá khứ. Hạnh phúc hoàn toàn ở ngoài tầm
tay của chúng ta, vì với một cách sống như thế, hạnh phúc
khó mà có thể xuất hiện. Có thể có lạc thú, nhưng hạnh
phúc thì không. Hạnh phúc hay niềm vui nội tại bao giờ cũng
kết nối với sự thanh tịnh, mà trong cái ngã phân tán ở
trong một khung thời gian chia cắt như thế thì làm sao có được
sự tĩnh lặng. Tuy nhiên vì tất cả mọi người đều sống
như thế, chúng ta không thể biết cách sống như thế là vô
ích, sai lạc đến thế nào. Chúng ta nghĩ rằng cuộc sống
là như thế, cho đến khi chúng ta được biết đến Phật
Pháp và thấy rằng nó không cần phải là như thế, rằng
có một sự chọn lựa khác. Khi chúng ta trở nên hoàn
toàn tĩnh thức, qua chánh niệm và thiền định, dầu chỉ
trong chốc lát, chúng ta sẽ bắt đầu biết sống trong hiện
tại là như thế nào. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới,
chỉ có hiện tại là có mặt, và nó thường hằng.
Citta, cũng giống như đa số chúng ta, vẫn còn bị trói buộc
trong ý nghĩ của một cái ngã phân tán trong một khung thời
gian chia cắt, và Đức Phật đang cố gắng giúp ông nhìn thấy
một thực tại khác, trong cách nhìn hợp lý hơn:
Này
Citta, nếu có người hỏi lại ngươi: “Quá khứ ngã chấp
mà người đã có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi
là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp
hiện tại không tồn tại? Tương lai ngã chấp mà ngươi
sẽ có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có,
ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không
tồn tại? Hiện tại ngã chấp mà ngươi hiện có, có
phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có, ngã chấp
quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại?”
Này Citta, được hỏi vậy, ngươi trả lời thế nào?
-Bạch
Thế tôn, nếu có người hỏi con như thế, con sẽ trả lời:
“Quá khứ ngã chấp mà tôi đã có, ngã chấp ấy đối với
tôi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp
hiện tại không tồn tại. Tương lai ngã chấp mà tôi
sẽ có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp
quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại.
Hiện tại ngã chấp mà tôi hiện có, ngã chấp ấy đối với
tôi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp
tương lai không tồn tại”. Bạch Thế tôn, được hỏi
vậy, con sẽ trả lời như vậy.
Do đã được nghe Đức Phật phân tích cặn kẻ, hợp lý,
Citta thấy rõ ràng rằng ông không thể có ba tự ngã cùng
lúc. Ông nghĩ hẳn là phải có một ‘tự ngã’ ở quá
khứ, một ‘tự ngã’ ở hiện tại và một ‘tự ngã’
ở tương lai. Ít nhất là ông đã giảm từ ba xuống
một tự ngã ở mỗi thời điểm. Chúng ta cũng nghĩ rằng
mình có ít nhất là ba tự ngã giống như thế.
Nếu nhìn lại những hình ảnh cũ trong quyển album, chúng ta
thấy ai, ngoài bạn bè mình? Chính là ‘tôi’ của quá
khứ. Đó là lý do tại sao chúng ta chụp ảnh, để quá
khứ không bao giờ mất. Chúng ta sẽ nói, “Là tôi đó”,
và chúng ta vẫn còn nhìn sự vật như là Citta trong lúc này.
Chúng ta cũng nghĩ rằng có ba con người của mình. Rồi nếu
thêm vào thân và tâm, thì tất cả là có năm. Hơn thế nữa,
nếu ta kể cả quá khứ trong quá trình sống –quá khứ thật
xa xưa, quá khứ gần đây hơn, và hôm qua– thì chúng ta có
thể có vài trăm cái ngã, liệu chúng ta có chụp đủ ảnh
để giữ lại quá khứ? Cuối cùng, chúng ta có một cái
ngã quá mong manh đến nỗi khó mà biết thực sự nó là ai.
Nếu Đức Phật cũng hỏi chúng ta như thế, thì hẳn là ta
cũng sẽ trả lời giống như Citta. Có thể chúng ta cũng
đồng ý rằng mình không thể là hàng trăm hay ngay cả ba,
bốn hay năm cái ngã khác nhau. Rồi chúng ta cũng nói:
“Ồ, tự ngã là người đang thực sự biết ngay bây giờ”.
Citta cũng đang ở ngay điểm đó. Ông cũng thấy rằng mình
không thể cùng lúc là ba cái ngã, nên ông phải là tự ngã
đang có mặt, và là cái ngã duy nhất. Đối với những người
ai có khả năng hình dung, sẽ nhìn thấy cả một chuỗi “cái
tôi” biến mất vào trong quá khứ, và rồi cả một chuỗi
“cái tôi” khác đi vào tương lai. Với cách nhìn này, ta
sẽ thấy điều đó thật là vô lý. Nhưng vì ta không
biết điều gì khác hơn; nên đó là cách sống của tất cả
chúng ta.
Sự thật là tất cả đều do ta tạo ra, vì một lý do duy
nhất: muốn được tồn tại. Nếu không có lòng ham muốn
đó, thì chúng ta đã không làm thế. Vấn đề cần được
nhìn ra ở đây là do ngã tưởng, lòng ham muốn được hiện
hữu phát sinh, và ngược lại –lòng ham muốn được hiện
hữu là lý do tiềm ẩn cho các ngã tưởng này.
Giờ Citta đã nhận ra rằng ông ta là “cái tôi, ở ngay giây
phút này”, và có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đồng
ý như thế. Tuy nhiên, Citta vẫn còn phải đối mặt với
vô sắc ngã chấp, mà ta có thể gọi là thức. Ở một
mức độ nào đó, nó là chiếc phao cuối cùng của ta.
Nếu tự ngã không phải là thân này, cũng không phải là tâm,
thì chắc nó phải là thức. Cái thức mà chúng ta biết
đến là cái mà chúng ta trải nghiệm trong các tầng thiền
định. Vì lý do đó các tầng thiền định vẫn còn là hữu
lậu, chưa là siêu việt. Chúng không thể có mặt mà không
có “cái tôi.” Tất cả các tầng thiền định đều có
tính chất này; dầu với những cường độ khác nhau. Trong
ba tầng thiền định đầu tiên, khía cạnh của “cái
tôi” rất mạnh mẽ; nhưng yếu đi ở tầng thiền định
thứ tư. Rồi nó trở lại mạnh mẽ ở tầng thứ năm, sáu,
và bảy, nhưng ở một mức độ khác. Đó là một cái
thức đã được thăng hoa, nhưng khi “tôi” xuất thiền,
“tôi” biết “tôi” đã chứng nghiệm được điều gì.
Trong tầng thiền thứ tám, ý thức về “cái tôi” đã
rất yếu. Trong các tầng thiền định, như chúng ta đã biết,
không có ý thức về thân, nếu có là chúng ta đã không thực
sự chứng định. Cũng không có những xao động do tâm
tạo nên. Nếu có bất cứ sự suy nghĩ nào, định cũng
lập tức dừng lại. Tuy nhiên, vẫn còn tâm định,
thăng hoa, mà ta thích nhận mình là nó vì nó đem lại cho ta
sự thỏa mãn nhất. Đó cũng có vẻ là một sự thành
tựu lớn; một điều gì đó mà bạn bè ta không thể có được.
Như thế, rõ ràng là tâm thức đó có một người chủ, gọi
là “cái tôi”.
Còn có một cái thức khác nữa, ở bên ngoài thiền định,
và đó là: “Tôi ý thức được điều gì đang xảy ra”.
Chúng ta thường gọi đó là người quan sát, và đó là cái
thức mà chúng ta tự nhận là mình một cách rất quyết liệt.
Nếu ta bằng lòng buông bỏ ý nghĩ coi thân là tự ngã, và
có thể cũng đồng ý rằng bốn yếu tố của tâm đó không
phải là “tôi”, chúng ta vẫn còn có thể tìm ra một yếu
tố nữa để gọi là “tôi”: Đó là lòng ham muốn được
hiện hữu. Nó rất muốn khẳng định mình vì: “Tôi không
thể hiện hữu nếu không có cái tôi”. Vì thế
chúng ta có khuynh hướng chọn “cái tôi” rất vi tế này,
đó là thức (consciousness). Trong bản kinh này nó được
nói đến như là vô sắc ngã chấp. Trên bình diện tri
thức, chúng ta có thể buông bỏ hai ngã chấp kia (thân và
tâm), nhưng trong thực tế, chúng ta đã không buông bỏ được
bất cứ thứ gì. Nếu chúng ta được hỏi, như Citta đã được
hỏi, chúng ta có thể cũng lại hướng đến cái thức–quan
sát viên, mà ta thường cảm thấy rằng nó tách biệt khỏi
tất cả các trạng thái tâm khác. Có căn thức, có thọ, tưởng,
hành thức – và rồi còn có một cái gì đó để nhận ra
tất cả những thứ này. Nhưng chính những cái đó chỉ là
tâm hành, thì chúng ta hoàn toàn không nhận ra.
Citta đã chấp nhận chỉ có một cái ngã, mà ông đang cảm
nhận ngay giây phút đó. Ông đồng ý rằng trong quá khứ,
đó đã là “tôi”, trong hiện tại, đó là “tôi,” và
trong tương lai đó sẽ là “tôi”. Giờ Đức Phật giải
thích sâu hơn và cho chúng ta một ẩn dụ:
Này
Citta, ví như từ bò cái sinh ra sữa, từ sữa sinh ra lạc,
từ lạc sinh ra sanh tô, từ sanh tô sanh ra thục tô, và từ
thục tô sanh ra đề hồ. Khi là sữa, thời sữa ấy không
thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, không
thuộc đề hồ, chính khi ấy thuộc sữa; khi thành lạc, .
. . ; khi thành sanh tô . . . ; khi thành thục tô, . . . ; khi thành
đề hồ, thời đề hồ không thuộc sữa, không thuộc lạc,
không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, chính khi ấy thuộc
đề hồ.
Như vậy này Citta trong khi có thô phù ngã chấp . . . ;
trong khi có ý sở thành ngã chấp . . . ; trong khi có vô sắc
ngã chấp thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp,
không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô
sắc ngã chấp. Này Citta, chúng chỉ là danh tự thế gian,
ngôn ngữ thế gian, danh xưng thế gian, ký pháp thế gian.
Như Lai dùng chúng nhưng không chấp trước chúng.
Đức Phật đã đưa ra một lời dạy rất quan trọng ở đây;
Ngài chỉ cho Citta thấy rằng, mặc dù đó là cách người
ta thường nói, đó là cái họ tin vào, nhưng đứng trên bình
diện tuyệt đối, chúng không đúng. Đơn giản là chúng
chỉ có vẻ bề ngoài như thế, và Đức Phật cũng nói rõ
là chúng chỉ là danh tự thế gian, và khi Ngài sử dụng chúng,
Ngài không chấp vào chúng. Đức Phật nói về tất cả những
điều này trên bình diện tương đối vì Ngài biết rằng
cả Potthapàda và Citta đều không thể đi xa hơn nữa ngay lúc
này. Các kinh thường nói đến khả năng thuyết pháp cho người
nghe ở trình độ thích hợp cho người đó của Đức Phật.
Đức Phật, bậc đạo sư đệ nhất, đã tuyên bố, có
hai sự thật; tương đối và tuyệt đối, không có cái thứ
ba.
Có những điều được coi là sự thật, do được thế gian
chấp nhận.
Nhưng có những điều tuyệt đối quan trọng vì chính xác
trong pháp.
Do
đó Đức Phật, một vị thầy rất thiện xảo trong cách sử
dụng ngôn ngữ của thế gian, có thể sử dụng chúng và không
bao giờ nói sai. [f]
Đức Phật hoàn toàn hài lòng nếu Citta có thể hiểu được
ý nghĩa rằng chỉ có một cái ngã tạm bợ. Đức Phật đã
cho Citta một thí dụ về sữa và các thành phẩm từ sữa
để nhấn mạnh việc thứ này có thể phát sinh từ thứ kia,
mặc dầu chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cái trước mắt,
ở giây phút hiện tại. Đức Phật chỉ nói như thế, không
cố gắng để chỉ cho Citta thấy, trên bình diện tuyệt đối,
điều đó cũng sai như thế nào. Đức Phật biết rằng
cả Citta và Potthapàda trước hết phải thực hành theo con
đường đạo. Nếu không, tất cả những điều họ nghe sẽ
chỉ được cảm nhận ở mức độ tri thức, và họ sẽ tiếp
tục tìm đến những cuộc tranh luận mới, mà cuối cùng cũng
không đưa họ đi đến đâu. Tranh luận về cái gì là ngã
và cái gì là vô ngã, tại sao không có ngã, tại sao chúng
ta không có cái mình muốn, mà có cái mình không muốn, vân
vân, sẽ không đưa đến tuệ. Mong muốn có được một tự
ngã mà ta ưa thích thì liên quan đến quan niệm về một linh
hồn, và đó cũng là một ngã kiến khác. Chúng ta coi linh hồn
như là một cái ngã “tốt đẹp,” chứ không phải là một
phần của “cái ngã” mà tôi không thích. Tất cả chúng
ta đều rơi vào các cạm bẫy này; con người ở đâu cũng
giống nhau.
Kế đến là một sự giải thích theo truyền thống, thường
được tìm thấy ở cuối của hầu hết các kinh, vì các kinh
được nói khoảng 250 năm trước khi được viết ra, nên các
lời kinh được lặp lại giống hệt nhau để không có lỗi
lầm nào có thể xảy ra:
Được
nghe nói như vậy, du sĩ ngoại đạo Potthapàda bạch Thế tôn:
-Thật
vi diệu thay, Bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, Bạch Thế
Tôn! Như người dựng lại những gì bị quăng ngã xuống,
phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người
lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai
có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được
Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích, Bạch
Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng tỷ-kheo.
Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến
mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Ở đây, Potthapàda cho ta thấy rằng ông đã bị thuyết phục
bởi giáo lý của Đức Phật và muốn trở thành một người
đệ tử, nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng. Nương tựa là
một cách để diễn tả lòng ước nguyện được tu tập,
kính yêu và quy ngưỡng đối với giáo lý, và đó cũng là
một cách để tìm sự nương tựa về tâm linh và tình cảm,
có thể đưa đến kết quả trong hạnh phúc lớn lao. Điều
này cũng được thực hành cho đến ngày nay. Chỉ có khác
là Potthapàda có thể trực tiếp xin nương tựa nơi Đức Phật.
Ngày nay, chúng ta đến với giáo lý giác ngộ, thể hiện nơi
Đức Phật, là một con người lịch sử, một chúng sanh cũng
giống như chúng ta, và đã trở nên hoàn toàn giác ngộ. Quy
y nơi Phật có nghĩa là ta nhận thức được điều đó với
sự quy ngưỡng, lòng kinh yêu, và hàm ân. Chúng ta xem Pháp,
như là một sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho hạnh phúc của
ta; và tăng đoàn, những vị đã trở nên giác ngộ bằng công
phu tu tập theo giáo lý của Đức Phật và đã lưu truyền
Pháp trải qua 2500 năm, để cho nó vẫn còn có mặt với chúng
ta ngày hôm nay. Khi quy y tam bảo, chúng ta cảm thấy hàm ân,
quy ngưỡng, và dốc hết lòng thành, và nếu chúng ta thực
hành theo giáo lý đó, thực sự hiểu được chân lý của
chúng, thì chúng ta đã được bảo vệ khỏi những nguy hiểm
của thế tục và bản năng của chúng ta. Quy y tam bảo có
thể cho ta cảm giác vững chải tiềm ẩn, có thể giúp ta
không xao lãng việc thực hành. Phần đông chúng ta cảm thấy
khó duy trì việc thực hành; đôi khi ta cũng dành ít thời
gian, rời xa các bổn phận thế tục để thực hành, nhưng
điều đó không liên tục.
Nhớ rằng có một cái gì đó lớn lao hơn cả bản thân chúng
ta là điều rất hữu ích. Hiểu được điều này đem lại
cho chúng ta một cảm giác khiêm cung. Đây không phải là một
mặc cảm tự ti; chúng là hai tình cảm hoàn toàn khác nhau.
Mặc cảm tự ti có nghĩa là “tôi thua kém bạn”.
Trong khi cảm giác khiêm cung là ý thức rằng chúng ta không
quan trọng đến như ta tưởng đâu. Đó là một bước tiến
tới ý thức “vô ngã”. Khi nào còn có ý nghĩ “Tôi
quan trọng”, thì không có cách gì “tôi” có thể buông
bỏ tâm hành của ngã. Khiêm cung thật sự ra là một phần
của đạo lộ; nó có nghĩa là chúng ta tự nhìn mình bằng
chân ánh sáng. Không tự trách, không cảm thấy không xứng
đáng; lòng khiêm cung thực sự là nhận ra rằng mình vẫn
còn chìm đắm trong thế gian điên đảo. Có thể chúng ta không
còn tạo nhiều hành động bất thiện, nhưng ngay cả những
tâm hành thiện cũng không được. Khi nào còn dính dáng đến
tất cả những điều này, thì chúng ta không có được sự
trong sáng, toàn vẹn mà chúng ta có thể thấy trong giáo lý
của Đức Phật. Khi chúng ta có thể nhận ra được sự hoàn
toàn trong sạch và khiêm cung trong chính cuộc đời của Đức
Phật, thì chúng ta cảm thấy thêm phấn khích để đi theo
bước chân Phật.
Giờ Potthapàda cũng đang làm như thế. Ông nguyện quy
y theo Phật cho đến lúc “mạng chung”. Khi nương tựa vào
Phật, vào Pháp, vào Tăng, chúng ta không làm chuyện đó một
cách nửa vời, hay chỉ là tạm thời thôi. Chúng ta nguyện
như thế để sống với lời nguyện đó và theo đó mà thực
hành cho phù hợp.
Bây giờ Citta cũng muốn nói đôi điều. Trước hết,
ông lặp lại những lời của Potthapàda.
-Thật
vi diệu thay, Bạch Thế Tôn! Như người dựng lại những gì
bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường
cho những người lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng
tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh
pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày,
giải thích, Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp
và quy y chúng tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử,
từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Sau đó ông nói thêm:
Bạch Thế Tôn, mong cho con được xuất gia với Thế tôn,
mong cho on thọ đại giới.
Citta đang xin được trở thành một vị tỷ-kheo (bhikkhu).
Thời đó, điều này rất đơn giản, Đức Phật sẽ chỉ
nói, “Hãy đến đây, tỷ-kheo”. Ngày nay việc thọ
giới là một nghi lễ rất long trọng, đòi hỏi phải nguyện
tuân giữ nhiều giới. Lúc khởi đầu khi Đức Phật còn tại
thế, không có giới luật gì để cho các vị tỷ-kheo phải
giữ, vì họ không có hành động sai trái. Nhưng với thời
gian và ngày càng nhiều người gia nhập tăng đoàn, điều
này đã thay đổi và mỗi lần có người lầm lỗi điều
gì, thì Đức Phật chế ra một giới luật mới. Có thời
điểm có 75 giới, rồi 115, và rồi 150. Cuối cùng chúng ta
có tổng cộng là 227 giới. Nếu Đức Phật còn sống đến
ngày hôm nay, có lẽ, Ngài đã phải chế thêm một số giới
luật nữa.
Tuy nhiên, một số giới luật ngày nay không còn phù hợp nữa,
không thể ứng dụng trong thế giới mà chúng ta đang sống.
Chúng ta không thể chuyển Ấn Độ của 2500 năm trước vào
nền văn minh của thế kỷ 20. Dĩ nhiên, những giới luật
căn bản vẫn còn giá trị, còn các giới luật nhỏ khác thực
sự không phải là đã bị bỏ, nhưng chúng không còn có thể
được áp dụng. Thí dụ, Đức Phật đã chế ra nhiều luật
cho tất cả mọi khả năng có thể xảy ra, ngay chính như việc
đi vệ sinh như thế nào, mà trong thời đó có thể gây ra
thiệt hại cho một số loại cây. Những nghi lễ xuất gia
long trọng bắt đầu khi Đức Phật không thể tự thân làm
lễ xuất gia cho tất cả mọi người. Vì thế Ngài cho
phép các vị trưởng lão tăng làm lễ cho những vị trẻ tuổi.
Nhiều nghi thức được đặt ra từ thời đó, ngày nay vẫn
được thực hiện.
Và Citta Hatthisàriputta, con của người nài voi, được
xuất gia với Thế Tôn và được thọ đại giới.
Xuất gia có nghĩa là từ bỏ đời sống gia đình để sống
cuộc sống ‘không nhà’. Điều này không có nghĩa là người
tu sĩ phải sống lang thang ngoài đường, mà đúng hơn là họ
không còn sống cuộc sống gia đình, thế tục. Cũng có lúc
các vị tỷ-kheo và tỷ-kheo ni thực sự không có nơi nào để
sống, vì không có các tu viện. Sau này các tu viện được
xây lên, cũng như có các thất (kutis) cho họ. Cuộc
sống vô gia cư có nghĩa là không sở hữu bất cứ thứ gì.
Thọ
đại giới không bao lâu, đại đức Citta Hatthisàriputta ở
một mình, an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, cần
mẫn. Và không bao lâu vị này chứng được mục đích tối
cao mà con cháu của các lương gia đã xuất gia từ bỏ gia
đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng
phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng
ngộ, chứng đạt, và an trú: sanh đã tận, phạm hạnh đã
thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có
đời sống khác nữa. Đại đức Citta Hatthisàriputta hiểu
biết như vậy.
“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành”. Khi
công phu tu tập đã viên mãn, thì không còn có cảm giác của
một tự ngã, hay một cá thể, trong tâm và thân này. Nếu
chưa từng chứng nghiệm được điều này, hành giả không
thể thực sự biết điều đó giống như thế nào. Tuy nhiên,
chúng ta có thể suy ra rằng nếu không còn có một “cái tôi”
ở bên trong nữa, thì sẽ không có một ai để lo âu, không
có ai cần tính toán, hay nhớ nghĩ, hay cảm thấy bất an. Chỉ
còn có thân và tâm làm bất cứ những gì cần phải làm.
Đây là những gì mà Đức Phật đã làm được trong bốn
mươi lăm năm hoằng pháp. “Sanh đã tận”, vì sanh chỉ
đến khi còn có ham muốn được hiện hữu, mà ước muốn
được hiện hữu chỉ có mặt nếu còn có ai đó để trải
nghiệm nó. Khi không còn có ai nữa, không có ham muốn
được hiện hữu, thì do đó không còn có tái sinh. Như chúng
ta đã nghe trong câu chuyện của Vacchagotta, khi không có thêm
nhiên liệu mới để đổ vào lửa, thì nó sẽ tắt.
Bản kinh được tiếp:
Và
đại đức Citta Hatthisàriputta, con của người nài voi, trở
thành một vị A-la-hán.
Thời đó làm người nài voi, thật ra, là một công việc được
coi trọng và được trả lương hậu. Ở Sri Lanka, một nài
voi (mahout), ngày nay, vẫn còn là một người quan trọng. Tuy
nhiên, dầu các kinh thường nói đến, như ở đây, “những
người con trai trong các lương gia”, điều này không ám chỉ
các gia đình giàu có, hay thuộc giai cấp cao. Đức Phật không
hề quan tâm đến giai cấp xã hội; Ngài nhận tất cả mọi
người vào tăng đoàn, như là người quét đường, hay người
hớt tóc, là hai trong số những giai cấp thấp nhất ở Ấn
Độ vào thời đó. Đức Phật cho rằng sự phát triển nội
tâm mới là quan trọng, và Ngài hoàn toàn chống lại thành
kiến của sự phân biệt giai cấp. Khi kinh nói đến “lương
gia”, chúng ta có thể hiểu điều đó chỉ có nghĩa là người
đó sinh ra trong gia đình biết lo lắng cho con cái một cách
hợp lý.
Như trong bản kinh đã nói, mục đích của việc rời khỏi
cuộc sống gia đình để chấp nhận cuộc sống vô gia cư
là để trở thành một vị A-la-hán. Đây là sự “chứng
được mục đích tối cao” mà Citta đã có được “ngay
trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ”.
Không có điều gì được nói thêm về Potthapàda, nhân vật
chính trong kinh này. Chúng ta chỉ biết rằng ông đã xuất
gia. Mong rằng ông cũng tu tập cần mẫn. Trong khi
Citta, người chỉ xuất hiện ở cuối bản kinh, lại là người
đã tu tập viên mãn. Kết luận trên của bản kinh cũng là
cách kết của bất cứ kinh nào theo truyền thống, khi có ai
đó xin được xuất gia, các câu nói lúc nào cũng giống hệt
như thế.
Cả bản kinh này cho chúng ta thấy rất khó để người ta
chấp nhận rằng họ đã suy nghĩ một cách sai lầm, dầu đó
là lời Đức Phật huấn dạy cho họ. Cảm giác về một cái
ngã đã được khắc sâu vào trong tâm trí ta, và ta bám chặt
vào quan điểm của mình; ba ngã chấp về thân, tâm, và thức;
các ngã trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Những
người thích lý luận, phân tích, không nhận ra rằng những
việc làm này của họ đều vô ích. Tuy nhiên, cũng có
người không hề cố gắng làm những điều như thế, vì họ
có thể thấy ngay rằng chúng không đem lại lợi ích hay hạnh
phúc gì. Họ chỉ quan tâm đến việc thực hành buông xả.
[f]
Trung Bộ Kinh (Majjhima Commentary), (xem chú thích 1 phía trên).