Chương
9
Yểm Ly, Ly
Tham và Tứ Diệu Đế
Giờ Potthapàda lại hướng đến những câu hỏi khác. Ông
ta cũng rất giống chúng ta, có phải không? Nếu không tìm
được câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta lại xoay qua
vấn đề khác.
Bạch
Thế tôn, nếu thật khó cho con biết được ‘tưởng là tự
ngã của con người’ hay ‘tưởng khác, tự ngã khác’ vì
con có dị kiến khác, có tin tưởng khác, có thiên tư khác,
có hạnh nguyện khác, thời Bạch Thế tôn, thế giới có phải
là thường còn không? Chỉ có quan niệm này là đúng
sự thật, ngoài ra là mê muội không?
Đức Phật trả lời:
-Này
Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là thường còn,
chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội
không?”
Và những câu đối đáp tiếp theo:
-Bạch
Thế tôn, có phải thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm
này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không?”
-Này
Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là vô thường,
chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”.
-Bạch Thế tôn, có phải thế giới là vô biên . . . hữu
biên?”
-Ta
không trả lời rằng thế giới là vô biên . . . hữu
biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là
mê muội”.
Cách đặt câu hỏi như thế, có thể đối với chúng ta bây
giờ dông dài, nhưng đó là cách tranh luận thường được
sử dụng ở Ấn Độ vào thời Đức Phật: “Có phải như
thế không? Có phải không như thế không? Có phải cả hai
vừa như thế và vừa không như thế? Có phải vừa không phải
như thế vừa không không phải như thế?” Sử dụng
phương pháp này, Potthapàda đưa ra mười quan điểm, được
biết đến như là những quan điểm không tuyên bố (undeclared)
hay không xác định (indeterminate). Đây là mười điều
mà Đức Phật không tuyên bố, mười câu hỏi mà Đức Phật
không trả lời. Các học giả tin rằng những câu hỏi này
theo truyền thống được đặt ra đối với các vị du già,
các nhà lãnh đạo tinh thần để biết quan điểm của họ
như thế nào. Cuộc đối thoại của Potthapàda và Đức Phật
lại tiếp tục:
-Bạch
Thế tôn, có phải sinh mạng và thân thể là một, . . . có
phải sinh mạng khác, thân thể khác, chỉ có quan điểm này
là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không?
-Ta
không trả lời: “Sinh mạng khác, thân thể khác. Chỉ
có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”.
-Bạch
Thế tôn, có phải Như Lai tồn tại sau khi chết, chỉ có quan
điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không?”
-Này
Potthapàda, Ta không trả lời: “Như Lai tồn tại sau khi chết.
Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”.
-Bạch
Thế tôn, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết? . .
. tồn tại và không tồn tại sau khi chết . . . không tồn
tại và không không tồn tại sau khi chết?
-Này
Potthapàda, Ta không trả lời: Như Lai không tồn tại . . . tồn
tại và không tồn tại . . . không tồn tại và không không
tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng
sự thật, ngoài ra là mê muội”.
Potthapàda cuối cùng hỏi Đức Phật:
-Bạch
Thế tôn, vì sao Thế tôn không trả lời?
Câu trả lời của Đức Phật đầy ý nghĩa thâm sâu:
-Này
Potthapàda, câu hỏi này không thuộc về đích giải thoát,
không thuộc về Pháp, không thuộc về căn bản của phạm
hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt,
đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ , đến
Niết bàn. Vì vậy, Ta không trả lời.
Đức Phật từ chối nói về những điều không liên quan đến
con đường đạo, không thể giúp ta thoát khổ.
Biết
rằng thế giới có hay không có tồn tại thì cũng không đem
lại lợi ích gì cho Potthapàda? Mà biết rằng linh hồn
và thân là khác hay không khác, thì ảnh hưởng gì đến sự
an lạc, hạnh phúc của ông? Có thành vấn đề không nếu
Đức Phật hiện hữu hay không hiện hữu sau khi chết? Tất
cả những vấn đề trên không thể giúp Potthapàda thoát khổ,
vì thế Đức Phật từ chối không bàn đến những câu hỏi
đó với ông.
Điều tương tự cũng xảy ra trong các kinh khác, vì người
khác cũng lại đặt những câu hỏi loại đó với Đức Phật.
Vacchagotta, một kẻ ngoại đạo, cũng là một trong những người
đó. Ông đã tìm đến Đức Phật để hỏi xem Tathàgata (danh
hiệu Đức Phật thường dùng để tự xưng) có hiện hữu
sau khi chết hay không? Ngài có không hiện hữu hay không không
hiện hữu? Ngài có vừa hiện hữu và không hiện hữu? Đức
Phật bảo rằng Ngài không tuyên bố bất cứ gì về những
điều này. Sau đó Vacchagotta hỏi như thế làm sao tôi có thể
hiểu điều này? Câu trả lời của Đức Phật là bảo Vacchagotta
đi kiếm một số củi chụm và nhóm lửa. Sau đó Ngài bảo
Vacchagotta bỏ thêm củi vào đó, và Vacchagotta đã làm theo.
Đức Phật hỏi ông ta ngọn lửa cháy như thế nào và được
trả lời là cháy rất tốt. Rồi Đức Phật bảo Vacchagotta
đừng bỏ thêm củi vào đó nữa. Sau một lúc, Đức Phật
lại hỏi Vacchagotta bây giờ ngọn lửa ra sao? Câu trả lời
là ngọn lửa bắt đầu tắt. Rồi là, ngọn lửa đã
hoàn toàn tắt. Đức Phật bảo với Vacchagotta, ngươi thấy
không, đó là những gì sẽ xảy ra đối với Tathàgata.
Ngọn lửa đã đi đâu? Nó có đi tới hay đi lui, đi ngang,
qua bên phải hay qua bên trái không? Vacchagotta trả lời,
Bạch Thế tôn, không, nó chỉ tắt. Đức Phật lại tiếp
tục, như thế ngọn lửa có đi lên hay đi xuống? Vacchagotta
trả lời, Bạch Thế tôn, không, ngọn lửa chỉ tắt vì không
còn thêm nhiên liệu. Đức Phật nói, đúng thế, và Ta cũng
sẽ ra đi như thế vì không còn nhiên liệu thêm cho lòng tham
ái.
Câu
hỏi đó ngày nay vẫn còn được hỏi, dĩ nhiên không dùng
những từ ngữ giống như thế. Trong một số truyền thống,
trong các quốc gia nơi Phật giáo đã có từ lâu đời, cũng
có bao giả thuyết về những gì đã xảy ra cho Đức Phật
sau khi Ngài tịch diệt. Nhưng chính Đức Phật đã nói rất
rõ rằng nếu ngọn lửa ái dục không còn được tiếp thêm
nhiên liệu, thì thân và tâm này sẽ hoại diệt, đơn giản
là thế. Chúng ta không cần phải bàn cãi thêm về điều
này, với người khác hay với chính bản thân.
Đức Phật, như Ngài đã nói với Potthapàda, không trả lời
những câu hỏi về những vấn đề “không đưa đến mục
đích giải thoát . . . không dẫn đến Pháp.” Trong
một bản kinh khác, có một câu chuyện khá thú vị, có thể
làm rõ điều này. Một người bị trúng tên vào ngực và
gục ngã. Bị thương khá nặng, anh ta đang ở mấp mé bờ
sinh tử. Vì thế người ta đã gọi một lương y đến để
nhổ mũi tên ra. Nhưng người bị thương không để vị lương
y làm điều đó. Trước hết, người đó muốn biết mũi tên
làm bằng gỗ gì, loại thuốc độc nào đã được tẩm ở
đầu mũi tên, chiếc lông được gắn ở cuối mũi tên là
loại gì; lông ngỗng hay lông diều hâu? Anh ta còn muốn biết
ai đã bắn mũi tên vào anh, ở độ xa bao nhiêu, và tại sao?
Dĩ nhiên nếu tất cả những câu hỏi của anh được trả
lời, thì anh sẽ chết. Câu chuyện thể hiện khuynh hướng
hay đặt câu hỏi về những chi tiết không quan trọng, thay
vì thực hành những điều giúp ta thoát khỏi khổ đau. Trong
câu chuyện, mũi tên là khổ, Đức Phật là vị lương y, và
thuốc chữa là Pháp. Kẻ bị bắn tên (bị khổ) từ chối
không thọ lãnh Pháp cho tới khi anh ta được biết tất cả
các chi tiết dài dòng, thừa thải.
Đức Phật cũng nói như thế đối với Potthapàda. Những câu
mà Potthapàda hỏi không liên quan gì đến những điều ông
cần làm. Nhưng Potthapàda không sẵn sàng để “làm” bất
cứ điều gì. Đơn giản là ông đang bị Đức Phật thu hút,
nếu không, ông đã không giữ Đức Phật lại lâu như
thế với tất cả những câu hỏi này, nhưng ông chỉ quan
tâm đến chúng trên bình diện tri thức. Tuy nhiên, có thể
Đức Phật cũng cảm thấy người này có khả năng học hỏi;
đó cũng là điều may mắn cho chúng ta, nếu không, ta sẽ không
có cơ hội được biết đến các câu hỏi của Potthapàda,
cũng như những câu trả lời cặn kẻ của Đức Phật. Đức
Phật bảo, trả lời những câu hỏi này không đưa đến nhàm
chán (yểm ly), đến ly tham, đến tận diệt, đến thắng trí,
đến giác ngộ, cũng như đến niết bàn. Nhàm chán là một
bước quan trọng trên con đường tiến đến giác ngộ, một
phần của một chuỗi được biết đến như là “duyên khởi
siêu việt”, bắt đầu bằng sự hiểu biết về chính cái
khổ của ta, khiến ta khởi lòng tin vào Phật Pháp và hoan
hỷ rằng ta được có cơ hội tu tập. Tiếp đến là sammà
samàdhi (right concentration – chánh định). Là thiền định
mang đến cho chúng ta “trí tuệ và cái nhìn sự vật như
chúng thực sự là”, nói cách khác, là tuệ tri rằng vạn
pháp là vô thường, khổ, và vô ngã. Rồi tuệ tri này
dẫn chúng ta đến sự nhàm chán với cuộc sống, và sự nhàm
chán (yểm ly) này là bước đầu tiên cần thiết để đưa
chúng ta thoát khỏi khổ đau. Từ giờ cho đến lúc đó, chúng
ta chỉ lo tu tập cho thuần thục. Chúng ta không thể dốc tất
cả sức lực vào việc tu tập khi chúng ta còn hướng đến
thế giới bên ngoài để tìm hạnh phúc, khi chúng ta vẫn còn
tin rằng nếu tìm được người tâm đầu, tìm được công
việc tốt, nơi ở thoải mái, hay bất cứ thứ gì mà ta mong
cầu, là lời giải cho những khó khăn của ta. Chừng nào chúng
ta còn chưa đạt đến mức độ nhàm chán, thì chúng ta vẫn
còn tu tập một cách nửa vời, và dĩ nhiên là kết quả tốt
nhất cũng chỉ là những kết quả nửa vời.
Dĩ nhiên chúng ta vẫn còn phải sống trong thế giới này.
Vì có thân, để được sinh tồn, chúng ta cần không khí,
ánh sáng, mưa, thực phẩm, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng
sự tự tại nội tâm không bao giờ tùy thuộc vào bất cứ
thứ gì ở bên ngoài. Chúng ta không thể gặt hái được nó
từ bên ngoài, vì không có con đường nào như thế. Sự
viên mãn, tự tại chỉ có thể đến từ bên trong.
Có thể phải cần một thời gian trước khi chúng ta có thể
hiểu được chân lý này. Có người hiểu rất nhanh, người
khác thì lâu hơn, và cũng có những người sẽ chẳng bao giờ
hiểu được điều đó. Điều đó tùy thuộc phần lớn vào
nghiệp quả của chúng ta, và vào duyên lành của chúng ta,
mà dĩ nhiên cũng chính là nghiệp quả.
Trở nên nhàm chán không có nghĩa là chúng ta chán ghét thế
giới này, những người sống trong đó, hoặc thiên nhiên ở
quanh ta, hay là hàng ngàn thứ tầm thường mà ta sử dụng
và sống với chúng. Nhàm chán (yểm ly) không phải là ghê
tởm, mặc dầu đôi khi nó cũng bị hiểu sai như thế. Ghê
tởm có một ý nghĩ tiêu cực trong đó, mà ngay khi chúng ta
có cảm thọ bất thiện bên trong, là sự thực hành của ta
đã bị uế nhiễm. Chúng ta không ghê tởm thế giới; mà chỉ
là ta không còn dính chấp, không còn coi những việc ta có
thể làm cho thân là quan trọng vô cùng, hay có liên quan đến
tâm. Chúng ta dừng tìm kiếm một sự thoả mãn hoàn toàn trong
thế giới này. Điều này thường không xảy ra cho đến khi
chúng ta đã hoài công tìm kiếm ở đó rất nhiều lần. Do
đó rất ít khi chúng ta đạt được sự nhàm chán khi còn
trẻ, mặc dầu dĩ nhiên nó cũng có thể xảy ra. Đa số chúng
ta đã phải trải qua nhiều kinh nghiệm trong đời, với thế
giới bên ngoài và đã từng bị thất vọng nhiều lần trước
khi chúng ta có thể bắt đầu tìm một con đường khác để
đi đến hạnh phúc.
Tuy nhiên khi đến với thiền, không nhất thiết là chúng ta
đã trải qua sự nhàm chán. Phần đông chúng ta hành thiền
chỉ vì chúng ta muốn có thêm một cái gì đó đáng làm, và
đem lại sự thư thái, dễ chịu cho cuộc sống của chúng
ta. Đức Phật bảo rằng điều đó vẫn còn tốt hơn là không
thực hành gì cả. Đức Phật rất hoan hỷ đối với những
người đến tham vấn. Ở đây chúng ta có thể nhận thấy
rằng Đức Phật đã trả lời với Potthapàda một cách thẳng
thắn và ngắn gọn rằng: đừng nghĩ đến những chuyện bên
ngoài không liên quan gì đến ta, mà phải cố gắng tu tập
để được giải thoát. Nếu ta bắt đầu hành thiền chỉ
vì muốn trải nghiệm một điều gì đó tốt đẹp hơn trong
cuộc đời, thì hành động này cũng sẽ dần dần đem lại
kết quả, nếu ta thường xuyên và kiên trì hành thiền. Nếu,
qua các tầng thiền định, chúng ta nhận biết rằng có một
tầng tâm thức hoàn toàn khác sẵn dành cho tất cả, ngay cả
đối với những người bình thường như chúng ta, thì cuối
cùng ta cũng hiểu rằng, thế gian chỉ dành thỏi vàng cho kẻ
ngu khờ. Nó lấp lánh, nhưng không có giá trị gì. Mặc dầu
nó cũng thực sự chiếu sáng một cách đầy quyến rũ.
Những người phụ nữ đẹp, những người đàn ông lịch
lãm, thời tiết ấm áp, cao lương mỹ vị, âm nhạc êm tai,
lời văn lôi cuốn -nhưng tất cả đều tùy thuộc vào sự
tiếp xúc của các căn. Tất cả đều ở bên ngoài chúng ta,
chứ không thể nào với tới được tiềm thức sâu kín của
ta. Trong tiếng Pali, nó được gọi là ma vương, màra, hay sự
cám dỗ.
Chúng ta luôn bị thế giới này quyến rũ, không chỉ vì nó
có vẻ hấp dẫn, mà còn vì tất cả mọi người đều nghĩ
rằng đó là nơi ta có thể tìm được hạnh phúc. Một số
người cũng có vẻ rất thành công, có được tất cả những
thứ họ muốn, khiến chúng ta tự hỏi: “Sao cuộc đời họ
may mắn thế, trong khi cuộc đời ta đầy bất hạnh.
Có lẽ tôi cần phải bắt chước theo họ” và chúng ta cứ
thế chạy đuổi theo cách này hay cách khác. Nếu cứ
tiếp tục theo cách sống đó một thời gian, chúng ta sẽ đánh
mất cơ hội dành cho chúng ta trong kiếp sống này để đi
theo con đường nội tâm. Để đạt được sự nhàm chán,
đòi hỏi một quá trình tu tập dài lâu, mà nó cũng chỉ là
bước đầu tiên trên con đường chứng ngộ sâu sắc Pháp.
Sau tâm nhàm chán đến ly tham, là bệ phóng cho sự chứng đạt
Niết bàn. Ở giai đoạn này, tâm nhàm chán của chúng
ta đã tăng trường mạnh đến đỗi, khi tham hay sân phát sinh,
chúng ta có thể buông bỏ chúng ngay lập tức, nhưng chúng
chưa biến mất. Tham sân chỉ hoàn toàn biến mất ở
giai đoạn cuối cùng trước khi giác ngộ, và ngay cả khi đó
chúng cũng còn luẩn quẩn trong tiềm thức một cách vi tế,
dầu chúng không còn quấy phá chúng ta nữa. Chỉ có vị
A-la-hán, vị giác ngộ, là hoàn toàn rũ bỏ được chúng.
Tuy nhiên, với ly tham, chúng ta không còn muốn nắm bắt, kéo
níu, hay xô đẩy, chống đối. Khuynh hướng tiềm ẩn
vẫn còn đó, nhưng ta có thể buông bỏ chúng vì ta đã nhìn
ra được chân lý ẩn chứa trong nhàm chán. Nếu không
thể làm thế, chúng ta sẽ không thể tiếp tục trên con đường
đạo.
Nhàm chán và ly tham là những bước trọng yếu trên con đường
này. Cũng cần nhắc lại ở đây là nếu ta không nhận
ra được cái khổ của bản thân, thì ta không thể nào đạt
được tâm nhàm chán và ly tham. Nếu chúng ta chỉ thực
hành vì muốn có thêm chút hương vị thiền trong cuộc đời
mình thì chẳng bao giờ ta có thể đến gần được nhàm chán
hay ly tham. Nhận ra được cái khổ (dukkha) của mình,
không có nghĩa là ta phải gặp một thảm kịch trầm trọng
nào. Khổ chỉ là cảm giác luôn bức xúc, lo lắng, náo
động, không tự tại. Khi nhận ra được cái khổ của
mình, thì lòng tin vào Phật Pháp sẽ phát sinh. Điều
này có nghĩa là lúc đó chúng ta mới nguyện dốc lòng, không
phải lòng tin một cách mù quáng vào giáo lý của Đức Phật,
mà là tìm hiểu xem những lời Phật dạy có đúng trong mọi
hoàn cảnh không. Với tâm nguyện đó, hoan hỷ sẽ phát
sinh vì ta có thể làm một điều gì đó vượt lên những
mong ước tầm thường của thế tục, và nhờ tâm hoan hỷ
đó ta mới có thể tích cực hành thiền. Lúc đó, như
chúng ta đã thấy, trong chuỗi nhân quả của “duyên sinh siêu
thế” (transcendental dependent arising) này, những bước kế
tiếp là các tầng thiền định, được tiếp theo sau bởi
“tuệ tri và tri kiến để nhìn mọi vật như chúng thật
sự là”, là một kinh nghiệm thực chứng về vô thường,
khổ và vô ngã.
Trải nghiệm một điều gì đó không có nghĩa là ta sẽ hiểu
nó. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn có thể
sống mà không cần đến nhiều hiểu biết, như chúng ta vẫn
có thể xem lướt qua báo chí dầu từ ngữ của ta có hạn
chế. Cuộc sống hằng ngày không đòi hỏi chúng ta phải
có một tri kiến sâu xa nào; chỉ cần ta có thể giải quyết
công việc một cách hữu hiệu, là đủ rồi. Trong khi, nếu
muốn đi theo con đường Phật dạy, chúng ta phải đi sâu hơn
nữa; phải ý thức đến từng giây phút hiện tại, tầm quan
trọng của nó, và thực sự hiểu được chúng ta đang trải
nghiệm điều gì.
Trong quá trình thiền quán, chúng ta bắt đầu thấy vô thường
như là một tính chất của cuộc sống; chúng ta cũng là cái
vô thường đó. Điều này còn đi xa hơn việc đơn giản chấp
nhận sự thật là tất cả mọi thứ đều vô thường, hoặc
hơi thở của ta là vô thường. Chúng ta nhận biết sự thật
đó về chúng ta ở mức độ sâu xa nhất của sự hiện hữu.
Cũng như thế, chúng ta nhận biết sự thật về khổ, khi chúng
ta trải nghiệm điều đó, hết lần này đến lần khác, sự
bất an tiềm ẩn trong tâm và trong trái tim ta. Chúng ta trở
nên ý thức về việc ta đã bỏ ra biết bao thời gian để
đi tìm những nguyên nhân ở bên ngoài, trách móc, đỗ lỗi
cho người khác. Chúng ta hoàn toàn quên, ở những lúc như
thế, rằng người khác cũng có những bất an tương tự, trong
những cách giống hệt như của chúng ta. Thay vì thế, ta thấy
chỉ có mình là bất an, rồi ta trưng ra bao lý do khiến điều
đó có thể xảy ra. Tất cả đều không liên can gì đến
tiềm thức sâu xa của ta, chúng chỉ phảng phất trên mặt,
chỉ chạm đến bờ mé của sự trải nghiệm của ta.
Trở nên ý thức về vô thường hoặc khổ là một điều
rất quan trọng, không chỉ ở bên trong ta, mà ở bất cứ
nơi nào ta để mắt tới. Mỗi cụm cây, mỗi bờ cỏ,
mỗi chiếc lá, đều bật lên tiếng nói lớn về vô thường.
Mỗi một ngày cũng đầy rẫy những vô thường. Nếu chúng
ta sở hữu một trong những chiếc đồng hồ điện tử, chớp
tắt mỗi giây. Chúng ta sẽ thấy không có gì có thể biểu
hiện tính vô thường rõ hơn thế. Vậy mà bằng cách
nào đó, chúng ta vẫn nghĩ rằng, chiếc đồng hồ không ngừng
chuyển biến, còn chúng ta thì đứng yên. Làm sao điều đó
có thể xảy ra? Chúng ta cũng giống hệt chiếc đồng
hồ kia, chúng ta cũng dần đi qua với thời gian.
Tâm nhàm chán sẽ ảnh hưởng lớn đến cách sống của
chúng ta. Nhưng nó chỉ có thể xảy ra như là kết quả của
bao công phu tu tập của ta trước đây, tất cả đều là nhân
quả. Đôi khi, vì chúng ta có thể buông bỏ một ham muốn
nào đó, chúng ta nghĩ rằng mình đã đạt đến trạng thái
nhàm chán. Rồi chúng ta ngạc nhiên khi một ái dục mới xuất
hiện. Dĩ nhiên buông bỏ được một ái dục là điều đáng
khuyến khích, đúng ra là rất quan trọng, nhưng đó chưa phải
là dứt được tham. Chúng ta vẫn còn phải quan tâm đến
tham dục, vẫn còn phải tu tập nhiều hơn. Trong câu chuyện
về Vacchagotta, chúng ta đã thấy, ngọn lửa chỉ tắt đi khi
không còn có thêm nhiên liệu. Một số người có thể nói,
nhưng tôi trân trọng niềm đam mê của mình. Tôi không muốn
buông bỏ chúng. Nếu thực sự ta cảm thấy như thế,
thì ta đành phải chờ đợi cho đến khi ta có thể chuyển
đổi; có thể là trong kiếp này, kiếp tới, hay một trăm
kiếp nữa kể từ bây giờ, ai mà biết được? Mà cũng có
thể là ngày mai. Chúng ta thay đổi quan điểm khi nhìn sự
vật khác đi. Khi việc hành thiền của ta càng trôi chải,
thì tâm càng thấy rõ ràng hơn thực tại mà ta đang sống
trong đó. Phần đông chúng ta sống trong một thực tại do
ta tự tạo ra. Ta tưởng tượng nó giống như là ta mong muốn.
Nhưng rồi ta tự hỏi tại sao mình không hạnh phúc, đơn giản
chỉ là sự tưởng tượng và thực tế không đi đôi với
nhau. Không thể sắp xếp để nội tâm phải phù hợp với
ái dục của ta, cũng không thể mua chuộc được thực tại.
Nếu điều đó khả thi, thì tất cả những kẻ giàu có đều
hoàn toàn hạnh phúc, là điều chẳng bao giờ xảy ra. Trái
lại, có một số người giàu có lại quá khổ đau đến nỗi
họ phải tự tử. Ở một mức độ nào đó, chúng ta đều
biết tất cả những điều này. Nhưng rồi ta có làm
gì không? Những gì chúng ta biết, và những gì chúng ta làm
thường rất khác xa nhau. Một khía cạnh quan trọng của đời
sống tâm linh, đó là nếu chúng ta thực sự biết điều gì
là đúng, chúng ta phải hành động dựa trên đó. Nếu không,
nó sẽ không đưa chúng ta đi đến đâu cả. Chỉ có sự hiểu
biết thôi, không thể đem lại sự đổi thay.
Nhàm chán, như Đức Phật đã nói trong bản kinh này, đưa
đến sự “tịch diệt, tịch tịnh, và thắng trí”. Khi nào
tâm còn sân tham, nó không thể vượt lên chính mình. Nó bị
kẹt trong chính vòng xoáy của các phản ứng của mình. Chúng
ta có thể thực sự cảm thấy điều này khi tâm ta quay cuồng
trong vọng tưởng không dừng dứt. Chúng ta cũng giống như
Potthapàda, với bao ý nghĩ và quan điểm mù mờ. Khi nào ta
còn chất chứa sân tham và cho phép chúng khởi lên trong lúc
hành thiền, thì tâm khó thể được thanh tịnh hay trải nghiệm
được những trạng thái tâm thức cao hơn. Tâm vẫn còn quá
bám víu vào thế giới này. Trong thiền, vấn đề là làm cho
tâm được lắng đọng để nó có thể nhận thức rằng thế
giới bên ngoài đơn giản chỉ là một môi trường cần thiết
cho thân, không phải là cái có thể mang đến hay không mang
đến cho ta hạnh phúc, và chắc chắn rằng nó không phải
là thứ mà ta cần chú tâm đến khi tọa thiền. Dĩ nhiên,
khi phải đối mặt với người hay hoàn cảnh nào đó, chúng
ta phải ý thức về bản thân trong thế giới đó, nhưng trong
lúc hành thiền, ta cần tránh những môi trường có thể khơi
dậy lòng sân tham trong ta. Chỉ khi đó, chúng ta mới có
thể đạt được những tầng thiền định và trí tuệ cao
hơn, hay là abhinna, có nghĩa là sự diệt tận mọi chướng
ngại và các khuynh hướng tiềm ẩn. Khi chúng ta đạt đến
giai đoạn này trên con đường đạo, thì các uế nhiễm, bất
thiện tâm đã được giải tỏa để chúng không còn là những
chướng ngại đối với chúng ta nữa.
Đức Phật có bốn cách để trả lời những câu hỏi: bằng
cách đơn giản nói có hay không; bằng sự giải thích cặn
kẻ; hoặc bằng một câu hỏi ngược lại như chúng ta thấy
ở trong kinh này; và cuối cùng là với sự im lặng. Tuy nhiên
đối với Potthapàda, thay vì giữ im lặng, Đức Phật đã
nói với Potthapàda lý do tại sao Ngài không muốn trả lời
tất cả các câu hỏi của ông. Vì chúng không đưa đến
mục đích gì, đó là một trong những lý do. Lúc đó, Potthapàda
không ngần ngại quay sang câu hỏi khác, vì ở đây Đức Phật
là bậc đạo sư để ông tham vấn:
-Bạch
Thế tôn, vậy Thế tôn trả lời những gì?
-Này
Potthapàda, Ta trả lời: “Đây là khổ”. Ta trả lời:
“Đây là khổ tập?. Ta trả lời: “Đây là khổ diệt”.
Ta trả lời: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”.
Đó là Tứ Diệu Đế, nền tảng giáo lý của Đức Phật.
Potthapàda đã đi quá xa đề tài, theo đuổi những ý nghĩ
không ích lợi gì, vì thế Đức Phật đang đưa ông ta trở
về với các sự thật căn bản này. Đó là lời tuyên
bố của Đức Phật khi giác ngộ. Đức Phật đã ngồi
một tuần trong trạng thái định tĩnh, dưới gốc cây Bồ
đề nổi tiếng, ở Bodhgaya bây giờ. Sau khi xuất định, Đức
Phật đã lập ra thuyết Tứ diệu đế này, vì Ngài nhận
thấy chúng là câu trả lời cho nổi khổ của chúng sanh. Sau
khi giác ngộ, Đức Phật đã giải thích về Tứ Diệu Đế
ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài, kinh Chuyển
Pháp Luân (Dhammacakka-pavattana Sutta- Dhammacakka là ‘bánh
xe pháp’ và pavattana là ‘quay’), cho năm người bạn mà
Đức Phật trước đó đã cùng đồng tu dưới sự hướng
dẫn của hai vị thiền sư. Khi nghe được những lời dạy
này, một trong năm vị này lập tức đạt được giác ngộ.
Sau này, những người còn lại cũng đạt được giác ngộ.
Họ trở thành những vị tu sĩ, đệ tử và tín đồ Phật
giáo đầu tiên của Đức Phật.
Con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau là Bát Chánh
Đạo, mà thường được chia làm ba phần: giới, định, và
tuệ (sìla, samàdhi và pannà), tất cả đều được nói đến
trong bản kinh này. Potthapàda đã được nghe về sự cần thiết
phải sống đời đạo hạnh; ông đã được nghe về định,
và cuối cùng là tuệ khi ông đặt câu hỏi về sự hiện
hữu hay không hiện hữu của “tự ngã”. Thật ra, Potthapàda
vẫn còn tin rằng có một tự ngã và ông sẽ mang vấn đề
này ra hỏi lại sau này. Ta thấy ông không thay đổi ý kiến
cho tới tận cuối bài kinh, khi ông trở thành đệ tử Phật.
Giáo lý của Đức Phật luôn chứa ba phần này; nếu không,
nó chưa hoàn chỉnh. Thật vậy, chỉ có những giáo lý tâm
linh nào bao gồm cả giới, định, và tuệ, mới đáng để
cho chúng ta theo.
Potthapàda vẫn còn có một câu hỏi nữa:
-Bạch
Thế tôn, vì sao Thế Tôn trả lời?
Rất kiên nhẫn, Đức Phật lặp lại những lời đã nói:
-Này
Potthapàda, vì câu hỏi này thuộc về đích giải thoát, thuộc
về Pháp, thuộc căn bản của phạm hạnh, đưa đến yểm
ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác
ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy Ta trả lời.
Trước câu trả lời đó, cuối cùng Potthapàda có vẻ cũng
đã hiểu, vì ông nói:
-Bạch
Thế tôn, như vậy là phải. Bạch Thiện Thệ, như vậy
là phải. Bạch Thế tôn, nay đã đến thời Ngài làm
gì Ngài xem là phải làm.
Rồi Đức Phật đứng dậy từ chỗ ngồi và ra đi.
Lời dạy mà Đức Phật để lại cho Potthapàda vẫn đầy
giá trị đến tận ngày nay, đó là chỉ nên quan tâm
đến những vấn đề có ích cho ta trên con đường tu tập.
Vào thời đó ở Ấn Độ, các vị Bà-la-môn, giáo sĩ, các
vị thầy tâm linh thường ghi lại những cuộc đối thoại,
tranh cãi dông dài; với những đề tài như là thế giới có
thường còn hay không, có vô biên hay hữu biên, linh hồn có
phải là tự ngã, vân vân. Tuy nhiên khi chúng ta quán tưởng
về những điều này, chúng ta sẽ thấy là những đề tài
này không ích lợi gì cho sự tu tập của ta. Trái lại,
chúng còn đưa đến những suy nghĩ viễn vông. Rõ ràng
là chúng không thể đưa ta đến định tĩnh.
Sự quán chiếu ích lợi nhất là tìm hiểu, suy nghĩ về Tứ
Diệu Đế và tự chứng nghiệm chúng nơi bản thân. Hai
đế đầu tiên, là khổ và nguồn gốc của khổ là do ái
dục, hay sân và tham, có thể xảy ra bất cứ giây phút nào
trong một ngày. Nếu chúng ta có thể nhận chân được
những sự thật này, thì ngay bây giờ với lòng tin, chúng
ta có thể chấp nhận Diệu Đế thứ ba, sự chấm dứt khổ.
Diệu Đế thứ tư, con đường giải thoát khổ, là Bát Chánh
Đạo, dần dần sẽ đưa ta đến giải thoát. Điều quan trọng
là ta cần phải quán tưởng những sự thật này cho đến
khi chúng ta thực sự hiểu được chúng. “Tôi đã thực sự
trải nghiệm qua khổ đau chưa? Nếu có, tôi có đổ lỗi
cho một nguyên nhân bên ngoài không? Tôi có còn tin rằng một
người nào đó hay một điều gì đó đã gây khổ cho tôi
không? Hay tôi hoàn toàn tin rằng, từ kinh nghiệm tự thân,
tôi là người tạo ra nó?” Nếu không hoàn toàn chắc chắn
về điều này, chúng ta phải tiếp tục tự hỏi mình: “Ai
khiến tôi khổ?” Dĩ nhiên chúng ta có thể lập luận
rằng: “Không ai muốn cho tôi khổ, không ai hơi sức đâu
làm chuyện đó”, hoặc tự lý giải như thế nào cũng được,
nhưng cách đó không mấy ích lợi. Vấn đề là ta phải nhận
thức được sự thật này từ nội tâm và ứng xử tùy theo
đó. Một khi chúng ta làm được như thế và có thể buông
bỏ bất cứ ái dục nào phát khởi ngay lúc đó, ta sẽ thấy
rằng khổ cũng biến mất ngay lập tức.
Ái dục cũng có thể phát khởi từ một thiện ý. Thí
dụ ta có thể muốn hành thiền giỏi. Nhưng khi chúng
ta có ý muốn như thế, thì ta có thể chú tâm được không?
Dĩ nhiên là không. Không có gì xảy ra tất cả. Nếu còn có
“cái tôi muốn,” thì sẽ còn có khổ đau. Giả sử chúng
ta buông bỏ lòng ham muốn đó, để cho nó qua đi? Giả sử
chúng ta ngồi xuống, xếp chân lại, và chỉ có mặt ngay giây
phút hiện tại, với lòng không ham muốn? Chúng ta sẽ khám
phá ra rằng điều đó diệu kỳ làm sao. Ai cũng có thể trải
nghiệm được điều này. Ngay nếu như tâm ta vẫn còn lăng
xăng, quay cuồng, thì chỉ cần ta có thể buông bỏ tất cả
trong một vài giây, ta cũng sẽ nhận thấy nhẹ nhỏm dường
bao. Đó là giây phút của chân lý. Giống như chúng ta
đang mang một gánh nặng và cuối cùng có thể đặt nó xuống.
Dĩ nhiên tâm không được rèn luyện lại vác một gánh nặng
khác lên vai ngay lập tức, nhưng dầu gì ta cũng có thể kiên
trì thực hành buông bỏ. Khi đã làm được như thế,
không những chúng ta sẽ buông bỏ các ái dục dễ dàng hơn,
mà chúng ta còn cảm nhận được những kết quả khác như:
sự cởi mở, phóng khoáng, nhẹ nhàng, định tĩnh.
Chúng ta càng dốc tâm hành thiền, với lòng không mong cầu,
thì càng tốt hơn. Chúng ta cũng nên khôn ngoan để giải phóng
tâm khỏi những câu hỏi có tính cách suy đoán, lý luận mà
Đức Phật cho rằng rất vô ích, mà Potthapàda lại rất
thích làm. Có lẽ các câu hỏi của Potthapàda chỉ có
giá trị là để cho chúng ta thấy điều gì là ích lợi đối
với sự tiến bộ tâm linh và điều gì là không.