Chương
7
Tầng Thiền
Thứ Năm Và Thứ Sáu
“Không Vô
Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ”
Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), do Ngài Long Thọ (Buddhaghosa)
viết vào thế kỷ thứ năm, đã có những ẩn dụ rất thích
hợp với bốn tầng thiền định đầu tiên. [e]
Một kẻ lữ hành đi trong sa mạc, không mang theo nước,
và càng lúc thì càng khát. Cuối cùng, anh ta nhìn thấy một
hồ nước ở đàng xa, anh ta tràn đầy hân hoan, vui sướng.
Đi lang thang trong sa mạc với cơn khát tượng trưng cho sự
khao khát hỷ lạc, và hạnh phúc nội tâm, mà chúng ta đã
không thể tìm được ở thế giới bên ngoài. Cảm
giác háo hức, hân hoan khi nhìn thấy hồ nước từ đàng xa,
giống như cảm giác phát khởi ở tầng thiền định thứ
nhất – sự nhận thức được rằng có một cái gì đó,
dù còn đang ở “xa tầm tay với”, có thể cuối cùng mang
lại cho chúng ta cảm giác thoả mãn hoàn toàn. Biết rằng
nó đang ở phía trước, tâm thức sẽ tiến dần đến đó.
Sau đó, người lữ hành đứng ở bờ hồ, tràn đầy niềm
vui, vì biết rằng mình đã đến được chỗ có nước để
giúp anh hết khát. Đây là sự mô tả về nhị thiền,
niềm vui biết rằng chúng ta đã đến bờ của niềm vui nội
tại.
Kế tiếp, người lữ hành bước xuống hồ, uống nước,
và sau khi uống đã khát, người ấy cảm thấy hài lòng và
gần như trở nên một con người khác với kẻ lữ hành lang
thang trong sa mạc không có nước trước đây.
Đó là chứng nghiệm của tam thiền. Nếu đã từng bị
khát nước một thời gian dài, chúng ta biết cảnh đó khổ
sở thế nào, về thể xác lẫn tinh thần. Sự so sánh
trên để nói về trạng thái tâm lý và tình cảm thường
xảy ra của chúng ta, vì trong khi đang đi tìm kiếm nước,
ta luôn bực bội, khó chịu, nhưng một khi ta đã uống “đã
khát”, thì lại hoàn toàn khác. Chúng ta cảm thấy tự
tại và hạnh phúc. Trạng thái hỷ lạc này không phải
là mục đích cuối cùng mà Đức Phật muốn hướng chúng
ta đến, nó chỉ là một bước trên con đường. Tuy nhiên,
đó là một bước trọng yếu, vì nó cho ta niềm phấn khởi
để tiếp tục tiến bước và để đạt tới tuệ giác mới.
Bây giờ người lữ hành nơi sa mạc mới cảm thấy an bình.
Trước đó, khi anh tìm kiếm không ngừng nghỉ, anh đã ở
trong một hoàn cảnh rất khổ sở, vì nước là nguồn mạch
sống của anh. Nhu cầu sinh tồn đã thúc đẩy anh đi
khắp tất cả phương hướng. Giờ đã hết khát, anh
rời khỏi hồ nước, đến dưới bóng cây, và nằm nghỉ
ngơi để lấy lại sức. Cảm giác hoàn toàn thoải mái,
tự tại này là trải nghiệm của tứ thiền. Không phải
là hành giả rơi vào giấc ngủ tại đó, mà chỉ là để
cho tâm được nghỉ ngơi trong sự tĩnh lặng của thiền định.
Những ẩn dụ này mô tả rất đúng những gì mà chúng ta
thường trải qua trong cuộc sống, mà không hề ý thức được.
Giống như thân không thể sống mà thiếu nước, thì tâm cũng
cần có niềm hỷ lạc, định tĩnh mới được thoải mái.
Có thể chúng ta cũng không biết mình đang tìm kiếm điều
gì. Nó chỉ biểu hiện trong sự lăng xăng, không yên
ổn của ta, như khi ta thay đổi chỗ ở, tìm bạn bè mới,
tư tưởng lạ, thay đổi công việc, du lịch xứ này, xứ
kia. Những gì mà chúng ta theo đuổi chỉ là phản ánh
của cơn khát nội tâm, mà ta hy vọng có thể làm dịu cơn
khát đó bằng những thứ bên ngoài ta. Cái mà chúng ta
đang tìm kiếm đã nằm sẵn bên trong ta, nếu chịu dành thời
gian và năng lực cho một cuộc truy tìm nội tâm, chúng ta sẽ
tìm thấy sự an bình nhanh hơn, vì đó là nơi duy nhất mà
ta có thể tìm được.
Người ta cho rằng tứ thiền như một bệ phóng cho các bậc
thiền vô sắc kế tiếp. Tất cả chúng ta đều có khả
năng đạt đến các trạng thái tâm thức này; thật ra, ta
có thể nói là chúng “không có gì đặc biệt”. Các
bậc thiền đó không phải là sự giác ngộ, nhưng chúng là
nền tảng và là sự bổ sung cho khả năng của tâm. Giác
ngộ tự nó là một điều rất đặc biệt, nó đòi hỏi nhiều
sức mạnh tinh thần, vì thế trước tiên chúng ta phải có
một nền móng vững chắc. Đạt được các tầng thiền
định chỉ là vấn đề thời gian và kiên trì, nhưng trong
quá trình tu tập, điều tiên quyết là không được tìm kiếm,
mong mỏi bất cứ kết quả hay sự thành tựu nào.
Bốn tầng thiền đầu được gọi là “sắc giới định”
vì chúng ta có những trạng thái tương tự trong cuộc sống
đời thường, dù không viên mãn và luôn phải lệ thuộc vào
những điều kiện bên ngoài. Tuy nhiên, vì lý do đó,
ta vẫn có thể liên hệ với các tầng thiền định một cách
khá dễ dàng. Tất cả các trạng thái định này đều
có sẵn trong ta, nhưng vọng tưởng đã che khuất cái nhìn
của chúng ta. Bất cứ vọng tưởng đó là gì, dù là
“Tôi phải chú tâm,” hoặc “Tôi phải thực hành điều
này,” hoặc “Tôi không muốn làm việc ấy,” đều không
quan trọng. Tâm định đã bị những sự suy nghĩ, phản
ứng, ý kiến, quan điểm –những thứ rất quen thuộc với
chúng ta- che lấp. Khi nhận thấy rằng ta chưa bao giờ
hoàn toàn hài lòng với các hoạt động của thân tâm, thì
chỉ có một câu trả lời: hãy buông bỏ chúng trong lúc hành
thiền và đừng để chúng xen vào tâm thức. Dù “tôi”
thích hay không thích vật gì, dù “tôi” muốn hay không muốn
đạt được điều gì, không khác gì nhau, khi hành thiền,
chúng ta không nên mang chúng vào trong tâm. Khi ta có thể
buông bỏ đống hổ lốn này, tâm thức tự động hướng
đến các trạng thái tâm khác. Đây là điều mà Đức
Phật đã giải thích cho Potthapàda. Tất cả chúng ta đều
có ý thức, do đó ta cũng có khả năng đạt được các trạng
thái tĩnh thức được biết đến như là thiền định,
Có nhiều ý kiến khác nhau về các tầng thiền định, gây
ra nhiều hoang mang. Nếu không có những định kiến về
vấn đề này ngăn trở, chúng ta sẽ dễ dàng ngồi xuống
hành thiền. Nếu chúng ta có thể buông bỏ vọng tưởng
trong tâm thức, thì an định sẽ xảy ra một cách tự nhiên,
vì đó là nơi tâm yên tịnh, lắng đọng sẽ hướng về.
Nó chẳng còn chỗ nào khác để đến trừ khi nó đạt đến
Niết Bàn (Nibbana), lúc đó nó sẽ tiến vào Niết Bàn an lạc.
Cho đến lúc đó, các trạng thái tâm khác chỉ là những trạng
thái mà hành giả có thể chứng nghiệm được, khi tâm đã
buông bỏ mọi vọng tưởng. Chúng ta không cần cả đến
sự “đạt” định. Chúng ta chỉ cần buông bỏ mọi
nghĩ suy.
Kế tiếp là các tầng thiền định vô sắc (formless meditative
absorption). Trong tiếng Pali, bốn tầng thiền đầu được
gọi là Sắc giới định (rupa jhana), bốn tầng kế tiếp,
Vô Sắc giới định (arupa jhana). Các tầng thiền định
này được gọi là vô sắc vì, khi ta sử dụng khả năng tâm
một cách bình thường, như trong đời sống hằng ngày, ta
sẽ không thể liên hệ với chúng. Thật ra, đối với người
không hành thiền, những điều này nghe giống như một chuyện
thần tiên. Trái lại đối với các thiền sinh, dầu chưa
được trải nghiệm các tầng thiền định này, họ cũng có
chút khái niệm về chúng. Như chúng ta đã biết qua trong
các chương trước, bốn tầng thiền định đầu tiên liên
quan đến cảm giác vật lý và tình cảm. Các ẩn dụ
mà Đức Phật đưa ra đều liên quan đến thân: thân ướt
đẫm, tràn đầy, trùm phủ. Trái lại, trong các tầng
thiền kế tiếp, không có những sự so sánh như thế được
đưa ra, không có cảm xúc, và dĩ nhiên là không có cảm giác
vật lý nào được nói đến. Các tầng thiền định
này hoàn toàn là các trạng thái tâm linh, chúng phát khởi
vì tâm, qua sự chứng nghiệm liên tục bốn tầng thiền định
đầu tiên đã trở nên dễ uốn nắn, dễ sử dụng,
nhu nhuyến đủ để ta có thể trải nghiệm chúng. Tâm
không còn cứng nhắc, cố cưỡng, nên giờ nó có thể vươn
đến những tầng thiền cao hơn.
Đức Phật mô tả ngũ thiền như sau:
Lại nữa này Potthapàda, với sự vượt thoát mọi sắc
tưởng, với sự diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, với
sự không tác ý đối với dị tưởng, tỷ-kheo nghĩ rằng:
“Hư không là vô biên, chứng và trú Không vô biên xứ . .
. . Như vậy do sự học tập, một tưởng khởi lên,
cũng do học tập một tưởng diệt trừ”.
Trong tứ thiền chúng ta không còn trải nghiệm các cảm giác
về thân, mà chỉ ý thức đến sự tĩnh lặng của tâm, của
các cảm giác. Do vậy trong ngũ thiền, việc “vượt
thoát mọi sắc tưởng” không phải là việc gì đặc biệt
cần phải thực hiện. Mà đúng hơn, chính là ta phải
buông bỏ “mọi chướng ngại tưởng”, một cách có chủ
đích. Điều này ám chỉ, trước tiên và quan trọng nhất,
là đến sự giới hạn của thân mà chúng ta thường biết
đến. Chúng ta hình dung rằng có một biên giới rõ rệt:
“Chỗ nào không còn da, chỗ đó không còn thân”, và như
thế, nơi đó “cái tôi” cũng chấm dứt luôn. Đó rõ
ràng là một sự cố cưỡng, một giới hạn mà chúng ta tự
đặt ra cho mình. Trong bốn tầng thiền sắc giới, sự
giới hạn đó đã phần nào được nới rộng ra hơn.
Dầu gì, sự giới hạn đó cũng không hoàn toàn cứng nhắc
và bó hẹp như trong cuộc sống hằng ngày, nơi mà chúng ta
biết chắc đâu là sự bắt đầu và chấm dứt của mình,
hay ít nhất là ta nghĩ mình biết; chúng ta tự coi mình như
một khoảng không gian được quy định trước và được lấp
đầy.
Khi chúng ta xuất tứ thiền và muốn vươn đến “không vô
biên xứ”, chúng ta có thể ghi nhận biên độ của thân,
ở bất cứ đâu lúc đó, và bắt đầu đẩy biên độ đó
ra xa, xa hơn nữa. Thiền quán về tứ đại, mà chúng
ta đã nói đến trước đây, có thể giúp chúng ta khái niệm
về tiến trình này.
Đức Phật nói đến “không tác ý với các dị tưởng”.
Chúng ta cần vượt thoát ý niệm về sự “độc đáo” của
từng cá nhân, từng ngôi nhà, từng cây trái, từng bầu trời,
vì chúng ta nhìn biết mọi thứ như tách biệt, như có giới
hạn. Khuynh hướng phân biệt này là bản tánh tự nhiên
của nhân loại. Trong tiếng Pali, Papanca, có nghĩa
là khác biệt, “đa dạng”, và bao gồm thiên nhiên trong đó.
Ở trong mỗi loại, có cơ man là “cá biệt”. Con người
nằm trong trường hợp này: tất cả chúng ta đều nhìn hơi
khác nhau. Chúng ta bị sự khác biệt đó thu hút.
Khi ở trong một khu rừng, chúng ta thưởng thức hình dáng
của từng loại cây đặc biệt nào đó, đặc điểm của
từng cành lá. Tương tự, khi nhìn lên bầu trời, ta xuýt
xoa ngắm từng ngôi sao. Với con người cũng thế: ta thích
hay không thích những khuôn mặt khác nhau. Do đó, chúng
ta phải vượt thoát trên tất cả những thứ đó để có
thể tiến đến sự vô hạn định của không gian.
Có hai cách để làm việc đó, và chúng ta có thể sử dụng
một hoặc cả hai cách, tùy theo việc thực tập trải rộng
tâm có khó hay không. Cách thứ nhất, như đã nói qua,
là từ biên độ của thân, bất cứ ở chỗ nào mà ta cảm
nhận được, bắt đầu trải rộng ra cho đến khi nó hoàn
toàn hòa lẫn vào vô định. Nếu gặp trở ngại như
không thể trải rộng thân hơn nữa, hành giả có thể sử
dụng khái niệm về khu rừng, đồng cỏ, núi đồi, thung lũng,
sông, biển; sau đó trải rộng đến khắp cả trái đất
mà ta đang sống; và xa hơn nữa đến bầu trời, và chân trời
trên quả địa cầu. Khi đến tận chân trời, chúng ta
buông bỏ, và đó là không gian vô tận. Đó là “không
tác ý với các dị tưởng”, hoặc là đến ranh giới,
mà trong suy nghĩ của chúng ta, khiến tất cả mọi thứ tách
biệt.
Thiền quán về những lời dạy này cũng rất hữu ích, hãy
tự hỏi và suy nghĩ xem lời Đức Phật dạy có đúng sự
thật không; thật ra, có hay chăng một tổng thể hơn là cái
vẻ tách biệt mà ta hay để tâm đến? Phải chăng những
ranh giới dường như rất thật, chỉ là ảo ảnh thị giác?
Dưới khía cạnh khoa học, kiến thức phổ thông cũng cho ta
biết rằng không có khối cứng chắc, độc lập nào có thể
tìm thấy trong vũ trụ. Chỉ có những phân tử năng lượng,
hội tụ rồi tan rã không ngừng nghỉ. Những điều này
chúng ta đều nghe qua, nhưng ít khi nhớ đến. Nếu
như qua thiền quán, ta nhận biết rằng đó là thực tại của
mọi vật, thì ta cũng sẽ nhận ra rằng các ranh giới có thể
là vọng tưởng do tâm tạo ra. Tri giác này sẽ giúp chúng
ta buông bỏ dính chấp vào sự khác biệt.
Đó là hai cách để tiến vào không vô biên xứ, mà theo Đức
Phật, có thể được thực hiện với chủ tâm. Chúng
ta không cần phải chờ đợi một ngày nào đó nhờ may mắn
lớn mà gặp được nó. Có khả năng nhận thức được
một chân lý cơ bản như thế giúp ta mở rộng tâm thức.
Đa số không bao giờ suy nghĩ như thế. Họ không có khái
niệm gì về một tổng thể. Ngay cả các nhà khoa học,
dầu đã khám phá ra chân lý này qua các thí nghiệm và nghiên
cứu, họ cũng hiếm khi biến nó thành một phần của quá
trình tư duy nội tại của họ. Họ chỉ coi đó là một
sự kiện khoa học. Tuy nhiên, nếu đó là chân lý, thì
nó liên quan đến chính tâm thức của chúng ta, vì tâm là
yếu tố cơ bản của vũ trụ. Đây không phải là một
tâm thức riêng lẻ, hạn hẹp mà tất cả chúng ta thường
biết đến. Nếu ta dành chút thời gian quán chiếu về
tri giác này, ta sẽ thấy mình đủ khả năng để với tới
loại tâm triển khai này. Chúng ta càng ít hạn chế tâm,
thì tâm càng dễ được triển khai rộng hơn, và càng dễ
để nó nhận ra những chân lý tột cùng hơn. Những kiến
thức thông thường của chúng ta không liên quan gì đến chân
lý tuyệt đối cả; chân lý đó bị bóp méo, cắt xén bởi
những giới hạn của bản thân chúng ta. Nếu tâm được
khai mở, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi các giới hạn này.
Tất cả chúng ta đều có tiềm lực này, mà đúng ra, là con
người, chúng ta có bổn phận tận dụng hết mức tiềm lực
ấy; không phải để ở mãi trong giới hạn hiện tại, mà
để khai thông, mở rộng đến hết mức.
Sau khi xả định, nhất là sau các tầng thiền định này,
nếu ta hướng tâm đến việc quán sát ‘tuệ tri’ thì rất
lợi ích và đáng công.
Trong đoạn văn sau, Đức Phật nói đến những tà kiến về
ngã, rất phổ biến trong thời Đức Phật. Mà đúng ra,
nó cũng là cách chúng ta suy nghĩ ngày nay.
Một số sa-môn và Bà-la-môn có chủ trương như thế
này, có chủ kiến như thế này: vì thân này có sắc, được
tạo ra bởi tứ đại, là sản phẩm của cha mẹ, nên khi thân
này tan rã, nó bị hủy diệt, biến mất, không còn tồn tại
sau khi chết. Và như vậy, cái ngã này cũng bị tiêu diệt
.
Từ đoạn kinh này, chúng ta được biết có những người
chủ xướng lý thuyết –trong đó có Potthapàda– rằng cái
ngã đồng nhất với thân, và như vậy thân này là “ta”.
Quan niệm này rất phổ biến trong thời đại của chúng ta,
đến nổi không thể đoán biết có bao nhiêu người tin theo.
Từ đó nảy sinh ra một tư duy rất phổ biến là nếu thân
chúng ta hoàn thiện, thì chúng ta cũng sẽ trở nên hoàn hảo.
Nhưng làm sao ta có thể làm cho thân hoàn hảo, mà dầu có
được, thì điều đó cũng chẳng tạo ra sự khác biệt thiết
yếu nào. Trên phương diện vật lý, có thể ta sẽ cảm
thấy thoải mái hơn vì điều đó, nhưng chỉ có như vậy.
Tuy nhiên, quan niệm này có thể tìm thấy trong bất cứ tạp
chí về sắc đẹp, thời trang nào hiện nay.
Ngày nay, dầu chúng ta không nói rằng thân do tứ đại tạo
thành, nhưng quan niệm thì hoàn toàn giống. Chúng ta nhìn
vào gương và tự nhủ “Đó là tôi”. Còn ai khác hơn
chứ? Chúng ta thường xuyên soi gương và lúc nào cũng
thấy cùng một hình ảnh phản chiếu lại. Thì dĩ nhiên
đó phải là “tôi” rồi. Đó là một cái nhìn bị
hạn chế và hẹp hòi. Quan điểm này không thể mang đến
hạnh phúc cho chúng ta, vì ta không bao giờ có thể hoàn toàn
thỏa mãn thân. Nó luôn có những nhu cầu cần được
thỏa mãn và những đòi hỏi đôi khi rất vô lý. Nó
luôn mang đến cho ta bao vấn đề. Hãy thử tưởng tượng
nếu chúng ta có thể ngồi thiền với chỉ tâm, mà không cần
có thân, thì sẽ tuyệt vời biết bao. Ta sẽ không bao
giờ cảm thấy, “Ôi, tôi không thể chịu đựng thêm nữa
rồi”, không bao giờ bị nhức đầu gối, đau lưng, ngứa
chỗ này, chỗ kia muốn hắt hơi, vân vân. Dĩ nhiên, chúng
ta vẫn phải định tâm khi hành thiền, nhưng sẽ tự do, thoải
mái hơn nhiều. Có thân, nói tóm lại, là có phiền toái.
Giờ bạn có thấy rằng tự đồng hóa mình với nó là kỳ
quặc đến thế nào chưa? Tại sao ta lại nghĩ rằng mình
là sự phiền toái? Vậy mà, giống như Potthapàda và bằng
hữu của ông, chúng ta cũng thừa nhận giống như thế.
Kế tiếp là quan niệm sai lầm thứ hai về ngã, mà nghe nó
rất phô trương:
Người khác lại nói, có một cái ngã như bạn đã
nói, tôi không chối bỏ điều này. Nhưng cái ngã đó
không bị tiêu diệt hoàn toàn vì còn có một cái ngã khác,
có thực chất, thiêng liêng, thuộc về thế giới giác quan,
được nuôi dưỡng bằng thực phẩm. Bạn không biết
hay không thấy nó, nhưng tôi biết, tôi thấy. Đó là
cái ngã lúc thân này hoại (sẽ) tan rả.
Đó
là quan niệm xác định có một linh hồn. Quan niệm này
cho rằng khi thân hư hoại, con người chúng ta mất đi,
nhưng còn có một cái ngã thiêng liêng, thuộc “cõi dục”.
Hiện nay, một quan niệm tương tự như thế cũng rất phổ
biến. Dựa trên lý trí, có thể ta không tin điều này,
nhưng nó đã được rỉ rã bên tai chúng ta quá lâu đến nổi
trong ta luôn có nỗi nghi tiềm ẩn; có thể có một cái “ngã”
trong linh hồn, hoặc một linh hồn trong ngã –tùy theo ý ta
chọn lựa- nhưng nó hoàn toàn khác với cái “tôi” hiện
nay mà chúng ta biết. Chúng ta thích nghĩ rằng linh hồn
là một khía cạnh thanh cao của ta, và trong linh hồn có ngã.
Nó phản ánh một mong ước thầm kín: “Nếu tôi không phải
là thân, thì ít ra tôi cũng là linh hồn.” Một khía
cạnh khác của hệ thống tư duy này chứa đựng một khái
niệm mơ hồ rằng bất kỳ ngã đi đâu sau khi chết, nó cũng
sẽ được hạnh phúc.
Quan niệm sai lầm thứ ba là :
Có một cái tự ngã như bạn đã nói, tôi không chối
bỏ điều này. Nhưng tự ngã đó không hoàn toàn bị hủy
diệt, vì còn có một tự ngã khác thiêng liêng, thực chất,
do tâm tạo, viên mãn, không có khiếm khuyết gì ở các căn.
Tự ngã này sau khi thân hoại, sẽ biến mất.
Ở đây, chúng ta có một ý tưởng vi tế, do tâm tạo, được
đặt vào đây, không phải một linh hồn, mà là một cái ngã
cao hơn. Trong Ấn Độ giáo, đây là khái niệm về sự
hòa hợp với Phạm Thiên (Atman), “ngã cao tột”, đối nghịch
với “ngã thô phù”. Đức Phật nói tất cả những
điều này đều sai lầm, vì vậy Đức Phật đã nhắc lại
các quan niệm sai lầm khác nhau này. “Ngã do tâm tạo”
cũng là dấu hiệu của các tầng thiền cao hơn, mà ta cũng
vừa được biết đến là “không vô biên xứ”.
Chứng nghiệm một trạng thái tâm như thế đem đến cho ta
ý nghĩ rằng nếu “tự ngã” hòa lẫn vào cái không gian
đó, thì đó là cách mà tâm đã tạo nên ngã.
Tất cả những khái niệm này xuất hiện vì người ta không
thể buông bỏ ý nghĩ rằng, nhất định phải có “ai đó”.
Chúng ta tiếp tục tin tưởng như vậy. “Ai đang làm
tất cả những việc tôi làm đây?” chúng ta tự nhủ.
“Ai đang suy nghĩ tất cả những điều tôi suy nghĩ?
Ai đã phản ứng với các xúc chạm giác quan của tôi?
Ai đang mong muốn những thứ mà tôi muốn? Tất nhiên
phải có một người nào ở đó rồi”. Ngay cả khi chúng
ta không còn đồng hóa mình với thân, điều đó không khó
làm, chúng ta vẫn bị thúc ép phải xác lập mình với một
cái gì đó. Đầu tiên là linh hồn; rồi đến một cái
ngã siêu việt hơn, qua các tầng thiền định vô sắc, hay
một loại bản ngã nào đó vẫn còn hiện diện trong không
gian vô biên hay thức vô biên.
Cuối cùng, quan niệm sai lầm thứ tư là :
Có một tự ngã như bạn đã biết, nhưng có một tự
ngã khác, hoàn toàn xa rời các cảm xúc của thân, không còn
các phản ứng do xúc chạm, không còn tác ý trên dị tưởng,
thấy rằng không gian là vô hạn, đã nhận biết phạm vi vô
hạn của không gian. Đây là cái ngã sau khi thân hoại,
tan rã.
Đây là “tự ngã trong sự đồng nhất”. Trong tầng
thiền định thứ năm, khả năng để bước vào không gian
vô định mang đến cho hành giả cảm nghiệm của sự đồng
nhất. Chúng ta mất đi sự riêng rẽ, sự tách biệt.
Tư duy về một “ý thức đồng nhất”, hiện giờ đang thịnh
hành, cũng có chút giá trị. Đó là ý thức rằng chúng
ta không phải là người quan sát, đứng riêng rẽ và nhìn
mọi thứ diễn ra trước mắt. Khi nào chúng ta còn là
người quan sát, chúng ta không thể không có sự yêu ghét,
phê bình, đánh giá. Chúng ta bị lòng ái dục vây bủa
vì ta muốn có hay không muốn có những thứ mà ta quan sát.
Khi chúng ta còn có những suy nghĩ như vậy, thì ta còn tin vào
một cái ngã, một linh hồn, hoặc một siêu ngã. Khi trải
nghiệm được sự đồng nhất, chúng ta có thể tin rằng mình
đã dẹp bỏ được ý thức bản ngã. Đó là ý nghĩ
về sự hoà đồng với Thượng đế, hay theo Ấn Độ giáo,
với Phạm Thiên (Atman). Tuy nhiên, để đồng nhất, để
nối kết với một cái gì, ngụ ý rằng phải có một cái
gì đó hoặc có một người nào đó mới có thể nối kết.
Lần nữa, Đức Phật đã bác bỏ quan niệm này.
Trong tất cả bốn quan niệm sai lầm, dấu vi tế đến thế
nào, vẫn còn ý tưởng về một “cái ngã”. Dĩ nhiên
“ý thức đồng nhất” vẫn tốt hơn “ý thức tách biệt”.
Nó giúp chúng ta có lòng tử tế và từ bi đối với người
khác một cách tự nhiên, không cần cố gắng, vì nếu tất
cả là một, ai có thể làm phiền hay chọc giận chúng ta?
Nó cũng giúp ta dẹp bỏ lòng sợ hãi. Khi có cảm giác
cô lập, chúng ta cảm thấy người khác, thế giới chung quanh
và cái chết đe dọa. Khi chúng ta cảm thấy là một với
tất cả hiện hữu, dầu ta gọi đó là Thượng đế, Phạm
Thiên, hay bất cứ danh hiệu gì, thì nỗi sợ hãi kia cũng
được giảm bớt rất nhiều. Tuy nhiên, cái cảm giác
có ngã vẫn còn hiện diện, vì chúng ta còn cần nó để hòa
hợp với lý tưởng cao hơn.
Ta cũng nên dành thời gian để suy gẫm về bốn quan niệm
này và tự hỏi chúng ta tin theo cái nào? Có phải là
đồng hóa với thân? Linh hồn? Thượng ngã? Có phải
là sự hòa hợp với vũ trụ? Chúng ta thật sự nghĩ
mình là ai? Có thể ta chẳng bao giờ đạt được ý thức
đồng nhất, nhưng ta có thể quán về nó, và tự hỏi xem
ai hoặc là cái gì đồng nhất. Chúng ta có thể xét xem
linh hồn có hiện diện bên trong chúng ta và nó có phải là
“ngã” không. Chúng ta có thể quán về thượng ngã
(higher self) và thân. Thực sự, có cơ sở nào để thấy
“cái tôi” trong tất cả những điều này không? Quan
điểm của chúng ta đã được in sâu vào tâm thức từ lúc
nào, và khi mà tâm thức vẫn còn dính mắc, chưa được uốn
nắn hay phát triển, thì nó khó có thể nhìn sự vật như
chúng là. Thật khó để chúng ta nhận ra rằng tất cả
những quan điểm này đều do tâm tạo để củng cố bản
ngã. Khi chúng ta không còn cần hay không muốn củng cố
bản ngã, thì ta sẽ dễ dàng nhận ra một thực tại khác
hơn. Thực tại này càng rõ ràng, ta càng dễ hành thiền,
vì ta bắt đầu hiểu rằng trở ngại duy nhất trên đường
tu tập của chúng ta chính là “cái tôi”. Khi chúng ta
càng hiểu rõ “cái tôi” này chỉ là một tư duy, thì nó
càng ít cản trở con đường tu tập của chúng ta.
Giáo lý của Đức Phật không chỉ là sự hỗ trợ tâm lý
cho cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn, nó hoán chuyển sự
suy nghĩ của ta thành ra tiến bộ hơn, sau khi đã có sự trải
nghiệm cấp tiến. Đó là lý do tại sao giáo lý này đã
tồn tại hơn hai ngàn năm trăm năm. Tâm lý học có những
diễn biến lên xuống, những ý tưởng mới, cũng như những
cái dở hơi, nhất thời, nhưng giáo lý của Đức Phật rất
căn bản, khó thể thêm điều gì mới vào đó. Trong
quá trình tu tập, chúng ta cố gắng nhìn toàn bộ những sự
trải nghiệm mà Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta.
Đây là nơi mà ta cần đến khả năng quán chiếu và tìm tòi
của mình. Khi ta hành thiền, tâm cố gắng trở nên yên
tịnh và chú tâm; khi chúng ta quán chiếu, tâm cố gắng nhìn
mọi thứ dưới một ánh sáng khác. Cả hai đều phải
đi đôi với nhau. Như chúng ta đã thấy trong bản kinh
này, lời dạy của Đức Phật, có một sự đồng nhất, trọn
vẹn. Chúng ta không thể nào chỉ lấy trong đó ra một
phần và thực tập; làm thế không có kết quả. Chúng
ta cần đến tất cả: giới hạnh, thủ thúc các giác căn,
tự tại, chánh niệm, thiền định, quán chiếu và soi rọi.
Bây giờ chúng ta đến với tầng thiền thứ sáu:
Lại nữa, với sự vượt thoát mọi Không vô biên xứ,
tỷ-kheo nghĩ rằng “Thức là vô biên” chứng và trú Thức
vô biên xứ. Như vậy do học tập, một tưởng khởi
lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ.
Sự giải thích về các tầng thiền vô sắc rất sơ lược,
có thể vì Đức Phật biết rằng Potthapàda chưa sẵn sàng
để thật sự thực hành chúng, hoặc phần giải thích đó
đã bị thất truyền.
Ở tầng thiền thứ năm, khi hành giả chứng nghiệm Không
vô biên xứ, để bước vào tầng thiền kế tiếp, hành giả
chỉ cần hướng tâm từ không gian đến cái thức đã trải
nghiệm Không vô biên xứ. Chỉ có Thức vô biên mới
có thể trải nghiệm được Không gian vô biên. Khi xuất
khỏi tầng thiền thứ sáu, hành giả tự hỏi “Tôi đã học
được gì ở tầng thiền định này?”, hành giả sẽ nhận
thấy rằng không có gì là sự xác tính của một cá nhân
riêng rẽ, mà chỉ có sự đồng nhất. Khi hành giả biến
nhận thức này thành một phần trong quá trình tư duy của
mình, thì ý thức đồng nhất (unity-consciousness) sẽ xuất
hiện. Trong Không vô biên xứ hay Thức vô biên xứ, không
thể tìm thấy một bản ngã riêng lẻ nào đang trải nghiệm
tầng thiền định ấy. Nếu hành giả tìm thấy, thì
hành giả đã không còn trú tâm vào sự vô định, và người
quan sát đã xuất hiện trở lại. Trong tứ thiền, vai
trò của người quan sát đã giảm thiểu tối đa, do đó đã
góp phần không nhỏ vào việc làm tăng trưởng tâm linh và
giác tri. Trong ngũ và lục thiền, người quan sát hiện
diện rõ hơn, vì thế khi hành giả xuất thiền, người quan
sát biết rõ rằng không có ai, không có gì ngoài trừ sự
vô hạn định, và có thể thật sự hấp thụ hoàn toàn
tri giác ấy.
Với sự chứng nghiệm về Thức vô biên xứ, hành giả sẽ
có được một nhận thức, đồng nghĩa với ý thức vũ trụ
hay tâm sở phổ thông (universal consciousness). Khi đã có
được tri giác đó, dưới hình thức của một kinh nghiệm
tự chứng, hành giả sẽ không bao giờ muốn làm hoen ố tâm
sở phổ thông với lời nói, hành động hay tư duy bất thiện.
Chúng ta là tất cả, mỗi người chúng ta, là một phần ý
thức đó, và khi ý thức của mỗi cá nhân càng thanh tịnh,
thì ta càng dễ đạt đến sự thanh tịnh của tâm sở phổ
thông. Nơi đó, tất cả mọi thứ đều có thể được
tìm thấy. Bất cứ những gì chúng ta tư duy, nói hoặc
làm đều chứa đựng trong đó và không biến mất. Đây
là một giác tri khác gắn liền với sự trải nghiệm các
tầng thiền định.
Chúng ta có thể so sánh ngũ và lục thiền với tầng thiền
định thứ nhất và thứ hai. Khi hành giả cảm nhận
được hỷ, thì lạc xuất hiện. Hành giả chỉ cần
hướng tâm từ cảm giác (sensation) sang cảm xúc (emotion), đã
sẵn có mặt ở đó, và chỉ cần hành giả chú tâm đến
nó mà thôi. Trong tầng thiền định thứ năm và thứ
sáu cũng thế, chỉ là chúng ở mức độ vi tế hơn, vì tâm
định đã tiến đến mức sâu sắc, vi diệu hơn. Khi
hành giả chứng nghiệm Không vô biên xứ, thì đồng thời
Thức vô biên xứ cũng phát khởi. Hành giả chỉ cần
hướng tâm từ không gian đến thức đang có mặt ở đó.
Thức vô biên xứ dễ bị hiểu lầm. Nhất là trong truyền
thống Ấn Độ giáo, nơi mà ai cũng cho rằng đó là dấu hiệu
của sự đạt đạo. Kinh nghiệm đó thực sự cũng đem
lại một nhận thức hoàn toàn xác thực, đó là: “Tôi là
thế” (I am that), trong tiếng Sanskrit tat tvam asi, diễn
tả một ý thức đồng nhất. Meister Eckhart, một nhà
thần bí đạo Thiên Chúa thời Trung Cổ, đã nói một điều
đại khái như thế: “Thượng đế và tôi giống nhau.”
Ông đã xém bị thiêu chết vì câu nói đó. Ông
chỉ nói câu đó mà không đưa ra một giải thích gì hơn,
tôi đoán rằng có thể ông đã đạt đến các trạng thái
thiền định khá cao. Bởi vì không ai có thể nói lên
điều đó, và nói như ông, không phải với sự cao ngạo,
mà bằng sự khiêm nhường, vì nỗ lực to tác nhất của ông
không phải là để “trở thành” một ai đó.
Đây chắc chắn là một sự chứng thực rất cao, rất quan
trọng và là một phần của tiến trình thiền định.
Với công phu tu tập, chúng ta phát triển quá trình này và
biến nó càng ngày càng trở thành một phần thực hành của
riêng ta, lúc đó mức độ trong sáng và hiểu biết của tâm
thức cũng sẽ xuất hiện. Lúc đó tâm không còn bị
giới hạn và gò ép trong phạm vi của “một cá nhân cụ
thể” nào. Trong thiền, nó đã đạt đến một chỗ
xa hơn cái gọi là “bản ngã tuyệt đối”. Tuy nhiên,
dù tâm đã có thể trải nghiệm được cả Không vô biên
xứ và Thức vô biên xứ, tâm vẫn biết rằng khi nó xuất
khỏi các trạng thái tâm định này, khổ đau vẫn hiện diện
và tâm vẫn còn cần phải cố gắng hơn nữa. Khi nào
chúng ta còn cảm giác có một cái ngã trong ta, thì cái ngã
ấy sẽ còn chịu đau khổ. Đó là lý do tại sao ta cần
quán sát xem ta tin tưởng vào “cái ngã” nào, và tự hỏi
xem niềm tin ấy có cơ sở hay không. Khi ta thấy nó không
có cơ sở, thì ta có thể trải nghiệm một sự chuyển biến
lớn lao trong cái nhìn của ta về mọi vật thực sự như thế
nào.
[e]
Con Đường Thanh Tịnh Hóa (The Path of Purification), do Đại Đức
Nannamoli dịch từ tiếng Pali (Kandy, Sri Lanka : The Buddhist Publication
Society, 1991).