Chương
11
Đoạn Trừ
Ngã Tưởng
Giờ Đức Phật bàn về vấn đề định nghĩa của ngã, là
cái mà Potthapàda trước đó rất hoang mang, mù mờ:
Này Potthapàda, có ba loại ngã chấp: thô phù ngã chấp,
ý sở thành ngã chấp và vô sắc ngã chấp. Này Potthapàda,
thế nào là thô phù ngã chấp? Có sắc, có bốn đại
hình thành, do đoàn thực nuôi dưỡng là thô phù ngã chấp.
Rõ ràng, đó là thân. Thân cũng liên quan đến dục giới,
kàma-loca. Kàma là “dục”, và loca là “nơi chốn”.
Đó là cõi giới mà chúng ta sống, vì thế ái dục luôn có
mặt với chúng ta, là một phần của chúng ta, và tạo ra cho
chúng ta bao vấn đề. Để chuyển hóa nó, đòi hỏi rất nhiều
công phu tu tập, và chỉ có thể thực hiện nếu chúng ta thấy
rõ được những khổ đau mà nó đã mang đến cho ta. Với
sự tu tập, dần dần chúng ta có thể đạt đến một điểm,
mà dầu chúng ta vẫn còn ở trong thế giới này, ở ‘nơi
chốn’ cũ, nhưng chúng ta không còn ở trong dục giới nữa.
Giống như Potthapàda, chúng ta nghĩ đến cái ngã thô phù này
như là một cá thể mà chúng ta thực sự là. Chúng ta có những
tình cảm mơ hồ về thân; khi nó đau đớn, bịnh hoạn, hay
không làm theo ý ta, thì ta rất ghét nó. Khi nó mạnh khỏe,
tạo ra cho chúng ta những sự xúc chạm dễ chịu, thì
ta hoàn toàn hạnh phúc về sự “có mặt” với nó. Chúng
ta không thực sự tin rằng mình là thân này, đúng hơn, chúng
ta nghĩ mình sở hữu nó; mình là con người đặc biệt này,
từ đầu tới chân. Một trong những ảo tưởng lớn
của chúng ta là không nhìn thân một cách thực tế.
Đức Phật dạy rằng, chúng ta khó thể thỏa mãn thân này
vì nó đòi hỏi không dừng dứt. Ngài nói rằng thân
là cần thiết cho chúng ta trong cõi người, và nó là phương
tiện để ta có giác quan, nhưng ta không nên coi thân như
một cá thể, hay một thứ gì đó mà ta có thể sở hữu.
Ý nghĩ về sự sở hữu này rất trái ngược với những gì
mà thân hành động. Không ai muốn cho nó bị đau bịnh, bị
thương tổn, già nua, xấu xí, không ai thực sự muốn nó phải
chết. Vậy mà tất cả những thứ này đều xảy ra cho thân.
Nếu chúng ta thực sự sở hữu nó, tại sao chúng ta không
có quyền hạn gì trong những vấn đề này?
Thân được tạo nên bởi tứ đại -đất, lửa, nước, và
gió– như thế tất cả đều là vật chất, và được nuôi
dưỡng bằng thực phẩm; và nó cũng đòi hỏi chúng ta phải
đáp ứng rất nhiều điều theo ý nó. Nếu thân không như
thế thì cuộc đời sẽ đơn giản hơn. Chúng ta không cần
phải có nhà vệ sinh, phòng tắm, vòi nước tắm; chúng ta
sẽ không cần nhà bếp; không cần phải bỏ quá nhiều thời
gian và năng lực để mua sắm, trồng trọt, hay chuẩn bị
đồ ăn mà cơ thể chúng ta đòi hỏi để có thể sinh tồn.
Hãy quan sát căn nhà của bạn xem! Trong đó có gì? Tất cả
mọi thứ được tạo ra đều để phục vụ cho thân: nhà
bếp, nhà tắm, phòng ngủ, phòng khách với những ghế hay
sofa êm ái để ngồi lên. Nếu chúng ta sống trong một cao
ốc, thì có thể còn có thang máy, để có thể di chuyển thân
mà không cần phải cố gắng. Bất cứ nơi nào chúng ta quán
sát, chúng ta đều sắp đặt mọi thứ sao cho thân được
dễ chịu. Không ngạc nhiên gì khi chúng ta nghĩ nó là chúng
ta, hay thuộc về chúng ta.
Ngược lại, chúng ta cũng đòi hỏi rất nhiều ở thân; nó
phải có dáng vẻ mà chúng ta muốn nó phải là; không quá
mập, không quá ốm; không quá cao, không quá lùn. Nó không
được có tỳ vết, không thương tổn hay trầy xước, và
dĩ nhiên xương cốt lành lặn. Đúng ra, nó không được có
thứ gì có thể đem đau khổ đến cho chúng ta. Nhưng
thân đây có nghe theo, và người nghĩ mình là chủ dường
như không có quyền hạn gì đối với những việc này.
Quán tưởng về câu hỏi thân có phải là sở hữu của chúng
ta không, cũng là một việc đáng làm; nhất là ở lúc cuối
một thời khóa thiền, khi tâm chúng ta đã trong sáng và thanh
tịnh. Thông thường chúng ta chỉ nghĩ: “Tôi là người như
thế”. Chúng ta không nói “Tôi là thân này”, nhưng
nghĩ đến bản thân như là một người đặc biệt, có hình
tướng đặc biệt. Chúng ta cần phải khách quan hơn, và cố
gắng để tìm ra người tự coi mình là chủ này. Thân
thì dễ tìm rồi, chỉ cần nhìn hay xúc chạm; nhưng ai là
người làm chủ nó? Có thể chúng ta cố gắng để trả lời
bằng cách cho người chủ một cái tên – đó là “tôi”.
Nhưng ‘cái tôi’ này là gì? Nó ở đâu, làm thế nào chúng
ta có thể tìm được nó? Khi thực sự đào sâu những câu
hỏi này, chúng ta sẽ nhận ra rằng không thể có một câu
trả lời hợp lý. Điều này, thật ra, là những gì Đức
Phật sẽ giải thích với Potthapàda sau đây, bằng những từ
ngữ rất ngắn gọn.
Rất khó để thuyết phục bất cứ ai rằng giả định, “Tôi
là con người này” là sai lầm. Nhìn vào kiếng, ta thấy “tôi”
và ta thực sự lo lắng cho cái “tôi” này. Chúng ta tin vào
các ảo giác, là điều rất hạn chế vì ta chỉ có thể thấy
những hình tướng bề ngoài. Chúng không bao giờ có thể cho
ta thấy những chiều sâu. Tuy nhiên chúng ta tin tưởng mãnh
liệt vào hình ảnh mà mình nhìn thấy, đến nỗi nhiều người
trong chúng ta bỏ ra rất nhiều thì giờ để chỉnh trang thân
này. Cách duy nhất để nhận diện được sự giả dối này
là bằng tâm thanh tịnh và tuệ tri. Tâm thanh tịnh sẽ, do
bản chất của nó, đạt được tuệ tri, để nhìn thấy mọi
vật dưới một ánh sáng khác.
Kế
tiếp, Đức Phật diễn tả ngã chấp thứ hai, là do tâm tạo:
Thế
nào ý sở thành ngã chấp? Có sắc, do ý sở thành, đầy
đủ chi tiết lớn nhỏ, các căn đầy đủ.
Ngã chấp này có mặt khi chúng ta tự coi mình là người quan
sát với những suy nghĩ, phản ứng, cảm thọ, xúc chạm của
chúng ta. Chúng ta coi tâm này là “tôi.” Khi đã hành thiền
một thời gian, hành giả thường gặp trở ngại với ý nghĩ
của một người quan sát (observer), một kẻ biết. Hành giả
cần quán chiếu càng sâu xa càng tốt, và cố gắng để tìm
ra được quan sát viên này. Dần dần hành giả sẽ nhận ra
rằng không có ai ở đó. Chỉ là do ta nghĩ có mà thôi.
Đó là lý do tại sao Đức Phật gọi đây là một cái ngã
“được tạo ra”.
Giáo lý này thật khác biệt cho nên không dễ cho người ta
thấu hiểu. Dường như nó trái ngược lại với những
gì mà nhân loại tin vào và thực hành. Đó là lý do tại sao
chúng ta cần nhìn vào những khổ đau do các niềm tin tạo
ra. Khi đã nhìn thấy rõ ràng như thế trong ta –không
phải trong ‘những người đáng thương kia, những kẻ không
biết họ đang làm gì’, mà trong chính bản thân ta- khi đã
thực sự nhận ra được nỗi khổ của chính mình và nguyên
nhân của chúng, là chúng ta đã đến gần hơn với chân lý.
Tất cả những gì mà chúng ta tin vào, tất cả mọi thứ mà
chúng ta làm, đều luôn hướng đến “cái ngã” và do đó
hàm chứa ái dục, là cái mang đến khổ đau. Khi hiểu được
điều đó, chúng ta sẽ có được chút hiểu biết về những
gì Đức Phật dạy.
Chính Đức Phật cũng thừa nhận giáo lý của Ngài rất khó
lãnh hội, vì chúng sanh thường nhìn mọi thứ từ một khía
cạnh 180 độ ngược lại. Tất cả các nghi vấn của chúng
ta đều phát sinh từ quan điểm đối lập này. Đó là lý
do tại sao, khi nghe những lời Đức Phật dạy ở đây, dựa
trên sự thật tuyệt đối, chúng ta không thể đối ngược
lại bằng những câu hỏi dựa trên sự thật tương đối.
Giống như hai đường rầy xe lửa tách biệt, một cái chạy
phía trên cao, một cái ở dưới thấp. Hai đường này không
thể nào gặp nhau. Thí dụ, người ta thường hỏi, “Nếu
không có tự ngã, không có cái tôi, vậy thì ai là người
ngồi đây hành thiền”. Trên bình diện tương đối,
câu trả lời là “chính tôi”, nhưng trên bình diện tuyệt
đối, thì “không có ai cả”.
Dĩ nhiên Đức Phật dạy chúng ta trên cả hai bình diện. Khi
Ngài nói đến chánh niệm, sự kiềm chế các căn, giác tri,
giới hạnh, vân vân là Ngài nhắm đến một ‘cái tôi’
trên bình diện tương đối. Chúng ta phải cẩn thận để
phân biệt giữa hai bình diện này của giáo lý. Khi Đức Phật
nói về cái ngã được tạo ra, do thân hoặc do tâm, chúng
ta không thể hiểu hay giải thích điều này với cái nhìn
bình thường, nhị nguyên hằng ngày. Hiện tại, chúng ta chỉ
có hai lựa chọn. Hoặc là chấp nhận những gì Đức
Phật thuyết và cố gắng giác tri chúng bằng thiền quán,
hoặc để chúng qua đi một thời gian, chờ đến khi sự tu
tập của ta đã tiến triển, và sự hành thiền của ta đã
đủ vững mạnh để quán sát chúng. Thật ra chúng ta
cũng có một lựa chọn thứ ba, đó là không tin vào giáo lý
đó. Nhưng thái độ đó thật phản tác dụng, và nó sẽ đưa
ta trở về ngay tại chỗ cũ, đó là hoàn toàn và hết lòng
tin vào “cái tôi”.
Quan điểm này hoàn toàn thất bại, vì chúng ta sẽ luôn coi
“tự ngã” như là “ở đây”, và thế giới như là “ở
kia”. Như thế, không chỉ là một kẻ đứng ngoài, một
quan sát viên, mà thường ta còn là một kẻ chống đối nữa,
vì thế giới không thuận theo ý ta. Nhưng người khác làm
sao biết ta muốn gì, và ngược lại cũng thế, người khác
cũng liên hệ với ta dựa trên bản ngã, thế là chúng ta phải
đối mặt với một vấn đề toàn cầu. Điều này tạo
ra hệ thống nhị nguyên, có thể rất đáng sợ, vì chúng
ta tự biết mình chẳng có quyền hạn gì. Một con người
nhỏ bé chống lại cả thế giới; làm sao chúng ta có thể
đối phó lại? Khi tất cả trở nên quá sức chịu đựng,
một số người trở nên bất cần; đa số tìm cách lãng quên.
Chúng ta tự làm cho mình bận rộn, để không còn có thời
gian nghĩ ngợi; đó cũng là một cách để đối phó với viễn
ảnh đáng sợ này. Nhưng điều đó không xóa bỏ được già,
bệnh, chết, cũng như những hành động sai trái, dại khờ
của ta, và chắc chắn là nó không thể hủy diệt được
khổ đau. Đó là lý do tại sao Đức Phật thường nhắc đến
Tứ diệu đế. Chừng nào chúng ta còn chưa hiểu được ngay
đế thứ nhất của bốn đế này –“hiện hữu là khổ”-
thì ta chưa thể bước vào đạo lộ.
Cách hành xử của chúng ta dường như luôn tạo ra khổ.
Chúng ta hành xử thế này, hay thế kia vì tin rằng có một
“cái tôi” bên trong đãy da thịt này, mà chúng ta muốn bảo
vệ và tưng tiu.
Ở mức độ bình thường mỗi ngày, tất cả chúng ta đều
biết đến cái ngã do tâm tạo này, hoàn toàn tin tưởng vào
nó, luôn hành động dựa vào nó. Vì thế ta chưa bao giờ
có bất cứ sự nghi ngờ gì về ngã chấp này, cho đến khi
chúng ta được tiếp xúc với giáo lý sâu xa của Đức Phật.
Những điều Đức Phật nói ở đây phần lớn là về cái
ngã tương đối và chúng ta phải tu học làm sao để chuyển
hóa những sự tiêu cực của chúng ta thành tích cực. Tuy nhiên
ở thời điểm này trong bản kinh, chúng ta phải đối mặt
với một khía cạnh sâu sắc nhất trong giáo lý của Đức
Phật.
Tất cả những gì chúng ta làm là một cố gắng để thoát
khổ. Đôi khi sự cố gắng đó cũng được đền bù,
nếu không chúng ta đã bị nhấn chìm trong đau khổ. Nhưng
chúng ta không ý thức được đó là động lực của mình.
Ta có đủ cách suy nghĩ và lý do cho những việc ta làm: vì
đó là bổn phận; là việc phải làm; để phát triển trí
tuệ; vì hạnh phúc của người khác. Nếu chúng ta đã rõ
ràng, tách bạch về điều này, rằng chúng ta đang cố để
thoát khỏi khổ, thì lúc đó, dầu ta có chọn làm bất cứ
điều gì, ta cũng có được trí tuệ. Đó là lý do tại sao
lời tuyên bố đầy giác ngộ của Đức Phật tất cả là
về khổ. Người ta thường nghĩ đó là tiêu cực, nhưng đơn
giản chỉ là Đức Phật muốn cho chúng ta nhận chân được
thực tại và phương cách để chuyển hóa nó.
Đức Phật tiếp tục:
Thế
nào là vô sắc ngã chấp? Không có sắc, do tưởng sở
thành.
Đây là cái ngã mà hành giả có được từ sự chứng nghiệm
của các tầng thiền định cao hơn, nơi không có tướng vật
lý hay tâm lý. Trong cái vô cùng tận của không gian và
thức, không còn gì có biên giới, nhưng còn có tưởng. Nếu
không, hành giả đã không biết rằng mình đã chứng nghiệm
được Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ. Do đó hành
giả kết luận rằng tưởng là ngã.
Đó, có thể nói, là cái phao cuối cùng của ta - tưởng hay
thức. Nếu chúng ta từ bỏ ý nghĩ xem thân hay tâm là ngã,
thì chúng ta chỉ còn lại tưởng. “Tôi” là tưởng của
tôi. Chúng ta vẫn còn chìm đắm trong nhị nguyên, mặc dầu
điều này thường không xảy ra ở thời điểm đó. Tưởng
của “tôi”, đối nghịch với cái tưởng của người. Có
thể “bạn” đã có mặt ở tầng thiền định thứ sáu,
với cái tưởng đặc biệt đó, còn “tôi” chưa thể, do
đó cái tưởng của tôi khác với cái tưởng của bạn. Lần
nữa lại là một cái nhìn nhị nguyên và có thể đưa đến
hai kết quả, mà cả hai đều tai hại; hoặc là một cảm
giác tự tôn, “Tôi có thể làm tốt hơn bạn”, hay một
mặc cảm tự ti, “Tôi không giỏi bằng bạn.” Cả hai quan
điểm đều hoàn toàn sai.
Có
một câu chuyện để diễn tả cái tưởng bất nhị nguyên.
Một vị lão tăng đi
vào
rừng thiền hành với một số các tăng trẻ. Bỗng nhiên một
bọn cướp nhảy ra, bao vây họ. Bọn cướp bảo với các
vị tu sĩ rằng họ sẽ bắt một người trong đoàn để đòi
tiền chuộc của tu viện. Họ hỏi vị lão sư nên chọn người
nào. Ông không trả lời. Họ hỏi ông lần nữa: “Chúng tôi
nên bắt ai?” Nhưng ông vẫn giữ im lặng. Họ hỏi đến
lần thứ ba, vẫn không có câu trả lời. Lúc đó bọn cướp
trở nên giận dữ và nói: “Tại sao lão không trả lời,
lão có vấn đề gì vậy?” Vị lão tăng nói, “Nếu tôi
chọn ai, điều đó có nghĩa là tôi nghĩ anh ta ít xứng đáng
hơn những người khác. Nếu tôi tự chỉ mình, thì tôi tự
nghĩ mình kém xứng đáng. Mà sự thật là không có gì khác
biệt giữa bất cứ ai trong chúng tôi, do đó tôi không thể
chọn người nào”. Lời giải thích của vị lão tăng
ấn tượng đến nỗi bọn cướp bỏ đi.
Khi nào chúng ta còn tin vào cái ngã cá biệt, thì khổ vẫn
còn. Đó là những điều Đức Phật dạy tiếp theo:
Này
Potthapàda, Ta thuyết pháp để diệt trừ thô phù ngã chấp.
Nếu các ngươi thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được
diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại,
tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú
trí tuệ sung mãn, quảng đại.
Đức Phật cũng lặp lại những lời nói trên đối với ý
sở thành ngã chấp, và vô sắc ngã chấp.
Trước
tiên, chúng ta phải thấy cần thiết để buông bỏ ngã tưởng,
và điều đó có nghĩa là ta phải biết cái khổ của bản
thân. Rồi chúng ta phải biết kế tiếp mình cần làm gì.
Chúng ta không thể chỉ nói: “Thôi được, tôi sẽ không
chấp ngã nữa.” Không thể diệt trừ ngã tưởng bằng
cách ấy. Trước hết, chúng ta phải trải nghiệm nó, ít nhất
là một lần, để xem mọi việc sẽ giống như thế nào khi
không có ngã tưởng, và để điều đó có thể xảy ra, chúng
ta phải khả năng thiền quán.
Đó
là lý do tại sao Đức Phật giảng dạy về thiền định,
để đưa tâm đến chỗ mà nó có thể, qua định và tuệ
về khổ, thực sự trải nghiệm được giây phút của sự
thanh tịnh tuyệt đối, một giây phút khi không có tưởng,
không có ngã chấp. Khi giây phút đó xảy ra, kết quả
đầy viên mãn, phóng khoáng, tự do, an lạc, tràn đầy sự
giải thoát, với một cảm giác vô cùng hàm ân đến nỗi
chúng ta biết đó chính là chân lý. Nhưng để đến được
đó, có hai việc phải làm. Trước hết, chúng ta đạt
được thiền định. Tâm phải trụ ở nhất điểm, không
lung lay, không đi lang thang. Thứ hai, chúng ta phải có
lòng tự tin vào khả năng nhận nhìn được hạt giống của
giác ngộ trong ta. Một khi đã trải nghiệm được tịch tịnh,
chúng ta sẽ biết rằng đó là việc quan trọng nhất phải
làm trong đời và không có bất cứ cái gì có thể so sánh
với nó.
Đức Phật đã trao truyền cho chúng ta một giáo lý mà qua
đó ta có thể tháo gỡ ngã tưởng để “. . .nhiễm
pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và
ngay hiện tại, tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng
đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại”.
Việc chúng ta đạt được tuệ này bằng chính sự hiểu biết
siêu việt (super-knowledge) của mình là một điều rất quan
trọng. Không phải qua nghi lễ, không phải qua một vị
thầy, không phải qua một thể chế tôn giáo nào, mà
hoàn toàn chỉ qua sự phát triển tâm linh của ta. Từ ngữ
“sự hiểu biết siêu việt” đã được khéo chọn vì nó
hoàn toàn khác với sự hiểu biết thông thường. Nó liên
hệ đến sự trải nghiệm của bản thân chúng ta và việc
chúng ta không còn chút nghi ngờ gì về ý nghĩa của nó; nói
một cách khác, đó là một trải nghiệm tự chứng. Chính
Đức Phật cũng nói Ngài chỉ là “người chỉ đường”.
Tất cả những gì mà một vị thầy có thể làm là chỉ cho
ta con đường, còn chúng ta có chọn đi trên con đường
đó hay không là tùy chúng ta”.
Đúng là trong thời Đức Phật còn tại thế, có một số
người trở nên giác ngộ sau khi chỉ nghe một câu hay một
bài thuyết pháp của Ngài. Đó là do uy lực phát xuất từ
Đức Phật. Ngoài ra, Đức Phật cũng tạo ra lòng ngưỡng
mộ vô biên đối với người chung quanh, và điều đó khiến
cho trái tim họ rộng mở để dễ dàng đón nhận giáo pháp.
Ngày nay, dầu chúng ta không có duyên được trực tiếp nghe
lời Phật dạy, nhưng Đức Phật cũng đã để lại cho chúng
ta giáo lý của Ngài, với bao điều hướng dẫn, trong rất
nhiều bài kinh, mà tất cả những gì chúng ta thật sự cần
làm là thực hành theo lời Đức Phật dạy.
Chúng ta “chứng nghiệm và đạt được” trí tuệ này qua
sự hiểu biết siêu việt của bản thân. Sau đó, Đức Phật
bảo, “các trạng thái tâm uế nhiễm biến mất”. Một
khi ta đã xóa bỏ được ảo tưởng về ngã, thì các trạng
thái tâm của chúng ta sẽ không còn hướng đến những
tâm hành tiêu cực. Chúng ta có thể xét xem nổ lực của
mình kết quả như thế nào bằng cách quán sát mức độ uế
nhiễm vẫn còn có mặt trong các trạng thái tâm của ta. Hành
động này được gọi là “quán chiếu lại sự hiểu biết”
(reviewing knowledge).
Thay vào các trạng thái tâm uế nhiễm, Đức Phật thuyết,
“tịnh pháp được tăng trưởng”. Vì chính là ảo
tưởng về ngã đã làm phát sinh tâm sân tham, và một khi không
còn chúng nữa, thì tất cả mọi thứ trong ta đều được
thanh tịnh, trong sáng.
Tự ngã cần được bảo vệ, cần được thỏa mãn dục lạc,
và cần được cảm thấy an toàn. Tuy nhiên tất cả chúng
ta đều biết rằng không có sự an toàn tuyệt đối nào có
thể được tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Chúng ta không thể mua nó mặc dù các công ty bảo hiểm trở
thành giàu có dựa trên tham vọng này của ta. Tuy nhiên, trong
tận cùng sâu thẳm, chúng ta vẫn cảm thấy không an toàn như
trước đó. Ai là người cảm thấy như thế? Dĩ nhiên là
tự ngã. Tuy nhiên, nếu không có một cái ngã như thế, thì
không có ai để cần có cảm giác an toàn đó.
Thân và tâm chỉ là như thế, và chỉ có thế. Nếu chúng
ta nhất quyết không chấp nhận quan điểm này, thì điều
đó chỉ càng chứng tỏ rằng ta thực sự bám víu vào tự
ngã của mình mãnh liệt đến đâu. Lúc đó điều chúng ta
cần làm là nhận thức nhiều hơn về cái khổ của ta. Trong
lúc khổ đau, tâm thường tự hỏi: “Tại sao tôi khổ như
thế này? Cũng là do lỗi của người này hay hoàn cảnh
kia”, cho đến một ngày nào đó, cuối cùng ta cũng phải
kết luận rằng, “Không, không đúng thế. Vấn đề thực
sự là ở trong tôi”.
Để tuân theo lời Phật dạy có nghĩa là duy trì công phu tu
tập. Khi chúng ta có tu tập, thì sẽ có sự chuyển hóa, và
“tịnh pháp được tăng trưởng”. Tâm thanh tịnh xuất
hiện do ta đã thay thế sự tiêu cực với cái ngược lại,
sự tích cực. Những trạng thái rất khó chịu của ghen ghét,
sân hận, chống đối, vân vân, dầu ta có tìm cách biện minh
như thế nào, cũng tạo nên những nỗi khổ lớn ở nội tâm,
vậy mà ta cố bám víu vào chúng thì không có gì ngu dại
hơn. Một khi chúng ta đã biết thay thế và có thể thực hành
tốt điều đó, thì ta sẽ có thể buông bỏ bất cứ
điều gì không đưa đến hạnh phúc.
Nếu quan sát gương mặt của những người đi đường,
trong bất cứ thành phố nào trên thế giới, ta rất khó tìm
ra được những gương mặt hạnh phúc. Hạnh phúc không ở
trong tầm tay vì chúng ta bị kiềm giữ trong gọng kềm của
ái dục. Đức Phật hứa khả rằng giáo lý Ngài có thể
giúp ta tháo gỡ các ngã chấp, diệt trừ tất cả các tâm
uế nhiễm, để trong ta chỉ còn lại “sự tịch tịnh
và trí tuệ sung mãn”. Có thể chúng ta cũng thấy rằng các
trạng thái tâm khó chịu là luôn luôn và hoàn toàn liên hệ
đến bản thân chúng ta. Tuy nhiên chúng ta thường nghĩ là
chúng đến từ bên ngoài. Thí dụ có ai đó làm chuyện đáng
trách, dầu không phải đối với chúng ta, mà với người
khác, ta thấy vẫn cảm thấy giận dữ, bực tức. Đó
là một trạng thái tâm uế nhiễm. Có thể đúng là hành động
đó tai hại, nhưng phản ứng tiêu cực của bản thân chúng
ta chỉ liên quan đến chúng ta mà thôi và trong bất cứ trường
hợp nào cũng đều vô ích. Có những cách tốt hơn để đối
phó với một hoàn cảnh như thế. Chúng ta thực sự không
có lý do gì, dầu có cố gắng để tìm chúng, nhưng đó chính
là cái ngã tìm lý do biện hộ cho chính nó.
Đức
Phật tiếp tục:
Bây giờ, này Potthapàda, rất có thể các người nghĩ:
“các nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng
trưởng, và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ, với thắng
trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại,
tuy vậy đau khổ vẫn tồn tại”. Này Potthapàda, chớ
có nghĩ như vậy. Khi nhiễm pháp được diệt trừ . .
. , thời hân hoan sanh, hoan hỷ, khinh an, chánh niệm, tỉnh giác
và lạc trú sanh”.
Potthapàda chưa biết tu tập, nên hoàn toàn không biết việc
giải thoát khỏi các trạng thái uế nhiễm sẽ như thế nào.
Đức
Phật đã biết trước câu hỏi kế tiếp của ông, nên Ngài
nói rằng nếu ông nghĩ sau đó ông có thể vẫn còn khổ đau,
là ông đã suy nghĩ sai. Và hạnh phúc không có nghĩa là
rộn ràng niềm vui hay cảm thấy rất cao hứng. Khi chúng ta
nhận thức rõ ràng, đầy chánh niệm và thanh tịnh, chúng
ta ở trong một trạng thái của xả và điều đó mang
đến hạnh phúc bình an. Chúng ta không nên lẫn lộn xả với
sự bàng quang, mặc dầu điều đó rất dễ xảy ra. Thái độ
bàng quang phát khởi khi chúng ta tự tách mình ra khỏi những
gì đang xảy ra, trong khi xả là một trạng thái thanh tịnh
đi đôi với chánh niệm và sự nhận thức rõ ràng.
Chúng ta thực hành chánh niệm khi hành thiền bằng cách trú
tâm trên đối tượng thiền quán. Trong cuộc sống hằng ngày,
chúng ta thực hành với tất cả khả năng của mình, bằng
cách chánh niệm về bất cứ điều gì chúng ta đang làm. Khi
không còn bất cứ uế nhiễm nào nữa, chánh niệm và sự
tĩnh thức rõ ràng trở thành một bản chất tự nhiên của
chúng ta. Tri giác không chỉ hướng vào nội tâm, mà còn
giúp chúng ta nhìn người khác và hành động của họ, với
lòng bi mẫn, không có dấu vết gì của sự phán đoán hay
ghét bỏ. Khi tâm trong sáng, nó sẽ nhận thức mà không phản
ứng. Sự thanh tịnh được nhắc đến ở đây rõ ráng là
một phần của xả. Chúng ta thực hành xả lúc tọa thiền,
và cũng mang nó vào đời sống hằng ngày, dần dần xả trở
thành một bản chất tự nhiên của chúng ta.
Kế tiếp, Đức Phật bảo rằng Ngài thuyết pháp để diệt
trừ ảo tưởng của thô phù ngã chấp và lặp lại giống
như thế đối với cái ý sở thành ngã chấp và vô sắc ngã
chấp.
Ngài tiếp:
Này
Potthapàda, có những người ngoài hỏi chúng tôi: “Này hiền
giả, thô phù ngã chấp ấy là gì mà hiền giả thuyết pháp
để diệt trừ . . . ?” Được hỏi như vậy, chúng tôi
trả lời: “Này hiền giả, chính thô phù ngã chấp ấy, chúng
tôi thuyết pháp để diệt trừ . . . ”
Đức Phật lặp lại câu hỏi và câu trả lời cho cả ý sở
thành ngã chấp và vô sắc ngã chấp. Nói cách khác, tất cả
ba loại ngã này, đều là ảo tưởng, vì không có gì trong
thân, tâm, hay thức để có thể tự coi là “cái tôi”; không
có gì trong đó để chúng ta có thể nói “tôi là chủ”;
không có gì để có thể nói “tôi là người biết”.
Đơn giản đó chỉ là tâm hành.
Đức Phật hỏi:
“Này
Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy,
thời có phải lời nói ấy là chính xác, hợp lý?”
“Vâng thưa phải, Bạch Thế Tôn”.
Đức Phật giải thích:
“Này
Potthapàda, ví như một người xây một cái thang để leo lên
lầu, từ dưới chân lầu ấy. Người ấy được hỏi: “Này
bạn, anh xây cái thang để leo lên lầu, cái lầu ấy về hướng
Đông hay hướng Nam, theo hướng Tây, hay hướng Bắc? Nhà lầu
ấy cao, hay thấp, hay trung bình? Nếu người ấy trả lời:
“Này hiền giả cái lầu mà tôi xây thang để leo lên chính
tại dưới chân lầu này”. Này Potthapàda, người nghĩ
thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải là nói ấy
là chính xác, hợp lý chăng?”
“Vâng thưa phải, Bạch Thế Tôn”.
“Như
vậy, này Potthapàda, và có những người ngoài hỏi chúng tôi:
“Này hiền giả, thô phù ngã chấp là gì? … Này hiền giả,
ý sở thành ngã chấp là gì? … Này hiền giả, vô sắc ngã
chấp ấy là gì mà hiền giả thuyết pháp để diệt trừ,
khiến cho các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp
được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện
tại, tự mình giác ngộ với thắng trí, chứng đạt
và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại?” Khi được
hỏi vậy, chúng tôi trả lời: “Này hiền giả, chính vô
sắc ngã chấp ấy mà chúng tôi thuyết pháp để diệt
trừ, khiến người thực hành pháp ấy thời nhiễm pháp được
diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại,
tự mình giác ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú trí
tuệ sung mãn, quảng đại.” Này Potthapàda ngươi nghĩ thế
nào? Sự việc là như vậy thời có phải lời nói ấy là
chính xác, hợp lý chăng?
“Vâng
thưa phải, Bạch Thế Tôn”.
(Kinh Potthapàda C.46, do Hòa Thượng Thích Minh Châu Việt dịch)
Đức
Phật không yêu cầu Potthapàda phải đem tất cả những hiểu
biết này vào thực hành, Ngài chỉ hỏi là Potthapàda có nghĩ
là giáo pháp đó là hợp lý, chính xác không và Potthapàda
đã đồng ý như thế.
Khi chúng ta có thể buông xả các ngã chấp này, tâm uế nhiễm
biến mất, “tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện
tại, tự mình giác ngộ với thắng trí, chứng đạt và an
trú trí tuệ sung mãn, quảng đại”. Đây là một
điểm quan trọng. Chúng ta không chỉ đạt được trí
tuệ, mà chúng ta còn duy trì được nó, vì trí tuệ không
bao giờ bị mất. Trạng thái khinh an và thanh tịnh trong thiền
định có thể biến mất dễ dàng nếu chúng ta không tiếp
tục tu tập. Tuy nhiên bất cứ thắng trí nào mà ta đạt được
cũng sẽ thay đổi mọi thái độ, hành vi và cảm thọ nội
tâm của ta. Nếu điều này thật sự xảy ra, thì thắng trí
sẽ luôn ở với chúng ta. Đó là lý do tại sao sau khi xuất
các tầng thiền định, hay sau bất cứ thời thiền nào, chúng
ta cần luôn tự hỏi: “Tôi đã học hỏi được gì từ kinh
nghiệm đó? Tôi đã đạt được trí tuệ gì từ kinh nghiệm
đó?”
Những gì Đức Phật thuyết giảng cho Potthapàda, chưa thể
thay đổi ông ngay, trước hết, ông ta cần phải có niềm
tin tưởng vào giáo pháp, rồi sau đó mới bắt đầu thực
hành. Tuy nhiên sự chuyển hóa đòi hỏi phải có kinh nghiệm
tự chứng. Sau khi tâm đã bình lặng đến một mức độ nào
đó, chúng ta cần quán chiếu: “Điều gì đem lại đau khổ
cho tôi? Tôi có biết chúng phát sinh như thế nào không?”
Hay, “Tự ngã mà tôi luôn quan tâm đến ở đâu? Tôi có thể
tìm nó ở đâu?” hay “Tôi có thể nhận ra được sự vô
thường trong dòng chuyển biến của tất cả pháp hữu vi không?
Điều này có đem lại cho tôi tuệ giác gì không?” Bất cứ
một trong ba đặc tính sau đây – vô thường (anicca), khổ
(dukkha), vô ngã (anattà) – đều có thể được quán chiếu.
Vào thời điểm khi tâm được tịch tịnh, tâm rất sẵn lòng
và có thể rất khách quan, cởi bỏ được một số tính chất
nhị nguyên mà chúng ta vẫn thường sử dụng. Với tâm
định tĩnh, chúng ta có thể phần nào buông bỏ tính chất
đó đến độ ta có thể nhìn sự vật trong một cái nhìn
thực tế hơn.
Tất cả các giai đoạn này giúp ta tiến tới sự tịch tịnh
và đạt được thắng trí. “. . . và ngay hiện tại, trí
tuệ sung mãn”, dĩ nhiên là giai đoạn cuối cùng của giác
ngộ, nhưng tịch tịnh là điều tiên quyết. Nếu trong ta không
có được sự tịch tịnh, thì rất khó cho ta có thể nhìn
bất cứ điều gì một cách khách quan. Hành thiền đem lại
tịch tịnh, vì thế đó là hệ thống hỗ trợ cho ta. Mỗi
thắng tri cần được nuôi dưỡng và củng cố thêm bằng
cách lặp lại nó nhiều lần và cột nó ở tâm. Như thế
chúng ta sẽ có thể tiếp xúc và sử dụng nó bất cứ lúc
nào.