Chương
1
Bước Khởi
Đầu: Giới Luật
Trong
truyền thống Nguyên thủy, chúng ta sử dụng Đại Tạng Kinh
Pali như là giáo lý căn bản của Đức Phật. Đức Phật đã
sử dụng ngôn ngữ Pali, có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit.
Sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ này thì cũng giống như sự
khác biệt giữa tiếng Latin và tiếng Ý. Sanskrit là ngôn
ngữ bác học, và Pali, một loại ngữ phương được người
bình dân sử dụng. Giáo lý này dựa trên truyền thống
của hai ngàn năm trăm năm.
Đại
Tạng Kinh Pali còn được gọi là Tipitaka. Ti nghĩa là “ba”
và pitaka nghĩa là “cái giỏ”. Ba cái giỏ đó là Vinaya,
giới luật dành cho chư tăng ni; Suttas, các bài thuyết pháp
của Đức Phật; và Abhidhamma, Vi Diệu Pháp. Lý do có
tên đó là vì Tipitaka đầu tiên được viết trên những tàu
lá chuối khô hay lá ola. Khi đã khô, các tàu lá này trở
nên dòn, nhưng vẫn còn đủ cứng. Sau đó người ta dùng
một loại viết, giống như là một cái dùi khoan với đầu
viết rất mảnh nhỏ, khắc các câu kinh lên lá ola. Rồi
người ta dùng mủ của một loại dâu đặc biệt chà trên
mặt lá, để khô, phủi bụi mủ dư; chỉ còn để lại những
chữ được khắc đen. Ngày nay, quy trình này vẫn còn
được sử dụng ở Sri Lanka, nơi một vài tu viện vẫn còn
lưu giữ toàn bộ Tipitaka, viết bằng tay trên lá ola.
Các vị sư tiếp tục chép kinh từ những chiếc lá cũ sang
lá mới, khi lá cũ bị tan rã. Các lá này được ép lại
với nhau bằng gỗ cứng ở đầu và đuôi lá, phần còn lại
được buộc vải. Nếu có vị thí chủ nào phát tâm
thì phần gỗ thường được điểm tô bằng vàng hay bạc
để tỏ lòng ngưỡng vọng lời Phật dạy. Đây không
phải là những loại sách thông thường mà chúng ta từng biết
đến, các sách này không thể cầm trong tay hay kẹp dưới
nách. Trước kia khi di chuyển chúng, người ta đựng trong
ba cái giỏ. Đó là ly do tại sao tạng kinh Pali được
gọi là Tipitaka hay Ba Cái Giỏ.
Xuyên
suốt quyển sách này chúng tôi sử dụng bản chuyển ngữ
tiếng Anh rất chuẩn xác của Trường Bộ Kinh (Digha Nikàya)
[c]. Nikàya có nghĩa là “tập hợp” và digha có nghĩa
là “dài”. Nhiều năm sau khi Đức Phật nhập diệt,
các bài thuyết pháp của Ngài được chia thành năm bộ: Trung
Bộ Kinh (Majjhima Nikàya); Trường Bộ Kinh (Digha Nikàya); Tăng
Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya); Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikàya);
và Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikàya), chứa đựng tất cả những
kinh không thuộc bốn loại kia. Sự phân chia này chỉ
nhằm giúp chúng ta dễ nhớ.
Một
lý do tại sao Digha Nikàya (Trường Bộ Kinh) đặc biệt thú
vị vì nó chứa những bài kinh hướng dẫn các phương pháp
tu tập rất đầy đủ. Chúng ta cần nhớ rằng Đức Phật
thuyết pháp ở hai mức độ: mức độ của chân lý tương
đối và mức độ của chân lý tuyệt đối. Khi mới được
tiếp xúc với giáo pháp, chúng ta sẽ không có khái niệm gì
về chân lý tuyệt đối, nên khi đọc đến những phần này
tâm ta sẽ hoang mang. Bất cứ thắc mắc gì chúng ta có thể
nêu lên cũng khó được giải tỏa vì chúng ta hỏi chúng ở
mức độ của sự thật tương đối và có thể sẽ được
trả lời dựa trên sự thật tuyệt đối. Thí dụ, chúng ta
có thể đã nghe qua một công án (koan) thiền và đã nghĩ rằng,
“Câu ấy có thể có nghĩa gì? Thiệt là vô nghĩa”. Nhưng
một công án chỉ có thể được hiểu ở mức độ của sự
thật tuyệt đối. Hiểu được như thế rồi, thì điều gì
cũng có cùng một ý nghĩa -rằng không có gì và không có ai
ở đó. Chúng ta cũng có thể so sánh hai mức độ này đối
với cách mà chúng ta nói đến những món đồ quen thuộc như
là bàn ghế, và cách mà một nhà vật lý có thể diễn tả
chúng. Đối với chúng ta, chúng chỉ là những món đồ ta
có thể sử dụng. Nhưng nhà vật lý không nhìn chúng
như thế, vì nhà vật lý biết rằng chúng chỉ là những phần
tử của vật chất và năng lượng. Tuy nhiên nhà vật lý đó
sau buổi làm việc về nhà, sẽ ngồi vào ghế và sử dụng
cái bàn. Khi Đức Phật thuyết rằng không có gì và không
có ai ở đó, Ngài đang trình bày ở mức độ của sự thật
tuyệt đối. Trên bình diện đó, thế giới quen thuộc của
chúng ta chỉ là ảo giác và ảo tưởng. Đó là sự thật
tuyệt đối. Nhưng Đức Phật cũng thuyết giảng ở mức độ
tương đối. Ngài sử dụng từ ngữ và khái niệm như là
tôi, của tôi, người kia, kẻ nọ. Ngài nói về tất
cả những vấn đề có liên quan đến chúng ta, như là nghiệp
(karma), sự thanh tịnh hóa thân tâm, thanh tịnh hóa các cảm
xúc. Chúng ta phải luôn nhớ rằng hai mức độ khác nhau
này không bao giờ đi đôi với nhau.
Khi
tìm hiểu bản kinh đặc biệt này, chúng ta sẽ biết làm thể
nào để đến gần hơn với sự thật tuyệt đối. Điều
đó rất quan trọng, vì như Đức Phật đã hứa khả rằng
một khi chúng ta đã chứng nghiệm được sự thật tuyệt
đối nơi bản thân, chúng ta sẽ vĩnh viễn thoát khỏi khổ
đau (dukkha). Những phương pháp và lời hướng dẫn mà
Đức Phật đã đề ra giúp chúng ta có thể từng bước tiến
đến một sự giác ngộ sâu xa và vượt bậc, và đó cũng
là kinh nghiệm tự chúng Giác Ngộ của Đức Phật. Khoa
học ngày nay cũng xác nhận chứng nghiệm này, nhưng tốt hơn
có lẽ là chúng ta phải nói ngược lại –giáo pháp của
Đức Phật đã chứng minh cho khoa học ngày nay. Hầu hết các
nhà khoa học không phải là những vị giác ngộ, dầu rằng
họ biết sự thật là vũ trụ bao gồm không gì hơn là những
nguyên tử kết hợp lại với nhau để rồi rã tan. Tuy nhiên
họ không nhận thức được rằng chính người có tri thức
đó, cũng hợp tan như thế. Nếu họ đã tự bao gồm mình
vào sự quán sát đó, thì các nhà khoa học này đã giác ngộ
từ lâu rồi và có lẽ họ sẽ giảng dạy về sự giác ngộ
hơn là về vật lý. Chúng ta có thể cũng đã nghe qua hay đọc
về tất cả những điều này, và có lẽ cũng rất thích tìm
hiểu về chúng, nhưng không biết phải bắt đầu như thế
nào, như thế cũng thành vô ích. Giáo lý của Đức Phật
dễ dàng được chấp nhận vì Ngài đã truyền dạy cho chúng
ta những lời hướng dẫn thực tế, từng bước để đi theo
con đường đạo này.
Bản
kinh tôi (Ni sư Ayya Khema) đã chọn để giảng giải là kinh
Bố-Sá-Bà-Lâu (Potthapàda Sutta). Nhiều bài kinh của Đức
Phật được đặt tên dựa theo tên của vị hành giả mà
Đức Phật đang nhắc đến hay đang trả lời câu hỏi của
họ. Kinh này còn có tiểu đề là “Các trạng thái tâm
thức” (States of Conciousness).
Phần lớn các kinh thường bắt đầu với câu “Như vầy
tôi nghe”, trong tiếng Pali là, evam me suttam, và lý do mà kinh
đã được nói. Ở lần đại kết tập của các vị A-la-hán,
ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, các kinh được đọc
đều có những thông tin như kinh đã được nói ở nơi nào,
những ai có mặt lúc đó, và những lời diễn tả hoàn cảnh
lúc đó. Những điều này nhằm nhắc nhở các vị tỷ-kheo
đã nghe kinh nhớ lại kinh đã được nói lên trong trường
hợp nào, và có thể đồng ý hay không đồng ý với bản
kinh truyền miệng đó, và nếu cần, có thể đề nghị những
gì cần sửa đổi.
Như
vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ở tại Sàvatthi, rừng
Jetavana, vườn Anàthapindika.
Anathapindika (Cấp Cô Độc) là một doanh nhân rất giàu có.
Sau khi được nghe Đức Phật thuyết pháp, ông lập tức tuân
phục và ngưỡng mộ. Ông quyết định lập một tu viện cho
Đức Phật và các đệ tử của Ngài, những người mà cho
tới lúc đó vẫn còn là những du sĩ không nhà. Ông tìm được
một vườn xoài rất đẹp, thuộc sở hữu của Thái tử Jeta.
Tuy nhiên, Thái tử đã từ chối không bán. Anathapindika
không nản lòng, trở đi trở lại lần thứ hai, thứ ba để
hỏi mua khu vườn. Cuối cùng, Thái tử Jeta bảo với ông rằng
khu vườn sẽ thuộc về ông nếu ông có thể phủ các đồng
tiền vàng trên từng tấc đất. Anathapindika ra lệnh cho các
người hầu của mình mang đến những cần xé vàng xu và rãi
đều lên khắp mặt đất của khu vườn xoài. Chuyện kể
tiếp rằng khi ông không còn các đồng xu bằng vàng nữa thì
vẫn còn một phần đất nhỏ chưa được bao phủ, nên ông
đã báo cho thái tử Jeta về điều đó, và Thái tử đồng
ý cho ông luôn phần đất đó. Để mua được mảnh vườn
xoài đó, Anathapindika đã phải mất một phần ba tài sản
của mình. Ông giành một phần ba khác cho phần xây dựng và
trang bị đồ đạc trong các tịnh thất -dầu đồ đạc trong
nhà những ngày ấy chỉ đơn giản là vài cái móc ở trên
tường, đèn cầy và những bao tải rơm dùng làm giường nằm.
Đức Phật đã trải qua hai mươi lăm “mùa mưa an cư”
ở tu viện Anathapindika. An cư mùa mưa xảy ra trong ba tháng
mưa ở Ấn Độ. Đó là lúc mà các vị tăng ni được dạy
phải trú ngụ trong tu viện để tu học và hành thiền. Truyền
thống này được bắt đầu vì trong thời Đức Phật tất
cả tăng ni đều phải đi khất thực. Trong mùa mưa, các cây
lúa trồng dưới nước, bị che khuất. Nông dân than phiền
với Đức Phật rằng các vị tăng ni dẫm đạp lên cây lúa
của họ, và vì có đến hàng ngàn tăng ni, hậu quả là dân
làng bị mất mùa. Do đó, Đức Phật đã chế ra luật an cư
trong khoảng thời gian đó (mùa mưa) để các vị đệ tử
thuần thành có thể mang thức ăn đến tu viện cúng dường.
Hình thức này vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.
Lúc bấy giờ du sĩ ngoại đạo Potthapàda (Bố-sá-bà-lâu)
cùng với đại chúng du sĩ ngoại đạo khoảng ba trăm vị,
ở tại vườn của hoàng hậu Mallikà (Mật-lê-viên), có hàng
rào cây tinduka, một hội thảo trường luận bàn về chánh
kiến, tà kiến.
Tu sĩ theo ngoại đạo thường được nhắc đến trong kinh
như là các du sĩ ngoại đạo hay vô thần. Hoàng hậu
Mallikà, người đã dành khu vực này cho những kẻ ngoại đạo,
là vợ của vua Pasenadi, và cả hai đều là các đệ tử thuần
thành của Đức Phật.
Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y cầm bát
vào Sàvatthi khất thực. Rồi Thế Tôn tự nghĩ: “Nay còn
quá sớm để đi khất thực tại Sàvatthi, ta hãy đi đến
vườn của hoàng hậu Mallika tên là Ekasàlaka, có hàng rào
cây tinduka, một hội thảo trường luận bàn chánh kiến,
tà kiến, để gặp du sĩ ngoại đạo Potthapàda”. Và Thế
Tôn đã đi.
Vẫn còn quá sớm để đi khất thực vì người dân chưa chuẩn
bị thực phẩm cúng dường. Sàvatthi thường được nhắc
đến trong các kinh vì tu viện do Anàthapindika hiến cúng ở
trong thành phố đó. Dầu Đức Phật chỉ hoằng pháp
ở bắc Ấn Độ, nhưng giáo lý của Ngài kể từ đó đã
được lan truyền đến rất nhiều quốc gia khác ở Châu Á
và cũng đã được thành hình ở Âu Châu, Mỹ, Úc, và Tân
Tây Lan.
Lúc bấy giờ du sĩ ngoại đạo Potthapàda ngồi với đại
chúng du sĩ ngoại đạo, đang ồn ào, la lối, lớn tiếng bàn
luận những vấn đề phù phiếm . . . .
Tất cả các đề tài đều không đáng để cho người hành
giả đang đi theo con đường tâm linh phải bàn đến: “như
là câu chuyện về vua chúa; câu chuyện về ăn trộm; câu chuyện
về đại thần …” –tóm lại, là những câu chuyện chánh
trị thường tạo ra ý kiến tranh luận; “câu chuyện về
binh lính; về sự hiểm nguy; về chiến tranh …”; -những
sự kiện tàn khốc và ghê gớm khiến tâm xao động; “câu
chuyện về đồ ăn, đồ uống …” –có thể làm tăng thêm
ái dục; “câu chuyện về đồ mặc; câu chuyện về giường
nằm; câu chuyện về vòng hoa; câu chuyện về hương liệu
…” –những sự trang điểm để làm tăng thêm vẻ đẹp
bề ngoài, trong khi giường nệm cũng có thể gợi ý cho tình
dục; “câu chuyện về bà con; câu chuyện về xe cộ; câu
chuyện về làng xóm; câu chuyện về thị trấn; câu chuyện
về thành phố; câu chuyện về quốc độ …” –những câu
chuyện không đem lại cảm hứng trong sự tu tập mà chỉ hỗ
trợ cho sự bám víu và ngã chấp. “Câu chuyện về đàn bà
…” –đây là các vị tỷ-kheo độc thân, những người
mà tâm họ không nên nghĩ nhớ đến bất cứ đặc điểm
gì của người khác phái. Ngược lại đối với các tỷ-kheo
ni cũng thế. “Câu chuyện về các vị anh hùng …”
-đối với chúng ta có lẽ đó là các ngôi sao ca nhạc! “Câu
chuyện bên lề đường; câu chuyện tại chỗ lấy nước …”
-cho đến ngày nay, trong những quốc gia được gọi là các
nước thuộc thế giới thứ ba, thì giếng nước vẫn còn
là một chỗ tụ họp quan trọng. Các gia đình không có nước
tại nhà. Vì thế hàng xóm láng giềng, gặp nhau ở giếng
nước và trao đổi các thông tin mới nhất và tán gẫu, mà
thường đưa đến kết quả là nói xấu người khác. “Câu
chuyện về người chết; các câu chuyện tạp thoại; câu chuyện
về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương;
câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu …”
-tất cả những đề tài này, theo Đức Phật, ta cần tránh
xa. Chúng không đem lại một sự hiểu biết sâu xa nào,
hay giúp rèn luyện tâm, mà lại gây ảnh hưởng khiến ta xao
lãng. Liệt kê về các đề tài đặc biệt này đã được
kể ra trong bản kinh, nhưng bản kinh không nói rõ đề tài
nào trong đây đã được các du sĩ ngoại đạo bàn thảo.
Ta chỉ biết rằng họ đang tham gia vào một cuộc đàm thoại
vô bổ.
Nhưng du sĩ ngoại đạo Potthapàda thấy Thế Tôn từ xa
đến, liền khuyến cáo chúng của mình: “Các Tôn giả hãy
nhỏ tiếng, các Tôn giả hãy đừng làm ồn. Nay Sa-môn Gotama
đang đến. Ngài ưa mến sự trầm lặng, vị đại đức
này tán thán sự trầm lặng. Nếu biết chúng này yên tịnh,
Ngài có thể ghé đến đây”. Nghe nói vậy các du sĩ ngoại
đạo đều im lặng.
Rõ ràng Potthapàda rất mong mỏi rằng Đức Phật sẽ ghé qua
thăm, và ông đã nói lên ông hài lòng thế nào về việc đó
trong đoạn kinh kế tiếp.
Rồi Thế Tôn đến du sĩ ngoại đạo Potthapàda. Và du
sĩ ngoại đạo Potthapàda bạch Thế Tôn: “Thiện tai Thế
Tôn! Hoan nghênh Thế Tôn! Đã lâu Thế Tôn không quá bộ đến
đây. Mời Thế Tôn ngồi. Đây là chỗ ngồi đã soạn sẵn”.
Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ ngoại đạo
Potthapàda lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên.
Rồi Thế Tôn nói với với du sĩ Potthapàda đã ngồi một
bên: “Này Potthapàda, vấn đề gì các vị đang ngồi thảo
luận? Vấn đề gì đang nói mà bị gián đoạn?”
Đức Phật muốn biết họ đang quan tâm đến điều gì để
Ngài có thể giúp họ với bất kỳ câu hỏi gì.
Khi nghe nói vậy du sĩ ngoại đạo Potthapàda bạch Thế
Tôn: “Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên câu chuyện chúng tôi
đang ngồi bàn luận, bạch Thế Tôn, lát nữa Thế Tôn nghe
lại cũng không khó khăn gì.
Potthapàda không muốn thưa với Phật họ đang bàn cãi về
vấn đề gì, vì ông đang cần Phật giải thích về một điều
còn quan trọng hơn nhiều.
Bạch Thế Tôn, thời xa xưa lắm, nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn
ngoại đạo tụ họp, ngồi hội thảo trong giảng đường
nêu lên vấn đề sự diệt tận các tăng thượng tưởng và
các tăng thượng tưởng diệt tận như thế nào.
Sự diệt tận các tăng thượng tưởng là nirodha. Đôi
khi nó được nói đến như là tầng thiền định thứ chín,
là khi các thọ và tưởng đều đã đoạn diệt. (Chúng ta
sẽ nghiên cứu kỹ hơn về các tầng thiền định trong những
chương tiếp theo.) Potthapàda quan tâm đến đề tài này
vì ở Ấn Độ vào thời đó người ta tin rằng đó là tầng
thiền định cao nhất mà người ta có thể đạt được trên
con đường tâm linh. Trong tiếng Pali, nó được gọi là abhisannanirodha.
Abi có nghĩa là ‘cao hơn’, sanna nghĩa là ‘tưởng’ và
nirodha là sự diễn tả về các trạng thái thiền định.
Cả từ ngữ đó được dịch thành ‘sự đoạn diệt của
các tăng thượng tưởng’. Đối với Potthapàda và các đồng
môn của ông, thì đó là chứng nghiệm tâm linh cao nhất, và
họ rất muốn được biết thêm về nó. Potthapàda tiếp
tục:
Một vài vị trả lời:”Không nhân, không duyên, các
tưởng của con người sinh và diệt! Khi tưởng sanh con người
có tưởng, khi tưởng diệt con người không có tưởng”.
Potthapàda nói rằng ông đã được nghe là sự đoạn diệt
của tưởng dẫn đến vô thức. Đây là một sự hiểu lầm
nghiêm trọng. Không phải là không có thức, nhưng là
một sự dừng lại của tưởng và thọ đã được thực hiện.
Đức Phật sẽ giải thích về điều này trong phần sau của
bản kinh.
Như vậy, một vài vị giải thích sự diệt tận các
tăng thượng tưởng. Về vấn đề này, người khác lại
nói như sau: “Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy.
Này Tôn giả, tưởng là tự ngã của con người, chính tưởng
ấy đến và đi. Khi tưởng ấy đến thì con người có tưởng,
khi tưởng ấy đi thì con người không có tưởng”.
Potthapàda lặp lại ý kiến của người khác và sử dụng
thuật ngữ “sự đoạn diệt của tăng thượng tưởng”,
mà trong phạm trù này hoàn toàn sai, như Đức Phật sẽ nói
với ông ta sau này.
Người khác lại nói: “Các Tôn giả, sự kiện không
phải như vậy. Này Tôn giả, có những Sa-môn, Bà-la-môn có
đại thần thông và đại oai lực. Chính những vị này khiến
tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người
ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người
ấy có tưởng, khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có
tưởng”.
Ở Ấn Độ vào thời đó rất mê tín, và đây là những suy
nghĩ xuất phát từ đó. Đức Phật dạy rằng sự mê tín
này và những sự kiện ở bên ngoài không thể đưa đến
sự chứng ngộ chân lý. Potthapàda tiếp tục:
Bạch Thế Tôn. lúc bấy giờ con tưởng niệm đến Thế
Tôn: “Mong Thế Tôn có mặt ở đây! Mong Thiện thệ có mặt
ở đây! Ngài rất tinh thông những phép này. Chắc chắn Thế
Tôn biết rõ sự diệt tận các tăng thượng tưởng”. Bạch
Thế Tôn, sự diệt tận các tăng thượng tưởng như thế
nào?
Đọc các bản kinh, chúng ta cảm nhận được về thời gian
lúc Đức Phật còn tại thế và hoàn cảnh xã hội lúc bấy
giờ. Chúng ta trở nên quen thuộc với những người mà đức
Phật biết, ta cảm thấy như là chúng ta đang có mặt ở đó.
Dần dần, họ sẽ trở thành thân thuộc với chúng ta.
Ta biết rõ những thói quen, những mối quan tâm của họ. Chúng
ta nhận ra được sự ngưỡng vọng sâu xa của Potthapàda đối
với Đức Phật trong câu hỏi của ông.
Này Potthapàda, về vấn đề này, những vị Sa-môn, Bà-la-môn
nào đã nói: “Không nhân, không duyên, các tưởng của
con người sinh và diệt”. Những vị này đã sai lạc
từ ban đầu.
Đức Phật không ngại ngùng gì trong việc nói rằng những
lý thuyết như vậy là sai lầm. Nếu chúng sai, Ngài nói như
thế; nếu chúng đúng, Ngài cũng xác nhận rằng chúng đúng.
“Vì sao vậy? Này Potthapàda, chính vì có nhân, có duyên,
các tưởng của con người sinh và diệt. Chính do sự học
tập, một loại tưởng sanh, chính do sự học tập, một loại
tưởng diệt. Sự học tập ấy là gì?” Thế Tôn nói.
Đức Phật chưa vội trả lời câu hỏi đầu tiên, vì sự
tận diệt của tăng thượng tưởng là kết quả của công
phu tu tập tinh tấn. Thay vào đó, Ngài bắt đầu ở ngay chính
giai đoạn khởi đầu của sự tu tập.
Này Potthapàda, nay ở đời Như Lai xuất hiện, là bậc
A-la-hán. . .
… là vị Phật hoàn toàn giác ngộ, Chánh Đẳng, Chánh Giác,
Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ,
Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. (2)
Đây là những từ ngữ cổ xưa được dùng để diễn tả
những đặc tính của một vị Phật mà ta thường thấy trong
các kinh điển.
Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí,
nhiếp phục thế giới này với thiên giới, ma giới,
phạm thiên giới.(2) (câu 40)
Devas là chư thiên (hay các thiên thần). Trong nền văn
hóa phương Tây, chúng ta nghĩ đến các thiên thần như là
những vị thánh vĩnh viễn, nhưng theo Đức Phật, các devas
cũng có thể thối chuyển từ trạng thái cao thượng đó xuống
trở lại làm người. Lúc đó họ lại phải tu tập để được
trở lại cõi trời. Lúc bắt đầu mỗi khóa thiền, tôi luôn
âm thầm mời gọi họ tham gia hành thiền với chúng ta. Những
người muốn làm thế, sẽ xuất hiện. Ở cõi trời,
không có thân xác, do đó rất ít có khổ đau, vì thế các
vị thiên thần không có ước muốn được tu tập như chúng
ta. Nhưng có một số ít cũng rất muốn được nghe pháp và
hành thiền với chúng ta.
Maras
là ma vương. Thật ra trong mỗi chúng ta đều có cả hai:
thiên thần và quỷ dữ, đó là những sự cám dỗ và những
sự thanh tịnh thánh thiện trong ta. Brahmàs là các vị phạm
thiên, ngự trong bốn cõi tâm thức cao nhất. Không có
một vị sáng tạo, nhưng có một cõi của sáng tạo.
… các vị vua và dân chúng. Ngài thuyết pháp sơ thiện,
trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa.(2) (Câu
40)
Một khía cạnh rất quan trọng trong giáo lý của Đức Phật
là Ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa, cũng như từ ngữ (lời
kinh). Không khó để hiểu các bản văn; chúng ta chỉ cần
đọc kinh sách và cố gắng để nhớ càng nhiều càng tốt.
Không chỉ là các vị học giả, mà nhiều người khác cũng
thế, cũng đều nhận thấy rằng việc thông hiểu kinh điển
là phần quan trọng nhất. Nhưng chắc chắn như thế là không
đủ cho một đời sống tâm linh. Ý nghĩa của lời dạy của
các vị lãnh đạo tôn giáo vĩ đại chỉ có thể đi vào trái
tim ta khi ta thực hành chúng. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu rõ
ràng Đức Phật hàm ý gì và những lời hướng dẫn của
Ngài sẽ trở thành một phần của thân, khẩu và ý của chúng
ta. Hiện tại, chúng ta chỉ biết có lời kinh và một kiến
thức bình thường.
… Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh
tịnh.(2) (câu 40)
Người đệ tử sẽ đi tới và tiếp tục thực hành
các giới luật.
Đi tới ám chỉ việc người đệ tử sẽ trở thành một
tỷ-kheo hay tỷ-kheo ni, nhưng chúng ta cũng có thể tu tập với
tư cách là những người cư sĩ. Các vị tu sĩ bắt buộc
phải tuân giữ nhiều giới luật, mà nếu không có tín tâm,
đôi khi họ không thể tuân theo. Còn người cư sĩ tự
nguyện tu hành, vì đã hiểu được những lợi ích của việc
tuân giữ giới luật, có thể không phải khó khăn lắm.
Đức Phật chưa có ý muốn trả lời câu hỏi về tăng thượng
tưởng. Trước hết Ngài kêu gọi sự thực hành giới luật
như là một nền tảng cho sự phát triển tâm linh.
Giờ Ngài tiếp tục nói về năm giới luật, là những điều
giúp ta có một căn bản trong việc kiềm chế.
. . . tỷ-kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng,
bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót cho
hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình.
(2) (Câu 43)
Ở đây Đức Phật nhấn mạnh không chỉ việc kiềm chế
không giết hại, mà còn thực hành điều ngược lại, đó
là có lòng thương xót và thật lòng quan tâm, lo lắng cho tất
cả mọi chúng sanh.
Giới thứ hai được nói như sau:
…người mà kiềm chế không lấy của không cho, sống
trong sạch, chỉ nhận những gì được cho, chờ đợi những
gì được cho, mà không lấy cắp. (2) (Câu 43)
Trong khi giới thứ nhất đối trị lòng sân hận trong nội
tâm, giới thứ hai đối trị tâm tham xan. Trong nhiều
bản kinh khác, Đức Phật khuyên chúng ta có lòng từ bi, bố
thí như là một cách để giúp chúng ta buông bỏ “cái tôi”,
“cái của tôi” và thiên về việc giúp đỡ, hòa hợp, yêu
thương người khác.
Buông bỏ ái dục, vị ấy sống xa lánh khỏi những sự
thực hành tà dâm. (2)
Giới thứ ba, “kiềm chế không phạm vào tà dâm”, được
thay đổi ở đây thành “sống độc thân”, vì ở một mức
độ cao hơn trên con đường tâm linh, thì cuộc sống độc
thân được coi như là một yếu tố quan trọng nhất của
việc tu tập. Đối với các vị tăng ni thì điều này rất
quan trọng. Nếu phạm giới luật này, vị tăng hay ni phạm
lỗi sẽ bị đuổi khỏi tăng đoàn. Thỉnh thoảng, các
cư sĩ dự các khóa tu từ ba hay sáu tháng, trong khoảng thời
gian đó, họ cũng phải nguyện sống độc thân. Điều này
tạo được một cảm giác độc lập và giúp ta chế ngự
những ham muốn dục lạc mạnh mẽ.
Giới luật thứ tư được nói thành một câu dài:
Tỷ-kheo từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những
lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin
cậy, không lường gạt, không phản lại đối với đời.
Vị
ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều
gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở
những người này; . . . Như vậy, tỷ-kheo ấy sống hòa hợp
những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ
trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp,
nói những lời đưa đến hòa hợp.
Vị
ấy từ bỏ nói lời ác độc, tránh xa lời nói độc ác.
Vị ấy nói những lời không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương,
thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người.
Vị
ấy từ bỏ nói lời phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm,
nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời
có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời
về luật, nói những lời đáng được giữ gìn, những lời
hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.
(2) (Câu 44)
“Người gian dối ở thế gian” là người đạo đức giả,
nói một đàng, làm một nẻo. Phần đông chúng ta đều
có trí phán đoán để có thể biết lời nói nào là xuất
phát từ những kinh nghiệm chân thật hay chỉ là những lời
sáo rỗng –những lời không có linh hồn.
“Như vậy, tỷ-kheo ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián,
khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp. .
. “. Ở đây đã nói lên một điều quan trọng là lời
nói có thể mang đến hòa bình. Chúng ta có hàng ngàn
quyền sách có thể ảnh hưởng đến trí não chứ không thể
làm xao động trái tim ta. Khi lời nói chỉ thuần lý trí,
nó không thể làm ta xúc cảm, nhưng khi lời chúng ta nói hay
viết xuất phát từ kinh nghiệm bản thân hay từ trái tim,
nó luôn khiến người đọc phải “xúc động vì thương cảm”.
“Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói
phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói
những lời có ý nghĩa. . “. (2) (Câu 44).
Trong
một bản kinh khác, Đức Phật dạy rằng nếu ta nói về Pháp
(Dhamma), ta cần sử dụng cách diễn tả chính xác, những điều
nói ra cần được suy nghĩ thấu đáo trước đó và phải
dễ hiểu.