MỤC LỤC
I.Bài tựa
II.Tiểu sử thiền sư Hương Hải
III.Sư bị chúa nghe lời dèm pha truyền cho về quê cũ
IV.Sư ra vùng bên ngoài gần trấn lập thiền tịnh viện
V.Sư ra trụ trì dựng lập chùa Nguyệt Đường
VI.Khai thị ngộ nhập được duyên tốt truyền trao ấn chứng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Đoạn 4
Đoạn 5
Đoạn 6
Đoạn 7
VII.Sư tám mươi tám tuổi dặn dò Niết bàn
c
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ NGỮ LỤC
GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ
VI. KHAI THỊ NGỘ NHẬP ĐƯỢC DUYÊN TỐT TRUYỀN TRAO ẤN CHỨNG

ĐOẠN 2

Lại một hôm Sư rảnh rang dạy chúng: 

- Muốn cầu thấy Phật cứ nhận nơi chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê không tự biết có Phật, chớ Phật đâu có làm mê chúng sanh. Ngộ được tự tánh của mình thì chúng sanh là Phật, mê tự tánh của mình Phật là chúng sanh. Giữ được tự tánh của mình bình đẳng thì chúng sanh là Phật, để tự tánh mình gian hiểm thì Phật là chúng sanh.

Muốn cầu thấy Phật cứ nhận nơi chúng sanh. Nghĩa là đừng tìm Phật ở chỗ nào, cứ ngay nơi chúng sanh mà thấy mà nhận.

Chỉ vì chúng sanh mê không tự biết có Phật, chớ Phật đâu có làm mê chúng sanh. Sở dĩ chúng ta không biết mình có Phật là tại vì mình mê. Ngay nơi mình đã có Phật mà không chịu nhận, không chịu biết cho nên mê. Mê tức là mình quên Phật, thật ra Phật lúc nào cũng hiện tiền, lúc nào cũng sẵn sàng không có giấu diếm, không có trốn tránh ở đâu.

Ngộ được tự tánh của mình thì chúng sanh là Phật, mê tự tánh của mình Phật là chúng sanh. Hai câu này xác nhận, ngộâ được tự tánh của mình thì chúng sanh là Phật. Quý vị thử xác định xem, hiện giờ chúng ta là chúng sanh hay là Phật? Không ai dám nói. Không dám nói mình là Phật, mà cũng không dám nói mình là chúng sanh. Đây nói rất rõ, ngộ được tự tánh của mình thì chúng sanh là Phật. Nếu ngay nơi tánh của mình - tánh mình tức là tánh giác của mình - ngộ được thì chúng sanh là Phật. Còn ngay tánh giác sẵn có của mình mà quên, thì Phật là chúng sanh. Quý vị là “chúng sanh là Phật” hay là “Phật là chúng sanh”? Chúng ta đang Chúng sanh mà nói là Phật, thì có vẻ cao quá. Nhưng sự thực, tự tánh của mình tức là tánh giác, mà giác là Phật. Nếu nhận được tánh giác hay ngộ được tánh giác của mình tức là nhận ra Phật. Tức là chúng sanh biến thành Phật. Có tánh giác tức là Phật rồi mà quên bẵng thì Phật là chúng sanh! Như vậy chúng sanh và Phật cách nhau chừng bao xa? Thấy như bên cạnh thôi nhưng kiếm không ra! Chúng ta tu để thành Phật, không phải là chuyện thiên nan vạn nan, ngay nơi mình mà nhớ tánh giác thì chúng sanh là Phật, quên tánh giác thì Phật là chúng sanh, gọn làm sao! Chỉ cần đổi chữ “quên” thành chữ “nhớ” là được. Chỉ có một chữ nhớ với chữ quên thôi. Thí dụ chúng ta học thuộc bài, lâu ngày quên, nếu ai nhắc một hai chữ, sực nhớ lại, đâu có khó. Chỉ cần nghe người ta gợi vài tiếng liền sực nhớ lại, như trở bàn tay. Từ chúng sanh trở thành Phật, là chuyện dễ dàng như trở bàn tay, để xuống là úp, lật lại là ngửa, úp là quên, lật ngửa lại là nhớ. Nhớ quên bên cạnh đó thôi mà không chịu nhớ mới đau! Năm này quên, năm nọ quên, cứ quên hoài và nhớ những chuyện hơn chuyện thua, chuyện phải chuyện quấy, chuyện được chuyện mất, chuyện vui chuyện buồn, chuyện thương chuyện ghét. Mấy chuyện đó thì nhớ, còn tánh giác không chịu nhớ. Nhớ tánh giác là làm Phật, quên tánh giác là làm chúng sanh, mà nhớ chúng sanh thì quên Phật chắc chắn rồi không nghi. Còn nếu tất cả buồn thương giận ghét buông hết thì trở lại nhớ Phật. Như vậy người tu chỉ khéo tỉnh, khéo giác thì ngay nơi hiện đời thấy mình với Phật không xa. Nếu không thì muôn đời cũng không thấy Phật, lúc nào cũng thấy chúng sanh, khi nhắm mắt đi thì theo nghiệp đi gặp chúng sanh nữa, tiếp tục vui buồn thương ghét nữa. Mất cái thân đó qua đời khác tiếp tục vui buồn thương ghét nữa nên gặp chúng sanh hoài, những mặt đó thay đi đổi lại thôi, mà cứ luẩn quẩn luân hồi. Nếu chúng ta nhớ Phật nhớ tánh giác thì mọi cái vui buồn, thương ghét chỉ là đồ bỏ, không có giá trị gì hết, không thèm nghĩ tới, không thèm bàn luận thì ngay nơi đây là Phật chớ đâu xa.

Giữ được tự tánh của mình bình đẳng thì chúng sanh là Phật, để tự tánh mình gian hiểm thì Phật là chúng sanh. Tánh bình đẳng là sao? Như ở trong nội viện tăng, nội viện ni, mỗi bên trên năm mươi. Ai đối với năm mươi người này, không có thương ghét, bình đẳng như nhau, thì người đó cũng gần thành Phật rồi. Nếu có người thân người sơ, có người thương người ghét, đó là gian hiểm. Bởi vì có thương có ghét nên người nào chúng ta thương thì che chở, người nào ghét, có lỗi một chút mình bươi móc ra thành hai. Người mình thương, họ hỏi một mình muốn nói tới hai còn người mình ghét họ tới hỏi, mình làm thinh không muốn trả lời. Như vậy là gian hiểm chứ gì? Chúng ta nghe nói gian hiểm tưởng đâu là chỉ những kẻ lưu manh, nhưng không phải, hễ có thương có ghét là có gian có hiểm. Đó là một lẽ thực. Bởi vậy cho nên giữ được cái tâm bình đẳng thì chúng sanh là Phật.

Tâm ta sẵn có Phật. Phật sẵn nơi mình đó là chân Phật. Nếu tự tâm không Phật thì tìm chân Phật nơi nào? Nên kinh nói: “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Phàm phu tức là Phật, phiền não tức Bồ-đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau giác là Phật. Niệm trước chấp cảnh là phiền não, niệm sau lìa cảnh là Bồ-đề. 

Tâm ta sẵn có Phật. Phật sẵn nơi mình đó là chân Phật. Ngài chỉ Phật cho chúng ta thấy tường tận, tâm ta sẵn có Phật. Ai cũng đều có Phật hết vì ai cũng có tâm. Phật sẵn nơi mình mới là Phật thật. Tại sao? Bởi vì Phật sẵn nơi mình mới là Phật giác, giác mới thật. Vậy mà Phật thật chúng ta lại coi thường, còn ông Phật ngồi làm thinh trên bàn thì mình lạy mình thích.

Nếu tự tâm không Phật, thì tìm chân Phật nơi nào? Tự tâm mình không Phật, còn tìm ở đâu ra chân Phật. Buồn thương giận ghét, hơn thua phải quấy là cái tướng tạm bợ sanh diệt hay là cái tướng thật? Có khi buồn có khi thương, có khi giận có khi ghét, chợt cái này chợt cái kia. Còn cái hằng giác hằng tri tạm bợ hay là chân thật? Bỏ cái tạm bợ sống với cái chân thật là dễ hay khó? Như vậy thì Phật không xa, ở bên cạnh thôi, chúng ta khéo một chút sẽ thấy rõ ràng. Những câu này là những câu chỉ thẳng. Tất cả cái tâm buồn thương giận ghét, hơn thua phải quấy đó lặng hết thì ngay tâm này là Phật rồi, ngay đó cũng là thiền rồi, còn tìm đâu nữa?

Nên kinh nói: “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Ngay tâm chân thật mà để cho niệm khởi gọi là tâm sanh, tâm sanh thì tất cả các pháp buồn thương giận ghét… đều theo đó sanh, còn nếu tâm diệt thì các pháp buồn thương giận ghét theo đó diệt, chớ không có gì lạ hết.

Phàm phu tức là Phật, phiền não tức Bồ-đề. Hai chữ “tức” này có nhiều người cho là không hợp lý. Tại sao chúng sanh tức là Phật? Tại sao phiền não tức là Bồ-đề? Phật với phàm phu khác, phiền não với Bồ-đề khác. Đó là cái nhìn theo đối đãi. Còn đúng với tinh thần của Thiền tông hay là của Đại thừa thì như trên đã nói. Nếu chúng ta còn có tâm buồn thương giận ghét, hơn thua phải quấy… thì chúng ta là phàm phu. Nếu tâm buồn thương giận ghét… lặng xuống thì vô tâm, vô tâm là Phật. Như vậy thì người nào nhạy dễ buồn, dễ thương, dễ ghét, thì người đó chắc chắn là phàm phu, phàm phu thứ thiệt. Còn nếu người nào thản nhiên, tất cả buồn thương giận ghét không dính mắc thì từ phàm phu dễ chuyển thành Phật. Cho nên phàm phu tức là Phật. Vì buông hết những niệm buồn thương giận ghét… thì vô tâm, mà vô tâm tức là Phật.

Phiền não tức là Bồ-đề, phiền não chính là những bứt rứt, bực bội, lo buồn; Bồ-đề tức là sáng suốt giác ngộ. Hai cái đó không tách rời nhau. Thí dụ như có người bị những điều bức bách buồn khổ quá không thể chịu nổi, liền vô chùa xin xuất gia, họ tu hành tinh tấn, rất thanh tịnh. Như vậy ở cảnh phiền não bức bách nhờ đó họ chuyển, đi tu rồi được thanh tịnh, thì phiền não tức Bồ-đề. Đó là tôi ví dụ xa, còn ví dụ gần, như chúng ta tu mà ai đó thấy mình tu tinh tấn đáng khen, nhưng thay vì khen, họ thử. Hôm nào mình đang đi nghiêm trang tề chỉnh, nghe họ nói: Gã đó tu giả dối, thấy người ta làm bộ nghiêm chỉnh. Mình dễ phiền não không? Người ta chọc cho mình phiền não, nhưng nghe xong mình cười, không buồn, không giận gì hết thì có phải Bồ-đề không? Như vậy thì bên cạnh phiền não mà chúng ta không lầm, không khởi buồn thương giận ghét thì đó là Bồ-đề, không phải tìm Bồ-đề ở đâu. Đức Phật giác ngộ ngay trong thế gian này. Ngay trong cảnh đau khổ của chúng sanh mà Ngài giác ngộ, đó là trong phiền não mà Ngài đạt Bồ-đề. Chúng ta tu cũng vậy, có nhiều người cứ nghĩ nguyện làm sao đời tu từ khi vào đạo cho tới khi thành Phật đừng có gì trở ngại hết. Nếu nguyện như vậy tu chừng bao nhiêu kiếp thành Phật? Phật dạy ba vô số kiếp, nếu nguyện như vậy thì chắc mười vô số kiếp. Bởi vì tu mà mọi việc đều êm xuôi vui vẻ hết, thấy mình ngon lành quá rồi cứ chơi thong thả, có gì đâu mà tu! Còn bị kẻ này rầy, kẻ kia mắng, đáng khóc, đáng buồn v.v…, nếu những lúc đó chúng ta vẫn tỉnh, vẫn sáng, không buồn, không phiền, thì đó là cơ hội để thấy phiền não tức Bồ-đề, gặp suôn sẻ hết thì chắc không bao giờ thành Bồ-đề được.

Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau giác là Phật. Ở trên nói một đời người chuyển phiền não thành Bồ-đề hay là chuyển phàm phu thành Phật. Bây giờ chỉ cần trong từng tâm niệm, tâm niệm trước mê là phàm phu, tâm niệm sau giác là Phật. Làm phàm phu từng tâm niệm, làm Phật cũng từng tâm niệm. Huynh đệ nói vài câu xúc phạm bản ngã chúng ta một chút, vừa chớm giận, đó là niệm phàm phu rồi. Ngay sau đó mình nghĩ “tu mà còn bản ngã sao?” liền dừng, hết giận thì niệm đó là niệm Phật. Như vậy đang làm phàm phu chuyển qua làm Phật. Nhưng làm Phật một lúc lại quên. “Ờ hồi nãy nói hơi nặng” thì thành phàm phu trở lại. Rồi lại tỉnh “Nói đâu có gì nặng nhẹ, qua rồi mất đâu có thiệt” thì lúc đó làm Phật. Như vậy thì một ngày mình có mấy lần làm phàm phu, mấy lần làm Phật? Không biết phàm phu nhiều hay Phật nhiều? Nếu ngày nào Phật cũng nhiều hết, niệm Phật được liên tục thì càng hay. 

Niệm trước chấp cảnh là phiền não, niệm sau lìa cảnh là Bồ-đề. Chấp cảnh tức là trần cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nếu niệm trước mình chấp sắc thanh hương vị xúc thì đó là phiền não. Niệm sau lìa thì Bồ-đề. Thí dụ như hôm nào có ai cúng dường được một món ăn hơi vừa miệng thôi không dám nói ngon, huynh đệ chia vừa tới mình thì hết trơn, ai cũng ăn ngon lành mà mình không có gì hết, thì lúc đó ra sao? Nếu mà chấp cảnh thì có phiền não không? Chấp món ăn đó là thiệt, món ăn đó là ngon, thì tự nhiên phiền não. Vừa khởi cái chấp tại sao món đó cho người kia không cho mình, liền sanh phiền não. Nhưng sau đó nói: “Ôi ăn uống một chút rồi cũng tiêu mất hết, có gì thậät đâu?” Không thèm chấp nữa thì Bồ-đề liền. Từ những ví dụ nhỏ quý vị xét ra những việc lớn. Nghĩa là phiền não với Bồ-đề kế một bên, nên người biết tu thì một ngày khởi chừng năm lần phiền não, mà phải mười lần Bồ-đề thì tốt, rồi lần lần cho tới mười hai, hai mươi lần Bồ-đề. Phiền não giảm, Bồ-đề tăng mới được. Đó là câu cầu chúc cho nhau. Cầu chúc Bồ-đề tăng trưởng là vậy đó. Bởi vì chúng ta ngày nào cũng có những cái vừa ý, không vừa ý. Không vừa ý thì phiền não, nếu chúng ta biết xả, không chấp vào đó, chúng ta bị thiệt thòi, mà không cho là quan trọng thì lìa phiền não được Bồ-đề, như thế là niệm Bồ-đề. Mong rằng tất cả quý vị từ đây về sau Bồ-đề tăng trưởng luôn luôn, còn phiền não thì suy giảm mỗi ngày, giảm cho thấy được chớ không phải giảm chầm chậm. Lúc chưa hiểu thì mỗi ngày một trăm lần phiền não, giờ hiểu rồi còn chín mươi, còn tám mươi, chừng mười bữa thì hết trơn. Giảm như vậy là hay tuyệt. 

Tự thể của chân tâm chẳng phải chỗ ta nói bày đến được, trong suốt như hư không không bờ mé, như tấm gương trong sạch tròn sáng, khen chê khó đến kịp, nghĩa lý khó suốt thông.

Bây giờ Ngài chỉ tâm thể của chúng ta, tự thể của chân tâm không thể chỉ bày ra được, mà cũng không thể nói đến được. Nó luôn luôn trong suốt như hư không, không có bờ mé. Như vậy thì sao? Cụ thể một chút thì thấy ngay tâm thể của mình. Như con mắt chúng ta thấy cảnh, lỗ tai chúng ta nghe tiếng, lưỡi chúng ta nếm vị, mũi chúng ta ngửi mùi, thân chúng ta xúc chạm. Nếu con mắt không bệnh, không mù thì có lúc nào không thấy? Nếu lỗ tai không điếc thì lúc nào không nghe? Nếu cơ thể mình lành lặn không bệnh thì lúc nào không biết xúc chạm? Như vậy cái tướng nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hiện tiền. Đưa một vật gì vào lưỡi là biết ngọt chua ngay. Lúc nào cũng biết. Ở mũi thì thơm, hôi gì mình cũng nghe. Như vậy cái biết nó hiện ở mắt, hiện ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, luôn luôn lúc nào cũng hiện tiền. Nhưng cái biết đó có sinh có diệt, có động có tịnh gì không? Chúng ta nhìn ra thấy núi, thấy hồ, thấy cây cối, cái thấy đó tướng mạo ra sao? Không có một chút hình tướng. Không có hình tướng mà mờ đục hay trong suốt? Cái hay thấy này không bị cái gì làm cho mờ đục hết. Như vậy thì nó có không? Bây giờ có người hỏi: “Khi thấy núi thấy hồ, thấy rừng thấy cây, cái thấy của Thầy ra sao?” Chúng ta trả lời thế nào? Không có lời để diễn tả! Khi không diễn tả được thì người ta cho mình là nói dóc, nói vô lý. Cái diễn tả không được, thì nó không có nhưng tuy dường như  vô lý mà thực tình có. Nếu nói cái thấy tôi thế này thế kia, cái thấy tôi xanh, vàng, đỏ, trắng, thì dường như có lý mà thật ra là vô lý là sai, là trật. Cái thấy này trong suốt, hiện tiền, không giới hạn cho nên giống như tấm gương trong sạch tròn sáng, khen chê khó đến kịp, nghĩa lý khó suốt thông. Đó là nói ở mắt, còn ở tai, ở mũi, ở lưỡi cũng vậy, làm sao mà diễn tả được cái đó ở nơi mình.

Không thể lấy cái có không, nơi này chốn nọ mà xét tột được chỗ u huyền của nó. Cũng không thể lấy trí khôn và ngôn ngữ mà bàn đến chỗ huyền diệu của nó. Chỉ có ai ngộ được chân tâm thì hiểu ngay nơi mình. Ví như muôn thứ hương thơm chỉ đốt một lò là hiểu hết mùi thơm. Như vào bể cả tắm, chỉ cần hớp một ngụm nước là biết hết toàn vị của bể cả. 

Không thể lấy cái có không, nơi này chốn nọ mà xét tột được chỗ u huyền của nó. Tự thể chân tâm của chúng ta không thể lấy cái có, cái không hoặc là nơi này, chốn nọ để mà xét tột cái chỗ u huyền của nó được.Chỉ lấy cái thấy mà nói, chúng ta đã không thể diễn tả nổi. 

Cũng không thể lấy trí khôn và ngôn ngữ mà bàn đến chỗ huyền diệu của nó. Dù khôn đến đâu cũng không có cách gì mà diễn tả ra được nó, cho nên không có dùng ngôn ngữ mà diễn tả. Thấy thì cứ thấy thôi.

Chỉ có ai ngộ được chân tâm thì hiểu ngay nơi mình. Ai mà nhận ra được chân tâm mình thì người đó biết rõ nó đang hiện tiền, không nghi ngờ một tí nào hết.

Ví như muôn thứ hương thơm chỉ đốt một lò là hiểu hết mùi thơm. Như vào bể cả tắm, chỉ cần hớp một ngụm nước là biết hết toàn vị của bể cả. Cái chân thật của mình hiện tiền sẵn, khi nào ngộ được thì mình mới biết, không ngộ thì không biết. Ngộ được tức biết ở mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, ở ý đều có cái đó giống như đốt chừng vài ba miếng trầm, lên khói thì biết trầm thơm. Cũng như hớp một ngụm nước biển thì biết toàn thể nước biển cũng mặn như thế.

Chốn chân thật thâm sâu lặng lẽ, giác ngộ thì bụi trần lắng sạch tâm thể trong ngần; dứt hết mối manh danh tướng của ngoại cảnh, sạch hết những năng sởû ở trong tâm.

Hiểu lý này rồi, mới thấy thương mọi người chung quanh, có tâm thể trong suốt hiện tiền mà cứ để bị che phủ hoài. Ngồi lại hai người ba người thì nói chuyện huynh này, huynh nọ, huynh kia. Huynh này hơn huynh nọ thua, huynh này phải huynh kia quấy. Ngồi lại cứ bao nhiêu đó mà bàn, tới gần đi ngủ cũng còn tiếc, muốn bàn thêm một vài chuyện nữa cho hết ý. Lúc tôi còn đi học, ở tại trường không đi đâu, lâu lâu có huynh đệ đi về quê trở lại, tôi mừng lắm, không phải mừng bánh trái, mà cốt để hỏi thăm chuyện này chuyện nọ ở quê ra sao. Như vậy đó, người này đi về kể cho người kia nghe, người kia nghe cũng hơi phấn khởi rồi kể người nọ. Như thế mới vui, chứ còn mỗi người một góc cú rũ, mạnh ai nấy sống buồn lắm. Cho nên cứ đem chuyện này chuyện nọ, kể cho nhau nghe đầy lỗ tai. Tối ngủ cũng nhớ chuyện đâu đâu, ngồi thiền tụng kinh cũng nhớ chuyện thiên hạ. Như vậy tức là cứ để cho bụi phủ lấp mãi mãi, tâm không bao giờ được yên lặng, được trong sáng. Cho nên người biết tu, mọi chuyện hơn thua phải quấy xem như trò trẻ con, không có gì là quan trọng hết. Điều quan trọng là làm sao mình đừng mê. Đừng mê tức là đừng để cho bụi trần chen vào. Bao nhiêu bụi trần vì chúng ta ham phủ quá nó mới dính, chớ nếu người ta kể mà mình không quan tâm, không có chú ý thì có dính đâu? Tôi hay nói chúng ta thích làm cảnh sát quốc tế. Chuyện gì của thiên hạ đâu đâu mình cũng muốn chen vào để phân xử, chuyện phải quấy ở xứ nào, cũng muốn ngồi phê bình, cho vậy là khôn. Mà không ngờ mình cứ phủ mãi, cái tâm trong sáng bị vùi lấp trở thành mờ tối. Khi chúng ta giác ngộ, tất cả những bụi trần bên ngoài được lắng sạch xuống, tâm thể được trong ngần, dứt hết mối manh danh tướng của ngoại cảnh, sạch hết những năng sở trong tâm. 

Bởi ban đầu bất giác, bỗng khởi ra vọng động, chiếu soi lại tự tâm, theo cái chiếu soi ấy mà sanh ra tâm trần nên gọi là chúng sanh. Như gương hiện hình tượng, chợt có thân căn. 

Đây là theo kinh Lăng Nghiêm. Chúng ta sẵn có tánh giác, nhưng tánh giác đó không giữ tự tánh, không giữ cái nguyên vẹn của nó, bỗng khởi niệm chiếu soi lại nó, xem tánh giác mình là gì? Đó là từ bất giác bỗng khởi ra vọng động, bởi có chiếu soi lại cho nên có năng có sở, chiếu soi lại tự tâm. Rồi theo cái chiếu soi ấy mà sanh ra tâm, trần. Trong thì tâm, ngoài thì cảnh, có tâm có trần nên gọi là chúng sanh.

Như gương hiện hình tượng, chợt có thân căn. Lúc đó giống như cái gương để ở ngoài trời, có bao nhiêu hình người, hình cảnh đều hiện trong đó hết cho nên nói là có thân căn.

Từ đó chân tâm bị dời đổi, căn tánh bị sai lạc, chấp tướng đuổi theo danh, chứa mãi những vọng trần ứ đọng, kết mãi những vọng thức liên miên. Đem túm bọc chân giác vào giấc mê đêm, đắm chìm mê muội trong tam giới. Làm mù lòa con mắt trí ở trong ngõ tối, khúm núm cúi lòn trong chín loài. Ở trong cõi chẳng đổi dời, bỗng dưng luống chịu kiếp luân hồi. 

Từ cái giác minh mà bỗng khởi lên minh giác, dấy niệm thành ra có năng có sở biến thành chúng sanh, giống như gương là năng và cảnh hiện vào gương là sở, cho nên nói có thân có tâm. Khi thấy trong có thân ngoài có cảnh rồi, từ đó chân tâm bị dời đổi, căn tánh bị sai lạc, rồi chấp vào tướng đuổi theo danh. Có cảnh phải đặt tên cảnh, cảnh gì, tên gì? Rồi theo cảnh, theo danh đó chứa mãi những vọng trần ứ đọng. Những vọng từ hình ảnh mình tích lũy trong lòng, ứ đọng kết mãi những vọng thức liên miên. Đến giờ ngồi thiền, những cái đó nó trào lên, trào lên hoài không ngừng, không hết.

Đem túm bọc chân giác vào giấc mê đêm, đắm chìm mê muội trong tam giới. Thể chân giác của mình là cái thật rỗng thênh mà bây giờ túm bọc nó lại, đi vào chỗ mê. Rồi từ đó đắm chìm mê muội trong tam giới, lăn lộn qua lại không dừng, khi nào dứt được chúng mới giải thoát được.

Làm mù lòa con mắt trí ở trong ngõ tối.  Chúng ta đã có con mắt trí, bây giờ nó dồn lại thành một con người, một con vật, thì tự nhiên con mắt trí bị mù lòa, bị hạn chế ở trong một người, một thân thể, cho nên nói đi trong ngõ tối.

Khúm núm cúi lòn trong chín loài. Lẽ ra thì chúng ta thênh thang tự tại mà không chịu, lại chui lòn đầu này, đầu kia để làm người, làm thú khổ chưa? Đó là đi trong chín loài.

Ở trong cõi chẳng đổi dời, bỗng dưng luống chịu kiếp luân hồi. Cái thể thanh tịnh chân giác là cái không đổi dời, không sanh diệt mà bỗng dưng chui vào trong chỗ sanh tử, chịu kiếp luân hồi. Chúng ta rất thảnh thơi, rất tự tại mà không giữ được cái thảnh thơi tự tại để đi vào trong chỗ xấu xa khổ sở, chịu những luân hồi rồi than thân trách phận. Như vậy chúng ta than trách ai? Có nhiều người nói chán cái kiếp người quá, không muốn làm người nữa, rồi muốn làm chim, làm cây thông… đủ thứ. Ai xúi giục chúng ta làm kiếp người đây? Chỗ khác thì nói tại cái này, tại cái kia, theo nhà Phật thì chính cái mê dẫn chúng ta đi, làm cho chúng ta phải chịu khổ. Cho nên:

Trong pháp vô thoát mà tự chuốc sự trói buộc nơi thân. Như con tằm mùa xuân làm kén tự giam mình, con thiêu thân mùa thu tự nhào vô đèn thiêu xác. Đem những sợi tơ nhị kiến buộc lấy nghiệp căn khổ sở, dùng đôi cánh của lòng tham mù quáng toan dập tắt vòng lửa tử sanh. 

Trong pháp vô thoát mà tự chuốc sự trói buộc nơi thân. Vô thoát tức là không có mở. Tại sao không có mở? Bởi vì có cái gì trói đâu mà mở. Trong pháp vô thoát là trong chỗ không có trói, không mở mà bây giờ tự mình trói buộc lấy thân mình. Tâm thể không sanh không diệt, không thương không ghét, không phải không quấy, không có cái gì gọi là trói buộc. Bởi không trói buộc cho nên không có giải thoát chỉ tự mình chuốc lấy sự trói buộc.

Như con tằm mùa xuân làm kén, tự giam mình. Như con tằm tới mùa Xuân làm kén, khi kén đầy đủ rồi, người ta lấy kén bỏ vô nồi nước sôi luộc lên lấy tơ. Như vậy, chúng ta làm kén để nhốt mình, rồi giết mình luôn chớ có ai làm cho mình! Nếu con tằm không có kén thì chắc không ai nấu nó để lấy tơ.

Con thiêu thân mùa thu tự nhào vô đèn thiêu xác. Mùa thu con thiêu thân nhiều lắm, nó bay vô đèn thiêu xác.

Đem những sợi tơ nhị kiến. Nhị kiến tức là chấp hai bên.

Buộc lấy nghiệp căn khổ sở, dùng đôi cánh của lòng tham mù quáng toan dập tắt dòng lửa tử sanh. Khi còn mang cái chấp hai, thì luôn luôn dẫn mình đi trong cái khổ, trong cái trói buộc. Dùng đôi cánh của lòng tham mù quáng, mà mong dập tắt dòng lửa tử sanh thì không bao giờ thoát sanh tử được. Chúng ta lỡ ở trên thế gian này, cái gì cũng thấy hai hết. Thấy hai là nhân của sanh tử. Nếu không còn thấy hai thì hết sanh tử. Chúng ta cứ mở miệng là thấy hai, cho đóù là lẽ thật nên khó mà diệt được. Vì thế chúng ta cứ tiếp tục đi trong sanh tử liên miên không có ngày dừng. Tu không phải khó, mà khó vì huân tập đã quá sâu, bàn nói cái gì cũng hỏi cái này có hay không, phải hay quấy, thiệt hay giả, luôn luôn tạo cớ cho mình phải thấy hai. Người ta nói phải thì mình chịu, người ta nói quấy thì mình không ưa, rồi có tham có sân. Như vậy là cái nhân để mình tạo nghiệp, còn nếu hết thấy hai thì thôi hết tạo nghiệp. Đó là chuyện hiển nhiên.

Lại có những kẻ tà căn ngoại chủng, tiểu trí quyền cơ; chúng không hiểu rõ nguồn bệnh của sanh tử, không biết gốc kiến chấp của ngã nhân (ta người). Chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá từng tướng tách từng mảnh bụi của từng vật thể để tìm hiểu biết. Làm như thế, tuy nói rằng nếm được mùi tĩnh lặng, thầm hợp với lý không, nhưng không biết đó là cái lối làm chôn vùi chân tánh, trái ngược chân giác, chẳng khác nào kẻ đã biện rõ sắc xanh đỏ trong mắt, chỉ lo tắt quầng sáng của ngọn đèn, không lo xét tột cùng cái huyễn thân ở trong thức, lại luống chạy trốn cái bóng rỗng dưới mặt trời. Như thế chỉ lao nhọc tinh thần, tốn hao sức lực. Chẳng khác nào đổ nước vào băng, ném củi vào lửa. Có biết đâu, bóng lòa hiện ra màu xanh, bóng rỗng theo nơi thân. Nếu chữa khỏi bệnh lòa ở mắt thì bóng xanh kia tự mất, diệt thân huyễn chất này thì bóng nọ không còn.

Lại có những kẻ tà căn ngoại chủng, tiểu trí quyền cơ; chúng không hiểu rõ nguồn bệnh của sanh tử, không biết gốc kiến chấp của ngã nhân (ta người). Những người có chủng tử tà ma ngoại đạo, tiểu trí quyền cơ, không hiểu được nguồn bệnh của sanh tử, không biết gốc kiến chấp của ngã nhân - nghĩa là kiến chấp từ hai bên mà ra.

Chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá từng tướng, tách từng mảnh bụi của từng vật thể để tìm hiểu biết. Cho trong chúng ồn ào quá, khó tu quá, đi kiếm trong non, trong núi cất cái am nho nhỏ ngồi tu, rồi phân tích từng mảnh bụi, từng sự vật để quán chiếu, nghĩ như vậy là hay.

Làm như thế tuy nói rằng nếm được mùi tĩnh lặng, thầm hợp với lý không, nhưng không biết đó là cái lối làm chôn vùi chân tánh, trái ngược chân giác, chẳng khác nào kẻ chẳng biện rõ xanh đỏ trong mắt, chỉ lo tắt quầng sáng của ngọn đèn. Ví dụ như chúng ta đốt đèn dầu, nếu mắt mình nhậm, thì nhìn thấy có quầng xanh quầng đỏ, chúng ta lại cho là tại cái đèn, tắt đèn để không thấy quầng xanh quầng đỏ. Như vậy đúng không? Quầng xanh, quầng đỏ từ đèn hay từ mắt của mình? Không biết gốc từ mắt bệnh để trị, mà cứ chấp cái đèn có vòng xanh vòng đỏ thì có thông minh không? Cũng vậy, không biết cái chấp hai bên của mình sanh ra đủ thứ phiền não, không chịu lo diệt nó, lại nói ở đây ồn quá tu không được, chạy tránh chỗ khác dễ tu. Như vậy chỉ tránh cảnh mà không tránh cái mê cái loạn của tâm. Ý này rất là rõ, chúng ta có nhiều người mắc bệnh đó. Cho nên mới nói rằng chỉ tránh chỗ huyên náo, bỏ hoạt động rồi ngồi quán phân tích, lúc đó cũng được chút ít yên ổn hợp với lý không, nhưng làm như vậy thì đã chôn vùi chân tánh, trái ngược với chân giác. Chân tánh, chân giác giống như cái đèn, cái đèn không có hiện màu xanh màu đỏ, tại con mắt bệnh. Không lo trị bệnh mà cứ lo tắt đèn.

Không lo xét tột cùng cái huyễn thân ở trong thức, lại luống chạy trốn cái bóng rỗng ở dưới mặt trời. Như chúng ta đi dưới ánh mặt trời thấy có bóng. Chúng ta ghét cái bóng mình muốn chạy trốn nó, mà cứ chạy mãi ngoài trời chừng nào hết bóng? Có người nói không cần chạy đâu, chỉ vào trong chỗ mát thì hết bóng. Nhưng ở đây Ngài muốn nói sợ bóng không bằng sợ thân. Thân này từ huyễn thức tạo nên, bây giờ không biết dẹp trừ cái huyễn thức đó, mà cứ sợ cái bóng vô lý. Cái gốc không sợ mà sợ cái ngọn. Bởi có thân mới có bóng, chúng ta sợ bóng thì phải biết chuyển cái thân. Nếu thân không còn, thì bóng làm gì có.

Như thế chỉ lao nhọc tinh thần, tốn hao sức lực. Như vậy thì tốn công mà không có lợi. Chẳng khác nào đổ nước vào băng, ném củi vào lửa. Cho nên đây mới giải thích lại.

Có biết đâu bóng lòa ở ngay màu xanh, bóng rỗng theo ngay nơi thân, bóng lòa tức là bóng xanh vàng, nó từ cái lòa ở con mắt. Còn cái bóng ở bên cạnh thân mình, đó là cái bóng rỗng theo thân. Có biết đâu lòa hiện ra màu xanh, bóng rỗng theo nơi thân, nếu chữa khỏi bệnh lòa ở mắt thì bóng xanh kia tự mất, diệt thân huyễn này thì bóng nọ không còn.

Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình, bỏ ngoại cảnh mà xem ở tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt. 

Ta phải lấy lưỡi dao trí của tâm tự giác mà rạch lấy ra tâm châu trong những mối dây quấn chặt. Phải dùng mũi giáo tuệ chặt đứt lưới kiến chấp trong trần cảnh. Ấy chính là tông chỉ cùng tâm cái chân thuyên đạt thức đó vậy. 

Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình. Kết thúc Ngài nói rất rõ: Chúng ta tu nếu biết quay ánh sáng xoay lại nơi mình, là phải phản quang tự kỷ. 

Bỏ ngoại cảnh mà xem ở tự tâm. Nghĩa là lúc nào cũng đừng chạy theo trần cảnh, phải sống với tự tâm. 

Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt. Chúng ta sống ở cõi đời này mà muốn quay lại tự tâm rất là khó. Tại sao? Bởi vì con mắt lúc nào cũng ngó ra, bắt nó ngó vào nó không chịu. Lỗ tai cũng vểnh ra ngoài đón tiếng. Con mắt thì đón hình tướng, lỗ tai thì đón âm thanh, lỗ mũi thì đón mùi, lưỡi thì chờ vị, rồi thân đợi xúc chạm. Như vậy luôn luôn nó đòi hỏi theo năm trần ở ngoài, chớ không chịu quay trở lại. Bây giờ tu, thay vì phóng ra chúng ta phải quay lại, chiếu lại. Chư tăng chư ni tự nhiên quay lại không nổi, cho nên bắt ngồi thiền. Ngồi ngó xuống để nhìn lại mình, theo hơi thở để biết lại mình. Đó là cái thuật quay lại chớ còn phóng ra ngoài thì quên mình. Nếu đi đứng nằm ngồi đều biết quay lại mình thì khỏi ngồi thiền cũng được. Nếu đi đứng mà quên mình thì phải ngồi thiền, ngồi đủ, ngồi đúng giờ đúng giấc đàng hoàng. Người biết bỏ ngoại cảnh mà xem ở tự tâm mình thì Phật nhãn sáng suốt. Ngài Đạo Nguyên ở Nhật Bản khẳng định: “Một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật”. Bởi vì biết  quay  lại  để mở sáng mắt trí tuệ của mình. Một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật, còn ngồi thiền, gật lên gật xuống thì không làm Phật, không sáng suốt. Cho nên chúng ta phải biết rõ ngồi thiền là quay lại mình, biết phản chiếu lại mình, đó là giác, giác là Phật. Chạy theo ngoại trần thì mê, mà mê là chúng sanh. Ngồi hai giờ là giác luôn hai giờ. Phải làm sao giờ làm Phật nhiều hơn giờ làm chúng sanh mới được. 

Chúng ta quay lại thì đó là Phật nhãn, nếu Phật nhãân sáng suốt thì bóng nghiệp tự tan. Bây giờ khi chúng ta quay lại, ngồi thiền soi lại mình, nhìn hơi thở, nhìn niệm. Những niệm buồn thương giận ghét dấy lên đều nói vọng không theo thì nó tan, niệm tan là tan nghiệp. Niệm lặng xuống rồi đâu còn nghiệp, như vậy phá vọng tưởng cho tan là làm cho bóng nghiệp tự tan, thì Pháp thân tự hiện, đơn giản như vậy. Nếu mình hằng tri, hằng giác không có niệm nào, thì pháp thân hiện tiền, những vết trần tự diệt; vì niệm thì duyên theo bóng, nhớ người thì có bóng người, nhớ cảnh thì có bóng cảnh, bóng người bóng cảnh là vết trần ở ngoài. Đâu có khi nào khởi niệm mà không duyên bóng bên ngoài. Như vậy nếu mình làm chủ được niệm thì niệm tan, bóng trần ở ngoài hết thì Pháp thân hiện không có nghi ngờ.

Ta phải lấy lưỡi dao trí của tâm tự giác mà rạch lấy ra tâm châu trong những mối dây quấn chặt. Tức là hạt châu sáng có sẵn của tâm  bị  quấn chặt trong những mối dây thập triền thập sử.

Phải dùng mũi giáo tuệ chặt đứt lưới kiến chấp trong trần cảnh. Chấp trần cảnh tức là chấp sắc, thanh, hương, vị, xúc… Nếu được như vậy ấy chính là cái tông chỉ cùng tâm, cái chân thuyên đạt thức đó vậy. Nếu chạy trốn chỗ này chỗ kia để cho được yên, được thảnh thơi, hay là được nhẹ nhàng dễ tu, đó chưa phải là cùng tâm, chưa phải là đạt lý. Như vậy là Ngài đã chân tình chỉ dạy cho chúng ta cách tu thế nào là đúng, thế nào là không đúng.

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

礼佛大忏悔文 华藏宗门 เพรงดนต ฟ tÃÆ 激安仏壇店 ý nghĩa lễ hằng thuận chí ï¾ ï¼ 一念心性 是 僧人心態 tho cung cha me hay ong ba qua vang nhieu noi co Buffet Cỏ Nội mùa chay quốc hoa ماتش مصر والراس الاخضر يلا ÍÛ Chí cça cam nhan ve dieu giac ngo thu nhat trong kinh bat å æžœå žå¾ 盂蘭盆会応慶寺 4 tot Ã Æ pháp khí tu tập trong phật giáo Tổ 描写家乡的桥的句子 Thực phẩm ngừa tiểu đà nẵng Thơm ngon các món ăn từ cốm 村上市お墓 护法 bản năng và lý trí theo quan niệm 倓虚法师 長谷寺僧堂安居者募集 อาจารอเกว bàn về vấn đề ăn chay 05 đưa tâm về nhà phần 2 giÕ บทความบรรยายธรรม cần phải tu trong mua bán kinh doanh ï¾ 达赖和班禅有啥区别 chỉ trong một chớp mắt Dăm 摩訶俱絺羅 證嚴上人第一位人文真善美 明月几时有 รบอปก Ai không nên thức khuya xem bóng đá niem tin chon chanh 12 câu hỏi lớn trong đời