MỤC LỤC
I.Bài tựa
II.Tiểu sử thiền sư Hương Hải
III.Sư bị chúa nghe lời dèm pha truyền cho về quê cũ
IV.Sư ra vùng bên ngoài gần trấn lập thiền tịnh viện
V.Sư ra trụ trì dựng lập chùa Nguyệt Đường
VI.Khai thị ngộ nhập được duyên tốt truyền trao ấn chứng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Đoạn 4
Đoạn 5
Đoạn 6
Đoạn 7
VII.Sư tám mươi tám tuổi dặn dò Niết bàn
c
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ NGỮ LỤC
GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ
VI. KHAI THỊ NGỘ NHẬP ĐƯỢC DUYÊN TỐT TRUYỀN TRAO ẤN CHỨNG

ĐOẠN 7


Bài 22 

Vọng tình ký bất khởi, 

Chân tâm nhậm biến tri. 

Niệm tưởng do lai huyễn, 

Chân tánh vô chung thủy.

Nhược đắc thử trung ý, 

Trường ba đương tự chỉ. 

Dịch: 

Vọng tình đã chẳng sanh,

Chân tâm mặc biết khắp.

Niệm tưởng xưa nay huyễn,

Chân tánh không thủy chung.

Nếu đạt ý trong ấy,

Sóng dài sẽ tự dừng.

Vọng tình đã chẳng sanh, Chân tâm mặc biết khắp. Biến tri là biết khắp. Như vậy khi vọng tình chưa khởi, thì chân tâm biết trùm khắp, không phải biết một nơi một chỗ. 

Niệm tưởng xưa nay huyễnChân tánh không thủy chung. Niệm tưởng là tâm suy nghĩ của mình xưa nay là huyễn hóa, không thật. Chân tánh không có trước sau, không có chỗ cùng, không có chỗ khởi. Khởi là thủy, cùng là chung, niệm tưởng lăng xăng nơi mình là huyễn hóa, khi huyễn hóa lặng thì chân tánh hiện tiền. 

Nếu đạt ý trong ấy, Sóng dài sẽ tự dừng. Nếu đạt được ý này rồi thì sóng dài tức là lượn sóng sanh tử sẽ tự dừng lặng, không còn tiếp tục nữa. 

Bài 23 

Kiến đạo phương tu đạo, 

Bất kiến phục hà tu? 

Đạo tánh như hư không, 

Hư không hà sở hữu? 

Biến quán tu đạo giả, 

Bát hỏa mích phù âu. 

Đản khán lộng ổi lỗi, 

Tuyến đoạn nhất tề hưu.

Dịch: 

Thấy đạo mới tu đạo,

Không thấy lấy gì tu?

Tánh đạo như hư không,

Hư không tu chỗ nào?

Khắp xem người tu đạo,

Vạch lửa tìm bọt trôi.

Chỉ xem người gỗ máy,

Đứt dây một loạt dừng.

Bài này của Thiền sư Bổn Tịnh (?-761), đệ tử Lục Tổ.

Thấy đạo mới tu đạo, Không thấy lấy gì tu? Người thấy đạo mới gọi là tu, chưa thấy thì không biết tu như thế nào. Biết đạo sau đó tu thì mới biết đường đi, mới là người thật tu. 

Tánh đạo như hư không, Hư không tu chỗ nào? Đạo là chỉ cho tâm thể thanh tịnh, giống như hư không, rỗng lặng. Đã rỗng lặng thì tu gì? 

Khắp xem người tu đạo tức là thấy người tu hiện giờ. 

Vạch lửa tìm bọt trôi. Bọt trôi dưới nước, mà vạch lửa tìm bọt thì chừng nào được? Bởi vậy tu phải biết gốc ở đâu, nếu không giống như người tìm bọt nước lại vạch lửa thì rất khờ dại. 

Chỉ xem người gỗ máy, Đứt dây một loạt dừng. Ngày xưa chưa có rô-bô nên người ta làm người giả bằng gỗ, ở trong có sợi dây, muốn cho hoạt động múa may thì giật dây. Vậy sợi dây là gốc, nếu dây đứt thì hoạt động múa may đều dừng. Cũng vậy tu hành nắm được chỗ chính, chỗ gốc, thì mọi thứ bên ngoài và mọi thứ phụ thuộc mới dừng được. Như vậy thấy đạo rồi mới biết hướng tu chỗ nào cho đúng. Người sau này, nhất là giới Phật tử rất đáng thương, vì ham tu nên nghe nói ở đâu dạy tu thì tới học. Nhưng có chỗ dạy chân thật, có chỗ dạy phương tiện. Cứ bám vào phương tiện cho đó là chân thật, công phu rất nhọc mà không có kết quả. 

Bài 24 

Suy chân chân vô tướng, 

Cùng vọng vọng vô hình. 

Phản quán suy cùng tâm, 

Tri tâm diệc giả danh. 

Dịch: 

Xét chân, chân không tướng,

Tìm vọng, vọng không hình.

Quán lại tâm tìm xét,

Biết tâm cũng giả danh.

Xét chân, chân không tướng, Tìm vọng, vọng không hình. Cái gì có tướng trạng đều do duyên hợp, là tạm bợ hư giả, thể thật thì không tướng, cho nên chân không tướng. Vọng không hình vì cũng là hư dối. 

Quán lại tâm tìm xét,Biết tâm cũng giả danh. Xét lại tâm suy tìm, tư duy của mình, thì tâm đó cũng là giả danh. Như vậy tất cả  đều không thật. 

Bài 25 

Thiện ký tùng tâm sanh, 

Ác khởi ly tâm hữu? 

Thiện ác thị ngoại duyên, 

Ư tâm thật bất hữu. 

Xả ác tống hà xứ, 

Thủ thiện linh thùy thủ? 

Thương ta nhị kiến nhân, 

Phan duyên lưỡng đầu tẩu. 

Nhược ngộ bản vô tâm, 

Thủy hối tùng tiền cửu. 

Dịch: 

Thiện đã từ tâm sanh,

Ác đâu rời tâm có?

Thiện ác là duyên ngoài,

Nơi tâm thật chẳng có.

Bỏ ác đẩy chỗ nào?

Lấy thiện bảo ai giữ?

Than ôi! Người thấy hai,

Bám víu hai đầu chạy.

Nếu ngộ vốn không tâm,

Mới hối lỗi từ trước.

Bài này cũng của Thiền sư Bổn Tịnh để trả lời câu hỏi của Thiền sư Đạt Tánh. 

Thiện đã từ tâm sanh, Ác đâu rời tâm có? Tâm là giả danh thì thiện ác không có thật. 

Thiện ác là duyên ngoài, Nơi tâm thật chẳng có. Thiện ác là duyên ngoài. Thí dụ mình bình thản an nhiên như vầy, bất thần có người đến chọc tức vài câu, mình nổi sân trả lời thô lỗ. Những lời thô lỗ thốt ra đó thiện hay ác? Ác! Như vậy cái ác từ đâu mà có? Từ duyên bên ngoài. Nếu không có người chọc tức thì làm gì có nói bậy? Như vậy nói bậy chính gốc là từ duyên bên ngoài. 

Lại ví dụ như mình cũng đang bình thường thản nhiên như vậy, bất thần có một người nào đó đi tới than: Tôi khổ quá! Hỏi: Vì sao khổ? - Tôi đi đường có đem theo một số tiền, bây giờ bị người ta móc túi lấy hết, không mua được gạo, được cơm ăn! Chúng ta thấy xót xa, có năm mười ngàn móc ra cho, thì thiện hay ác? Thiện. Thiện từ đâu ra? Cũng từ ngoài mà tới. Vậy thì từ ngoài đến có thiện, có ác, nơi tâm thật chẳng có. Tâm bình thản thì có chuyện thiện, ác không? Tâm đâu khởi thiện ác, thiện ác do cảnh bên ngoài mà có. 

Bỏ ác đẩy chỗ nào? Lấy thiện bảo ai giữ? Nếu nói bỏ ác thì đưa ai đây? Đẩy ra đâu? Có cái thùng nào để bỏ những đồ ác của mình không? Đâu có. Như vậy cái ác ở bên ngoài tới. Nếu biết ngừa thì không có ác, chớ thật chẳng phải có cái ác sẵn. Bây giờ nói giữ cái thiện, vốn thật đâu có cái thiện thì làm sao mà giữ? Ai giữ cho mình? 

Than ôi! Người thấy hai, Bám víu hai đầu chạy. Nếu còn thấy thiện là thiện, ác là ác, đó là người thấy hai, là nắm đầu bên này, đầu bên kia mà chạy. 

Nếu ngộ vốn không tâm, Mới hối lỗi từ trước. Nếu ngộ rồi thì đối với tất cả thiện ác, tâm mình không dấy động. Chừng đó mới biết niệm thiện niệm ác lâu nay mình cố giữ, cố đuổi là sai lầm, mới hối lỗi từ trước. 

Ba bài sau đây của Phó Đại sĩ ở đời nhà Lương Trung Hoa. Người ta nói Ngài là Phật Di Lặc tái thế. 

Bài 26 

Hữu vật tiên thiên địa, 

Vô hình bổn tịch liêu. 

Năng vi vạn tượng chủ, 

Bất trục tứ thời điêu. 

Dịch: 

Có vật trước trời đất,

Không hình vốn lặng yên.

Hay làm chủ muôn vật,

Chẳng theo bốn mùa tàn.

Có vật trước trời đất. Trời đất chưa có, vật đó đã có sẵn rồi. 

Không hình vốn lặng yên. Vật đó không hình tướng, vốn yên tĩnh, lặng lẽ. 

Hay làm chủ muôn vật, Chẳng theo bốn mùa tàn. Vật đó làm chủ muôn vật, không bị thời tiết tàn phá đi. Vật đó là vật gì? Đó là chỉ cái tâm thể không sanh không diệt của mỗi người. Tâm thể đó có trước trời đất chớ không phải mới có đây, mãi mãi không hoại không tàn, mà chúng ta không biết sống, không biết giữ. Cái không hoại, không mất là cái thật của chúng ta, mà lại quên. Bây giờ ôm lấy cái giả, cái tạm bợ, thân bảy tám mươi tuổi bại hoại này, cho là thật mình rồi cố bám giữ, đó là rất dại khờ. Cho nên Ngài nói bốn câu trên để chỉ cho thấy tất cả chúng ta có một cái thật, mà lại quên đi. Cái thật đó trước không sanh là có trước trời đất, sau không diệt là bốn mùa đều không làm hư hoại.

Bài 27 

Không thủ bả sừ đầu, 

Bộ hành kỵ thủy ngưu. 

Nhân tùng kiều thượng quá, 

Kiều lưu thủy bất lưu. 

Dịch: 

Tay không cầm cán cuốc,

Đi bộ ngồi lưng trâu.

Người đi qua trên cầu,

Cầu trôi nước chẳng trôi

Tay không cầm cán cuốcĐi bộ ngồi lưng trâu. Tay không mà cầm cán cuốc được không? Tay không, là không cầm gì hết. Nói đi bộ, tức là tự mình đi dưới đất; ở đây nói ngồi lưng trâu đi bộ, đâu gọi là đi bộ được. 

Người đi qua trên cầu, Cầu trôi nước không trôi. Vậy là cầu chảy, nước không chảy, giống như nói vần ngược phải không? Như vậy bốn câu kệ này có ý nghĩa gì? Bốn câu kệ này nói lên cái phi lý mà lại là chân lý. Tại sao vậy? Bởi vì chân lý là cái chúng ta không thể suy nghĩ, nắm bắt được. Các Thiền sư trả lời các câu hỏi khiến hành giả không suy nghĩ gì được hết. Đó là hoạt ngữ. Ví dụ như: Thế nào là Phật? - Ba cân gai. Chúng ta nghĩ ra sao? Không có một lý gì để mình suy gẫm được hết, gọi là phi lý. Ngay cái phi lý, dừng bặt suy nghĩ, là chân lý. Đặc biệt như vậy nên gọi là câu sống. Vì càng suy nghĩ thì càng phi lý hơn. Mình tưởng suy nghĩ là có lý, tìm ra lẽ phải, tìm ra lý đúng, nhưng càng tìm lại càng sai chân lý. Vì vậy chân lý là ở chỗ dừng suy nghĩ. Nói câu nào mà không còn nghĩ được, đó là chân lý, là hoạt ngữ (câu sống). “Tay không cầm cán cuốc”, có phi lý không? Rồi đi bộ, mà ngồi lưng trâu? Toàn là phi lý, một bề phi lý như vậy để chúng ta hết suy gẫm, nên là chân lý. Hiểu vậy thì biết cái ý này, nếu không chẳng biết nói cái gì, không thể nào nghĩ ra hết. 

Bài 28 

Dạ dạ bão Phật miên, 

Triêu triêu hoàn cộng khởi. 

Khởi tọa trấn tương tùy. 

Ngữ mặc đồng cư chỉ. 

Tiêm hào bất tương ly, 

Như hình ảnh tương tự. 

Dục thức Phật khứ xứ, 

Chỉ giá ngữ thanh thị. 

Dịch: 

Đêm đêm ôm Phật ngủ,

Ngày ngày cùng Phật dậy.

Ngồi đứng mãi theo nhau,

Nói nín đồng chung ở.

Mảy may không tách rời,

Như hình cùng với bóng.

Muốn biết chỗ Phật đi,

Chỉ cái nói năng ấy!

Ngài chỉ cho thấy mình sẵn có ông Phật rất là chân tình, gần gũi. 

Đêm đêm ôm Phật ngủ, Ngày ngày cùng Phật dậy. Mình với Phật ở chung một nhà. Mình ngủ Phật cũng ngủ, mình dậy Phật cũng dậy, Phật không có rời mình. 

Ngồi đứng mãi theo nhauNói nín đồng chung ở. Mọi cử chỉ của mình đều có ông Phật ở trong đó hết. 

Mảy may không tách rời, Như hình cùng với bóng. Tóm lại mọi cử chỉ, hành động của mình đều không rời Phật, Ngài ở đâu? Phật của ai? Có ai than “Số phận tôi tu không được!” không? Nếu không có Phật thì tu không được, còn ai cũng có Phật hết, đi đâu cũng có Phật theo bên mà tu không được nghĩa là sao? Chỉ vì mình bội bạc. Tất cả chúng ta ai cũng có Phật, Phật theo sát bên mình mà không đoái hoài tới. Bây giờ muốn đoái hoài tới ông Phật của mình thì phải làm sao? Không cần tìm đâu xa, ở ngay nơi mình. Chỉ cần chúng ta khéo nhìn, khéo nhận thì thấy ông Phật. 

Muốn biết chỗ Phật đi, Chỉ cái nói năng ấy! Khi ông mở miệng thì có Phật ở đó rồi; khi ông đưa cánh tay lên, thì có Phật ở đó rồi; nhướng cặp chân mày lên, thì có Phật đó rồi. Như vậy thì Ngài thấy Phật là chính Phật của mình, ai cũng có sẵn mà quên. Nên Ngài nhắc mình muốn biết Phật thì cứ nhìn cử chỉ, hành động, nói năng ắt thấy Phật hiển lộ, chớ không có đâu xa hết. Như vậy thì ai mà không tu được? Ai mà không có Phật? Vậy mà có nhiều người lại thưa: “Thầy xem thử coi con có căn tu không?” Có Phật không đoái hoài tới, lại hỏi người khác. Quý vị có chịu nhìn, chịu nhớ ông Phật của mình không? Hay nhiều khi chỉ nhớ thiên hạ chẳng nhớ tới ông Phật của mình! Vậy cho nên người nào nếu khéo thì khi đi, đứng, nằm, ngồi đều thấy ông Phật hiển bày. Thấy được vậy chắc cười hoài, không có phiền não. Còn nếu người nào đi, đứng, nằm, ngồi nhớ chuyện thế gian, thì Phật ẩn mất. Như vậy tu là nhớ lại. Chữ nhớ là tỉnh, chữ quên là mê. Quên mình có ông Phật là mê, nhớ mình có ông Phật là tỉnh. 

Bài 29 

Nhãn quang tùy sắc tận, 

Nhĩ thức trục thanh tiêu. 

Hoàn nguyên vô biệt chỉ, 

Tạc nhật dữ kim triêu. 

Dịch: 

Nhãn quang theo sắc hết,

Nhĩ thức tùy tiếng tiêu.

Về nguồn không ý khác,

Hôm qua với sáng nay.

Nhãn quang theo sắc hết,Nhĩ thức tùy tiếng tiêu. Bởi vì tất cả cái thấy của chúng ta đều đuổi theo hình sắc, cái nghe của chúng ta đều đuổi theo âm thanh; bây giờ ngay nơi sắc, ngay nơi âm thanh chúng ta không dính, không đuổi theo. 

Về nguồn không ý khác. Nếu là người trở về nguồn, về gốc của mình thì không ý khác. 

Hôm qua với sáng nay. Những chuyện hiện tiền ngay bây giờ và ngày mai, nó hiện như vậy chớ không có gì lạ. Đối với sắc đối với thanh không dính không kẹt, đó là người biết trở về nguồn. 

Bài 30 

Phiến nguyệt xâm hàn đàm, 

Vi vân ánh bích không. 

Nhược ư đạt đạo nhân, 

Hảo cá chân tiêu tức. 

Dịch: 

Mảnh trăng ngâm đầm lạnh,

Mây mỏng ánh trời xanh.

Nếu với người đạt đạo,

Đấy là  tin tức thật.

Mảnh trăng ngâm đầm lạnh, Mây mỏng ánh trời xanh. Một mảnh trăng hiện bóng ở dưới đầm nước lạnh, một đám mây mỏng che lấp bầu trời xanh. Hai hình ảnh đó để chỉ rằng, khi chúng ta nhìn trăng ít khi nhìn trăng trên trời, chỉ thấy trăng dưới nước; ngó bầu trời xanh không nhớ bầu trời xanh, chỉ thấy làn mây mỏng. Vị nào chịu khó ngồi ở ngoài trời trong, nhìn lên một hồi mà không thấy đám mây nào hết. Lúc đó quý vị thích hay không thích? Có mây bay, thấy vui vui phải không? Không có mây, trời trong thì buồn. Nhìn lên trời thấy mặt trăng trên hư không không thích bằng ngó mặt trăng dưới đáy nước, có gợn sóng lăn tăn thấy vui. Như vậy là người ta vui với cái bóng, thích nhìn những thứ tạm bợ như đám mây, còn cái chân thật không chú tâm đến. 

Nếu với người đạt đạo, Đấy là tin tức thật. Cho nên người đạt đạo không kẹt trăng dưới đầm và đám mây mỏng, mà ngay đó nhận ra tin tức thật là bầu trời và mặt trăng. 

Bài 31 

Kiến vật tiện kiến tâm, 

Vô vật tâm bất hiện. 

Thập phần thông tắc trung, 

Chân tâm vô bất biến. 

Nhược sanh tri thức giải, 

Khước thành điên đảo kiến. 

Đổ cảnh năng vô tâm, 

Thủy kiến Bồ-đề diện. 

Dịch: 

Thấy vật liền thấy tâm,

Không vật tâm chẳng hiện.

Mười phần trong bít thông,

Chân tâm thảy biến khắp.

Nếu sanh tình thức hiểu,

Lại thành thấy điên đảo.

Đối cảnh hay không tâm,

Mới giáp mặt Bồ-đề.

Thấy vật liền thấy tâm. Ví dụ quý vị nhìn cái này, quý vị thấy tâm không? Thấy lá môn là thấy tâm chưa? Thật ra nói thấy vật liền thấy tâm mà ngỡ tâm mình ở ngoài thì không phải. Nhưng nếu tâm không có thì làm sao thấy vật. Cho nên thấy vật là biết mình đang có tâm, gọi là thấy tâm. Hiểu vậy thì nhìn ngược lại chớ không phải nhìn ra. 

Không vật tâm chẳng hiện. Nếu không có vật thì tâm mình đâu khởi cái biết thấy, biết nghe. Biết thấy, biết nghe tức nhờ vật bên ngoài. 

Mười phần trong bít thông, Chân tâm thảy biến khắp. Nơi này bít, nơi kia thông… khắp cả mười phần chân tâm đều trùm hết. 

Nếu sanh tình thức hiểu, Lại thành thấy điên đảo. Nếu khởi tình thức phân biệt hiểu biết là trở thành điên đảo rồi. Thấy thì cứ thấy, nghe thì cứ nghe, chân tâm bủa khắp cõi. Nếu thấy mà phân biệt đẹp xấu, hay dở thì đó là điên đảo. 

Đối cảnh hay không tâm, Mới giáp mặt Bồ-đề. Đối cảnh mà tâm không dấy niệm phân biệt, đó là giáp mặt với Bồ-đề. Bồ-đề ngay đó. 

Bài 32 

Phật vị vô tâm ngộ, 

Tâm nhân hữu Phật mê. 

Phật tâm thanh tịnh xứ, 

Vân ngoại dã viên đề. 

Phong động tâm diêu thọ, 

Vân sanh tánh khởi trần. 

Nhược minh kim nhật sự, 

Muội khước bổn lai nhân. 

Dịch: 

Phật do không tâm ngộ,

Tâm nhân có Phật mê.

Chỗ Phật tâm thanh tịnh,

Vượn hoang hú ngàn mây.

Gió động tâm lay cây,

Mây sanh tánh dấy bụi. (trần)

Nếu sáng việc hiện tại,

Quên mất người xưa nay.

Phật do không tâm ngộ. Không tâm thì nhớ Phật, là thấy được Phật. 

Tâm nhân có Phật mê. Nếu có tâm thì mê Phật, tức là quên Phật. Ngộ là nhớ, mê là quên, chớ không phải Phật mê Phật ngộ. Như vậy khởi niệm là mất Phật, không khởi niệm thì Phật hiện tiền. 

Chỗ Phật tâm thanh tịnh, Vượn hoang hú ngàn mây. Chỗ Phật và tâm được thanh tịnh giống như con vượn hú ngoài ngàn mây. Đây muốn nói rằng khi tâm mình đã là tâm Phật thanh tịnh rồi, thì những hiện tượng có không ở thế gian đều không dính dáng gì hết, đều là cái hư ảo không thật. 

Gió động tâm lay cây, Mây sanh tánh dấy bụi. Khi gió động, thì cây tâm mình bị lung lay, khi mây sanh thì tánh dấy bụi. Gió động là gió gì? Thường ở trong nhà Thiền gọi bát phong là tám gió. Bình thường tâm an, nhưng gặp gió khổ lạc v.v… là cảnh vui cảnh khổ thì cây tâm bị lung lay. Mây sanh tức là dấy niệm lên thì tánh mình bị phủ, bị dơ, nên gọi là tánh dấy bụi. 

Nếu sáng việc hiện tại, Quên mất người xưa nay. Dính mắc với những hình ảnh, những sự việc hiện tại thì quên mất người lâu nay sẵn có của mình rồi. Khi chúng ta có động tâm, có dấy niệm theo hiện tại thì đã mất người chân thật muôn đời. 

Bài 33 

Ngại xứ phi tường bích, 

Thông xứ một hư không. 

Nhược nhân như thị giải, 

Tâm sắc bổn lai đồng. 

Dịch: 

Chỗ ngại chẳng tường vách,

Chỗ thông đâu hư không.

Nếu người rõ như thế,

Tâm sắc xưa nay đồng.

Bài này của Trường Sa Cảnh Sầm (Nối pháp Nam Tuyền Phổ Nguyện). 

Chỗ ngại chẳng tường vách, Chỗ thông đâu hư không. Chỗ ngại tức là chỗ chướng ngại mà không phải do tường vách. Chỗ trống cũng chẳng phải là hư không. Thường người ta nói tường vách là chỗ chướng ngại, còn hư không trống rỗng thì nói là thông. Nhưng mà thật ra không phải như vậy. Tại sao? Mình ngồi trong nhà giữa bốn vách tường kín bít mà tâm có thể nghĩ tới bên Tây bên Tàu. Vậy thì tường vách có ngăn ngại được tâm không? Cái thông suốt không chướng ngại đó không phải là hư không, mà chính là cái tâm thể thanh tịnh rỗng suốt mênh mông còn hơn là hư không nữa. Ở đây nói lên cái tâm thể của mình không bị tường vách ngăn ngại, không bị hư không làm giới hạn. Hiểu được vậy thì sao? 

Nếu người rõ như thế, Tâm sắc xưa nay đồng. Người nhận được điều đó thì tâm, sắc đều không hai. 

Bài 34 

Mỹ ngọc tàng ngoan thạch, 

Liên hoa xuất ứ nê. 

Tu tri phiền não xứ,[1]

Ngộ tức thị Bồ-đề. 

Dịch: 

Ngọc đẹp ẩn đá cứng,

Hoa sen mọc bùn lầy.

Nên biết ngay phiền não,

Ngộ tức đó Bồ-đề.

Bài này của Thiền Sư Minh Lương. 

Ngọc đẹp ẩn đá cứngHoa sen mọc bùn lầy. Ngọc quý tốt thường nằm trong đá rắn chắc, còn hoa sen mọc ở dưới bùn lầy. Quý vị thấy hai câu này là hai câu chỉ dẫn cho chúng ta tu. Muốn tìm ngọc quý phải nhọc nhằn đục đẽo trong đá cứng, muốn được hoa sen thơm phải chịu khó lội dưới bùn lầy. Như vậy là để nói lên ý gì? Người tu muốn đạt tới được chỗ cao siêu, chỗ cứu cánh thì phải chấp nhận mọi khó khăn, mọi cực nhọc, chớ không thể nào muốn đạt được cái cao đẹp mà lại thong thả nhàn rỗi. Vậy mà có nhiều vị tu hay than: “Tu gì mà nhọc quá! Thảnh thơi đi du lịch chỗ này chỗ kia, về ngủ cho khá khá một chút…”. Phải đục những tảng đá cứng mới có những viên ngọc quý, câu đó quý vị nhớ cho kỹ một chút. Ngọc quý nằm trong đá cứng chớ không nằm trong chỗ đất bùn đất bụi đâu. Phải chịu khó xăn quần lội xuống bùn mới cắt được sen thơm. 

Như vậy tu hành phải chấp nhận những cái khó, cái nhọc nhằn mới có thể có kết quả tốt đẹp được. 

Nên biết ngay phiền não, Ngộ tức đó Bồ-đề. Nên biết ngay phiền não này mà ngộ tức là Bồ-đề, khỏi cần tìm kiếm đâu hết, chẳng phải ở trên mây trên trời. 

Bài 35 

Nhật dụng vô phi đạo, 

Tâm an tức thị thiền. 

U thê vân hác để, 

Mộng mị tuyết bồng biên. 

Dịch: 

Đạo tức hằng ngày dụng,

Tâm an đó là thiền.

Dừng nghỉ đáy hang mây,

Nằm mơ bên lều tuyết.

Đạo tức hằng ngày dụng, Tâm an đó là thiền. Đạo ở đâu? Ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình. Vậy thì trị nhật, nấu cơm có đạo không? Hay là chỉ có rau, có củi, có lửa, có nồi niêu? Ngay lúc mình nấu cơm, đạo ở chỗ đó chớ không phải ở đâu xa. Vậy ở trong bếp, ra rẫy mà tâm mình an thì đâu cũng là thiền. Nhưng bệnh của chúng sanh là vào bếp thì nói chuyện trong bếp, ra đồng thì nói chuyện ngoài đồng, chớ không chịu an. Bởi vậy nên mất thiền. Thiền không ở xa, ở tất cả chỗ, nếu tại một vị trí nào, làm một công tác gì mà tâm luôn luôn an nhiên, thì chúng ta đang thiền rồi. 

Dừng nghỉ đáy hang mây, Nằm mơ bên lều tuyết. Chúng ta có cái bệnh lúc nào cũng mơ ước chuyện đâu đâu, chẳng khác nào người dừng nghỉ ở dưới đáy hang mây và nằm mơ bên lều tuyết, nghĩa là chỉ tưởng tượng thôi, không nhìn không thấy được lẽ thật. Chúng ta mơ ước tu để ngày mai được về đâu đó hưởng an lạc vui tươi, đi chơi chỗ này du lịch chỗ kia, thích tưởng tượng những chuyện không thật như lều tuyết hang mây, còn cái chân thật cái cứu kính hằng ngày mình không quan trọng. Đó là quở trách người tu. 

Bài 36 

Cảnh lập tâm hiện hữu, 

Tâm vô cảnh bất sanh. 

Cảnh hư tâm tịch tịch, 

Tâm chiếu cảnh linh linh.

Dịch: 

Cảnh lập tâm liền có,

Tâm không cảnh chẳng sanh.

Cảnh hư tâm lặng lẽ,

Tâm chiếu cảnh vắng im.

Cảnh lập tâm liền có, Tâm không cảnh chẳng sanh. Tức là mình nhìn cảnh, thấy đẹp xấu thì tâm đã dấy niệm rồi. Nếu cảnh đó đẹp xấu mà tâm không dấy niệm, không khởi tâm thì cảnh có cũng như không, cho nên nói cảnh chẳng sanh. 

Cảnh hư tâm lặng lẽ, Tâm chiếu cảnh vắng im. Cảnh hư là cảnh rỗng, tâm lặng. Tâm mình nó bủa khắp, nó sáng soi mà cảnh vẫn im lặng không dấy động. 

Bài 37 

Y pháp bất y nhân, 

Y nghĩa bất y ngữ. 

Y trí bất y thức, 

Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa kinh. 

Dịch: 

Y pháp chẳng y nhân,

Y nghĩa chẳng y ngữ.

Y trí chẳng y thức,

Y kinh liễu nghĩa chẳng y kinh bất liễu nghĩa.

Y pháp chẳng y nhân. Nghĩa là chúng ta học đạo lý là y theo pháp Phật dạy chớ không nên y cứ nơi người. Tại sao nói câu này? Vì lời Phật dạy là chân lý. Người thầy hoặc người thiện tri thức nhắc lại câu đó là câu của Phật, chúng ta nhớ lời Phật để ứng dụng, đừng nhìn ông thầy. Ví dụ như Phật dạy “Người tu không nhiễm trước tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Chúng ta  nghe cứ y đó mà tu, chớ đừng nhìn ông thầy, lỡ ông thầy dạy câu đó mà ổng hút thuốc, rồi mình nói thôi không được đâu, ông thầy còn dính hương, rồi mình chán hết muốn tu. Đó là sai lầm. Người lặp lại cho mình nghe, người đó chưa phải là Phật, chưa phải là Phật thì họ cũng phải còn những tập khí tốt xấu chút ít. 

Y nghĩa chẳng y ngữ. Tức là lời nói của người xưa, của Phật Tổ, chúng ta phải thấu suốt được nghĩa  chớ đừng chấp ngôn từ. 

Y trí chẳng y thức. Chữ “trí” ở đây là trí theo kinh Lăng Già. Bởi vì trí là cái bất sanh bất diệt, thức là cái phân biệt sanh diệt. Cho nên bảo đừng theo thức phân biệt, phải sống với trí bất sanh bất diệt đó. 

Y kinh liễu nghĩa chẳng y kinh bất liễu nghĩa. Tức là phải y theo các kinh liễu nghĩa – liễu nghĩa tức là những kinh Phật nói cùng tột lẽ thật chân lý; còn không theo các kinh Phật nói phương tiện để dẫn dắt người tu tạm trong thời gian nào đó, đó gọi là kinh bất liễu nghĩa. Như vậy là chúng ta phải theo những quyển kinh Phật nói đến chỗ cứu kính chân thật, mà không nên theo những kinh Phật nói phương tiện để dìu dắt những người sơ cơ. Đó là ý nghĩa của bài này. Đây không phải là bài kệ mà là một đoạn trong kinh Niết Bàn. 

Bài 38 

Nhất đóa hàm đán liên, 

Lưỡng chu thanh sấu bách. 

Trường hướng tăng gia đình, 

Hà lao vấn cao cách. 

Dịch: 

Một đóa hoa sen búp,

Hai gốc bách xanh gầy.

Luôn hướng trước nhà tăng,

Nhọc chi hỏi cao cách.

Một đóa hoa sen búp, Hai gốc bách xanh gầy. Nhìn ngoài vườn có một đóa sen búp và hai cây bách xanh cứng cỏi gầy ốm. 

Luôn hướng trước nhà tăng, Nhọc chi hỏi cao cách. Luôn luôn hướng về nhà tăng, bao nhiêu đó đủ rồi, còn hỏi gì cốt cách thanh cao. Nhìn tất cả những hiện tượng ở trước mắt, thấu suốt được rồi thì đủ, đừng tìm kiếm gì xa xôi. 

*   * 

Một hôm quan Trấn thủ đến chùa Nguyệt Đường vịnh bài thơ:

Lục trầm thùy thức ngụ thao tàng, 

Kim Nguyệt Đường phi tích Nguyệt Đường. 

Tùng lão cao đê trương thúy cái, 

Hà tiên thứ đệ tiến kỳ hương. 

Thiền trai túc ấn trì băng ngọc, 

Khách xá tân tiêu dẫn phụng hoàng. 

Yêu phước bất tu sùng huyễn huyễn, 

Giác lai nhất niệm thị y vương. 

Dịch: 

Đất sâu ai biết chứa kho tàng,

Nguyệt Đường nay khác Nguyệt Đường xưa.

Tùng lão thấp cao giương lọng biếc,

Sen tiên thứ lớp hương lạ dâng.

Luật thiền ấn nghiêm gìn băng ngọc,

Nhà khách sáo hay dẫn phụng hoàng.

Cầu phước cần gì sùng mọi huyễn,

Giác thì một niệm đó Y vương.

Ông quan Trấn thủ này cũng hiểu đạo Phật kha khá. Cho nên khi đến thăm làm bài kệ tặng. 

Đất sâu ai biết chứa kho tàng, Nguyệt Đường nay khác Nguyệt Đường xưa. Chữ “lục trầm” lục là đất bằng, trầm là sâu kín, mà đâu ngờ có chứa kho tàng. Ông quan ca tụng chỗ này không ai ngờ ngày nay dựng lên được chùa Nguyệt Đường đẹp đẽ quý báu, khác hơn chùa Nguyệt Đường ngày trước. 

Tùng lão thấp cao giương lọng biếc, Sen tiên thứ lớp hương lạ dâng. Bên ngoài có mấy cây tùng giương lọng che, rồi có hoa sen thơm dâng hương. 

Luật thiền ấn nghiêm gìn băng ngọc, Nhà khách sáo hay dẫn phụng hoàng. Luật thiền nghiêm chỉnh giữ gìn nét đẹp như băng ngọc, còn nhà khách thì như có tiếng sáo véo von rủ chim phụng hoàng đến. Chùa thì qui củ nghiêm nhặt khiến tăng chúng thanh tịnh, nhà khách thì có sức hấp dẫn những khách cao quý viếng thăm như tiếng sáo Tiêu Sử mỗi khi thổi lên có phượng hoàng bay đến. 

Cầu phước cần gì sùng mọi huyễn, Giác thì một niệm đó Y vương. Người cầu phước tu hành đừng ham thích những cái hư dối. Ngay nơi một niệm mà mình giác ngộ thì đó là Phật, bậc Y vương. 

Một hôm, Sư hỏi môn nhân:

-Thế nào là mặt thật xưa nay?

Đại chúng đáp:

-Đầy mắt núi xanh không tấc cỏ,

Tột nhìn nước biếc bặt sóng mòi.

(Mãn mục thanh sơn vô thốn thảo, 

Cực mục lục thủy tuyệt ba lang) 

Ngài lại hỏi đồ đệ trong nhà: Thế nào là mặt thật xưa nay? Các đồ đệ đáp rằng: Đầy mắt núi xanh không tấc cỏTột nhìn nước biếc bặt sóng mòi. Tại sao? Nghĩa là mặt thật xưa nay giống như ngọn núi xanh rờn không có cỏ mọc lăng xăng, hay dòng nước biếc không có sóng. Đó là mặt thật xưa nay.

Sư lại hỏi:

-Thế nào là Pháp thân chính mình?

Đại chúng đáp:

- Năm uẩn không pháp, thể trùm sa giới.

Tức là ngay nơi năm uẩn không phải Pháp thân mà Pháp thân là thể bao trùm cả sa giới tức là trần sa giới. 

*   * 

[1] Bài của ngài Minh Lương là “Tu tri sanh tử xứ”
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

礼佛大忏悔文 华藏宗门 เพรงดนต ฟ tÃÆ 激安仏壇店 ý nghĩa lễ hằng thuận chí ï¾ ï¼ 一念心性 是 僧人心態 tho cung cha me hay ong ba qua vang nhieu noi co Buffet Cỏ Nội mùa chay quốc hoa ماتش مصر والراس الاخضر يلا ÍÛ Chí cça cam nhan ve dieu giac ngo thu nhat trong kinh bat å æžœå žå¾ 盂蘭盆会応慶寺 4 tot Ã Æ pháp khí tu tập trong phật giáo Tổ 描写家乡的桥的句子 Thực phẩm ngừa tiểu đà nẵng Thơm ngon các món ăn từ cốm 村上市お墓 护法 bản năng và lý trí theo quan niệm 倓虚法师 長谷寺僧堂安居者募集 อาจารอเกว bàn về vấn đề ăn chay 05 đưa tâm về nhà phần 2 giÕ บทความบรรยายธรรม cần phải tu trong mua bán kinh doanh ï¾ 达赖和班禅有啥区别 chỉ trong một chớp mắt Dăm 摩訶俱絺羅 證嚴上人第一位人文真善美 明月几时有 รบอปก Ai không nên thức khuya xem bóng đá niem tin chon chanh 12 câu hỏi lớn trong đời