THAM
THIỀN PHỔ THUYẾT
Lai
Quả Thiền Sư
Việt
Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực
Từ
Ân Thiền Ðường Hoa Kỳ Xuất Bản 1992
8.
TẬP KHÍ KHÓ TRỪ
Chỉ có một
mình Phật là trừ sạch được tập khí, ngoài ra Bồ Tát
Thanh Văn đều chưa trừ sạch, huống là phàm phu chúng ta ư!
Chủ thể của tập khí là ba thứ thân, tâm và thế giới.
Tham nhiễm, xả bỏ là tập khí, mặc áo ăn cơm, đi ỉa đi
đái là tập khí, nói nín động tịnh, ra vào tới lui là tập
khí, khởi tâm động niệm, chấp mê chấp ngộ là tập khí,
liễu sanh thoát tử, thành Phật làm Tổ là tập khí, tham thiền
học đạo, minh tâm kiến tánh đều là tập khí. Tập khí
sâu như thế rất khó trừ, nếu chẳng phải bậc đạt đạo
e khó trừ được nó.
Hoặc có
người hỏi : "Chúng tôi hàng ngày làm theo quy củ, thực hiện
công phu tham thiền, chắc chẳng phải tập khí?". Đáp : "Đây
chẳng những không phải tập khí, lại là pháp trừ tập khí.
Nhưng có người ở trong pháp trừ tập khí sanh thêm tập khí.
Như buổi sáng trả nợ một trăm, buổi chiều vay nợ một
ngàn, trừ nó thì ít mà thêm nó lại nhiều". Than ôi! Đau
đớn thay!
Tập khí
lớn lao, lấy gì để trừ khử? Xét kỹ ắt phải nhờ đến
thanh quy của thiền đường, phép tắc vi tế hằng ngày, sự
giúp đỡ của đánh hét, sự dẫn dắt của thiện tri thức,
năm ba mươi năm chẳng xong, nếu kiếp này chưa sạch thì kiếp
sau tiếp tục. Dẫu cho tập khí lớn bao nhiêu, chỉ cần lập
chí bền chắc thì rốt cuộc ắt phải trừ xong. Nếu như
người không có lỗ mũi (đã ngộ) thì đối với cái lớn
của trời đất, cái cao của hư không, cái tôn quý của Phật
Tổ, cái rộng nhiều của chúng sanh, người này đều chẳng
màng đến, ngoài ra tất cả các thứ khác cũng không nhiễm
một chút. Nếu ông học được như người này thì bảo ông
thành Phật cũng chẳng khó. Người này tuy hay, song cần phải
lìa mê ngộ mới được. Nếu quả ông thấy được thì mới
biết hư không có người này, đại địa có người này, hữu
tình vô tình đều có người này, động chân gặp ngay người
này, hả miệng cắn nhằm người này. Cái hay của người
này không thể lấy gì để thí dụ.
9.
NHẪN KHỒ
Người tham
thiền dụng công tham cứu ngày đêm quên mệt, quên ăn cơm,
uống trà, chẳng biết có đói khát, khó chịu, có bệnh cũng
không màng đến. Dẫu cho chết ngay cũng không bỏ công phu,
nếu chết cũng mang công phu theo mà chết. Có người phỉ báng
ta là người xấu, người phá giới, người đại ác, lại
càng khiến ta công phu thêm miên mật. Hoặc có người khen
ngợi ta, thương mến ta, cung kính, cúng dường ta, ta cũng phòng
ngừa không để cho công phu bị đánh mất. Thường thường
gặp cảnh nghịch công phu có thể không bị đánh mất, lúc
gặp cảnh thuận dễ bị đánh mất.
Không bị
đánh mất thì không phải vào hầm lửa phiền não, như
thế gọi
là nhẫn được cái khổ ngoài thân
10.
LỤC CĂN KHÓ NHIẾP
Lục căn
là chỉ cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Phạm vi của lục
căn bất quá ở trên thân này sao lại nói khó nhiếp? Ông
muốn nhiếp, ta thì muốn buông. Vì cớ sao? Vì nhiếp để
giữ kín nó lại đó là hại lớn. Chẳng bằng thấy có tướng
thì buông xả cái thấy, nghe có tiếng thì buông xả cái nghe,
bốn căn kia cũng như thế. Người hành đạo trước tiên quên
thấy quên nghe, kế đến tịnh thân tâm, chẳng những lục
căn lục trần được buông xả mà lục thức theo đó cũng
dừng. Thường thấy người trụ Tòng Lâm đầu thân tay chân
cứng như cây khô, đi như người gỗ, ngồi như ông địa,
đây tuy chẳng hay, song so với người phóng đãng thì tốt
gấp muôn lần. Như thế, chẳng qua chỉ là mắt nhắm không
liếc ngó, nhưng bên trong còn động, hễ con ngươi chợt nhìn
liền bị tướng nhiếp; tai dù không nghe, hễ cái đầu bỗng
động liền bị tiếng thâu. Cách hành như thế thì đâu có
nhiếp được các căn.
Cách nhiếp
chân chánh ví dụ như một cái phòng xung quanh có sáu
cửa sổ,
trong đốt một ngọn đèn thì ánh sáng từ sáu cửa chiếu
ra
ngoài. Muốn
trừ bỏ một cửa thì dùng vải bố che lại ắt một cửa
tự tối.
Dùng vải che dụ cho giữ con mắt không cho nhìn bên
ngoài. Muốn
trừ bỏ cửa thứ hai, cũng dùng vải che, vải che tức là
giữ cái
tai không cho nghe bên ngoài. Bốn cửa kia cũng vậy
11.
THỈNH CẦU KHAI THỊ
Nói về thỉnh
cầu khai thị thì lúc Phật còn tại thế cũng có. Việc này
trọng đại, thế gian chẳng thể so sánh được. Như một
hôm, ngoại đạo mang hoa đến cúng Phật, thỉnh Phật khai
thị. Phật bảo :
"Buông hoa
xuống". Ngoại đạo buông hoa xuống. Phật bảo : "Buông tay
xuống". Ngoại đạo buông tay xuống. Phật bảo : "Buông thân
xuống". Ngoại đạo do dự, Phật quở : "Buông chẳng được
thì gánh lên đi!" . Ngoại đạo ngay đó đại ngộ. Lợi ích
của sự thỉnh cầu khai thị đâu thể kể xiết.
Phật lúc
ở nhân địa làm một vị tiên nhân, ở trong núi sâu ngày
đêm hành đạo rất là chân thiết. Thiên nhân muốn thử,
hóa làm một con quỷ La sát đến bên cửa động nói : "Các
hạnh vô thường là pháp sanh diệt". Tiên nhân nghe qua liền
bước xuống thiền sàn, ra ngoài xem, thấy một con quỷ hình
thù xấu xí, tóc đỏ rối nùi, mặt xanh như chàm, răng đen
chỉa ra như đinh sắt, thân hình to lớn, cái bụng lép xẹp,
trông qua đáng sợ.
Tiên
nhân hỏi : Hai câu kệ vừa rồi do ông nói phải chăng?
Quỷ La sát
đáp : Chính là tôi nói.
Tiên nhân
thưa rằng : Xin nói câu kế tiếp cho tôi nghe, tôi rất cảm
tạ.
Quỷ La sát
liền nói : Tôi đang đói bụng, không có sức để nói tiếp.
Ông có thể xả thân cho tôi ăn, tôi sẽ nói tiếp.
Tiên nhân
tự nghĩ : "Nếu bỏ thân này cho quỷ ăn thì còn ai được
nghe pháp?"
Liền bảo
quỷ La sát : Viết pháp lên tảng đá, tôi xem rồi liền xả
thân.
Quỷ viết
tám chữ như vầy : " Sanh diệt đã diệt, tịch diệt làm vui".
Tiên nhân
liền từ trên vực nhảy xuống, quỷ La sát đỡ lấy thân
tiên nhân rồi hiện nguyên hình là Trời Đế Thích khen rằng
:
"Lành thay!
Ngài sẽ thành đạo Vô Thượng Bồ Đề. Ngưỡng mong tiên
nhân chớ quên độ tôi".
Hãy suy nghĩ
xem! Người xưa xả thân cầu pháp vì tám chữ mà bỏ mạng
cho quỷ ăn, coi nhẹ thân, kính trọng pháp như thế, e rằng
người thời nay khó làm nổi.
Người hành
đạo trụ thiền đường dụng tâm chân thiết, muốn công
phu thâm nhập nhất định cần phải rộng hỏi bậc Thiện
Tri Thức, nên chân thành cung kính năm vóc gieo sát đất, trình
bày cái kiến giải trước kia và hiện tại của mình, thành
thật thỉnh cầu khai thị.
Nhờ Thiện
Tri Thức ấy nhổ đinh tháo chốt, khiến cho đương cơ cảm
thấy trời xoay đất chuyển, được quay đầu chuyển não,
có người ngay đó đại ngộ. Như đường đi ngàn dậm còn
thiếu một bước mới được đến nhà, nhiều người ở
chỗ thiếu một bước này, lầm nhận là nhà rồi trụ nơi
đó, chẳng muốn tiến lên. Nếu là người trí, ngay đây phải
đi thưa hỏi các bậc Thiện Trí Thức, tự suy xét lại có
đúng hay không, rồi ngay đó thừa đương thì công phu mới
được thâm nhập. Người tin được sự thỉnh cầu khai thị
thì động chân là đến nhà, việc dễ dàng như thế, người
học đạo nên lấy đó làm mô phạm.
12.
CHÁN TRỤ TÒNG LÂM
Người trụ
Tòng Lâm lâu năm thấy những điều chẳng đúng như pháp,
tâm sanh chán nản là lẽ tất nhiên.
Những sự
lợi ích lớn lao ở Tòng Lâm, người ta chẳng dễ gì thấy,
cho nên tôi đặc biệt chỉ ra. Sinh hoạt hàng ngày ở thiền
đường, đi hương tọa hương ngày nào cũng vậy, tháng nào
cũng vậy, năm nào cũng vậy. Phép tắc phải làm chẳng thêm
chẳng bớt, một ngày làm như thế muôn ngày cũng làm như
thế. Đây là dùng cái thân lay động để huân cái thói quen
bất động, lâu ngày thân tự tịnh thì tâm cũng tự thanh.
Đến chỗ tu sâu này phần nhiều chẳng phải dễ thấy.
Mọi người
chỉ thích thay đổi, hôm nay thượng điện, ngày mai tụng
niệm, ngày mốt ra ngoài chơi thong thả, một ngày thay đổi
hai ba việc càng hợp ý hơn. Nay cứ suốt ngày lạnh băng băng
làm cho người ta cảm thấy phiền muộn, không ý vị, không
hứng thú, nên chán trụ Tòng Lâm ấy là bệnh lớn bậc nhất.
Nếu người
lập chí hành đạo thì đối với các pháp lớn nhỏ của
Tòng Lâm cần phải hiểu thấu, như vậy chỗ thấy đều có
lợi, chỗ nghe đều có ích, chỗ học đều là đạo, chỗ
hành đều là pháp. Từ đó lấy thiền đường làm thân, lấy
quy củ làm hạnh, lấy thiền duyệt làm thức ăn, lấy tham
thiền làm chánh niệm, cứ vùi đầu công phu hai ba mươi năm,
như thế chẳng những Diêm La Vương không làm gì được, mà
dẫu cho Phật Thích Ca cũng không làm gì được. Tự được
sự lợi ích to lớn rồi chuyển dạy người khác cũng được
sự lợi ích ấy. Được sự lợi ích sâu xa rồi mới rõ
biết được nhân quả của sự trụ Tòng Lâm, cầm một cọng
cỏ, đốt một nén hương đều là vun bồi đức tánh, nghe
một tiếng, thấy một sắc đều là thiền cơ.
Tòng Lâm
là chỗ của thập phương tụ hội, là đất an cư của thánh
hiền, đại chúng ở chung nương tựa lẫn nhau, một ngôn một
hạnh đều có căn cứ, một đồng tiền một hột gạo đều
không lãng phí. Người xưa nói : "Tòng Lâm sanh ra lịch đại
Tổ Sư, Tòng Lâm sanh ra cổ kim Thánh Hiền". Cho nên phải tự
kính Tòng Lâm như cõi Phật, quý tiếc vật thường trụ như
vàng ngọc. Tự hận đến trễ, chẳng được trụ sớm hơn.
Thà nguyện đời đời kiếp kiếp lấy Tòng Lâm làm nhà ở,
lấy quy củ làm sở hành, ngoài ra chùa tư am thất, thâm sơn
cùng cốc, quan phòng tịnh thất, quyết chẳng tạm trụ. Xin
người trụ Tòng Lâm đọc thuộc đoạn này rồi ghi nhớ để
có thể đề phòng sự lầm lạc ở mai sau.
Lại nữa,
Phật là vị giáo chủ của thế giới Ta Bà, là người mà
Phật tử chúng ta phải dựng điện để thờ. Pháp là ngọn
đèn sáng cho thế gian ô trược, cần phải cất lầu các để
tàn trữ. Tăng là phước điền của thế gian, cần phải nên
cúng dường. Tuy chí thành kính tin Tam Bảo song cũng chẳng
bằng cái công to ủng hộ Tòng Lâm. Tam Bảo chẳng nhờ Tòng
Lâm thì chẳng còn trụ ở thế gian. Tòng Lâm chẳng nhờ Tam
Bảo thì chẳng tồn tại. Nếu muốn chánh pháp trụ lâu ở
đời thì cần phải làm cho Tòng Lâm trụ lâu ở thế gian.
Tòng Lâm chẳng còn thì chánh pháp làm sao trụ. Cho nên trước
có Tòng Lâm rồi sau mới có Tam Bảo.
Mong sao người
chán trụ Tòng Lâm đổi lại thành thích trụ Tòng Lâm. Người
chán ắt rời Tòng Lâm. Người thích ắt trụ Tòng Lâm. Tiến
trình tương lai của người ấy lớn lao chẳng thể ví dụ
được.
13.
THÍCH Ở NÚI SÂU
Người thích
ở núi đều do đạo niệm không vững chắc. Tâm ưa thích
núi chẳng thôi thì cái niệm chán trụ Tòng Lâm càng mạnh.
Cũng có người hàng ngày bị những quy củ lăng xăng, những
điều thấy nghe, hay dở làm nhiễu loạn tâm. Hoặc đối với
tọa hương đi hương sức lực yếu kém không đủ dụng công
phu, hoặc vì sự khai thị và điều chúng của Ban Thủ, Duy
Na không hợp ý mình, hoặc vì hiềm khích với người nằm
bên cạnh, hoặc vì công việc ruộng nương quá nhiều, hoặc
vì việc điện đường quá khổ..., chỗ chán quá nhiều, đủ
thứ trở ngại thật khó hành đạo, nên muốn trốn đi vì
có cái niệm ở núi.
Một khi đến
trong núi, có nhà không có giường, có chén không có gạo,
có củi không có lửa, đến lúc ấy mới biết phiền toái
còn hơn ở Tòng Lâm gấp bội.
Còn có một
hạng người rán trụ Tòng Lâm đều là hình thức bề ngoài,
hàng ngày mọi việc như treo bảng, gõ chuông, châm trà, xách
nước, hương bản, trúc bề, đều ầm ầm kinh người. Khai
thị của Ban Thủ nghe qua nổi giận, quy củ của Duy Na nghe
rồi tâm phiền. Suy nghĩ trăm kế không cách nào ổn. Muốn
trở về chùa tư, sợ am bên cạnh chê cười, trụ Tòng Lâm
khác thì e cũng khó được như ý. Tự nghĩ cái phiền của
chùa tư, cái khổ của Tòng Lâm, chẳng bằng lánh vào núi
sâu, thế gian ít người nghe thấy. Người ở núi như thế
chẳng phải thật vì đạo, ham thích an nhàn, lấy ở núi làm
khoái chí. Phải biết, có khả năng ở núi hay không, cần
phải có sự căn cứ.
Mấy điều
tệ của sự ở núi, người ta chẳng biết :
l. Dẫu cho
thấu qua Trùng Quan cũng khó khỏi cái nạn cướp giật, không
có người giải cứu. Tôi trước kia sợ nhận chức sự của
Tòng Lâm quá phiền phức nên trốn lên núi tịnh dưỡng. Khi
đến hang núi ở được mấy ngày bỗng nghe tiếng kêu khóc
của am phía trên liền chạy lên xem, thấy một người bị
cướp dùng dây trói thân, hình dáng rất thê thảm. Tôi vội
mở dây trói cho người ấy, cạy hết đất bùn ra khỏi miệng,
kéo hết bông vải ra khỏi lỗ tai rồi vội nấu nước cho
uống, người ấy mới thở được. Lại đỡ lấy tay chân,
làm cho hoạt động, khiêng để lên giường, gần nửa ngày
mới tỉnh. Hỏi lý do, người ấy kể : "Trước bị cướp
dùng y phục trùm đầu đánh mạnh vào thân, rồi dùng dây
trói, phải nằm dưới đất hai ngày đêm". Tôi đi vào am xem
mới biết đồ đạc đều bị cướp sạch, tuy bị đau khổ,
song may mắn là chưa chết.
2. Thường
có phụ nữ nghèo khổ dưới chân núi lên xin lương thực,
khiến cho thánh giới khó giữ.
3. Lương
thực không đủ ăn, cần phải xuống núi hóa duyên một cách
khổ sở. Người có phước thì đầy bao lớn, người vô phước
thì túi nhỏ cũng trống không, có thể bị đói một phen đến
tám, mười ngày, khổ sở biết bao.
4. Có khi
cùng với người ở núi lân cận bất hòa, đánh lộn với
nhau đến chết cũng không có người cứu.
5. Có bệnh
không có thuốc, có thuốc không có người săn sóc bệnh, có
khi chết đến sình thúi cũng không ai biết.
Xin người
thích ở núi hãy suy nghĩ kỹ!
14.
NHẪN NẠI PHIỀN TOÁI
Người tham
thiền cần nên củng cố "hằng tâm" (tâm luôn luôn không lay
động, biến đổi), chớ nên gặp khó liền thối lui. Phải
biết việc tham thiền lớn không gì bằng, cái trọng yếu
nhất của các việc thế gian chẳng bằng sự trọng yếu của
tham thiền. Tại sao? Vì người thế gian hướng ngoại tìm
cầu, người tham thiền thì hướng nội đi thẳng, nhưng đó
chẳng phải chân đi, chẳng phải thân đi cũng chẳng phải
tâm đi, chỉ đề khởi một câu thoại đầu, tâm tâm tham,
khắc khắc tham, miên mật tham. Việc đi đường mỗi bước
cách một khoảng còn việc tham thiền miên mật đến nỗi
tìm chỗ trống để cắm một cây kim cũng không có, vì có
thì sanh ra thế gian. Chỗ hành của người tham thiền một
mảy may gì cũng không cho có, cái hành như thế ắt phải có
cái hạnh nhẫn nại phiền toái. Giống như người đi trong
rừng nhiều gai gốc hoặc nhiều cọp beo, chưa từng có ai
đi qua, nay ta muốn dũng mãnh tiến tới, giữ tâm bình tĩnh
còn khó đi qua huống là trong tâm cảm thấy khó đi. Ý muốn
vội gấp, càng đi càng thấy khó, thật chẳng dám đi cho đến
chùn chân thối bước, nhưng người hành đạo phải mạnh
dạn đến độ không đi thì không được.
15.
CHẲNG TRỌNG TU HUỆ
Việc tu huệ
rất là trọng đại. Người khắp thế gian chỉ có thể nói
là thông minh, chứ không được nói là trí huệ. Sao vậy?
Phải biết trí huệ do tâm tu, thông minh từ cảnh được.
Từ tâm liễu ngộ tâm thì trí huệ sáng. Từ cảnh nghiên
cứu cảnh thì thông minh phát. Chẳng những người đời chưa
từng tham cứu tâm mà ngay cả chúng ta trụ ở thiền đường
là người mang trách nhiệm tham cứu tâm còn chưa tham cứu
tâm, chẳng phải là khó ư!
Phải biết
thần thông chẳng bằng trí huệ. Một hôm Phật lên cung trời
Đao Lợi vì mẹ thuyết pháp. Các vị đệ tử có thần thông
như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất cùng đi theo Phật. Lúc Thiên
Vương khai tiệc cúng dường Phật, các vị tôn giả ra ngoài
du lãm trở về tìm Phật. Phật cùng Thiên Vương nhập tiệc,
các A La Hán chẳng nhìn ra Thế Tôn vì Phật dùng thần lực,
tự biến hình giống như Thiên Vương. Mục Liên đến gần
nhìn cũng không biết, cho đến Phạm Thiên nhìn cũng không
ra. Lại đi đến thế giới phương khác tìm Phật cũng chẳng
thấy. Các đại A La Hán bàng hoàng bên tòa không biết phải
làm sao. Ngài Xá Lợi Phất là người đã được tôn xưng
là trí huệ bậc nhất, bàn với các A La Hán rằng : "Mục
Liên thần thông bậc nhất còn chẳng thể nhìn ra Phật. Tôi
có một cách chắc có thể nhận ra. Phật cùng Thiên Vương
thân tướng chẳng khác, chỉ có ánh mắt chẳng đồng. Các
ông hãy nhìn thẳng lên xem, mắt Phật không lay động, ung
dung hòa nhã, còn mắt của Thiên Vương loạn động, tay chân
bối rối. Các A La Hán xem qua như thế mới dám gần Phật,
bị Phật quở trách : "Dẫu cho các ông thần thông quảng đại
chẳng bằng trí huệ sáng suốt". Người chẳng trọng tu huệ
nên tự biết hổ thẹn.
Than ôi! Trái
giác hợp trần, mê chân theo vọng, nhận quấy làm phải, theo
ác bỏ thiện, các thứ khổ não đều do ngu si mà ra. Phải
biết trí huệ là lợi khí phá ngu. Ngu thì từ sáng vào tối.
Huệ thì từ tối vào sáng. Từ sáng vào tối thì luân hồi
trong lục đạo, trả nợ trong tam đồ. Từ tối vào sáng là
từ phàm đến thánh, chứng Đại Niết Bàn.
Gần đây
người trụ thiền đường lại không có chí liễu thoát sanh
tử, cũng không có tâm tu trí huệ, chẳng đau xót ư! Nếu
quả là người có chí đối với đạo, quyết định trọn
đời này chẳng làm việc khác, chẳng tu pháp khác, chuyên
tu tham thiền, lấy ngộ làm kỳ hạn. Đời này chẳng ngộ,
tiếp tục ở các đời sau. Cho đến trong cuộc sống hàng
ngày không có hai tâm, không có việc gì khác nữa.
Còn có hai
điều khẩn yếu là :
l. Đời này
năm ba mươi năm hành đạo, chẳng ngộ cũng chẳng hành pháp
khác. Bằng không thì tự bỏ dở nửa đường.
2. Tham thiền
đến già, già rồi bệnh, bệnh mà chết cũng chẳng quên một
niệm tham thiền, dù kiếp này chưa ngộ, kiếp sau chắc chắn
là một nghe ngàn ngộ. Như người đi đường đến nhà mới
thôi, nấu cơm đến chín mới thôi, ăn cơm đến no mới thôi,
vọng tưởng nổi đã mới thôi, ngủ say cho đến tỉnh dậy
mới thôi, con người sống đến chết mới thôi, chúng sanh
đến thành Phật mới thôi, dụng công đến khai ngộ mới
thôi, liễu sanh tử đến chứng Niết Bàn mới thôi.
Thử hỏi
: "Từ xưa đến nay, mục đích là muốn làm người ở trong
tối hay ở trong sáng?". Than ôi! Đau đớn thay! Lại hỏi :
"Từ lúc sanh ra đến bây giờ xét kỹ xem, lấy thân làm người
hay lấy tâm làm người?". Thực đáng thương xót! Quá khứ
làm người chẳng biết chỗ nương tựa, hiện tại làm người
cũng chẳng biết chỗ nương tựa, cho nên đối với việc
làm người ở vị lai cần phải xét kỹ. Chỉ cần siêng năng
tham cứu không có kỳ hạn trước sau, một mai triệt ngộ,
bổn lai diện mục là người ấy, bổn địa phong quang là
chỗ ấy. Từ đây khóc to ba ngày, kêu oan mấy bữa : "Khổ
thay! Tại sao trước kia mê muội quá vậy!".
Người hành
đạo đời đời kiếp kiếp trừ cái tu huệ nghiệp này ra,
tất cả đều là hành si nghiệp. Cho nên nói : "Tu phước chẳng
tu huệ như bạch tượng đeo chuỗi ngọc" là vậy.
16.
CHẲNG MUỐN THƯỜNG TRỤ
Thường trụ
(ở mãi) thật là khó làm. Như chỗ rạp hát rất là vui vẻ
hấp dẫn, ở mười ngày hai mươi ngày còn lưu luyến, chứ
ở lâu thì cũng chẳng chịu nổi. Sao vậy? Chỗ không vừa
ý, khó trụ là lẽ đương nhiên, tại sao chỗ vừa lòng mà
cũng chẳng thể thường trụ? Trong đó có cái việc kỳ đặc
mà phàm chẳng thể hiểu, thánh chẳng thể hội. Kỳ đặc
ra sao? Một niệm ban đầu của chúng ta y vào gốc vô trụ
mà sanh huyễn trụ, như chẳng thể thường trụ là chẳng
phải hiện tại chẳng thường trụ. Thế giới có tướng
thành, trụ, hoại, không, con người có tướng sanh, già, bệnh,
chết, tâm có tướng sanh, trụ, dị, diệt, đều chẳng phải
tướng thường trụ. Mọi người đều theo tướng này sanh,
theo tướng này diệt, chẳng thể nào chạy ra khỏi tướng
này một bước. Cho nên nói : "Pháp đó trụ ngôi pháp, tướng
thế gian thường trụ". Ngộ được tướng này, tất cả các
tướng thảy đều thường trụ.
Người tham
thiền trước tiên lập ba hạnh đến chết cũng chẳng đổi
dời, tự có thể phát minh sự chân thật thường trụ. Ba
hạnh là :
l. Trụ chỗ
này thì chỗ này phải là thường trụ.
2. Trì pháp
này thì pháp này phải là thường trụ.
3. Chuyên
tâm này thì tâm này phải là thường trụ.
Có ba thứ thường
trụ này chẳng đổi dời, thật là chuyển sanh diệt thành
tịch diệt, chuyển khó trụ thành thường trụ vậy.
Hiện nay,
dù trụ lâu thiền đường mà vẫn bất an muốn đi nơi khác,
bệnh ở tại chỗ chưa thấu được cái đạo an ổn lâu dài,
chẳng muốn thường trụ là lý đương nhiên. Đầu tiên do
chỗ khó quá nhiều cho nên chẳng như ý mình, lại thêm quy
củ phép tắc phiền toái, thân tâm khổ nhọc, ngủ nghỉ thất
thường, ngữ ngôn khó hiểu, bệnh kín phát tác, ban ngày không
có thì giờ nghỉ ngơi, ban đêm ngủ không thẳng giấc. Lại
nói : "Người này đối với tôi không có duyên, người kia
đối với tôi có chướng ngại". Đủ thứ bức bách khiến
cho chẳng muốn trụ.
Nếu có thể
quày đầu, chịu khó trụ năm ba mươi năm, thân tâm thanh tịnh
an vui, càng ngày càng được sự lợi ích của chánh pháp,
nhân duyên thuần thục mọi việc tốt lành, niệm hướng ngoại
dứt sạch, trong tâm chẳng động. Lúc ấy mới hận trước
kia tại sao có niệm muốn bỏ đi, may sao chưa theo vọng tưởng
xoay chuyển. Như vậy càng thêm tinh tấn gấp bội, lập nguyện
quyết tử tu hành, thà chết chứ không còn vọng động.
Tóm lại,
nếu niệm hướng ngoại cho là tốt, lâu ngày tâm ắt cũng
hướng ngoại thì cái niệm thường trụ Tòng Lâm cũng tự
quên. Nếu có thể đem cái việc hướng ngoại cho là xấu,
là rất độc, là hầm cầu, là địa ngục, là tạo tội,
là phá giới, là hại mình để đối trị thì cái tâm hướng
ngoại tự dứt, cái niệm thường trụ tự móng khởi.
Xin những
người vọng động hãy nghĩ tất cả Phật sự của thiền
đường có rất nhiều điều tốt. Nói : "Đánh tôi là trừ
nghiệp chướng cho tôi. Nạt tôi là dẹp tập khí cho tôi.
Dẫu cho chịu khốn khổ nhiều hơn nữa cũng đều là trợ
giúp đạo niệm cho tôi". Dù điều tốt hay không tốt cũng
đều cho là tốt thì tâm tự an nhiên chẳng còn vọng động.
Cách đối trị này rất là trọng yếu.