Sự
sai biệt giữa Tiểu thừa và Ðại thừa, như đã được
xem, xoay xung quanh quan điểm đệ nhất nghĩa đế. Theo Tiểu
thừa, đệ nhất nghĩa đế là Pudgala-sùnyatà (Nhân không),
còn theo Ðại thừa, thì cả Pudgalasùnyatà và Dharma-sùnyatà
(Pháp không). Sự sai khác này cũng rất rõ ràng trong những
giai đoạn trên con đường tu hành do hai học phái này vạch
ra. Các nhà Tiểu thừa công nhận có bốn giai đoạn gọi là
Sotàpatti (Dự lưu), Sakadàgàmi (Nhất lai), Anàgàmi (Bất lai)
và Arahatta (A-la-hán) và nêu rõ những quả chứng một người
tu hành thành đạt, khi đi từ giai đoạn này đến giai đoạn
khác, và cuối cùng chứng được toàn tri mà theo các nhà Tiểu
thừa giống với toàn tri của chư Phật. Các nhà Ðại thừa
cũng vậy, công nhận có 10 giai đoạn (theo Bzdohisattvabhùmi,
Bồ-tát địa) trên con đường tiến triển tâm linh, mà một
vị Bồ-tát phải trải qua để giải thoát hoàn toàn và
thành Phật.
Vì các nhà Ðại thừa
chủ trương phải quán Dharmasùnyatà mới giác ngộ hoàn
toàn và quán Pudgalasùnyatà sẽ đưa người tu hành đến những
quả chứng cao hơn và cuối cùng chứng được Pháp không.
Vì vậy các nhà Ðại thừa chia những giai đoạn tu hành của
mình thành hai phần. Phần đầu gồm có sáu địa đưa người
tu hành chứng được Nhân không. Phần thứ hai, gồm bốn địa
sau giúp chứng được Bồ đề cứu cánh tức là Pháp không
hay Pháp bình đẳng tánh (Dharmasamatà). Như vậy, phần đầu
thỏa mãn chí nguyện của vị Tiểu thừa và tương đương
với 4 giai đoạn tu hành Tiểu thừa, còn phần thứ hai vượt
ngoài tầm các nhà Tiểu thừa vì các vị này không chấp nhận
Dharmasamatà.
Ðây là vị trí tương
đương giữa Tiểu thừa và Ðại thưa về những giai đoạn
trên con đường tiến triển tâm linh của hai học phái. Nhưng
chúng ta cần thêm vào nhiều đặc tánh sai biệt khác mà
các nhà Ðại thừa nhắc đi nhắc lại nhiều lần, vì mục
đích của các nhà Ðại thừa không phải chỉ lo hạnh phúc
và giải thoát cho mình mà còn phải giúp vô lượng chúng
sanh đau khổ được hạnh phúc và thoát khỏi mọi đau khổ
thế gian dù phải hy sinh thân mạng và công đức tu hành của
mình. Do vậy, khi giải thích chi tiết các quả chứng cần
thiết cho một địa (bhùmi), các tác phẩm nêu rõ những tiến
triển mà một vị Bồ-tát chứng được về Àsaya (khuynh hướng),
Upadesa (Luận nghi), Prayoga (Tạo tác), Upastambha (chỉ trì),
và Kàla (thời gian), cũng như về Àhàra (thực), Linga (Căn
tướng) và Nimitta (tướng) (Bodhisattvabhùmi, tr.2) Nếu những
đặc tướng thêm vào của Ðại thừa về sáu địa đầu
để ra ngoài, thời chúng ta có thể xem sự diễn tả 6
bhùmi đầu chỉ là một hình thức phạm ngữ hóa của những
đoạn văn Pàli nói đến các Thánh quả. Do vậy, Ðại thừa
thiết thực thêm vào chỉ có bốn địa sau, tức là
Dùrangamà (Viễn hành địa), Acalà (Bất động địa), Sàdhumati
(Thiện huệ địa) và Dharmameghà (Pháp vân địa).
Văn
học về vấn đề này
Nói đến văn học về
vấn đề này, văn học Pàli không có tác phẩm nào đặc biệt
nói đến những giai đoạn đưa đến Thánh quả. Vấn đề
được đề cập đến rải rác trong kinh điển Pàli cũng
như trong một vài tác phẩm Sanskrit của Nhất thế hữu bộ.
Ngài Buddhaghosa trình bày những thứ bậc tu hành trong tập
Visuddhimagga. Ngài chia thành ba đoạn, đoạn thứ nhất nói về
Sìla (giới), nhờ giữ giới một cách hoàn toàn mà chứng
được hai giai đoạn Sotàpatti và Sakadàgàmi (Dự lưu và Nhất
lai). Ðoạn thứ hai nói đến Citta (tâm) hay Samàdhi (Ðịnh),
nhờ tu định mà chứng giai đoạn thứ ba là Ànàgàmi (Bất
lai); Ðoạn thứ ba nói đến Pannà (Huệ) đưa người tu hành
chứng được Thánh quả cuối cùng là A-la-hán quả hay giải
thoát hoàn toàn (Vis. M. tr. 6). Vasubandhu đề cập đến những
"giai đoạn" trong tập Abhidharmakosa (VI, tr.34) và phần
lớn như chúng ta sẽ thấy sau, ủng hộ những đoạn văn của
tác phẩm Pàli.
Trong văn học Ðại thừa,
rất ít có tác phẩm đặc biệt nói đến những thứ bậc
tu hành, nhưng có rất nhiều đoạn văn đề cập một cách
ngẫu nhiên những giai đoạn tiến triển tâm linh trong những
tác phẩm phần lớn nói đến những Bhùmi (Ðịa). Tác phẩm
quan hệ nhất và rõ ràng nhất là tập Dasabhùmikàsàstra (Thập
địa kinh luận), một trong chín tác phẩm kinh điển được
Phật giáo Nepal công nhận. Các tác phẩm quan trọng thứ hai
là quyển Bodhisattabhùmi và Madhyamakàvatàra, cả hai đều
theo tập Dasabhùmikàsàstra với một vài sai khác nho nhỏ. Về
những tác phẩm đề cập đến các Bhùmi một cách gián tiếp,
chúng ta nói đến các tập Lankàvatàra, Sùtràlankàra và những
tác phẩm tương tự. Tập Prajnàpàramità (Bách thiên tụng
và Nhị vạn ngũ bách thiên tụng) để một chương hoàn
toàn nói đến các bhùmi nhưng cũng không quên tuyên bố về
phương diện Ðệ nhất nghĩa đế, các Ðịa này cũng không
thật có và chỉ thuộc Tục đế. Tập Nhị vạn ngũ bách
thiên tụng có một đặc tánh riêng. Khi nói đến các phương
pháp tu hành mà một vị Bồ-tát phải tu tập theo
Prajnàpàramità (Bát nhã Ba-la-mật), có đề cập đến nhiều
quả chứng bằng cách dùng nhiều danh từ phổ thông giữa
các nhà Tiểu thừa như Kulankula (Hữu thượng phẩm), Ekavìcika
(Ðoạn nhất quan), Sotàpanna (Dự lưu).
Tập Satasàhasrikà
(Bách thiên tụng) nói đến một danh sách mười Ðịa tiểu
thừa, không thấy dùng trong các tác phẩm Pàli. Các địa
ấy như sau: Suklavipasyanà hay vidarsanà bhùmi (Càn huệ địa),
Gotrabhùmi (Tánh địa), Astamakabhùmi (Bát nhân địa),
Darsanabhùmi (Kiến địa), Tanubhùmi (Bạc địa), Vìtaràgabhùmi
(Ly dục địa); Krtàvìbhùmi (Dĩ biện địa). Pratyekabuddhabhùmi
(Chi phật địa), Bodhisattvabhùmi (Bồ-tát địa) và
Buddhabhùmi (Phật địa). Những danh từ nêu rõ những thứ bậc
chứng đạt được. Hai địa đầu nói đến Tiền dự lưu.
Ðịa thứ ba, thứ tư nói đến Dự lưu đạo và Dự lưu quả,
nghĩa là khi người tu hành còn trong Darsanamàrga (Kiến đạo
vị). Ðịa thứ năm nói đến Sakadàgàmi (Nhất lai), trong
ấy ràga, dvesa và moha (tham, sân, si) được giảm thiểu tối
đa (tanutva). Ðịa thứ sáu nói đến Bất lai, khi ba phiền não
trên được trừ diệt hoàn toàn. Ðịa thứ bảy nói đến
giai đoạn A-la-hán, khi người tu hành đã làm những gì phải
làm, do vậy một vị A-la-hán còn được xem là vị đã làm
những việc phải làm (Sở tác dĩ biện: Krta Krtya). Ðịa thứ
8, thứ 9 và thứ 10, nghĩa đã tự rõ không cần phải giải
thích.
Chúng ta cần phải để
ý, các địa trong các tập Bát nhã Ba-la-mật giản dị hơn
tập Dasabhùmikasùtra và rất có thể đại diện cho một
giai đoạn trong lịch trình tiến hóa của quan niệm Bhùmi,
đứng giữa tập Mahàvastu và Dasabhùmikasùtra. Ðoạn văn nói
về Bhùmi trong tập Mahàvastu hình như là sớm nhất, các
tên được dùng chưa được mọi người chấp thuận. Từ
những danh từ được trong tập Bodhisattavabhùmi, hình như các
tác giả viết về Bhùmi xem tập này như là một biệt tài
văn chương đã tạo ra những danh từ nêu rõ những đặc tánh
một vị Bồ-tát đã chứng được trong một giai đoạn đặc
biệt. Ðoạn văn diễn tả các địa trong tập Mahàvastu rất
sơ lược và không chứa những chi tiết quan hệ và cần thiết
theo quan điểm Ðại thừa. Trái lại, tập này có đề cập
đến những giới cấm luật tạng mà một vị Bồ-tát cần
phải gìn giữ, nếu không thì không thể tiến bộ và đưa
đến sa đọa vào giai đoạn thấp kém hơn. Trong những đoạn
nói đến ba địa đầu có tìm thấy một vài dấu tích diễn
tả trong tập Dasabhùmikasùtra, nhưng trong bảy địa kế tiếp,
nhất là trong bốn địa sau, thật không có gì đặc biệt
trừ những tên các đức Phật và các vị Bồ-tát đã chứng
ngộ các thứ bậc ấy. Như vậy rõ ràng tác giả Mahàvastu
còn có một quan niệm rất mơ hồ về bhùmi, vị này muốn
điền vào các khoảng trống những đời sống ly kỳ của các
vị Bồ-tát và những tên tưởng tượng của các đức Phật.
Ðể tiện so sánh giữa
các giai đoạn Tiểu thừa và Ðại thừa, chúng ta sẽ theo tập
Dasabhùmikasùtra, và nêu rõ trong nhiều chỗ, những đoạn dị
đồng với tập Bokhisattvàbhùmi và Madhymakàvatàra, và chú
thích thêm những đoạn văn ở tập Mahàvastu và
Prajnàpàramità. Trong những giai đoạn Tiểu thừa, chúng ta dựa
vào những danh từ Pàli và bổ túc vào nếu cần thiết với
những đoạn trong tập Kosa.
NHỮNG
GIAI ÐOẠN TIỀN BHÙMI
Tiền
Bồ-tát hay tiền Dự lưu vị
(Prthagjana đến Àrya = Phàm phu vị đến Thánh vị)
Bổn phận khó khăn nhất
của một người tu hành Tiểu thừa và Ðại thừa là sự
thành tựu những điều kiện để đi từ địa vị
Prthagjana (phàm phu) đến địa vị một Àrya (bậc Thánh).
Các vị Ðại thừa đòi hỏi phải phát Bodhicitta (Bồ đề
tâm), trước khi được phép bắt đầu thực hành các
Bhùmi, còn các nhà Tiểu thừa chủ trương phải hiểu Tứ
đế và tin tưởng vào giáo lý đức Phật. Nói một cách
khác, cần phải thành tựu 15 Sát-na của Darsanamàrga (Kiến
đạo) để có thể nhập theo giòng suối hướng đến Thánh
quả tức là Bát chánh đạo.
Về giai đoạn tiền Bồ-tát
vị, chúng ta không gặp trong tập Bát nhã Ba-la-mật hay các
tác phẩm Ðại thừa khác, một ý kiến tổng quát nói rằng
một chúng sanh đã làm nhiều thiện nghiệp
(avaropitakusalamùla), hầu hạ nhiều đức Phật quá khứ
(pùrvajinakrtàdhikàra), và có nhiều kalyànamitras (Thiện hữu
tri thức) thời thế nào cũng chứng Bồ đề. Hơi sai khác một
chút, tập Sùtràlankàra nói rằng một chúng sanh phát
Adhimukti (tín, nguyện) trải qua nhiều kiếp, làm rất nhiều
công đức tràn đầy như nước biển đại dương, đã được
thanh tịnh nhờ giữ Bồ-tát giới, trở thanh đa văn nhờ học
các Sàstra (luận), khiến cho tâm nhu nhuyến và uyển chuyển,
một chúng sanh như vậy có quyền tinh tấn tu bhàvana (thiền
quán) và thọ hưởng lợi ích những lời dạy của đức Phật.
Adhimukticaryàbhùmi:
Niệm hành địa
Chính trong tập
Madhyamakavatàra mà chúng ta tìm thấy một giai đoạn tiền Bồ-tát
gọi là Adhimukticaryàbhùmi được đề cập đến. Tập
Madhyamakàvatàra trích dẫn kinh Ratnameghasùtra nói rằng địa
của một vị Bồ-tát tương lai được đặt trước Bhùmi
thứ nhất và gồm rất nhiều adhimukti (phát nguyện). Vị
ấy là Bồ-tát tương lai vì chưa phát Bồ đề tâm. Cho nên
vị này đuợc xem là ở trong Adhimukticaryàbhùmi (Niệm hành
địa), nghĩa là nguyện thành Phật nhờ theo giáo lý Ðại
thừa. Sau khi nghe thuyết pháp hay những lời tán thán và diễn
tả những uy lục của một đức Phật, vị này thoáng qua
phát nguyện thành Phật. Trừ phi và khi nào lời nguyện này
an trú vĩnh viễn trong nội tâm, vị này chưa có thể xem là
có Bồ đề tâm và trở thành một vị Thánh, một vị Bồ-tát.
Tập Bodhisattvabhùmi laị
càng nói rõ hơn về tiền Bồ-tát địa này; danh từ chuyên
môn được dùng là Prakrticaryà (Bổn tánh hành), giai đoạn
này được chia làm hai, Gotravihàra (Tánh trú) và
Adhimukticaryàvihàra (Niệm hành trú). Hai giai đoạn này không
thể gọi là Bhùmi (Ðịa). Vì vậy tập Dasabhùmi kasùtra và
các tập khác bàn về địa không nói đến hai giai đoạn này
trong danh sách Bhùmi của chúng. Chúng nói đến các đặc tánh
cần thiết trong giai đoạn tiền Bồ-tát nhưng không gọi
hai giai đoạn này là tiền Bhùmi như tập Bodhisatvtabhùmi.
Sotravihàra (Tánh trú)
được tả như sau trong tập Bodhisativabhùmi: một người
được gọi là gotra stha, nghĩa là tự tánh thuộc về một
quý tộc chúng sanh, đầy đủ đức tánh mục đích cao đẹp
và thiện phát của một vị Bồ-tát. Các đức tánh được
biểu hiện ngay qua cử chỉ hồn nhiên của vị này. Vị
này bắt đầu làm những hạnh lành một cách tự nhiên,
không cần ai khuyên nhủ, một cách khá sáng suốt và với
lòng từ ái. Vị này đầy đủ chủng tử về Buddhadharma
(Phật pháp) và không thể làm điều ác, chứ không nói đến
các vô gián tội (ànantanya). Sotravihàra làm căn nhân
(hetumàtra) cho 11 vihàra khác, giúp người tu hành tinh tấn để
đạt các bhùmi khác nhưng không thể đưa xa hơn nữa.
Adhimukticaryàvihàra là
tên ghi cho những sự cố gắng đầu tiên của một vị Bồ-tát
để phát Bồ đề tâm. Tại địa này, vị Bồ-tát mới thật
sự bắt đầu đi trên con đường tới Tathàgatavihàra (Như
lai trú), còn trong gotravihàra thì chỉ mới sơ phát tâm mà
thôi. Khi làm xong bổn phận của Adhimukticaryà, vị này được
xem là đã làm xong những bổn phận chuẩn bị cho Ðịa thứ
nhất là Pramudità (Hoan kỷ địa). Trong Adhimukticaryàvihàra,
một Bồ-tát thực hành Bhàvanà (Tu chỉ quán) một cách có
giới hạn và không thể gìn giữ những gì tu chứng được.
Vị này chỉ cố gắng để tu Nirnimitta-bhàvanà (Vô tướng
quán tưởng). Vị này chứng được Pratisankhyànabala (Trạch
lực) và cố gắng làm bổn phận một vị Bồ-tát với
Pratisam-khyàna-prajnà (Trạch huệ), chứ không phải với
Tanmàyatà (thể nhập). Chưa có Bodhisattvabhàvanà (Bồ-tát
quán tưởng), khiến cho an trú và bất thối, chưa vượt khỏi
năm sự sợ hãi về mạng sống, phỉ báng, chết, ác thú
và đại chúng chỉ trích. Với Pratisamkhyà (Trạch lực), vị
này cố gắng làm thiện sự cho các loài hữu tình, chứ
không phải do lòng từ bi hồn nhiên. Ðôi khi, vị này giải
thích một cách sai lạc, làm những hạnh không được thích
nghi và quá chú tâm về các món cúng dường. Vị này có thể
có lòng tin (sraddhà) nhưng không có trí huệ nội tâm, có
srutamayì và cintàmyì prajnà (Văn huệ và Tư huệ) một cách
có giới hạn, nhưng nhiều khi cũng lệch lạc. Vị này theo
Bồ-tát đạo hết sức khó khăn, với độn huệ
(dhandha-abhijnà) và không phát tâm Bồ đề một cách mạnh mẽ.
Ðôi khi, vị này quên những chánh phương tiện để tu hành
và quên cả lời Phật dạy. Nhiều lúc, vị này thuyết
pháp một cách cẩu thả và không được kết quả như ý muốn.
Nhiều khi, vị này quên hướng tâm về Bồ đề và mất hết
tinh tấn giữ Bồ-tát giới và phụng sự chúng sanh. Thỉnh
thoảng, chỉ biết tìm hạnh phúc cho mình, dù cho sau khi suy
tư, cũng lại tìm hạnh phúc cho kẻ khác. Nhiều lần tự nhận
thấy khuyết điểm của mình nhưng thiếu nghị lực để cải
tiến. Vị này ưa giảng dạy Bồ-tát pháp nhưng nhiều khi
phát sợ hãi trước trách nhiệm vô lượng vô biên của
chúng. Vị này không đầy đủ tất cả Bodhipaksika-dharma (Pháp
trợ đạo). Ðó là những đặc tánh khiến chúng ta có thể
phân biệt những ai đã vào được trong Adhimukticaryàbhùmi
(Niệm hành địa).
Ý chính trong giai đoạn
chuẩn bị này là sự hiện diện của những chúng sanh có
đầy đủ những Kusalamùlas (thiện căn) để có thể thành
Phật. Những chúng sanh này được gọi là gotrasthà. Cũng
như những người con vua khác người con thường dân vì những
đặc tánh, cử chỉ và sở nguyện của mình, cũng vậy những
chúng sanh nào có Phật chủng sẽ được biết nhờ những bản
tánh cao thượng đặc biệt của mình.
Tập Dasbhùmikasùtra
(tr.11) cho chúng ta nhiều chi tiết về giai đoạn tiền Bồ-tát
có khác nhiều với tập Bodhisattvabhùmi. Một vài chi tiết
ấy như sau: Các vị ấy phát Bồ đề tâm; sau khi chất chứa
nhiều công đức, thực hành những hạnh đã được quy định,
kính lễ nhiều đức Phật, đầy đủ những đại nguyện
thanh tịnh và cao thượng, và luôn luôn duy trì tâm niệm từ
bi. Các vị này luôn luôn chứng được Phật trí, mười lực,
bốn vô số úy (Vàisàradyas), chứng được bình đẳng tánh
của mọi pháp, cứu tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ
đau, chứng đạt mọi loại trí tuệ và làm cho trong sạch
các Buddhaksetra(Phật sát).
Những đoạn trích dẫn
này diễn tả tâm niệm phân vân của một người muốn phát
Bồ đề tâm. Chính do sự phát Bồ đề tâm mà một người
thoát khỏi phàm phu tánh và trở thành bậc Thánh trên giòng
sông hướng đến giải thoát. Bodhicitta (Bồ đề tâm) tóm lại
là lời tâm nguyện của một chúng sanh muốn trở thành Phật
và chứng được mọi đức tánh và nguyện lực của một
đức Phật. Tập Bodhicaryàvatàra chia Bồ đề tâm thành hai
phần, Bodhipranidhicitta (Bồ đề nguyện tâm) và
Bodhiprasthànacitta (Bồ đề trú tâm) (?). Tâm đầu chỉ là một
tâm nguyện muốn thành Phật cứu khổ chúng sanh, nhưng không
nghĩ đến một cách chín chắn những hy sinh cao cả và những
đức tánh cần thiết khác. Tâm thứ hai thuộc về đại
nguyện gìn giữ Bồ-tát giới và cố gắng tạo nhiều thiện
quả. Tâm đầu có thể so sánh với một bộ hành nghĩ đến
việc đi sang một nước khác, còn tâm thứ hai ví như một
bộ hành đã bắt đầu lên đường để đi đến mục tiêu
của mình. Khi nào một ai phát Bồ đề tâm, người ấy có
quyền làm những bổn phận thuộc về Bhùmi (Ðịa) thứ nhất.
Quan
niệm Tiểu thừa về giai đoạn tiền Dự lưu
Chúng ta tìm thấy trong
những tác phẩm Tiểu thừa một sự diễn tả tỉ mỉ về
những đức tánh cần thiết để chuyển từ phàm phu vị
qua Thánh vị. Như những lời tuyên bố đại cương trong tập
Prajnàpàramità về những thiện căn quá khứ củ các vị Bồ-tát,
chúng ta tìm thấy trong các tác phẩm Pàli nhiều đoạn về
công đức quá khứ của một người muốn xuất gia hay tinh
tấn tu hành. Phần nhiều, những đoạn này được đề cập
đến trong những đoạn khi đức Phật giáo hóa chúng sanh,
khi Ngài tìm hiểu thiện căn của những vị nào mà Ngài muốn
hóa độ. Ðoạn thường nói đến như sau: "Satthàpaccusakàle
lokam volokento imassa kulaputtassa upabissayam addasa (đức Thế Tôn,
buổi sáng sớm, nhìn xung quanh thế giới và thấy thiện căn
của người ấy). Câu này nghìa là sự ích lợi thiết thực
của bài thuyết pháp không phải ai cũng thọ hưởng được.
Chỉ có những ai mà thiện nghiệp đưa họ lên một giai tầng
khá cao mới có thể hưởng được những lợi ích của các
bài thuyết pháp. Có rất nhiều trường hợp trong các tác
phẩm Pàli, nói đến những thiện căn cần phải có trước
mới khiến một người chứng được Dự lưu sau khi chỉ
nghe một bài thuyết pháp. Cũng có những chúng sanh trở
thành Nhất lai, Bất lai, A-la-hán hay Ðộc giác vì những thiện
nghiệp chất chứa đời trước. Hàm ý trong những trường
hợp này là những vị này trong đời quá khứ đã từ trần,
sau khi chứng được quả Thánh hay những đức tánh tương
đương, đã xảy ra trước những quả chứng được trong đời
này. Các nhà Tiểu thừa chủ trương rằng một Puthujjana (phàm
phu) phải có một số thiện căn trước khi mong được thành
một bậc Thánh (àrya), ví dụ như Srotà-panna (Dự lưu).
Một Puthujjana được
định nghĩa trong tập Majjhima Nikàya như một vị còn bị
mê lầm chi phối, tưởng rằng có "Ngã" và
"Ngã sở", và nghĩ rằng mình có rùpa (sắc), vedanà
(thọ) v.v... Vì không biết chánh pháp, người này khỏi tham
ái đối với sự vật cần phải xa tránh và do vậy tạo ra
vàtăng trưởng các àsavas (lậu hoặc) về Kàma (Dục), Bhava
(Hữu) và Avijjà (Vô minh) (tr.7, 239). Tập Puggala pannatti
(tr.12) chỉ nói một phàm phu là một người chưa trừ được
ba samyojana (kiết sử) hay không cố gắng trừ chúng. Tập
Patisambhidàmagga (I, tr.63, 64, 94) nói rằng các puthujjana đang
cố gắng trở thành bậc Thánh, muốn thản nhiên đối với
các Sankhàrà (Hành) bằng cách xem chúng là vô thường, khổ
và vô ngã, nhưng sự thản nhiên này không được lâu dài
trong tâm trí và nhiều khi trở thành khó chịu cho các vị
ấy.
Giai đoạn thứ hai của
Puthujjana là Gotrabhù (chuyển tánh), nhiều khi tương đương
với gotravihàra của tập Bodhisattvabhùmi. Gotrabhù đaiï diện
cho giai đoạn cuối cùng của một puthujjana, vì một người
trở thành gotrabhù khi vị này xứng đáng bắt đầu làm những
bổn phận để trở thành vị Thánh. Tập Patisambhidàmagga
(K, tr.66-8) xem Gotrabhù không những là một giai đoạn tiền
Dự lưu mà còn chỉ cho một hạng người đang hướng đến
A-la-hán quả và có thể đã chứng được một trong tám
Magga và Phala (Ðạo và quả). Cũng vậy tập
Abhidhamatthasangaha (Comp. of Phi, tr.67-71) đặt giai đoạn
Gotrabhù sau Patipadànànadassanavisuddhi (hành tri kiến thanh tịnh)
và Vutthànagà- minivipassanànànam (khởi xuất chỉ quán trí)
và xem Gotrabhù thành một bậc Thánh nghĩa là một
Sotàpattimaggattha. Trong hai tác phẩm kể sau cùng, Gotrabhù chỉ
cho những người trên con đường chứng được A-la-hán quả
và như vậy là chứng được một trong ba vị Dự lưu, Nhất
lai, Bất lai. Tuy vậy tập Anguttara Nikàya (IV, 378) và
Puggalapannatti (tr.14) không xem Gotrabhù là bậc Thánh và như vậy
xem Gotrabhù là một giai đoạn tiền Dự lưu.
Những vị ở giữa
Gotrabhù và Sotàpanna (nghĩa là Sotà-pattiphalapatipanna: Dự lưu
quả hướng) được chia làm hai hạng gọi là Saddhànusàrì
(Tùy tín hành) và Dhammànusàrì (Tùy pháp hành). Cả hai vẫn
còn thực hành Darsanamàrga (kiến đạo). Theo tập Kosa, hạng
đầu thuộc về độn căn, hạng thứ hai thuộc về lợi
căn. Tùy tín hành là những vị theo chánh pháp, do lòng tin vị
đạo sư hướng dẫn hay nói một cách khác, các vị này tu
các niệm xứ v.v, và cố gắng chứng Tuệ, nhờ có người
khác dắt dẫn, khuyên bảo. Còn các vị Tùy pháp hành là những
vị tự tu các pháp Trợ đạo nhờ học hỏi kinh điển (dvàdasàngà
= 12 bộ kinh). Tập Pugglapannatti chỉ nói trong những vị tu
hành để chứng quả Dự lưu, những vị nào có Tín căn thù
thắng thì gọi là Tùy tín hành; những vị nào có Tuệ căn
thù thắng thì gọi là Tùy pháp hành. Hạng thứ nhất, khi
chứng được quả Dự lưu, được gọi là Saddhàvimutta
(Tín giải thoát) và hạng thứ hai được gọi Ditthippatta
(Kiến đắc nhân). Sự sai khác độc nhất giữa hai hạng này
là hạng đầu trừ diệt được một vài àsava (lậu hoặc)
nhưng không nhiều bằng hạng thứ hai. Vì rằng, trên con
đường tiến tới Niết bàn, có:
I) hai Dhuras (hành,
trách nhiệm): - Saddhà (Tín) và Pannà (Huệ),
II) hai Abhinivesa (Chấp trì): - Samatha (chỉ) và Vipassannà
(Quán), và
III) hai Sìsas (đầu): - Ubhatobhàgavimutta (Câu phần giải
thoát) và Pannàvimutta (Huệ giải thoát).
Những vị thực hành
theo Pannàdhura và Samathàbhinivesa được gọi là Dhammanusàr
trong giai đoạn Dự lưu đạo (Sotàpattimagga), Kàyasakkhì
(Thân chứng nhân) trong sáu giai đoạn kế tiếp và
Ubhatobhàgavimutta trong giai đoạn A-la-hán; những vị thực
hành theo Pannadhura nhưng trừ Vipassanàbhinivesa được gọi là
Dhammànusàri trong giai đoạn Dự lưu đạo, Ditthippatta trong 6
giai đoạn kế tiếp và Pannàvimutta trong giai đoạn A-la-hán;
những vị thực hành theo Saddhàdhura và Samathàbhinivesa được
gọi là Saddhànusàrì trong giai đoạn Dự lưu đạo; Kàyasakkhì
trong sáu giai đoạn kế tiếp, và Ubhatobhàgavimutta trong giai
đoạn A-la-hán; những vị thực hành theo Saddhàdhura, trừ
Vipassanàbhinivesa, được gọi là Saddhànusàrì trong giai đoạn
Dự lưu đạo, Saddhàvimutta trong sáu giai đoạn kế tiếp và
Pannàvimutta trong giai đoạn A-la-hán.
Những vị được gọi
là Tùy tín hành hay Tùy pháp hành đạt giai đoạn thứ hai của
Thánh đạo được gọi là Sotàpattiphala (Dự lưu quả), và
cũng gọi là Sattakkhattuparama (Cực thất phản sanh). Cũng
được nói đến những đặc tánh cần phải có để trở
thành một vị Dự lưu. Trong tập Samyuttanikàya, Ngài Xá Lợi
Phất hỏi Ngài A Nan: "Bao nhiêu pháp cần phải bỏ đi và
bao nhiêu pháp cần phải chứng đạt để trở thành một
Sotàpanno avinipàtadhammo viyato sambodhiparàyano (một vị Dự lưu
không còn thối đọa và nhất định chứng được Thắng tuệ)".
Ngài A Nan trả lời cần phải vững tin Tam bảo, đầy đủ
các giới luật được các bậc có trí tán thán và ưa thích.
Những đặc tánh ấy gọi là Sotàpatiyangas (Dự lưu chi). Một
người có được bốn Dự lưu chi (Sappurisasamsavà=Thiện sĩ
thân cận, Saddhammasavanam=Chánh pháp thính văn, Yoniso manasikàro=Như
lý tác ý, Dhammànudhammapatipatti=Pháp tùy pháp hành) sẽ
thoát khỏi năm ác nghiệp là sát sanh, thâu đạo, tà dâm,
nói láo và uống rượu. Tập Samyutta Nikàya cũng nói khi một
Ariyasàvaka (Thánh đệ tử) biết được vị ngọt, sự nguy
hiểm và con đường thoát khỏi các căn (indriya), nghĩa là lạc,
khổ, hỷ, ưu và xả, vị ấy thành một Dự lưu. Trong một
bài kinh liên hệ đến Anàthapindika (Cấp cô độc) bị đau
bệnh, có nói rằng một phàm phu cũng phải cố gắng thực
hành Bát chánh đạo cộng thêm Sammànàna (Chánh trí) và
Sammàvimutti (Chánh giải thoát), kể cả 4 Dự lưu chi.
Sự thật, các Dự lưu
chi chỉ là giai đoạn chuẩn bị dù rất cần thiết, để
thật sự bắt đầu những hạnh đưa đến Dự lưu quả. Các
bổn phận phải làm sau các Dự lưu chi là cần tăng trưởng
pìti (hỷ), pàmojja (hoan duyệt), passaddhi (khinh an), samàdhi (định)
và sự thực hành sáu vijjà (hay nibbedha) - bhàgiyadhammà (minh
phần pháp), tức là quán niệm (anupassanà) về:
I) tánh vô thường của
pháp hữu vi,
II) khổ vì tánh vô thường,
III) vô ngã của sự vật,
IV) đoạn,
V) vô tham, và
VI) diệt (nirodha).
Các tập Nikàyas không
đi sâu vào chi tiết về sự cố gắng của người tu hành
trong giai đoạn Dự lưu để hiểu tánh vô thường, khổ và
vô ngã hay bốn Thánh đế. Trong tập Dìghanikàya, chỉ nói một
cách sơ lược có bốn trí về Khổ, Tập, Diệt và Ðạo. Tập
Patisambhidàmagga có giải thích bốn Trí này và nói một người:
"biết tìm tòi, nghiên cứu, hiểu rõ, phân tích v.v... cả
bốn sự thật này mới được xem là hiểu hết bốn sự thật.
Vấn đề này được tập Kosa đặc biệt nghiên cứu và có
thể tóm tắt ở đây. Có hai Màrgas (Ðạo ), Darsana (Kiến)
và Bhàvanà (Tu). Tu đạo bắt đầu với giai đoạn cuối cùng
của kiến đạo. Kiến đạo có đến 16 Ksana (sát-na) biết
sự thật, phân ra như sau:
1) Duhkhe dharmajnànaksànti
(Khổ pháp trí nhẫn)
2) Samudaye (Tập pháp
trí nhẫn)
3) Nirodhe (Diệt pháp
trí nhẫn)
4) Màrge (Ðạo pháp
trí nhẫn)
(Do tín mới biết sự
vật ở Dục giới là đầy Dukkha, bị Samudaya và Nirodha
chi phối, và cũng có con đường Màrga đưa đến sanh và
diệt của sự vật).
5) Duhkhe dharmajnàna (Khổ
pháp trí)
6) Samudaye (Tập pháp
trí)
7) Nirodhe (Diệt pháp
trí)
8) Màrge (Ðạo pháp
trí)
(Thật sự đã chứng
được sự vật ở Dục giới là đầy Dukkha, bị Samudaya
và Nirodha chi phối, và cũng có con đường Màrga đưa đến
sanh và diệt của sự vật).
9) Duh khe anvayajnàna
ksànti (Khổ loại trí nhẫn)
10) Samudaye (Tập loại
trí nhẫn)
11) Nirodhe (Diệt loại
trí nhẫn)
12) Màrge (Ðạo loại
trí nhẫn)
(Do trí mới biết sự
vật ở Sắc giới và Vô sắc giới là đầy Dukkha, bị
Samudaya và Nirodha chi phối, và có con đường Màrga đưa đến
sanh và diệt của sự vật).
13) Duhkhe anvayajnàna (Khổ
loại trí)
14) Samudaye (Diệt loại
trí)
15) Nirodhe (Diệt loại
trí)
16) Màrge (Ðạo loại
trí)
(Thật sự đã chứng
được sự vật ở Sắc giới và Vô sắc giới là đầy
Dukkha, bị Samudaya và Nirodha chi phối, và cũng có con đường
Màrga đưa đến sanh và diệt của sự vật).
Tập Kathàvatthu nêu rõ
những giai đoạn tiến triển tương tự của một Srotàpattiphala-pratipannaka
trong khi vị này đang ở trong Darsanamàrga (Kiến đạo):
Nhờ Dukkhadassana, vị
này bỏ một phần nào, chưa được hoàn toàn, thân kiến,
nghi và giới cấm thủ và những phiền não liên hệ.
Nhờ Samudayadassana, vị
này hoàn toàn bỏ thân kiến, nhưng nghi và giới cấm thủ
và các phiền não liên hệ chưa được bỏ hoàn toàn.
Nhờ Nirodhadassana, vị
này hoàn toàn bỏ nghi nhưng chưa bỏ hoàn toàn giới cấm
thủ và các phiền não liên hệ.
Cả ba giai đoạn trên,
vị này chưa thật là một vị Dự lưu hay Sattakhattuparama
(Cực thất phản sanh) hay Kolankula (Gia gia) hay Ekabìgi (Nhất
chủng).
Nhờ Maggadassana, vị
này hoàn toàn bỏ giới cấm thủ và một phần nào các
phiền não.
(Nay vị ấy là Dự lưu).
Tập Kosa cho chúng ta biết,
một vị tu hành, trên con đường tiến triển theo các Ksana
này được gọi là Sraddhànusàrì (Tùy tín hành),
Dharmànusàri (Tùy pháp hành) hay Srotàpattiphalapratipannaka (Nhập
Dự lưu quả hướng) cho đến Sát-na thứ 15. Trong Sát-na thứ
16, vị này được xem là đã an trú vào (sthita) trong Dự lưu
quả và như vậy được xem là đã chứng được Catuhsatyàbhisamaya
(Tứ đế hiện quán). Sự chứng quả này, hay một cách
khác, sự thành tựu Darsanamàrga (Kiến đạo) khiến người
tu hành thoát khỏi phiền não Avastuka (tức là Thân kiến
v.v...) và trở thành một vị Thánh (Àrya), nghĩa là một người
có khả năng trôi theo giòng Thánh vị Bát chánh đạo. Vị
ấy không còn gọi là Tùy tín hành hay Tùy pháp hành, và
được gọi là một vị Dự lưu.
Tiền Thánh vị, sự thật,
định đoạt con đường tu hành về sau. Nếu chỉ mong moksa
(giải thoát) và Niết bàn và chất chứa các thiện căn không
cao thượng lắm như các nhà Tiểu thừa đã làm, người tu
hành là một Sravaka (Thanh văn). Nếu tha thiết chứng được
Phật quả để cứu độ thế giới, nghĩa là phát Bồ đề
tâm và chất chứa thiện căn của một vị xuất chúng, người
tu hành ấy được gọi là một Bodhisattva (Bồ-tát).
Pramudita
(Hoan hỷ địa)
Người tu hành, khi tâm
trí đạt được những đức tánh nói trên, đã vượt khỏi
địa vị phàm phu và chắc chắn trở thành một vị Bồ-tát.
Nay vị ấy được xem là thuộc gia đình của Như Lai, trở
thành Anavadya (không còn bị chỉ trích) về tàn tích trong sự
thọ sanh (sarva jàtivàdena), chấm dứt các đời sống thế tình,
hướng đến các đời sống xuất thế, an trú vào bình đẳng
tánh của vị Bồ-tát (Bodhisattvadharmatà), thiện trú trong vị
trí của vị Bồ-tát, hiểu được tánh bình đẳng, sẽ
được nhận vào gia đình Như Lai trong tất cả thời, và cuối
cùng sẽ thành Phật. Vị Bồ-tát như vậy, khi còn trong địa
này có pràmodya (hân hoan), pra-sàda (tín), prìti (hỷ),
utplàvanà (thượng hỷ), udagrì (cực hỷ), usi (hương thơm),
utsàha (tinh tấn), và trở thành asamrambha (không có mạn),
avihimsà (bất hại) và akrodhà (vô hận). Các vị jinapùtras
(Phật tử) trở thành hoan hỷ khi nghĩ đến các đức Phật,
giáo pháp, những Bồ-tát hạnh và các hạnh Pàramità
(Ba-la-mật). Các vị này hoan hỷ cũng vì tự biết mình ra
ngoài các thế tình, gần Phật địa, Jnànabhùmi (Trí địa)
và đoạn trừ những đời sống ở địa ngục và ác thú.
Các vị này trở thành những ý chỉ cho mọi loài chúng
sanh, luôn luôn ở trong tầm nhãn quan của Như Lai và loại
trừ mọi sự sợ hãi vì không có tham ái cho mình và đối
với sự vật. Các vị này không mong một ai giúp đỡ mình,
trái lại sẵn sàng giúp đỡ tất cả chúng sanh. Vì không
có quan niệm về ngã, nên không sợ chết, vì biết rằng
mình có chết cũng luôn luôn hầu cận chư Phật và chư vị
Bồ-tát.
Rồi các vị Bồ-tát,
với chí nguyện cao thượng và với tâm niệm Ðại bi lên
hàng đầu, cố gắng tinh tấn làm thêm các thiện sự. Vì
các vị này có nhiều Sraddhà (tín), prasàda (tịnh), adhimukti
(thắng giải), avakalpanà (thực giải), krpàkarunà (từ bi),
mahàmaitri (Ðại từ), và với một tâm trí kiên trì với
hrì (tàm), apatràpya (quý), qsànti (nhẫn), sàvraty (trọng hậu),
thán phục giáo lý và nhờ thiện trí thức ủng hộ, các vị
này được an trú trong Ðịa thứ nhất. Rồi các vị này
có những đại nguyện như sau:
1) Kính lễ chư Phật
dưới mọi hình thức và hết sức trang trọng;
2) Bảo trì và gìn giữ
giáo lý đức Như Lai;
3) Chứng kiến Phật
xuất hiện trong mọi thế giới và theo hầu chư vị Bồ-tát
trong đời sống sau cùng của những vị này, từ khi xuống
cung trời Ðâu suất cho đến khi nhập Niết bàn.
4) Thực hành tất cả
Bhùmi (Ðịa) với các hạnh Ba-la-mật;
5) Giúp chúng sanh được
thuần thục và chứng toàn giác;
6) Làm cho thanh tịnh
mọi Phật sát bằng cách viếng thăm các chỗ ấy;
7) Hiểu hết sự sai
biệt vô lượng giữa sự vật trong mọi thế giới;
8) Khuyến khích các vị
Bồ-tát phát triển mọi đại nguyện và góp nhặt công đức
từ đại nguyện ấy, chứng một căn bản duy nh?t và đồng
nhất cho tất cả Bồ-tát, hầu hạ tất cả đức Phật,
chứng kiến Phật xuất thế khi nào cần thiết, trải qua
mọi hình thức của sự sống với tự thân của mình,
thâm hiểu và truyền bá giáo lý Ðại thừa.
9) Làm phận sự của
một vị Bồ-tát, làm các hạnh lành về thân, khẩu và
ý, chứng ngộ Phật pháp một lần và tất cả, đoạn trừ
các đau khổ với lòng tin, được một thân như Ðại y vương
(Mahà bhaisa-jyaràjà) hay giống như viên ngọc như ý và
nói được những lời nói không bao giờ vô ích; và
10) Chứng được chánh
đẳng giác trong mọi thế giới, sanh ra như một người
thường nhưng không bước xa chánh đạo một sợi tóc, xuất
gia bỏ thế tục, làm các thần thông, chứng Bồ đề dưới
cây Bồ đề, chuyển Pháp luân và cuối cùng chứng Ðại
bát Niết bàn.
Trong khi còn ở trong
HOAN HỶ ÐỊA, các vị Bồ-tát phát vô lượng đại nguyện,
trong đó có 10 đại nguyện chính. Các vị này thương xót
vô lượng chúng sanh bị tà kiến dắt dẫn sai lạc, bị vô
minh dục vọng v.v... làm mờ ám, tiếp tục tái sanh trong ba
giới, và theo luật nhân quả, tăng trưởng sự đau khổ cho
chính mình. Các vị Bồ-tát cố gắng an trú trong Niết bàn,
hạnh phúc tối thượng.
Khi ở trong địa thứ
nhất, các vị này tăng tấn lòng từ bi và thực hành hạnh
Mahàtyàga (Ðại xả), từ bỏ của cải, con, vợ v.v... tìm
sự vật thế gian và xuất thế gian và như vậy trở thành
tinh thông các bộ Sàstra (luận) và do vậy có thể phân biệt
cái gì thiện và bất thiện cho chúng sanh. Các vị này trở
thành Lokajnà (thế gian trí giả). Nhờ luôn luôn cúng dường
và tôn trọng sàsana (giáo pháp), các vị này thành tựu được
10 thiện tánh cần thiết để thanh tịnh 10 Ðịa: Sraddhà
(Tín), Karunà (Bi), Maitri (Từ), Tyàga (Xả), Khedasahisnutà (Nhẫn
chịu khổ cực), Sàstrajnatà (Tinh thông luận bộ), Lokajnatà
(Thế gian trí), khiêm nhường, tàm quý, kiên trì, và khả năng
đảnh lễ Như Lai. Các vị này thấy rất nhiều đức Phật,
cúng dường với những lễ vật cần thiết, đảnh lễ chư
vị tăng già và hồi hướng các công đức để chứng vô
thượng giác, có khả năng nhiếp hóa chúng sanh nhờ bố
thí và ái ngữ (priyavadya) và adhimukti (đại nguyện). Ngoài
ra còn kể hai nhiếp pháp khác (samgrahavastu) cũng được thành
tựu nhưng chưa chứng Nhất thế trí. Trong 10 Ba-la-mật, bố
thí Ba-la-mật là đệ nhất. Một vị Bồ-tát chứng Ðịa
thứ nhất có khả năng làm vua xứ Diêm phù đề (Sambudvìpa),
trở thành vị lãnh đạo lấy chánh pháp trị nước, luôn
luôn hướng về Tam bảo, Bồ-tát hạnh và vô thượng trí.
Muốn trở thành vị lãnh đạo chúng sanh, vị Bồ-tát xuất
gia thọ giới, và trong một sát-na nhập 100 thiền định, diện
kiến 100 đức Phật và thực hành những hành vi kỳ diệu
khác.
Tương
đương giữa
Bhùmi (Ðịa) với Magga (Ðạo) và Phala (Quả)
Hệ thống Tiểu thừa
không có gì tương đương với địa thứ nhất của Ðại
thừa, vì không dính với Bồ đề tâm, Nguyện, Từ, Bi và
10 đức tánh cần cho một vị Bồ-tát để mạnh tiến trên
10 Ðịa.
Chính từ Ðịa thứ
hai, hệ thống Tiểu thừa mới có những giai đoạn tương
đương với hệ thống Ðại thừa. Tập Bodhisattvabhùmi và
Madhyamkàvatàra chú ý đến điểm này trong khi đề cập đến
các Bhùmi.
Trong hệ thống Tiểu
thừa, về các vị thứ tu hành, thường nói rằng một vị
tu hành sẽ trở thành một Dự lưu và Nhất lai nhờ theo giới
Adhisìla (thắng giới), một vị Bất lai nhờ theo định
Adhicitta (thắng định) và một vị Bồ-tát nhờ theo huệ
Adhipannà (thắng tuệ). Nếu nay chúng ta so sánh với các Ðại
thừa Ðịa như đã được gọi trong Bodhisattvabhùmi, sự
liên hệ giữa các Ðịa tiểu thừa với các Ðịa đại thừa
trở thành rõ ràng. Như vậy chúng ta cũng có thể đặt tên
cho các vị thứ tu hành Tiểu thừa như (1) Puthujjana trừ
Gotrabhù (Phàm phu trừ Chuyển tánh), (2) Adhisìla (Thắng giới),
(3) Adhicitta (Thắng định), và (4) Adhipannà (Thắng tuệ). Nay
nếu chúng ta đem so sánh với những vị thứ tu hành Ðại
thừa như đã ghi trong tập Bodhisattvabhùmi, thời sự liên lạc
giữa các Ðịa tiểu thừa và đại thừa trở thành rõ
ràng. Các Ðịa ấy như sau:
1) Gotravihàra (Tánh
trú)
2) Adhimukticaryà
vihàra (Niệm hành trú)
3) Pramudità vihàra
(Hoan hỷ trú)
4) Adhisìlavihàra (Thắng
giới trú)
5) Adhicittavihàra (Thắng
định trú)
6), (7) và (8)
Adhiprajnàvihàra (Thắng tuệ trú)
9)
Sàbhisamskàra-sàbhoga-nirnimitta-vihàra (Hữu hành hữu lực
vô tướng trú)
10)
Anàbhoga-nirnimitta-vihàra (Vô lực vô tướng trú)
11) Pratisamvid-vihàra
(Vô ngại biện trú), và
12) Parama-vihàra (Vô
thượng trú)
Trong 12 vihàras này,
chúng ta đã nói đến 2 vihàras đầu, các Ðịa dự bị, thường
không được ghi trong danh sách các Ðịa thông thường và tương
đương với Tiểu thừa phàm phu Ðịa, hay Tiền dự lưu Ðịa.
Do vậy, nếu để ngoài hai Ðịa này, chúng ta có danh sách
10 Ðịa. Rõ ràng 5 Ðịa (4-8 của tập Bodhisattvabhùmi và 2-6
của tập Dasabhùmikasàstra) tương đương với 4 vị thứ Tiểu
thừa. Các tuệ và quả vị cao hơn mà các vị Bồ-tát tự
xem chỉ mình có, và theo các nhà Ðại thừa là vượt ngoài
khả năng của các nhà Tiểu thừa, chỉ được chứng ngộ
trong bốn Ðịa sau cùng.
Vimàla
hay Adhisìla (Vô cấu hay Thắng giới)
Một vị Bồ-tát đã
thực hành Ðịa thứ nhất một cách chính xác và muốn chứng
Ðịa thứ hai, cần phải tu tập thêm 10 Cittàsayas (Tâm hướng):
Rju (chánh trực), Mrdu (nhu nhuyến, mềm), karmanya (kham năng),
Dama (điều phục), sama (tịch tịnh), kalyàna (thuần thiện),
asamsrsta (bất tập), anapeksa (vô cố luyến), udàra (quảng
quyết) và mahàtmya (đại tâm).
Khi mười àsayas này
được thành tựu, vị Bồ-tát chứng được Ðịa thứ hai,
Vimalà (Vô cấu địa). Vị này tự nhiên không còn
pranàtipàta (sát sanh), adattàdàna (thâu đạo), kàmamithyàcàra
(tà dâm), anrtava=cana (vọng ngữ), pisunavacana (lưỡng thiệt),
arusavacana (ác khẩu), sambhinnapralàpa (ỷ ngữ) và trở thành
anbhidyà (không hà tiện), avyàpannacitta (không sân hận) và
thành tựu được samyagdrsti (chánh tri kiến). Vị Bồ-tát liền
nghĩ rằng mọi chúng sanh khổ đau chỉ vì không tránh 10
nghiệp bất thiện (akusalakarmapathas). Do đó, vị Bồ-tát phải
khuyên chúng sanh theo chánh hạnh, và với mục đích ấy, vị
Bồ-tát trước hết phải tự mình thực hành chánh hạnh.
Vị Bồ-tát suy nghĩ rằng
loài người được phân loại theo thiện nghiệp của mình
và các hành động khác, do vậy trở thành loài người, chư
thiên, Thanh văn, Ðộc giác, Bồ-tát và đức Phật. Vị này
cũng suy nghĩ rằng do làm các hành bất thiện mà loài người
sanh trong địa ngục, súc sanh, dạ xoa, hay loài người với
đời sống chết yểu và nhiều bệnh tật. Do vậy, vị Bồ-tát
quyết định làm 10 điều thiện và khuyến khích các người
khác làm. Vị này khởi lòng từ bi thương xót mọi loài
chúng sanh, tự xem mình có bổn phận làm một bậc thầy, một
vị hướng dẫn, chuyển tà kiến của chúng sanh thành chánh
kiến. Vị Bồ-tát nhận thấy chúng sanh vì phẫn nộ, hà tiện,
tham ái, hận thù, si mê, ám chướng, không tinh tấn v.v...
nên phải trôi lăn trong làn sóng dục ái, hữu ái, vô minh,
bị trói buộc trong tham sân, ưa ghét và bị chi phối bởi
ảo tưởng có Ta và cái của Ta. Do lòng từ bi, vị Bồ-tát
phát tâm cứu độ chúng sanh ấy và hướng chúng đến cõi
thanh bình tịnh lạc.
Khi ở trong Ðịa này,
vị Bồ-tát có thể thấy nhiều đức Phật, kính lễ Ngài
và hồi hướng công đức ấy đến chứng quả Bồ đề. Vị
Bồ-tát đón nhận các thiện nghiệp từ những đức Phật
ấy, trải nhiều kiếp cố gắng tu hành, diệt trừ màtsarya
(xan tham) và thực hành hạnh bố thí. Trong 4 nhiếp pháp, vị
Bồ-tát tăng cường priyavadya (ái ngữ), và trong 10 Ba-la-mật,
thực hành nhiều nhất giới Ba-la-mật, chứ không phải các
Ba-la-mật khác. Nếu một vị Bồ-tát, sau khi chứng Ðịa thứ
hai, muốn được giàu sang phú quý, có thể trở thành một
vị Chuyển luân thánh vương với bảy món châu báu v.v...
Chúng ta thấy rõ, với
bản tường thuật trên, Ðịa thứ hai rất giống với
Adhisìla (Thắng giới) của Tiểu thừa, lẽ dĩ nhiên phải bỏ
ngoài các adhyàsayas của các vị Bồ-tát. Trong tập
Visuddhimagga, có tuyên bố rằng sự thực hành các giới hạnh
đưa đến thanh tịnh giới phẩm và làm căn bản chứng quả
Dự lưu và Nhất lai. Trong chương đầu tập Visuddhimagga, Ngài
Buddhaghosa nói nhiều về các hạnh tu hành của các vị tại
gia, cư sĩ, nam tu sĩ, nữ tu sĩ, và thêm vào chương thứ hai
về 13 hạnh Ðầu đà (Dhutanga) mà Ngài xem là rất cần thiết
để thành tựu các giới hạnh một cách viên mãn. Các tập
Nikàyas nói đến Sìla (giới) tức nói đến 10 giới và 250
căn bản giới. Do thành tựu viên mãn các Sìlas và một ít
Samàdhi (Ðịnh) và Pannà (Tuệ), người tu hành trở thành một
bậc Dự lưu và Nhất lai. Chúng ta biết một vị Dự lưu giải
thoát khỏi ba Samyojanas (kiết sử) và hai Anusaya (tùy miên),
tà kiến và nghi. Nhờ làm cho nhẹ bớt (tanutta) ba kiết sử
ràga (tham), dosa (sân) và moha (si), nhờ đoạn sạch các
anusayas (tùy miên), kàmaràga (dục ái) và patigha (sân) và nhờ
tu hành thêm một ít Ðịnh và Tuệ, người tu hành trở
thành một vị Nhất lai. Trong tập Patisambhidàmagga (tr.96),
có nói rằng một người tu hành trong Dự lưu quả, Nhất
lai hướng v.v... chứng được Annindriya (Tuệ căn) và các
pháp đã sẵn có được biểu lộ, và những tư tưởng mới
khởi lên trong tâm được trong sạch, siêu thế và hướng
đến Niết bàn. Một vị Dự lưu cũng trừ diệt hoàn toàn
ditthàsava (kiến lậu) và cả ba lậu khác đưa đến địa
ngục, còn một vị Nhất lai diệt trừ dục lậu thô tháo
và một phần hữu lậu và vô minh lậu. Ngoài những quả vị
phải đạt được trong Dự lưu hướng, vị tu hành phải
nghĩ đến sự vô thường và vô ngã của năm thủ uẩn.
Có hai giai đoạn giữa
Dự lưu và Nhất lai được gọi là kolamkola (kulankula=gia
gia) và ekabìjì (ekavìcika=Ðoạn nhất gian). Ai diệt trừ ba
kiết sử (samyojàna), thành tựu các giới hạnh (sìla) và thực
hành một ít Ðịnh và Tuệ thường được gọi là một vị
Dự lưu. Vị ấy cũng được gọi là sattakhattuparama (tối
đa bảy lần) vì phải sanh bảy lần làm người hay chư Thiên
trước khi chứng Niết bàn. Vị này không bao giờ phải rơi
vào địa ngục và thế nào cũng chứng được Niết bàn sau
khi đoạn trừ thêm hai avarabhàgiya (orambhàgiya=hạ phần kiết
sử), tức là kàmacchanda (Dục ái) và Vyàpàda (Sân) và năm
urdhvabhàgiya (uddhambhàgiya: cao hơn) Thượng phần kiết sử,
tức là rùparàga (sắc tham), arùparàga (vố sắc tham),
auddhatya (trạo cử), màna (mạn) và moha (si).
Một vị Dự lưu trở
thành một kulankula sau khi đoạn trừ phiền não thứ ba và
thứ tư ở Dục giới và chứng được các căn thanh tịnh
hơn so sánh với các phiền não. Vị này sẽ sanh lại hai hay
ba lần giữa các chư Thiên, khi ấy được gọi là
Devakulankula, hay giữa các loài người, khi ấy được gọi là
manusyakulankula (Kosa, II, 34). Các tập Nikàyas không có phân biệt
rõ ràng Dự lưu và Kolamkola. Tập Visuddhimagga có sự phân biệt
giữa hai quả vị này, nói rằng các vị Kolamkolas có
vipassanà (quán) và indriya (căn) thuộc loại trung phẩm, còn
các vị Dự lưu thuộc loại hạ phẩm.
Giai đoạn kế tiếp
Ekabìjì (Ekavìcika) được các tập Pàli đặt sau Kolamkola và
trước Nhất lai (VI, 35-36). Theo các tập Pàli, các vị
Ekabìjì hơn các vị trước vì có phát triển Ðịnh và Tuệ
nhiều hơn, nhưng không thể thành tựu một cách hoàn toàn.
Tập Visuddhimagga thêm rằng các vị này có lợi căn (tikkhìndriya),
nhờ vậy những vị này chỉ phải sanh có một lần giữa
loài người (mànusakam bhamam) trước khi chứng Niết bàn. Một
vị Nhất lai được diễn tả tương tự, chỉ có không nói
rõ là phải tái sanh giữa loài người hay chư Thiên, các tập
chỉ nói imam lokam àgantvà, nghĩa là phải tái sanh ở Dục
giới và Dục giới gồm cả chư Thiên và loài người. Dù
thế nào đi nữa, các vị Nhất lai giảm trừ đến mức tối
đa các phiền não ràga, dosa và moha.
Tập Kosa nói rằng một
vị Nhất lai đoạn trừ các phiền não (klesa) đến phiền não
thứ sáu. Sau khi đã sanh giữa các chư Thiên, vị này sẽ
được tái sanh giữa loài người, giảm trừ ràga, dvesa và
moha đến mức tối đa và chỉ còn ba phiền não thấp nhất
cuối cùng là mrdvadhimàtra (cực độn), mrdumadhya (trung độn)
và mrdumrdu (độn độn). Các vị Ekavìcika được phân biệt
khác các loại khác vì đã diệt trừ phiền não thứ bảy
hay thứ tám và chứng được các indriyas (căn) đối lập các
phiền não ấy. (Kosa, VI, 36 nói rằng vìci nghĩa là gián
cách, các vị này gián cách Niết bàn chỉ còn một lần
tái sanh mà thôi. Theo Pàli, bìja có nghĩa là hột giống,
khác hẳn với nghĩa của Câu xá).
Sự phân biệt Dự lưu
thành ba loại cũng được tập Lankàvatàna (Lăng già) nói đến.
Theo tập này, các vị Dự lưu có ba hạng: hìna (hạ), madhya
(trung) và visìsta (thượng). Các vị ở hạ phần phải tái
sanh bảy lần, các vị trung phần ba hay năm lần và các vị
thượng phần (ekavìcika) chỉ có một lần thôi. Các kiết sử
thân kiến, nghi và giới cấm thủ thuộc về độn, trung hay
lợi tùy theo các hạng Dự lưu. Một vị Dự lưu, sau khi trừ
diệt ba kiết sử, không còn có tham, sân, si. Ở đây tập
Lankà (tr.119) khác với các tập Tiểu thừa, các tập này
xem Nhất lai làm giảm thiểu tham, sân, si đến mức tối
đa. Khi nói đến các vị Nhất lai, tập Lankàvatàra chỉ
nói đến các vị này cần phải tái sanh một lần nữa để
diệt trừ khổ đau. Giai đoạn tiếp theo Nhất lai là
Anàgàmi (Bất lai), tương đương với Ðịa thứ ba của các
nhà Ðại thừa.
---o0o---
Mục
lục
|
1.1
|
1.2
|
2.1
|
2.2
|
3.1
|
3.2
|
3.3
|
3.4
|
3.5
|
4.1
|
4.2
|
5
---o0o---
|
Thư Mục Tác Giả |
---o0o---
Chân thành
cám ơn Đạo hữu Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Quang Duc Website, tháng 5, 2002)
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật : 01-05-2002