ÐẠI THỪA VÀ SỰ
LIÊN HỆ VỚI TIỂU THỪA
Nguyên tác: Nalinaksha Dutt
HT.
Thích Minh Châu dịch,
Ấn hành 1971 (tái bản 1999)
---o0o---
KẾT
LUẬN
Những điểm dị đồng
về quan điểm Niết bàn vừa được nêu trên đưa đến những
kết luận như sau:
Niết bàn Tiểu thừa
hay Niết bàn được diễn tả trong nền văn học Thượng tọa
bộ rõ ràng nói đến một tánh Ðơn Nhất luôn luôn có mặt,
ra ngoài ba giới (Dục, Sắc và Vô sắc giới). Niết bàn vô
biên, bất khả nghĩ nghì, bất sanh, bất hoại. Niết bàn
nay thuần vị (ekarasa) và không biết có cá tánh. Trong Niết
bàn, mọi phân biệt đều chấm dứt. Nhiều khía cạnh của
àkàsa (hư không) và biển đại dương có thể so sánh với
các khía cạnh của Niết bàn.
Mọi chúng sanh là sự
tóm họp của nhiều pháp, có thể chia thành năm uẩn: Sắc,
thọ, tưởng, hành và thức; do vậy mọi chúng sanh không phải
hoàn toàn sai khác với một chúng sanh khác, một người thường
không khác với một bậc Thánh hoàn toàn. Nhưng nếu chúng
ta xét tánh cách và mức độ của mỗi một uẩn trong năm uẩn
hiện có trong một cá nhân, thời một chúng sanh khác với một
chúng sanh khác, một người thường khác với bậc Thánh.
Chính ở điểm này mà câu "na ca so na ca anno"
(không phải vậy và không phải khác) của đạo Phật được
giải thích.
Sự kết hợp các uẩn
là kết quả của Karma (nghiệp quá khứ) và xảy ra trong từng
sát-na một với hàm nghĩa sự tiêu hủy các pháp luôn luôn
xảy ra trước sự kết hợp. Các pháp trong một hình thức
kết hợp được xem là một cá nhân, và từ thời thượng
cổ, cá nhân này hoạt động dưới quan niệm sai lầm của
một ngã và ngã sở. Kiến thức của nó bị bóp méo hay mê
mờ bởi vô minh, không thấy được sự thật là tánh vô thường
của sự kết hợp và tan rã của các pháp. Trái lại, nó bị
các pháp lôi cuốn. Một bậc Thánh, với kiến thức sáng suốt
nhờ sự thi hành các phương pháp Phật dạy chứng ngộ trạng
thái chân thật của sự vật, nghĩa là một cá nhân gồm
có 5 uẩn, và không có một linh hồn thường còn và không
đổi.
Các pháp hay uẩn, tập
họp theo sức mạnh của Karma (nghiệp), được xem như là một
cá nhân và trở thành mê ám bởi những quan niệm sai lầm.
Nó tự dệt một màn lưới tưởng tượng xung quanh mình và
tin rằng mình có liên lạc cách này hay cách khác với sự vật
và cá nhân khác. Bởi những mê mờ ấy, nó cảm thọ vô tận
đau khổ hay theo các nhà Ðại thừa, tự nghĩ mình là đau
khổ, vì nó tưởng có sự cách biệt giữa mình và vật hay
người mà nó luyến ái, hay bởi những lộn xộn hay sự rối
loạn của thân thể hay tâm trí.
Chính vì những cá
nhân gọi là mê mờ này mà đạo Phật dạy Bát chánh đạo.
Nhờ theo Bát chánh đạo, một cá nhân, cuối cùng sẽ chứng
nhận tánh vô thường của mọi vật, mà cho đến nay, cá
nhân xem như là có một hình thức đời sống, và tìm thấy
rằng các pháp hay uẩn, mà tự mình xem như là các phần tử
tác thành đời sống của mình, cuối cùng không phải là những
thành phần đặc biệt riêng của mình, mà chung cho tất cả
các đời sống tạm gọi là chúng sanh khác. Khi ấy, cá
nhân kia được xem là đã chứng Niết bàn, nghĩa là một trạng
thái tâm linh trong ấy, vị kia không còn phân biệt mình như
một cá nhân sai khác với những pháp vô tận tạo thành vũ
trụ. Nói một cách khác, tất cả cá nhân đều tận diệt
trong Niết bàn. Trong trạng thái Niết bàn này, đức Phật
Gautama không khác Ngài Sàripùtra - tất cả đều là một và
giống nhau.
Quan điểm Ðại thừa
về Niết bàn hoàn toàn sai khác các nhà Tiểu thừa. Ðiểm
căn bản sai biệt là các nhà Ðại thừa hoàn toàn không chấp
nhận sự có mặt của một pháp nào cả. Các vị này không
biết một sự thật nào khác ngoài chân lý, và đó là
Dharmakàya hay Dharmadhàtu. Nhiều khía cạnh của quan niệm Ðại
thừa được diễn đạt qua những danh từ sai khác được dùng
trong các tác phẩm Ðại thừa. Ví dụ, khi Niết bàn được
xem là giống với Sùnyatà (chân không), có hàm ý rằng mọi
sự vật mà không thường xem là thật có, thật sự không
có hiện hữu, như một ảo ảnh, không có một thực chất
nào. Như prthivì-dhàtu (Ðịa đại) là không thật có
(sùnya) sanh, diệt hay một sự hiện hữu nào (Siksà, tr.246).
Khi Niết bàn được xem là giống với Tathatà (như thực tánh)
hay Dharmatà (Pháp tánh), có hàm ý mọi sự vật trong thế giới
này căn bản đều bình đẳng giống nhau, không có một danh
gì và thực chất gì (Lankà; tr.226). Niết bàn là cái gì
không hiện hữu và không không hiện hữu. Sùnyatà đại diện
cho khía cạnh tiêu cực và Tathattà đại diện cho khía cạnh
tích cực của sự thật. Khi Niết bàn được gọi là
bhùtakoti (giới hạn chân thật), Niết bàn có nghĩa, sau khi
phân tích các pháp, mà chỉ là danh xưng giả tạo, người
ta cuối cùng chứng được sự thật, không thể vượt xa
hơn được nữa, và chỉ có sự thật này mới chân thật.
Những danh từ khác thường được dùng như là đồng nghĩa
với Niết bàn: Avitathatà (không phải không như thật),
ananyatathatà (không khác với như thật), aviparyàsatathatà
(không thể đảo ngược lại); paramàrtha (đệ nhất nghĩa
đế), tattva (bản thể); acintyadhàtu (vật thể không thể hiểu
được); dharmadhàtu (pháp giới), dharmasthiti (thể chất của
sự vật), suprasànta (tối thượng an tịnh, không bị chi phối
bởi sanh diệt); advaya va advaihìkàra (bất nhị, bất thể khả
nhị).
Các vị Ðại thừa xem
rằng mọi loại hữu tình, ngoài các đức Phật đều sống
trong mê ám, tánh chất của sự mê ám này sai khác tùy theo
sự tiến bộ tâm linh của chúng. Một phàm phu xem rằng
mình có con và vật sản mê lầm không khác gì vị A-la-hán
nghĩ rằng mình đã chứng Niết bàn, một trạng thái an tịnh
và an lạc hoàn toàn, vàvượt ra ngoài ba giới. Ðiểm chủ
trương chính của các nhà Ðại thừa là chỉ có một sự
thật, đó là Niết bàn hay Dharmadhàtu (Pháp giới), mọi sự
vật chỉ là sự mê mờ của tâm trí. Một khi một cá nhân
nào chứng ngộ mình là sự thật, sanh tử không khác với
Niết bàn, cá nhân ấy trở thành toàn thiện, nghĩa là đức
Phật. Chúng ta phải diệt trừ từ tâm trí chúng ta, không
những quan niệm về tự ngã cá nhân, mà còn diệt trừ
luôn thể chất của tất cả những sự vật gì mình cảm
thọ và nhận thức. Khi một chúng sanh chứng đạt một trạng
thái tâm trí, trong ấy mình không phân biệt mình khác với
mọi sự vật khác ở đời hay khác với sự tuyệt đối, vị
ấy được xem là đã chứng Niết bàn đúng theo nghĩa Ðại
thừa.
GIÁO
LÝ VỀ NHỮNG SỰ THẬT
Một điểm sai biệt
quan trọng giữa Tiểu thừa và Ðại thừa, được tập Diệu
Pháp Liên Hoa vạch rõ là, theo Tiểu thừa, một chúng sanh,
nhờ giác hiểu các Thánh đế (àryastyà), kể cả
Pratìtyasamutpàda (Lý duyên khởi), chứng được Niết bàn,
nghĩa là vị ấy đi từ Samsàra (sanh tử) đến Nirvàna (Niết
bàn), từ một trạng thái Laukika (thế gian) đến một trạng
thái Lokuttara (xuất thế gian). Còn theo Ðại thừa, một
chúng sanh, vì hiểu sự kiện không có sự sai khác giữa
sanh tử và Niết bàn, thế giới có sự hiện hữu tương đối
(pratìtya samutpanna), chỉ là giả tạm, nhưng hình như thật
có đối với một tâm mê mờ, vì hiểu như vậy nên chứng
được Niết bàn chân thật. Ðó là Tathatà (như thật tánh)
hay Sùnyatà (không tánh), nguyên tắc căn bản chi phối mọi
sự mọi vật. Quan điểm về sự thật sai khác qúa xa như vậy,
các nhàTiểu thừa và Ðại thừa xem tất cả mọi sự vật,
kể cả những phương pháp tu hành Phật giáo, dưới hai nhãn
quan hoàn toàn sai khác. Ðối với các nhà Tiểu thừa, các
Thánh đế và lý Duyên khởi là thật có, và vì vậy thuộc
vào Paramattha (Ðệ nhất nghĩa đế), chứ không phải Tục
đế. Còn theo các nhà Ðại thừa, các pháp không như thật
có và thuộc về Tục đế hay Biến kế sở chấp, ý tha khởi
(Samvrti hay parikalpita paratantra). Tuy vậy, các nhà Ðại thừa
cũng không thể gạt ra ngoài Tứ đế và lý Duyên khởi, vì
các nhà Ðại thừa cũng chấp nhận rằng các chúng sanh, vì
bị vô minh che lấp, bắt đầu phải hiểu Pudgala sùnyatà
(nhơn không) nhờ hai pháp ấy. Xứng hợp với quan điểm về
sự thật của mình, các nhà Ðại thừa xem đức Phật có
hai hình thức giáo lý, một Tục đế, một chơn đế. Những
gì Ngài giảng về Thánh đế và lý Duyên khởi thuộc về Tục
đế. Giáo lý chân thật của Ngài là Sùnyatà và Tathatà, nhưng
giáo lý này không thể người này dạy cho người kia, mà chỉ
có thể tự mình giác ngộ cho mình. Trước khi bàn luận về
hai hình thức giáo lý này, chúng ta hãy xem Thánh Ðế và lý
Duyên khởi là gì?
Các
Àryasatyà (Thánh đế)
Các Thánh đế như thường
được biết là Dukkha (Khổ), Samudaya (Tập), Nirodha (Diệt)
và Magga (Ðạo). Lời dạy căn bản của bốn Sự thật này
và bốn sự thật phải được xem như là một công thức để
áp dụng cho tất cả mọi vật được nhận thức. Bốn sự
thật này chỉ là một công thức, chứ không phải là một
giáo lý, điểm này được các tác phẩm Phật giáo nêu ra một
cách rõ rệt.
Trong tập Majjhima Niết
bàn (I, tr.261), trong khi giải thích Chánh tri kiến theo các Phật
tử là gì, Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) nói đến àhàra
(các món ăn), dukkha (khổ), jaràmarana (lão, tử), tanhà (ái),
nàmarùpa (danh sắc), và avijjà (vô minh) và áp dụng các
pháp này vào trong công thức có bốn phần này, nghiên cứu
công thức ấy như sau: Hãy tìm hiểu một vật chất hay tinh
thần. Tìm hiểu nguyên nhân, tìm hỏi nó bị tiêu diệt như
thế nào, theo phương pháp này, Ngài Xá Lợi Phất định
nghĩa Sammàditthi (Chánh tri kiến) ngang qua àhàra (đồ ăn)
như sau: một người biết được àhàra, àhàrasamudaya (vì
sao đồ ăn khởi lên), àhàranirodha (như thế nào đồ ăn diệt)
và àhàranirodha-gàminipatipadà (cách thức để các đồ ăn
diệt), người ấy được xem là có chánh tri kiến. Sự thật
thứ nhất thuộc àhàra, và theo triết học Phật giáo, có bốn
loại (Dìgha; III; tr.228, 276). Sự thật thứ hai là
àhàrasamudaya, nghĩa là àhàra sanh ra vì tanhà (ái). Sự thật
thứ ba là àhàrranirodha (nghĩa là sự diệt trừ của àhàra
khi tanhà được diệt trừ). Sự thật thứ tư thuộc về
phương pháp làm cho àhàra được diệt trừ, đó là Bát
chánh đạo, Chánh tri kiến, Chánh tư duy v.v... những ai hiểu
đuợc bốn sự thật này sẽ trừ được sân hận và tham
ái, vượt lên trên thân kiến, quét sạch vô minh và chứng
được giải thoát khỏi đau khổ.
Như vậy, chúng ta thấy
rằng trong bốn sự thật này, không có cái gì đặc biệt
Phật giáo. Chúng cũng có thể được tìm thấy trong hệ thống
triết học Ấn Ðộ. Như tập Yoga-sùtra của Patanjali (II,15)
nói rằng: "Yathà cikitsàsàstram catuvyùham, rogo rogahetur
àrogyam bhaisajyam iti evam idam api sàstram catur vyùham eva tad
yathà samsàrah samsàrahetur mokso mokspàya iti". (như y học
có bốn phần nói về tìm bệnh, nguyên nhân, chữa các bệnh
và thuốc thang chữa bệnh, cũng vậy khoa học chữa bệnh tâm
linh có bốn phần, tìm hiểu tánh chất sự vật ở đời,
nguyên nhân phát sanh những sự vật ấy, sự diệt trừ
chúng và những phương trị đưa đến sự diệt trừ chúng).
Tập Abhidharmakosa cũng tiếp theo sự giải thích này bằng
cách nhập bốn sự thật thành hai, nghĩa là nhân và quả,
thế gian và xuất thế gian. Khổ và Tập thuộc về thế
gian. Diệt và Ðạo thuộc về Niết bàn. Thế gian sanh tử
(samsàra) là kết quả, còn samudaya là nguyên nhân của nó. Cũng
vậy Niết bàn là quả, còn Ðạo (màrga) là nguyên nhân
(Kosa, VI 4).
Thái độ của các nhà
Tiểu thừa về Thánh đế là hợp lý vì giáo lý chính của
những vị này là một chúng sanh phải đau khổ vì hiểu lầm
có một ngã (attà) và như vậy quan niệm mình như một đơn
vị riêng biệt, đúng với một vài liên hệ đối với mỗi
một chúng sanh khác hay sự vật khác trong thế giới, và mỗi
chúng sanh hay sự vật đều có cá thể giống như cá thể của
mình. Mục đích chính của giáo lý Tiểu thừa là sự đoạn
trừ khỏi tâm trí, mọi tư tưởng về cá nhân, hoặc về
mình, hoặc về chúng sanh khác hay sự vật khác. Và muốn đạt
đến kết quả như vậy, cần phải nghiên cứu sự vật
theo bốn phương diện nói đến trên. Nghiên cứu mọi sự vật
theo phương pháp này, một chúng sanh trừ diệt những mê lầm
của mình và thấy sự vật một cách chân thật. Như vậy gọi
là Sammàditthi (Chánh tri kiến) hay Vijjà (Minh kiến). Khi chứng
được tri kiến này mới được xem là giải thoát mọi đau
khổ, tức là Niết bàn.
Pratityasamutpàda
hay lý Duyên khởi
Trong bốn sự thật
này, sự thật thứ hai và thứ ba thuộc về lý Duyên khởi.
Mục đích chính của công thức về nhân duyên này là để
xác nhận sự vật là vô thường và tạo sự đau khổ, và
ngoài Niết bàn và hư không, không có sự vật gì mà không
bị nhân và duyên chi phối. Công thức lý nhân duyên này
được các nhà Tiểu thừa dùng để nêu rõ mọi pháp hữu
vi đều phải do nhân và duyên đi trước quyết định và do
vậy chúng không có một thực thể gì. Còn các nhà Ðại thừa
thời dùng công thức nhân duyên này để chứng minh rằng thế
giới vì hiện hữu một cách tương đối nên không thật
có, như những sự vật trong một cơn mộng. Công thức giải
thích tánh cách kiên trì, không thay đổi, tùy thuộc duyên
này (idappaccàyata=thử duyên tánh) của sự vật, do vậy
công thức này là một chìa khóa đưa đến chân lý vĩnh cửu.
Khi nào một chúng sanh chứng ngộ trong đời sống của mình,
sự thật của chân lý này, vị ấy thấy được sự thật.
Do lý do trên, các tác phẩm Phật giáo xem công thức này giống
với đức Phật và chánh pháp. Chính công thức này trả lời
vấn đề đời sống con người và thế giới, mà Ngài Xá lợi
Phất rất để tâm đến và giúp tài liệu dồi dào cho
Ngài Long Thọ làm đề tài biện luận.
Nhiều vị học giả đã
luận bàn công thức này và đã cố gắng, từ công thức
này, tìm lý thuyết đức Phật nói về nguồn gốc của
chúng sanh, và một số học giả đã nêu rõ sự tương
đương giữa những dây chuyền của công thức này với lộ
trình nhơn quả tiếp tục của Số luận. Ðiều đáng chú
ý là sự cố gắng này đã xảy ra trong thời đại Ngài
Buddhaghosa . Tuy vậy, Ngài Buddhaghosa đã nêu rõ, Avijjà (vô
minh), vòng chuyền thứ nhất của sợi dây chuyền, không
nên xem là giống với Pakati crakrti=Tự tánh) của Số luận,
vì vô minh không phải là không có nhân (akàranam), cũng không
phải là nguyên nhân thứ nhất (mùlakaranam) của thế giới.
Vô minh do các àsavas (lậu hoặc) làm nhân. Lý do Ngài
Buddhaghosa nêu ra để vô minh thành vòng chuyền thứ nhất
là đức Phật dùng vô minh hay "bhavatanhà" (hữu ái)
để bắt đầu giảng những vấn đề mà tự tánh là vô thủy
vô chung vattakathà (luân chuyển thuyết) hay anamatagga (vô thủy).
Rõ ràng từ lời Ngài Buddhaghosa giải thích, vô minh không bắt
buộc phải là vòng chuyền đầu tiên của sợi dây chuyền
nhân duyên, nhưng vô minh là một trong những danh từ mà tác
giả công thức này xem là thuận tiện để bắt đầu sợi
dây chuyền này. Công thức có thể bắt đầu bằng bhavatanhà
(hữu ái). Trong tập Samyutta Nikàya (II, tr.101-3) công thức bắt
đầu với àhàra (đồ ăn) là vòng chuyền đầu tiên.
Do vậy, chúng ta thấy
lý Duyên khởi không giải thích nguồn gốc thế giới mà chỉ
là một sợi dây chuyền những thí dụ để chứng minh định
luật Idappaccayatà (thử duyên tánh) của mọi sự vật. Những
vị học giả nào mong tìm nơi công thức này, chìa khóa để
tìm nguồn gốc thế giới, phải bị thất vọng và chỉ
trích công thức này với lộ trình nhơn quả tiếp tục của
Số luận. Ðiều đáng chú ý là sự cố gắng này đã xảy
ra trong thời đại Ngài Buddhaghosa . Tuy vậy, Ngài Buddhaghosa
đã nêu rõ, Avijjà (vô minh), vòng chuyền thứ nhất của sợi
dây chuyền, không nên xem là giống với Pakati crakrti=Tự
tánh) của Số luận, vì vô minh không phải là không có
nhân (akàranam), cũng không phải là nguyên nhân thứ nhất
(mùlakaranam) của thế giới. Vô minh do các àsavas (lậu hoặc)
làm nhân. Lý do Ngài Buddhaghosa nêu ra để vô minh thành vòng
chuyền thứ nhất là đức Phật dùng vô minh hay
"bhavatanhà" (hữu ái) để bắt đầu giảng những vấn
đề mà tự tánh là vô thủy vô chung vattakathà (luân chuyển
thuyết) hay anamatagga (vô thủy). Rõ ràng từ lời Ngài
Buddhaghosa giải thích, vô minh không bắt buộc phải là vòng
chuyền đầu tiên của sợi dây chuyền nhân duyên, nhưng vô
minh là một trong những danh từ mà tác giả công thức này
xem là thuận tiện để bắt đầu sợi dây chuyền này.
Công thức có thể bắt đầu bằng bhavatanhà (hữu ái).
Trong tập Samyutta Nikàya (II, tr. 101-3) công thức bắt đầu với
àhàra (đồ ăn) là vòng chuyền đầu tiên.
Do vậy, chúng ta thấy
lý Duyên khởi không giải thích nguồn gốc thế giới mà chỉ
là một sợi dây chuyền những thí dụ để chứng minh định
luật Idappaccayatà (thử duyên tánh) của mọi sự vật. Những
vị học giả nào mong tìm nơi công thức này, chìa khóa để
tìm nguồn gốc thế giới, phải bị thất vọng và chỉ
trích công thức này là phi lý và lộn xộn. Tác giả công
thức này không thể đoán trước thứ tự liên tục các dẫn
chứng của mình sắp đặt có thể làm người ta hiểu lầm.
Sợi dây chuyền này cũng không có chủ đích chứng minh lịch
trình tiến hóa. Ðiểm này rất rõ ràng, nhờ hai vòng chuyền
cuối cùng, tức là sanh và lão tử; vì sanh không thể là
nhân cho lão tử. Ở đây, ý chính muốn nêu lên là khi đã
có sanh tất nhiên có lão tử tiếp theo. Tác giả công thức
muốn chúng ta lấy bất cứ hai vòng chuyền nào và nhận thức
được tánh idappaccayatà hay tánh tương đối sự vật thế
gian. Do đó, chúng ta có thể nói lý Duyên khởi có 12 vòng
chuyền như các Thánh đế, là một nguyên tắc tổng quát hơn
là một giáo lý đặc biệt của Phật giáo, dù rằng chắc
chắn nhờ các vị Phật tử uyên bác thời xưa mà công thức
này được tuyên bố. Chúng ta không thể biết đức Phật
đã chịu trách nhiệm nhiều ít như thế nào trong sự lựa
chọn các vòng chuyền, nhưng rất có thể nhờ con mắt sâu
sắc của Ngài mà sự hiện hữu tương đối của mọi sự
vật ở đời lần đầu tiên được thấy rõ.
Vì các vòng chuyền
công thức đã được các giáo sư là Vallee Poussin, Keith,
Oldenberg giải thích, chúng ta chỉ trình bày một cách vắn tắt.
Công thức được sắp
như sau: 1) Avijjàpaccayà sankhàrà (Vô minh duyên hành); 2)
Sankhàràpaccyà vinnànam (Hành duyên thức); 3) Vinnànapaccayà
nàmarùpam(Thức duyên danh sắc); 4) Nàmarùpa paccayà
salàyatanam (Danh sắc duyên lục nhập); 5) Salàyatanapaccayà
phasso (Lục nhập duyên xúc); Phassapaccayà vedanà (Xúc duyên
thọ); 7) Vedanàpaccayà tanhà (Thọ duyên ái); 8) Tanhàpaccayà
upàdànam (Ái duyên thủ); 9) Upàdànapaccayà bhavo (Thủ duyên
hữu); 10) Bhavapaccayà jàti (Hữu duyên sanh); 11) Jàtipaccayà
jaràmaranam (Sanh duyên lão tử).
Vòng chuyền thứ nhất,
vô minh, thường nói đến trạng thái mê ám của tâm trí ngăn
cản một chúng sanh không có tri kiến chơn chánh về sự vật
ở đời, nghĩa là hiểu lầm vật vô thường là thường,
đau khổ là lạc, không có linh hồn vĩnh cửu như là có
linh hồn v.v... Vòng chuyền thứ hai là Sankhàrà (hành) =
cetanà (tư) về thiện (punna), bất thiện (apunna) và những
đặc tánh không thiện không ác (ànenja = vô ký). Hành được
vòng chuyền thứ ba, vinnàna (thức) tiếp nối nghĩa là những
nhận thức ngang qua sáu căn. Câu hữu với vinnàna khởi lên
bốn uẩn (khandha) và tạo thành một chúng sanh hoàn toàn
(nàmarùpa) trong thai. Khi thai lớn lên, danh sắc cần đủ 6
giác quan để làm việc và các giác quan này đến lượt mình
tạo ra 6 xúc (phassa). Tánh của xúc tạo thành thọ tương
đương (vedanà) và từ thọ sanh ái (tanhà). Ái đưa đến Upàdàna
(thủ) về kàma (dục), ditthi (tà kiến như thường kiến,
đoạn kiến v.v...), sìlabbata (giới cấm thủ như gosìla (ngưu
giới) và govata (ngưu cấm) và attavàda (ngã kiến). Thủ này
có thể định nghĩa như một tanhà mạnh hơn, tạo thành một
tham dục mạnh mẽ cho một chúng sanh muốn sống một trong
ba giới trong tương lai, và do vậy, nó tạo các nghiệp ngang
thân, miệng, ý. Tùy thuộc theo nghiệp (karma) của mình,
chúng sanh này sẽ sanh vào trong nhiều loại cảnh giới và
cuối cùng bị già và chết.
Lý
do khiến các nhà Ðại thừa chấp nhận Thánh
đế và lý Duyên khởi trong giáo lý của mình
Các nhà Ðại thừa rất
tán thưởng lời dạy công thức nhân duyên nhưng không mấy
chủ tâm vào ý nghĩa những vòng chuyền công thức, vì giáo
lý chính của những vị này là Dharmasùnyatà (Pháp không)
hay sự không hiện hữu của mọi vật thế gian. Cũng vậy với
những Thánh đế, các vị này tán thán phương pháp phân
tích của mọi thế gian pháp như bốn Thánh đế đã gợi
ý, nhưng theo quan điểm Ðại thừa, chúng chỉ hiện hữu giống
như sự vật trong cơn mộng hay trong ảo cảnh. Như vậy nếu
mọi vật là không thật có, sự tìm hiểu một vật không
thật có là phi lý; do vậy các nhà Ðại thừa phải trình
bày những lý lẽ khiến họ chấp nhận những Thánh đế và
lý Duyên khởi trong giáo lý của mình. Cho nên các Ngài Long
Thọ và Sàntideva, Ngài Vô Trước và Thế Thân, đã chứng
minh một cách hùng hồn và xác đáng những lý do khiến các
Ngài sát nhập công thức 12 Nhân duyên và Thánh đế vào
trong giáo lý của các Ngài.
Ngài
Long Thọ tóm lược vị trí các nhà Tiểu thừa
Nàgàrjuna có đề cập
các Thánh đế một cách gián tiếp trong khi bàn luận đến
lý Duyên khởi, Nghiệp báo, Linh hồn (atman) v.v... và một
cách dài giòng trong khi bàn đến các Thánh đế (M-vr,
chương I, xvii, xxiv). Trước hết Ngài tóm tắt lý luận của
đối phương như sau: "Nếu mọi vật không thực có
(sùnya), thời không thể đề cập vấn đề sanh diệt một
sự vật gì - ở đây là vấn đề Dukkha (khổ). Năm uẩn họp
thành một chúng sanh hiện hữu nhờ các nhân và duyên đi
trước, gọi là Dukkha (khổ), vì chúng tạo ra đau khổ, vì
chịu sự thay đổi. Chỉ có các bậc Thánh (tức các vị
A-la-hán) mới chứng ngộ năm uẩn là nguồn gốc của khổ
đau, chứ không phải người phàm. Vì những người này bị
bốn sự điên đảo (vipàryàsas) chi phối, tức là xem vật
bất tịnh là tịnh, vô thường là thường, đau khổ là lạc,
vô ngã là ngã. Người phàm như những người bệnh, xem vật
ngọt như đắng. Một vị chưa là A-la-hán không biết năm
thủ uẩn là nguồn khổ. Vì vậy các sự thật này được
gọi là Thánh đế, nghĩa là sự thật chỉ có bậc Thánh mới
hiểu. Nếu mọi vật là Sùnya, thời không thể có Thánh đế
thứ nhất là Dukkha, và tiếp đến không có Samudaya (Tập),
Nirodha (Diệt), hay Màrga (Ðạo). Nếu 4 Thánh đế không có,
thời không thể có Chánh tri kiến, tinh tấn, chứng ngộ bốn
Thánh quả hay những vị hưởng Thánh quả, Tăng già, Dharma,
cho đến không có Phật. Sự chấp nhận lý Sùnyatà đi ngược
l?i sự hiện hữu của ba Ratna (Bảo) và sự thật của tất
cả thiện ác."
Lý
luận của Ngài Long Thọ chống với những chỉ trích trên
Ngài Nàgàrjuna thương
hại đối phương của mình đã không nắm được ý nghĩa của
Sùnyatà hay mục đích của thuyết Sùnyatà và đã có những
tưởng tượng sai lầm. Ngài nói, mục đích dạy giáo lý
Sùnyatà là để diệt tận tất cả prapanca (vọng tưởng),
nghĩa là xem nhất tánh thành đa tánh. Quan điểm đối
phương xem chứng ngộ moksa(giải thoát) nhờ đoạn diệt các
nghiệp (karma) và phiền não (kllsa), là sai lầm. Một sự kiện
được mọi người biết là người phàm không hết được
thực tánh sự vật. Chúng tạo thành rùpa (sắc) v.v... khiến
tham, sân, si, hiện hữu. Từ lời tuyên bố này và cũng từ
các sùtras (kinh điển), sankalpa (vọng tưởng) rõ ràng là
nguồn gốc của chúng, và do vậy karma và klesa chỉ là kết
quả những vọng tưởng và không thật có. Chúng phát sanh
do prapanca (vọng tưởng) chi phối mạnh tâm thức của một
phàm phu. Người này từ vô thủy đã quen với những hành
động và sự vật sai biệt như lời và lỗ, lạc và khổ,
hành động và người hành động, sự biết và người biết,
v.v... Tất cả vọng tưởng thế gian này sẽ dừng nghỉ khi
chứng ngộ không tánh của sự vật mà thường được xem là
thật có. Như một người không thể có vọng tưởng nào
(prapanca) về "sắc đẹp cô con gái của một người đàn
bà không thể sanh đẻ" và nhờ vậy không thêu dệt
màng lưới tưởng tượng (kalpanà = kế đạc) xung quanh người
con gái ấy. Cũng vậy, một vị Ðại thừa không còn mệt
tâm với quan niệm "ngã" và "ngã sở", những
căn rễ của satkàyadrsti (thân kiến), cũng như không mệt
trí về một nguyên nhân nguồn gốc các phiền não. Nếu một
người hiểu các klesa (phiền não) không phát sanh, người
ấy sẽ không có ý tưởng gì về thiện hay ác nghiệp và
luôn cả về sanh, già, bịnh và chết. Do vậy, những vị tu
hành an trú trong sùnyatà không chấp nhận một uẩn, giới,
xứ v.v... thật có nào, và do vậy những vị này không có
papanca (hý luận), vikalpa (vọng tưởng), satkàyadrsti (thân kiến),
klesa, karma hay mrtyu (chết). Như vậy, ngộ được lý
Sùnyatà sẽ hoàn toàn đoạn diệt tất cả luận và do vậy
chứng ngộ Sùnyatà và chứng ngộ Niết bàn được xem là một
(M.Vr; tr.350-1).
Sùnyatà
không phải là nàsstitva (đoạn
diệt) cũng không phải là abhàva
Sau khi bàn mục đích
thuyết pháp về sùnyatà, Nàgàrjuna liền giải thích
sùnyatà bằng cách nêu rõ các đặc tướng (laksana) như sau:
1) Sùnyatà là
aparapratyaya (nghĩa là không thể người này dạy người khác).
Sự thật chỉ có thể tự mình chứng ngộ nội tâm
(pratyàtmavedya), không thể nghe một vị Thánh giảng dạy
mà hiểu được. Vị này chỉ có thể nói về sự thật
nhờ những samàropa.
2) Sunyatà là sànta
(an tịnh), đặc tánh là lắng dịu, không bị sanh diệt
chi phối.
3) Sùnyatà là
prapancairaprapancitam (nghĩa là không thể nghĩ nghì). Chữ
prapanca dù nghĩa là lời nói (vàk). Không thể dùng lời để
tả Sùnyatà.
4) Sùnyatà là
nivirkalpa (không thể giải ngộ, không thể quan niệm).
Vikalpa là quan niệm, vọng tưởng. Như vậy, Sùnyatà vượt
ngoài vọng tưởng.
5) Sùnyatà là
anànàrtha, nghĩa là không có nhiều nghĩa khác nhau.
Như vậy, Ngài nêu rõ,
Sùnyatà không có nghĩa là nàstika (đoạn diệt) hay abhàva
(khiếm diện một cái gì) như Tiểu thừa hiểu lầm. Ngài
tiếp tục giải thích Sùnyatà bằng cách so sánh tương
đương với Pratì tyasamutpada (duyên khởi). Ngài nói:
Yah pratìtyasamutapàdah
sùnyatam tam pracak smahe.
Sà prajnaptir upàdàya pratipat satva madhyamà.
(Chúng tôi nói Duyên
khởi là Sùnyatà. Chính trong nghĩa này, con đường là
trung đạo).
Mọi hiện tượng ngoại
giới có hiện hữu tương đối, như cây con và hột giống,
các thức v.v... tùy thuộc theo nhân và duyên; do vậy, Ngài
Nàgàrjuna nói sự vật vì chỉ có một đời sống tương đối,
thật sự bất sanh và chính vì tánh bất sanh này là
sùnyatà. Do vậy, trong kinh Anavataptahradà pasankramanasùtra (M.
Vr. Tr.239) bậc Ðạo sư tuyên bố, sự vật gì hiện hữu do
nhân và duyên (nghĩa là một cách tương đối), thời thật
sự bất sanh; sự vật ấy không thể thật sự sanh được;
và sự vật gì bị nhân duyên chi phối là sùnya. Lời tuyên
bố trong tập Lankàvatàra và các chỗ khác, xem tất cả
Dharma là sùnya, tức nói đến tánh bất sanh thật sự của
sự vật. Chính trong nghĩa này, quan niệm sùnyatà được đề
cập. Vì vậy sùnyatà, với tánh bất sanh, được xem thật
là trung đạo. Cái gì thật bất sanh không thể xem có sanh
hay có diệt, nên sùnyatà thật sự không sanh, không diệt,
và như vậy là con đường trung đạo, con đường tránh xa
hai cực đoan.
Chúng ta có thể xem vấn
đề này dưới một hình thức khác. Không có gì không nhân
duyên mà sanh và do vậy không có gì được gọi là asùnya
(không tương đối). Trong tập Sataka và vài chỗ khác, có
nói không có vật gì không nhân duyên mà tạo ra, hay nói một
cách khác, không có gì vĩnh cửu. Chỉ có người ngu mới
quan niệm thường còn, v.v... về àkàsa (hư không). Người sáng
suốt biết mọi sự vật bị nhân duyên chi phối và không rơi
vào sự si mê của một trong hai cực đoan. Nếu chúng ta chấp
nhận, như một số Tiểu thừa chủ trương, rằng sự vật
(nghĩa là các pháp tác thành một chúng sanh) là không do
nhân duyên chi phối, thời bốn Thánh đế bị phủ nhận, vì
làm sao có sự thật thứ nhất, Khổ đế, nếu sự vật hiện
hữu không do nhân duyên (apratìtya).
Giáo pháp đức Phật
được dạy theo hai cách. Nàgàrjuna, như vậy xác nhận
sùnyatà không phải nàstika (đoạn diệt), cũng không phải
abhàva (không hiện hữu), mà là một chữ có ý nghĩa sự hiện
hữu tương đối của sự vật. Ngài nói rằng các nhà Tiểu
thừa quá chú trọng nghiên cứu kinh điển, đã hiểu lầm
ý nghĩa chữ sùnyatà mà không hiểu đức Phật giảng dạy
chánh pháp theo hai cách, tục đế và chân đế hay kinh nghiệm
và siêu kinh nghiệm.Ngài Nàgàrjùna đã nói như sau:
Dve satye samupàsritya
buddhànàm dharmade sanà, Lokasamvrtisatyam ca satyam ca
paramàrthatah (M.Vr; tr.492).
(Lời dạy của đức
Phật dựa trên hai sự thật, sự thật theo tục đến và
sự thật theo chân đế).
Samvrti
(Tục đế)
Nàgàrjùna cũng như Sàntideva
nói rằng các chữ thường dùng như skandha (uẩn), àtman
(linh hồn), loka (thế gian) v.v... bị bao trùm (sàmvrta) tất cả
các phía nên gọi là Tục. Danh từ Samvrti có ba nghĩa sai biệt
như sau:
1) Samvrti giống như vô
minh, vì bao trùm hoàn toàn sự thật, hay nói một cách
khác, nó đồng nhất với avidyà (vô minh). Giải thích điểm
này, Prajnàkaramati, nhà chú thích tập Bodhicariyàvatàra,
nói rằng vô minh chồng một hình thức lên trên một vật
không thật có và như vậy tạo thành một chướng ngại
cho một quan niệm đúng đắn về chân lý. Ðể ủng hộ lời
tuyên bố của mình, Ngài trích một câu kệ từ kinh
Sàlistambasù tra, bài kệ nói rằng vô minh không gì khác
là sự không chứng đạt (apratipatti) sự thật, và sự tin
những gì giả dối.
2) Samvrti bao hàm nghĩa
một vật phải tùy thuộc một vật khác để hiện hữu,
nghĩa là bị nhân duyên chi phối, vì một sự vật thật sự
tự mình hiện hữu thời không cần sanh diệt hay bất kỳ
sự thay đổi gì; vì vậy phàm sự vật bị nhân duyên chi
phối là samvrta.
3) Samvrti nói đến những
dấu hiệu hay danh từ thường dùng ở đời, nghĩa là được
số đông chấp nhận và dựa trên cảm thọ trực tiếp.
Sàntideva muốn nêu rõ sắc, thanh,v.v... không được xem là
thật có, vì được cảm thọ trực tiếp một cách giống
nhau bởi tất cả mọi người. Sự hiện hữu của chúng
được xác nhận bởi những bằng chứng và những bằng
chứng này chỉ có giá trị trong phạm vi tục đế chứ không
phải trong phạm vi chân đế. Nếu những gì giác quan cảm
thọ là đúng sự thật, thời một người ngu biết được
sự thật và không cần phải tinh tấn để chứng ngộ sự
thật. Ðể ủng họ lời tuyên bố của mình, Ngài kể ví
dụ thân của một người đàn bà, dù cho thật bất tịnh
theo nghĩa cao nhất của nó, vẫn được xem là thanh tịnh
đối với một người bị tham ái làm say đắm; do vậy, một
sự kiện không thể được thiết lập chỉ do kinh nghiệm
mà thôi.
Người ta có thể cãi,
là những danh từ như dhàtu (giới), àyatana (xứ) v.v... được
tìm thấy trong kinh điển, chúng thật có. Vả lại, nếu
chúng không thật có, thời bậc Ðạo sư đáng lẽ không
nói đến chúng là vô thường, bị biến hoại v.v... Sàntideva
giải thích rằng bậc Ðạo sư dùng những danh từ ấy như
những phương tiện để dắt dẫn loài người đang còn chấp
nặng sự vật là thật có đến quan niệm sùnyatà, nghĩa là
sự vật không thật có. Tất cả những gì đức Phật nói
về uẩn, xứ, giới v.v... hay sự vô thường của chúng là
nói về tục đế, chứ không phải chân đế, do vậy sự hiện
hữu của các dhàtu và àyatana thật sự không được thành
lập. Nếu chúng ta chấp nhận mọi sự vật kinh nghiệm được
là không thật có, thời chúng ta nói thế nào về sự kinh
nghiệm tánh ksanikatva (sát-na-tánh), về pudgala (ngã) mà những
vị tu hành đã tu chứng được nhờ quán tưởng pudgalanairàtmya
(nhân không)? Sàntideva trả lời rất giản dị. Ngài nói,
cho đến kinh nghiệm của các vị tu hành cũng không vượt
trên samvrti, vì samvrti bao trùm tất cả những gì nằm trong
phạm vi của buddhi (trí giác ngộ) mà chơn lý vượt ngoài
phạm vi này. Kinh nghiệm của vị tu hành (yogi) rằng thân của
người đàn bà là bất tịnh phản trái lại kinh nghiệm của
một người thường xem thân ấy là thanh tịnh. Như vậy chứng
minh rằng uy quyền của kinh điển không xác nhận được sự
thật của skandha, dhàtu, àyatana v.v...
HAI
LOẠI TỤC ÐẾ
Những điều vừa nói
trên thuộc về loka-samvrti (thế gian tục đế), nghĩa là những
sự thật chỉ có giá trị trong thế giới tục lệ mà một
số đông đã chấp nhận. Tuy vậy lại còn có một sự thật
khác cần phải phân biệt, đó là Alokasamvrti, những sự thật
không được số đông chấp nhận. Những kinh nghiệm của một
người có mắt đau yếu hay có sự hư hỏng của một giác
quan nào là đặc biệt cho người ấy chứ không phải đúng
cho tất cả. Những kinh nghiệm ấy cần phải gọi là
Alokasamvrti (tục đế) nhưng không chung cho tất cả.
Sàntideva gọi hai loại
Tục đế ấy là Tathyasamvrti và Mithyasmavrti, và phân biệt
chúng như sau; (Bodhic; tr.353): Tathyasamvrti nói đến sự vật
phát sanh từ một nguyên nhân (kincit pratìtyajàtam) và được
cảm thọ, nhận thức giống nhau bởi những người có giác
quan lành mạnh, ví như màu xanh v.v... Mithyàsamvrti nói đến
những sự vật và những lời tuyên bố chỉ cho những cá
nhân chấp nhận, chứ không phải tất cả, dù cho chúng do
nhân duyên sanh khởi. Chúng giống như sự vật cảm thọ bởi
những người có giác quan bị đau yếu tật nguyền.
Paramàrthasatya
(Chơn đế)
Sự thật của những bậc
thánh, những vị đã thấy sự vật một cách chân thật, rất
khác với hai sự thật tục đến vừa đề cập đến. Nàgàrjuna
nói rằng sự thật này, Paramàrthasatya giống với Niết
bàn, không chấp nhận một sự sai khác nào giữa chủ thể
và đối tượng. Sự thật này bất sanh, bất diệt, và như
vậy không phải là một đối tượng để tâm trí chấp thủ.
Lời nói không thể diễn tả được và trí thức không thể
biết được. Do vậy sự thật cao nhất không thể diễn tả
và chỉ có thể tự chứng ngộ nội tâm. Sự thật này
không thể thành một vấn đề để giảng dạy và do vậy
không thể dạy cho một người khác. Sàntideva giải thích sự
thật này (tattva hay paramàrthasatya) là vượt ngoài phạm vi của
buddhi (tri thức), và cái gì trong phạm vi buddhi thì thuộc tục
đế. Theo Ngài, sự thật chứng đạt được nhờ đoạn trừ
mọi sự vật làm chướng ngại cho trí tuệ như Vàsanà (tập
khí), anusandhi (kết tập), và klesa (phiền não) do biết được
thực tánh của sự vật. Cho nên sự thật này giống với sự
không hiện hữu của tất cả các pháp và như vậy được
xem là đồng nghĩa với sùnyatà (chơn không), tathatà (như
chơn), bhùtakoti (chân đế) và dharmadhàtub (pháp giới). Mọi
sự vật do nhân duyên chi phối, sự thật không thật có,
vì mọi vật thay đổi theo thời gian, còn một sự vật thật
có không thể nào bị thay đổi; cũng không thể gán cho sự
vật thật có này có đến và có đi. Sự vật mà chúng ta tưởng
là thật có cũng giống như một ảo tưởng hay một tiếng
vọng âm, vì chúng sanh, vì nhân duyên và sẽ diệt khi nhân
duyên không còn nữa. Do vậy, sự thật không có sanh do nhân
và duyên, vì sanh khởi thật sự không tùy thuộc một ai và
không bị một ai chi phối. Mọi sự vật khởi lên do một
vài nhân và duyên đi trước; do vậy chúng thật sự không
thật có. Như vậy, sao một sự vật có hiện hữu lại mong
có thể khởi lên từ nơi chúng? Làm sao ai có thể xác nhận
những sự vật ảo tưởng, do nhân duyên sanh, sẽ đi đâu
và từ đâu đến. Về trường hợp này, Sàntideva đã chú
thích với nhiều chi tiết một câu kệ có danh tiếng của
Nàgàrjuna:
na svato nàpi parato na
dvàbhyàm nàpyahetulah.
Utpannà jàtu vidyante bhàvàh kvacana kecana (Bodhic; tr.357; M.Vr;
tr.12)
(Không ở đâu và
không bao giờ một sự vật thật có lại phát sanh tự
mình, tự người khác, tự cả hai hay không có nhân nào).
Mục đích của
Sàntideva và các tác giả Ðại thừa khác là để xác nhận
rằng theo chân đế, sự vật ở đời này không có đời sống
thật sự nào khác hơn những ảo ảnh do một ảo thuật gia
tạo ra. Trong khi người thường dân xem hình ảnh và điệu
bộ của những người giả tạo ấy là thật có, còn nhà
ảo thuật thì không có một chút bận tâm về giá trị thực
tại của chúng. Cũng vậy trong đời này, những người
viparyatas (những người mà nhãn quan vị mờ ám hay bị lệch
lạc) sẽ chạy theo hay dệt tư tưởng của mình xung quanh những
hiện tượng sai khác, còn người tu hành đã biết chơn đế,
không để ý gì đến chúng. Tóm lại, chân đế không gì
khác hơn là sự chứng ngộ tánh chất mộng tưởng và vọng
âm của Tục đế.
Nếu tánh Chân đế là
bất khả tư nghì và Tục đế là không thực có như ảo mộng
hay vọng âm, như Nàgàrjuna và Sàntideva đã khuyên, thời một
nhà Tiểu thừa có thể hỏi vậy cần gì phải thuyết giảng
những đề tài như uẩn, súc, giới, duyên khởi v.v.... chỉ
thuộc Tục đế chứ không phải Chân đế. Câu trả lời như
sau:
Vyavahàram anàsritya
paramàrtho na désyate paramàrtham anàgamya nìrvànam
nàdhigamyate (M.Vr; tr.404; Bhdhic, tr.365)
(Chân đế không thể
giảng dạy nếu không dùng đến Tục đế, và Niết bàn
không thể chứng đạt nếu không chứng được Chân đế).
Nói một cách khác,
Chân đế không thể đưa thẳng cho một tâm trí nhận hiểu
được, nếu tâm trí ấy không vượt khởi sự phân biệt
thông thường giữa chủ thể và đối tượng, giữa người
biết và sự biết. Do vậy Chân đế cần phải được giảng
dạy nhờ Tục đế; và chỉ có cách dạy như vậy mới mong
vượt khỏi những giới hạn thế gian và chứng đạt Niết
bàn. Chính vì lý do này mà các nhà Ðại thừa không thể
không dùng những vấn đề Tục đế như giới, uẩn xứ, Thánh
đế, Duyên khởi: chúng giống như những bình nước đối với
người tìm nước.
Lý do thứ hai khiến
các nhà Ðại thừa không từ bỏ những vấn đề Tục đế
là Chân đế không thể giảng dạy cho người khác bởi
hình tướng hay hình dung từ, nhưng vẫn phải giảng dạy.
Do vậy, phương tiện độc nhất phải dùng là sự phủ nhận
các vấn đề Tục đế. Vì Chân đế là agocara (ra ngoài sự
nhận thức của buddhi, hiểu biết), avisaya (ra ngoài giới vức
của kiến thức), sarvaprapancavinìrmukta (ra ngoài khả năng diễn
tả với các chi tiết). Kalpanàsamatikrànta (vượt ngoài mọi
hình thức có thể tưởng tượng, như hiện hữu hay không
hiện hữu, chơn thật hay không chơn thật, lạc hay không lạc,
thanh tịnh hay bất tịnh v.v...): con đường độc nhất để
giải thích Chân đế cho mọi người là dùng những danh từ
và những thí dụ thông thường. Một người với con mắt bệnh
hoạn thấy một bện tóc. Một người khác có mắt lành mạnh
sửa lại sự thấy sai lầm của người có bệnh đau mắt là
thật có một bện tóc. Người có mắt lành mạnh, với sự
phủ nhận ấy không có từ chối gì hay xác nhận gì. Cũng
vậy, người với nhãn quan chơn chánh bị vô minh làm cho mê
mờ tưởng lầm có sự hiện hữu của uẩn, xứ, giới
v.v... mà thật sự là những hiện tượng không thật có.
Các đức Phật như những người có cặp mắt lành mạnh biết
như vậy, không thể không nói rằng sự thật không có uẩn,
xứ, giới. Nhưng khi nói vậy, các Ngài không phủ nhận hay
không chấp nhận sự hiện hữu của chúng. Do vậy đệ nhất
nghĩa đế không thể giảng dạy nếu không nhờ đến Tục
đế.
Anaksarasya dharmasya
srutih kà desanà ca kà,
Sruyate desyate càrthah samàropad anksarah (Bodhic, tr.365).
"Làm sao có thể
nghe và giảng pháp không thể nói được, chỉ có cách
đem ý tưởng gán lên trên sự thật không thể nghĩ nghì
mà sự thật mới có thể giảng hay nghe".
Nếu có thể xác nhận
sự vật thế gian thật sư không thật có, thời Chơn đế có
thể được xem như là đoạn diệt. Nàgarjuna đã báo nguy trước
quan điểm này, nói rằng sùnyatà không thể được xem là
đồng nhất với sự diệt tận của một sự vật đã có từ
trước. Vấn đề diệt tận hay đoạn diệt không khởi
lên, vì sự hiện hữu của một sự vật có trước không
được chấp nhận. Cũng không thể xem Chân đế là thật sự
hiện hữu, vì phải dùng đến những giả danh, những ý tưởng
gán lên trên. Những ai không nhận chân được sự sai biệt
thật sự của hai sự thật này sẽ rơi vào một trong hai sự
mê lầm, hoặc xem Sùnyatà như sự không hiện hữu các
samskàra (hành) hay tưởng tượng sự hiện hữu của một sự
vật, như là căn bản của Sùnyatà, cả hai đều là tà kiến,
và những ai có kiến thức thiển cận sẽ hiểu lầm
Sùnyatà theo một trong hai tà kiến ấy. Sự thật sự sai biệt
hết sức tế nhị đến nỗi đức Phật đã ngần ngại
không muốn thuyết giảng chân lý ngay từ ban đầu.
Các
nhà Tiểu thừa lầm Sùnyatà là Abhàva
Trong khi kết thúc lý
luận của mình, Nàgàrjuna nói rằng các nhà Tiểu thừa, khi
chấp nhận sự hiện hữu của một vật và gán ý nghĩa Abhàva
cho Sùnyatà, đã rơi vào sai lầm và không hiểu được lập
trường của Ðại thừa. Quan điểm của Ðại thừa về
Sùnyatà, nghĩa là tất cả sự vật không thật có, được
áp dụng đúng đắn cho tất cả các pháp và các lời tuyên
bố; chỉ khi nào Sùnyatà được xem xét dưới ánh sáng như
vậy người ta mới thấy được sự hợp lý của công thức
Duyên khởi và bốn sự thật. Các Thánh quả, Sangha, Dharma,
Buddha, thế gian pháp và xuất thế gian pháp, ác nghiệp và
thiện nghiệp, thuận duyên hay nghịch duyên, và các vấn đề
ước lệ khác. Nàgàrjuna, sau khi tuyên bố thái độ của mình,
chỉ trích các nhà Tiểu thừa đã không thể hiểu ý nghĩa
của lý Duyên khởi. Ngài nói, như người cưỡi ngựa khi
cưỡi có thể quên con ngựa của mình và mắng người khác
đã đánh cắp con ngựa ấy. Cũng vậy các nhà Tiểu thừa,
với tâm trí hỗn loạn, không nhận thức được Sùnyatà
là chân nghĩa và đặc tánh của lý Duyên khởi, còn trở lại
công kích các nhà Ðại thừa, các nhà không tôn đã hiểu lầm
Sùnyatà.
Thái
độ của Tiểu thừa đối với Thánh đế và
lý Duyên khởi là không thể chấp nhận
Rồi Nàgàriuna liền
công kích thái độ của đối phương. Ngài nói những ai chấp
nhận các pháp vô vi là thật có, không có lý do gì để ủng
hộ Thánh đế và lý Duyên khởi.
Chúng ta nên nhớ, các
nhà Tiểu thừa chỉ áp dụng lý Duyên khởi cho các pháp hữu
vi mà thôi. Nàgàrjuna cố gắng nêu rõ thái độ vô lý của
các nhà Tiểu thừa. Ngài nói lý Duyên khởi cần phải được
áp dụng trong mọi trường hợp, và không có sự vật gì
trong thế gian được đức Phật xem là vượt ngoài phạm vi
của định luật này. Ngài cãi, nếu sự vật tự nó hiện
hữu, sẽ không bị lý nhân duyên chi phối, và nếu như vậy
thời không cần phải có nhân có duyên, có người làm và
có sự làm. Tóm lại lý thuyết Tiểu thừa phản lại có
thuyết sanh diệt và các Thánh quả. Do vậy, thái độ các
nhà Tiểu thừa xem sự vật tự hiện hữu không thể chấp
nhận. Thái độ này cũng phản lại lời dạy của đức Phật
đã được tuyên bố nhiều lần: "Apratìtyasamutpanno
dharmah kascim na vidyata" (không bao giờ có thể có một sự
vật gì phát sanh mà không có nhân duyên). Lời tuyên bố
này của đức Phật, trái lại, phù hợp với định nghĩa Sùnyatà
theo Ðại thừa:
Nếu mọi vật có hiện
hữu (asùnya) và nếu chúng sanh không nhân và duyên, thời
sẽ không có sự vật gì vô thường, và do vậy không có
đau khổ.
Lại nữa, nếu Dukkha
được xem như một sự vật hiện hữu, thờ các sự thật
về Samudaya, nirodha và màrga trở thành vô nghĩa. Ngài
Nàgàrjuna, như vậy trả đũa các nhà Tiểu thừa bằng những
lý luận Tiểu thừa.
Về parijnàna (biến
tri) của Tiểu thừa, Ngài Nàgàrjuna cho rằng thật là vô
lý nếu chấp nhận Dukkha là tự hiện hữu, trước kia không
được biết sau mới được biết, vì sự vật đã hiện hữu
sẽ ở luôn trong một tình trạng (svabhàvah samavasthitah),
không thay đổi. Nếu một sự vật hiện hữu không bị thay
đổi thời không thể chấp nhận Dukkha trước kia không được
biết, về sau mới được biết. Do đó, sẽ không có Dukkha
- parijnàna (biết khổ) và prahàna (đoạn), sàksàtkharana (chứng)
và bhàvànà (tu) đều trở thành vô nghĩa.
Thật là vô lý nếu trước
đây xem khổ, tự tánh không thể biết mà nay lại tự cho
là biết khổ, cũng vậy, thật là sai lầm nếu chấp có sự
hiện hữu của Dự lưu quả, một quả trước không hiện hữu,
sau mới hiện hữu. Các Thánh quả khác cũng vậy. Lý luận
này - sự vật gì tự tánh không chứng đạt được sẽ không
chứng đạt về sau - được đem áp dụng để nêu rõ không
có ai hưởng các Thánh quả, và vì vậy không có Sangha. Nếu
không có Thánh đế, sẽ không có Dharma; nếu cả Sangha và
Dharma đều không có, thời sẽ không có đức Phật. Nếu chấp
nhận đức Phật và Bodhi (Bồ đề) tự có, như vậy một vật
tự có, không liên hệ gì với vật khác. Nếu Phật tánh
được xem như là đã có, thời một người, tự tánh là
không phải Phật, sẽ không bao giờ chứng Bồ đề, dù có
hết sức thực hành các hạnh Ba-la-mật, vì một vị không
phải Buddha không có thể thay đổi được.
Ðại
thừa định
nghĩa Thánh đế
Lập luận của Ngài
Nàgàrjùna là, nếu một sự vật tự hiện hữu, thời thật
là ngu xuẩn nếu nói nó bị tạo ra, có một người sáng tạo
ra nó v.v.... Cũng như không ai nói mở toang hư không ra, vì hư
không tự nó bao giờ cũng rộng mở. Cũng vậy, không nên
nói một vật đã tự hiện hữu lại có thể được làm ra
hay được chứng ngộ. Sự thật, lý thuyết Duyên khởi phải
được chấp nhận, nếu không thời những danh từ thông thường
hằng ngày như đi, làm, nấu ăn, đọc v.v... trở thành vô
nghĩa. Nếu thế giới được xem là tự hiện hữu, thế giới
sẽ không sanh không diệt, không thay đổi vì tự hiện hữu
là không thay đổi. Thế giới, theo các nhà Asùnyavàda (các
nhà Thực tế, chống với không tôn) sẽ không có liên quan
gì với lý Nhân duyên và vượt ngoài khả năng biến đổi.
Nếu thế giới là như vậy, như kinh Pitàputrasamàgamasùtra
đã nói, sẽ không được đức Phật đề cập, và bậc Ðạo
sư cùng với tất cả đệ tử sẽ đi đến chỗ ấy, như
kinh Hastikahsyasùtra đã nói.
Ngài Nàgàrjuna kết luận,
ai chứng nhận được lý Duyên khởi, có thể biết Tứ đế
một cách chân chánh và trích một đoạn trong tập Manjusrìpariprcchà
nói quan điểm Ðại thừa về Tứ đế. Câu ấy như sau:
Ai chứng được mọi
pháp là bất sanh, hiểu được khổ đế; Ai chứng được
mọi pháp là không hiện hữu, đoạn được gốc của Khổ
đế (Samudaya); Ai chứng được mọi pháp là đoạn diệt
(parinirvrta), hiểu được sự thật về nirodha (diệt), và
ai hiểu được những phương tiện nhờ đó biết được
sự không hiện hữu của mọi vật, được xem là đã thực
hành con đường (màrga).
Ðoạn này được bàn
rộng như sau trong kinh Dhyàyitamusti- sùtra:
Không thể hiểu Tứ
đế một cách đúng đắn, vì bị bốn viparyàsas (điên đảo)
chi phối, các loài hữu tình không vượt ra ngoài thế giới
luân hồi. Chúng tự tạo một àtmya (ngã sở) và do vậy
có các Karmàbhisamskàra (hành nghiệp). Không biết được mọi
vật là đoạn diệt (pari-nirvrta), chúng tưởng tượng sự
hiện hữu của chính mình và người khác, và quá chấp thủ
đến nỗi trở thành tham lam, say đắm và cuối cùng si
mê. Nay chúng tạo các hành động về thân, khẩu, ý, và
sau khi chồng chất quan niệm hiện hữu lên trên những sự
vật không hiện hữu, chúng nghĩ chúng bị chi phối bởi
tham, say đắm và si mê. Ðể đoạn trừ các phiền não
này, chúng tìm hiểu giáo lý đức Phật, giữ gìn giới luật,
hy vọng vượt ngoài thế giới này và chứng Niết bàn.
Chúng nghĩ có pháp thiện, có pháp bất thiện, có pháp cần
phải đoạn trừ, có pháp phải chứng đắc Khổ đế cần
phải biết, tập đế cần phải đoạn, diệt đế cần phải
chứng, đạo đế cần phải tu tập. Chúng cũng tưởng tượng
các pháp hữu vi là vô thường và cố gắng vượt khỏi
chúng. Như vậy chúng đạt đến một trạng thái tâm linh
đầy những chán ghét (hay khinh bỉ) đối với những pháp
hữu vi, tâm trạng chán ghét ấy có amimitta (vô tướng) làm
tiền duyên. Chúng nghĩ rằng như vậy chúng đã biết khổ
đế, nghĩa là tánh vô thường các pháp hữu vi, sợ hãi
chúng và tránh xa những nguyên nhân tác thành các pháp ấy.
Sau khi tưởng tượng một số pháp là nguyên nhân (Tập) của
khổ, chung tưởng tượng khổ diệt và quyết định thực
hành con đường (Ðạo) để đạt được quảdiệt. Chúng
đi đến một chỗ thanh vắng với một tâm trí đầy chán
ghét và chứng được samatha (chỉ). Tâm trí của chúng
này không còn bị sự vật ở đời chi phối và chúng nghĩ,
chúng đã làm mọi sự cần phải làm, chúng giải thoát khỏi
mọi khổ đau và thành vị A-la-hán. Nhưng sau khi chết, chúng
tự thấy chúng tái sanh giữa chư thiên và tâm trí chúng
phát sanh nghi ngờ đối với đức Phật và sự giác ngộ
của Ngài. Khi chúng chết nữa, chúng phải sanh vào địa
ngục vì đã nghi ngờ sự hiện hữu của Như Lai, sau khi
đã có những tà kiến về các bất sanh pháp. Do vậy Tứ
đế cần phải được xem dưới ánh sáng của kinh
Manjusrìsùtra, như đã nêu lên từ trước.
Tập
Prajnàpàramità về các Thánh đế
Quan điểm mới về Thánh
đế của học phái Nàgàrjuna được tìm thấy trong tập
Prajnàpàramita, liên hệ với sự cố gắng giải thích quan
niệm về sùnyatà. Tập Pancavimsati-sàhasrikà-Prajnàpàrami tà
(Bát nhã nhị vạn ngũ thiên tụng) định nghĩa các Thánh đế
như sau:
"Thế nào là
Dukkhasatyàvavàda? Một vị Bồ-tát, khi thực hành Bát nhã
Ba-la-mật, phải không tự xem mình là nắm giữ hay không nắm
giữ một uẩn nào trong năm uẩn, hay bất kỳ giác quan
nào hay các àyatana hay bất cứ thức nào khởi lên do sự
xúc chạm giữa căn và trần, hay một trong Tứ đế nào,
hay 12 vòng chuyền trong sợi dây chuyền duyên khởi, 18 loại
Sùnyatà v.v... Vị này không xem vật gì, như rùpa (sắc),
vedanà (thọ) v.v..., như có liên hệ hay không liên hệ.
Theo tập
Prajnàpàramità, như vậy gọi là thuyết pháp về sự thật
thứ nhất, khổ đế. Ý tưởng tiềm tàng là, nếu một vị
Bồ-tát nghĩ rằng mình có liên hệ hay không liên hệ với
một sự vật gì, sự vật này theo tập Prajnàpàramità là
không thật có hay chỉ có một đời sống tục đế, thì vị
Bồ-tát ấy bị đau khổ chi phối, cho đến vị Bồ-tát xem
mình như đã chứng các Thánh đế, hay Duyên khởi, hay
Sùnyatà, vị ấy sẽ bị đau khổ chi phối, dù rằng, theo
các nhà Tiểu thừa, vị Bồ-tát ấy chứng được lạc thọ
(sukha) hay Niết bàn.
Thế nào là
Samudayasatyàvavàda? Một vị Bồ-tát, khi thực hành Bát
nhã Ba-la-mật, không xem sắc hay một uẩn nào là chịu
sanh diệt chi phối (utpàdharmin hay nirodhadharmin), hay bị bất
tịnh hay không bất tịnh (samklesadharmin hay vyàvadàna
dharmin). Vị ấy biết rùpa (sắc) không đổi thành
(samavasarati) vedanà (thọ), hay thọ đổi thành samjnà (tưởng)
v.v...; một pháp, sự thật tự tánh là không (prakrti
sùnyatà), không thể đổi thành một pháp khác. Một pháp
đã không(sùnya tà) về rùpa, không phải là rùpa. Không
tánh (sùnyatà), về rùpa cũng không lấy một rùpa. Do vậy
Sùnyatà không khác và không giống với rùpa. Các uẩn
khác cũng được đề cập tương tự như vậy. Ðó là
bài thuyết giảng về Samudaya (Tập). Mục đích thuyết giảng
này là xác nhận mọi sự vật được xem là có ở đời,
sự thật không thật có, và do vậy không thể có sanh, diệt,
biến đổi. Cho nên một vị Bồ-tát cần phải không bận
tâm về quan niệm samudaya của sự vật.
Thế nào là
Hirodhasatyàvavàda? Một vị Bồ-tát phải biết sùnyatà
không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng,
không giảm, không phải quá khứ, hiện tại hay vị lai. Do
vậy trong Sùnyatà, không thể có rùpa, vedanà v.v... không
thể có Dukkha, samudaya v.v..., cũng không thể có srotàpanna
(Dự lưu),sakrdàgàmi (Nhất lai) hay đức Phật. Như vậy gọi
là Nirodhàsatyàvavàda. Lời tuyên bố này có chủ đích
nêu rõ Nirodha không phải gì khác ngoài sự chứng ngộ
chân tánh của Sùnyatà.
Với lý luận như vậy,
tập Prajnàpàramità muốn nêu rõ sự thật là Sùnyatà, nghĩa
là sự không hiện hữu của sự vật, được xem là có ở
đời, và như vậy có thể xem là sự thật thứ ba, Diệt đế.
Còn Dukkha có nghĩa là nghĩ tự ngã có liên hệ cách này hay
cách khác với sự vật giả danh. Samudaya có nghĩa là tin sự
vật thật có sanh. Còn màrga thời không có vị trí trong sự
giải thích aryasatyà và tập Prajnàpàramità bỏ quên màrga.
Sự
hiểu lầm của các vị A-la-hán
Ngài Nàgàrjuna, như chúng
ta đã thấy trích dẫn trong các tập Ðại thừa để chứng
minh các vị A-la-hán còn bị chi phối bởi nhiều hiểu lầm.
Trong 4 điên đảo tưởng (viparyàya), các vị này chưa giải
thoát được pháp thứ tư, nghĩa là thấy có ngã trong sự vật
vô ngã, xem sự vật không thật có là thật có. Những lời
tuyên bố này của Nàgàrjuna hay các tập Ðại thừa về
các nhà Tiểu thừa là nhắm đến không tánh của mọi pháp
(Dharma Sùnyatà= Pháp không), chứ không phải chỉ các pháp hữu
vi mà Tiểu thừa bận tâm (pudgalasùnyatà= nhân không).
Nàgàrjuna chấm dứt bài thuyết pháp của mình với sự xác
nhận sự thật là mọi pháp không khác gì tiếng vọng, ảo
tượng hình ảnh trong chiêm bao. Khi chứng được điểm này,
vị ấy sẽ không còn thương hay ghét một ai, và với tâm
trí như hư không, vị ấy sẽ không biết một khác biệt
gì như đức Phật, Pháp hay Tăng già và không có nghi hoặc
gì đối với mọi sự vật. Vì không nghi và không tham, vị
ấy chứng được Niết bàn parinirvàna mà không có upàdàna
(thủ).
Ngài Sàntideva (Bodhic,
tr.350-1) cũng lý luận như trên và nói con người vì vô minh
(avidyà) mà gán sat (sự hiện hữu) cho sự vật không hiện
hữu (asat), tự ngã (attà) cho sự vật không có ngã (anatta).
Vô minh này sẽ chấm dứt khi nào vị này nhận chân được
(paramatthatà) sự vật hiện hữu như một giấc chiêm bao hay
như tiếng vọng. Khi nào vô minh diệt, các vòng chuyền khác
trong sợi dây chuyền nhân duyên sẽ không có cơ hội để
khởi và nhờ vậy, người ấy chứng Niết bàn.
Như vậy, các nhà Ðại
thừa liệt bốn Thánh đế và lý Duyên khởi vào địa hạt
Tục đế, không thật có và xác nhận chúng rất cần trong
giáo lý Ðại thừa vì đóng vai trò phương tiện để hướng
dẫn chúng sanh đã bị vô minh làm lệch lạc hay che dấu
nhãn quan của chúng.
Các
nhà Yogàcàra (Duy thức học) giải thích
Tứ thánh đế và lý Duyên khởi
Các ngài Nàgàrjuna và
Sàntideva giải thích lập trường của phái Màdhyàmika về vấn
đề Thánh đế và lý Duyên khởi như đã đề cập đến
trước.
Các ngài Asanga,
Vasubandhu và các tác giả thuộc phái Duy thức học đề cập
vấn đề này một cách ngẫu nhiên. Như Asanga nói đến Tứ
đế (Sùtra, tr. 137-8, 149-1) tuyên bố rằng 2 sự thật đều
trình bày nguyên nhân thế giới hay sự tiếp tục tái sanh
và nguyên nhân của chúng. Hai sự thật sau nói đến sự đoạn
diệt của sự vật và nguyên nhân đưa đến sự đoạn diệt.
Hai sự thật đầu cần phải đoạn trừ, hai sự thật sau cần
phải tu chứng. Liên hệ với 14 cách để các vị Bồ-tát
Smrty-upasthànas (Niệm xứ), Ngài Vô trước nói người ta có
thể chứng nhập và làm người khác chứng nhập 4 Thánh đế
với phương pháp Niệm xứ. Các tác phẩm Duy thức khác, tập
Siddhi (Thành Duy thức). Lankàvatàra (Nhập lăng già) không
nói riêng về Tứ đế mà nói đến giáo lý Tiểu thừa để
so sánh và nêu rõ sự khác biệt. Ví dụ các tập ấy nói
đến các nhà Tiểu thừa như những vị chỉ nắm giữ hiển
giáo của đ?c Phật chứ không phải mật giáo; tự bằng
lòng xác nhận sự sanh khởi của sự vật mà thôi, chứ
không tìm hỏi tánh bất sanh căn bản. Chúng bị khổ cực dưới
vọng tưởng (parikalpanà), xem ba giới là thật có, ước định
sự sai biệt giữa chủ thể và đối tượng, tự chấp nhận
sự hiện hữu của uẩn, xứ, giới, tâm (citta), nhân duyên
(hetupratyaya), hoạt động (kriyàyoga), sanh (utpàda), trú
(sthiti), diệt (bhaga) v.v... Tập Lankàvatàra đề cập lý
Duyên khởi, nói rằng chính nhờ hiểu được sự vật phát
sinh do nhân và duyên mà đoạn trừ được vọng tưởng xem
sự vật không hiện hữu là hiện hữu, xem sự vật phát
sanh từ từ hay đột khởi. Rồi tập ấy giải thích như
thường lệ rằng lý Duyên khởi xảy ra theo hai cách, nội
và ngoại. Như một đồ gốm, bơ, cây con v.v... phát sanh do
ngoại nhân và ngoại duyên, còn vô minh, ái, nghiệp v.v...
phát sanh do nội nhân và nội duyên. Như vậy, theo các nhà
Duy thức, Tứ đế và lý Duyên khởi thuộc về giới vức
parikalpanà (vọng tưởng) chứ không phải sự thật.
Phái
Duy thức nói đến ba sự thật, phái Trung quán chỉ nói
hai
Chúng ta cần phải nhớ,
dù phái Duy thức bị phái Trung quán (M, Vr. Tr.523) chỉ trích
nhiều về lý thuyết thức thứ tám, gọi là Àlaya vijnàna
(A lại da thức), cả hai học phái đều đồng ý xem mọi sự
vật là không thật có, bất sanh bất diệt, chân đế không
thể tuyên bố, đồng nhất với như thực tánh và không
thay đổi, đầy đủ tướng anàyùha và niryùha (bất thủ,
bất xả) và vượt ngoài mọi khả năng tưởng tượng (Tathàtvam
ananyathàtvam tattvam ànyùhaniryùhalaksanam sarvaprapancopasamam
(Lankà, tr.196). Những đoạn văn như thế này có thể trích
dẫn rất nhiều từ các tác phẩm Duy thức tôn để nêu rõ
quan điểm các nhà Duy thức về chân lý, trừ thuyết A lại
da thức, đều giống quan điểm các nhà Trung quán. Các vị
này cùng với các nhà Trung quán chấp nhận rằng từ đời
vô thủy, tâm trí bị si mê chi phối đã gán sự hiện hữu
(sat) cho sự vật không hiện hữu (asat) và các nhà Tiểu thừa
không thể nào đoạn trừ 4 điên đảo tưởng, vì các vị
này chỉ biết quán Pudgalanimitta (nhân tướng), chứ không phải
sarva dharmanimitta (nhất thế pháp tướng), và quan niệm Niết
bàn như một sự gì có hiện hữu, đầy tịnh lạc vàvượt
khỏi khổ đau. Các nhà Duy thức quan niệm rằng Ðệ nhất
nghĩa đế mà các vị này gọi là Parinispanna, thay vì
Paramàrtha của các nhà Trung quán, nghĩa là chứng được sự
kiện mọi pháp do tâm trí chúng ta nhận thức đều chỉ có
sự hiện hữu như ảo tưởng trong cơn mộng hay bóng mặt
trăng trong nước mà thôi.
Tuy vậy, từ đời vô
thủy tâm trí của chúng ta quá bị mê hoặc đến nỗi chúng
ta không thể không nhận thức, trong những ảo tưởng và
hình bóng ấy, một cái gì có hiện hữu, hay nói một cách
khác, với sự hiểu biết thông thường của chúng ta, chúng
ta không thể vượt lên trên parikalpanà (biến kế sở chấp),
tức là samvrti (Tục đế) của phái Trung quán và các phái
khác. Các nhà Duy thức còn thêm một pháp nữa vào
parikalpanà, nói rằng parikalpanà được sanh phải y vào một
pháp khác, và như vậy phải luôn luôn paratantra (y tha khởi),
tức là pratityasamutpanna (Duyên khởi) của phái Trung quán và
các phái khác. Pháp mà parikalpanà ya cứ không cần thiết phải
hiện hữu hay thật có, vì một người có thể bị một tiếng
vọng lại làm cho sợ hãi. Tóm lại, Parikalpita và Paratantra
liên hệ tới các pháp thế gian mà thôi, các pháp vô thường,
vô ngã và khổ của các nhà Tiểu thừa. Còn parinispanna
(Viên thành thực) liên hệ tới Niết bàn, Tịnh lạc v.v...
mà tất cả phiền não và nghiệp chướng được diệt tận.
Ngài Asanga nêu rõ sự
liên hệ của ba sự thật như sau: Sự thật cao nhất (paramàrtha
hay parinispanna) hữu là bất nhị, được trình bày trong năm
cách. Hai trong 5 cách nói đến là sự thật nói đến không
có hiện dưới hình thức Parikalpita và Paratantra, và không
phải không hiện hữu dưới hình thức Parinispanna. Sự thật
ấy không phải là một vì Parikalpita và paratantra không giống
với Parinispanna. Sự thật ấy không khác vì cả hai sự thật
trước không khác với sự thật sau. Trong một đoạn liên hệ
khác, Asanga nói một vị Bồ-tát chỉ được gọi là một
Sùnyajnà (một vị hiểu được thực tánh của sự không hiện
hữu), khi vị này hiểu được ba phương diện. Trước hết,
không hiện hữu nghĩa là sự khiếm diện các tướng thường
được gán cho một vật tưởng tượng (parikalpita). Thứ
hai, sự không hiện hữu là sự khiếm diện bất cứ hình
thức nào của sự sống mà chúng ta có thể tưởng tượng
được (paratantra). Thứ ba, cái gì tự tánh là không hiện hữu
(parinispanna) (Sùtrà. Tr.94-5). Tập Vijnaptimàtràsiddhi (Thành
Duy thức) (tr. 39-42) giải thích điểm này và nói rằng tánh
abhàva có ba loại:
(I)
Laksananihsvabhàvatà (sự không hiện hữu các tướng thường
được xem là gán cho một sự vật và do vậy chính sự vật
ấy nghĩa là parikalpita,
(II) Utpattinihsvabhàvatà (sự không hiện hữu của một sự
vật khi nhìn về căn bản sanh khởi, nghĩa là paratan trà);
và
(III) Paramàrthanihsvabhàvàtà (sự không hiện hữu của một
vật theo nghĩa cao nhất, tức là parinispanna).
A- Parikalpita (Biến kế
sở chấp)
Sthiramati, khi sớ giải
tập Siddhi, nói rằng sự thật thứ nhất, Parikalpita nói đến
sự không hiện hữu của sự vật bởi những đặc tánh hay
tướng. Một vật không thể quan niệm là hiện hữu, nếu
không được một số đặc tướng gán vào. Tướng ấy là
hình sắc nếu gán cho một vật, hay là tướng khổ, lạc
v.v... nếu gán cho một cảm thọ. Sự vật vô cùng mà loài
người tưởng tượng, kể cả các Pháp thuộc về một đức
Phật, chỉ có hiện hữu trong tưởng tượng của con người;
do vậy chúng là Parikalpita (biến kế sở chấp), nghĩa là
không có gì liên hệ đến sự thật. Tập Lankàvatara (tr.67)
nói đời sống parikalpita được biết nhờ các tướng
(nimitta) và được giải thích như sau: Mọi sự vật duyên
khởi được biết nhờ các tướng (nimitta) và tánh (laksana)
của chúng. Sự vật có nimitta và laksana thuộc hai loại. Sự
vật chỉ nhờ nimitta mà biết, nói đến sự vật một cách
tổng quát, nội và ngoại; còn sự vật nhờ cả
nimitta-laksana mà biết nói đến sự hiểu biết các đặc
tướng và tánh phát sanh của sự vật nội và ngoại. Asanga
phân biệt parikalpita có ba loại: (I) căn bản (nimittà hay
àlambàna) của một tư tưởng, (II) cảm giác về thức
(vàsanà= tập khí) để lại trên tâm trí, (III) đặt tên
(arthakhyàti) sau khi những cảm giác ấy được xem là thật
có.
B- Paratantra (Y tha khởi)
Loại thứ hai,
Paratantra, thuộc về một sự hiện hữu tưởng tượng nói
đến trước, đứng về phương diện sanh khởi, nghĩa là mọi
sự vật hay cảm giác chỉ có sự hiện hữu trong tưởng
tượng và y cứ vào một vật gì để sanh khởi (paratantra).
Sự vật hiện ra không giống với nguồn gốc phát sanh ra
chúng, do vậy nên có lời nói là sự không thật có của sự
vật chỉ được nhận thức khi chúng được xem từ chỗ phát
sanh ra chúng. Dù cho sự vật, thiện, ác, vô ký hay ba giới,
hay các tâm và tâm sở, chỉ có một đời sống tưởng tượng,
nhưng chúng cũng khởi lên từ các nhân và các duyên, nghĩa
là chúng phải y nơi các pháp khác mà sanh khởi, và do vậy
chúng không thể nói là thật sự hiện hữu, vì một sự vật
thật có luôn luôn như vậy, không phải y vào nhân và
duyên. Tập Lankàvatàra nói một cách tóm tắt như sau: Mọi
sự vật phát sanh từ một căn bản nào là duyên khởi hay y
tha khởi (yadasrayàlambanàt pravartate tat paratantra). Asanga phân
tích paratantra như sau: Tướng của paratantra là
abhùtapankalpah (vọng tưởng) về chủ thể (gràhaka=năng trí)
và vật thể (gràhya= sở tri).
C- Parinispanna (Viên
thành thực)
Loại thứ ba,
Parinispanna, thuộc về Paramàrtha (Chân đế) hay Tathatà (như
thực tánh). Như hư không, sự thật này thuần nhất (nghĩa
là ekarasa= nhất vị), trong sạch và không biến hoại,
Parinispanna-svabhàva (Viên thành thực tự tánh) gọi là
Paramàrtha vì là vị trí cao nhất, từ đó nhìn xuống các sự
vật y tha khởi. Trong nghĩa này, cũng có thể gọi
Dharmatà=Pháp nhĩ như thị, hay nói một cách khác, tối thượng
tiềm tàng trong thế giới hiện tượng. Tập Siddhi nêu rõ
Parinispanna được gọi như vậy vì hoàn toàn không bị biến
hoại. Nếu so sánh với Paratantra thời Parinispanna, tức là
Paratantra nhưng hoàn toàn không có phân biệt giữa chủ thể
và vật thể, hai pháp sau này chỉ do tâm trí tưởng tượng
và vì vậy không thật sự hiện hữu. Do đó, Parinispanna
được xem là paratan tra, trừ parikalpita.
Hai
sự thật trong Tiểu thừa
Từ những biện luận
tóm tắt kể trên, chúng ta thấy rõ Paramàrtha của các nhà
Trung quán và Parinispanna của các nhà Duy thức nêu rõ sự thật
theo quan điểm của những vị này. Chấp nhận sự thật
này là sự thật độc nhất, các vị này loại tất cả
các pháp khác vào trong thế giới không thật có, gọi chúng
là Samvrti hay Parikalpita, nhưng vẫn xem các pháp Tục đế
sanh diệt do các nhân duyên chi phối. Nói một cách khác,
các pháp Tục đế chịu sự chi phối của định luật nhân
quả, luật pratìtyasamutpàda của các Phật tử nói chung và
paratantra của phái Duy thức nói riêng.
Các nhà Tiểu thừa cũng
dùng chung những danh từ với các nhà Ðại thừa, và các vị
này xem Thánh đế của mình là sự thật độc nhất,
Paramattha (chơn đế), còn ngoài ra thuộc về Sammuti hay Tục
đế. Nói tóm lại, sự thật của chúng, vì là vô ngã, sự
không hiện hữu của một thực chất gì trong những sự vật
ở đời, và những gì vô ngã là vô thường và đau khổ.
Ngài Buddhaghosa nêu rõ sự khác biệt, nói rằng các đức Phật
dùng hai loại ngôn ngữ, giả danh và thực danh. Những danh từ
như satta (hữu tình), puggala (nhân), deva (thiên) v.v... gọi
là giả danh. Còn những danh từ như anicca (vô thường),
dukkha (khổ), antta (vô ngã), khandha (uẩn), dhàtu (giới),
àyatana (xứ), satipatthàna (niệm xứ) và sammappadhàna (chánh
cần) được dùng trong nghĩa chân thực của chúng. Ngài
Nàgasena giải thích rằng khi đức Phật nói: "Ta sẽ hướng
dẫn Sangha hay Sangha tùy thuộc nơi Ta", đức Phật dùng
hai danh từ Ta và nơi Ta" theo nghĩa giả danh chứ không
phải là thực nghĩa. Ledi Sadaw giải thích Sammuti-sacca (Tục
đế) như những lời tuyên bố mà sự ứng dụng phổ thông
xem là thực và chống với những gì "mâu thuẫn và
không trung thực trong lời nói". Còn Paramatthasacca là những
gì xứng hợp với bản tánh của sự vật và không tùy thuộc
vào ý kiến hay sự ứng dụng. Như một ví dụ, Ngài nêu
rõ khi nói rằng: "Có một linh hồn", lời nói này
đứng về tục đế thì đúng còn đứng về chân đế thì
sai, vì theo chân đế, không có linh hồn nào cả. Chân đế
là sự thật đúng đắn trong mọi trường hợp và hoàn cảnh,
và không tùy thuộc giá trị của mình vào sự ứng dụng
hay ý kiến phổ thông. Chủ trương của các vị Tiểu thừa
là một danh từ được gán cho những pháp hữu vi; danh từ
ấy thuộc về tục đế. Ví dụ như khi các bánh xe, thùng
xe và các bộ phận khác của một cỗ xe họp lại theo một
thứ tự đặc biệt nào, tất cả sự vật nhóm lại được
gọi với danh từ là một cỗ xe. Danh từ "cỗ xe"
như vậy tùy thuộc về tục đế. Nếu vật hữu vi nghĩa là
cỗ xe được chia thành từng bộ phận, như vậy không còn
gọi là cỗ xe khi được phân chia. Do đó, những sự vật,
cuối cùng đạt được nhờ chia chẻ phân biệt như vậy, sẽ
là những cá thể độc nhất chân thực. Chúng không thay đổi
và mang cùng một danh từ trong tất cả thời, tại tất cả
chỗ và dưới mọi trường hợp. Theo các nhà Tiểu thừa, tất
cả những phần tử tối hậu tạo một loại hữu tình hay
sự vật là thật có, và khi nói thành đến chúng, chúng ta
có thể gọi là chân đế hay những sự thật tối hậu. Các
Dhàtu hay Àyatàna, Satipatthàn hay Sammappadhàna, đều là những
danh từ dùng theo nghĩa chân đế.
Tập Kosa (vi, 4) giải
thích hai sự thật hồi sai khác. Tập này nói, những sự như
cái ghe và áo quần, sau khi bị tiêu hủy, không còn được
gọi cùng một tên như trước. Sự vật như nước hay lửa
cũng vậy, khi được phân tích chia chẻ sẽ tiêu thành một
số phần tử và không còn được gọi là nước và lửa như
trước. Do vậy sự vật, sau khi phân tích, được tìm thấy
là biến đổi, sự vật được gán cho danh từ tục đế.
Những danh từ trình bày những tư tưởng, ý nghĩa tạm thời,
không thường còn, được gọi là Samvrtisatyas (Tục đế). Còn
những Paramàrthasatyas (Chơn đế) là những danh từ trình
bày những ý nghĩa, tư tưởng không thay đổi, dù cho sự vật
có bị tiêu hủy, phân tích hay không. Ví dụ danh từ rupa (sắc),
dù chúng ta có chia chẻ sắc thành nguyên tử hay loại mùi vị
và các đặc tánh khác khỏi sắc, nhưng ý nghĩa về thực tánh
của rùpa vẫn tồn tại. Cũng vậy, người ta nói đến
vedanà (thọ); Những danh từ ấy gọi là Chân đế.
Nhưng những Chân đế
của Tiểu thừa, như chúng ta đã thấy, bị các nhà Ðại
thừa liệt vào hàng Tục đế. Những gì theo các nhà Tiểu
thừa là thực có, như Thánh đế và lý Duyên khởi là
không thật có, thuộc Tục đế, theo các nhà Ðại thừa.
---o0o---
Mục
lục
|
1.1
|
1.2
|
2.1
|
2.2
|
3.1
|
3.2
|
3.3
|
3.4
|
3.5
|
4.1
|
4.2
|
5
---o0o---
|
Thư Mục Tác Giả |
---o0o---
Chân thành
cám ơn Đạo hữu Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Quang Duc Website, tháng 5, 2002)
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật : 01-05-2002