Chúng
ta đã thấy rõ tầm quan trọng của các tập Bát nhã Ba-la-mật
trong lịch sử văn học Phật giáo, và nhất là trong lịch sử
nguồn gốc và sự phát triển của Ðại thừa giáo. Từ một
số khá lớn các tập Bát nhã Ba-la-mật bằng tiếng
Sanskrit, Hán tự và Tây tạng ngữ (danh sách các tập này
được ghi trong các tập Catalogue of the Chinese Buddhist
Tripitaka của Nanjio và tập Die Voelkommenheit der Erkenntuis của
Walleser), cho chúng ta thấy rõ trong một giai đoạn nào đó của
Phật giáo, các tác phẩm Bát nhã Ba-la-mật được xem là
thiêng liêng và có giá trị nhất trong các tác phẩm Phật
giáo. Ngài Nàgàrjuna (Long thọ) xác nhận tầm quan trọng
này bằng cách soạn một luận sớ cho một tập Bát nhã
Ba-la-mật và Ngài Asanga (Vô trước) cùng một số luận sư
khác đã để rất nhiều thì giờ và công lao để tìm hiểu
triết lý các tập này.
Tập
Bát nhã Ba-la-mật xưa nhất
Năm tháng các bản Hán
dịch các tập Bát nhã Ba-la-mật giúp chúng ta rất ít để
xác chứng tập nào là xưa nhất. Cho đến lý thuyết do một
số học giả chủ xướng rằng tập nào súc tích giản dị
nhất là xưa nhất, lý thuyết này cũng không giúp được
bao nhiêu trong loại văn học đặc biệt này. Chúng ta được
biết bản dịch xưa nhất là bản Dasasàhasrika
Prajaàpàramità (Bát nhã tập thiên tụng) do Ngài Lokaraksà
(Thế hộ) dịch vào khoảng 148 sau kỷ nguyên. Ðiều kỳ lạ
là bản dịch đặc biệt tập Bát nhã Ba-la-mật này không
được các nhà học giả Sanskrit biết đến. Tập Mahàvyutpatti
(tr.65) chỉ nói đến 6 tập Bát nhã (Satasahasrikà,
Pancavimsátisá, Astasá, Phancasatikà, Trisatikà và
Satasàhasrikà) mà không nói đến tập này; ngoài ra Bendall,
R.L, Mitra, và H.P. Sástri phân loại nhiều bản thảo về Bát
nhã Ba-la-mật nhưng không gặp một bản thảo nào của tập
Dasasàhasrikà; ngoài những sự kiện trên, chúng ta cũng cần
để ý rằng Sàntideva hay tác giả tập Lankàvatàra có nhiều
dịp đề cập đến tập Sata và tập Asta nhưng không bao giờ
đề cập đến tập Dasa. Cách giải thích độc nhất về sự
im lặng của các học giả Sanskrit, hoặc là tập Bát nhã
Ba-la-mật này không xuất xứ ở Ấn Ðộ hay tập này chỉ
là một bản dịch của tập Asta. Nhưng một vấn đề lại
được đặt ra là vì sao trong các bản Hán văn lại có nhiều
bản Hán dịch dịch tập Asta. Một sự nghiên cứu tỷ mỉ
các bản Hán dịch có thể đem lại nhiều kết quả rõ
ràng, nhưng đầu đề các chương trong các bản Hán dịch
không giúp chúng ta được bao nhiêu vì do các nhà dịch giả
Trung Hoa tự tạo ra chứ không dịch theo nguyên bản Sanskrit.
Nếu chúng ta chỉ y của
theo truyền thống Tây tạng thời chúng ta sẽ xem tập Asta
là tập xưa nhất, vì tập này do Maitreya (Di lặc), thuyết
giảng đầu tiên. Thêm vào ý kiến của hai học giả Nanjio
và Walleser, xem hai tập Dasa và Asta là một, thì chúng ta có
thể xem tập asta là xưa nhất. Tuy vậy, truyền thuyết Népal
xem tập Asta là bản tóm tắt chậm nhất của nguyên bản
Prajnàpàramità, tập này có đến 125.000 bài kệ, các bản
tóm tắt xưa nhất là tập Sata, rồi đến Pancavimsati và tập
Asta.
Chúng ta có thể đến
gàn sự thật hơn nếu chúng ta biết được nguyên bản mà
Ngài Long thọ đã làm bản luận sớ nổi danh
Mahàprajnàpàramitasàstra. Rosenberg xem nguyên bản ấy là tập
Pancavimsati nhưng không nói rõ lý do xuất xứ. Ở Nhật Bản
người ta xem tập nguyên bản ấy là tập Prajnàpàramità có
tên là Ðại Minh Ðộ kinh, và theo Nanjlo, tập này là một bản
dịch của tập Asta. Tập Ðại Minh Ðộ kinh có đến 30
chương như một vài bản dịch của tập Asta và Dasa và rất
có thể là bản dịch của tập Asta. Tuy vậy khi đem so sánh
thì bản dịch không theo dùng nguyên bản Sanskrit hiện tại.
Hơn nữa số chương ở nguyên bản Sanskrit là 32, còn số chương
trong bản Hán dịch là 30, và nếu bản ấy là bản dịch của
tập Asta, thời có thể bản dịch ấy là một bản dịch
khác biệt của đồng nguyên bản Sanskrit.
Các
bằng chứng về nội dung:
I- Quan điểm Ba thân
Cũng có một số bằng
chứng về nội dung chứng minh tập Asta sớm hơn và xưa hơn
tập Sata và tập Pancavimsati, những bằng chứng này phần lớn
thuộc về quan niệm Sambhogakàya (Báo thân) và 10 Bhùmi (thập
địa).
Như chương III đã nói
tới, các nhà Yogàcàra chịu trách nhiệm về quan niệm ba
thân và Ngài Long thọ trong tập Mahàprajnàpàramitàsàstra chỉ
nói đến hai thân, Sắc thân và Pháp thân, không nói đến Báo
thân. Sambhogakàya được đặc biệt nói đến trong tập
Pancavimsati, tập này được soạn lại, nhưng sự diễn tả
về Báo thân tương đương với quan điểm Pháp thân của
các nhà Ðại thừa đầu tiên và Tự thọ dụng báo thân của
các nhà Duy thức về sau. Nay vấn đề được đặt ra là
quan điểm Sambhogakàya khi nào được phổ thông? Quan điểm
đầu tiên và rõ rệt nhất được tìm thấy trong tập
Lankàvatàra(Nhập lăng gìa), nhưng danh từ dùng không phải
là Sambhogakàya mà chính là Nisyanda (Ðẳng lưu) hay Dharmatànisyanda-Buddha
(Pháp tánh đẳng lưu Phật). Tập Lankàvatàra không được
xem là tập xưa nhất và chắc chắn ra sau tập Satasàhasrikà
và tập này được tập Lankàvatàra nói đến đích danh từ
(tr.8). Trong tập Sata, danh từ Nisyandakàya hay Sambhogakàya
không được dùng đến, nhưng có đoạn diễn tả Sambhokàya
của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Báo thân này được gọi
là Prakrtyàtmabhàva hay Àsecanakakàya (Vô yếm túc thân).
Ðoạn văn diễn tả
Àsecanakakàya được dùng như đoạn mở đầu (nidàna=Nhơn
duyên) cho đoạn văn bàn về Bát nhã Ba-la-mật. Tập
Pancavimsati theo sát tập Sata gần như từng chữ một trong
đoạn văn này và như vậy không cần phải bàn đến. Tập
Gadavyùha (Hoa nghiêm) hơn cả tập Prajnàpàramità khi diễn đạt
Buddhakàya (Phật thân) và hình như trí tưởng tượng không
thể vượt hơn những hình ảnh mà tác giả tập Hoa nghiêm
đã diễn tả. Ðoạn văn diễn tả Àsecanakakàya cũng được
tìm thấy trong tập Pháp Hoa, nhưng dè dặt và ít tưởng tượng
hơn. Ðiều kỳ lạ là đoạn văn diễn tả thân hào quang của
đức Phật chiếu khắp mười phương thế giới và làm mọi
chúng sanh hoan hỷ, không được tập Asta nói đến. Tập này
đề cập ngay vấn đề Bát nhã Ba-la-mật, và đề tài này
được tập Sata nói đến trong chương hai và chương bốn
(Sata trang 504, 324, Asta trang.7 và 4). Sự im lặng của tập
Asta về thân hào quang của đức Phật chứng tỏ tập này xưa
hơn tập Sata, Pancavimsati và Gandavyùha, và được biên soạn
trong thời gian khi quan niệm về Sambhogakàya hay Àsecanakakàya
chưa được đề cập.
II- Quan điểm về
Dasabhùmi
Một bằng chứng nữa
xác nhận tánh cách kỳ cựu của tập Asta là quan điểm của
tập này về 10 địa. Về sự diễn tiến của quan điểm Bhùmi,
chúng ta đã thấy tập Mahàvastu được xem là xưa nhất, rồi
đến tập Sata và pancavimsati, cuối cùng là tập
Dasabhùmikasùtra và các tập khác. Tập Asta không đề cập
đến các Bhùmi chút nào cả. Bằng chứng tiêu cực này có
thể bị phản đối, nhưng nếu so sánh tập Asta với tập
Sata, thời đầu là những bằng chứng tiêu cực, những bằng
chứng này cũng đủ sức mạnh để xác chứng quan điểm của
chúng tôi. Ðọan văn diễn tả các Bhùmi thuộc chương mười
tập Sata, và được giới thiệu với đọan văn như sau:
Katham Bodhisattvo mahàyana-samprasthito bhavati (Như thế nào vị
Bồ-tát được xem là bước vào con đường Ðại thừa?)
(Sata, tr. 1454; Asta, tr. 23). Ðoạn này được mở đầu bằng
một đoạn giải đáp khá tỷ mỷ về câu hỏi: "Thế
nào là Ðại thừa?", giúp tập Sata cơ hội đề cập đến
tất cả các hạnh Ðại thừa mà một vị Bồ-tát cần phải
thực hiện. Chương kế tiếp chương các Ðịa, bàn đến
triết lý siêu hình Ðại thừa, thuyết Chơn không (Sùnyatà)
được đem so sánh với Àkàsa (Hư không). Tập Asta trả lời
câu hỏi thế nào là Mahàyàna-samprasthita bằng một chữ:
"Pàramitàbhih samprasthitah". (Bắt đầu bởi thực hành
hạnh Ba-la-mật). Trước câu này là một câu trả lời vắn
tắt câu hỏi: "Thế nào là Ðại thừa?", tiếp theo
là một vài nhận xét về hình thái siêu hình của Ðại thừa,
nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến các Bhùmi. Có người
sẽ giải thích, chỉ vì muốn vắn tắt mà tập Asta không
đề cập đến nhiều vấn đề và các Bhùmi là một trong
những vấn đề ấy. Một câu chất vấn như vậy chỉ có
thể trả lời bằng một bằng chứng tiêu cực khác mà
thôi. Tập Bát nhã Ba-la-mật thường kể tất cả các hạnh
tu và kể các tầng bậc thánh quả của một vị Thanh văn,
Bích chi hay một vị Bồ-tát và nêu rõ rằng các hạnh và tầng
bậc ấy không thật có hay các vị Bồ-tát thoát ly khỏi
chúng và chúng chỉ là mộng ảo được xem là chân thật bởi
quần chúng mê muội. Không một tập Bát nhã Ba-la-mật nào
nói đến các Bhùmi (địa), dù các tập này có đề cập đến
các tầng bậc thánh quả Tiểu thừa trong các đoạn văn ấy.
Sự kiện này làmvững mạnh thêm ý kiến của chúng tôi xem
quan điểm Bhùmi không được các nhà Tiền Ðại thừa biết
đến, và chỉ được tạo ra và soạn tập vào các tập
Bát nhã Ba-la-mật lớn hơn về sau, và không đả động gì
các đoạn văn ghi chép về các Thanh văn Ðịa (Sàta, tr. 14).
Với những bằng chứng
về nội dung như vậy, chúng ta có thể xác nhận chắc chắn
là tập Asta sớm hơn các tập Sata. Pancavimsati, cũng như các
tập Lankàvatàra, Saddharma-pundarìka, Gandavyùha và
Dasabhùmikasùtra. Với những bằng chứng về Sambhogakàya và
Bhùmi, chúng ta có thể phân loại thứ tự trước sau như thế
này:
1) Asata và Dasa.,
2) Saddharmapundarìka, Sata., và Pancavimsati (tập hiệu đính),
3) Gandavyùha và Lankàvatàra., và
4) Dasabhùmikasùtra.
Bản Hán dịch sớm nhất
của tập Dasabhùmikasùtra do Ngài Dharmaraksa (Pháp hộ) dịch
vào thế kỷ thứ III và chứng tỏ tập Sùtra này có mặt
vào thế kỷ thứ II. Hai thế kỷ có thể được xem là cần
thiết để quan điểm Báo thân và các Ðịa được phát triển
và tập Prajnàpàramità được sưu tập dồi dào hơn. Do vậy,
chúng ta có thể chấp nhận tập Asta và Dasa được có mặt
vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất sau kỷ nguyên.
Sự
liên hệ giữa các tập Prajnàpàramità
Người ta thường tin rằng
- và cũng có một truyền thống tương tự - có một cố gắng
tuần tự làm cho ngắn lại tập Prajuàpàiamità nguyên thủy
và do đó các tập luận như sau được ra đời: Satasàhasnkà,
Pancavimsátisà, Astadasasà, Dasasà, Astasà, Saptasátiká, Ardhas
Atikà, và cuối cùng là tập Ekàksarè. Thực sự các tập
Bát nhã Ba-la-mật này, trừ ba hay bốn tập đầu không phải
là những tập tóm tắt các tập lớn hơn, mà chỉ là những
tập độc lập soạn thảo và biên tập bởi nhiều tác giả
sai khác trong những thời gian sai khác. Nội dung của mọi
tác phẩm dĩ nhiên là giống nhau, nghĩa là sự thiết lập
triết thuyết mới về Chơn không (Sùhyatà) và xác chứng với
sự thực hành hạnh Bát nhã Ba-la-mật mà thôi. Có nhiều vấn
đề phụ thuộc được các tập Bát nhã Ba-la-mật lớn vô
tâm đề cập đến và trao lại cho các tập Bát nhã nhỏ hơn,
như 18 loại Sùnyatà, 118 Samàdhi (Ðịnh), các loại Caksu (Nhẫn)
sai khác, các loại Bodhi paksikadharma (các pháp Bồ đề phận).
Theo ý tôi, các tập Bát nhã Ba-la-mật lớn không phải chỉ
là những tập nhỏ được bàn luận rộng lớn hơn; và
không gì quá đáng hơn nếu xem tập Vajracchedikà (Kim cang
kinh) chỉ là bản tóm tắt tập Sata., hay tập Ekáksari đề
cập tất cả những gì tập Bát nhã Ba-la-mật đã đề cập
đến.
Trái với truyền thống
cho rằng các tập Bát nhã Ba-la-mật nhỏ là những tập tóm
tắt các tập lớn, một số học giả Ðông phương học lại
có quan điểm trái ngược. Tiến sĩ Tucci là một vị chủ
trương quan điểm này. Trong bài giới thiệu tập
Saptasatikà, ông nói: "Trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, các
tập lớn chỉ bàn luận rộng lớn hơn và nhấn mạnh thêm
những quan điểm căn bản, cốt tủy của tập Prajnàpàramità.
Các quan điểm căn bản ấy được tìm thấy một cách vắn
tắt và không có lặp đi lặp lại quá đáng trong các tập
Bát nhã ngắn hơn. Tập Saptasatikà đề cập ngay đến vấn
đề căn bản, không lặp đi lặp lại, giải thích đề tài
chính trong một cuộc đối thoại mà các tham dự viên là đức
Phật, Ngài Văn Thù và Sàradvatiputra".
Giáo sư Tucci quên đi sự
kiện là tập Saptasatikà chỉ đề cập sơ qua một số vấn
đề rộng lớn, được các tập Bát nhã Ba-la-mật khác bàn
đến, và không được xem là chỉ tóm tắt một tập Bát
nhã Ba-la-mật lớn khác. Nếu theo luận điệu của giáo sư
cho đến tột cùng, chúng ta có thể nói một câu rằng,
Sùnyatà (Chân không) là lời dạy của các tập Bát nhã
Ba-la-mật và bao gồm nội dung của tất cả nền văn học này.
Quan điểm được giáo sư Tucci chấp nhận thật sự là kết
quả của một sự phê bình văn học Bà-la-môn. Trong một
vài trường hợp, các tác phẩm Bà-la-môn ban đầu rất ngắn
và giản dị, sau theo thời gian trở thành đồ sộ vì những
trích dẫn và giải thích triết học. Văn học Phật giáo đứng
trên một chân đứng khác hẳn, và những gì có thể đúng
với văn học Bà-la-môn chưa chắc đã đúng hẳn với Phật
giáo. Trong trường hợp Phật giáo, chúng ta nhận thấy ngôn
ngữ của những tác phẩm cựu trào tuy giản dị hơn, nhưng
văn cú đa ngôn hơn và rất nhiều đoạn lặp đi lặp lại.
Còn các tác phẩm về sau thì ít đa ngôn hơn và ít đoạn
trùng điệp hơn. Lại nữa các tập Bát nhã Ba-la-mật đầu
tiên sở dĩ lớn và dày là vì những đoạn trùng điệp,
hơn là những đoạn chú thích và biện luận triết học. Do
vậy, sự liên hệ giữa các tập Bát nhã Ba-la-mật lớn và
nhỏ, cần phải xác định với một sự tìm hiểu độc lập
hơn là theo một quy tắc chung. Và sự xác định này chỉ
có thể thực hiện khi nào chúng ta có những tập Bát nhã
Ba-la-mật đóng thành tập sách tiện nghi sử dụng.
Do vậy hiện tại,
chúng ta chỉ có thể so sánh tập Asta., 12 (trong 72) chương của
Sata., và bản nhuận đính của tập Pancavimsati (tập này
đang in). Sự liên hệ giữa tập Asta và tập Sata, khó có thể
xem là tập tóm tắt hay chú thích rộng hơn như có thể nói
giữa tập Sata và Pancavimsati. Tập Asta không đề cập một
chữ nào về thân hào quang chói sáng Buddhakàya (Phật thân)
và những vấn đề khác của đoạn văn Nidàna (Duyên khởi).
Tập này bắt đầu ngay vấn đề Ngài Subhùti (Tu bồ đề)
có xứng đáng đứng ra giảng dạy giáo lý Ðại thừa
không và vấn đề này được đề cập trong chương II của
tập Sata (Asta. Tr. 4 - Sata, chương II). Trong chương I, tập
Asta, bàn luận vấn đề khi nào một vị Bồ-tát được xem
là mahàsannàhasannaddhah (khéo mặc áo giáp tục), vấn đề này
được tập Sata đề cập trong chương VII. Rồi câu hỏi
"Thế nào là Ðại thừa?" được tập Asta trả lời
ngay trong chương đầu thì tập Sata đến chương XI mới đề
cập tới. Những đoạn văn tương đồng, nhiều khi hoàn
toàn giống nhau, như các đoạn đã đề cập, có thể trích
dẫn rất nhiều để chứng minh tập Asta và tập Sata đề cập
đến những vấn đề giống nhau, nhưng vấn đề sắp đặt
và nhấn mạnh trên một vài vấn đề thời hoàn toàn khác
nhau. Ngoài ra, tập Sata có thêm vào những vấn đề mới
như Bhùmi (Ðịa) và giải thích các vấn đề Sùnyatà (Chơn
không), Samàdhi v.v... những vấn đề này chỉ được tập
Asta kê tên và đề cập sơ qua, như vậy chúng ta có thể
nói tập Sata dùng tập Asta chứ không phải trái ngược lại.
Lại nữa, một số tập Bát nhã Ba-la-mật là những bản
tóm tắt từ tập Sata. Tập Pancavimsati rõ ràng là tóm tắt
từ tập Asta, bỏ quên những đoạn kê danh và những đoạn
lặp lại cách dùng những chữ như Yàvad, peyyàlam hay ghi
chép đầy đủ các danh từ tích cực và lược bỏ các danh
từ tiêu cực. Tóm lại, tập Pancavimsati cố gắng gìn giữ
nguyên bản một cách hết sức đúng mức.
Rất gần đây, một mảnh
bản thảo của một tập Bát nhã Ba-la-mật (18 tờ) được
tìm thấy ở Trung Á và được đăng ở tập "Memoirs of
the Archaeological Survey of India" (số 32). Ông Bidyabinod, cho
in mảnh bản thảo, tin rằng bản thảo nay thuộc một thời
đại trước kỷ nguyên 580 năm vì viết bằng chữ Gupta đứng.
Ông cũng nêu lên nội dung và cách hành văn của bản này rất
giống với tập Sata và bản thảo này có thể xem là một bản
tóm tắt chương VII-XI của tập Sata, đề cập đến các vấn
đề như Ba-la-mật, Chơn không, Thiền định và các Pháp Bồ
đề phận, theo sát những đoạn văn tương đương trong tập
Pancavimsati, và có những sai khác nhỏ như Dharmebhyah thế cho
dharmaih, hay bàhya thế cho bahirddhàh. Mảnh bản thảo này có
thể xem là bản sao của nguyên bản tập Pancavimsati, nhưng
những đoạn văn trong tập này rất là phổ thông, và khó
lòng xem đó chỉ là vản sao của tập Pancavimsati, chứ
không phải tập Astadasa hay tập nào khác. Tuy vậy, mảnh bản
thảo này không thể xem là bản sao của tập Sata, vì có nhiều
đoạn thật sự là những đoạn tóm tắt của tập
Pancavimsati. Ở Tích Lan gần đây cũng tìm được một số
bia ký ghi chép những đoạn văn của tập Bát nhã Ba-la-mật
(Ceylon Journal of Science II) chúng tương đương với phần duyên
khởi của tập Sata và tập Pancavimsati; các điểm tương đồng
tuy nhiều, nhưng không thể xem là hoàn toàn giống nhau. Như
vậy, hình như số bia ký cũng là những đoạn lấy từ một
bản hiệu đính hoặc của tập Pancavimsati hay của tập
Astadàsa.
Sự so sánh các tập
Sata., Pancavimsati và Asta, xác chứng quan điểm của chúng
tôi không chấp nhận suy luận về vấn đề tóm tắt hay
tán rộng của các tập Bát nhã Ba-la-mật. Sự thật, mỗi tập
Bát nhã Ba-la-mật phải được phê bình, dựa trên nội dung
của từng tập. Nếu chúng ta xem tạp Saptasatikà, được xem
là xưa hơn các tập được tán rộng ra, chúng ta sẽ thấy
nhân vật chính là Ngài Văn Thù Sư Lợi với Ngài Xá Lợi
Phất chứ không phải là Ngài Tu Bồ Ðề với Ngài Xá Lợi
Phất, hai nhân vật phổ thông nhất của các tập Ðại thừa
xưa nhất. Có một loại văn học như loại Gandavyùha (Hoa
nghiêm), trong các loại này, Ngài Văn Thù Sư Lợi đóng vai
chính. Như vậy tập Bát nhã Ba-la-mật này có thể do một số
tín đồ ái ngưỡng Ngài Văn Thù Sư Lợi tạo ra. Khi đề cập
đến vấn đề Niràlamba-bhaginì, sự cổ động tích cực một
ý tưởng trừu tượng, tập này có thể xem là ra đời sau
các tập Bát nhã Ba-la-mật lớn hơn.
Tánh
chất của sự trùng điệp
Chúng ta cố gắng tìm
hiểu tánh chất của sự trùng điệp được dùng trong các
tập Bát nhã Ba-la-mật và lý do của chúng. Trong thời buổi
rất chú trọng tiết kiệm thì giờ và sức lực này, người
ta dễ chán ngấy khi phải đọc những đoạn trùng điệp một
cách máy móc được tìm thấy trong các tập Bát nhã Ba-la-mật.
Tác giả các đề tài triết học thường hay nhấn mạnh những
tư tưởng ý kiến mới mẻ mà mình muốn giới thiệu và
được chấp nhận. Khi nào các vị này thực hiện được
như trên một cách biệt tài, không làm cho độc giả chán nản,
thời không ai phản đối gì sự nhiệt thành này. Chúng ta
để ý đến sự trùng điệp này trong các tác phẩm triết
học Tây phương và Ðông phương, cũng như trong các tác phẩm
của các Ngài Long Thọ và Vô Trước. Ðể thực hiện mục
tiêu của mình, một tác phẩm triết học mới tự nhiên phải
mang gánh nặng khó khăn và không mấy thú vị là gột sạch
trong tâm tưởng người đọc, những tư tưởng thủ cựu
nhiều khi đã được ăn sâu bám rễ, để gieo vào những tư
tưởng mới mẻ canh tân. Lại nữa, để ghi đậm thêm ảnh
hưởng, tác phẩm mới này phải đề cập vấn đề nhiều
lần, dưới những hình thức khác nhau để hướng dẫn người
đọc đến quan điểm mới một cách tự nhiên.
Văn học tối sơ đạo
Phật, đặc biệt là Văn học Bát nhã Ba-la-mật thiếu hẳn
nghệ thuật lặp đi lặp lại, và do vậy đọc rất dễ chán
nản. So sánh với các tác phẩm triết học được sáng tác
trước hay đồng thời với các tập Bát nhã Ba-la-mật, những
tập này thiếu hẳn sự chính xác về tư tưởng diễn đạt
và về hành văn, những khuyết điểm được bổ cứu bằng
cách lặp đi lặp lại. Ví dụ, khi nói đến mọi vật là
Sùnya (không thực có), người đọc có thể nghi ngờ không
hiểu một đức Như Lai hay các vô vi pháp như Hư không hay
Niết bàn có bị chi phối hay không. Cho nên các tập Bát
nhã Ba-la-mật đặc biết nhấn mạnh là pháp nào, dù là Như
lai, Niết bàn hay Hư không, cho đến các Sùnyatà (không) cũng
đều Sùnya như Nhãn (Caksu) hay Nhãn thức (Caksuvijnàna). Một
độc giả hiện đại có thể than phiền về khuyết điểm
này khi phải đọc trong một thời gian ngắn cả một loại
văn học khổng lồ như vậy; nhưng các tác giả các tập
Bát nhã Ba-la-mật có đủ thời giờ và nhẫn nại để đọc
và viết những tác phẩm như vậy.
Các tập Bát nhã
Ba-la-mật, như các tập triết học khác, phải đào thải
nhiều tư tưởng cũ đã ăn sâu bám rễ. Các tập này đặc
biết nhắm vào các nhà Tiểu thừa đã có mặt từ trước.
Như chúng ta đã biết, các vị này đã ngự trị trên nền
văn học Phật giáo trong một thời gian khá dài, và đã xây
dụng một gia tài văn học khá phong phú về những giáo lý
của mình, sự phân loại các pháp và các phân tích tâm lý
v.v... Các tập Bát nhã Ba-la-mật lựa những giáo lý và
giáo luật phổ thông nhất, và cố gắng nêu rõ dưới quan
điểm mới của mình mà các tập Bát nhã Ba-la-mật có
trách nhiệm phổ biến, thời những giáo lý và giáo luật
ấy phải được xem như là danh xưng, không có thực tại.
Ví dụ: Một vị Bồ-tát trong khi thực hành hạnh Bát nhã
Ba-la-mật không tự xem là chấp trước hay không chấp trước
một pháp nào, dù thuộc về 5 Uẩn, 6 Căn, 6 Xứ, 6 Thức, 4
Ðại địa, 12 pháp của lý Duyên khởi, 6 Ba-la-mật, 18
Không, 37 Pháp trợ đạo, các vô lượng pháp, Thiền định,
các Samàpatti (Ðẳng chí, thành tựu pháp), các àveni =
kadharmas (Bất cọng pháp), các bala (Lực), vaisàradyas (Vô sở
úy), phala (Quả), Tathatà (Như tánh), àtman (Ngã), Sukha (Lạc)
v.v... Các vị này lặp đi lặp lại danh sách này để nhấn
mạnh rằng mỗi một pháp này không phải là Bồ-tát hay
không khác là Bồ-tát. Tóm lại, các tập Bát nhã Ba-la-mật,
để thành lập Sùnyatà, đã chứng minh rằng mọi pháp ở
trên đời này không pháp nào có thực tại cả. Các pháp
mà chúng ta ý thức được chỉ là mộng huyễn, vàtất cả
84.000 pháp vẫn đuợc xem là do đức Phật thuyết dạy đều
chỉ là thiện xảo phương tiện, do Ngài dùng để giúp đỡ
các chúng sanh ngu muội và mê mờ. Do đó, một vị Bồ-tát
trong khi thực hành pháp Ba-la-mật phải xem chúng như là bào
ảnh, không có thực chất.
Tác
dụng của Bát nhã Ba-la-mật
Tác dụng của Bát nhã
Ba-la-mật là khiến chư vị Bồ-tát luôn luôn nhớ rằng
các pháp Pàramità (Ba-la-mật), Samàdhi (Thiền định), Samàpattis,
Phala (Quả) hay Bodhipaksikadharma (Trợ bồ đề pháp) mà vị
ấy đang thực hành đều chỉ là phương tiện do đức Phật
bày ra giúp chúng sanh thực hiện lý tưởng. Khác với các
pháp Ba-la-mật khác, Bát nhã Ba-la-mật không được đem ra
thực hành thật sự, chỉ là một trạng thái tâm trí, chứng
được nhờ thực hiện 6 pháp Ba-la-mật và các pháp tu hành
Phật giáo khác. Một vị Bồ-tát có thể thực hành hạnh bố
thí Ba-la-mật một cách hoàn hảo, nhưng vị ấy có thể chấp
hạnh Bố thí Ba-la-mật có thực tánh (Svabhàva), và như vậy
có thể bị chấp thủ (gràhya). Vị ấy có thể chấp người
cho, người được cho và vật đem cho. Chính vì để chống
lại những quan điểm sai lạc này mà Bát nhã Ba-la-mật được
đề cập và vị Bồ-tát cố gắng tạo ra một trạng thái
tâm trí trong ấy bố thí Ba-la-mật hiện ra không có tướng
(alaksana), không có đời sống độc lập, và cũng diệt trừ
luôn từ tâm trí của mình những quan niệmvề người cho,
người được cho và của đem cho. Tóm lại, tác dụng của
Bát nhã Ba-la-mật là làm cho vị Bồ-tát tin rằng bố thí
Ba-la-mật hay bất cứ pháp nào đều không có hình tướng,
không có căn nguyên, và không sai khác với Sùnyatà, Bát nhã
Ba-la-mật dùng như một vệ sĩ cho vị Bồ-tát, đã vượt
trên các hạng người tầm thường, đã chứng nhiều đức
tánh tốt đẹp, nhưng có thể vẫn còn chấp thủ một vài
quan điểm có thể là cao thượng, trong sạch, nhưng vẫn trở
thành một đối tượng chấp thủ cần phải trừ diệt. Vì
lý do này mà Bát nhã Ba-la-mật được tán thán hơn các
pháp Ba-la-mật hay các đức tánh khác và được xem như là
lãnh đạo (nàyikhà, phùrvan gamà) cho tất cả pháp Ba-la-mật.
Tập Astasàhasrika (Bát thiên tụng tr. 80-81) so sánh Bát nhã
Ba-la-mật như quả đất, trên ấy mọi pháp Ba-la-mật khác
y cứ, trưởng thành và tạo được quả Sarvajnatà (Nhất thế
trí), và do đó, Bát nhã Ba-la-mật tác thành các bậc Nhất
thế trí, các đức Như Lai.
(Hết)
---o0o---
Mục
lục
|
1.1
|
1.2
|
2.1
|
2.2
|
3.1
|
3.2
|
3.3
|
3.4
|
3.5
|
4.1
|
4.2
|
5
---o0o---
|
Thư Mục Tác Giả |
---o0o---
Chân thành
cám ơn Đạo hữu Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Quang Duc Website, tháng 5, 2002)
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật : 01-05-2002