Cafein chứa trong cà phê có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch. Vì vậy, có một số người khi uống cà phê sẽ bị tim đập nhanh, nhức đầu, run tay, cảm thấy bất an.
Để có cà phê, người ta đem rang hạt của cây cà phê (tên khoa học là coffea arabica, họ rubiaceae) và chế biến thành bột để chiết qua lọc. Hiện nay có loại bột không phải lọc mà hòa tan hoàn toàn trong nước nóng. Trong quá trình rang cà phê, một lượng nước tương đối bay hơi (khoảng 18%), đường có trong hạt bị caramel hóa làm hạt cà phê sậm màu thành nâu đen, đồng thời có sự biến đổi hóa học cho cà phê mùi vị rất đặc biệt.
Người ta uống nó để thưởng thức mùi vị thơm, gây sảng khoái và có tác dụng kích thích hoạt động trí óc. Tác dụng gây hưng phấn của cà phê là do các hợp chất mà thành phần cơ bản là cafein. Lượng cafein có trong cà phê ít hơn so với trà nhưng có tác dụng kích thích mạnh hơn vì người ta dùng tới 10-15 g cà phê để pha một ly nhỏ.
Cafein là chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, làm cho tỉnh táo, kích thích khả năng làm việc, đặc biệt làm việc bằng trí óc, tăng cường hoạt động cơ. Vì vậy, sau khi uống một ly cà phê vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy phấn chấn bắt tay vào công việc. Cũng như để đối phó với cơn buồn ngủ khi làm việc đêm, một ly cà phê đen đậm được xem là biện pháp hiệu quả.
Các loại nước giải khát khác như nước giải khát có ga (coca-cola, nước tăng lực) đều có chứa cafein. Cafein còn được dùng làm thuốc: nhiều thuốc trị cảm, đau nhức nhằm tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol, aspirin hoặc làm giảm tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc trị dị ứng.
Ngoài ra, cà phê còn được xem là thức uống có giá trị dinh dưỡng vì chỉ cà phê đen không thôi đã chứa 12% lipid (chất béo), 12% protid (chất đạm), 4% chất khoáng, nhiều nhất là kali và magiê.
Cafein trong cà phê có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch. Những người bị rối loạn tim mạch hoặc không dung nạp cafein thì không nên uống cà phê. Hiện nay, người ta đã sản xuất loại cà phê chứa rất ít hoặc hoàn toàn không chứa cafein dành cho những người thích uống cà phê nhưng lại không chịu được cafein.
Cafein có tác dụng lợi tiểu, vì vậy, cần tránh uống cà phê vào ban đêm để không bị mất ngủ.
Cafein có tác dụng kích thích làm tăng tiết acid dịch vị, vì vậy, tránh uống cà phê vào lúc đói. Người đã yếu dạ dày nếu uống cà phê lúc đói sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày. Một số người chỉ uống cà phê vào buổi sáng mà không dùng điểm tâm, rất có hại cho sức khỏe, cần bỏ thói quen này.
Cafein có thể gây tương tác với một số dược phẩm, chẳng hạn làm mất tác dụng an thần của thuốc an thần gây ngủ. Vì vậy, nên tránh uống cà phê với thuốc.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
Mỹ Linh