GIÚP KIỂM SOÁT TIỂU ĐƯỜNG VÀ CAO HUYẾT ÁP
Trong một khám phá gần đây nhất, các nhà khoa học thuộc viện đại học University of Massachusetts ở Amherst Hoa Kỳ đã cho biết Soy Yogurt tức sữa chua làm từ đậu nành và một số sản phẩm sữa chua pha trộn trái cây có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường loại 2 lẫn bệnh cao huyết áp. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Thực phẩm Sinh hóa «Journal of Food Biochemistry» số ra ngày 09-11-2006.
Giáo sư Khalidas Shetty, trưởng công trình nghiên cứu trên cho rằng mặc dù bệnh nhân tiểu đường thường được khuyên không nên ăn đồ ngọt, song sữa chua tỏ ra có vai trò đáng kể trong phương pháp điều trị căn bệnh này.
Bệnh tiểu đường loại 2, chiếm đến 90 phần trăm các ca bệnh tiểu đường ở Hoa Kỳ gồm hơn 20 triệu người trong số 200 triệu người trên toàn cầu, thường có liên hệ đến chứng bệnh béo phì, cao áp huyết và gia tăng lượng mỡ cholesterol trong cơ thể. Bệnh thường được mô tả là hiện tượng tăng bất thường lượng đường trong máu sau bữa ăn. Bệnh này có thể đưa đến những biến chứng nguy hại cho sức khoẻ và tính mạng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mù mắt, hư thận và bất lực. Nếu để bệnh càng lâu thì càng dễ bị nhiều biến chứng. Tuy nhiên các biến chứng có thể tránh được không xảy ra hoặc có thể làm chậm lại nếu lượng đường trong máu được kiểm soát chặt chẽ thật gần với lượng đường bình thường.
Được biết carbohydrates chứa trong thực phẩm là nguồn cung ứng lớn chất đường cho cơ thể. Trước khi chúng được tỏa ra nuôi bắp thịt và các tế bào cơ thể, carbohydrates được phân thành những phân tử đường nhỏ bởi các phân hoá tố (enzymes) trong ruột non. Tiến trình phân hóa này đòi hỏi tụy tạng (pancreas) phải tiết ra các phân hoá tố «alpha-amylase» dùng để phá vỡ các phân tử carbohydrates lớn thành các phân tử carbohydrates nhỏ gọi là oligosaccharides. Màng tế bào ruột non lại tiết ra các phân hoá tố «alpha-glucosidase» để tiếp tục phân hoá oligosaccharides thành các phân tử đường nhỏ hơn nữa rồi mới thẩm thấu vào máu. Bằng cách kiềm chế sự hoạt động của các phân hoá tố này, carbohydrates không được phân tán nhỏ một cách hữu hiệu và làm chậm sự thẩm thấu vào mạch máu.
Ngoài hai phân hoá tố trên, các nhà khoa học thuộc viện đại học University of Massachusetts ở Amherst cũng nghiên cứu về tác dụng của phân hoá tố thứ ba là Angiotensin-I converting enzyme (ACE-I), có ảnh hưởng đến việc làm hẹp thành mạch máu, dẫn tới cao áp huyết. Thuốc ACE inhibitors kiềm chế sự hoạt động của phân hoá tố này là loại thuốc điều trị cao áp huyết cho cả hai loại bệnh nhân tiểu đường và cao áp huyết.
«Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường đã tỏ ra có hiệu quả tốt trong việc chữa bệnh tiểu đường nhưng vẫn còn có những hậu quả phụ (side effects)», giáo sư Shetty đã nói như vậy. Những nghiên cứu trước đây bởi giáo sư Shetty và các nhà khoa học khác đã tìm thấy một số hợp chất thảo mộc có khả năng kiềm chế sự hoạt động ba phân hoá tố kể trên. Sự kiện này đã mở ra một đường hướng mới nhằm bảo vệ sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật cho con người bằng các hợp chất thảo mộc mà chúng không có những hậu quả phụ do uống thuốc.
Chính vì thế, giáo sư Shetty và các cộng sự viên của ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về sự ảnh hưởng của yogurt đối với con người. Ông mua 4 loại sữa chua bán trên thị trường: peach, strawberry, blueberry và plain yogurt được chế tạo bởi bốn công ty: Dannon, Stonyfield, Stop’n Shop, và Whole Soy (16 thứ). Các nhà khoa học này đã lấy các mẫu thử của mỗi thứ và thí nghiệm xem khả năng kiềm chế của chúng đối với ba thứ phân hoá tố.
Kết quả cho thấy trong tất cả mẫu thử nghiệm thì sữa chua làm từ đậu nành pha trộn thêm blueberries có khả năng kiềm chế mạnh mẽ nhất các hoạt động của cả ba phân hoá tố đã nói ở trên. Điều này có nghĩa là sữa chua làm từ đậu nành pha trộn blueberries có khả năng mạnh nhất chế ngự bệnh tiểu đường loại 2 và chứng cao áp huyết. Đứng thứ nhì là sữa chua làm từ đậu nành không pha trộn. Sữa chua pha trộn peach và strawberries cũng có ảnh hưởng tới hai phân hoá tố: alpha-amylase và alpha-glucosidase.
Các khoa học gia cũng tìm xem các chất chống ô-xy hóa và các hợp chất có lợi cho hệ thống tim mạch, gọi là phenols và polyphenols, có trong các loại sữa chua khác nhau. Kết quả thí nghiệm cho thấy sữa chua làm từ đậu nành có nhiều chất chống ô-xy hóa và polyphenols nhất (115 micrograms per mililitre), thứ nhì là blueberry yogurt với 95 micrograms per mililitre.
Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học đưa ra lời khuyên rằng một chế độ dinh dưỡng giầu thực phẩm rau đậu và trái cây cùng với tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn và giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Với sữa chua, nhất là sữa chua đậu nành cần được xem là một phần quan trọng không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày. Ngoài việc giúp điều hoà lượng đường trong máu và áp xuất máu như các nhà khoa học vừa khám phá, sữa chua đậu nành còn rất giàu các vi khuẩn sống có ích cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe như tăng hệ miễn dịch, giúp bảo vệ “vùng kín” của phụ nữ nhờ kích thích cơ thể tăng tiết men chống nhiễm khuẩn tiết niệu, giúp ngăn ngừa chứng viêm khớp, giúp cải thiện vệ sinh miệng, chống hơi thở hôi và ổn định hệ tiêu hoá đối với những người có vấn đề rối loạn đường ruột.
CÁC LÀM SỮA CHUA ĐẬU NÀNH (SOY YOGURT)
Sữa chua là sản phẩm của quá trình lên men đậu nành và có thể được chế biến rất dễ dàng từ hạt đậu nành hoặc từ sữa đậu nành có bán sẵn trên thị trường. Hiện nay trên thị trường ở Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam có bán nhiều loại sữa đậu nành đóng hộp khác nhau. Chúng ta có thể dùng nguyên liệu sẵn có này để chế thành sữa chua đậu nành theo công thức của viện đại học University of Illinois như sau:
Soy Yogurt Recipe (University of Illinois)(*)
Nguyên Liệu:
- 4 cups sữa đậu
nành (soymilk either commercial or home made)
- 2 tới 3 tablespoons yogurt cái có bán trên thị trường, loại không pha
trộn bất cứ thứ gì (plain commercial yogurt như Dannon Plain Yogurt,
etc)
- 5 tablespoons đường mía nâu (cane sugar)
- 1 teaspoon vanilla flavor or other flavor as desired
- Optional: trái cây xay nhuyễn
Cách Làm:
1. Đun nóng sữa đậu
nành lên đến 194°F (90°C).
2. Bỏ thêm đường và khuấy đều cho tan đường. Thêm flavor, nếu
muốn.
3. Để nguội sữa xuống tới 122°F (50°C). Bỏ thêm yogurt cái, khuấy đều và
tránh làm sủi bọt, xong múc sữa vào các hũ thuỷ tinh rồi đậy nắp lại.
4. Sắp các hũ này vào lò hấp (incubator) hay lò nướng (oven) ở
nhiệt độ 106°F (41°C) trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau bốn tiếng rưỡi
hấp, dùng dụng cụ đo độ chua pH của yogurt. Khi pH đạt
được 4.3 hay độ chua muốn, chuyển các hũ yogurt vào tủ lạnh giữ ở 36°F
(2°C).
5. Sau 12 giờ làm lạnh là có thể dùng được.
Option: Có thể làm yogurt với trái cây, bằng cách thêm 2 hoặc 3 teaspoons trái cây xay nhuyễn ở dưới đáy mỗi hũ thuỷ tinh. Sau đó mới múc hỗn hợp sữa với yogurt cái ở giai đoạn (3) trên. Soy yogurt có thể làm bằng máy yogurt maker theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất máy. Máy yogurt maker có bán tại các department stores.
Cách Thức Làm Yogurt Đậu Nành
(Phương Pháp Thông Thường)
Đối với những vùng sâu và vùng xa đô thị, chúng ta có thể làm sữa chua từ hạt đậu nành. Trước hết chúng ta biến hạt đậu nành thành sữa đậu nành sau đó từ sữa đậu nành này biến chế thành sữa chua:
Nguyên Liệu:
- 100 grams đậu nành khô
- 1 lít ¼ nước uống (drinking water)
- 1 túi vải 30 x 30cm (dùng để lọc sữa)
- 8 tablespoons
yogurt cái có bán trên thị trường, loại không pha trộn bất cứ thứ gì
(Dannon Plain Yogurt, Whole Soy Yogurt, Silk Soy Plain Yogurt, ..v..v.)
- 5 - 10 tablespoons đường mía nâu (optional)
Cách Làm:
Giai Đoạn Một: Làm Sữa Đậu Nành
1- Cho đậu nành khô vào trong chậu nước lạnh, vớt bỏ những hạt lép nổi lên mặt nước, xả sạch, ngâm đậu trong nước lạnh khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ, tùy chất luợng đậu nên ngâm thử để xem thời gian cần thiết, nếu ngâm nhanh, đậu còn cứng khó xay và có vị chát; nếu ngâm quá lâu, khi thành sữa sẽ không còn mùi thơm. Sau khi ngâm, vớt ra rồi dùng cối xay chuyên dùng xay gạo, đậu... hoặc dùng máy xay sinh tố để xay đậu đã ngâm mềm, xay từng ít một với một lượng nước vừa đủ cho máy hoạt động làm nát nhuyễn đậu. Trút đậu xay vào túi vải, vắt nhồi thật kỹ. Cho thêm chút ít nước vào xác đậu nhồi vắt lại một hai lần nữa rồi bỏ xác đậu. Sau khi nhồi vắt, phần nước đậu lược được có thể nhiều hơn đôi chút với phân lượng 100gr đậu / 1 lít, khi nấu, sữa sẽ cạn bớt là vừa đậm đà.
2- Nấu sữa vừa sôi, hạ lửa nhỏ, để sôi nhẹ tránh trào sữa, bọt sẽ dậy khá nhiều, sau khi nấu khoảng 7 - 10 phút, tắt bếp để nguội bớt, khuấy nhẹ tay cho tan bọt sữa, nếu còn phần nào bọt không tan thì vớt bỏ.
3- Có thể thêm vài tablespoons đường mía nâu tuỳ sở thích. Tuy nhiên nếu cho nhiều đường thì càng khó đông khi làm yogurt ở giai đoạn 2. (optional)
4- Tùy chất lượng đậu, có loại đậu sau khi nấu sữa có màu hơi xám chứ không trắng. Có loại đậu chỉ cần 80gr / 1 lít nước là ngon, có loại đậu phải dùng đến 120gr / 1 lít nước. Trung bình là 100gr / 1 lít nước.
Giai Đoạn Hai: Làm Sữa Đậu Nành Chua (Soy Yogourt)
1. Để nguội sữa đậu nành vừa nấu cho đến khi nhiệt độ xuống khoảng 42 - 45°C thì thêm 8 tablespoons yogurt cái và khuấy đều. (Yogurt cái (starter cultures) sẽ không sống ở nhiệt độ quá thấp hay quá cao, tức quá lạnh hay quá nóng).
2. Múc sữa vừa pha
yogurt cái vào hũ thủy tinh, đậy nắp lại, sắp các hủ này vào nồi to (nồi
này phải có nắp đậy lại khi đã chế nước nóng vào hầu gĩư sức nóng để
yogurt mau đông).
3. Nấu một ấm nước gần độ sôi (khoảng 70-75°C), chế nước nóng này vào
nồi đựng các hũ yogurt, chế tới cổ hũ yogurt (Đừng chế ngập hũ, nước vào
hũ yogurt, yogurt không đông được).
4. Đậy nắp nồi đựng hũ yogurt lại để gĩư hơi nóng, (khoảng 42-45°C)
khoảng 7 tiếng đồng hồ là yogurt đông.
5. Cho yogurt vào tủ lạnh, yogurt ăn lạnh mới ngon. Nên để dành một hũ
làm hũ cái cho lần sau. (1 cup (250 mL) cho 4 lít sữa)
Ghi chú: Yogurt cái (starter culture) dùng cho lần đầu phải là loại « live culture », có thể ở dạng khô hay dạng lỏng, có bán tại các health food stores hay qua mạng internet. Dạng khô thường có giá đắt hơn. Nếu mua loại thể lỏng nên mua loại yogurt original hay còn gọi là plain yogurt và ngoài nhãn hiệu thực phẩm có ghi: « live culture ». Chúng tôi dùng loại Whole Soy Yogurt và Silk Soy Yogurt để làm yogurt cái. Nên biết là có nhiều tên hiệu khác nhau, trong đó có một số không có ghi « live culture », tức là yogurt đã qua tiến trình tiệt trùng pasteurized, không làm cái được.
Tâm Diệu
với sự cộng tác của Tâm Linh trong việc viết recipe và thử nghiệm.