Aspartame - một chất siêu ngọt có trong hơn 6.000 loại thức ăn và nước uống trên toàn thế giới - đang trở thành tâm điểm tranh luận của giới khoa học quốc tế, sau khi một nghiên cứu mới nhất của Italy phát hiện chất này có thể gây ung thư trên chuột.
Viện Ramazzini châu Âu chuyên nghiên cứu về ung thư tại Bologna (Italy) vừa báo cáo kết quả của một công trình quy mô về ảnh hưởng của chất aspartame tại một cuộc hội thảo quốc tế về ung thư và khoa học môi trường diễn ra tại Italy tuần trước.
Theo phân tích mới nhất, aspartame gây ung thư thận và ung thư dây thần kinh ngoại biên, chủ yếu tập trung ở phần đầu, trên chuột. Tháng 7 vừa qua, Viện này cũng công bố phát hiện về mối liên hệ giữa aspartame với sự gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh bạch cầu và u lymphô ở chuột cái "ở những liều rất gần với mức hấp thu hằng ngày cho phép ở người".
Aspartame ngọt gấp 200 lần so với đường tự nhiên và có mặt trên thị trường với các tên NutraSweet, Equal Spoonful, Benevia, NatraTaste, ước tính chiếm tới 62% thị trường chất siêu ngọt. Nó đang được hơn 350 triệu người trên thế giới sử dụng thường xuyên. Ở Anh, chất này phổ biến trong nước ngọt Cola và những nước uống ít calo, nước quả, kẹo, kẹo cao su, ngũ cốc, sữa chua, đồ ăn nhanh, thuốc và vitamin bổ sung (gồm cả những loại dành cho trẻ nhỏ).
Cục an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) hiện nay chưa đưa ra khuyến cáo về aspartame. Theo cơ quan này, "cho tới nay, aspartame vẫn được xem là an toàn dựa trên những nghiên cứu đã có". Cục sẽ ưu tiên kiểm chứng kết quả nghiên cứu của Viện Ramazzini trong thời gian tới.
Aspartame được phép sử dụng trong thực phẩm từ lâu song có "lịch sử gây tranh luận", EFSA thừa nhận. Theo trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Ramazzini, vì aspartame được tiêu thụ rộng rãi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, nên viện quyết định tiến hành một nghiên cứu quy mô nhất từ trước tới nay về hóa chất này trên chuột. 6 liều aspartame khác nhau được thử nghiệm trên chuột trong vòng 3 năm, cho đến hết vòng đời tự nhiên (trong khi phần lớn những nghiên cứu trước đó chỉ kéo dài khoảng 2 năm). Một số chuột khác không tiếp xúc với aspartame được xem là nhóm đối chứng.
Một nhóm chuyên gia của Chương trình nghiên cứu chất độc quốc gia thuộc Viện Y học Mỹ đã đứng ra kiểm chứng các phân tích của Viện Ramazzini, đồng thời hỗ trợ đánh giá dữ liệu dùng cho nghiên cứu. Kết quả cho thấy, aspartame là một "chất sinh ung thư đa tiềm năng", gây gia tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu và lymphô ở chuột cái, và gia tăng tỷ lệ ung thư và dấu hiệu tiên lượng của bệnh thận (gồm niệu quản và bể thận), cũng như các khối u ở dây thần kinh ngoại biên, đặc biệt là dây thần kinh sọ.
Aspartame được chuyển hóa thành axit aspartic (40%), phenylalanine (50%) và methanol (10%). Chất methanol sau đó tiếp tục chuyển thành formaldehyde. Các thử nghiệm trước đây của Viện Ramazzini cho thấy cả methanol và formaldehyde đều dễ gây bệnh bạch cầu và u lymphô. Tuy nhiên, có một số dạng ung thư mà nhóm nghiên cứu quan sát thấy không được nhắc tới trước đây. Điều này chứng tỏ rất cần nghiên cứu gấp khả năng gây ung thư của cả axit aspartic hoặc phenylalanine.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra không có sự khác biệt về trọng lượng giữa những con tiếp xúc với aspartame và nhóm đối chứng, trong khi những con ăn aspartame tiêu thụ ít thức ăn hơn.
Viện Ramazzini đang lên kế hoạch mở rộng nghiên cứu trên bào thai chuột. Song theo một thành viên trong nhóm, tiến sĩ Fiorella Belpoggi, thì "kết quả thử nghiệm ban đầu cũng đủ để thẩm định lại những tiêu chuẩn về sử dụng chất làm ngọt nhân tạo aspartame" trên thế giới hiện nay.
Trước phát hiện mới đầy "nhạy cảm", các nhà sản xuất aspartame đang thách thức độ tin cậy của nghiên cứu. Họ cho rằng kết quả của Viện Ramazzini "hoàn toàn mâu thuẫn với hàng trăm nghiên cứu đáng tin cậy đã được các nhà quản lý khắp thế giới kiểm nghiệm" và rằng "luận điệu của Ramazzini trái với dữ liệu về dịch tễ học của người". Họ nghi ngờ hồ sơ của Ramazzini và cho rằng sẽ là "tội lỗi" nếu viện công bố những số liệu này trước khi nó được kiểm nghiệm toàn diện".
Một trong các nhà sản xuất chất aspartame lớn nhất hiện nay là Ajinomoto - công ty đa quốc gia của Nhật Bản chuyên sản xuất bột ngọt. Các nhà khoa học cấp cao của Ajinomoto không đồng tình với Viện Ramazzini, và cũng không tin rằng kết quả đó thoả mãn các tiêu chuẩn kiểm duyệt quốc tế.
"Aspartame đã có kỷ lục 25 năm được sử dụng an toàn. Aspartame được làm từ các axit amino và được phân huỷ thành các vi chất bổ dưỡng thông thường. Bản thân Aspartame không có gì mới đối với dinh dưỡng", đại diện của Ajinomoto khẳng định.
Tuần trước, Hiệp hội chất làm ngọt quốc tế cho biết: "Aspartame là một trong những thành phần được kiểm duyệt kỹ nhất từ trước tới nay và tất cả các kết quả đáng giá đến từ các nhà quản lý độc lập ở cấp quốc tế, châu Âu và quốc gia. Tất cả đều kết luận rằng aspartame an toàn. Thậm chí, chất này còn góp phần kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Aspartame cũng được Cục quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA)phê chuẩn vào năm 1981. Để có được phê chuẩn này, FDA đã rà soát 4 nghiên cứu trước đó: một báo cáo khẳng định có sự gia tăng bệnh u não ở chuột, song FDA tìm thấy nhiều "lỗ hổng" trong nghiên cứu. Kết quả tái thẩm định dữ liệu của công trình này cho thấy hoàn toàn không có bằng chứng về tác hại gây ung thư lên não ở động vật. 3 báo cáo còn lại đều khẳng định aspartame không gây ung thư. Uỷ ban khoa học châu Âu về thực phẩm cũng đã tiến hành một cuộc kiểm chứng dữ liệu liên quan đến aspartame vào năm 2002 và cũng thừa nhận chất này vô hại.
Mỹ Linh (theo Guardian
Công ty dược Citrofresh International của Australia vừa khẳng định: một nhóm hóa chất tự nhiên được chiết xuất từ quả cam có thể dùng để điều trị các căn bệnh "nóng" như SARS, HIV/AIDS, cúm và cảm lạnh thường.
Phòng thí nghiệm vi sinh học Retroscreen của châu Âu vừa công nhận nhóm hợp chất bioflavanoid do công ty Citrofresh International chiết xuất có khả năng chống virus HI-1, virus cúm A của người (bao gồm cúm gia cầm), virus SARS Urbani và rhinovirus rất hiệu quả.
Bioflavonoid là nhóm chất tự nhiên có trong một số loại quả, rau, trà, rượu, lạc, hạt và củ rễ với các đặc tính chống oxy hóa và viêm sưng. Tuy nhiên, chúng thường tập trung nhiều trong vỏ của các loại quả chua giống cam quít.
Hiện Citrofresh không cung cấp thông tin chi tiết về kết quả thử nghiệm mà công ty này nhận được từ Retroscreen Virology. Công ty này vốn kinh doanh các sản phẩm kháng khuẩn cho ngành thực phẩm.
Mỹ Linh (theo IOL)