Một Loại Thực Vật Quê Mùa Nhưng Hữu Ích
Khoai lang là một loại rau củ tầm thường được trồng rất nhiều và phổ biến tại các vùng thôn quê ở xứ ta. Trong những năm đói nghèo do bởi mất mùa vì lụt lội hay hạn hán, người ta thường dùng khoai lang để ăn độn hay thay thế cho cơm gạo. Vì khoai lang rất dễ trồng, không mất nhiều công phu chăm bón nhưng vẫn thu hoạch được dễ dàng, nên nó không được người ta liệt vào loại lương thực hiếm quý.
Thế nhưng, trong y học dân gian cổ truyền, khoai lang là một loại đồ ăn rất nổi tiếng và được người Tây Phương coi như là một thứ thuốc để chữa bệnh thấp khớp và chứng vọp bẻ. Ở một vài nơi, người ta còn dùng khoai lang để giúp cho thông tiểu, điều kinh ở phụ nữ, chống sảy thai và chữa bệnh suyễn.
Qua nghiên cứu, người ta phát hiện khoai lang chứa dồi dào chất Beta-caroten, một loại sinh tố A rất hữu ích cho cơ thể. Trung bình hàng ngày mỗi người ăn từ 1/8 lít khoai lang nướng trở lên thì sẽ phòng ngừa được nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi đến 50 phần trăm. Tại Hoa Kỳ, trong một nghiên cứu khác, các khoa học gia còn chứng minh được những người ăn các loại rau củ có màu vàng đậm như củ cà-rốt, trái bí rợ (bí ngô) và trái squash... có thể phòng ngừa mắc chứng ung thư phổi đến 50 phần trăm so với những người không ăn các loại rau củ này.
Ðối với những người đàn ông trước kia hoặc hiện nay vẫn còn hút thuốc, thì chất beta-caroten trong rau củ cũng có thể giúp ngăn ngừa được sự phát triển của một số chứng ung thư. Tuy nhiên điều này không phải là một sư tất yếu. Những ai cứ ỷ lại vào khả năng che chở của các loại rau củ để phòng chống các bệnh tật hiểm nghèo mà tha hồ ăn uống, không quan tâm đến sự tác hại của một số thức ăn và cứ bê tha, phóng túng trong thói quen sinh sống hàng ngày thì khả năng phòng chống bệnh tật đã vô tình bị vô hiệu hóa.
Trong một thí nghiệm khác trên cơ thể của loài vật, chất beta-caroten trong khoai lang gồm rất nhiều hợp chất Protease Inhibitor ngăn chận được sự hình thành của các bướu ung thư.
Khoai lang còn chứa rất nhiều chất xơ trong trạng thái lỏng (water-soluble fibre) nên có khả năng hạ giảm chất cholesterol trong máu. Trong một thí nghiệm khác được thực hiện bởi các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy khoai lang có đặc tính kết chặt chất cholesterol lại rồi đào thải ra khỏi cơ thể có sức mạnh gấp 27 lần các trái cây và rau củ khác.Chất xơ của khoai lang có khả năng “quét” sạch chất cholesterol giống như công dụng của chất cholestyramine, một loại thuốc làm hạ giảm chất cholesterol trong cơ thể.
Trong y học dân gian cổ truyền của Trung Quốc, người ta thường cho các bệnh nhân bị cảm sốt ăn khoai lang nấu nhừ với một vài lát gừng và một ít muối thì bệnh mau bình phục.
Ngoài ra người ta còn tìm thấy dân trong bộ lạcYoruba ở xứ Nigeria có tỷ số sinh đôi đứng hàng đầu trên thế giới. Dân chúng trong bộ lạc này ăn rất nhiều khoai lang trong khẩu phần hàng ngày. Các chuyên gia nghiên cứu trong số đó có giáo sư Percy Nylander của trường đại học Ibadan ở Nigeria bảo rằng có sự liên hệ mất thiết giữa việc ăn nhiều khoai lang và tỷ số sinh đôi cao trong dân chúng nước này, bởi vì khoai lang chứa rất dồi dào chất kích thích sự sinh sản (follicle stimulating hormone: FSM) nên trong chu kỳ rụng trứng của người phụ nữ đã rụng thêm một noãn châu (egg) nữa. Tuy nhiên không phải tất cả phụ nữ Nigeria nào cũng vậy, những ai không ăn khoai lang và rập khuôn theo sự ăn uống của người Tây Phương thì tỷ số phụ nữ có khả năng sinh đôi rất thấp.
Tóm lại những rau quả nào có màu vàng đậm đều có chứa chất beta-caroten, tuy nhiên trong khoai lang là nhiều nhất. Những người ăn nhiều chất beta-caroten để phòng chống bệnh tật với một dung lượng nhiều và trong một thời gian lâu dài, thì màu da sẽ biến thành hơi vàng. Song điều này không có gì đáng lo ngại. Nó không phải là một sự ngộ độc và khi ngưng ăn các loại rau củ này trong một thời gian ngắn thì màu da sẽ trở lại bình thường. Ăn uống có phương pháp có thể ngăn ngừa được một số bệnh tật phát sinh và cũng có thể hỗ trợ cho tiến trình lành bệnh được hiệu quả và nhanh chóng hơn.
TRẦN ANH KIỆT
(Sưu tầm)