bảo quản có thể gây ung thư
Đó là kết luật mới đây của Khoa Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM. Từ cuối năm ngoái đến nay, đơn vị này đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất lấy mẫu một số loại nước tương đang được bày bán trên thị trường hoặc đang được sử dụng ở các quán ăn, nhà hàng... để kiểm nghiệm đánh giá chất lượng từng loại. Kết quả cho thấy, phần lớn đều không đạt tiêu chuẩn về độ đạm được ghi trên bao bì, đặc biệt lượng chất bảo quản thực phẩm có trong sản phẩm quá cao.
Nhiều chủng loại nước tương khi qua kiểm nghiệm cho thấy, tỷ lệ chất bảo quản Natri Benzoat quá cao trong khi chất lượng độ đạm cũng rất tùy tiện, chênh lệch rất nhiều so với độ đạm ghi trên bao bì sản phẩm. Cụ thể, lấy mẫu của nhãn hiệu nước tương Lộc Thành có nồng độ đạm ghi trên bao bì là 10oN, kiểm nghiệm cho thấy nồng độ đạm thực tế là 31,2%, tỷ lệ chất Natri Benzoat đến 2,4 g/kg. Bà Nguyễn Thị Từ Minh, Phó trưởng Khoa Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, cho rằng, về mặt an toàn thực phẩm, nồng độ đạm thực tế gấp 3 lần nồng độ ghi trên nhãn bao bì là "có vấn đề" về chất phụ gia. Độ đạm quá cao hoặc quá thấp so với chỉ số ghi trên bao bì, ở khía cạnh nào cũng thể hiện sự không bình thường của sản phẩm. Với tỷ lệ chất bảo quản Natri Benzoat cao gấp 1,5 lần tiêu chuẩn cho phép, bà Minh khuyến cáo người tiêu dùng không được sử dụng nhãn hiệu nước tương này và kiến nghị các cơ quan chức năng làm việc với cơ sở sản xuất nước tương Lộc Thành.
Kiểm nghiệm mẫu của nhãn hiệu tàu vị yểu Vị Tâm cũng cho thấy, nồng độ đạm chỉ đạt 18,5oN trong khi ghi trên nhãn bao bì là 20oN. Tỷ lệ chất bảo quản Natri Benzoat đến 4,06 g/kg. "Việc sử dụng chất Natri Benzoat cao như thế này là không chấp nhận được", bà Từ Minh nói.
Dựa trên những
nghiên cứu về chất bảo quản thực phẩm Natri Benzoat của các tổ chức Y tế
thế giới (WHO), tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) và các nghiên cứu của
những nhà khoa học trong nước, dược sĩ Từ Minh giải thích rằng
Thí nghiệm trên chó, khi sử dụng chất Natri Bezoat dưới 1 g/kg thì không ảnh hưởng nhưng khi cho chó dùng quá liều lượng này, nó bắt đầu có các biểu hiện co giật thần kinh, một vài trường hợp có thể chết. Thí nghiệm trên chuột cũng cho kết quả tương tự. Nhiều trường hợp chuột còn bị rối loạn tổng hợp protein.
Dược sĩ Từ Minh còn cho biết, đối với người nếu sử dụng chất Natri Benzoat nhiều sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, trẻ em khi gặp phải sẽ dễ dàng bị ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc nước tương do Natri Benzoat quá liều thường gặp là ói mửa, co giật... tùy theo thể trạng nhạy cảm của từng người.
Hiện chưa có trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc nước tương, nhưng bà Minh khuyến cáo, với tình trạng nhiều nhãn hiệu nước tương quá lạm dụng chất bảo quản Natri Benzoat cũng như chất phụ gia thực phẩm như hiện nay, nếu người tiêu dùng sử dụng lâu dài sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tổng hợp protein, thiếu chất thơm trong máu, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh ung thư.
Phan Anh