|
|
Y học cổ truyền gọi suy dinh dưỡng ở trẻ em là chứng cam. Bệnh này luôn liên quan đến sự tích trệ thức ăn nên được gọi là cam tích. Đông y có rất nhiều vị thuốc đạt kết quả tốt trong điều trị bệnh này.
Trong y học cổ truyền, suy dinh dưỡng độ 1 được chữa như tiêu chảy; độ 2 (tiêu chảy suy dinh dưỡng) gọi là tỳ hư, gây chứng cam; độ 3 gọi là can cam (cam thể khô). Các dược thảo chữa cam gồm:
Bạch thược: Có tác dụng kháng khuẩn, ức chế co thắt cơ trơn, giảm
đau; được dùng chữa đau bụng, tiêu chảy do co bóp quá mạnh, ra mồ hôi trộm,
tiểu tiện khó. Ngày dùng 6-12 g bạch thược sống, dạng thuốc sắc.
Bạch truật: Có tác dụng chống viêm, chống loét các cơ quan đường
tiêu hóa, chống suy giảm chức năng gan, tăng tiết mật, lợi tiểu. Là vị thuốc
bổ dùng điều trị bụng trướng đầy, ăn chậm tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, phân
sống, viêm ruột mạn tính. Ngày dùng 6-12 g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột.
Cà rốt: Ngoài công dụng làm thức ăn, cà rốt được dùng cho người gầy
còm, thiếu máu, ăn uống chậm tiêu, chữa lỵ mạn tính, trẻ em tiêu chảy, chậm
lớn hay răng mọc chậm. Ngày dùng 20-50 g. Cà rốt còn được dùng làm nguyên
liệu chế thành caroten.
Chỉ thực: Chữa ăn uống không tiêu, đầy hơi, tích trệ, tiểu tiện
khó. Ngày dùng 6-12 g dưới dạng thuốc sắc.
Đẳng sâm: Có tác dụng bổ toàn thân, kích thích miễn dịch, tăng hồng
cầu. Được dùng chữa tỳ vị hay kém ăn, tiêu chảy, cơ thể suy nhược.
Đậu ván trắng (bạch biển đậu): Quả non đậu ván trắng là món ăn giàu
chất bổ, quả già cho hạt làm thuốc dùng bồi bổ cơ thể, chữa tỳ vị hư nhược,
chán ăn, tiêu chảy lâu ngừng, đau bụng, nôn mửa, đầy bụng khó tiêu, trẻ em
cam tích. Ngày dùng 6-12 g, sắc uống.
Hạt sen (liên nhục): Có tác dụng bổ tỳ, dùng điều trị tỳ hư, tiêu
chảy mạn tính, kém ăn, cơ thể suy nhược. Ngày dùng 12-30 g, dưới dạng thuốc
sắc hoặc hoàn tán.
Hoài sơn: Là một vị thuốc bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém
tiêu, viêm ruột mạn tính, tiêu chảy kéo dài. Ngày uống 12-24 g dạng thuốc
sắc, thuốc bột.
Mạch nha: Chứa các chất men có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn có
tinh bột, làm ăn ngon, trị sôi bụng.
Nga truật (nghệ đen): Có tác dụng tăng tiết mật, kích thích tiêu
hóa, dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi. Ngày dùng 3-6 g dưới dạng
thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Phục linh: Có tác dụng chống nôn, trị tiêu chảy kéo dài, tăng cường
miễn dịch, bảo vệ gan. Được dùng làm thuốc bổ, chữa tỳ hư, kém ăn, bụng đầy
trướng, tiêu chảy. Ngày dùng 5-10 g dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Sa nhân: Sa nhân và tinh dầu sa nhân có tác dụng kháng khuẩn, kích
thích và giúp tiêu hóa, chữa ăn không tiêu, đau bụng lạnh, tiêu chảy. Ngày
dùng 3-6 g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Trần bì: Chữa ăn không tiêu, đau bụng, nôn mửa. Ngày dùng 4-12 g
dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Ý dĩ: Do có lượng protid, chất béo và lượng tinh bột khá cao nên ý
dĩ được coi là có tác dụng bổ, dùng chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu
chảy, làm thuốc bồi dưỡng cơ thể, nhất là đối với trẻ em. Ý dĩ hầm với hạt
sen và thịt nạc là một loại thức ăn, thuốc điều trị người gầy yếu, trẻ em
suy dinh dưỡng. Ngày dùng 8-30 g, dạng thuốc sắc.
Bệnh do tỳ hư, còn gọi là tỳ cam, tương ứng với suy dinh dưỡng độ 2. Triệu
chứng: Mặt vàng, người gầy, miệng khô, khát nước, sôi bụng, tiêu chảy. Có
trường hợp do tân dịch giảm gây táo bón, bụng to, gân xanh nổi lên, nước
tiểu đục trắng, rêu lưỡi trắng. Phương pháp chữa chính là bổ khí, bổ tỳ vị.
- Hoài sơn 12 g, bạch truật, sinh địa mỗi vị 6 g; cam thảo nam, thạch môn
mỗi vị 4 g; sa nhân 2 g. Sắc uống ngày một thang.
- Hoài sơn, đậu ván trắng mỗi vị 8 g, bạch truật 6 g, chỉ thực, trần bì, kê
nội kim mỗi vị 4 g. Sắc uống ngày một thang. Nếu do tích trệ thức ăn, bụng
trướng, thêm đại phúc bì, sơn tra, thần khúc mỗi vị 4 g. Nếu do nhiễm giun
gây tích trệ, đau bụng, thêm sử quân tử 4 g.
- Hoàng liên, thần khúc, mạch nha mỗi vị 6 g; bạch truật, trần bì, cam thảo,
nga truật, thanh bì, sử quân tử, hoàng liên mỗi vị 4 g; binh lang, tam lăng
mỗi vị 2 g, lô hội 0,2 g. Sắc uống ngày một thang.
- Hoài sơn, ý dĩ, mạch nha mỗi vị 100 g; đẳng sâm, bạch truật mỗi vị 50 g;
hạt cau, vỏ quýt mỗi vị 25 g. Tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều,
mỗi ngày uống 16-20 g bột.
- Chữa suy dinh dưỡng, tiêu chảy do nhiễm giun: Sơn dược, đậu ván trắng, sử
quân tử, thần khúc mỗi vị 80 g; hoàng liên, sơn tra, bạch đậu khấu mỗi vị 40
g; binh lang 20 g, ngân sài hồ, mạch nha mỗi vị 6 g; lô hội 5 g. Tán nhỏ làm
viên, ngày uống 4-8 g.
Bệnh do khí huyết hư, can thận hư, gọi là can cam, tương ứng với suy dinh
dưỡng độ 3. Triệu chứng: Người gầy, da khô, bộ mặt già, tinh thần mệt mỏi,
kém ăn, tiếng khóc nhỏ, rêu lưỡi mỏng khô, lông, tóc khô. Ngoài ra còn có
các triệu chứng khác như khô loét giác mạc, loét miệng, tử ban (lắng đọng
sắc tố), phù thũng… Phương pháp chữa là bổ khí huyết, bổ can, thận tỳ vị.
- Thục địa 12 g; hà thủ ô, kê huyết đằng, ý dĩ, đậu đen, hạt sen mỗi vị 8 g;
bạch truật, ngũ gia bì, kê nội kim mỗi vị 6 g. Sắc uống ngày một thang.
- Hoài sơn (sao) 60 g; phục linh, đậu ván trắng, sơn tra, mạch nha, thần
khúc, đơn quy mỗi vị 45 g; bạch truật (sao), trần bì, sử tử quân, mỗi vị 30
g; hoàng liên, cam thảo mỗi vị 20 g. Tán bột, rây mịn, trộn với mật ong hoàn
thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3 g, ngày uống 2-3 lần.
- Đẳng sâm, bạch truật, thục địa, xuyên khung, đơn quy, bạch thược mỗi vị 8
g; phục linh 6 g; cam thảo 4 g. Sắc uống ngày một thang. Nếu loét khô giác
mạc, thêm kỷ tử, cúc hoa mỗi vị 8 g. Nếu loét miệng, thêm ngọc trúc, thăng
ma mỗi vị 6 g; hoàng liên 4 g. Nếu tử ban (lắng đọng sắc tố) thêm hoàng kỳ,
a giao. Nếu có sốt mà xuất huyết, thêm sinh địa, rễ cỏ tranh mỗi vị 12 g;
đan bì 6 g. Nếu có phù dinh dưỡng, thêm phục linh 12 g, quế chi 2 g.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)