Trong
phần đầu quyển sách chúng tôi đã lần lượt trình bầy quan điểm về ăn chay
của người Hoa Kỳ nói riêng và của người Tây phương nói chung. Trong phần
kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bầy về quan điểm của những người Phật giáo
thuộc hai truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa về vấn đề này.
Trước tiên phải nói rằng có rất nhiều quan điểm khác biệt về vấn đề ăn
chay giữa những người Phật giáo từ xưa cho đến nay và thật khó mà san
bằng những dị biệt vì truyền thống của mỗi trường phái khác nhau và tập
quán của mỗi cá nhân khác nhau. Vì thế chúng tôi cố gắng trình bầy những
lý lẽ hay là quan điểm của những ai tin rằng ăn chay là điều cần thiết
cho người Phật tử và những ai tin rằng không cần thiết để mỗi người tùy
vị trí riêng của mình, tùy sự hiểu biết của mình mà có thể nhận định
đúng hay sai và chọn cho mình một hướng đi.
Ngày
nay ai cũng nói rằng những người Phật giáo Đại Thừa ăn chay và những
người Phật giáo Nguyên Thủy ăn thịt. Điều nhận định này hoàn toàn không
đúng hẳn. Thông thường Phật Giáo Nguyên Thủy không có những cấm đoán về
ăn thịt cá mặc dầu vẫn có những vị sư và cư sĩ Phật tử ở Tích Lan ăn
chay thuần túy (strict vegetarians) và có những người khác không ăn thịt
nhưng ăn cá. Tại Việt Nam có nhiều vị sư danh tiếng thuộc truyền thống
Nguyên Thủy, như Hòa Thượng Thích Minh Châu suốt đời dùng chay.
Người viết, nhân dịp tham dự lễ khánh thành Thích Ca Thiền Viện ở thành
phố Riverside, California, một tu viện Việt Nam thuộc Phật Giáo Nguyên
Thủy, đã chứng kiến khoảng hơn năm trăm cư sĩ Phật tử thuộc cả hai
trường phái Đại Thừa và Nguyên Thủy thọ trai bằng cơm chay và quý thầy
Tỳ kheo thọ trai bằng cơm mặn do ban tổ chức thiết đãi và cúng dường.
Những tu sĩ Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa và Việt Nam đều ăn chay thuần
túy và nhiều cư sĩ Phật tử cũng cố gắng theo gương họ mặc dầu cũng có
một số không ăn chay.
Dầu là Đại Thừa Phật Giáo, một số tu sĩ Nhật Bản và Tây Tạng cũng không
ăn chay. Có dư luận cho là dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, do sức ép của
nhà vua, một số tu sĩ đã phải hoàn tục và sinh sống như dân thường, có
gia đình và không còn ăn chay nữa, mặc dầu vẫn trụ trì chùa.
Còn Tây Tạng thì do điều kiện thiên nhiên ác nghiệt quanh năm sống trên
đỉnh núi đá cao, ít đất đai trồng trọt, lại cần nhiều nhiệt lượng, nên
thói quen ăn thịt không từ bỏ được. Đấy là những nguồn dư luận nên cũng
xin viết ra đây, tùy ý độc giả thẩm định.
Trước
hết phải nói rằng trong giới luật thuộc truyền thống Nguyên Thủy, không
có giới cấm ăn thịt cá, mặc dầu có giới cấm sát sanh.
Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn cách nào cũng được, [1] tùy
duyên mà ăn cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp, ăn chay mà thân
thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất tai hại, đường tu đạo
đã không được tiến hóa mà còn trở ngại cho sự tu hành. Họ cho rằng sự ăn
chay không có mặt trong thời kỳ bắt đầu của Phật Giáo và chính Đức Phật
cũng không phải là người ăn chay, [2][3] ăn chay là một nét đặc thù của
Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa, bắt đầu từ triều đại nhà Minh, tức thời
Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615) và dĩ nhiên truyền mạnh qua
Phật giáo Bắc Tông Việt Nam. Trước đó Phật Giáo Trung Hoa cũng không đặt
vấn đề ăn chay mặn là việc quan trọng cho sự tu hành. [4]
Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng chính Phật không đặt thành vấn đề ăn chay
mặn, sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba
nghiệp thân khẩu ý, ăn chay mà thân khẩu không lành, ý chứa gươm đao,
giới luật không giữ thì đâu gọi là chay. Đức Phật cùng các đệ tử của
Ngài đều ăn theo truyền thống khất thực, "ă? để mà sống để hành đạo",
chứ không phải "sống để mà ăn để thụ hưởng".
Tất cả chư Tăng Nam Tông, tính có hàng triệu người, ở các quốc gia Phật
giáo như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Cao Miên, Ai Lao và một phần
Việt Nam đều tiếp tục duy trì truyền thống này. Họ cho rằng bản thân họ
không tự mình sát sinh, không khích lệ người khác sát sanh, không tùy hỷ
sự sát sanh và do đó không phạm giới sát sinh.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật dạy hàng Tỳ Kheo, nếu hành đầy đủ ba
pháp "Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sinh, tùy
hỷ sự từ bỏ sát sanh sẽ được sanh lên cảnh trời, không bị rơi vào địa
ngục. [5]
Trong Tăng-Hàm, quyển 37, khi luận bàn về vấn đề sát sanh, có nói như
sau:
"Tôi muốn sống, không muốn chết, muốn được sung sướng, không muốn phải đau khổ. Nếu có kẻ nào cướp đi sự sống của tôi, tôi có vui vẻ không? Nếu tôi không vui vẻ, thì kẻ khác cũng không vui vẻ khi tôi cướp đi của họ sự sống và sự sung sướng ấy. Không những thế, phàm cái gì mình không ưa thích thì kẻ khác cũng không thích. Nếu thế thì tại sao ta lại làm cho những kẻ khác những điều mà ta không ưa thích?" (Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Kimura Taiken, Hán dịch: Thích Diễn Bồi, Việt dịch: Thích Quảng Độ)
Thật
ra mục đích căn bản của đạo Phật về mặt giới luật là tránh làm mọi điều
ác, làm tất cả việc lành và giữ tâm được trong sạch. Sự giác ngộ giải
thoát chẳng phải do việc ăn chay hay ăn thịt, mà là do sự trong sạch của
thân khẩu ý. [6] Phàm tất cả những việc gì có hại đối với thân tâm, gia
đình, xã hội, quốc gia, nhân loại, cho đến tất cả chúng sinh hữu tình,
đều bị chi phối bởi năm giới luật căn bản, mà giới cấm sát sanh là giới
cấm đầu tiên của Đạo Phật.
Trong kinh điển Nguyên Thủy, Đức Phật sau khi nghe lời thỉnh cầu của Đề
Bà Đạt Đa (Devadatta) xin ban hành giới cấm không cho hàng Tỳ kheo ăn
thịt cá, Đức Phật không chấp thuận và Ngài dạy rằng. "Sự ăn thịt cá
có thể coi như trong sạch trong ba trường hợp (tam tịnh nhục) là người
ăn không thấy, không nghe, không có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết
riêng biệt cho mình." [7]
Chúng
ta nên nhớ rằng, thời Đức Phật còn tại thế, hàng tỳ kheo đi khất thực,
bữa ăn hàng ngày tùy thuộc vào những gì mà lòng hảo tâm của thập phương
bá tánh đặt vào bình bát, các thầy lặng lẽ nhận với một tâm không phân
biệt, ngoại trừ những thức ăn không được Đức Phật cho phép ăn như nói ở
trên.
Theo luật tắc của tu viện thời Đức Phật, quý thầy Tỳ kheo không được
phép đòi hỏi món này hay món khác, quý thầy nhận với tâm bình thản và
không phân biệt bất luận thứ gì mà người Phật tử hoan hỷ cúng dường.
Thực phẩm chỉ để nuôi mạng sống.
Ngày nay tại các quốc gia mà các thầy tỳ kheo không thể đi khất thực
được, việc ăn uống tùy thuộc hoàn toàn vào các nhóm cư sĩ Phật tử hoan
hỷ hỗ trợ các thầy. Quý Phật tử tự ý đi chợ mua sắm rồi nấu nướng dâng
đến các thầy thọ trai. [8]
Trên đây là tóm lược quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy về vấn đề ăn chay. Họ có những lý do tin là việc ăn chay hay không ăn chay không phải là điều quan trọng trong việc hành trì Phật Pháp. Họ tin rằng việc dính mắc hay không dính mắc trong tâm tưởng mới là điều quan yếu, khi tâm quá dính mắc vào các ý niệm thiện ác hay ăn chay mặn là mang vào mình sự bất an vì e sợ không biết hành động của mình có sai, có tạo nên ác nghiệp không? Chẳng hạn khi quét nhà lo sợ kiến chết hay khi đi lo sợ dẫm lên làm chết côn trùng hay làm hại cây cỏ. Họ cũng thường trích dẫn bài kinh Amagandha mà Đức Phật giảng cho Jivaka nghe rằng "phẩm hạnh xấu xa của người làm tội bằng nhiều cách khác nhau, còn tệ hại hơn là ăn thịt cá nhiều."
Họ nghĩ rằng những điều làm cho con người bất tịnh chẳng phải là ở nơi
ăn thịt cá, mà là ở nơi lòng oán hận, mê tín, gian xảo, tật đố kiêu
căng, và xu hướng theo đường bất chánh.
Nói
tóm lại, Phật giáo Nguyên Thủy tin tưởng rằng, không có một giới luật
khắt khe nào trong Phật giáo nói là tín đồ của Đức Phật không nên ăn
thịt cá và bắt tất cả người Phật tử phải ăn chay. Họ cũng tin rằng, Đức
Phật chỉ khuyên là không nên liên quan vào việc sát sanh có dụng ý hoặc
không nên yêu cầu người khác giết bất cứ chúng sanh nào cho mình ăn.
Thế nhưng còn nhiều nghi vấn đặt ra về phương diện đạo đức như là thịt
cá bày bán ở ngoài chợ có phải giết đặc biệt cho chúng ta ăn không? Có
phải ăn thịt cá là một thứ "ủy nhiệm sát sinh" không? (killing by
proxy). Ngoài ra còn nhiều nghi vấn, sẽ được những người Phật Giáo khác
trả lời như là làm sáng tỏ quan điểm ăn chay của họ.
Trước
tiên phải nói ngay rằng ăn chay không phải là nét đặc thù hay là sản
phẩm riêng của Phật Giáo Đại Thừa nói chung và của Phật Giáo Đại Thừa
Trung Hoa nói riêng, nhất là không phải từ thời Hòa Thượng Vân Thê Châu
Hoằng, bởi vì ăn chay đã có trong thời kỳ Phật còn tại thế và được phát
triển mạnh mẽ vào thời đại Asoka, vị Hoàng Đế Ấn Độ trị vì từ năm 274
đến năm 232 trước Thiên Chúa giáng sinh, tức thế kỷ thứ ba trước Tây
lịch.
Trong thời gian này và cho đến giữa thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, Phật
Giáo Đại Thừa vẫn chưa được thiết lập.
Trong suốt thời gian trị vì vương quốc Ấn Độ, Asoka đã trở nên một đại
quân vương Phật tử, lấy những tinh hoa của Phật giáo và những lời giảng
dạy của Đức Phật làm thành chính sách trị nước của ông. Mọi nơi, Ngài ra
lệnh xây các bia đá "pillars of life" ghi lại giới luật của Phật.
Trên các bia này, Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến lòng từ bi và tính cách
bất khả xâm phạm của đời sống, cả con người lẫn súc vật. Ngài đã đối xử
với tất cả muôn loài chúng sinh bằng lòng từ bi không phân biệt. Ngài
cho xây cất không chỉ những bệnh viện để săn sóc cho người đau ốm mà còn
xây bệnh viện săn sóc cho thú vật. Trong một bia đá có khắc những hàng
chữ sau: "Không nên lấy sự sống nuôi sự sống. Cho đến rơm rạ, nếu còn
côn trùng trong ấy, cũng không nên đốt".
Không những Ngài ăn chay trường mà còn cổ võ mọi người ăn chay như Ngài.
Trong Chỉ dụ số 1 khắc trên đá (tức sắc lệnh bây giờ), Ngài ngăn cấm tất
cả mọi hành động giết thú vật để tế lễ thần linh. Một sắc lệnh khác,
Ngài ngăn cấm mọi hành động có thể làm đau đớn đến thú vật. Tất cả việc
săn bắn trên bộ, trên không và dưới nước bị tuyệt đối ngăn cấm.
Về
trường hợp Phật Giáo Trung Hoa, đạo Phật được truyền qua xứ này từ thế
kỷ thứ nhất, lẽ dĩ nhiên việc ăn chay cũng được mang theo và thăng trầm
theo sự thăng trầm của Phật Giáo.
Trong những thời kỳ mạnh mẽ nhất phải nói tới triều đại nhà Lương
(502-549 A.D.), vua Lương đã cấm tất cả các thức ăn thịt cá tại các buổi
tiệc trong hoàng cung và yêu cầu dân chúng ăn chay. Ngài cũng ngăn cấm
việc giết thú vật để tế lễ thần linh của Đạo giáo (Taoism) và cũng cấm
không cho dùng thú vật như tắc kè, rắn, nai, hổ, cọp, v..v.. làm thuốc.
Đến triều đại nhà Đường việc ăn chay còn mạnh hơn nữa, chỉ riêng thủ đô
Tràng An, kinh đô của Trung Hoa thời bấy giờ có khoảng hai triệu dân mà
có ít nhất là phân nửa dân số ăn chay. [1]
Từ sau triều đại nhà Đường, Phật giáo suy thoái và việc ăn chay cũng ảnh
hưởng theo mãi cho đến triều đại nhà Minh, Phật giáo Trung Hoa mới được
phục hưng lại và Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615) là người cổ
võ mạnh mẽ nhất, không những cho việc ăn chay mà còn phóng sinh nữa. [2]
Như vậy rõ ràng ăn chay đã có từ thời kỳ ban đầu của đạo Phật và không
phải là nét đặc thù hay là sản phẩm riêng của Phật Giáo Đại Thừa, nhất
là Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa.
Thật ra ăn chay là một phần của việc thực hành giáo pháp, thực hành giới
luật cấm sát sinh và thực hành hạnh từ bi, một trong những tinh lý thiết
yếu và quan trọng của cả hai trường phái Nguyên Thủy và Đại Thừa.
Mỗi sáng sớm tại các tu viện Phật Giáo Nguyên Thủy và một số tu viện
Phật Giáo Đại Thừa đều có đọc tụng Kinh Từ Bi, [3] một bài kinh ngắn
thuộc kinh hệ Nguyên Thủy và sau đó, có nơi lấy nội dung bài kinh làm đề
mục tham thiền.
Thật là khó hiểu khi mà hàng ngày vừa đọc tụng Kinh Từ Bi và thực hành
từ bi quán, lại vừa ăn thịt chúng sinh!
Có những quan điểm khác nhau giải thích sự kiện mâu thuẫn kể trên. Ngài
Philip Kapleau, một Thiền Sư nổi tiếng tại Hoa Kỳ đã trình bầy trong
quyển sách Cherish All Life
[4]rằng Ngài tin tưởng Đức Phật không thể nào cho phép hàng tăng lữ ăn
thịt. Thiền Sư cho rằng sở dĩ có việc cho phép ăn thịt trong kinh hệ
Pali là kết quả của việc hiệu chỉnh kinh tạng trong các thời kỳ kết tập
kinh điển do những vị sư hay do những hệ phái bảo vệ quan điểm của hệ
phái mình hay cho chính cá nhân mình.
Tuy nhiên, các học giả Phật Giáo không tìm thấy kinh Jivaka Sutta, Majjhima Nikaya 55, bản tiếng Hoa trong tạng kinh Madhyama Agama, Majjhima Nikaya của Phật Giáo Trung Hoa và tỏ ý nghi ngờ Phật Giáo Trung Hoa đã cố ý bỏ sót kinh này. Điều này cũng được Hòa Thượng Thích Minh Châu nói đến trong quyển The Chinese Madhyma Agama And Pali Majjhima Nikaya: A Comparative Study [5]
Tưởng
cũng nên biết qua về những lời của Đức Phật được ghi chép vào kinh tạng.
Sau khi thiết lập tăng đoàn (sangha), Đức Phật có ban hành những giới
luật (vinaya) để sự sinh hoạt của tăng đoàn có tổ chức quy củ. Phần còn
lại của những lời Ngài dạy qua hình thức pháp thoại và vấn đáp được gọi
là pháp hay kinh (dharma, dhamma).
Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, các đại đệ tử của Ngài, gồm năm
trăm vị A-la-hán, nhóm họp tại thành Vương Xá (Ràjagaha) để trùng tuyên
lại những lời dạy của Ngài. Trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất này
không có một giới luật nào được đưa thêm vào và không có một giới luật
nào Đức Phật đặt ra cần sửa đổi. Cũng tại kỳ kết tập này, kinh điển được
phân chia ra thành hai phần riêng biệt là Luật của Giáo hội (vinaya) và
Pháp thoại của đức Phật (sutta), và mỗi phần được giao cho một vị trưởng
lão cùng các môn đồ ghi nhớ. Kinh luật như vậy được truyền miệng từ thầy
đến trò.
Một trăm năm sau, vào năm 383 trước Tây lịch, kỳ kết tập thứ nhì được tổ
chức tại Phệ Xá Li (Vesali), gồm bẩy trăm vị Thượng tọa, để kiết tập lại
kinh điển và thảo luận về vấn đề "Thập Sự Phi Pháp" hay là mười
điểm canh tân giới luật. Một số thầy tỳ kheo không đồng ý thay đổi, một
số khác cho rằng thay đổi những giới luật nhỏ là cần thiết. Cuối cùng
một nhóm đã rời khỏi hội nghị ra thành lập Đại Chúng Bộ (Mahasanghika).
[6]
Từ đây giáo đoàn đạo Phật chia thành hai bộ phái là Thượng Tọa Bộ
(Theravàda) và Đại Chúng Bộ. Trên đại thể, Thượng Tọa Bộ là phái tuân
thủ truyền thống, có khuynh hướng bảo thủ, còn Đại Chúng Bộ là phái đổi
mới, có khuynh hướng cấp tiến.
Mãi thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch tức vào thời A Dục Vương (Asoka), kỳ kết
tập thứ ba mới được triệu tập để thảo luận về những quan điểm khác biệt
của những vị tỳ kheo thuộc các bộ phái khác nhau. Vào cuối kỳ hội nghị,
ngài Moggaliputta Tissa chủ tọa hội nghị đã đúc kết cuốn Katha vatthu
bác bỏ những lý thuyết và quan điểm sai lầm hoặc không đúng của một vài
bộ phái. Kỳ này tam tạng kinh điển được chính thức viết bằng tiếng Pali
dựa theo ngôn ngữ Magadhi mà Đức Phật nói.
Đại Chúng Bộ đã phát triển vào khoảng đầu Công nguyên, và chuyển mình
thành tông phái Đại Thừa và phát triển mạnh trong thế kỷ thứ hai, thời
đại vua Kaniska.
Như vậy, sau một trăm năm Phật Niết bàn, giáo đoàn nguyên thủy chia
thành hai bộ Thượng Tọa và Đại Chúng; đến khoảng hai trăm năm sau Phật
Niết bàn thì từ trong Đại Chúng Bộ lại chia thành tám phái; rồi đến
khoảng từ ba trăm đến bốn trăm năm sau Phật Niết bàn, từ trong Thượng
Tọa Bộ lại phát sinh ra mười phái, tổng cộng có 18 phái, và hợp cả hai
bộ chính lại thành 20 bộ phái.
Như thế, sau khi Đức Phật nhập diệt, ba hội đồng kết tập kinh điển đã
được tổ chức trong vòng nhiều trăm năm để thiết lập tạng kinh. Nhà
nghiên cứu Phật học Edward Conze trong quyển sách
Ba Mươi Năm Nghiên Cứu Phật giáo
đã lưu ý chúng ta rằng Đức Phật không nói bằng tiếng Pali mà bằng ngôn ngữ
Magadhi và ông nói rằng, giống như Jesus, có thể đã thất lạc hết tư liệu
nguyên thủy. Trong kỳ hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba có ít nhất
mười tám hệ phái khác nhau và mỗi hệ phái đều có riêng tư liệu và đều
cho rằng hệ phái mình có thẩm quyền.
Trở lại những điều khoản mà Đức Phật cho phép ăn ba thứ thịt, các học giả Phật giáo cho biết họ không tìm thấy trong bộ kinh cổ nhất The Mahasanghika Vinaya [7] mà chỉ tìm thấy trong kinh Jivaka Sutta, Majjhima Nikaya 55. Đây cũng là một nghi vấn của nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo.
Gạt
bỏ những lối nghiên cứu lịch sử của các học giả về khía cạnh chính thống
hay không chính thống của văn tự chữ nghĩa, chúng ta hãy tìm hiểu quan
điểm thực của người Phật Giáo về vấn đề không ăn thịt cá này qua giới
luật, đặc biệt là giới cấm sát sinh.
Như trên đã nói, ăn chay là chính sách dinh dưỡng nhằm bảo tồn sức khỏe,
thức ăn chỉ là những chất dinh dưỡng, là những thuốc bổ để nuôi cơ thể,
đồng thời ăn chay cũng là chính sách thực hành giáo pháp, thực hành giới
luật cấm sát sinh và do đó tâm từ bi được phát triển.
Như vậy ăn chay có liên hệ mật thiết với giới cấm sát sinh và vì thế khi
nói đến ăn chay mà không nói đến giới cấm này là một việc thiếu sót hay
cố tình tách rời hai vấn đề như là khác nhau!
Theo Trường Bộ Kinh và Trường A Hàm, thì Giới là một trong tam học của
đạo Phật: Giới Học, Định Học và Tuệ Học và là bước đầu tiên của tiến
trình năm bước dẫn đến giải thoát: Giới, Định, Tuệ, Giải Thoát và Giải
Thoát Tri Kiến.
Giới là bước đi căn bản, do giới mà có thiền định và do thiền định mà
phát sinh trí tuệ. Nếu bước đi đầu không vững vàng hay sai trái thì
không thể nào đi được các bước kế tiếp.
Trong suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp, Đức Phật đã để lại không biết
bao nhiêu là kinh điển, nhưng không ngoài ba điều, mà hai điều đầu tiên
thu nhiếp tất cả về giới luật: không làm các điều ác, làm các việc
lành và giữ tâm ý thanh tịnh (chư ác mạc tác, chúng thiện phụng
hành, tự tịnh kỳ ý).
Phật tử tại gia giữ 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà
dâm, không nói dối, không uống rượu. Nếu giữ thêm 3 giới nữa là không
nằm giường cao, không ướp hoa, xoa phấn, và không ăn trái giờ, được gọi
là bát quan trai giới. Nếu là xuất gia, Sa di và Sa di ni giữ 10 giới,
Tỳ kheo giữ 250 giới, Tỳ kheo ni giữ 348 giới, Bồ Tát giới, xuất gia hay
tại gia giữ 10 giới trọng và 48 giới khinh.
Căn cứ theo từng giới cấm một, cũng như toàn thể giới bổn, thì năm giới căn bản áp dụng chung cho cả hai hàng xuất gia và tại gia, áp dụng cho tất cả mọi người muốn được sống an lạc hạnh phúc cho mình và cho chúng sinh ở hiện tại cũng như tương lai.
Trên
ý nghĩa cơ bản, giới được đặt trên nền tảng từ bi thương sót đến tất cả
muôn loài chúng sinh, là không làm các điều ác và làm các việc tốt lành
hay nói một cách khác, không làm những gì có hại cho mình, cho chúng
sinh, hoặc hại cả hai, và tích cực làm những gì về cả ba phương diện
thân, khẩu và ý mà có lợi cho mình và cho chúng sinh.
Giới không sát sinh là giới thứ nhất, không phải là những điều răn dạy
hay cấm đoán trong nền tảng luân lý thông thường mà được đặt trên cơ sở
bình đẳng Phật tánh nơi mỗi chúng sinh, nơi lòng từ bi của con người và
nơi định luật nhân quả của vũ trụ vạn vật.
Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng
vì bị vô lượng phiền não che phủ nên chúng sinh chẳng nhận thấy được.
[9]
Đối tượng chúng sinh trong giới cấm thứ nhất của đạo Phật là hữu
tình chúng sinh, tức là những chúng sinh có hệ thần kinh, có tình cảm,
biết cảm giác, biết đau đớn và vui sướng.. Chúng sinh ấy bao gồm từ
người cho tới các loài động vật trên bộ, trên không và dưới nước, từ
những con vật lớn như voi tượng, như cá ông cho đến các con vật nhỏ bé
như kiến, như sâu trùng.
Do nghĩa trên mỗi cá thể chúng sinh đều đồng có Phật tánh, đều có khả
năng thành Phật nên có đặc tính bình đẳng, do đó người Phật tử chúng ta
không những không dám sát hại chúng sinh mà còn phải tôn trọng và bảo vệ
chúng sinh.
Bản
chất của chúng sinh, dù loài nào, cũng đều ham sống sợ chết. Giết hại
chúng sinh tức là gây cho chúng sinh một sự đau đớn về thân thể và một
sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị đe dọa và xâm phạm. Hơn nữa, cái chết
của một chúng sinh luôn luôn đồng nghĩa với sự chia lìa thân quyến. Khi
một chúng sinh bị đe dọa đến mạng sống, chúng cũng có những phản ứng tự
vệ, ít nhất là phát ra những nỗi oán hờn thù hận đến những ai định tâm
sát hại chúng. Tại sao chúng ta làm đau đớn hay hủy mạng sống của chúng
trong khi chúng ta muốn sống và không muốn ai hành hạ chúng ta?
Không sát sinh tức là không tước đoạt sự sống, hay tôn trọng sự sống chính là nền tảng căn bản của nếp sống an lạc cho cá nhân và hoà bình cho xã hội. Sát sanh là nguyên nhân của chiến tranh tàn phá. Con người giết thú vật một cách si mê ngu muội, đâu biết rằng niềm oán hận không thể nào xóa bỏ cứ chồng chất theo năm tháng khó mà cản ngăn nỗi thù sâu oán trả.
Đạo Phật chủ trương cấm sát sinh, thể hiện qua việc ăn chay, như là một
chính sách dinh dưỡng tốt và cần thiết cho sự hành trì Phật pháp của mỗi
cá nhân, ổn định cho gia đình, xã hội, và tận diệt nguồn gốc của chiến
tranh.
Căn
cứ vào đời sống gương mẫu của Phật, chúng ta hiểu rằng khi đặt ra giới
cấm này, Phật không chỉ giới hạn vào việc tôn trọng và bảo vệ sự sống
của con người, mà còn là tôn trọng và bảo vệ sự sống của tất cả mọi sinh
vật. Ngay cả đến cỏ cây hoa lá, dù không phải là hữu tình chúng sinh,
không có tình cảm khổ vui, Ngài cũng dạy rằng nên tôn trọng. Đó là thói
quen tốt của người Phật tử, không bao giờ sử dụng bạo lực. Chúng ta hãy
xem quan điểm của Hòa Thượng Thích Minh Châu, nguyên Viện Trưởng Viện
Đại Học Vạn Hạnh:
"Trong vũ trụ bao la, hành tinh chúng ta cực kỳ nhỏ bé, sự sống mong
manh, trước đe dọa của một thảm họa hạch nhân. Do vậy chúng ta sống trên
hành tinh này, phải tôn trọng và bảo vệ hành tinh chúng ta, tôn trọng và
bảo vệ sự sống còn của con người, tôn trọng và bảo vệ sự sống của sinh
vật, tôn trọng và bảo vệ sự sống của cỏ cây hoa lá. Sự sống tự nó là
thiêng liêng, đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ, dầu là sự sống
động vật hay thực vật. Hủy hoại đời sống người khác, các loài hữu tình
khác để duy trì đời sống của mình, không những trái với đạo lý con
người, mà còn nghịch lại với luật thiên nhiên.
Tôn trọng và bảo vệ đời sống của con người, của mọi loài, là động lực
hay nhất và thiết thực nhất để bảo vệ và tôn trọng đời sống của chính
bản thân mình.
Bảo vệ sự sống ở nơi đây còn có nghĩa bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự
dinh dưỡng trong lành của đất, nước, cỏ cây hoa lá, bảo vệ sự trong sạch
của bầu khí quyển khỏi bị ô nhim, để nuôi dưỡng sự sống con người. Chỉ
bằng cách bảo vệ hữu hiệu môi trường sống mới có khả năng bảo đảm sự
sống của muôn loài và sự sống còn của chúng ta.
Nguyên lý này đặt trên nền móng, trên lời khuyên của Đức Phật, chớ có
sát sinh, chớ có khuyến khích sát sanh, chớ có chấp nhận sát sanh, chớ
có làm hại các sinh vật nhỏ bé trong nước, thậm chí chớ có đạp trên cỏ
xanh. Đối với Đức Phật, từ bỏ sát sanh có nghĩa là bố thí không sợ hãi,
bố thí không hận thù, bố thí không làm hại cho vô lượng chúng sanh. Đây
là bố thí đệ nhất, bố thí tối thượng, bố thí vượt ngoài thời gian, bố
thí được tồn tại lâu dài.
Ỏ đây lời dạy của Đức Phật về lòng từ, về tôn trọng sự sống, về không
sát sanh sẽ đi rất xa trong sự nghiệp thay đổi tâm trí của nhân loại.
Chúng ta phải tu tập lòng từ (metta) để nhiếp phục lòng sân và bất mãn.
Chúng ta cần phải tu tập lòng bi (karunà) để gìn giữ không làm hại một
ai, một sinh vật nào. Chúng ta cần phải tu tập lòng hỷ (mudita) để hoan
hỷ trước sự thành công của người khác. Chúng ta phải tu tập lòng xả
(upekkhà) để diệt nỗi căm thù và oán hận."
[10]
Không
những giới không sát sanh được đặt trên căn bản bình đẳng và chúng sinh
đồng thể đại bi mà còn được đặt trên căn bản là tất cả chúng sinh hữu
tình đều đã từng là bà con quyến thuộc của nhau, là cha mẹ, anh chị em,
chồng vợ, con cái của nhau trong muôn vàn kiếp trước, hiện tại hay tương
lai trong vòng luân hồi nhân quả trùng trùng.
Đức Phật đã thấy tất cả chúng sinh hữu tình đều trải qua những vòng sinh
tử luân hồi và thấy rõ những mối liên hệ với nhau qua nhiều dạng thể
khác nhau. Bây giờ một số chúng sinh đang sống dưới hình thức những con
vật thấp kém nhưng trước đây họ có thể đã mang dạng thể con người. Có
thể chúng đã có lúc cùng một loại với chúng ta. Vì lòng từ bi vô bờ bến
Ngài không muốn chúng ta ăn thịt lẫn nhau nên Ngài đã ban hành giới cấm
đầu tiên là giới không sát sanh.
Ngài nói: "Tất cả chúng sinh vì tâm tưởng khác nhau, do vậy có sự
xoay vần trong các thú."
[11]
Ngài nói rõ thêm "Hữu tình luân hồi thọ sanh trong sáu đường
như bánh xe quay không có đầu mối trước sau, hoặc làm cha mẹ, hoặc làm
con cái, đời đời kiếp kiếp mang ân lẫn nhau. Với kẻ nam, người nữ thấy
đồng như cha mẹ, do vì chẳng chứng Thánh trí nên không làm sao biết
được. Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta, tại sao
chưa báo đền cái ân đời trước, mà trở lại sanh ý nghĩ xấu để thành oán
hận." [12]
Nói
về giới không sát sanh này, Ngài Trần Thái Tông, vị vua khai sáng ra
triều đại nhà Trần, cũng đã viết trong Khóa Hư Lục như sau: "Phàm các
loài sinh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tính vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết
đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày
trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc
là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vẩy cánh lông. Vợ quên
chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác
mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Luống lo tham sống sợ chết, lại không một
lời kêu đau khổ. Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn mày, mày ăn lại
hắn, hằng không ngày dứt, mãi tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời
thù nhau.
Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục. Sách
Nho dạy: "Thi ân bố đức". Kinh Đạo dạy: "Ái vật háo sanh". Phật chỉ cấm
sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm".
[13]
Nói một cách khác, giới không sát sanh được đặt trên định luật nhân quả,
của tác động và phản động, đây là định luật thiên nhiên. Nhân là nguyên
nhân gây nên và quả là kết quả. Như trồng hạt lúa thì có cây lúa, trồng
cam thì có cây cam. Định luật nhân quả chi phối tất cả chúng sinh hữu
tình lẫn vô tình. Tất cả hành động của chúng ta bao gồm thân làm, miệng
nói và tâm ý mà đạo Phật gọi là ba nghiệp thân khẩu ý. Nghiệp là hành
động sẽ đưa đến kết quả tốt hay xấu. Do đó nếu chúng ta làm những điều
ác dữ thì chúng ta sẽ bị quả xấu mà thường hay gọi là nghiệp báo.
Những tai họa, tật nguyền hay dạng thể của chúng sanh khác nhau đều có
nguyên nhân nếu không kiếp này thì kiếp trước hay những kiếp trước nữa
chúng ta đã tạo nghiệp. Do sức mạnh của nghiệp, nghiệp lực thúc đẩy
những hành động thiện hay bất thiện đã tồn trữ nhiều đời nhiều kiếp
trong quá khứ hiện hành dưới dạng thể khác.
Như Ngài Trần Thái Tông nhắc nhở người cư sĩ tại gia
trong bài văn giới
sát sanh trên; "ngày nay chúng ta là anh em, bạn bè, có người làm
thiện, có người làm ác. Sau kiếp này, khi sanh trở lại, chúng ta hoặc
làm người hay làm súc sanh, hay các loài khác hoàn toàn không biết nhau
nên mổ bụng chặt chân không chút xót thương. Rồi thù oán nhau mãi không
có ngày thôi dứt nên oan trái chập trùng. Giết nhau để được ăn ngon mặc
đẹp, kiếp sau nó cũng giết lại mình để trả thù và được ăn ngon mặc đẹp".
Nói
tóm lại, sát sanh nghĩa là giết hại sinh vật, cưỡng đoạt sự sống nối
tiếp, đi ngược lại ước muốn của chúng sinh. Nếu có ý dẫn đến thực hiện
thì tất cả hành động sát sanh, bất luận loại nào, tuy có nặng nhẹ khác
nhau, cũng đều phạm tội sát sanh.
Đó là quan điểm của Phật Giáo Đại Thừa về giới không sát sanh và vấn đế
ăn chay. Thật ra người Phật Giáo Đại Thừa không cho rằng quan điểm nêu
trên là của họ mà là quan điểm chung của Phật Giáo. Điều này không sai
vì như trên chúng tôi đã trích dẫn những lời giảng của Hòa Thượng Thích
Minh Châu, một vị cao tăng thuộc Phật Giáo Nguyên Thủy. Tâm tư của ngài
là tâm tư của những người con Phật không mang cặp kính mầu. Lòng từ bi
của ngài cũng giống như của tất cả mọi người, không thêm không bớt, chỉ
khác chăng là làn mây ô nhiễm mỏng dày của mỗi người che phủ.
Trong phần kế tiếp chúng tôi trích dẫn những lời dạy của Đức Phật trong các kinh điển Đại Thừa như Kinh Lăng Gìa, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Lăng Nghiêm nói về vấn đề cấm không ăn thịt của Đức Phật.
Trong
Kinh Phạm Võng đức Phật dạy: "Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là
mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sanh
trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là
giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều
là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh và
khuyên bảo người khác làm. Nếu lúc thấy người đời sát sanh, nên tìm cách
cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ." [1]
Vì thế, là Phật tử, chúng ta không những ăn chay để tránh sát sanh, để
nuôi dưỡng lòng từ bi, thể hiện tâm bình đẳng với muôn loài, không nỡ
thấy những chúng sinh bị đâm giết, quằn quại đau thương trong vũng máu,
mà chúng ta còn phải thể hiện tích cực hơn nữa là phóng sanh.
Phóng sanh là giải phóng những sinh vật khỏi bị giam tù trong lồng chậu,
cởi trói cho những ai bị oan ức tù đầy.
Phóng sanh mang hai ý nghĩa quan trọng, là cứu mạng sống và trả lại
quyền tự do cho chúng sinh, trong đó bao gồm cả con người và con vật.
Hai tác động này sẽ mang lại hai quả báo tốt đẹp cho những ai thực hiện
phóng sinh, là mạng sống được dài lâu, khoẻ mạnh, và hưởng đời sống tự
do qua quá trình nhân quả.
Đó là chưa kể đến phó sản tức là kết quả phụ của việc phóng sanh, như
thường trở nên giầu có vì bỏ tiền riêng ra chuộc người hay mua súc vật
sắp bị giết làm thịt để phóng sinh. Tiêu dùng tiền của vào những việc
này thì sẽ được quả báo giầu có trở lại. Gieo một hạt cam còn được hái
cả ngàn trái huống chi cứu một con vật khỏi bị giết. Kết quả của công
đức phóng sanh thật khó mà lường được.
Có những tai nạn máy bay rớt, xe lật mà đôi khi chỉ còn một người sống
sót. Ai có thể giải thích được điều này?
Có những cuộc tàn sát tập thể dã man, lớn như cuộc tàn sát "hollocus"
người Do Thái, vừa vừa như "killing fields" ở Cao Miên và tết Mậu Thân ở
Huế, Việt Nam và nhỏ như những vụ bắn giết học sinh tại Arkansas,
Oregon, Mississippi..v..v..Họ bắn giết nhau một cách si mê. Ai có thể
giải thích được điều này?
Phật giáo cho rằng đó là kết quả của nghiệp sát sanh và không phóng
sanh. Nguồn gốc sâu xa của các trận chiến tranh tàn sát, chính là nghiệp
sát sanh. Con người giết thú vật như điên dại, chỉ riêng ở Bắc Mỹ Châu
cứ mỗi giây đồng hồ là có hơn 250 con vật bị giết làm thịt tại các lò
sát sanh, tức hơn 8 ngàn triệu (tám tỷ) con bị giết hàng năm. Họ đâu
biết rằng niềm oán hận ngập trời khó thể nào nguôi được. Đến khi chúng
đền hết tội trở lại làm người, đó là lúc ân đền oán trả.
Thuở xưa ở thành Ca Tỳ La bên xứ Ấn Độ, có một làng đánh cá, gần làng có
hồ rộng mênh mông, gặp lúc hạn hán mất mùa, bao nhiêu tôm cá trong hồ
đều bị dân làng bắt ăn, đến con cá cuối cùng lớn nhất cũng bị làm thịt,
chỉ có một đứa bé không hề thích ăn cá, đùa nghịch gõ lên đầu con cá lớn
kia đến ba cái.
Đến thời Phật Thích Ca, vua Ba Tư Nặc là người sùng mộ đạo Phật, cưới
một cô con gái dòng họ Thích Ca sinh ra một thái tử tên là Lưu Ly. Thuở
ấu thơ, Lưu Ly thường hay qua bên thành Ca Tỳ La chơi. Một hôm vì đùa
nghịch nơi tòa thuyết pháp của đức Phật, bị người gác mắng và đuổi ra
ngoài, Lưu Ly nuôi hận trong lòng, đến khi lên ngôi vua, đem đại quân
tấn công thành Ca Tỳ La, giết sạch cư dân trong thành, trong thời gian
này đức Phật nhức đầu hết ba ngày, các vị đại đệ tử đến cầu xin Phật
giải cứu. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông lấy bình bát thâu năm
trăm người họ Thích Ca bay lên không, cho rằng đã cứu được họ, nhưng đến
khi đổ ra, thì chỉ thấy toàn máu. Các vị đệ tử hỏi Phật nguyên do vì
đâu.
Đức Phật bèn đem câu chuyện tiền kiếp thôn dân ăn cá kể lại, con cá lớn
kia nay là vua Lưu ly, còn binh tướng theo Lưu Ly là bầy tôm cá trong hồ
khi xưa, dân cư thành Ca Tỳ la bị giết chính là thôn dân ngày nọ, còn
đứa nhỏ gõ đầu cá mà không ăn cá chính là đức Phật ngày nay chịu quả báo
nhức đầu ba ngày là do hồi ấy gõ đầu con cá ba lần. Nghiệp khó chuyển
nên bấy giờ họ Thích Ca năm trăm người, tuy được Mục Kiền Liên cứu ra,
song vẫn không toàn tính mạng. Về sau vua Lưu Ly bị đọa vào địa ngục.
Oan oan tương báo khó có ngày dứt.
Đó là câu chuyện nhân quả điển hình, có ghi trong sử sách Phật giáo, và
vì thế, ngày nào con người còn tạo nghiệp sát sanh, còn thích ăn thịt
cá, còn làm súng, còn săn bắn, còn giam giữ người và vật vô tội ngày đó
còn có những cuộc tàn sát chiến tranh.
Là Phật tử, chúng ta nên thực hành lời Phật dạy nêu trên là không giết
hại chúng sinh và nên phóng sinh.
Không giết hại chúng sinh, (thể hệ qua việc thực hành ăn chay) và phóng
sinh là hai điều vô cùng hệ trọng, không những nghiêm trì đệ nhất giới
luật của đạo Phật trong tiến trình tu tập tự thân, mà còn thể hiện sự
báo hiếu chân thật vào cao quý nhất đối với cha mẹ nhiều đời trong quá
khứ, bởi vì như đức Phật dạy, chúng sanh từ đời này sang đời khác thay
phiên lần lượt làm cha mẹ con cái của nhau. Ăn thịt chúng sinh tức là ăn
thịt cha mẹ mình, là tội bất hiếu lớn nhất trong các tội bất hiếu.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm, người ăn chay và hay phóng sinh thường có thân thể mạnh khỏe, ít tật bệnh, ít gặp tai nạn và thường được sống những nơi an ổn không thù hận và không chiến tranh.
Bây giờ chúng
ta hãy đọc kinh điển Đại Thừa xem Đức Phật nói như thế nào về việc Ngài
cho phép hay không cho phép ăn thịt động vật.
Phải nói ngay rằng trong tất cả kinh điển Đại Thừa, không có một kinh
nào Đức Phật cho phép ăn thịt. Không những vậy Đức Phật còn nói rõ việc
ngăn cấm ăn thịt. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chính từ kinh điển
Đại Thừa, Đức Phật công bố rõ ràng rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng,
vì đều có Phật tánh (tức là tính giác) và đều sẽ giác ngộ trong tương
lai: "Ta là Phật đã thành, và chúng sinh là Phật sẽ thành."
Chúng ta hãy xem một đoạn nói về sự ăn thịt trong Kinh Lăng Già
(Lankavatara): Ngài bảo: "Có thể có một số tín đồ của Ta còn u tối sau
khi ta nhập diệt, không biết được lời dạy và sự dạy của Ta và có thể kết
luận sai lầm rằng Ta cho phép họ ăn thịt và rằng chính Ta cũng ăn thịt.
Điều này hẳn là sai lầm. Vì làm sao mà những người đang trú trong một
cái tâm từ bi, tu tập khổ hạnh và cố gắng theo con đường Đại Thừa lại có
thể bảo những người khác ăn thịt thú vật? Quả thực, Ta đã từng đưa ra
những luật tắc về sự ăn chứ không về sự ăn thịt, mười điều phải tránh và
ba điều được chấp nhận. Nhưng trong Lăng Già này cũng như trong các kinh
Tượng Nhiếp (Hastikashiya), Bảo Vân, Niết Bàn (Nirvàna) và Chỉ Man
(Angulimàlika), ăn thịt là tuyệt đối bị cấm. Không phải chỉ trong quá
khứ mà cả trong tương lai và hiện tại, tất cả các tín đồ của Ta phải
kiêng thịt thú vật dù thịt ấy đã được làm bằng bất cứ cách nào. Nếu có
ai tố cáo rằng chính Ta đã ăn thịt và cho phép những kẻ khác ăn thịt thì
kẻ ấy chắc chắn phải bị sinh vào cõi khổ. Những người thánh thiện từ
chối mà không ăn cả đến thức ăn của người bình thường huống chi là ăn
thịt! Thức ăn của chư vị ấy là thức ăn chân lý (Dharmàhàra - Pháp thực);
Pháp thân của Như Lai được phù trợ bằng thức ăn ấy."
Sau
đây là những lý do không ăn thịt được Đức Phật nói ra trong kinh này:
1.
"Tất cả chúng sinh từ xưa
đến nay, lần lượt theo nhân duyên làm lục thân quyến thuộc với nhau, suy
nghĩ thịt này là người thân kiếp trước của mình, do đó không nên ăn
thịt.
2.
Thịt lừa, la, lạc đà,
chồn, chó, trâu, ngựa, người, thú v.v.. vì nhiều hàng thịt bán lẫn lộn,
do đó không nên ăn thịt.
3.
Như thợ săn, đồ tể, cầm
thú ngửi mùi họ liền sanh kinh sợ, chó thấy oán ghét sủa vang, do đó
không nên ăn thịt.
4.
Vì khiến người tu hành
chẳng sanh khởi từ tâm, do đó không nên ăn thịt. Phàm phu ham thích hôi
thúi bất tịnh, có tiếng tăm xấu xa, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến
người trì chú chẳng thành tựu, do đó không nên ăn thịt.
5.
Vì người sát sanh thấy
hình súc sinh khởi thức phân biệt, ham đắm mùi vị, do đó không nên ăn
thịt. Kẻ ăn thịt bị chư Thiên chê bỏ, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến
miệng hôi hám, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến người có nhiều ác mộng,
do đó không nên ăn thịt.
6.
Vì đến chỗ rừng hoang
vắng lặng, cọp sói ngửi được mùi hương gây sự nguy hiểm, do đó không nên
ăn thịt. Vì làm cho ăn uống thất thường, do đó không nên ăn thịt. Vì
khiến người tu hành chẳng sanh chán lìa, do đó không nên ăn thịt. Ta
thường nói rằng: Khi muốn ăn uống, nên nghĩ đây là thịt của con mình
hoặc nghĩ là thuốc độc, do đó không nên ăn thịt. Cho Phật tử ăn thịt là
không có chỗ đúng.
7.
Lại nữa, Đại Huệ ! Xưa
kia có vua tên Sư Tử Đô Đà Ta, ăn đủ thứ thịt, dần dần cho đến ăn thịt
người, dân chúng chịu không nổi, tụ tập mưu phản, vua liền bị lật đổ,
người ăn thịt có lỗi như thế, do đó không nên ăn thịt.
8.
Lại nữa, Đại Huệ: Những
người sát sanh vì ham tài lợi mà sát sanh buôn bán cá thịt, bọn ngu si
ăn thịt chúng sanh; dùng tiền làm lưới mà bắt lấy các thứ thịt. Người
sát sanh ăn thịt, hoặc dùng tài vật, hoặc dùng câu lưới bắt lấy những
chúng sanh bay trên trời, lội dưới nước và đi trên bờ, đủ thứ giết hại,
mua bán cầu lợi, gieo nhân chịu quả, sẽ thọ ác báo. Đại Huệ ! Ta dạy
Phật tử nên dùng Pháp thực, không dạy ăn thịt, cho đến không mong cầu,
không nghĩ tưởng đến những cá thịt, do nghĩa này không nên ăn thịt.
9. Đại Huệ ! Ta có khi phương tiện nói Giá Pháp, cho ăn năm thứ tịnh nhục hoặc là mười thứ, nay ở Kinh này xoá bỏ tất cả phương tiện, bất cứ lúc nào, chủng loại nào, phàm thuộc loài thịt chúng sanh, thảy đều đoạn dứt. Đại Huệ ! Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác còn chẳng ăn phi thời và tạp thực, huống là ăn thịt cá ư ? Tự không ăn cũng chẳng bảo người khác ăn. Dùng tâm Đại Bi dẫn đầu, xem tất cả chúng sanh như con một của mình, do đó chẳng ăn thịt con". [1]
Theo
như trên, hẳn là Đức Phật đã dùng pháp phương tiện cho phép tín đồ Phật
giáo ăn thịt nếu như họ không thấy không nghe con vật bị giết và không
bị đặc biệt giết để cho họ ăn. Trong kinh này Phật đã xác nhận điều đó
và hủy bỏ mọi pháp phương tiện đã ban hành từ trước.
Cũng trong kinh Lăng Nghiêm, Phật lại một lần nữa nói lên việc ngăn cấm
ăn thịt. Chúng ta hãy nghe lời Ngài:
"Người tu chánh định, cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại
chẳng trừ, thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền,
mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo qủy thần. Hạng trên thành tựu
đại lực qủy, hạng giữa thành phi hành dạ xoa và các loại qủy soái, hạng
dưới thành địa hành la sát. Các loài qủy thần kia cũng có đồ chúng, mỗi
mỗi đều xưng đã thành đạo vô thượng, sau khi ta diệt độ, trong đời mạt
pháp, loại qủy thần này sôi nổi trên thế gian, tự nói ăn thịt cũng được
đạo Bồ Đề....
".....Các ngươi nên biết, những người ăn thịt, dù được khai ngộ tựa như
Tam Ma Địa, nhưng đều là giống La Sát, khi hết phước báu, ắt phải chìm
đắm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như thế, giết
nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao ra được khỏi luân hồi.
"Ngươi dạy người đời tu Tam Ma Địa, phải dứt trừ sát sanh, ấy là lời dạy
rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ hai của chư Phật !
"A Nan ! Nếu chẳng dứt sát hại mà tu thiền định, cũng như có người tự
bịt lỗ tai, lớn tiếng kêu to mà mong người khác chẳng nghe, bọn này gọi
là muốn giấu mà càng lộ. Hàng Tỳ Kheo trong sạch và chư Bồ Tát, đi trong
đường tẻ còn chẳng dẫm lên cỏ, huống là nhổ cỏ. Làm sao người có lòng
đại bi lại ăn thịt chúng sanh ?
"Nếu Tỳ Kheo chẳng mặc tơ lụa, chẳng mang dày dép da cừu, chẳng ăn những
tô lạc đề hồ.. thuộc bộ phận thân thể của chúng sanh, thì Tỳ Kheo nầy
nơi thế gian gọi là chơn giải thoát, khi nợ xưa trả sạch thì chẳng sanh
vào ba cõi. Tại sao ? Vì những bộ phận thân thể của chúng sanh để ăn
mặc, thì phải trả nợ chúng sanh. Như người ăn lúa thóc từ đất mọc thì
chân chẳng lìa đất. Cũng vậy, người mà đối với thân thể của chúng sinh
đều chẳng ăn chẳng mặc, ta nói người này là chơn giải thoát." [2]
Trước
khi Phật Niết Bàn, Ngài cũng nói: "Này Ca Diếp ! Bắt đầu từ ngày nay trở
đi, Như Lai không cho phép hàng Thanh Văn đệ tử ăn thịt, nếu đàn việt
đem đến dưng thí, phải xem thịt ấy như thịt con mình. Như Lai cấm các đệ
tử không được ăn tất cả các thứ thịt". [3]
Đây
có thể là thắc mắc của nhiều người Phật tử hay không phải Phật tử, đặc
biệt là những người nghiên cứu đạo Phật qua sách vở biên soạn bởi các
nhà học Phật Tây phương.
Trước tiên phải nói đến vị cư sĩ, tên là Thuần Đà người đã thỉnh cầu Đức
Phật và hàng Tỳ kheo nhận phần cúng dường bữa cơm cuối cùng vào ngày hôm
sau. Đức Phật nhận lời sau khi đã giảng một thời pháp cho Thuần Đà cùng
với mười lăm người bạn đồng nghiệp của ông ta.
Ngày hôm sau Đức Phật và hàng Tỳ kheo đến nhà ông Thuần Đà. Sau khi Phật
và tăng chúng an tọa, Thuần Đà cung kính dâng lên cúng Phật bát canh nấm
Chiên Đàn mà ông đã nấu riêng để dành đặc biệt cho Phật. Khi Đức Phật
nhận bát canh nấm từ tay Thuần Đà, Ngài có nói với Thuần Đà rằng, đừng
đem thứ canh nấm còn dư này cúng dường cho các vị Tăng khác, Thuần Đà
vâng lời rồi lui ra. [1]
Từ ngữ Chiên Đàn mà chữ Pali là sukara-maddava được các nhà học
giả Tây phương dịch là truffles. Truffles có bốn nghĩa: (1) một
loại thức ăn mềm cho heo, (2) một loại thức ăn mà heo rất ưa thích, (3)
thịt heo mềm, và (4) bột thịt heo khô xay nhuyễn (pig-pound).
Từ sukara-maddava được kết hợp bởi hai từ sukara có nghĩa là con heo và
maddava có nghĩa là phơi khô. Do nghĩa này mà một số người Tây phương đã
cho rằng Thuần Đà đã dâng bát canh thịt heo phơi khô nấu nhuyễn cúng
dường Phật, và đức Phật đã vì ăn bát canh thịt heo ấy mà ngộ độc. Tuy
nhiên theo những nhà học giả khác thì chữ maddava có nghĩa là ngon, một
thức ăn mà giống heo rừng rất thích ăn.
Gạt
bỏ mọi sự tranh luận của các học giả, chúng ta cần phải hiểu rằng: (1)
Thuần Đà là một vị cư sĩ Phật tử đã theo Phật và đã biết rằng Phật quen
dùng các món ăn chay và Ngài rất nhạy cảm đến nỗi khổ đau của chúng sinh
nỡ nào lại cúng dường Phật bát canh thịt heo nấu nhuyễn, (2) Tại sao
Phật dặn Thuần Đà đừng cúng dường cho các vị Tăng khác phần còn dư của
món canh nấm. Có phải Phật đã biết bát canh nấm độc là cơ duyên để Phật
Niết Bàn nên không cho chư tăng khác ăn? (3) Nếu là thịt heo khô tán
nhuyn nấu canh thì đâu có thể xem là quý mà chỉ dâng một mình Phật ăn.
Cho nên rất có thể đây là món canh nấm, vì loại nấm này rất quí, một
loại nấm chỉ mọc ở dưới gốc cây chiên đàn và chỉ có heo rừng mới tìm ra
được mà thôi.
Đó là những nghi vấn và ý kiến khác nhau, chúng tôi cũng xin trình bày
ra đây để tùy ý quý độc giả thẩm định.
Pháp
theo tiếng Bắc Phạn là Dharma, tiếng Nam Phạn là Dhamma có nghĩa là dù ở
hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ được tự tánh bản chất và tùy theo hoàn cảnh
để hòa hợp nhưng không thay đổi bản chất. Tất cả kinh điển của Phật nói
ra được gọi là Pháp, với mục đích chỉ dạy chúng sinh theo đó mà tu hành
sẽ được giác ngộ, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Người đời nhiều bệnh, các bệnh lại không giống nhau nên thầy thuốc phải
tùy bệnh mà cho thuốc. Đức Phật là Đại Y Vương nên Ngài cũng tùy theo cơ
duyên, căn tánh, trình độ của từng chủng loại chúng sinh cao thấp không
đều và tùy thời tiết nhân duyên mà thuyết pháp để mọi chúng sinh đều
được giác ngộ.
Trong thời kỳ bắt đầu của đạo Phật, do nội dung cách mạng và giải phóng
triệt để hầu xóa tan biên giới giai cấp cùng cách phân biệt đối xử rất
khắc nghiệt của xã hội Ấn Độ thời ấy, nên nhiều thế lực đã tìm cách phá
hoại uy tín của Đức Phật. Cũng do điều kiện khách quan còn nhiều khó
khăn, chưa thể hoạt động thật mạnh mẽ ở tất cả mọi phương diện, nên Đức
Phật đã phải tùy nghi phương tiện, uyển chuyển cải cách, để vừa hoằng
pháp, vừa phát triển, lại vừa sinh tồn.
Vì nhu cầu tu học, nên vấn đề ăn uống cần phải được giản dị, thực phẩm
phải được xem như là dược thực, vì thế tăng đoàn thời Đức Phật phải đi
khất thực. Khất thực là chính sách thực hành giáo pháp. Các thầy Tỳ kheo
phải giữ tâm bình đẳng mà đi khất thực từng nhà, không phân biệt giầu
nghèo sang hèn để tạo cho đủ mọi tầng lớp dân chúng đều có cơ duyên thực
hành hạnh bố thí cầu phước, nhân dịp đó quý thầy nói pháp khuyên dạy mọi
người tu hành.
Pháp khất thực cũng vừa có mục đích phá trừ ngã chấp, vừa tự độ vừa độ
tha, lợi mình lợi người lại khỏi mất thời gian mua và nấu nướng thực
phẩm. Khi ăn thì phải trộn các món ăn với nhau để không còn phân biệt
món này với món khác, món ngon món dở và không phân biệt mùi vị. Mục
đích để không còn luyến ái mùi vị thơm ngon, mà chỉ cần ăn để nuôi sống
xác thân mà tu hành giải thoát.
Trong hoàn cảnh xứ Ấn Độ hai ngàn năm trăm năm trước đây, dân chúng thì
nghèo mà tăng đoàn của Phật thì lại đông, mỗi khi đi khất thực có đến cả
ngàn tỳ kheo, làm sao mà có thể có đủ thực phẩm chay. Lại nữa, đã gọi là
trải ruộng phước cho mọi người gieo trồng, làm sao có thể từ chối vật
thực cúng dường, tạo sân hận cho người có lòng cúng dường. Cho nên sự
việc tăng đoàn thọ nhận vật thực cúng dường, dù cho có lẫn thịt cá, hoàn
toàn là tình cờ, chư Tăng không hề quan tâm đến món ăn, chỉ cốt có thực
phẩm để nuôi dưỡng cơ thể có đủ sức tu hành hoàn thành đạo quả.
Do hoàn cảnh khó khăn kể trên, Phật không đòi hỏi mọi người một cách
khắt khe, nhưng nhờ Giới Không Sát Sanh do Ngài ban hành sẽ thấm nhuần
từ từ khiến cho mọi Phật tử sẽ ngừng tay chém giết súc sinh, thay thế
thực phẩm bằng các thực vật rau đậu, chừng đó họ sẽ cúng dường rau đậu
trái cây.
Ngày nay, hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, đời sống toàn thế giới đã
tương đối sung túc hơn thời cổ đại. Các vùng sa mạc nay cũng có thể
trồng được hoa mầu. Lương thực không còn thiếu thốn như xưa. Dù nghèo,
mọi người muốn cúng dường chư Tăng đều có thể thực hiện được vì thực
phẩm rau đậu đâu đâu cũng có, vừa tinh khiết lại nhiều chất bổ dưỡng.
Nên nhớ là chư Tăng hoan hỷ nhận lãnh bất cứ gì người Phật tử tại gia
vui lòng hiến dâng. Việc ăn thịt cá trong ba trường hợp mà Đức Phật cho
phép không còn đúng cho ngày nay, đó chỉ là pháp phương tiện mà Đức Phật
uyển chuyển ban hành trong thời kỳ khó khăn nói trên. Chúng sinh có
bệnh, Phật cho thuốc cũng phải tùy bệnh, tùy hoàn cảnh, thời đại, cơ
duyên, có lúc thuốc phải nhẹ nhàng để thấm từ từ, có lúc bệnh nhân đủ
sức chịu đựng thì Phật cho uống liều mạnh để khỏi bệnh luôn, cho nên là
Phật tử, chúng ta đọc kinh phải hiểu ý Phật, ý kinh. Đức Phật đã dạy cho
chúng ta phải y cứ theo bốn điều: (1) y pháp bất y nhân, (2) y trí bất y
thức, (3) y nghĩa bất y ngữ, và (4) y liễu nghĩa kinh, bất
y bất liễu nghĩa kinh.
Hay nói một cách khác, tất cả lời Phật đều là pháp phương tiện giáo hóa
chúng sinh, pháp đó hợp với lý chân thật của vạn sự vạn vật, nhưng do
hoàn cảnh không gian và thời gian sai khác, nên pháp đó có thể phù hợp
hay áp dụng được ở một quãng thời gian hay không gian nào đó cho một số
chủng loại chúng sinh nào đó, nhưng cũng có thể không phù hợp hay không
áp dụng được cho một thời kỳ nào khác hay nơi chốn nào khác cho chủng
loại chúng sinh khác.
Ý của Phật có thể ví như là bản chất tự tánh của nước là ẩm ướt, tùy
theo nhân duyên hoàn cảnh, dù nước đổ vào bình tròn hóa ra tròn, dù đổ
vào bình vuông hóa ra vuông và dù biến thành hơi bay lờ lững trên trời,
thì bản chất tự tánh của nước vẫn không thay đổi.
Trong suốt bốn mươi chín năm hóa độ chúng sinh, Ngài chỉ khuyên chúng ta tự hy sinh bản thân để cứu chúng sinh. Trong kinh Phật, không hề có một lời nào khuyến khích bạo lực, trả thù v..v.. Người Phật tử chỉ có một con đường, nếu muốn là Phật tử chân chính, đó là "cứu vớt chúng sinh và không ăn thịt chúng sinh".
Từ lúc đạo Phật có mặt trên quả địa cầu này đến nay, đạo Phật chưa bao
giờ dấy khởi chiến tranh, bởi giới luật đầu tiên của Phật là Không Sát
Sanh - chẳng những không giết người mà còn trân qúy và bảo vệ sự sống
của muôn loài chúng sinh hữu tình lẫn vô tình. Ngài nói rất rõ trong tất
cả các kinh điển Nguyên Thủy cũng như Đại Thừa là, "chớ có sát sinh,
chớ có khuyến khích sát sanh, chớ có chấp nhận sát sanh, chớ có làm hại
các sinh vật nhỏ bé trong nước, thậm chí chớ có đạp trên cỏ xanh."
[1]
Do những lý lẽ trình bầy trên, chúng ta tuyệt đối không nên cúng dường
qúy thầy, qúy sư những thực phẩm không phải là chay, những thực phẩm hay
đồ dùng có nguồn gốc từ việc giết hại chúng sinh như thịt cá tôm cua sò
ốc, da đồi mồi, da cá sấu, áo lông thú, dày da bò, da trâu, cao hổ cốt
và vải lụa dệt bằng tơ tằm.
Nếu như chúng ta cứ cố ý làm như vậy rồi viện lẽ Phật cho phép, tức là chúng ta đã không mang ơn Phật mà còn hủy báng Phật và chúng ta tự hủy hoại hạt giống từ bi trong chính chúng ta, chúng ta tự tạo tội cho chính chúng ta. Mua thịt cá ngoài chợ, dù là mua cho mình hay mua cho người khác cũng đồng nghĩa sát sinh như nhau.
Đừng ngụy biện nói rằng "Tôi không giết, không nghe, không thấy. Họ
bán thì tôi mua. Đó là tịnh nhục". Không !! Đừng tự lừa dối mình !!
Thời nay không còn tịnh nhục. Thịt cá bán ngoài super market có đối
tượng rõ ràng, đó là người mua. Vậy có người mua nên mới có kẻ bán.
Người mua là lý do thúc đẩy kẻ bán giết con vật, làm sao còn gọi là tịnh
nhục được, làm sao có thể nói được là tôi không giết. Hành động mua thịt
cá ngoài chợ được xem là một thứ "ủy nhiệm sát sanh" (killing by proxy)
cũng đồng nghĩa như sát sanh.
Có một số người còn cho rằng Giới Không Sát Sinh trong năm giới dành cho
cư sĩ Phật tử là "giới bất sát nhân" tức "không giết người,
"có nghĩa là vẫn được giết các sinh vật khác, trừ người
". Quả là một sai lầm vô cùng lớn lao và tai hại. Họ đã hiểu sai, không
những chữ mà còn ý của Phật nữa. Chữ "sinh" trong "Giới Không
Sát Sinh" có nghĩa là sinh vật hay chúng sinh (sentient being).
Chúng sinh, theo Ngài Trần Thái Tông dạy rất rõ cho hàng Phật tử tại
gia là hữu tình chúng sinh, tức là tứ sinh nói trong Khóa Hư Lục,
nghĩa là sinh vật sinh từ trứng, từ thai bào, từ ẩm ướt và từ hóa sinh.
Còn giới Sát Sinh của Bồ Tát Giới thì quý Phật tử nào đã thọ thì biết,
chỉ khởi lên "ý niệm" ăn thịt hay ý niệm sát hại đã là phạm giới chứ
không phải chỉ khi ăn thịt chúng sinh mới là phạm giới.
Trong đời sống tương đối này, chúng ta ai ai cũng bị chi phối bởi luật nhân quả. Không nhân nào mà không ra quả, chỉ chờ duyên thôi. Cho nên nếu bất đắc dĩ phải làm những nghề liên quan đến sát sinh dù là trực tiếp hay gián tiếp như làm nghề chài lưới, săn bắn, giết heo, mổ gà, mổ bò, bán súng, thì chắc chắn sẽ có ngày lãnh hậu quả, có thể đời nay, hay những kiếp sau. Nên Đức Phật khuyên trong Bát Chánh Đạo hãy chọn một nghề sinh sống không làm tổn hại đến chúng sinh. Đức Phật thương xót đến cả côn trùng không nỡ dẫm lên chúng. Nếu như chúng ta có vì vô tình mà không tránh được việc dẫm lên các con vật nhỏ bé thì chúng ta cũng nên tránh các nghề sát hại chúng sinh như nói ở trên.