Chương
7
Một
bài học qua cuộc đời Ðức Phật
Có
một vấn đề để chúng ta phải suy nghĩ là có bao giờ bỏ
ra chút ít thời gian để tự tìm thấy những mối quan hệ
giữa những khía cạnh tế nhị của cuộc đời Ðức Phật
với cuộc tu và đời sống của chúng ta hay không. Ðó là
một việc làm hết sức ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay,
dù xét về thời gian chúng ta đã là những hậu nhân sanh sau
Ngài đến hàng mấy mươi thế kỷ. Chúng ta đã học hỏi
được điều gì, từ kiến thức sách vở cho đến những
ứng dụng thực tế ngay trong chính đời sống mình?
Có
lắm cách nhìn về Ðức Phật. Trước hết, Ngài được xem
là một nhân vật lịch sử có thật, đã ra đời tại miền
Bắc Ấn Ðộ vào khoảng thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 trước
Tây Lịch và đã trở thành một Ðức Phật ở tuổi 35. Bằng
vào cách nhìn mang tính sử học và dung dị như vậy, ta có
thể hiểu Ngài một cách chi tiết và điển hình bằng thái
độ, tâm tư, trí tuệ trong tinh thần đồng loại.
Còn
một cách nhìn khác nữa về Ðức Phật là chúng ta có thể
xem Ngài như một biểu tượng căn bản của tất cả giá trị
nhân tính. Như vậy Ðức Phật từ cách hiểu này là một
hình thái phô diễn trọn vẹn của một tâm hồn giác ngộ
và tỉnh thức, một trình độ tâm linh nằm ngoài tất cả
phiền não và hư ngụy, tà vạy.
Sự
thông thuộc về cuộc đời Ðức Phật chẳng khác gì sự
dấn bướcvào một cuộc hành trình mà qua đó, ta sẽ tìm
thấy những mô hình nhân cách căn bản nhất được phô diễn
trọn vẹn. Trong cả hai cách nhìn trên về Ðức Phật, một
con người lịch sử hay một biểu tượng sống, đều có thể
giúp ta thấu suốt được những quy luật chung nhất cho một
lý tưởng thăng hoa tuyệt vời ngay trong chính những kinh nghiệm
sống của Ngài. Ðể từ đó, hình ảnh về Ðức Phật không
còn là một huyền thoại trừu tượng xa xôi đối với chúng
ta qua bất cứ một khái niệm cách ngăn nào về không gian
và thời gian cả, mà lúc này chính Ðức Phật và những mẫu
chuyện đời về Ngài tự nhiên hiển hiện và sống dậy một
cách sinh động ngay trong tâm hồn cũa mỗi chúng ta như một
phép sống tất yếu và phổ cập. Có thể nói đây chính là
con đường giúp ta nhận diện tất cả những cảm nghiệm
của mình ở một quy mô lớn rộng hơn, đồng thời đó cũng
là một mối giao hòa và gần gũi với Ðức Phật có nhiều
ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể thực hiện bằng cách nhìn
lại con đường Ngài đã đi qua. Chúng ta có thể nối bước
theo Ngài bằng cách tự biết nêu ra và giải đáp những trăn
trở: Thế nào là bản chất của đời sốngvà đâu là cội
nguồn của tất cả khổ đau mà chúng ta vẫn đang gánh chịu?
Trong
tác phẩm Người Anh Hùng Muôn Mặt (xuất bản tại New York
năm 1971), Joseph Campbell, một học giả trứ danh người Mỹ,
đã qua đó, mô tả lại toàn bộ con người Ðức Phật xuyên
qua bốn giai đoạn, mà ông gọi là những chặng đường thể
hiện đức tính đại hùng đại lực của Ðức Phật trong
suốt hành trình hướng đến quả vị tối thượng của bậc
Chánh Ðẳng Giác.
Bốn
giai đoạn đó được trình bày bằng cách kết hợp sinh động
những khía cạnh mang tính đời thường trong cuộc đời Ðức
Phật với kinh nghiệm tâm linh của chính mình, chúng ta sẽ
tìm được một nguồn động lực khích lệ hết sức lớn
lao cho mỗi chặng đường tu của mình. Càng nhìn vào đời
sống của Ðức Phật, chúng ta càng nhận được nhiều niềm
vui cho nội tâm. Bởi vì có lưu ý đến đời sống tinh thần
vốn vĩ đại và mãnh liệt của Ngài, chúng ta sẽ được
những tác động sâu sắc cho đời sống nội tâm bản thân.
Khi
mới thoạt nhìn hoặc thoáng nghe về những cuộc phiêu lưu
của các nhà thám hiểm lừng danh thế giới, chúng ta thường
có thói quen liên tưởng đến những cuộc khám phá ly kỳ,
hấp dẫn mang tính huyền thoại hay điện ảnh. Ta có thể
tha hồ tưởng tượng đến những thiên đường bát ngát có
cỏ xanh. Trời đẹp, những hồ nước trong vắt, những miền
xa, xứ lạ đẹp như mơ, mà ít khi chịu nghĩ tới những muỗi
mòng, rắn rít, những gió mưa lạnh lẽo nơi núi rừng, những
cơn đói khát cùng vô vàn những hiểm nguy bất trắc mà các
nhà thám hiểm đó đã phải trải qua bằng cả tính mạng.
Trong khi đó, chính những cái nghiệt ngã này mới thật sự
là toàn bộ cuộc hành trình của các nhà thám hiểm. Con đường
khám phá ra bản chất của đời sống, hay nói khác đi, hành
trình giác ngộ của chúng ta cũng tương tự như vậy. Có nghĩa
là mỗi người tu hành đều phải đi qua biết bao khổ lụy
và thử thách ngay trong chính từng bước đi của mình. Chúng
ta luôn dễ dàng rơi vào những cạm bẫy của cuộc tu và sẵn
sàng tự đánh mất chính mình qua cái nhìn vọng ngoại vốn
chẳng bến bờ ngay trong chính pháp môn mà mình vẫn xem là
đạo lộ giải thoát.
Campbell
đã chọn lấy thời điểm Bồ tát được thọ ký lần đầu
tiên là giai đoạn bắt đầu cho hành trình đi tìm Phật quả
của Ngài. Theo kinh điển nguyên thủy thì cách đây vô số
kiếp sống (kể chính xác là thời gian bốn A Tăng Kỳ và
một ức đại kiếp), Ðức Phật Thích Ca trong một kiếp nọ,
dĩ nhiên lúc này Ngài vẫn còn là một vị Bồ tát, đã là
một vị ẩn sĩ tên Sumedha và khi đó nhằm vào thời kỳ ra
đời của một Ðức Phật Toàn giác có Hồng danh là Dìpankara
(Nhiên Ðăng). Một hôm nghe tin Ðức Phật sắp sửa ngự đi
du hóa ngang qua một địa phương và dân chúng sở tại đang
ra sức sửa chữa đường sá để đón tiếp Ngài cùng Chư
Thánh Tăng, Sumedha đã tình nguyện tiếp sức với họ bằng
cách nhận làm một đoạn đường được xem là khó khăn nhất.
Công việc đang dở dang nửa chừng thì Ðức Phật và Chư
Tăng đã tới nơi. Xúc động mãnh liệt trước hình ảnh của
Ðức Phật Dìpankara, ẩn sĩ Sumedha lập tức hướng tâm tới
một quả vị như vậy mà mình có thể hy vọng đạt được
trong tương lai nên đã nhanh chóng nằm dài xuống đất, ngay
trên khoảng đường sình lầy để lấy thân mình làm chiếc
cầu cho Ðức Phật cùng chư Thánh Tăng bước qua, với một
tấm lòng tín thành tuyệt đối để cầu mong Phật quả, đồng
thời nói lên lời phát nguyện của mình trước mặt Ðức
Phật Dìpankara.
Thấy
rõ được công đức và tâm lực của vị ẩn sĩ chắc chắn
sẽ dẫn đến sự thành tựu tâm nguyện ấy một cách như
ý, Ðức Phật Dìpankara liền tuyên bố trước đại chúng
rằng vị ẩn sĩ này chắc chắn sẽ được toại nguyện sau
một thời gian dài tu dưỡng thêm nữa các giá trị đạo hạnh
của một bật Toàn Giác. Kể từ sau lời thọ ký này của
Ðức Phật Dìpankara, ẩn sĩ Sumedha đương nhiên được toàn
thể nhân thiên xem là một Ðức Phật tương lai.
Trong
kinh Bổn Sanh đã kể lại rất nhiều những nỗ lực tu tập
Ba La Mật của Bồ Tát trong suốt vô số kiếp sống luân hồi
trước khi trở thành một Ðức Phật. Ba La Mật ở đây là
những giá trị đạo hạnh mang ý nghĩa trang bị cho quả vị
Toàn Giác: Hào sảng, độ lượng, trí tuệ, bình tâm, can đảm,
chân thật, nghị lực... trong đời sống thường nhật của
mình. Những nỗ lực để trưởng dưỡng các giá trị đạo
đức đó chắc chắn không phải là vô nghĩa, mà ngược lại,
đó là những nguồn nhân tố trợ lực hùng hậu cho tất cả
nhữngthành quả tu tập tuyệt vời nhất.
Sau
bao kiếp sanh tử và tu tập với một đạo lực và thời gian
nhất định, trong kiếp sống cuối cùng, Ðức Bồ Tát đã
sanh làm một vị hoàng tử của tiểu vương quốc thuộc Hoàng
tộc Thích Ca, tính theo địa danh của hôm nay chính là miền
đất biên giới giữa xứ Nepal và Ấn Ðộ. Lúc bấy giờ
là khoảng thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Trong ngày
Bồ Tát chào đời, các nhà thông thái của vương quốc đã
đồng loạt tiên tri rằng sau này Hoàng Tử hoặc sẽ trở
thành một bậc Ðại đế uy chấn tứ hải hoặc nếu ra đi
xuất gia thì sẽ trở thành một bậc Ðại Giác. Phụ vương
của Bồ tát dĩ nhiên chỉ muốn con mình kế thừa và phát
huy Vương nghiệp nên đã bằng đủ mọi cách bố trí tất
cả những điều kiện hạnh phúc khoái lạc để mong Hoàng
tử không có cơ hội chán đời mà phải luôn triền miên đắm
chìm đời sống nhung lụa thế tục. Bồ Tát có đến ba tòa
lâu đài được thiết kế thích hợp và tiện nghi để có
thể sống thoải mái trong từng thời tiết vốn vô cùng khắc
nghiệt của vùng Bắc Ấn. Quanh Ngài luôn có vô số nhạc
sĩ, vũ công và các mỹ nữ kiều diễm nhất được tuyển
chọn thật cẩn thận tử khắp nơi về.
Nói
chung, Ðức vua đương triều đã dùng hết khả năng của mình
để cách ly Bồ Tát với cuộc đời bên ngoài, trong một cõi
thiên đường vàng son chỉ với mục đích duy nhất là để
giữ chân đứa con trai có thiên tư khác phàm của mình.
Năm
Bồ Tát lên 29 tuổi, một hôm thưa với vua cha xin được xuất
cung để du ngoạn ngoại thành. Vua cha dĩ nhiên không có lý
do để từ chối ước muốn đó của con mình nhưng trước
hết Ngài đã kín đáo ra lịnh cho mọi người sơn sửa, trang
hoàng từ đường sá cho đến nhà cửa dân chúng ở những
nơi mà hoàng tử sẽ đi qua. Theo lệnh vua, tất cả những
gì xấu xí, héo úa, buồn thảm... khả dĩ khơi gợi ở Bồ
Tát một chút động tâm, đặc biệt là ý hướng chán đời,
đều phải được thu dọn, che khuất khỏi tầm mắt của
Ngài.
Tương
truyền rằng ngay khi BồTát đang dạo qua một khoảng đường
trong thành phố, có bốn vị thiên nhân đã từ cõi trời hiện
xuống hoá ra bốn hình ảnh nhằm khích động và đánh thức
ở Bồ Tát lý tưởng giải thoát mà bấy lâu nay Ngài đã
tạm thời lãng quên. Mỗi vị thiên nhân tạo ra một hình
ảnh khác nhau: Một cụ già lụm cụm di chuyển nặng nề như
đã mất hết sức sống, một bệnh nhân đang quằn quại bên
lề đường, một tử thi sắp sửa mang đi an táng. Cả ba hình
ảnh này đều là những khuôn mặt thật của đời sống mà
Bồ Tát lần đầu tiên trông thấy từ suốt 29 năm qua trong
đời mình. Cứ trước mỗi hình ảnh như vậy, Bồ Tát lại
hỏi người đánh xe cho mình sao trên đời lại có những cảnh
tượng ghê gớm như vậy. Vẫn theo kinh điển truyền thống,
người xa phu của Bồ Tát đã do thần lực khiển tâm từ
các thiên nhân nên đột nhiên thao thao bất tuyệt giải thích
cho
Ngài rằng đó là những bi kịch tất yếu của một kiếp
người, một thảm trạng chung mà tất cả những ai đã trót
sinh ra trong đời này cũng phải đều gánh chịu. Hình ảnh
thứ tư, vẫn do một thiên nhân hóa hiện, là một vị Sa môn
du phương. Bồ tát lại hỏi người xa phu rằng sao giữa phố
thị phồn hoa với biết bao nam thanh nữ tú vẫn tô lục chuốt
hồng này lại có một người từ phong thái cho đến trang
phục đều khác đời như vậy. Chàng xa phu lại thưa rằng
đó là một vị xuất gia sống đời không nhà cửa với mục
đích tầm cầu cứu cánh giác ngộ và giải thoát.
Những
hình ảnh do các thiên nhân hóa hiện trên đây đã làm sống
dậy ở Bồ Tát một nguồn đạo lực vốn đã được huân
tập và tiềm tàng từ vô số kiếp tiền thân. Những hình
ảnh đó đã khơi gợi ở Ngài những vấn đề sâu sắc nhất:
Thế nào là bản chất thật sự của cuộc tử sanh? Cái gì
là động lực thúc đẩy chúng tồn tại? Làm sao mọi người
chấm dứt đau khổ? Và vấn đề tối hậu chính là khả năng
tìm ra một con đường giải thoát thật sự.
Còn
chúng ta thì sao, mỗi người đã tìm thấy cho mình một nguồn
động lực nào cho chính cuộc tu của bản thân? Ðã có một
vị thiên sứ nào hiện đến nhắc nhở cho chúng ta hay chưa?
Cũng như Ðức Phật, mỗi người trong chúng ta đều có một
cuộc đời. Chúng ta phải tự biết lắng nghe và chắt lọc
những tiếng gọi từ đời sống để tỉnh thức như Ngài.
Trong từng bước đi đầu tiên của cuộc hành trình tự hóa
bản thân, sự phản tỉnh, tức từng phút giây trực cảm
tất cả thực tại, sẽ là con đường giúp ta những tra vấn
sâu sắc, gây tạo cho chúng ta những động lực hùng hậu
và cũng đồng thời vạch lối, mở ngỏ cho những thao thức
căn bản nhất.
Giai
đoạn thứ hai của cuộc hành trình mà Ðức Bồ Tát đã phải
đi qua như một sứ mệnh của bậc đại hùng, đó chính là
cuộc ra đi vĩ đại của Ngài, cuộc xuất gia của một ông
hoàng. Có làm khơi dậy những tiềm lực nội tâm mà bấy
lâu nay vẫn bị khuất kín, chúng ta mới bắt đầu bỏ được
những quan kiến và sinh phong mang tính lề thói, tập quán về
cuộc đời và bắt đầu biết vươn mình hướng về tất
cả những gì là sự thật. Sau cuộc gặp gỡ với bốn vị
thiên sứ, Bồ tát đã từ bỏ hoàng cung với tất cả nhung
lụa vàng son của nó để dấn thân vào con đường giải thoát.
Trong hình thức một du sĩ tha phương, Ngài đã đến cầu học
thiền định với tất cả các bậc đại sư thời danh và
lần lượt chứng đạt tất cả các tầng thiền định mà
đến cả các vị thầy của Ngài cũng không thể vượt qua.
Với trí tuệ tuyệt vời của mình, Bồ Tát tự nhận thấy
rằng tất cả những khả năng thiền định đó thật ra vẫn
chưa giải quyết được cho Ngài vấn đề phiền não cũng
như cứu cánh vượt thoát sinh tử.
Thế
rồi sau khi từ giả các vị đã hướng dẫn mình, Bồ Tát
đã bỏ ra sáu năm trời liên tục để khổ luyện tất cả
các hình thức ép xác khắc kỷ, một pháp môn tu hành vẫn
được xem là rất phổ biến trong thời kỳ đó. Nội dung
của pháp môn khổ hạnh chỉ đơn giản là những hình thức
tự đày đọa thân xác nhằm mục đích chối bỏ sự ngộ
nhận về một cái Tôi (theo định nghĩa của tư tưởng Ấn
Ðộ đương thời) và đè nén phiền não. Kinh điển ghi lại
rằng có một thời gian dài, Bồ Tát chỉ ăn mỗi ngày một
hạt cơm và thân hình Ngài lúc bấy giờ gầy ốm đến mức
chẳng khác gì một bộ xương khô. Có thể nói trong suốt
sáu năm dài đó, Bồ Tát đã thực hiện pháp môn khổ hạnh
với tất cả khả năng sinh lý của một con người. Sau sáu
năm khổ luyện như vậy, một lần nữa, Ngài lại nhận ra
rằng con đường đó vẫn chưa phải là đạo lộ giải thoát
đích thực để chấm dứt tất cả khổ đau.
Hai
chặng đường đầu của cuộc tu coi như Bồ Tát đã trải
qua và lần này Ngài quyết định đi theo con đường thứ ba
mà cũng là con đường cuối cùng. Ngài ăn uống trở lại
bình thường, để tự bồi dưỡng sức khỏe và hy vọng,
qua đó, với một tình trạng tâm sinh lý khả quan, sự minh
mẫn của tâm hồn mới may ra được thành tựu đúng mức.
Với một nghị lực như vậy, Bồ tát tìm đến tĩnh tọa
dưới gốc cây Bồ Ðề với lời nguyền sắt đá rằng sẽ
không bao giờ đứng dậy cho tới khi nào thành đạt được
quả vị giác ngộ hoàn toàn. Hôm đó là ngày cuối cùng trước
khi Bồ Tát đắc thành Phật quả. Ngay khi ấy Ma vương, là
một ác thần nhiều quyền lực trên thiên giới cùng tất
cả phiền não trong nội tâm Bồ Tát gần như cùng lúc xuất
hiện để quấy nhiễu Ngài bằng tất cả sức mạnh ghê gớm
nhất. Trong kinh điển truyền thống cũng như tác phẩm Người
Anh Hùng Muôn Mặt (trang 32 trong nguyên tác Anh Văn) đều mô
tả lại cuộc đối đầu này của Bồ Tát như là một cuộc
chiến kinh thiên động địa: "Bồ Tát một mình ngồi dưới
những cơn mưa gồm toàn đá tảng, sấm sét, gươm đao, bùn
sôi, cát nóng... nhưng Ngài vẫn điềm nhiên như không có gì
xảy ra nhờ một nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào đức
hạnh của mình. Ðể rồi sau cùng tất cả các hung khí đó
đều trở thành những chùm thiên hoa rơi xuống chân Ngài như
để cúng dường...".
Trên
đây là trận chiến giữa Bồ Tát và Ma Vương. Còn trong đời
sống tu tập của mỗi chúng ta hôm nay, liệu có ai dám bảo
mình có đủ sức mạnh nội tâm ngồi im lặng với một sự
tỉnh thức cùng một lời nguyền sắt thép như vậy? Chúng
ta hãy tự nhân cách hóa Ma Vương ở đây là những tham muốn
và sân hận, phóng dật và sợ hãi. Như vậy thì trong cuộc
tu của mình, chúng ta vẫn được xem như đã từng có những
cuộc đối đầu với ác ma, một hành trình gian khổ để
tìm đến giải thoát. Mỗi nỗ lực của chúng ta đều là
cái dũng khí của bậc đại hùng. Bởi vì đó là một nguồn
nội lực cho từng cảm nghiệm của chúng ta về thực tại
mà nếu so ra thì chính mỗi thực tại có khác gì một đấu
trường hay một chiến trận để thông qua đó, chúng ta mới
có dịp thể hiện trọn vẹn tất cả đạo lực của mình.
Giai
đoạn khởi sự cho hành trình tầm cầu Phật quả của Bồ
Tát là thời điểm Ngài được thọ ký để từ đó tự xác
định hướng đi, lý tưởng sống cho suốt dòng sanh tử. Giai
đoạn thứ hai là cuộc xuất gia trong kiếp sống cuối cùng,
một thái độ chối bỏ dứt khoát tất cả nhân sinh quan đời
thường bằng một nếp sống thoát tục. Giai đoạn thứ ba
là cuộc đối đầu gay cấn, khốc liệt với tất cả những
gì là ma chướng, nói theo mọi định nghĩa. Và giai đoạn
cuối cùng chính là cuộc chứng đạt Phật đạo tối thượng.
Sau
cuộc đọ sức với Ma Vương, Bồ Tát đã suốt đêm thức
trắng để lần lượt nhìn ngắm vạn pháp. Ðầu hôm, bằng
khả năng trí tuệ thiền định của mình, Ngài đã nhìn thấy
dòng sinh tử vô thủy, vô chung của tất cả chúng sanh qua
vô số hóa thân để từ đó Ngài thấu đáo tinh tường được
quy luật vô thường của vạn hữu: Mọi thứ luôn có mặt
rồi biến mất như những bọt nước phù du trên một dòng
luân lưu bất tận. Giữa khuya, cũng với trình độ trí tuệ
của mình, Bồ Tát cảm nghiệm được quy luật nghiệp lý
vốn có sức mạnh quyết định mọi tình trạng sinh hóa, tồn
tại của tất cả chúng sanh và Ngài đã có được khả năng
đại bi của một Ðức Phật khi thấy rằng muôn loài luôn
bị cuốn hút vào màn lưới nghiệp lý đó từ sự tác động
của vô minh. Thế rồi vào lúc cuối đêm, Bồ Tát đã tự
thể nghiệm nguyên lý Tứ Diệu Ðế mà nội dung là con đường
dẫn tới khổ đau cùng đạo lộ giải thoát, hai tác động
đưa đến hai phản ứng khác nhau.
Bồ
Tát đã trở thành một Ðức Phật ngay khi sao mai vẫn chưa
lặn tắt trên bầu trời sương giá và tương truyền rằng
trong chính giây phút đó, Ngài đã tự nói lên nỗi xúc cảm
tuyệt vời của mình qua những dòng hứng ngữ lạ lùng mà
cùng vô cùng sâu sắc:
Trải
từ vô thủy tử sanh
Vô
minh mất dấu tác nhân luân hồi
Ðêm
nay tương ngộ nhau rồi
Ngôi
nhà hiện hữu giờ thôi... hoang tàn!
Vẫy
chào người thợ ái tham
Cột
kèo... nát cả, còn làm được chi
Bến
đời từ biệt ra đi
Ái
tham gửi lại, ta về vô sanh!
(Bài
kệ được dịch giả phỏng dịch và thi hóa từ nguyên tác
Pàli)
Nội
dung đại lược của những dòng thi kệ trên đây là với
Phật trí của mình, Ðức Thế Tôn nhìn thấy tất cả những
biến tướng tử sanh của dòng luân hồi là cả một khổ
lụy. Phút giây giác ngộ của Ngài chính là một cuộc khám
phá ra tác nhân của tất cả đau khổ. Ngài dùng hình ảnh
ngôi nhà để ẩn dụ cho tất cả mọi hiện hữu của chúng
sinh, mà vật liệu xây dựng nên ngôi nhà đó chính là các
phiền não song hành với tham ái. Ðức Phật, thông qua những
dòng kệ ngẫu hứng đó, đã có ngụ ý xác định cứu cánh
Níp Bàn mà mình đã đáo đạt.
Phương
tiện cho hành trình giác ngộ đó của Ðức Phật chính là
Bát Thánh Ðạo, một cỗ xe tuyệt vời đã đưa Ngài đến
một đất trời mà mình vẫn mong muốn. Những dòng thơ ngẫu
hứng trên đây chỉ mang ý nghĩa một bài hát nói lên niềm
vui toại nguyện của người lữ khách sau một chuyến đi dài
đầy gian khổ.
Trong
hai tập Trưởng Lão Tăng kệ và Trưởng Lão Ni kệ, gồm những
dòng thơ xác nhận thánh trí mà các bậc Thánh Tăng, Thánh
Ni thời Ðức Phật đã tự ngẫu hứng, ta thường thấy hầu
như ở bài nào cũng được kết thúc bằng câu "Ta đã được
thực hiện xong những gì cần phải thực hiện". Trở thành
một bậc Toàn Giác, Ðức Phật đã thấu suốt trọn vẹn
con đường của riêng mình và căn tánh sai biệt của tất
cả chúng sanh.
Ngay
sau khi thành Phật, Ngài đã bỏ ra trọn bảy tuần lễ để
sống một mình và trầm tư tất cả những vấn đề thuộc
trình độ trí tuệ của một bậc Chánh Ðẳng Giác. Bây giờ
thì Ðức Phật đã đến cứu cánh giải thoát nhưng vẫn do
dự khi nghĩ đến việc san sẻ trí tuệ và sự an lành tuyệt
đối đó cho chúng sanh khi tự nhận thấy rằng hầu hết mọi
loài đều mù lòa trong bóng tối tham ái, rất khó tìm được
một ai đó có đủ khả năng hiểu được những chân lý thâm
sâu mà Ngài đã chứng ngộ.
Theo
kinh điển kể lại, ngay khi Ðức Phật đang suy tư về việc
độ sinh bằng những suy nghĩ như vậy thì ngay lập tức, một
vị Phạm Thiên đã hiện xuống khẩn khoản thỉnh cầu Ngài
hãy lên đường tế độ chúng sanh. Vị Phạm thiên này đã
gợi ý Ðức Phật rằng thực ra trong tam giới này vẫn luôn
có rất nhiều chúng sinh khả dĩ đủ khả năng tiếp nhận
giáo lý của Ngài. Bằng Phật trí của mình, Ðức Phật đã
quán xét để thấy rằng vị Phạm thiên kia đã nói đúng.
Thế rồi Ngài đã nhận lời thuyết pháp độ sinh và bốn
mươi lăm năm hoằng dương trong đời Ngài đã bắt đầu từ
hôm đó.
Ðịa
điểm đầu tiên mà Ðức Phật đã chọn làm nơi thuyết giáo
chính là một vườn nai ở Bàrànasì (gọi theo hôm nay là Benares
hay Sarnath). Ðối tượng của thời pháp đầu tiên này chính
là năm vị ẩn sĩ đã từng chung sống với Ngài trong những
năm tháng trước đó. Và nội dung của thời Pháp này được
gọi là kinh Chuyển Pháp Luân, vấn đề cốt lõi là Tứ Diệu
Ðế, mà qua đó, đặc biệt là Ðạo Ðế (một trong Tứ Ðế),
Ngài đã nêu ra pháp môn Trung Ðạo, tức con đường tu hành
nằm ngoài hai quan điểm cực đoan: Khổ hạnh (lấy khổ để
thoát khổ) và Lợi dưỡng (lấy khoái lạc để thoát khổ).
Có thể nói thời pháp này là nền tảng cho tất cả giáo
lý mà Ðức Phật đã tuyên thuyết trong suốt đời mình.
Rời
vườn nai ra đi, Ðức Phật tiếp tục con đường du hóa của
mình qua từng cuộc gặp gỡ và thuyết giáo cho các đối tượng
hữu duyên. Khi đã có được sáu mươi người đệ tử Thánh
Tăng, Ðức Phật đã khuyên các vị noi gương mình du phương
khắp mọi đất trời để hoằng dương chánh pháp. Lời kêu
gọi của đức Phật vô cùng thống thiết:
"Hãy
lên đường du hóa, này các Tỳ kheo, các ngươi hãy sống vì
sự an lành, hạnh phúc, vì lòng từ bi cho tất cả nhân thiên.
Hãy ra đi mỗi người một nẻo để thuyết giảng chánh pháp
mà Như Lai đã từng thuyết giảng cho các ngươi, một chánh
pháp toàn hảo, trọn vẹn từ đầu đến cuối, mang nội dung
tuyên dương đời sống phạm hạnh, hoàn thiện và thanh tịnh.
Hãy sống vì lợi ích cho người khác, hãy giúp họ đạt được
những gì mà các ngươi đạt được".
Qua
những hình ảnh trên về Ðức Phật, có lẽ chúng ta đã thấy
được phần nào cái gọi là nội dung của tinh thần Phật
giáo: Ngoài lý tưởng thực chứng và trí tuệ để tự giải
thoát bản thân, người đệ tử Phật còn phải có thêm ở
chính mình một tình thương cho cuộc đời và những nỗ lực
phụng sự tha nhân. Một niềm tự tin về đạo lực của mình
cộng thêm một tinh thần lợi tha vô tư sẽ tác động và
mang lại cho cuộc tu của chúng ta một nguồn năng lượng quan
trọng. Một công phu tu tập đích thực không hề mang tính
vị kỷ bởi khả năng thấu suốt chân lý luôn tùy thuộc
vào mức độ giao hoà và cảm thông để qua đó nó trở nên
lớn nhỏ, sâu cạn và rộng hẹp hơn.
Ðức
Phật có hai người đệ tử chưởng môn là Xá Lợi Phất
và Mục Kiền Liên. Khả năng sở trường của Ngài Mục Kiền
Liên là thiền định và Ngài đã chứng quả A La Hán sau khi
xuất gia được một tuần lễ. Trong các bậc cao đồ của
Ðức Phật, Ngài Mục Kiền Liên được xem là đệ nhất về
các khả năng thần lực. Trong khi đó, Ngài Xá Lợi Phất,
vị đệ nhất cao đồ của Ðức Phật thì lại là một người
vô song về trí tuệ. Chính vì khả năng trí tuệ cộng thêm
nguyên tắc cá nhân là luôn chi li cẩn thận nên tuy cùng xuất
gia với Ngài Mục Kiền Liên trong một buổi nhưng mãi đến
nữa tháng sau Ngài mới chứng quả A La Hán. Theo trong kinh điển,
về mặt trí tuệ, Ngài Xá Lợi Phất chỉ đứng sau Ðức
Phật. Và vẫn theo các sử liệu truyền thống thì chính Ngài
Xá Lợi Phất đã triển khai và hệ thống hóa toàn bộ giáo
lý A Tỳ Ðàm (Vi Diệu Pháp), một nền giáo lý vẫn được
xem là sâu sắc nhất của Phật giáo, nội dung hầu như có
thể nói là chuyên chở trọn vẹn lĩnh vực tâm lý học của
Phật giáo mà nếu tính ra thì đây là một công trình triển
khai rất quy mô, bởi phần chánh văn nguyên thủy do chính Ðức
Phật trình bày vốn rất ngắn gọn (không đầy 100 trang vở
học sinh), trong khi đó phần triển khai của Ngài Xá Lợi Phất
có một số lượng khổng lồ là nếu tính theo ấn bản với
khổ 19x23 (mẫu chữ có chiều đứng chừng non 1cm) thì có
tới 12 quyển, trung bình mỗi quyển 200 trang.
Tương
truyền rằng Ðức Phật đã thuyết giảng giáo lý này trên
một cõi trời và mỗi ngày, chính Ðức Phật đã quay xuống
cõi người để thuyết giảng cho Ngài Xá Lợi Phất, để
từ đó Ngài Xá Lợi Phất thực hiện phần còn lại.
Dĩ
nhiên giữa Ðức Phật và các đệ tử A La Hán chắc chắn
phải có những điểm sai biệt, dù giữa đôi bên thầy trò
luôn có một điểm giống nhau đó là sự chấm dứt hoàn toàn
tất cả phiền não. Tuy nhiên qua vô số kiếp tu tạo các đức
tính, tất cả chư Phật đều luôn thành tực trọn vẹn mọi
nguồn tâm lực, đạo lực mà trong đó, trí tuệ và từ bi
được xem là những gì tiêu biểu nhất. Nếp sống thường
nhật của Ðức Phật luôn thể hiện một cách toàn bích những
giá trị tinh thần đó. Ta có thể thấy được điều này
qua những trường hợp độ sinh của Ðức Phật mà kinh điển
vẫn còn ghi chép lại: Ngài luôn biết chịu thương chịu khó
trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn có sẵn những phương
thức tối ưu để mở ngõ tâm hồn từng đối tượng một
cách thích ứng tuyệt vời. Tất cả chỉ vì Ngài vốn tự
có một trí tuệ vô ngại và một lòng đại bi thường trực,
cụ thể.
Thật
ra ngay từ thuở gặp được Ðức Phật Dìpankara, ẩn sĩ Sumedha
vốn đã có đủ duyên lành để trở thành một vị A La Hán,
nhưng Ngài đã chọn lựa lý tưởng Phật đạo chỉ vì tình
thương đối với tất cả chúng sinh. Chính vì lòng từ bi
vô hạn đó, Ngài đã chấp nhận thêm một đoạn đường
sinh tử đằng đẳng để trau luyện tất cả pháp tánh của
một đức Phật và sau cùng rồi thì Ngài đã được toại
nguyện. Một sự toại nguyện không chỉ cho riêng mình mà
còn hướng về vô số chúng sinh.
Ðức
Phật đã đi qua và thành tựu trọn vẹn ba giai đoạn để
được gọi là một Chánh Ðẳng Giác. Trước hết, đó là
giai đoạn đào dưỡng Ba La Mật trong suốt vô số kiếp bằng
những nỗ lực siêu phàm của một vị Bồ Tát. Giai đoạn
thứ hai chính là sự chứng đạt quả vị Chánh Ðẳng Giác
và thành tựu Nhất Thiết Chũng Trí của một vị Toàn Giác.
Và giai đoạn thứ ba chính là lý tưởng Ðộ Sinh. Ngài không
hề có ý giữ lại cho riêng mình khả năng giác ngộ, mà ngược
lại, bao giờ Ðức Phật cũng luôn tìm cơ hội thuyết giáo
độ sinh bằng một lòng từ bi vô hạn. Thậm chí cho đến
những giây phút cuối cùng trước khi viên tịch, Ðức Phật
vẫn tiếp tục nghĩ tới những người có khả năng tiếp
nhận chánh pháp.
Sự
đại hùng, đại lực trong hành trình tu tạo Ba La Mật của
các vị Bồ Tát tiền thân của Chư Phật Toàn Giác chỉ có
được từ một tấm lòng vị tha vô bờ bến. Nhưng ta cũng
phải hiểu thêm rằng nếu chỉ có riêng một tình thương
cho đời thì cũng vẫn chưa đủ. Lòng vị tha của chư vị
Bồ Tát phải được thực hiện cụ thể và một trình độ
từ bi như vậy đòi hỏi phải được song hành với một khả
năng trí tuệ biện biệt trong từng hành động phụng sự
tha nhân. Lòng đại bi cũa vị Bồ tát phải đòi hỏi một
trí tuệ tương ứng dễ cho ra những thành quả hữu hiệu,
hợp lý và cần thiết. Ðồng thời cái gọi là trí tuệ của
vị Bồ Tát cũng luôn cần thiết đến một lòng đại bi để
mọi sở hành của các Ngài mới mang được ý nghĩa lợi tha
một cách trọn vẹn. Do đó, hai pháp tánh Từ bi và Trí tuệ
luôn được xem như là những nét đặc trưng của một Ðức
Phật.
Trong
kinh ghi rằng cho dầu có cộng lại tất cả tình thương của
các bậc cha mẹ trong vô lượng vũ trụ đối với con ruột
của mình thì nếu so ra bằng khái niệm số lượng tương
dụ, tất cả vẫn không sao sánh được với lòng đại bi
mà Ðức Phật vẫn hướng về vạn loại chúng sinh. Ðiều
đó xem ra có vẻ là một cách nói quá đáng nhưng xét cho cùng
cũng dễ hiểu: Các bậc cha mẹ chỉ có thể thương yêu và
tha thứ cho con cái của chính mình, còn ở Ðức Phật thì
tình thương đối với tất cả chúng sinh không hề có một
giới phân biệt. Tình thương của Ðức Phật là một thứ
tình thương không chỉ đơn giản là trạng thái tâm lý ái
luyến, gắn bó và và đặc biệt tuyệt đối không ủy mị,
mù quáng. Lòng đại bi của Ðức Phật luôn nhắm đến ý
nghĩa giải thoát khổ đau cho chúng sanh và tuyệt đối trong
suốt đời mình, kể từ sau giây phút giác ngộ, Ngài không
hề làm một điều gì lớn nhỏ khả dĩ gây nên những buồn
phiền,
đau đớn cho chúng sinh. Trong đó có bậc cha mẹ nào trên đời
này lại dám đoan chắc mình đã có một nếp cư xử trọn
vẹn như vậy với con cái. Lòng đại bi của Ðức Phật là
một thứ tình thương tích cực: Giúp người khác toại nguyện
lý tưởng hướng thượng mà không hề làm toại nguyện những
mơ ước vớ vẫn vô ích của bất cứ ai.
Một
trong những khả năng ưu việt và sở trường của Ðức Phật
chính là trí tuệ vô ngại. Theo kinh sách ghi lại, cứ mỗi
buổi sáng Ngài dùng Phật trí này để quan sát toàn thế giới,
thu hết tất cả chúng sanh vào lóng đại bi vô hạn của mình.
Rồi với khả năng thấu suốt được cơ duyên (khuynh hướng
tâm lý, trình độ trí tuệ, túc duyên giải thoát) của từng
người, khi nhận biết ai là người hữu duyên, Ngài lập tức
đi đến tận nơi để tiếp độ họ.
Trong
kinh có kể lại câu chuyện về một Tỳ kheo sau suốt mấy
tháng dài tu tập thiền định bằng đề mục bất tịnh, tức
dùng hình ảnh những bộ phận uế trược trong nội thân để
làm đề mục tham án, nhưng vẫn không có kết quả, thậm
chí thường xuyên bị bức xúc và phóng dật. Hiểu được
cơ tánh và tiền duyên của vị này vốn không thích hợp với
đề mục thiền định đó, nên đức Phật đã dùng thần
lực của mình hóa hiện ra một đóa sen thật đẹp rồi khuyên
vị này hãy nhìn ngắm nó như một đề mục thiền định.
Vị Tỳ kheo làm theo lời Ðức Phật và vẫn do thần lực
của Ngài, trong một thời gian cực ngắn thì đóa sen kia đột
nhiên héo úa và rơi rụng từng cánh. Ðang chú mục nhìn ngắm
đóa sen, vị tỳ kheo đã tận mắt nhìn thấy sự suy tàn đó
về hình ảnh về đóa sen về lúc này đã thành ra một công
án về định lý vô thường của các pháp. Ngay tại chỗ ngồi,
vị Tỳ kheo lập tức chứng quả A La Hán.
Sau
đó, khi được Tăng chúng bạch hỏi lý do vì sao Thế Tôn
lại dùng phương thức trên đây để hướng dẫn vị tỳ
kheo kia chứng ngộ, thì Ðức Phật đã cho biết rằng trước
đây trong nhiều kiếp sống liên tục, vị Tỳ kheo này đã
từng là thợ kim hoàn, vốn thường quen mắt và tiếp xúc
với những món vàng ngọc sạch đẹp nên trong kiếp sống
cuối cùng này dù đã đủ túc duyên giải thoát nhưng do khuynh
hướng tâm lý quá khứ nên không thể nào chấp nhận được
đề mục bất tịnh mà xét theo phương diện tâm lý thì những
hình ảnh có vẻ dơ bẩn đó lại hoàn toàn đối lập với
khuynh hướng mỹ cảm của đương sự.
Ở
đây chúng ta còn có một câu chuyện nữa về khả năng độ
sinh của Ðức Phật. Tương truyền rằng trong hàng ngũ tăng
đồ của Ðức Phật lúc bấy giờ có một vị Tỳ Kheo vẫn
thường bị xem là kém thông minh đến mức nghiêm trọng. Vị
này coi như hoàn toàn không có một chút khả năng trí nhớ
nào cả. Thậm chí, chỉ với một bài kệ bốn câu, vị này
dù đã phải cố gắng hết mình trong suốt nhiều tháng trời
vẫn không thể nào học thuộc nổi. Anh ruột của vị Tỳ
kheo này vốn là một bậc Thánh Tăng bác học, thấy sư đệ
mình không có chút tiến bộ nào trong cuộc đời xuất gia,
nên giờ cuối đành phải ngỏ lời khuyên em mình nên hoàn
tục. Vị Tỳ kheo kia tuy không có khả năng học hỏi Phật
Pháp nhưng vốn là một người thiết tha với đời sống phạm
hạnh, nên sau khi nghe lời đề nghị của người sư huynh,
vị này buồn lắm. Thế rồi vì tôn trọng người anh của
mình, nên mờ sáng hôm sau, vị ấy đã âm thầm rời chùa
ra đi.
Ngay
buổi sáng hôm đó, với Phật trí của mình, Ðức Thế Tôn
đã biết hết mọi chuyện. Ngài bảo vị tỳ kheo thiếu trí
nhớ đó hãy quay lại rồi trao cho vị này một chiếc khăn
tay màu trắng và dặn cứ tự nhiên sử dụng nó, đồng thời
Ngài dặn hãy nhớ kiểm tra lại chiếc khăn tay vào mỗi buỗi
sáng. Chỉ vài hôm sau thôi chiếc khăn tay kia dần dần bị
đổi màu và vấy bẩn. Túc duyên giải thoát từ tiền kiếp
chợt sống dậy trong lòng vị tỳ kheo khi vị này nhìn thấy
tình trạng đổi thay trên chiếc khăn tay đó và thế rồi
trong một thoáng tỉnh tâm, vị Tỳ kheo đã chứng đạt tứ
quả. Câu chuyện còn kể thêm rằng từ sau giây phút đắc
thành La Hán, vị này đã thành tựu toàn bộ tất cả khả
năng thiền định và trở thành một trong những bậc cao đồ
tiêu biểu nhất của Ðức Phật.
Về
tiền thân của vị Tỳ kheo trên đây, Ðức Phật dạy rằng
trong những kiếp tu tạo Ba La Mật, vị này đã có lần sanh
là một nhà vua nhiều quyền uy và trong một lần du ngoạn
dưới trời cơn nắng đổ lửa, chiếc long bào sang trọng
đính đầy những châu báu và chiếc vương miện đắt giá
mà vua đang đội trên đầu đã làm ông cảm thấy khó chịu:
Chúng chẳng đem lại bao nhiêu niềm vui vẻ cho ông mà ngược
lại chỉ gây phiền hà thêm thôi. Thế rồi trong những trang
phục đó ông cảm thấy tấm thân mình như nặng nề và đau
khổ hơn. Những giọt mồ hôi luôn giọt trên người ông càng
khiến ông thấm thía cái bất toại vô lý của tấm hình hài.
Ông đã hồi cung trong một tâm trạng chán đời như vậy và
chính sự ý thức này đã thành ra một chủng tử giác ngộ
cho ông ngày sau. Ðức Phật đã đánh thức được ở tâm
hồn mù mịt của vị tỳ kheo kia một tiềm năng giác ngộ
là chính nhờ Ngài đã thấu suốt được tiền căn của đương
sự.
Một
lần khác, có một người thiếu phụ con nhà quyền quý sinh
được đứa con trai mà theo bà thì nó là tất cả cuộc đời
của mình. Bà cưng chiều và chăm nom nó vô cùng kỹ lưỡng
mà lý do cũng thật dễ hiểu: Thứ nhất là tình mẫu tử
và bên cạnh đó, kể từ lúc đứa bé chào đời, gia đình
bên chồng nàng gần như đổi hẳn thái độ cư xử với nàng,
xưa đã xem thường thì bây giờ kính trọng, còn nếu đã
có chút tình thương thì bây giờ tình thương đó càng được
củng cố. Nhưng bất hạnh thay cho nàng thiếu phụ, đứa bé
đã đột ngột chết đi khi chưa biết nói.
Quá
đau khổ nên nàng gần như điên dại. Ôm cái xác cứng lạnh
của con trên tay mà nàng vẫn một mực tin rằng nó hãy còn
sống. Nàng thiếu phụ đáng thương đó đã bồng xác con mình
đi gõ cửa nhà tất cả các thầy thuốc trong kinh thành với
hy vọng là sẽ tìm được ai đó cứu sống được con mình.
Nhưng dĩ nhiên nàng đã hoài công. Thế rồi do một cơ duyên
tình cờ, có người khuyên nàng nên tìm Ðức Phật. Trước
cơn đau khổ cùng cực của người thiếu phụ, Ðức Phật
đã nhận lời cứu con nàng nhưng với một điều kiện là
chính nàng phải đi tìm ở đâu đó cho Ngài một ít hạt cải
mà điều quan trọng là trong dòng họ của người đã cho nàng
số hạt cải đó chưa từng có một người chết.
Như
tìm một chiếc phao giữa biển, nang thiếu phụ mừng lắm,
và lần này lại tiếp tục ôm xác con ra đi lần nữa bằng
tất cả niềm vui, niềm vui mù quáng của một người mất
trí. Nhưng rồi nàng thiếu phụ bất hạnh đó lại tiếp tục
những dòng nước mắt tuyệt vọng khi cứ nghe hoài một câu
nói của những người cho nàng cả thúng hạt cải để cứu
con: Hạt cải thì chúng tôi có nhưng từ bao đời nay dòng
họ nào chẳng từng có người chết. Trong nỗi đau đớn tuyệt
cùng của mình, tự đáy lòng người thiếu phụ bất chợt
lóe lên một thấm thía: "Thì ra đâu phải chỉ có riêng con
mình bị chết, mà tất cả mọi người cũng đều đã, đang
và sẽ chết!". Sau dòng suy nghĩ đó nàng lập tức hiểu ngay
thâm ý của Ðức Phật và lau khô đi những giọt lệ trên
khuôn mặt mình, nàng bình thản mang xác con đem bỏ vào nghĩa
địa rồi quay lại xin được xuất gia với Ðức Phật để
rồi chẳng bao lâu sau, nàng đã trở thành một vị nữ Thánh
Tăng cao đồ của Ngài.
Ðối
tượng độ sinh của Ðức Phật có thể nói là vô số và
gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội: Từ kẻ hành khất,
kỷ nữ, thương nhân, cho đến các bậc vương hầu, khanh tướng.
Mỗi người đến với Ngài bằng một niềm tin, kiến thức
và trình độ trí tuệ khác nhau nhưng tất cả đều được
Ngài tiếp độ và đối xử bình đẳng.
Tinh
thần căn bản trong giáo lý của Ðức Phật chính là sự tự
chứng, thể nghiệm ngay từ bản thân. Ðức Phật luôn kêu
gọi ở tất cả mọi người cái khả năng tự biết khám
phá ngay đối với cả những giáo lý được chính Ngài thuyết
giảng. Xưa nay, từ các Phật Giáo đồ cho đến những nhà
học giả nghiêm túc thường không mấy ai không biết tới
bài kinh Kàlàma-sutta mà nội dung đặc biệt nhấn mạnh đến
tinh thần tự chứng, thể nghiệm đó.
Theo
kinh điển ghi lại, trong một lần du hóa tại xứ Kàlàma,
khi được dân chúng địa phương tỏ bày niềm băn khoăn,
nan giải khi phải tiếp xúc và lắng nghe giáo lý với quá
nhiều vị giáo chủ mà ai cũng cho rằng chủ thuyết của mình
là chân lý tối thượng, khiến họ không biết phải hiểu
sao nữa, Ðức Phật đã trả lời cho những người này bằng
một lời khuyên hết sức ngắn gọn nhưng vô cùng thâm thúy.
Ở đây ta không thể nhắc lại nguyên văn lời Ngài mà chỉ
có thể thu ngắn đại ý của lời khuyên đó:
"Ðừng
bao giờ vội vã tin tưởng vào bất cứ một điều gì trước
khi tự mình kiểm tra, thẩm nghiệm một cách cẩn thận rằng
những điều đó có thật sự chuyển tải được những giá
trị chánh pháp hay không. Mà tiêu chuẩn và nét đặc trưng
của chánh pháp luôn là trí tuệ, lòng hào sảng, sự phơi
mở tâm hồn cùng những giá trị khác tương ứng, có liên
quan đến con đường giải thoát. Hãy luôn cẩn trọng khi lắng
nghe và học hỏi những gì vẫn được xem là truyền thống
lâu đời, là di ngôn của một bậc tiền nhân khả kính nào
đó hoặc chúng là những điều vẫn được xem là kinh như
thánh điển... "
Ðại
khái Ðức Phật khuyên mọi người nên có được những trí
tuệ, can đảm và bình tĩnh trước khi muốn chấp nhận hay
bác bỏ một điều gì. Là một bậc Ðạo sư vĩ đại có
vô số đồ chúng ở khắp mọi đất trời, nhưng Ðức Phật
không hề sống và hoạt động bằng một lý tưởng nào ngoài
ra tinh thần trách nhiệm của một bậc đại giác mà trí tuệ
và từ bi luôn là nền tảng thường trực.
Vào
một ngày ở cuối tám mươi, tự biết mình đã quá già yếu
và sắp sửa viên tịch, Ðức Phật đã tìm đến nằm dưới
hai tàng cây trong một khu ngự uyển của một tiểu quốc hẻo
lánh để chọn làm nơi bỏ mình. Trong kinh kể lại rằng hai
cội cây chỗ Ðức Phật đang nằm đột nhiên trổ hoa sái
mùa như để cúng dường Ngài lần chót. Mãi cho đến lúc
đó, Ngài vẫn không ngừng thuyết pháp cho các đệ tử và
lại còn tế độ cho một du sĩ ngoại giáo vào xuất gia trong
giáo hội của Ngài. Câu nói sau cùng của Ðức Phật cho các
Tỳ kheo đệ tử trước khi Ngài thật sự nhắm mắt - và
cũng cho tất cả chúng ta hôm nay nữa - là: "Vạn hữu luôn
vô thường, các ngươi ở lại phải luôn chuyên cần, chớ
có dễ duôi". Sau đó Ðức Phật lần lượt xuất nhập các
tầng thiền định rồi viên tịch.