Chương
8
Tự
do trong Tự chế
Hiểu
được nội tâm của chính mình là con đường tối ưu để
thấu suốt đời sống. Con người và mọi vận động tồn
tại của chúng ta luôn phát hiện từ ý thức. Tại sao mỗi
người chúng ta đều có riêng một nếp sống, một thái độ
tình cảm, một kiểu đối giao nhất định nào đó đối với
thế giới quanh mình? Tất cả đều đi ra từ mỗi một thế
giới nội tâm, tên gọi chung cho những tư duy, nhãn quan và
cảm tính của mỗi người. Nói khác đi, chúng ta chỉ là một
phóng ảnh của ý thức. Ðể thấy rõ đều đó, thật đơn
giản, ta chỉ việc bỏ ra ít thời giờ tĩnh lặng rồi nhìn
ngắm, lắng nghe nội tâm mình sinh diễn, hoạt động.
Thực
hiện được công phu đó, chúng ta sẽ lập tức nhận thấy
rằng nội tâm mình chỉ là một chuỗi dài vận động liên
tục, thường trực: lúc này nó bình hòa, yên lắng để rồi
giây phút khác lại bốc cháy với những tham sân. Cứ thế!
Bản chất của nội tâm chúng ta mãi hoài là những biến động,
sự tồn tại của nó được tái hiện qua đủ thứ hình thức
kinh nghiệm. Nó được hình thành qua từng thời khắc đối
xúc trần cảnh, qua từng thái độ cảm thức và phản ứng
của chúng ta, những ảo tượng của chúng ta về thế giới
ngoại tại. Có nghiêm cẩn quan sát nội tâm cùng các động
lực cấu thiết nó, chúng ta sẽ đọc được qua đó lắm
điều, chẳng hạn cái gì đã khiến ta ưu phiền cực lòng,
cái gì giới hạn tâm hồn chúng ta cho chật hẹp tù đày cũng
như những động cơ nào chắp cánh cho tâm hồn ta vươn tới
khả năng bao dung lồng lộng để từ đó chúng ta được tự
do và dễ dàng yêu thương trần gian với tất cả sinh linh
khổ lụy của nó.
Nhưng
để có được cái nhìn thấu suốt đó, điều tiên quyết
là ta phải tự trang bị một sức mạnh tâm linh nhất định
nào đó: vững chải và kiên định và cho đến khi nào chúng
ta vẫn còn bị ngăn trở bởi những thành kiến, những xung
động tình cảm đối đãi thì cứ xem như chúng ta vẫn còn
bị cuốn hút trong cơn lốc xoáy của những sinh hoạt phù
phiếm cùng các phản ứng nội tâm xuẩn động, mà điều
đó lại là một chướng ngại nghiêm trọng cho khả năng phản
tỉnh cùng trí tuệ giải thoát. Vậy vấn đề tối hậu ở
đây là để bắt đầu một trí tuệ cần thiết cho đường
tu, ta phải biết ổn định mọi sự bằng cách giàn xếp cho
một nội tâm bất nhị.
Tông
chỉ của Thiền định là quân bình hoá nội tâm. Chúng ta
điều chế nội tâm mình vào sự tỉnh thức và chuyên nhất,
đồng thời làm trung hòa sự tác niệm sao cho đúng mức: không
lơi lỏng hoặc quá phấn khích. Từ cơ sở tĩnh lặng này,
chúng ta mới có thể nhìn thấy xuyên suốt và sâu sắc tất
cả kinh nghiệm nội tại. Chúng ta sẽ nhờ vậy mà kịp thời
ý thức được tất cả những gì vừa xẩy đến cho mình
và cả thái độ tiếp nhận của bản thân đối với chúng.
Chúng ta tự mổ xẻ chính mình ngay trong chính cái thực tại
hiện hữu và thậm chí buông bỏ toàn triệt tất cả những
ảo tưởng, quan niệm lý tính. Trình độ tỉnh thức tinh xác
này sẽ mang lại một khả năng tâm linh sâu thẳm vì tính
chặt chẻ của nó: Không một thực tại lớn nhỏ nào không
được chăm chú.
Trong
từng phút, nội tâm hành giả luôn được giữ thăng bằng
vì chúng ta đã biết phơi mở từng loạt kinh nghiệm một
cách vô cảm, khách quan. Chúng ta nhìn ngắm tường tận mọi
sự đang xảy ra trong từng chớp mắt, phân biệt rạch ròi
từng cấu tố của danh sắc, cũng như nắm bắt được các
quy luật vận động thật ra quá rõ ràng của chúng. Từ ngữ
"Dhamma" trong tiếng Pàli (Dharma trong Sanskrit) còn có nghĩa là
"quy luật", cho nên ở đây ta có thể hiểu rằng tất cả
pháp môn tu hành đều có chung một lý tưởng là nhìn ngắm
vào các quy luật, mà ở đây là các quy luật về sự hiện
hữu của chúng ta.
Một
trong những quy luật cơ bản nhất mà chúng ta cần ý thức
trước tiên chính là quy luật Nghiệp Báo. Một cách nôm na,
đó là quy luật xác định rằng mọi hành sự lớn nhỏ của
chúng ta trong mỗi phút giây của đời sống thường nhật
đều luôn để lại một hậu quả nhất định nào đó, không
một hoạt động nào là vô nghiệp, đồng thời quy luật này
còn dạy ta hiểu rằng không một cái gì trên đời do ngẫu
nhiên mà hiện hữu cả. Có chiêm ngắm bản chất các kinh
nghiệm bản thân, ta mới bắt đầu có dịp thấy rõ tác động
của nghiệp báo đối với đời sống chính mình ra sao. Nghiệp
lý trong lòng hành giả lúc này đã là môt quy luật sinh động,
chứ không chỉ đơn giản là một tín điều trừu tượng
hay một học thuyết để tiêu sầu nữa. Với chừng đó bản
lĩnh ta sẽ ý thức đúng đắn giá trị của mỗi mỗi tư
tưởng bằng tất cả tinh thần trách nhiệm.
Hãy
nhớ rằng kinh nghiệm nội tâm của chúng ta luôn sẳn sàng
bị chi phối bởi một cảm giác nhất thời nào đó. Tất
cả chuyện đời buồn vui cùng những kích xúc tốt xấu của
tâm lý đều do chính chúng ta đánh giá và tự quy định. Cùng
đứng trước một sự cố, một sự cố bất trắc nào đó
chẳng hạn, hai thái độ nội tâm khác nhau sẽ có lối xử
lý không giống nhau: Một nụ cười bình thản bao dung hay một
chút nhíu mày chua chát. Ðó chính là ý nghĩa quan trọng của
các cấu tố tâm lý đối với kinh nghiệm nội tâm của chúng
ta vậy. Ta có thể gọi đó là sự tồn tại hay sự can dự
của nghiệp lý, vì rõ ràng là tác động và hậu quả phản
ứng trong chính thế giới nội tâm chúng ta đã thường trực
hiện hữu từng thoáng chốc.
Ở
đây chúng ta còn có một con đường khác để kinh nghiệm
về quy luật nghiệp lý. Trong từng phút giây sống thiền định,
nghiệp tính luôn hiển hiện qua những ấn tượng tâm lý tồn
đọng của chúng ta về những sở hành quá khứ. Rồi chỉ
bằng một ít tĩnh tâm của chúng ta, tất cả những ám ảnh
đó sẽ tự khắc lộ diện, thậm chí bùng dậy một cách
mãnh liệt để chúng ta có thể trực diện nhìn ngắm chúng
như đang soi mình trước một tấm gương, mà phản ảnh của
tấm gương nội tại này chính là chúng ta.
Những
hồi ức quá khứ có ra sao đi nữa, khiến ta buồn hay làm
ta vui, ta cũng phải đối mặt với chúng bằng tất cả ý
thức bình đạm, sáng suốt nhất. Với tâm thái tế nhị và
an nhiên này, cảm thức kinh nghiệm của chúng ta về nghiệp
lý (mà ở đây là các tiền nghệp cùng hậu quả của chúng)
có thể chính chắn hơn nhiều.
Chúng
ta kinh nghiệm được nghiệp tính ngay trong chính những cấu
tố tâm lý làm nên kinh nghiệm thực tại của mình xuyên qua
những tư phong ý thức cùng các kích xúc cảm tính bản thân.
Chúng ta có thể nhìn thấy vận động của nghiệp lý khi biết
khách quan và tỉnh táo nhìn lại toàn bộ quá khứ của mình.
Bất cứ khi nào ta cũng có thể thực hiện việc đó: Trong
giờ thiền định chính thức hay một phút giây yên tĩnh, thoải
mái nào đó của tâm hồn. Chúng ta có thể định nghĩa Nghiệp
lý là một quy trình vận động và phát triển của những
tập quán với những quy mô, giới hạn lớn nhỏ nào đó bất
luận. Và từng nghiệp nhân luôn tạo ra một nghiệp quả đối
xứng. Nói cách khác, hệ quả phản ứng ở đây luôn phản
ảnh chính xác sức mạnh của lực tác động. Tới đây thì
chúng ta còn có một cách hiểu nữa về vấn đề nghiệp báo
như một định nghĩa chung nhất rằng, bất cứ một hoạt
động tâm vật lý nào của con người cũng đều di hậu một
hệ quả tương ứng như quan hệ liên lũy giữa một hạt giống
với các hoa trái sau đó của nó.
Một
khi thấu suốt được quy luật nhân quả, chúng ta mới có
thể điều động, thu xếp đường hướng sinh phong của mình
một cách thích đáng và hiệu quả hơn. Ðể rồi từ đó,
một trí tuệ được kết tựu cho chúng ta cái bản lãnh và
khả năng định hướng lý tưởng hoạt động và xác định
được chốn đi về của mình. Tuy nhiên, ta cũng đừng ngộ
nhận rằng chỉ với chút ít ý thức về nghiệp lý cùng một
hướng đời giản đơn là người hành giả đã hoàn tất
cuộc tu. Cái chúng ta cần phải vươn lên thêm nữa chính là
một sức mạnh tâm linh có hiệu quả thực dụng, tức khả
dĩ rút ngắn khoảng cách giữa trí tuệ lý tính với công
phu thực nghiệm. Nói khác đi là hành giả biết đem trí tuệ
nhìn ngắm và đối diện với thực tại chung quanh. Mà ở
đây ta có thể nói rằng một trong những sức mạnh nội tâm
hùng hậu và hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể vận dụng
để nhắm tới đích điểm này chính là sự tự chế.
Hiểu
được ý nghĩa của hai tiếng "tự chế" là cả một vấn
đề quan trọng. Bởi vì nó chiếm một vị trí ngay trong chính
tâm điểm của cuộc tu chúng ta. Chúng ta phải hết sức thận
trọng để khu biệt sự tự chế với thái độ khắc kỷ
cực đoan, mù quáng. Tự chế ở đây hoàn toàn không có nghĩa
là một kiểu gò ép tư tưởng mình một cách khiêm cưỡng
để rồi nhắm mắt xoay lưng chối bỏ thực tại, giá trị
thực hữu của nó. Tự chế ở đây cũng không là một thái
độ áp đặt cái nhìn cảm xúc nào đó cho kinh nghiệm bản
thân. Bởi nếu thế, chính cái lãng quên thực tại sẽ đày
đọa chúng ta thêm thôi. Bao nhiêu nước mắt của trần gian
đều chảy ra từ đó. Vô minh về thực tại là một tuyến
lệ bất tận.
Với
khả năng tự chế, chúng ta có thể trải rộng tầm mắt nhìn
khắp mọi sự với một trí tuệ biện biệt thấu suốt, trọn
vẹn. Từ trình độ trí tuệ và tỉnh thức đó, chúng ta còn
phát hiện được con đường nào dẫn tới an lành cùng sự
hiểu biết, phát hiện luôn nguồn cội nào đưa đến những
khổ đau và xung đột. Tự chế chính là điều kiện năng
lực cho hướng sống gạn đục khơi trong, giúp ta những chọn
lựa sinh tồn, đồng thời đó cũng là một sức mạnh nội
tại hướng thượng đưa ta về với cảnh giới cao nhân.
Một
hiệu lực khác của tự chế còn là sự đối trừ các khuynh
hướng thị dục tập quán của chúng ta. Trong kinh điển có
kể lại câu chuyện về một con khỉ dại dột. Trong một
lần tìm xuống đồng bằng để rong chơi, để tìm cái ăn,
nó đã đưa bàn tay vào một chiếc bẫy trét đầy những nhựa
cây thật dẽo. Biết tay mình đã bị dính chặt trong đó,
nó lần lượt dùng bàn tay còn lại rồi cả hai chân sau để
thoát hiểm. Cuối cùng rồi, cả người nào đều bị dính
chặt vào bẫy.
Ðối
với những phiền não tập quán của mình, chúng ta đâu khác
gì con khỉ rừng đó. Chúng ta có thói quen ôm giữ cái gì
mình thích, bị mất mát thì ta tìm kiếm hoặc lập tức tìm
cái thay thế. Chúng ta tiếp tục bươn chải cho những ước
muốn khoái lạc. Cứ thế mỗi người, từng ngày, tự trói
mình bằng xiềng xích của lòng chấp thủ tù đày. Chúng ta
bị giam hãm nghiêm trọng trong chính những ham muốn của mình
và không chỉ mê lụy trong những điều kiện cụ thể cho
một thỏa mãn thị dục, chúng ta còn bị trầm nịch trong
cái tập tính đầu tư những ham muốn. Bởi có lẽ ai cũng
hiểu rằng chẳng riêng gì châu báu mà đến cả ý hướng
phiêu lưu để tìm kiếm chúng cũng đều luôn hấp dẫn.
Tuy
nhiên, có một điều có thể xem là quan trọng khi sự ham muốn
được điều động sang một giá trị mới để trở thành
cái gọi là ước vọng, một hình thái ý thức tích cực khả
dĩ giúp ta tự do, vượt thoát mọi ngục tù của lòng ham muốn
thay vì ngược lại. Thậm chí tâm thái đó lúc này còn có
thể là một trợ lực hữu hiệu cho công phu tự chế nữa.
Một hành giả ưu tú, bản lãnh có thể tự tại đón nhận
nó như đối với một người khách vô hại.
Ngoài
những điều kiện mang tính lý tưởng, sự tự chế còn có
thể được tựu thành từ khả năng dung hợp, hài hòa hợp
lý. Với những ức chế và lo âu của mình, những tình huống
tâm lý luôn có trăm ngàn con đường xảy đến, có thể tự
nơi chúng ta hoặc từ các tác động ngoại lai. Sự tự chế
ở đây không hề là một thái độ sống tù túng và khép
kín, mà lại trở thành động cơ giúp ta phơi mở, vươn trải
thái độ sống, đồng tự biết chọn lấy cho mình những
trách nhiệm mang ý nghĩa sứ mệnh tích cực nhất.
Môt
nội tâm thiếu tự chế cũng giống như một đứa bé hư hõng
thiếu giáo dưỡng: Luôn bốc đồng, nông nổi và bất thường.
Ðể uốn nắn một đứa bé, chúng ta phải biết đôi lúc
phải nghiêm khắc trước những vòi vĩnh không chính đáng
của nó. Các bậc cha mẹ biết khéo dạy con sẽ không bao giờ
chìu chuộng hay đồng tình những thói xấu của chúng. Ðối
với nội tâm của chúng ta cũng thế, chúng ta tuyệt nhiên
không thể dễ dãi dung dưỡng và đáp ứng thõa mãn những
ham muốn của mình. Chúng ta có thể học cách tự giác từ
chối cái thị dục bằng những tâm thái cao khiết, hồn nhiên,
kể cả một nụ cười trẻ con.
Sự
tự chế thực sự hoàn toàn không phải được trau luyện
từ những động lực tiêu cực như sự chán ghét hay đè nén.
Nó đến từ một cái nhìn đơn sơ, hài hòa để từ đó thái
độ sống của chúng ta trở thành một chuỗi dài vận động
nhất quán, tương ứng với tri kiến như thật của mình: Một
nội tâm trung thực như nhiên trong một nếp sống thật thà
với tất cả định nghĩa sâu rộng nhất. Có sống chết với
tinh thần tự chế đó, ta mới thấy nó quả nhiên là một
nguồn sinh lực bất tận, mênh mang...
Ngoài
giá trị hàm dưỡng nội tâm, sự tự chế còn có ý nghĩa
giữ lại cái sức mạnh vốn có (Năng lực bản hữu) của
tâm linh. Ðiển hình chính là cái gì đã can thiệp hữu hiệu
đối với những vận động tâm sinh lý của chúng ta trong
giờ thiền định như là một sức mạnh nội tại. Sự can
dự đó đôi lúc chính chúng ta cũng khó mà cảm nhận được.
Nó vô hình nhưng hữu hiệu như phần không khí nằm trong một
khí cầu. Những khi cảm thấy cuộc tu của mình có vẻ căng
thẳng bất ổn, chúng ta thường có khuynh hướng đi tìm một
lối thoát nào đó để tự giải tỏa, thay vì trực diện
hóa giải và tự đồng hóa cái ma chướng đó bằng những
giá trị thiện tâm tương ứng. Ở những khóa thiền, điều
đó càng rõ ràng hơn. Các hành giả thường tự tìm lấy những
giây phút thư giãn mà thực ra là họ đã làm thất thoát ít
nhiều năng lực thiền định với những tiêu khiển phù phiếm:
Uống trà, đọc tiểu thuyết, viết hồi ký lãng mạn, vớ
vẫn, thơ mộng... mà không hề biết rằng mình đang vô tình
tự tạo những chướng ngại nghiêm trọng cho công phu thiền
định.
Bằng
vào sức mạnh của sự tự chế, chúng ta có thể có được
một bài học rằng: Thay vì phải tiêu hao biết bao là năng
lực tâm sinh lý có phương hại làm thất thoát năng lực thiền
định của chính mình, thì những chướng ngại tinh thần đó
lại có thể là những động cơ hữu hiệu để chúng ta tri
nhận về thực tại và khả năng trí tuệ ý thức kịp thời
mọi sự cũng như là sự tự chế nội tâm, cùng công phu bảo
trì sức mạnh nội tại trong từng giây phút. Mà với chừng
đó bản lãnh cũng đã quá đủ cho chúng ta một sức mạnh
tâm linh để thấu suốt và khai mở những cảnh giới nội
tâm sâu sắc nhất.
Một
giá trị khác của sự tự chế là giúp ta một khả năng hoán
chuyển sâu sắc sức tri nhận của mình về thực tại. Sự
tự chế không chỉ có hiệu quả đối với mỗi sinh hoạt
lơn nhỏ trong đời sống thường nhật cũng như giá trị bảo
trì và xây dựng nội lực tâm linh trong từng giây khắc mà
đồng thời nó có thể giúp chúng ta một cái nhìn rạch ròi
về định lý vô thường, rỗng tuếch của vạn pháp. Bởi
vì khi nào chúng ta còn tiếp tục đi tìm những ảo tượng
trong cảm giác, còn phô trương một cách lố bịch cái khả
năng của bản thân, những mê lụy trong thế giới của thành
kiến và cảm xúc thì chúng ta vẫn mãi hoài chết đắm trong
những thành kiến đối đãi và bị trói chặt trong ngục tù
ngã chấp.
Thiếu
thốn khả năng đào dưỡng nội tâm, chúng ta sẽ thấy rằng
trong từng phút mình bị mất mát và lầm lạc, ngộ nhận.
Vậy thì chúng ta phải làm sao đối với nội tâm của chính
mình khi nó vẫn thường trực tồn tại? Vấn đề rất đơn
giản, hãy xem nó là nó và đừng gắn liền nó với một ý
niệm sở hữu nào cả. Chúng ta đã trót tạo dựng biết bao
nhiêu là ảo ảnh về đời sống chính mình và gán ghép cho
nó những ảo tượng, ảo giác một cách nguy hiểm và bây
giờ, là một hành giả, ta chỉ việc thả trôi chúng bằng
chính cái thực tại của mình, cho chúng bay đi trong cơn vô
thường, ác nghiệt của thâm tâm. Người hành giả chối bỏ
những xúc cảm ảo giác nhưng diều đó không có nghĩa là
thiếu cảnh giác đối với chúng. Bởi chúng ta cần phải
hiểu rằng ấn tượng về chúng càng mãnh liệt bao nhiêu thì
chúng ta càng mất nhiều cơ hội thẩm thấu thực tại.
Bằng
vào sức mạnh của sự tự chế, chúng ta có thể bắt đầu
cuộc giải trừ các thành kiến và những ảo vọng về thực
tại. Pháp môn thiền quán chỉ đơn giản là cách nhìn ngắm
vạn sự theo đúng bản chất của chúng. Hoặc nói theo lời
một thiền sư người Thái thì pháp môn thiền quán dạy ta
thấy cái gì ra cái nấy. Chính tuệ quán này đem lại đem
lại cho ta khả năng tự kháng trước mọi ham muốn cũng như
những ảo tượng về một cái Tôi. Sự tự chế mở ra cho
chúng ta một thái độ tâm linh tự do cần thiết cho sự thấu
suốt về bản chất rỗng không và vô thường của thế giới
hiện tượng. Như chính Ðức Phật cũng thường dạy chúng
ta hãy nhìn ngắm thế giới này như một bọt nước, một
ánh sao băng, một làn chớp, một ảo ảnh, một giấc mơ...
Một
trí tuệ thấu suốt như vậy sẽ cho ta một nếp sống vô
trước, một thái độ sanh tử mà Ðức Phật vẫn gọi là
thành quả tối hậu của cuộc tu hành. Trong khi đó, chúng
ta vẫn từng ngày bị tác động bởi quá nhiều ước muốn.
Chúng ta luôn hy vọng rằng mình sẽ hạnh phúc hơn nếu tích
lũy được càng nhiều những sở hữu về tài sản, danh vọng
kể cả hạnh phúc sinh lý... Như vậy chúng ta cứ thường
trực tự vây hãm mình bằng tất cả những lao tù tâm-vật
lý. Mà căn cội của tất cả ước muốn đó thực ra chỉ
nhằm vào mục đích tìm thấy một hạnh phúc cho bản thân.
Nếu một phút giây nào đó chúng ta tạm thời để sang một
bên cách nghĩ chủ quan xuẩn động của mình thì có lẽ ai
cũng sẽ tự khắc thấy ngay rằng lối sống bôn ba bươn chải
theo thị dục của mình thực ra chỉ là những ham muốn thấp
kém mà hệ quả tất nhiên của nó vẫn thường xuyên là những
thất vọng.
Một
vấn đề cần được nói thêm ở đây là chúng ta không chỉ
thơ ngây nắm bắt lý tưởng này rồi sống không lý tưởng.
Ðiều ở đây muốn nhắn gửi cho chúng ta là ai cũng phải
có một ước vọng sống, một hướng hoạt động nhưng với
một tinh thần tự do thật sự. Trong cả cuộc đời mình,
chúng ta đã ít nhiều cơ hội thưởng thức và hưởng thụ
biết bao thứ ngọt ngào, từ những điều kiện khoái lạc
vật chất cụ thể như năm món trần cảnh cho đến những
khoái lạc tế nhị thuộc về tinh thần... nhiều và nhiều
lắm nhưng có thể nói rằng chúng ta chưa bao giờ thoả mãn
trọn vẹn tất cả những gì mình ham muốn. Bản chất của
đời sống chúng ta thực ra chỉ là một chuỗi dài của những
biến động lớn nhỏ: Chúng ta ước ao, được đáp ứng,
nếm trải được một ít hạnh phúc để rồi khi mọi thứ
đã tàn cuộc, tất cả niềm vui lại qua đi, chúng ta tiếp
tục quay về với những tầm cầu triền miên, rồi cuối cùng
lại một mình đối diện với tất cả đổ nát hoang tàn.
Chúng ta mãi mãi đi tìm một cái gì hoàn thiện bất hoại
nhưng tiếc rằng đó là điều bất khả, để rồi qua bao
đoạn đời chúng ta vẫn chưa thật sự làm được một điều
gì đó cho mình.
Nhưng
lòng ham muốn của chúng ta là gì mới được chứ? Ðó là
sự khao khát những cảm giác khoái lạc. Có được chúng,
ở đây là lục trần khả ái, chúng ta dĩ nhiên sẽ cảm thấy
hạnh phúc. Chỉ hiềm một nỗi là mọi niềm vui luôn ngắn
hạn, phù du. Trong khi đó chúng ta lại cứ mãi quẩn quanh đi
tìm cái gì hằng cửu trong thế giới hiện tượng khói sương
mà bản chất của nó vẫn luôn là sương khói.
Ở
đây chúng ta có một giai thoại nhỏ về nhân vật Mullah Nasruddin
của văn học Hồi giáo có thể tạm thời minh họa cho vấn
đề này: Một đêm kia, mấy người bạn của Nasruddin đến
thăm ông ta và trông thấy ông ta đang loay quay mò mẫm như
để tìm kiếm một thứ gì đó dưới cột đèn đường. Họ
hỏi ông muốn tìm cái gì, ông nói đã đánh mất chìa khóa
cửa nhà. Cả đám bạn cùng ngồi xuống lề đường để
tìm giúp ông nhưng họ chẳng thấy chiếc chìa khóa đâu cả.
Sau cùng một người trong nhóm đã hỏi Nasruddin xem ông có
thể nhớ đại khái là đã đánh mất nó ở đâu. Ông ta điềm
nhiên trả lời rằng: "Mình đã bỏ quên chìa khóa trong nhà".
Ðám bạn bè ngạc nhiên hỏi ông biết vậy sao đi tìm ở
một chỗ vớ vẫn như vậy, Nasruddin mĩm cười như không:
"- Bởi vì ở đây có đèn sáng."
Chúng
ta cũng có thái độ tầm cầu hạnh phúc gần giống như vậy,
là luôn có khuynh hướng đi tìm hạnh phúc trong những điều
kiện mà mình có đặt hy vọng. Ðiều kiện càng có vẻ hứa
hẹn thì càng lôi cuốn chúng ta. Mà một nguồn hạnh phúc
và an bình thật sự thì chỉ có được từ một sự tri túc,
dung dị. Vì thực ra cái hạnh phúc thật sự cần thiết cho
chúng ta đâu có chi là nhiều. Một sinh phong giản dị với
một tâm thái hồn nhiên là đã đủ mang lại ánh sáng và
cảnh giới cao rộng cho đời sống của chúng ta rồi. Một
khi những xung động tham dục đã được lắng xuống, nội
tâm không còn bị điều hành bởi các ham muốn phù phiếm,
thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được một sự an bình tuyệt
vời.
Chúng
ta đừng bao giờ hiểu lầm rằng thái độ sống như trên
là sự lãnh đạm xoay lưng với thế giới quanh mình (bởi
thường thì đã có không ít những cá nhân hiểu và sống
như vậy), mà ngược lại ta cần thấy rằng thái độ nội
tâm đó, nếu được khéo vận dụng, sẽ làm hoán chuyển
cuộc sống của chúng ta với phong cách hoạt động tích cực
và trọn vẹn.
Tinh
thần thoát sái và bao dung đó là một biểu hiện sống động
cho trình độ trí tuệ của mỗi người. Nó xây dựng cho chúng
ta một trái tim hào sảng và khoáng đạt trước mọi sự từ
sinh hoạt thường nhật đến cách xử lý các tình huống,
và cao nhất chính là một tâm hồn biết yêu thương, tha thứ.
Bên
cạnh cái giá trị cơ bản mang ý nghĩa làm nên một nhịp
cầu đối giao với tha nhân, thì ở đây một tấm lòng luôn
rộng mở còn giúp chúng ta cái nhìn tinh tế, thấu suốt về
chiều sâu tế vi, nhỏ nhiệm của nội tâm mình cùng những
tập tính kín khuất mà mình không mấy khi có thể nhận diện
được.
Trong
những năm tháng thực tập thiền định tại Ấn Ðộ, tôi
(tức là tác giả Joseph Goldstein) đã mất một thời gian dài
để nghĩ hoài về hai tiếng "bố thí", bởi ở những nơi
mà tôi đã từng đi qua, đặc biệt ngay tại chỗ ở của
tôi lúc đó, vẫn luôn có quá nhiều người nghèo khó đặt
thẳng vấn đề yêu cầu được bố thí, nhất là những hành
khất. Chúng ta có nghèo nàn ra sao, điều đó không quan trọng,
vấn đề nằm ở ngay trong tâm hồn mình thôi. Lần đó sau
khi mua xong mấy quả cam ở một quầy bán, tôi bước ra đường
và gặp ngay một thằng bé ăn mày. Nó xin tôi, tôi đặt vào
tay nó một trái cam. Rồi chẳng một lời cảm ơn hay ít nhất
là một nụ cười, thằng bé cứ dững dưng xoay lưng đi thẳng.
Tôi lúc đó dĩ nhiên cũng có tí khó chịu nếu không muốn
nói là phật lòng, nhưng rồi một bài học thú vị đã tự
đến trong tôi.
Thái
độ của thằng bé ăn mày đã tình cờ vén ra cho tôi một
góc kín của nội tâm, về một nhu cầu tâm lý hết sức tế
nhị: Chúng ta luôn cần tới sự đáp đền, thù tạc cho một
hy sinh lớn nhỏ nào đó của mình, kể cả những cử chỉ
được thực hiện bằng một sự cực lòng, thậm chí bất
đắc dĩ! Với một chút tư nghiệm nghiêm cẩn, chúng ta có
thể nhận diện và loại trừ những bất toàn tâm lý đó
cùng học cách đối trừ chúng bằng một tinh thần "Phong lai
sơ trúc lưu thanh, nhạn quá hàn đàm vô lưu ảnh"!
Vào
những ngày cuối đời của mình, Aldous Huxley cho biết rằng
ông đã thấu suốt được giá trị tu dưỡng tối thượng
của tình thương đối với tha nhân. Ðào luyện tinh thần
vị tha chính là sự hài hòa, bao dung với tất cả mọi người
thay vì đặt giữa đôi bên một rào cản ngăn cách và phân
biệt. Tình thương lợi tha có thể phá vỡ tất cả giới
tuyến cách ly giữa mình với người và ở một mức độ
vị tha nhất định nào đó, chúng ta sẽ tự biết lãng quên
bản ngã của mình, rồi mở rộng vòng tay đón chào tất cả.
Chính nhờ lòng vị tha rộng lớn này, chúng ta coi như cũng
đã tự cứu thoát mình ra khỏi ngục tù chật hẹp của mọi
ngã chấp, những cái tôi đã giam cầm sinh phong của chúng
ta từ bao năm tháng ngộ nhận. Và một điều hết sức quan
trọng trong công phu phát triển tình thương vị tha là chúng
ta không nên tự quy định một điều kiện, tiêu chuẩn mang
tính máy móc và quy tắc nào cho tình thương của mình. Ta thương
người ở mọi không gian, thời gian mà không hề chờ đợi
một cơ hội tối ưu, hợp lý nào đó. Bởi chỉ cần chúng
ta có sẳn một tấm lòng thì mọi nơi, mọi lúc luôn có đất
lành cho từ tâm của chúng ta đậu xuống.
Tình
thương thay lòng từ bi sẽ thành ra nguồn sống mãnh liệt
khi chúng ta cò được nếp sống hiểu biết, có ý thức trong
hoạt động cùng lối hành xử đối giao hài hòa, vô hại
với người khác. Và ta cũng có thể nói rằng năm giới cấm
căn bản người Phật tử cũng khả dĩ mang lại một hướng
sống vừa dung dị mà cũng hiệu quả trong tương giao, hòa
đồng với người khác, đồng thời cũng là những tác động
rất tích cực đối với môi trường sống quanh mình. Ngũ
giới là những giá trị đức hạnh cơ bản, cần thiết cho
sự tự chế bởi tự chúng đã có cái chức năng gạn lọc
rất ý nghĩa cho sự tự chế trước những hướng sống đầy
âu lo và ngộ nhận, mê lầm. Thậm chí, chỉ với một tâm
hồn giàu tình thương và vô hại của mình thì coi như chúng
ta đã hiến tặng cho tất cả những người dối diện một
món quà thật quý giá bởi chúng ta đã sống với một sinh
phong tuyệt vời: "Chẳng khiếp sợ một ai và cũng chẳng làm
ai khiếp sợ".
Tâm
nghiệp từ hòa luôn tạo ra một sức mạnh nội tâm đáng
kể bởi từ đó toàn bộ năng lực tâm hồn của chúng ta
không bị giới hạn bó buộc trong những ý tưởng chiếm hữu,
những tập tính dối trá cũng như những mặc cảm tâm lý
tệ hại. Ðồng thời, một sự chấp trì nghiêm túc các học
giới cũng có thể giúp ta tự tránh được những lầm lỗi
trong đời sống, kể cả một cắn rứt, ám ảnh nội tâm
nào đó. Ðiều này được nhắc tới ở đây là chính vì
một ý nghĩa dễ hiểu là mặc dù trong đời sống bươn chãi
bề bộn của mình, chúng ta không mấy khi có thể cảm nhận
được những kinh nghiệm nội tại tế vi đó nhưng ở một
trình độ tĩnh lặng đúng mức, những ấn tượng về quá
khứ sẽ tự dưng hiển hiện một cách sống độngvà rõ ràng
hơn bao giờ hết. Mà bên cạnh đó, chỉ cần có được một
ý thức sống hoàn thiện và đạo hạnh, chúng ta có thể dễ
dàng tẩy xóa, xoa dịu những ray rức thống hối về qua khứ
của mình, những mặc cảm tội lỗi vẫn dày vò, giằng xé
chúng ta từ bấy lâu nay.
Ðời
sống tu tập của chúng ta thực ra có một phần nền tảng
nằm ở tâm hồn vị tha mà tính chất của nó luôn hàm chứa
những khía cạnh tương hợp nhau: Lòng Từ là ước muốn mang
lại hạnh phúc cho tha nhân, mong ai cũng luôn được an lành
toại nguyện, tâm Bi là sự bất nhẫn, trắc ẩn trước những
đau khổ của người khác và tâm Hỷ (hay lòng tùy hỷ) là
sự chung vui chân thành với những thành đạt hạnh phúc của
tha nhân, một sự san sẻ vô tư, lấy cái hạnh phúc của người
khác làm niềm vui cho mình. Những giá trị nội tâm này sẽ
luôn là những món trang sữc tô điểm cho những ai thủ đắc,
sở hữu được chúng. Thay vì chỉ biết tự tô lục chuốt
hồng cho mình bằng những điểm trang hình thức, chúng ta hãy
tự làm đẹp mình bằng những chuỗi ngọc tình thương và
với chính cái đẹp nội tại này, chúng ta coi như đã là
một hình tượng mỹ thuật cao nhất mà trình độ nghệ thuật
của con người có thể vươn tới, đó là thứ nghệ thuật
hiện hữu mang trọn tất cả ý nghĩa cao đẹp nhất: Ðẹp
mà Lành.
Ðoạn
cuối bài viết, tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề tối hậu
mà cũng có thể là tối trọng rằng cái cốt lõi của cuộc
tu phải là chúng ta cần tự biết chuyển hóa cái thế trí
biện thông, tức những sở tri thuần lý cho trở thành một
giá trị thực chứng thể nghiệm, biến cái hiểu biết thành
ra hành động minh chứng. Bởi không thể nào bằng những tri
kiến lý tính máy móc mà chỉ trong một sớm một chiều ta
có thể dễ dàng thành Phật, thành Thánh. Ðành rằng trên
giáo lý giác ngộ, vấn đề thời gian đôi khi chẳng là cái
gì, nhưng chúng ta cũng phải ý thức rằng cuộc tu không hề
đơn giản xong cuộc ở đầu hôm sớm mai.
Do
đó điều tôi muốn nhắn gởi đến các bạn là ngay từ bây
giờ, cầm lấy chút hành trang tâm linh, hãy nhớ cầm nhẹ
tay thôi, đừng nắm xiết quá chặt, chúng ta hãy lập tức
khởi hành ngay tại đây và bây giờ. Chúng ta lên đường
vào cuộc với chính những kinh nghiệm thực sự của mình,
đừng để mắt tới những mơ mộng vớ vẫn bên đường
hay trước mặt. Và nói gì thì nói, chúng ta phải lập tức
khởi sự hành trình. Ðừng e sợ gì cả, hãy nhìn lại túi
hành lý của mình đi, chúng ta đã có qua nhiều thứ cần thiết
mặc cho chúng là những thứ chỉ có thể sử dụng ngắn hạn,
nhưng miễn sao là hữu ích thì đã quá đủ để ta dấn bước:
Ðây là những học giới có giá trị của một cẩm nang giúp
ta tự điều hành đời sống hoạt động thường nhật; đây
là một nếp sống giản đơn dung dị như cây cỏ để ta có
thể tự tồn mà không lợi dụng, gây phiền cho bất cứ ai.
Ðây là khả năng sống tự chế có thể giúp ta kiện toàn
sức mạnh tâm linh để chối từ, xoay lưng với những gì
hệ lụy có phương hại cho sự an bình của nội tâm. Với
những kiến giải chính chắn về nghiệp lý, cuộc sống và
hoạt động của chúng ta sẽ được chỉ đạo đúng mức.
Chúng ta có lòng từ bi để có thể dễ dàng yêu thương và
phụng sự tha nhân. Tất cả hành trang đó sẽ là tất cả
cuộc tu của chúng ta. Chúng nuôi lớn trong nội tâm ta một
trí tuệ sâu sắc và trưởng dưởng trong trái tim ta một tình
thương bao la vô bờ.
Ở
đây, tôi muốn nhắc lại câu nói tuyệt vời của Ngài Lạt-ma
Gyalwa Karmapa: "Dầu là một tấm lòng hào sảng bố thí không
tiếc tay hay một niềm tín thành tuyệt đối nơi Phật Pháp
cũng đều chỉ là những hạt cát trên con đường giác ngộ.
Vấn đề cấp thiết phải là một nếp sống thực nghiệm,
thể chứng chứ không phải là sự thỏa mãn quá sớm với
những hạt cát bé tí đó."
J.
G