|
.
KHI
NÀO CHIM SẮT BAY
Hành
Trình Phật Giáo Về Phương Tây
Tác Giả:
Ni Sư AYYA KHEMA - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch
từ bản tiếng Anh: When the Iron Eagle Flies - Buddhism For the West
Wisdom
Publications 1991, 2000
|
|
Chương
9
Thiền
Định
Bước
Thứ 4
Kế tiếp trong tiến trình của duyên khởi siêu việt
là các tầng thiền định. Chúng ta cần hiểu rằng thiền
nói chung chỉ là phương tiện đưa chúng ta đến đích
cuối cùng, không phải là cứu cánh. Điều nầy
càng đúng hơn đối với các tầng thiền định (jhana).
Lúc Đức Phật còn tại thế, thiền đã rất phổ
biến ở Ấn độ. Tuy nhiên điều Đức Phật đóng
góp vào đây, chính là việc Đức Phật nhận chân ra
rằng samadhi (thiền định) không chưa đủ.
Lúc đó, cũng như bây giờ, đa số vẫn tin rằng khi đã đạt
được tám tầng thiền, coi như viec tu tập đã rốt ráo, viên
mãn, và được coi như một vị đã giác ngộ. Chính bản
thân Đức Phật cũng đã tu và viên mãn các tầng thiền
định nầy, khi Ngài còn tu học với hai vị thầy của
mình trong sáu năm. Sau đó Ngài đã dấn thân, vì tự
nhận thức rằng Ngài chưa đạt được cứu cánh, chưa đến
cuối con đường đạo, nhưng không thể tìm ra được
vị thầy nào có thể giúp Ngài đạt được giác ngộ.
Người ta cho rằng tất cả chư Phật đều đã tự
mình khai ngộ, bằng những phương tiện giống nhau.
Điều quan trọng là đừng lầm tưởng rằng việc giữ cho
tâm thanh tịnh là không cần thiết vì giác ngộ mới
là cứu cánh. Đó cũng là một tà kiến phổ biến, không
dựa trên những lời dạy của Đức Phật . Từ kinh tạng
nầy qua kinh tạng khác, Đức Phật luôn nói đến việc
tu tập đi từ trạng thái ô nhiễm tiến đến Niết bàn. Các
tầng thiền định chỉ là một phần của con đường
đó. Chúng là những phương tiện cần thiết để đạt
được cứu cánh, vì nhờ chúng tâm có thể đạt được trạng
thái nhất tâm, để có đủ sức mạnh an trú ở một chỗ.
Không có sức mạnh tinh thần nầy, tâm không thể
thấu đạt những lời dạy sâu sắc, cao siêu của Đức Phật,
là nơi chân lý tối thượng, tuyệt đối có thể được tìm
thấy. Thiếu sức mạnh đó, tâm không thể vượt
qua bao chướng ngại của vọng tưởng, chỉ biết chạy đuổi
theo vọng tưởng nầy đến vọng tưởng khác. Tâm chưa
an trụ chỉ có thể phần nào đạt được tri giác trên bề
mặt, để rồi dần dần có thể trở nên chủ tâm hơn.
Có một khía cạnh khác về sự hữu hiệu của các tầng thiền
định, mà ta có thể nhận thấy ở ngay lúc bắt đầu tu chứng.
Tầng thiền thứ nhất có năm yếu tố hay đặc tính,
để đối trị với năm chướng ngại trong một quá trình
diễn biến tự nhiên. Một khi đã đến được tầng
thiền định nầy, chúng ta đã được trang bị với một hệ
thống thanh tịnh hóa, và dĩ nhiên nó cũng hỗ trợ ta ngay
trong đời sống hằng ngày. Chỉ với yếu tố nầy cũng
đủ thúc đẩy việc hành thiền của ta.
Năm chướng ngại mà Đức Phật đã nói đến là những
chướng ngại của tất cả chúng sanh. Không
có ai trong chúng ta được miễn trừ, chỉ có thể diệt chúng
từng bước, từng bước.
Thiền chi thứ nhất có thể xảy ra trong bất cứ cuộc hành
thiền nào, dù có được định hay không; trong tiếng
Pali, đó là vitakka, có nghĩa là ‘tầm’ (initial application)
hay trụ tâm vào đề mục thiền quán. Dầu có thành
công hay không, vitakka cũng phát khởi mỗi khi ta cố gắng tham
thiền. Tâm hành nầy đối trị chướng ngại thứ ba
là hôn trầm, uể oải. Khi bị hôn trầm, tâm uể oải,
không đủ tỉnh thức để trụ vào đề mục thiền
quán. Ta càng có thể chú tâm vào đề mục thiền
quán, ta càng dễ đối trị hôn trầm. Tâm không
sáng suốt, cũng khiến thân uể oải, tuy nhiên, ở đây, chúng
ta nói về tâm trong quá trình hành thiền. Tâm nói, ‘Lát
nữa tôi sẽ thực hành’, ‘Tôi sẽ thiền ngày mai’,
‘Đâu có gì quan trọng đến thế’, ‘Hôm nay tôi mệt’,
‘Tôi không muốn bị quấy rấy’, “Tôi không
biết có ích lợi gì không ’, để tìm đủ mọi lý do tránh
hành thiền . Tâm ta dễ theo thói quen, mà thói quen rất
khó bỏ. Huân tập các thói quen mới là để thúc đẩy
chúng ta, vì thế không nên quá mạnh tay hay nhẹ tay.
Phải có sự cân bằng, và chỉ có bản thân chúng ta mới
biết sự cân bằng nằm ở đâu.
Nếu tầm không dẫn đến tứ (sustained application), thì sẽ
đưa đến tâm trạo hối, lăng xăng. Đó là điều thường
xảy ra trong tiến trình thiền quán khi tâm không
thực sự an trụ, không có nơi để trụ vào. Sự
khởi dậy của tâm ban đầu phải được tiếp nối bằng
thiền chi kế được gọi trong tiếng Pali là vicara.
Hai thiền chi đầu tiên nầy luôn được nhắc chung với
nhau vì thiền định chỉ có thể đạt được nếu có
mặt của cả hai. Tứ (vicara) có nghĩa là ‘an định’,
dùng để chỉ cái tâm không còn lạc ra ngoài đề mục thiền
quán, mà trụ vào đó, duy trì định lực. Ai cũng biết
rằng sự hành thiền chỉ có kết quả khi hành giả có
thể trụ tâm vào đề mục thiền quán, nhưng không phải
ai cũng biết đến những chướng ngại phát sinh.
Thiền chi thứ hai, an định, hay tứ, có tác dụng đối
trị nghi hoặc. Khi chúng ta có thể trụ vào đề mục
thiền quán, không bị xao lãng, thì ta trở nên tự
tin hơn, vì thứ nhất, ta biết rằng tất cả đều có
thể thực hiện được; thứ hai là, chính ta cũng có khả
năng thực hiện và ba là những kết quả mà ta đạt được
giống với những gì Đức Phật đã dạy. Chưa được
như thế thì lòng hoài nghi vẫn còn xuất hiện, trở đi trở
lại một cách không lường nhất. Nghi hoặc là kẻ thù
của sự tự tin và tín tâm, do đó cũng là kẻ thù của việc
tu tập của ta; tâm có thể viện đủ mọi lý do, mọi suy
tưởng, nghi ngờ –‘Có thể có phương cách khác dễ dàng
hơn’, hay ‘Tôi phải thử cách khác’, ‘Tôi phải tìm thầy
giỏi hơn, tu viện tốt hơn’. Tâm là một nhà ảo thuật:
nó có thể lôi chú thỏ ra khỏi bất cứ chiếc nón nào.
Lòng nghi hoặc sẽ xuất hiện khi ta không thể hoàn toàn
chấp nhận hoàn cảnh hiện tại. Nghi hoặc làm trì trệ
ta vì ta sợ phải mất tự chủ hay mất mặt. Khi chúng
ta có thể tự chứng được phần nào những kết quả của
lời Phật dạy, lòng nghi hoặc có thể được đối trị,
nhưng chưa hoàn toàn bị tiêu diệt. Ít nhất là chúng
ta không còn cảm thấy hoang mang về việc tu thiền của
mình. Chúng ta đã chứng nghiệm được kết quả, và
đã nhận thức được rằng không quan trọng là ta thực
hành ở đâu, miễn là ta giữ được sự kiên trì. Điều
nầy cũng rất quan trọng, vì ta có thể suốt đời đi tìm
một vị thầy hoàn hảo, một nơi chốn, thời gian lý tưởng,
nhưng cũng sẽ không bao giờ tìm ra vì lòng nghi hoặc
luôn cản trở ta.
Tầm và tứ là hai thiền chi đầu tiên của sơ thiền, được
coi như đã mở được cánh cửa vào định (samadhi). Tất
cả các phương pháp thiền chỉ là những chiếc
chìa khoá. Không có chía khóa nào tốt hay xấu.
Nếu ta có thể cầm cái chìa khoá nào đó trong tay đủ lâu,
đủ vững vàng, dần dần ta sẽ có thể cắm nó vào ổ khoá.
Mở được khoá là mở được cửa, đưa ta vào một nơi có
thể coi là căn nhà với tám phòng. Khi đã bước được
vào ngưỡng cửa nhà, nhờ lực của hai thiền chi đầu
tiên, chúng ta có thể bước vào căn phòng đầu tiên.
Nếu tiếp tục thực hành, dần dần ta sẽ không cần
đến chìa khoá nữa, vì từ đó cánh cửa sẽ luôn mở.
Khi đã đạt được các tầng thiền định, tâm ta rộng
mở, trở nên thanh thoát, dễ uốn nắên, nhu nhuyến, dễ phát
triển. Nhưng nếu ta dừng lại, không tiếp tục thực
hành, dĩ nhiên tâm sẽ co rút trở về trạng thái cũ với
những giới hạn tầm thường, nhỏ hẹp của nó. Chúng
ta có thể so sánh điều nầy với việc tập luyện yoga.
Khi ta kiên trì kéo giãn các cơ trên thân, ta sẽ thấy có thể
cúi đụng các ngón chân dễ dàng vì các cơ, các dây chằn
đã được luyện để trở thành dễ uốn nắn. Khi ngưng
luyện tập trong thời gian khoảng sáu tháng hay hơn, ta phải
bắt đầu trở lại; vì các cơ đã co cứng trở lại như
trạng thái ban đầu.
Mở rộng tâm –khiến nó dễ uốn nắn, nhu nhuyến, cởi mở-
là rất cần thiết để có thể thâm nhập tất cả các
pháp. Khi tâm còn giới hạn, hẹp hòi, dầu ta vẫn có
thể sống và vượt qua những khó khăn, ta chỉ có thể hiểu
Pháp trong cái nhìn hạn hẹp của mình. Đó cũng là điều
tự nhiên. Con đường đạo của Đức Phật
luôn bao gồm sự học hỏi và thực tập. Ta phải biết phương
hướng, nhưng ta cũng phải thực hành để có thể đạt được
tâm rộng mở. Chỉ có sự thực hành mới có thể giúp
ta nhìn với cái nhìn nội tâm một thực tại khác hẳn với
cái thực tại mà ta vẫn hằng quen biết.
Thiền chi thứ ba sẽ phát khởi sau tứ được gọi là
piti trong tiếng Pali, hay khinh an (rapture) trong Anh ngữ.
Đó là một cảm giác vật lý rất tuyệt vời. Cảm giác
nầy thường xảy đến với các hành giả khi đang ngồi
thiền, khiến họ không biết phải phản ứng thế nào.
Sự hành thiền phát triển theo hướng đó là hoàn toàn tự
nhiên. Tâm ta luôn mong được giải thoát khỏi những
suy nghĩ lăng xăng, muốn được bình an, tự tại, đó có lẽ
là lý do để ta bắt đầu hành thiền. Thông thường
còn có lý do nào khác nữa không? Hầu như không
có gì ngoài việc mong muốn được khỏi phải lo nghĩ về
những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, nhưng lại có thể
tiếp tục xảy ra trong tương lai hay ngay hiện tại nầy, để
thay vào đó bằng tâm thư thái, an bình. Tâm không những
chỉ mong ước có thế, mà còn nhận ra rõ rằng đấy là con
đường nó phải đi theo.
Tất cả mọi tâm đều có khả năng đạt được sự
yên tĩnh, bình an hoàn toàn; vấn đề chỉ là ở chỗ ứng
dụng và quyết tâm. Nếu ta có thể thực hành và quyết
tâm kiên trì, thì không có lý do gì lại không thể
đi theo con đường đạo nầy. Đó là một sự phát
triển tự nhiên đối với tâm của mọi chúng sanh. Cảm
giác khinh an là một cảm giác vật lý, nhưng lúc đó sự chú
tâm không ở thân như ta nghĩ, mà lại ở cảm thọ.
Điều gì đã thực sự xảy ra trong lúc ta hành thiền
là như thế nầy: khi hành giả đã chú tâm vào hơi thở,
đã giữ được định, thì tính chất của hơi thở cũng thay
đổi. Nó trở nên càng lúc càng vi tế hơn, vì tâm đã
trụ được vào một điểm, đã được kiểm soát từ bên
trong. Nó không còn chạy theo ngoại cảnh, chỉ trụ
vào hơi thở. Cuối cùng hơi thở dường như biến mất,
nó trở nên nhẹ đến đỗi tâm khó thể tìm thấy nó, hay
hơn nữa không tìm ra được nó.
Vào lúc đó, tầm và tứ (vitakka và vicatra) đã kết thúc,
để tâm khinh an (piti) có thể tiếp nối. Có mười bảy
loại lạc thọ được liệt kê. Mỗi loại đều khác
nhau và có thể thay đổi theo từng buổi tọa thiền .
Có loại khiến ta có cảm giác nhẹ nhõm ở thân, như thể
là thân không còn trọng lực. Cảm giác nầy có
thể mạnh đến nỗi, nếu hành giả nào lần đầu tiên kinh
qua điều nầy, sẽ tưởng như mình bay lên khỏi tọa cụ.
Đôi khi lại là một cảm giác rung động nhẹ khắp cả thân,
thật dễ chịu, hoặc cảm thấy thân mình trở nên to lớn
hơn hoặc biến mất hoàn toàn. Bất cứ cảm giác gì,
cũng luôn rất dễ chịu, do đó có thể đối trị một cách
hữu hiệu các cấu uế.
Khi ta cảm nhận được một cảm giác dễ chịu như thế,
và có thể duy trì cảm giác đó (không phải chỉ xảy ra thoáng
chốc) cũng như có thể phục hồi lại nếu muốn, thì dĩ
nhiên nó sẽ khiến tâm hồn ta tràn đầy những thiện ý.
Làm sao ta có thể có ác ý với ai hay với điều gì khi tâm
ta đang tràn đầy hỷ lạc?
Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng về khả
năng nhập vào các tầng thiền định: đó là, dầu có gì
xảy ra trong cuộc sống hằng ngày đi nữa, hoàn toàn không
phụ thuộc vào bất cứ động cơ hay điều kiện bên ngoài
nào, tâm biết rằng nó vẫn có thể đạt được sự khinh
an, mà đức Phật đã nói đến như sau, “Đây là lạc mà
ta có thể có”. Ngài so sánh nó với các dục lạc khác,
mà Ngài cho rằng thô lậu, phụ thuộc vào nhiều điều kiện
bên ngoài. Khi lạc thọ của ta phải phụ thuộc vào sự
tiếp xúc của các căn, chúng ta trở thành nạn nhân của những
điều kiện bên ngoài. Trong khi ở đây, có thể là lần
tiên ta làm chủ hoàn cảnh của riêng mình. Chúng ta không
còn phải phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài; tất
cả những gì ta cần là điều kiện của nội định.
Dầu rằng vẫn còn ở trong giới hạn của duyên sanh, nhưng
giờ ta có thể trở nên độc lập với những gì xảy ra quanh
ta, ít nhất là ở một mức độ nào đó.
Mặc dầu vẫn còn có những phản ứng cấu uế trong ta, nhưng
ta biết rằng ta có thể trở về một nơi mà tâm coi là nhà.
Có thể so sánh điều nầy với cái nhà che thân. Nếu
thân không có mái nhà trên đầu, chiếc giừơng để ngủ,
một nơi để trú khỏi mưa, gió, bão, tuyết hay nắng, mà
phải sống, ăn ngủ ngoài đường, ta sẽ cảm thấy rất khổ
sở. Tâm không có được một ngôi nhà như thế.
Trong khi thân có thể ngồi yên ổn trong chiếc ghế êm ái
nhất, thì tâm có thể bị chi phối bởi những vấn đề dữ
dội nhất. Khi thân có một mái nhà, che chở khỏi
mọi xáo trộn của thời tiết, còn tâm thì không có gì để
che chở qua những cơn bão táp tình cảm của chính mình.
Nó không có một mái nhà để nương tựa. Ước muốn
duy nhất của nó là được ngủ yên, vì ít nhất nó có thể
chìm trong mơ, mà không phải nghĩ đến những vấn đề của
nó.
Khi ta có thể đi vào các tầng thiền định, lúc đó tâm có
một mái nhà nơi nó có thể trú ẩn, an toàn, trong thời gian
thiền định, khỏi những cơn bão tố của tình cảm.
Dĩ nhiên với thời gian, các tình cảm nầy sẽ được thanh
tịnh hóa, vì sự có mặt của khinh an (abiding) làm giảm đi
những cấu uế, như sân, lòng ganh tỵ, giận dữ, chống đối
–gọi là gì cũng được, miễn là ta biết rằng tất cả
mọi chúng sanh đều đau khổ vì những tình cảm nầy.
Đức Phật đã ví sự giận dữ với việc cầm trong tay những
miếng than hồng để ném chọi kẻ thù. Ai là người
bị đau đớn trước? Dĩ nhiên là người đã cầm than
nóng trong tay –người đang giận dữ. Mà chưa chắc gì
chúng ta đã chọi trúng đối phương, vì người kia có thể
né tránh, còn ta thì chắc chắn sẽ bị phỏng tay.
Đức Phật cũng dạy rằng người có thể kiềm giữ được
cơn giận của mình là người thật sự có tu tập, giống
như người phu xe có thể kiềm giữ những con ngựa hoang,
kéo chúng trở về với bổn phận, là một người phu xe thực
thụ.
Những tình cảm tiêu cực của chúng ta sẽ tự động được
hóa giải bởi sự an định do tầm và tứ mang lại. Các
phản ứng tiêu cực phát sinh bởi những tác động bên ngoài
không còn choáng ngợp, nhấn chìm ta như trước đây.
Dầu chúng ta vẫn còn phải đối mặt với chúng khi chúng
phát khởi trong cuộc sống thường ngày, nhưng giờ thì chúng
không còn là một vấn đề quan trọng nữa.
Một lợi ích khác nữa tích tụ từ định là lòng bi.
Một cách tự nhiên ta cũng muốn giúp người khác đạt được
những trạng thái khinh an, khiến cho cuộc sống nội tâm của
họ trở nên bình lặng, hoà hợp. Tất cả chúng ta đều
biết dọn dẹp, làm sạch nhà cửa của mình vì ta không muốn
sống một cách bừa bãi, nhưng ta cũng cần phải dọn dẹp,
làm sạch ‘căn nhà nội tâm’. Một nội tâm chứa đựng
nhiều mâu thuẫn, nhiều phản ứng tiêu cực, thật khó sống
với, cũng giống như ta khó sống trong một ngôi nhà mà mọi
thứ đều đảo lộn. Khi ta có thể hoá giải các vấn
đề, thì cuộc sống rõ ràng trở nên dễ chịu hơn.
Điều đó không có nghĩa là ta không còn khổ đau (dukkha) nữa.
Khi nào còn có ‘cái tôi’, thì còn có đau khổ, nhưng một
nội tâm an bình dễ thiền định hơn nhiều.
Một cảm giác dễ chịu thường dẫn đến lạc (sukkha) để
đối trị chướng ngại thứ tư là trạo cữ, âu lo.
Nếu ngay giây phút nầy, ta đang cảm thấy thật hạnh phúc,
thì cùng lúc ta không thể cảm thấy âu lo; cũng như không
thể nghĩ đến tương lai với những vấn đề của nó.
Một kết quả rất quan trọng của thiền quả nầy là ta không
còn đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài, mà nhận thức được
rằng hạnh phúc chỉ tùy thuộc vào những cố gắng của riêng
ta. Những lo lắng về tương lai của ta đều là vô ích,
vì con người đang lo lắng nầy sẽ thay đổi, không phải
là con người sẽ đối mặt với tương lai sau nầy. Chỉ
cần quán chút ít về vô thường, ta cũng sẽ thấy rõ điều
ấy. Sự liên tục có thể che dấu tính chất vô thường
của vạn pháp, nhưng chắc chắn không thể thay đổi sự thật
nầy; dầu chúng ta luôn tưởng lầm mình là một thực thể
cố định. Trạo cữ bị đoạn diệt, vì khi đã tìm
được thứ mình cần, gọi là hạnh phúc, thì còn gì khiến
ta có thể lăng xăng, vất vả.
Ta có thể tìm được ở đâu điều tốt hơn thế? Một
khi hạnh phúc vẫn còn xa tầm với, thì ta còn không yên dầu
ở bất cứ nơi nào, vì ta chưa thực sự được thỏa mãn.
Nhưng khi ta đã có được hạnh phúc nội tâm, thì việc ta
có mặt ở nơi nào không còn quan trọng nữa. Sự an bình
do cảm giác vật lý dễ chịu ban đầu mang đến, đã phá
bỏ được sự lo lắng, lăng xăng trong lúc tọa thiền.
Nhưng không có nghĩa là các chướng ngại đã được diệt
trừ tận gốc, chúng chỉ tạm vắng mặt khi ta đang thiền
định.
Chúng ta có thể nhìn vấn đề đó như thế nầy: nếu ta có
một khu vườn đầy cỏ dại, và ta để chúng mọc luông tuồng,
thì chúng sẽ ăn hết những chất dinh dưỡng trong đất, lấn
át, tước đoạt cả ánh sáng mặt trời, nước tưới
của các thứ bông hoa, rau cải khác. Nếu rễ các loại
cỏ dại đó đã ăn sâu xuống lòng đất, như nhiều loại
cỏ ta đã biết, thì khó mà bứng sạch gốc rễ chúng, chỉ
còn cách là cắt chúng. Sau khi bị cắt xuống, chúng trở
nên yếu đi, không còn hủy hoại chất dinh dưỡng trong đất,
lấn lướt các loại cây hữu ích khác. Đó cũng là điều
sẽ xảy ra trong thiền định. Chúng ta không thể bứng
tận gốc rễ của các chướng ngại, nhưng ta có thể cắt
chúng ngắn xuống. Khi ta tiếp tục cắt chúng lần nầy
tới lần khác, chúng sẽ trở nên yếu đi, nhỏ lại cho đến
khi việc bứng gốc rễ chúng không còn là một việc khó nữa.
Dĩ nhiên, muốn được như thế, ta phải thực tập hằng ngày,
vì –như tất cả mọi người làm vườn đều biết –cỏ
dại thường dễ mọc hơn bông hoa, rau cải; sự cảnh giác
thường xuyên là điều không thể thiếu ở mọi khu vườn,
dầu đó là khu vườn thực sự hay khu vườn tâm của ta.
Thiền chi thứ năm phát khởi trong sơ thiền là nhất tâm.
Khi đã có nhất tâm thì ta có thể duy trì được định.
Nhất tâm đối trị lòng ham muốn dục lạc của ta. Rất
may là tâm ta không thể làm được hai việc cùng một lúc.
Khi ta trở nên nhiếp tâm, hoàn toàn tự tại trong khinh an,
thì ta không còn ham muốn gì khác. Ở những lúc ấy,
ngay những đau đớn ở thân cũng không quan trọng. Vì
đó không phải là đối tượng chú tâm, hành giả không có
ước muốn thân được dễ chịu hơn. Ta không tìm kiếm
những cảm giác dễ chịu khác do các căn mang đến, vì ta
đang trải qua một sự an lạc chưa từng biết đến trước
đây.
Bốn tầng thiền đầu tiên, trong đó có sơ thiền mà tôi
vừa diễn tả, được gọi là thiền sắc giới (rupajhanas).
Rupa có nghĩa là thân, sắc pháp. Trong Anh ngữ, ta gọi
là ‘fine-material absorptions’ (định vi tế), vì tất cả mọi
hiện tượng phát sinh đều quen thuộc đối với chúng ta,
nhưng vi tế hơn nhiều. Dầu số lượng hay chất
lượng không quan trọng, nhưng đó cũng là một phần kinh nghiệm
của ta.
Tất cả chúng ta đều biết đến những cảm giác dễ chịu
nơi thân. Những cảm giác phát sinh trong thiền định
dầu ở bực cao hơn, nhưng chúng cũng vừa quen thuộc vừa
xa lạ. Khi những cảm xúc nầy xuất hiện lần đầu
tiên, nhiều người phải bật khóc vì vui mừng. Tuy nhiên,
tâm cũng có thể nói: “Ồ, cái gì đây?”, do đó làm gián
đoạn định, khiến họ lại phải bắt đầu trở lại.
Khi hơi thở ta trở nên vi tế đến độ dường như không
thể tìm ra, thì cảm giác dễ chịu nơi thân tiếp diễn, và
tâm liền trụ vào nơi đó. Khi cảm giác nầy biến họai,
vì không duy trì được định hay khi ta xả thiền, có hai việc
ta cần phải nhớ, trước khi mở mắt ra. Chúng ta vừa
chứng nghiệm sự vô thường dầu là của những cảm xúc
dễ chịu nhất. Chắc chắn là ta không hề phản đối
khi chứng nghiệm sự vô thường của những cảm giác khó
chịu, nhưng ngược lại thì ta tiếc nuối sự qua đi của
các cảm giác dễ chịu. Dầu rằng cả hai đều là vô
thường. Khi tiến bộ hơn, ta sẽ thấy rằng việc nhận
thức và quán sát được sự biến hoại của các cảm giác
dễ chịu nầy, là một yếu tố rất quan trọng.
Quán sát được sự biến hoại của một kinh nghiệm thiền
định là một bước tiến gần hơn đến trí tuệ. Đầu
tiên là ta nhận thức được sự phát sinh và sự vắng bặt;
giờ trong lúc hành thiền, ta còn có thể quán sát sự biến
hoại. Ngay lúc đó, sự biến hoại không khiến ta khó
chịu, hay đau khổ, vì tâm ta vẫn còn đầy sự dễ chịu
do thiền định mang đến cho nội tâm. Tuy nhiên, lúc đầu,
phản ứng tự nhiên sẽ là: “Thật tiếc! Ước gì tôi
tìm lại được cảm giác ấy”. Khi tâm phản ứng như
thế, ta phải biết rằng đó là dấu hiệu của tham luyến.
Ta cần phải quán sát sự biến hoại của cảm giác dễ chịu
nầy với nhận thức rằng một định luật tự nhiên đang
diễn ra trước cái nhìn nội tâm của ta.
Điều quan trọng thứ hai cần để ý đến là sự ghi nhận,
tóm tắt. Ta cần tóm tắt lại các giai đoạn ta đã trải
qua trong suốt thời thiền đó, để dần dần ta có thể lúc
nào cũng thực hành theo phương pháp thiền định đặc biệt
ấy. Mỗi người sẽ tìm ra những tác động đặc biệt
cho riêng họ, dầu rằng các tiến trình thiền định thì không
khác đối với tâm của tất cả chúng sanh. Hành
giả cần xét xem có hành động hay ý nghĩ nào khác trong buổi
thiền tọa nầy, ngay cả khi trước khi bước vào thiền đường.
Xem có phải tư thế tọa thiền có khác, hay phương pháp hành
thiền khác. Dần dà, hành giả sẽ tìm được những
tác động cần thiết để lúc nào cũng có thể bước vào
‘căn phòng thứ nhất’ của ngôi nhà thiền một cách dễ
dàng, chỉ bằng cách ngồi xuống trong tư thế tọa thiền.
Tâm thường huân tập thói quen; nếu nó đã thường làm điều
gì đó đủ lâu, thì nó sẽ tiếp tục làm như thế, trừ
khi ta cố tình chuyển đổi tâm tính.
Lúc ban đầu, ta cần một phương pháp thiền căn bản,
những phương pháp mà sẽ là chìa khoá mở cửa, rồi từ
đó lựa chọn cái nào đặc biệt hiệu nghiệm đối với
ta. Đó có thể là một điều kiện vật lý hay tâm
linh, liên hệ đến tư thế ngồi thiền hay các nghĩ suy.
Ta cần có lòng tin vào bản thân, vào giáo lý cũng như vị
thầy của mình. Thiền sinh nào chú ý lắng nghe và thực
hành theo các lời hướng dẫn thường gặt được kết quả
mỹ mãn. Sự so sánh và tâm nghĩ ngợi lăng xăng
không lợi ích gì. Cái ta cần là tâm tin cậy, giống
như những đứa trẻ con rất háo hức học hỏi.
Để có thể tọa thiền tốt, tâm thân ta phải thỏa mái,
dễ chịu. Một trong những điều kiện tiên quyết để
tâm được thỏa mái là hỷ lạc. Khi ta ngồi xuống chiếu
thiền, ta phải thực sự muốn được trở nên yên tĩnh, lắng
đọng, không căng thẳng thân tâm. Sự gồng cứng thân
thể cũng ảnh hưởng đến sự cởi mở của tâm.
Dầu định không thể kéo dài được lâu, ta phải tận dụng
tất cả những gì đã phát khởi để đạt được tri kiến,
vì tri kiến càng thâm sâu thì ta càng được nhiều an tịnh.
Khả năng đạt được nhất tâm vượt xa mọi khả năng tâm
linh khác. Ta có thể chế tạo được hỏa tiễn để
lên cung trăng như ý muốn, nhưng vẫn rất đau khổ. Khả
năng trụ tâm, đến độ nhất tâm, đem lại sự tự tại
ở nội tâm mà không bị chi phối bởi những yếu tố bên
ngoài. Trong thiền định, tự tại phát sinh do hạnh phúc
ở nội tâm; một người thiếu hạnh phúc, không thể kham
chịu bên trong, mà phải đi tìm những kích thích bên ngoài.
|