|
.
KHI
NÀO CHIM SẮT BAY
Hành
Trình Phật Giáo Về Phương Tây
Tác Giả:
Ni Sư AYYA KHEMA - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch
từ bản tiếng Anh: When the Iron Eagle Flies - Buddhism For the West
Wisdom
Publications 1991, 2000
|
|
Chương
14
Tỉnh
Ngộ
Bước Thứ 9
Trong tiến trình của lý duyên khởi siêu việt nầy, hỷ là
một bước không thể thiếu trong thiền định. Hỷ phát
khởi từ lòng biết ân và hạnh phúc khi ta nhận thức
được rằng ta thật có duyên lành được nghe chánh Pháp và
rằng các giai đoạn thiền chứng sẽ dẫn đến giác ngộ,
giải thoát. Chúng ta có thể thấy rằng các tầng thiền
định là những bước khởi đầu cho việc đạt được trí
tuệ, vì tâm đã an định, tự chủ thì tâm có khả năng ‘biết
tánh của vạn vật’. Tâm lăng xăng, nôn nóng, bạo phát,
lo lắng, phiền não không thể dừng lắng đủ để có thể
suy nghĩ thấu đáo, nhận thức một cách tự nhiên. Tâm
như thế chỉ quẩn quanh với những gì chứa trong tâm tưởng.
Nhưng một khi ta đã làm chủ tâm, ta sẽ không cho phép tâm
được có những tư tưởng bất thiện.
Trạng thái tâm giác ngộ là tiến trình tự nhiên, tự động
từ định nếu ta đi theo sự chỉ dẫn của Đức Phật.
Tuy nhiên khi tâm chưa có đủ khả năng thiền định, hay không
có ý muốn được định, thì tâm đó vẫn có thể đạt được
một mức độ nào đó của tri kiến, giác ngộ như đã trình
bày trước đây. Sự sợ hãi như thế cũng là một bước
trên con đường giác ngộ. Tâm phóng khoáng, hoàn toàn
an nhiên tự tại sẽ không trải qua trạng thái hoảng loạn
nầy, nhưng tâm chỉ mong cầu giác ngộ sẽ phải trải qua
nỗi sợ hãi cùng cực. Thường những người đã trải
qua kinh nghiệm đó, sẽ ngưng tu tập, hay có thể nghĩ có điều
gì không ổn đối với họ. Họ đã từng nghe qua bao
điều tốt đẹp về các giai đoạn thiền định khi tâm được
hoàn toàn thảnh thơi, vậy mà, không ngờ sự hoảng loạn,
sợ hãi lại phát sinh.
Quà tặng lớn nhất của Phật giáo nằm trong việc xử dụng
trí phán đoán, phân tích, giải thích từng bước từng bước.
Nếu chúng ta không biết mình đang làm gì, ta sẽ không thể
tiến xa, vì hoặc là ta quay đầu trở lại, hay trở nên bối
rối, thiếu tự tin. Sự hoảng loạn, nỗi sợ hãi cần
được coi như một bước cần thiết, vì ở thời điểm đó
tâm đã nhìn thấy được một thực tại mới, đó là sự
hoại diệt của mọi phát sinh, dầu đó là thân hay tâm.
Không có tư tưởng nào có thể được duy trì; nó sẽ biến
đi. Hơi thở của ta cũng thế, hoặc khi quán sát thấu
đáo hơn ta thấy chính ngay thân cũng thế. Thế thì tôi
ở đâu? Rồi lòng nghi hoặc phát sinh: “Tôi thực hành
để làm gì đây? Tôi cứ ngỡ sẽ đạt được hạnh
phúc, bình an; vậy mà bây giờ tôi chỉ thấy sợ hãi”.
Rồi ý tưởng thối lui len vào tâm trí, muốn trở lại sự
an ổn cũ. Nhưng một khi đã đạt được tri kiến, ta
không thể thối lui trở lại; đó không phải là cách để
thoát khỏi sự sợ hãi.
Khi đã trải qua nỗi sợ hãi, hoảng loạn, ta phải phân tích
điều gì khiến ta sợ hãi. Ta sẽ nhận thấy rằng sự
sợ hãi bắt nguồn từ sự kiện là ta không thể tìm được
ai là người đã cố gắng hết sức trên con đường đạo,
để đạt trí tuệ, giải thoát. Ta không thể tìm được
người đó vì tất cả những gì gắn chặt với ‘cái tôi’
đã bị hoại diệt, đã tan biến. Giờ ta đã có một
ý niệm rõ ràng về khía cạnh nguy hiểm của tất cả ‘các
duyên hợp’, nghĩa là tất cả những gì đã phát sinh.
Mọi thứ được hình thành, do đó hiện hữu, đều chứa
đựng mầm đe dọa của hoại diệt. Không những vạn
pháp đều hoại diệt, tan biến, mà ta lại bám víu vào tướng
của mọi thứ, của bản thân, của tha nhân, do đó ta luôn
phải đối mặt với mất mát, khổ đau.
Một ngôi nhà, thí dụ, chỉ là một duyên hợp, nên có tính
chất trở ngại, cũng như tất cả mọi hiện hữu khác.
Nó trở ngại suy nghĩ, hành động, thời gian, năng lực và
khả năng của ta. Tất cả mọi hiện hữu đều cần
được chăm sóc, lo lắng, tuy nhiên nó vẫn hư hao, hoại diệt.
Yếu tố chướng ngại hàm chứa trong mọi hình tướng duyên
hợp còn có một đặc tính rõ ràng khác nữa. Không chỉ
thân ta cần được chăm sóc lo lắng không ngừng, mà tâm ta
cũng phải duyên theo các căn trần, luôn chịu một áp lực
phải làm sao để không bị chướng ngại. Chúng ta thường
than: “Tôi cảm thấy bị đe dọa, căng thẳng, chịu áp lực”.
Dĩ nhiên các áp lực có mặt vì tất cả những gì phát sinh
do sự tiếp xúc của các căn, chúng ta luôn phải phản ứng
theo. Tất cả chúng ta đều đã nếm trải những điều
nầy năm nầy qua tháng nọ, nhưng ta vẫn luôn nghĩ rằng mình
có thể thoát ra bằng cách đi đâu đó, làm cái gì đó.
Khổ được che dấu bằng chuyển biến.
Khi chúng ta đã nhìn thấy được, bằng tri kiến, khía cạnh
hoại diệt trong vạn pháp khiến ta lo lắng, và thấy rõ hơn
nhu cầu phán đoán, đối đãi, thì sự sợ hãi sẽ giảm bớt
đi. Ta sẽ nhận thấy rằng sự sợ hãi, thật ra cũng
cần thiết, một kinh nghiệm thiết thực trên con đường tiến
đến giải thoát. Ở giai đoạn đó, ta cần một người
thầy để hướng dẫn, giúp đở, nếu không, tâm có thể
thối lui khi khám phá ra sự thật quá phủ phàng nầy.
Đó là lý do tại sao Đức Phật luôn khuyên nhủ đệ tử
của Ngài phải trải qua những giai đoạn thiền định để
giúp tâm được an định. Tâm an định dễ chấp nhận
một thực tại khác lạ.
Đã nhìn thấy mối đe dọa ngầm chứa trong mọi sắc tướng,
ta nhận thức được rằng sự hiện hữu của ta không lợi
lộc gì. Do đó, ý muốn được giải thoát phát sinh,
là điểm quan trọng nhất trong trí tuệ thiền. Điều
đó xảy ra vì ta cảm nhận sâu xa rằng hiện hữu không mang
lại gì –dầu rằng cảm giác nầy không có nghĩa là ta ghét
bỏ sự hiện hữu, là điều khiến ta thêm kiệt quệ.
Cho đến thời điểm nầy chúng ta đã nghĩ một cách vô thức
hay có ý thức rằng hiện hữu ở một cõi cao hơn hay ở cõi
chư thiên thì tốt hơn, giống như thiên đàng. Nhưng giờ
ta nhận thức được rằng tất cả mọi hiện hữu đều hoằng
nặng một thứ áp lực trên thân tâm.
Ước muốn được giải thoát kết hợp với tính cấp bách,
khẩn trương (samvega). Tính cấp bách là một khía cạnh
quan trọng trong sự quyết tâm của ta; nó khiến ta không còn
trì hỗn nữa. Đức Phật thường nhắc nhở ta rằng
cuộc đời rất bấp bênh, và cái chết thì không tránh khỏi.
Chúng ta không biết mình còn có thể tu hành được trong bao
lâu. Đó không phải vấn đề của tuổi tác; không có
gì bảo đảm điều ấy. Điều đó giúp ta có mặt trong
từng phút giây, buông bỏ những kỷ niệm trong quá khứ, những
hy vọng ở tương lai. Tính cấp bách phát khởi từ ý
muốn được giải thoát, khi chúng ta nghĩ đến mối đe dọa
của sự hiện hữu, và nhận thức được rằng không có gì
có thể đem lại sự thỏa mãn hoàn toàn và bền vững.
Chúng ta có thể có những niềm vui thoáng chốc, nhưng cho đến
giờ, ta đã nhận ra từ lâu rồi những niềm vui thoáng chốc
đó không thể thỏa mãn những gì ta tìm kiếm. Ngay lúc
đó ta đã tỉnh ngộ.
Tỉnh ngộ (nibbida) là một tổng hợp giữa cái biết về mối
đe dọa trong hiện hữu và ý muốn được giải thoát.
Chúng ta đã nhận thức được rằng những lạc thọ cũng
tạm thời như khổ thọ, ngay cả trong thiền định. Với
sự tỉnh ngộ nầy, ta đã đạt đến một điểm quan trọng
trên đường tu của mình. Đây là bước cuối cùng trên
con đường tiến đến tri kiến; bước kế tiếp là tấm ván
đưa ta đến bờ bên kia. Lúc ấy ta sẽ tự động phân
tích ba đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã để xem
chúng thực sự có đúng cho vạn pháp không. Không còn
cần thiết phải dẫn tâm đi theo hướng đó, vì tâm giờ
có thể tự quán sát không dừng. Ta chỉ muốn chắc chắn
rằng những gì ta đã nhận thức được cho đến lúc nầy
là đúng.
Tâm phản chiếu trên mọi cảnh nó tiếp xúc. Nó có thể
quán sát về bốn yếu tố căn bản, và không còn bị lầm
lẫn tin rằng thế giới nầy chứa đựng những giá trị tuyệt
đối, tối quan trọng hay trường cữu. Tâm tràn đầy
niềm nôn nóng được giải thoát, vì nó đã thật sự trải
qua và thấu triệt khổ đau. Có thầy thì cũng hữu ích,
có thể hỗ trợ ta thêm, nhưng công việc thực sự phải do
chính ta đảm trách. Đây là một khía cạnh đặc biệt
của Phật giáo, hay đúng hơn, đó là công việc ‘phải tự
mình làm’. Những gì được trao lại là bản đồ với
các dấu mốc, với những lời hướng dẫn cách thực hành,
nhưng chúng ta phải tự đi tới bằng sức lực của mình.
Sau khi quán sát ba đặc tính nầy đầy đủ, chúng ta tự nhiên
sẽ hiểu ra đó là sự diễn tả chân thật của một thực
tại tuyệt đối. Tất cả vạn pháp đều mang tính vô
thường, do đó không đem lại thoảõ mãn tuyệt đối, hoặc
bền chắc. Nhận biết được các đặc tính nầy nơi
bản thân là điều quan trọng, nhưng quán sát tất cả mọi
vật quanh ta như thế cũng mang đến nhiều lợi ích.
Sự quán sát của ta tùy thuộc vào một trong ba đặc tính
mà ta thấy thích hợp nhất. Tất cả ba đặc tính nầy dĩ
nhiên là tương quan nhau và cùng dẫn đến một mục đích.
Người có nhiều lòng tin, tín tâm thường quán sát về vô
thường (anicca). Điều đó có thể thấy rõ ràng trong
các kinh, tâm tự tin thường nghiêng về hướng đó. Trái
lại người chú tâm sâu lắng thường quán sát về khổ (dukkha),
và người hay phân tích chọn vô ngã (anatta).
Khi quán sát về đặc tính cuối cùng, chính năm uẩn của
ta (khandhas) trở thành đề mục, nơi ta cần công phu trong các
thời thiền, cũng như trong đời sống hằng ngày. Chúng
ta quán sát sự sinh diệt của các uẩn để xem ta có thể
tìm ra được cái thể, cái tướng bền chắc nơi thân (sắc),
hoặc nơi một trong bốn khiá cạnh của tâm (thọ, tưởng,
hành và thức). Khi đã tỉnh ngộ, quá trình quán sát
trở nên là niềm hứng thú tràn đầy. Tâm đã biết
rằng mọi thứ đều hoại diệt, nhưng nhận thức đó mang
đến bao khổ đau. Giờ trong trạng thái an tịnh của
sự thức tỉnh, tâm muốn làm mới lại sự hiểu biết nầy.
Chỉ khi ta lập lại sự nhận thức nội tâm nhiều lần, nó
mới trở thành một phần bản thể của ta. Khi ta hết
lần nầy đến lần khác đều đi đến một kết luận –đó
là không có gì, không có ai làm chủ bất cứ uẩn nào, không
có bản thể, tất cả đều rỗng không- ta sẽ tạo dựng
thực tại đó nơi nội tâm mình. Rồi từ đó ta có thể
liên hệ đến ý niệm nầy bất cứ khi nào ta muốn.
Tâm biết nó được hướng tới nơi nào. Khi tâm hướng
đến nấu ăn, nó sẽ biết về nấu ăn, khi làm vườn, nó
chỉ biết làm vườn. Khi tâm quay vào quán sát bản thể
chân thật của nó, và đã có chút trí tuệ, nó liền biết
rằng không có bản thể nào để tìm kiếm.
Trong sinh hoạt hằng ngày, đặc tính chủ yếu của tâm là
chánh niệm, hay chỉ là chú ý. Trên con đường giải
thoát giác ngộ, tâm phải có cái biết bằng trực giác về
mọi cảnh trần. Tâm ta cần rất nhiều sự thuyết phục.
Để đạt được giải thoát, giác ngộ là một quá trình
dài lâu, khó nhọc, đôi khi nhàm chán, và nhiều khi hình như
không tiến tới đâu. Lúc khác thì trí tuệ thậm sâu
lại tiếp nối nhau trong khoảnh khắc, khiến ta lại muốn
lùi lại, và nói: “Từ từ, tôi chưa sẵn sàng đón nhận
tất cả!”. Nhưng ta không thể cưỡng lại, vì sự tu
tập tiến theo nhịp độ riêng của nó.
Quán sát, suy tư có thể thực hiện bất cứ lúc nào –trong
lúc tọa thiền, khi ngắm biển, hay cả khi đang bách bộ.
Bất cứ khi nào tâm muốn quay trở về bản thể như như,
tâm sẽ phản chiếu trên đó. Tôi mong rằng tâm bạn
có thể mở rộng đón nhận những lời thuyết giảng nầy.
THAM VẤN
Thiền
Sinh (TS): Thưa Ni Sư, theo Phật giáo, điều gì quan
trọng trong việc trở thành người tu sĩ?
Ayya
Khema (AK): Một cá tính hữu dụng trong thương trường,
thì không ích lợi gì ở tu viện. Cá tính nơi thương
trường cần phải chính xác, khôn ngoan, nhanh nhạy, thành đạt.
Loại cá tính đó sẽ gây trở ngại trong tương quan giữa
người với người. Trong tu viện, khiêm cung là tối quan
trọng. Đó là một trong những đặc tính chính yếu ta
cần có để sống hòa hợp với nhau. Những người tụ
hợp lại đây trong tu viện đều khác nhau, không có điểm
chung nào ngoài ước muốn tìm được con đường thoát khỏi
khổ. Phần đông còn không chắc cái khổ của mình là
gì. Khổ chỉ ở trong tâm ta, là chân lý mà ta chỉ khám
phá ra được sau nầy. Chúng ta luôn có thể học hỏi
lẫn nhau, không cần phải cố gắng tỏ ra khôn ngoan hơn người
khác.
Tất cả chúng sanh đều có khổ, nên dễ trải tình thương,
lòng bi mẫn đến người khác là một khía cạnh quan trọng
trong cuộc sống hoà hợp nầy.
Trong tu viện sẽ có ít cám dỗ hơn trong đời sống tại gia,
do đó ta có thể quán sát những đau khổ của mình rõ
hơn. Khi đã có tình thương, bi mẫn trong tim, thì dầu
cho đông giá, hay sự tu hành có tẻ nhạt ta cũng có thể chịu
đựng được.
Việc chung sống có thể thực hiện được nếu ta biết giúp
đỡû người khác. Tất cả chúng ta đều cần sự hỗ
trợ của nhau. Đại đức Ananda đã vừa là bạn, vừa
là thị giả của Đức Phật. Đó là sự hỗ trợ cho
Đức Phật. Không cần phải là sự hỗ trợ tâm lý nhưng
chắc chắn là một sự hỗ trợ vật lý. Những người
chung sống với nhau cần hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó bao
gồm cả việc thành thật nói về những khó khăn của mình,
có thế mọi người mới có thể chung sống như một gia đình
êm ấm. Sự hỗ trợ tình cảm lẫn nhau trong một gia
đình cũng cần hiện diện ở trong tu viện.
Sự kính trọng, lễ phép là những bước đầu tiến đến
tình thương, lòng bi mẫn. Những hành động nầy quan
trọng vì qua đó ta mới có cách cư xửû, thái độ hoà
nhã, dễ chấp nhận, khi phải giao tiếp với tha nhân.
Đừng cố tỏ ra là ai đó, nhưng phải tập không là ai cả,
đó là kết quả tối hậu của sự tinh tấn tu hành.
|