|
.
KHI
NÀO CHIM SẮT BAY
Hành
Trình Phật Giáo Về Phương Tây
Tác Giả:
Ni Sư AYYA KHEMA - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch
từ bản tiếng Anh: When the Iron Eagle Flies - Buddhism For the West
Wisdom
Publications 1991, 2000
|
|
Chương
12
Các
Tầng Thiền Định Vô Sắc
Thông thường khi ta chứng nghiệm, bên trong ta cũng có một
quan sát viên –người biết được việc đó. Quan sát
viên đó vẫn còn là một phần của tư duy về ngã. Để
tiến đến các trạng thái thiền định cao hơn, ta cần phải
chứng nghiệm được tầng thiền vi tế thứ tư. Tâm
có thể phát triển từ đó đến một tầng thức gọi là
‘cơ sở của không gian vô định’ (the base of infinite space-Không
Vô Biên Xứ). Lúc bắt đầu ta có cảm giác thân phát
triển đến độ nó tự biến vào không gian vô tận.
Sự khai triển đó có thể dần dần hay đột ngột, nhưng
kết quả thì như nhau. Đó là sự nhận thức về một
cảm giác của không gian vô tận trong đó không có thân của
một cá nhân nào hay thân của ai khác được cảm nhận rõ
ràng.
Sự tương quan giữa tầng thiền vô sắc thứ nhất với sơ
thiền là về những chứng nghiệm phát khởi từ thân.
Một điển hình là các dục lạc. Chỉ có hai thứ hiện
hữu trên thế giới nầy khiến ta phải quan tâm: đó là thân
và tâm, vì thế trong thiền định cũng lại là vấn đề của
yếu tố nầy hay yếu tố kia. Dầu rằng các chứng nghiệm
nầy phát khởi từ thân (sắc), chúng xảy ra trong một cách
thức hoàn toàn khác với những gì ta thường biết đến.
Chúng ta quen giữ gìn thân, lo cho nó khi đau, lo chiều theo những
đòi hỏi, nhu cầu của nó. Khi vào sâu trong thiền định,
ta đối mặt với sự đánh mất cảm nhận về thân của một
cá nhân riêng biệt.
Tri kiến phát khởi từ cảm giác rằng sự vô cùng, vô tận
là một đại dương ban sơ, từø đó nổi lên vô số những
bong bóng nhỏ. Để rồi sau đó những bong bóng nầy lại
biến mất trong đại dương. Khi đang nổi trên mặt biển,
các bong bóng cảm nhận về mình như những cá thể. Chúng
hoàn toàn quên rằng chúng trồi lên từ đại dương vô tận,
và rồi sẽ chìm trở về trong lòng đại dương; trong sự
xuất hiện ngắn ngủi nầy, chúng tin bản thân mình đẹp
đẽû, thông minh, ngu dốt, tốt hơn hay dở hơn những bong
bóng khác. Một bong bóng nói với một bong bóng khác,
“Hãy nhìn, tôi to lớn làm sao”. Và bong bóng kia có
thể trả lời, “Hãy nhìn, tôi đẹp làm sao”. Sự thực
là cả hai chỉ là những bong bóng vừa nổi lên từ đại
dương bao la để rồi nhanh chóng trở lại đó, như mọi bong
bóng khác.
Trong không gian vô tận nầy, không có gì ngoài không gian.
Từ đó ta nhận ra rằng lòng tin vào cái thân cá biệt nầy,
vào thân các cá nhân khác (loài người hay bất cứ gì), vào
cây cỏ, hoa lá, hay đất đá, không hơn gì là ảo tưởng.
Lòng tin vào mỗi bong bóng là một cá thể riêng biệt bị
lung lay. Đã chứng nghiệm được có một không gian trong
đó không thể tìm thấy gì, nhất là không có ‘cái tôi’,
chúng ta tự động nhận thức được rằng có một tổng thể
hiện hữu, không thể tách biệt. Từ tổng thể đó,
các hành phát sinh rồi lại biến mất.
Tầng thiền vô sắc kế tiếp được gọi là ‘thức vô tận’
(infinity of consciousness –Thức vô biên xứ). Ở đây ta
cũng thấy sự tương quan với nhị thiền trong cõi giới thanh
tịnh, trong đó yếu tố vật lý của cảm thọ đã được
chuyển hóa thành những niềm an lạc, hạnh phúc nội tâm.
Ở đây, chúng ta đi từ khía cạnh vật lý của sự phát triển
hoàn toàn đến khía cạnh tâm lý của thức vô cùng tận,
vô biên, trong đó không còn sự hiện hữu của một thức
riêng biệt nào. Cả hai yếu tố vật lý và tâm lý xảy
ra cùng một lúc, giống như trong sơ và nhị thiền, niềm hỷ
lạc cùng phát khởi với những cảm thọ dễ chịu, vì không
thể không có an lạc khi ta có các cảm giác dễ chịu.
Cũng thế, không thể cảm nhận được không gian vô tận mà
không có thức vô biên. Cả hai phải phát khởi cùng một
lúc. Để có thể bước vào tầng kế tiếp, hành giả
phải quay lưng lại với cái nầy và hướng chú tâm vào cái
khác mà thôi.
Hành động nầy tự nó là một yếu tố thực hành quan trọng
để dẫn đến giác ngộ, giải thoát: quay lưng lại với những
việc của thế gian để hướng đến sự giải thoát hoàn
toàn, vô điều kiện. Cả hai đều có mặt trong tiềm
thức của ta. Khi tọa thiền là lúc chúng ta tu tập thực
hành điều đó –quay lưng với những phiền não, cấu uế,
để hướng đến những gì thanh tịnh, thánh thiện –ta thực
hành chuyển đổi sự chú tâm của mình. Chúng ta không
cần phải tiếp tục quan tâm đến những gì chỉ mang
lại những kết quả vật chất.
Thức vô biên khiến ta nhận thức được rằng không có một
tâm thức cá biệt nào hiện hữu. Không có một ai với
tâm và thân riêng biệt; chỉ có các bong bóng nổi lên do ‘lòng
muốn hiện hữu’, rồi lại biến mất.
Sự phát triển của tâm thức đôi khi như bắt đầu từ chính
những hạn chế của tâm, rồi dần dần vượt qua các giới
hạn. Thức vô biên là một chứng nghiệm khi ta không
còn bị chi phối bởi ý niệm về ngã, do đó chúng ta không
phải là gì, không phải hoàn thành điều gì, không phải biết,
không phải hành động, không phải trở thành gì cả.
Tất cả những áp lực đối với chúng ta lúc đó sẽ không
còn nữa. Sự phát triển của tâm thức không có chỗ
cho bất cứ khái niệm, ý nghĩ, ái dục riêng tư nào cả.
Chỉ có duy nhất sự nhận biết, nhưng nó cũng không phải
là ‘của tôi’.
Bước phát triển kế tiếp cũng là tự nhiên, giống như ở
các tầng thiền sắc giới, như là tiếp theo sự chứng nghiệm
được hỷ, tự nhiên hành giả sẽ thấy được lạc.
Trong các tầng thiền vô sắc hành giả giờ bước vào ‘cõi
của không’ (Vô sở hữu xứ). Tính không nầy thường
bị hiểu lầm; để minh hoạ, câu chuyện ẩn dụ sau đây
có thể giúp làm rõ hơn: khi bước vào thiền đường, ta có
thể thấy nào là tọa cụ, thiền sinh, các trang trí trên điện
thờ. Rồi có ai đó đến dẹp tất cả. Khi bước
trở vào phòng, ta sẽ không thấy gì nữa, chỉ có khoảng
không. Căn phòng hoàn toàn trống trổng. Nhưng điều đó
không có nghĩa là ta không nhận ra được gì cả, chỉ là
ta nhận thấy không có gì ở đó nữa.
Để đạt được tính không nầy là một tiến trình tự nhiên
từ sự chứng nghiệm được thức vô biên xứ.
Hành giả nhận ra rằng cái không mà hành giả đang chứng
nghiệm, cái tâm thức tuyệt đối nầy, hoàn toàn vắng lặng
mọi cảnh. Không có gì ở đó để ta bám víu, để ban
cho ta cảm giác an toàn; ta không thể tóm lấy một ngôi sao
trên bầu trời rồi nói: ‘Cái nầy là của tôi’, rồi giữ
chặt bên mình. Có cái không vắng lặng tuyệt đối trong
tầng thiền định nầy. Ở nơi đó, hành giả sẽ thấy
một sự hiện hữu hoàn toàn trong đó không có cái gì mà
ta có thể nắm bắt để nói rằng: ‘Đó là tôi, là của
tôi, tôi cần nó, tôi sẽ có nó, tôi sẽ giữ nó’.
Aån dụ về một căn phòng trống có thể giúp ta có vài ý
niệm về chứng nghiệm đặc biệt nầy. Cuối cùng, thì
ta cũng phải tự nếm quả xoài để biết mùi vị của nó.
Ba tầng thiền định vô sắc nầy là những tiến trình tự
nhiên, một khi hành giả đã định tâm đủ, thì chúng sẽ
lần lượt xảy ra một cách khá dễ dàng.
Tầng kế tiếp, tầng thiền định thứ tám (kể cả thiền
sắc giới và vô sắc-ND) khó xảy ra hơn; cũng giống như tầng
thiền sắc giới thứ tư. Nó được gọi là ‘không
phải tưởng cũng không phải không tưởng (phi tưởng phi phi
tưởng)’. Tâm ngưng tiếp nhận ngay cả sự an tịnh,
dầu nó vẫn tỉnh thức. Đó là một trạng thái mà trong
đó sự an tịnh của tứ thiền cũng phải chịu thua, vì với
tứ thiền lúc ấy vẫn còn cái tưởng của an tịnh.
Giờ thì ngay chính điều đó cũng vắng lặng. Có thể
nói đích xác đó là trạng thái tâm ngưng đọng, do đó là
lúc tâm tràn đầy năng lượng nhất. Cái khó trong cả
hai trạng thái nầy –tứ thiền và thiền thứ tám- là việc
hành giả phải buông bỏ ngã; cũng là cái khó mà ta phải
đối mặt khi tu tập giải thoát. Các trạng thái thiền
định nầy do đó là những công đoạn chuẩn bị rất tốt
cho sự buông bỏ cuối cùng. Nói một cách bóng bẩy,
ta phải, trong một chừng mực nào đó, sẵn sàng để buông
tay chìm đắm. Hành giả phải hoàn toàn buông bỏ cái
ngã của mình, buông bỏ tất cả mọi chấp kiến về ngã,
về ta hiện là ai, sẽ là ai, hay có thể là ai. Khả năng
buông bỏ dầu chỉ trong thoáng chốc cũng vẫn là sự tập
luyện cần thiết trên con đường tiến tới Niết bàn nibbana.
Dầu trong tất cả các định vẫn có một người nào đó
đang chứng nghiệm, nhưng yếu tố nầy quá nhỏ, nên hành
giả vẫn có khả năng nắm bắt được cái không.
Khi Đức Phật chứng đạt được các tầng thiền định nầy,
Ngài nhận thấy rằng khổ dukkha và ngã vẫn có mặt sau khi
xuất định. Ngài biết rằng cần phải nỗ lực hơn
thế nữa. Đó là đóng góp to lớn và sáng tạo nhất
của Ngài đối với Thiền là con đường đạo đã có mặt
khoảng hơn hai ngàn năm trăm năm. Đã chứng đắc
được ‘phi tưởng phi phi tưởng xứ’, hành giả dễ nghĩ
rằng mình đã đạt được đến một trạng thái thanh tịnh,
giác ngộ bậc nhất không còn gì hơn thế nữa. Nhưng
đó là một sai lầm, chính gương tu hành của Đức Phật đã
chứng tỏ cho ta thấy rằng định chỉ là phương tiện đưa
ta đến tri giác - trí tuệ.
Để tu thiền, ta phải cần có lời nguyện: “Tôi sẽ không
để điều gì lôi kéo khỏi việc hành thiền, tôi sẽ kiên
trì tu tập! Mỗi khi xao lãng, tôi sẽ quay trở lại!”
Nói một cách khác, chúng ta phải dùng ý chí để chống lại
khuynh hướng bàn ra của tâm. Rồi ta phải buông cả sự
quyết chí, để tâm không bị chi phối, không chú tâm được.
Bước kế tiếp là phát khởi cảm giác an lạc, hạnh phúc
với bản thân, rồi giữ chặt tâm, không để cho nó lại
giở các trò cũ. Một khi tâm đã học phải nghe theo ta,
nó sẽ cảm thấy điều đó trở thành tự nhiên. Thật
ra tâm cũng không thích thú gì với các trò suy nghĩ lăng xăng;
nó cũng cảm thấy bị quấy nhiễu, cảm thấy khổ. Tâm sẽ
bình an, hạnh phúc hơn, nếu nó có thể trụ vào một chỗ,
vì sự nhất tâm, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi
cũng khiến tâm được tĩnh lặng. Cảm giác tĩnh lặng
nầy có thể được vun trồng thêm bằng cách chú tâm vào
đó càng lâu càng tốt.
Con đường dễ dàng dẫn vào sơ thiền là cách mà chúng ta
vừa thực hành: chú tâm vào sự cảm nhận của các cảm thọ
trong khi thân đang tiếp nhận các cảm giác đó. Quán
từ bi cũng là một cách khả thi khác, ở đó trung tâm của
tâm linh là ở vùng ngực, cảm giác được sự ấm áp tỏa
ra từ đó. Càng mở rộng lòng, chúng ta càng tăng trưởng
cảm giác hạnh phúc để đi vào định.
Định tạo nên sự an vui (sukkha) trên đường tu tập.
Đức Phật đã nói: “Đây là lạc ta được hưởng”.
Định giúp ta tìm được trạng thái cân bằng giữa sự tự
kỷ luật cần có khi hành thiền và cái cần có để thụ
hưởng sự an vui. Lòng hy vọng, mong cầu, chờ đợi tất
cả đều bất lợi cho sự đạt định. Vì tâm chỉ có
thể thực hiện một hành động ở từng thời điểm; hoặc
là ta hy vọng, mong mỏi hoặc là ta định tâm. Nếu ta
không quấy nhiễu tâm, để nó tự vận hành, nó sẽ hoà nhập
với đề mục thiền quán, nó sẽ tự đi vào định.
Khả năng đó là một yếu tố tự nhiên của tâm. Đó
là sự buông xả mọi thành kiến, suy nghĩ, quan điểm. chấp
kiến của ta. Càng có thể buông xả, cuộc sống của
ta càng dễ chịu hơn. Điều nầy cũng đúng trong tu tập
thiền định. Hành giả càng buông bỏ những gì mình
từng nghe, từng tin, từng hy vọng, để chỉ ngồi xuống tọa
thiền chú tâm, thì càng dễ hành thiền hơn. Tất cả
mọi quan điểm, suy nghĩ đều bất lợi cho sự thực hành.
Sau khi xả thiền, ta lại có thể trở về với những suy nghĩ,
quan niệm của mình, nếu ta muốn. Nhưng thực ra chúng
không lợi ích gì, chỉ là gánh nặng của ta. Nếu có
thể buông xả, ta mới có thể tìm được chân lý trong ta.
Một trong những đặc tính của một vị A-la-hán, người đã
giác ngộ, là họ không có quan điểm. Đã chứng nghiệm
được chân lý, thì không còn quan điểm. Một vị A-la-hán
đã được diễn tả như sau (theo Mangala Sutta): “Dầu sống
trong thế tục, tâm ngài không bị ô nhiễm. Thành quả
cao nhất ngài đạt được là không còn sầu khổ, không nhiễm
ô, và tự tại”. Mỗi khi ta nhận diện được một
quan điểm dựa trên thói quen, ta cần buông bỏ nó, ít nhất
là trong lúc tọa thiền. Chỉ có như thế việc hành thiền
của ta mới mong có kết quả. Nếu chúng ta bỏ chút thì
giờ ra để suy gẫm về tất cả những gì là quan trọng đối
với ta, một cách tuyệt đối, thật sự cần thiết, ta sẽ
thấy rằng tất cả có thể dễ dàng được buông bỏ.
Khi ta biết chăm lo cho sự phát triển tâm linh và tình cảm
của bản thân, ta sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi vật,
mọi người ta tiếp xúc.
THAM
VẤN
Thiền
Sinh (TS): Khi nói về định, có phải ta sẽ nhìn thực
tại một cách khác và dùng nó như một động cơ để thúc
đẩy ta hành thiền không, thưa Ni Sư?
Ayya
Khema (AK): Sự thúc đẩy sẽ trở thành đương
nhiên. Đã chứng nghiệm được một cái gì đó hạnh
phúc, tuyệt vời hơn tất cả những gì ta đã biết cả, thì
không ai còn phải đợi bị nhắc nhở, bó buộc phải tọa
thiền.
TS:
Thưa Ni Sư, con thắc mắc không biết nên coi việc buông xả
quan trọng đến mức nào, ngay cả buông xả những tu chứng
hoàn hảo nhất?
AK:
Nếu ta bám víu vào sự chứng đắc, thì chúng sẽ mất
giá trị và trở nên là ‘một tri kiến không hoàn hảo’.
Chúng ta luôn sẵn sàng chấp nhận sự vô thường của khổ,
nhưng không hề chuẩn bị để đón nhận sự vô thường của
lạc (sukkha). Thực ra điều nầy có thể là một kinh
nghiệm quý báu cho chúng ta vì ta có thể thực sự quán sát
sự hoại diệt của các lạc thọ. Do đó nếu thiền
sinh bám víu vào các trạng thái an lạc của định, thì coi
như đã đi sai đường. Đức Phật đã giảng cho chúng ta về
định, và hướng dẫn rõ ràng không nên bám víu vào chúng,
vì thái độ không bám víu cũng đồng nghĩa với Niết bàn
nibbana.
TS:
Thưa Ni Sư, có thể đó là lý do tại sao các vị thiền sư
không nói về định vì nó có thể làm các thiền sinh chưa
chứng nghiệm sinh nản lòng.
AK:
Với bất cứ phương pháp thiền nào, điều đó cũng có thể
xảy ra. Tuy nhiên, có sự hướng dẫn của các vị thiền
sư thì thiền sinh dễ đi vào định hơn. Lúc nào cũng
có hai hướng để chú tâm vào: định và tuệ, cả hai đều
mang đến những thành tựu viên mãn. Nhiều thiền sinh
cũng tự vào định được, nhưng không có sự hướng dẫn
của các vị thầy, họ không thể tiếp thu được đầy đủ
các lợi ích. Dĩ nhiên là không được điều mình mong
mỏi sẽ mang đến khổ đau, nhưng đó cũng có thể được
coi như một quá trình học hỏi. Vì những nỗi lo sợ
nầy, chúng ta cần có một thái độ đứng đắn đối với
thiền, biết chấp nhận sự thật là các trạng thái thiền
định chỉ là những yếu tố của giác ngộ.
TS:
Thưa Ni Sư, điều gì sẽ xảy ra nếu như hành giả chỉ có
thể vào được sơ, nhị và tam thiền, đến đó thì không
thể nào vào được tứ thiền?
AK:
Ngay chính như chỉ đạt được đến tam thiền, tâm hành giả
lúc đó cũng đã được chuyển hoá rồi. Tuy nhiên, sự
dậm chân tại chỗ hoàn toàn khó thể xảy ra; với thời gian,
lòng kiên nhẫn và quyết tâm, hành giả sẽ chiến thắng mọi
trở ngại.
TS:
Thưa Ni Sư, ‘tiến bước’ ở đây có nghĩa là gì?
AK:
Ba giai đoạn thiền định đầu tiên cũng đã dễ dàng giúp
ta có tri kiến, giúp cho con đường tâm linh những động cơ
cần thiết, để ta có thể tiếp tục không xao lãng.
Chúng giúp tâm trở về ngôi nhà bẩm sinh, và khi chúng ta tiếp
tục hành thiền, chúng sẽ tạo cho ta tri giác hiển nhiên rằng
việc đạt đến các tầng thiền định cao hơn là khả thi.
Quán
Từ Bi
Hãy
chú tâm vào hơi thở của bạn trong chốc lát.
Hãy
tưởng tượng rằng trái tim bạn không chứa gì cả ngoài
luồng ánh sáng vàng rực, và ánh sáng nầy bao trùm từ đầu
đến chân bạn với những tia sáng vàng rực rỡ, với sự
ấm áp, khiến bạn cảm thấy hân hoan, tự tại. Aùnh
kim sắc nầy bao bọc bạn, để bạn có thể ngồi trong vùng
sáng đó, với tâm bình an, tự tại.
Giờ
hãy chuyển ánh kim sắc đó từ trái tim bạn đến thiền sinh
cạnh bên, bao phủ họ với những tia sáng vàng rực rở, với
sự ấm áp, tự tại và hoan hỷ. Bao bọc người ấy
với ánh kim sắc, ban cho người ấy cảm giác an ổn, được
che chở.
Hãy
để ánh kim sắc đó tăng trưởng, tỏa lan đến tất cả
mọi người trong thiền đường, mang sự ấm áp từ trái tim
bạn đến họ, tặng cho họ món quà của tự tại, hoan hỷ,
bao bọc họ với ánh kim sắc của tình thương và bi mẫn.
Giờ
hãy tỏa ánh kim sắc đó đến bậc sinh thành của bạn, bao
phủ họ với sự ấm áp từ trái tim bạn, mang đến cho họ
tự tại và hoan hỷ, bao bọc họ với tình thương của bạn,
mang đến cho họ cảm giác được che chở.
Giờ
hãy nghĩ đến những người gần gũi, thân thiết nhất của
bạn, hãy để ánh kim sắc từ trái tim bạn lan tỏa đến
họ, bao phủ họ với ánh sáng đó, mang tình thương, sự ấm
áp của bạn đến với họ.
Hãy
nghĩ đến tất cả bằng hữu của bạn. Hãy để ánh
kim sắc từ trái tim bạn lan tỏa đến họ, mang đến cho họ
sự thân hữu, tình thương yêu. Hãy bao bọc họ, mang
đến cho họ món quà của sự tự tại, hoan hỷ và che chở.
Hãy
nghĩ đến tất cả những người bạn đã gặp gỡ, dù quen
hay không. Hãy để ánh kim sắc đó tăng trưởng, tỏa
lan đến tất cả mọi người, mang đến cho họ sự thân hữu,
tình thương yêu, hãy để sự ấm áp từ trái tim bạn bao
bọc họ.
Giờ
hãy nghĩ đến tất cả những người sống gần bạn, dù bạn
đã gặp gỡ họ hay chưa. Hãy để ánh kim sắc từ trái
tim bạn tăng trưởng, tỏa lan đến tất cả mọi người,
mang đến cho họ sự thân hữu, ấm áp, bao bọc họ với ánh
sáng đó, đem đến cho họ tình thương và sự che chở.
Giờ
hãy để ánh kim sắc từ trái tim bạn tăng trưởng, lan tỏa
cho đến khi nó như một đám mây kim sắc che phủ cả bầu
trời quê hương bạn. Hãy để những cụm kim sắc đậu
xuống trái tim của tất cả mọi người, mang đến cho họ
sự ấm áp, tự tại và bình an.
Giờ
hãy mang chú tâm trở về với bạn. Hãy cảm nhận được
sự ấm áp từ trái tim bao trùm bạn, che phủ bạn, đem lại
cho bạn sự tự tại và hoan hỷ.
Cầu
cho tất cả chúng sanh ở mọi cõi đều được hoan hỷ và
tự tại.
|