|
.
KHI
NÀO CHIM SẮT BAY
Hành
Trình Phật Giáo Về Phương Tây
Tác Giả:
Ni Sư AYYA KHEMA - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch
từ bản tiếng Anh: When the Iron Eagle Flies - Buddhism For the West
Wisdom
Publications 1991, 2000
|
|
Chương
13
Nhận
Được Bản Tâm Chân Thật Của Mọi Vật
Bước Thứ 8
Lý duyên khởi siêu việt đặt trọng tâm ở nhân quả.
Bước kế tiếp theo trong các tầng thiền định là ‘tri kiến
về sự vật như chính bản thể của chúng’ (yathabhutananadassana).
Kiến là một kinh nghiệm nội tại và tri là sự nhận biết
về điều đó. Sự nhận biết rõ ràng về ‘sự vật
như chúng thật là’ có nghĩa là tri kiến. Thực tế
mà nói, hành giả trước hết phải đạt được các tầng
thiền định, sau đó xử dụng sức định và thanh tịnh của
tâm để đạt được tri kiến.
Trong từ ngữ Phật học, tri kiến có nghĩa là sự hiểu biết
thông qua kinh nghiệm tự thân về ba đặc tính của tất cả
mọi hiện hữu, đó là anicca, dukkha và anatta (vô thường,
khổ và vô ngã). Vô thường được che đậy bằng thường.
Vì hơi thở liên tục ra vô, ta quên rằng mỗi hơi thở là
một hơi thở mới, hơi thở cũ đã bị hoại diệt, không
còn ích lợi gì. Khổ (dukkha) thì được hóa trang bằng
sự thay đổi, bằng các chuyển động. Đôi khi chúng
ta trốn chạy khổ đau, tìm quên lãng, thay hình đổi dạng.
Vô ngã (anatta) thì được che đậy bằng hình thể, bằng các
khối. Để thật sự nhận chân được bản thể sự
vật, ta phải dẹp bỏ những chướng ngại đã in sâu trong
suy nghĩ của ta, khiến ta lầm tưởng sự tiếp nối như là
thường hằng, hình thể như là ngã hay thực thể. Không
phải dễ phá vỡ những suy nghĩ nầy vì sự thật là ta không
thích vô thường, khổ và vô ngã, vì những thứ nầy hủy
diệt cái ngã tưởng mà ta vẫn thường ôm ấp.
Bước đầu tiên trên con đường giác ngộ là phải tách biệt
tâm và thân. Điều đó có nghĩa là sống với con người
nầy, với ‘cái tôi’ không phải là một tổng thể, mà
là gồm có thân và tâm. Trong lúc hành thiền, hơi thở
là thân sắc, và sự chánh niệm về hơi thở là tâm.
Khi chúng ta chú tâm vào hơi thở, nhưng chưa chánh niệm đủ
để đạt được tâm an lạc, thì ít nhất ta cũng có thể
nhận ra hai khía cạnh nầy, là một việc làm hữu ích, thiết
thực hơn so với tâm suy nghĩ lăng xăng thường ngày của ta.
Khi chúng ta đã hoàn toàn cảm nhận được hai khía cạnh nầy,
thì ‘cái tôi’ hình tướng nầy bắt đầu tan vỡ.
Thân và tâm có mặt ở khắp mọi nơi. Có thể không
phải là cái tâm mà ta thường biết, nhưng ngay chính một
cái cây hay một hiện tượng tự nhiên nào cũng ước muốn
được hiện hữu, nếu không nó đã không thể sinh tồn.
Khi ta có thể hiểu rõ về thân và tâm ngay nơi bản thân,
thì ta cũng có thể nhìn thấy được điều đó ở tất cả
mọi thứ quanh ta. Ta có thể quán xét điều đó ở nội
tâm cũng như ngọai tại.
Đức Phật đã dạy: “Tất cả vũ trụ nầy, hỡi các tỳ
kheo, đều nằm trong thân dài một trượng và tâm nầy”.
Chúng ta có thể bắt đầu quán sát thực tế cơ bản bằng
các đề mục thiền quán, rồi phát triển sự hiểu biết
đó rộng hơn đến với tất cả những gì chúng ta quan sát.
Tâm và thân tùy thuộc vào nhau, nhưng không giống nhau.
Nếu không hiểu được điều cơ bản nầy, ta khó mà có thể
tiến sâu hơn vào tri kiến. Ta sẽ bị chướng ngại bởi
“Đúng rồi, nhưng mà. . . “ là những biểu hiện của lòng
nghi hoặïc. Chúng ta cần hiểu rằng chính tâm là chủ,
tâm sai khiến thân. Ngay chính như hơi thở, là điều
thiết yếu cho sự sống, cũng có thể bị tâm điều khiển.
Ta có thể bảo hơi thở ngưng lại trong giây lát, bảo nó
hít sâu vào, bảo nó chậm lại. Dầu hít thở là hành
động tự nhiên của thân, nó cũng có thể bị tâm sai khiến.
Sau nầy, ta có thể nhận thấy rằng cả thân lẫn tâm đều
không phải là những thực thể rắn chắc, trái lại chúng
bao gồm những chuyển động, do nhiều thứ làm thành.
Mỗi tư tưởng là một chuyển động của những thôi thúc
trong tâm. Còn thân dầu có vẻ như rắn chắc; nhưng với
chánh niệm ta có thể cảm thấy đó là những chuyển động
tiếp nối. Khi ta theo dõi hơi thở sâu lắng, rồi vào
định, chúng ta sẽ nhận thấy ngay mỗi hơi thở cũng chứa
đựng sự chuyển động, và không bao giờ là một hơi thở
trọn vẹn. Nó có bắt đầu, ở giữa và ở cuối, và
luôn thay đổi. Khi tâm hành của ta đã tượng hình rõ
ràng, ta sẽ thấy có những đặc tính lên xuống, giống như
dòng điện. Chúng ta đạt được sự hiểu biết sâu
xa hơn về trạng thái của ngã, cái trước đây dường như
là quá bền vững, cụ thể.
Những gì dường như rắn chắc đối với chúng ta thực ra
giống như bụi trong không khí mà ta có thể thấy xuyên qua
ánh nắng. Đối với thân cũng thế. Đã kinh qua,
hiểu được thực trạng nầy, gíup chúng ta một bước trên
đường tiến tới tri kiến. Nhưng nếu chỉ biết, chỉ
tư duy như thế vẫn chưa đủ. Đó chỉ là bước khởi
đầu, phải biến điều đó thành một kinh nghiệm thực sự.
Ngược lại, chỉ có kinh nghiệm thôi, mà không có sự hiểu
biết, cũng không ích lợi gì. Chánh niệm, cảnh giác
cũng là một trạng thái chuyển biến, giống như khi ta nhận
biết sự đổi thay, sự thiếu vắng hình tướng trong các
cảm thọ.
Nếu những khía cạnh nầy có thể được nhận thức bằng
chính kinh nghiệm bản thân, chứ không phải qua sách vở, thì
ta sẽ nhìn sự vật bằng con mắt khác. Ta sẽ cảm nhận
được một thực tế là chỉ có những hiện tượng vô thường
hiện hữu. Do đó ta sẽ có thể buông được sự chấp
chặt, bám víu vào các hiện tượng nầy. Hình tướng,
sự tiếp nối dẫn đến bám víu. Khi chúng ta có thể
chứng nghiệm được điều ngược lại trong thiền định,
là chúng ta mở được đường đến trí tuệ thực sự.
Giờ chúng ta đã có được sự hiểu biết về các duyên sanh,
có nghĩa là ta nhận thức được rằng tất cả mọi sắc
thân, tất cả các hình tướng, đều bao gồm bốn yếu tố
chính. Chúng ta có thể cảm được nhiệt độ nóng, lạnh
trong cơ thể, hơi thở gió, nước ở mồ hôi hay nước miếng,
và yếu tố đất trong xương, da thịt của thân. Chúng
ta có thể nhận thức được rằng các yếu tố nầy tự chúng
không hoàn chỉnh, không độc lập, mà tùy thuộc vào các yếu
tố tương ưng để hiện hữu. Vì các yếu tố luôn thay
đổi, thân ta lại tùy thuộc vào chúng, nên cũng thay đổi
luôn; khiến thân nhiều khi không được an. Điều đó
dễ chứng nghiệm, dẫn đến tri giác về cái khổ phát khởi
nơi thân.
Ngay chính tâm thức ta cũng bị điều kiện hóa. Tư tưởng
phát sinh do bởi có sự xúc chạm của các căn. Căn xúc
chạm sinh ra cảm thọ, suy tưởng và các tư tưởng liên đới
tiếp nối theo. Sự vận chuyển của tâm tùy thuộc vào
sự tiếp xúc của –thấy, nghe, ngửi, nếm hay suy tưởng.
Khi thiền quán, ta sẽ thấy các chuỗi phản ứng qua sự tiếp
xúc của các căn, được tiếp nối bằng cảm thọ rồi suy
tưởng hay đặt tên, rồi mới đến quá trình tư duy (thường
là ưa thích hay ghét bỏ), ta nhận biết đó là một thực
trạng, chứ không phải chỉ là sự suy diễn. Khi có cảm
giác đau, tâm liền phản ứng, muốn loại bỏ cái đau; đó
là do sự xúc chạm đưa đến cảm giác khó chịu. Tâm
nghĩ đó là đau, rồi phản ứng lại bằng cách ghét bỏ,
muốn chạy trốn nó. Nếu chúng ta theo dõi quá trình nầy
trong thiền quán, ta có thể thấy tất cả đều là các trạng
thái của tâm, là các trạng thái hình thành dựa vào các những
điều kiện tiềm ẩn, không trọn vẹn, không độc lập.
Từ đó đưa đến nhận thức rằng không có ai làm chủ cả.
Nếu có ‘cái ngã’ thì chắc rằng ‘cái ngã’ đó sẽ
có đủ khôn ngoan để chỉ nghĩ đến những tư tưởng hạnh
phúc, chỉ có tạo cảm thọ an lành.
Quán sát các lạc hay khổ thọ, và các phản ứng của ta đối
với chúng, giúp ta nhận ra những yếu tố trong việc ‘taọ
ra cái ngã’. Hiểu được rõ ràng như thế, ta có thể
ứng dụng sự hiểu biết nầy vào đời sống hằng ngày.
Chúng ta không còn phải tin vào những gì tâm bày ra, mà biết
rằng tất cả đều được tạo ra do duyên sanh, do một tác
động nào đó. Tất cả tuỳ thuộc vào ta để chuyển
tâm theo hướng thiện.
Khi đã nhận thức được những sự thật nầy, khi đã quán
tưởng sâu xa về chúng, xem xét tính trung thực của chúng,
thì ta sẽ có thể thiền quán về chúng hữu hiệu hơn trước
đó nhiều. Các tri kiến nầy là một diễn biến tự
nhiên.
Vì tâm và thân do duyên sinh, suy ra cũng có nhân duyên đưa
đến sự hiện hữu của ta, đó là, ái và vô minh. Vô
minh ở đây có nghiã là không nhận biết sự thật tuyệt
đối, và ái ở đây là ‘ước muốn được hiện hữu’.
Các duyên nầy cấu thành uế nhiễm, khiến ta có những hành
động bất thiện. Ngay cả các hành động thiện của
ta cũng dựa trên ý niệm ngã, do đó cũng mang đến những
hậu quả. Nhận thức về các nhân duyên cần phát triển
xa hơn đến các nghiệp quả của chúng ta, chúng không phải
do định mệnh hay tai nạn, mà do chính các hành động có chủ
ý của ta. Giáo lý của Đức Phật thường được coi
là giáo lý về nhân quả. Đó là một giáo lý có tính
phân tích, vì muốn thật sự tìm hiểu sâu xa về bản ngã
của chúng ta như là một hiện tượng, ta cần phải phân tích.
Đó không chỉ là việc đưa ra những kết luận hợp lý, mà
đúng hơn là xử dụng những cái thấy ở nội tâm, dựa trên
sự chứng nghiệm của bản thân.
Giờ chúng ta đi vào một khía cạnh quan trọng nhất của tri
kiến, đó là, sự quán sát về sinh diệt, là đặc tính của
vô thường. Tất cả những gì do duyên sinh đều hoại
diệt, vì tất cả nhân duyên cũng hoại diệt. Khi chúng
ta nhận thức được rằng hơi thở vô đã hoại diệt, và
một hơi thở khác đã thay vào đó, rồi hơi thở tiếp theo
cũng hoại, để một hơi thở khác lại nối tiếp, chúng ta
đã suy ra được tính không của ‘ngã’. Thay vì để
tâm nghĩ suy về những việc không quan trọng của quá khứ
hay tương lai, ta cần hướng tâm đến tính cách vô thường
của vạn pháp.
Sự sinh diệt của hơi thở vào ra dễ quán sát, dễ hiểu.
Sự sinh diệt của tâm khi quán sát hơi thở cũng hiển nhiên
khi ta nhận thức đó cũng chỉ là một tâm hành, một sự
biến chuyển. Mọi biến chuyển đều sinh diệt, hàm chứa
trong đó sự khó chịu, vì thế sinh ra khổ (dukkha) là điều
tất nhiên. Cái khổ nơi hơi thở khó nhận thấy, vì
ta cần phải thở để sống. Song trên thực tế, bất
cứ sự chuyển biến không ngừng nào cũng gây ra những kích
thích không ngừng, là nguyên nhân của khổ. Do đó, không
có lý do gì để ngạc nhiên khi thế giới tràn đầy đau khổ,
vì không bao giờ ta có thể tìm được sự thỏa mãn hoàn
toàn trong vô thường.
Dầu cho đó là một cảm xúc, một cảm giác, một tư tưởng,
một hành động, hay một chuyển động vật lý, tất cả đều
mang tính chất vô thường. Ngay tại đây hãy quán sát
những chuyển động của thân, vì đó là những bằng chứng
hiển nhiên nhất. Ta không thể đi một bước chân mà
không có sự sinh diệt. Không thể giở một cánh tay lên,
hay thay đồ, mặc đồ mà không có sinh diệt. Chúng ta
có thể nhận thấy tuyên ngôn của chánh Pháp trong mọi hiện
hữu, mọi sinh hoạt của ta. Nhận thức rõ ràng như thế
giúp ta chế ngự lòng nghi hoặc, giúp ta có nhiều động lực
hơn để tu tập. Lòng nghi hoặc giống như cái thắng
xe, nó kiềm hãm ta lại, như khi ta lo âu về con đường đạo,
về thầy dạy của ta. Khi không còn lòng nghi hoặc, sức
mạnh, nghị lực được tự do lao về phía trước để mở
ra con đường đưa đến tri kiến mới mẻ.
Tri kiến là bước đến kế tiếp. Chúng ta quán sát năm
uẩn là kết hợp của ta: thân hay các hành động, tâm gồm
các cảm giác, các khái niệm, tâm hành hay tư tưởng và các
căn thức. Khi quá trình sinh diệt đã trở nên rõ ràng
đối với chúng ta, nó sẽ giúp ta có một cái nhìn thấu đáo
về bản ngã, về tha nhân để ta không còn phải sân hận
với ai, vì ta biết rằng sân chỉ là một trong những chướng
ngại sinh diệt. Chúng ta cũng không cần phải luyến ái
người nào, vật nào, vì đó cũng là một trong năm chướng
ngại phát sinh, rồi hoại diệt. Hiện tại, năm chướng
ngại nầy nắm vai trò quan trọng trong tâm thức ta.
Trước hết, cần phải quán sát năm chướng ngại nơi chính
bản thân. Những gì ta không biết nơi mình, ta cũng sẽ
không bao giờ biết nơi người khác. Ta đã biết về
những chuyển biến của hơi thở, của thân –sự hoại diệt,
già nua, biến đổi. Ta biết về những cảm xúc của
mình, và quán sát chúng trong lúc tọa thiền, cũng như lúc
rời chiếu thiền. Khi ta đã tìm được niềm vui trong
thiền định, thì ta có thể tiếp tục sự quán sát nầy khi
tọa thiền trong một thời gian dài, mà không bị phân tâm.
Chúng ta cố gắng để không bị kẹt vào các khiá cạnh bền
chặt của thân ta, của tha nhân, trái lại luôn quán sát năm
uẩn. Chúng ta có thể thấy sự hiện diện của năm uẩn ở
mọi thứ quanh ta, để quán sát sự biến đổi không dừng
của chúng. Cây mọc lên, già cỗåi, rồi chết; cành
lá đâm chồi, héo úa rồi tan rã, và tất cả mọi thứ hiện
hữu khác cũng thế. Giây phút chứng ngộ nầy là giây
phút quan trọng trong tiến trình hướng đến tuệ giác.
Nhận thức về sinh diệt dần sẽ đến một giai đoạn trong
thiền định khi chỉ còn có sự hoại diệt được quán sát.
Chúng ta chỉ thấy khiá cạnh đó vì sự chú tâm của ta đã
vi tế hơn, đến độ nó gắn chặt với sự tận cùng của
từng hơi thở, và sự hoại diệt của từng biến chuyển
của tâm. Ở thời điểm đó, có thể ta sẽ cảm thấy
sợ hãi, vì không còn gì để bám víu, nắm bắt. Mọi
thứ dường như tan rã dưới mắt ta, và điều đó ảnh hưởng
đến bản ngã cũng như mọi hiện hữu quanh ta. Dầu hiện
tại mọi thứ dường như bền chắc, nhưng khi đã đạt định,
và tri kiến phát sinh, ta không thể chối bỏ sự hoại diệt,
cũng như những cái thấy thông thường của ta chỉ là ảo
giác.
Nếu thân tâm không luôn biến đổi, hoại diệt, thì chúng
sẽ bền chặt mãi mãi, là điều không thể xảy ra. Tất
cả các duyên đều luôn biến đổi. Khi đã có được
sự nhận thức đó trong thiền định, cũng như trong sự hiểu
biết của mình, thì khó tránh được cảm giác sợ hãi chế
ngự. “Tôi sẽ làm gì đây?” Không còn gì để
bám víu nữa.
THAM VẤN
Thiền
Sinh (TS): Chúng ta là do ái dục, vô minh mà ra. Vậy
còn những sinh vật khác –chúng do nhân duyên gì mà ra, thưa
Ni Sư?
Ayya
Khema (AK): Cũng do các nhân duyên đó.
TS:
Cảm ơn Ni Sư. Nhưng con phải suy nghĩ thêm về điều
đó.
AK:
Đừng suy nghĩ, mà hãy quán tưởng về đề mục nầy khi tọa
thiền. Không cần phải quán về tất cả năm uẩn; chỉ
cần quán triệt một trong năm cũng đủ để có trí tuệ.
Nhưng trước khi thiền quán về đề mục đó, trước hết
hãy để tâm an định, vì tâm có những khả năng không thể
lường được khi đã an định.
TS:
Thưa Ni Sư, khi Ni Sư bảo rằng vì tâm không tuân theo những
gì ta thích suy tưởng, nên ta không hiện hữu, con thấy thắc
mắc. Làm sao mà ta không hiện hữu được?
AK:
Không đúng như thế. Là không có ‘người chủ’.
TS:
Không có người chủ? Có thể nào tâm ta lại thuộc về
ai đó? Ni Sư có hiểu ý con không? Con không biết
phải ứng dụng điều đó như thế nào?
AK:
Không phải tâm thuộc về người khác. Ta có thể nhìn
thẳng vào tâm và nói rằng: “Đây là tâm chưa được rèn
luyện; nó chỉ làm theo ý của nó. Nếu ta có quyền hạn
gì trong vấn đề nầy, nếu ta thực sự làm chủ nó, nó đã
không hành động như thế.” Nói vậy có lẽ dễ hiểu
hơn.
TS:
Điều đó làm con thấy bứt rứt vì tâm không được rèn
luyện của mình.
AK:
Tốt, vì nó khuyến khích em phải rèn luyện tâm.
TS:
Ni Sư có nói rằng định nhất thời cũng có thể đưa đến
tri kiến, nhưng chưa đủ để đạt thanh tịnh. Tri kiến
thường phát sinh trong các thời toa thiền sao, thưa Ni Su?
AK:
Có thể phát sinh, nhưng sự định tâm nhất thời cũng
chỉ mang đến sự hiểu biết nhất thời. Tuy nhiên, tri
kiến đó không mất đi. Khi ta đã đạt được tri kiến
trong lúc tham thiền, tâm ta có thể đủ vắng lặng để đưa
đến trạng thái tĩnh lặng.
TS:
Tri kiến chứng nghiệm được có phai mờ trong ký ức không,
thưa Ni Sư?
AK:
Đã hiểu thấu đáo một việc gì, thì cả nội tâm ta cũng
thay đổi theo.
TS:
Vậy tri kiến không phải vô thường, luôn biến đổi sao?
AK:
Chắc chắn là biến đổi. Nhưng nếu ta có thể hiểu
được như thế, thì đó cũng là tri kiến.
TS:
Con không hiểu tại sao tri kiến có thể thường hằng, đồng
thời cũng duyên sinh, vì đó không phải là niết bàn.
AK:
Tri kiến có thể đưa chúng ta đến điểm mà tiếp theo đó
là niết bàn. Nhưng cái tri kiến mà ta đang bàn đến
chỉ là những bước bắt đầu. Ta đều cần tất cả
để đi đến niết bàn, vì chúng tạo ra một sự phát triển
bền vững của tri kiến. Có thể đến một điểm nào
đó, sự phát triển sẽ dừng lại; lúc đó, tri kiến đã
đạt đến đỉnh cao. Khi đã đạt được một trong những
điều nầy, ta khó lòng có thể đánh mất chúng.
TS:
Thưa Ni Sư, theo Thiền tông, con hiểu rằng khi tâm đã
không còn bám víu, thì tâm đến gần với trạng thái tự
nhiên chân thật. Con không biết Nguyên Thủy nghĩ
sao về vấn đề nầy?
AK:
Đức Phật đã dạy rằng giáo lý của Ngài là một giáo lý
thấm nhuần, và đã so sánh với một biển nước. Nếu
ta từ trên bãi biển tiến dần xuống nước, thì trước hết
chân ta thấm nước. Khi đi sâu ra hơn nữa, thì đầu
gối, rồi hông, và cuối cùng là đến vai thấm ướt.
Đến lúc đó, ta có thể trầm cả người xuống nước.
Đó là con đường của tri kiến, giác ngộ. Đó là một
giáo lý thẩm thấu, chứ không phải là một cách thúc ép
tâm vào một góc, buộc tâm phải buông bỏ mọi quan điểm.
TS:
Thưa Ni Sư, nếu chúng ta có thể ví mọi ảo tưởng về ngã
như một thân cây, và các cành cây là các loại ảo tưởng
về trạng thái của thực tại, thì con nghĩ rằng tri kiến
giống như cắt bỏ các cành cây ấy. Ta cắt dần các
cành cây, rồi cuối cùng đốn ngã cả thân cây.
AK:
Tri kiến có nghĩa là ta nhìn cái thực tại tương đối
nầy với cái nhìn hoàn toàn mới, là thân cây vẫn còn đó,
nhưng với những hệ thống giá trị khác.
TS:
Con không hiểu sự khác biệt giữa thân và tâm, thưa Ni Sư
. Có phải thân bao gồm thân xác nầy và năm uẩn?
AK:
Một uẩn. |