|
.
KHI
NÀO CHIM SẮT BAY
Hành
Trình Phật Giáo Về Phương Tây
Tác Giả:
Ni Sư AYYA KHEMA - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch
từ bản tiếng Anh: When the Iron Eagle Flies - Buddhism For the West
Wisdom
Publications 1991, 2000
 |
 |
Chương
4
Nhân
Quả Duyên Sanh
Giáo lý của Đức Phật có thể được coi là giáo lý của
nhân và quả, vì đây là những điều xuyên suốt trong giáo
pháp của Ngài. Chữ ‘Pháp’ (Dhamma) có nghĩa là ‘luật’
hay ‘luật tự nhiên’. Khi thuyết pháp, Đức Phật thường
giảng về luật tự nhiên, trong đó nhân và quả là một phần
không thể tách rời.
Đức Phật không giảng về Phật giáo. Đó là những
gì người ta gọi sau đó. Những gì Ngài thuyết giảng
được gọi là Pháp. Ngài nói: “Người nào hiểu được
lý duyên khởi, người đó hiểu Pháp. Người nào hiểu
Pháp, người đó hiểu về lý duyên khởi”. ‘Hiểu’
ở đây là cái hiểu ở nội tâm, ở bên trong ta, còn ‘duyên
khởi’ chỉ về nhân quả. Đức Phật đưa ra hai thuyết
về nhân quả. Cả hai đều có thể được ứng dụng hiệu
quả vào cuộc sống của ta. Nếu ta không chỉ hiểu mà
còn có thể áp dụng, thực hành chúng, thì cuộc sống của
ta sẽ xuôi thuận, dễ dàng hơn.
Chúng ta cần luôn nhớ rằng chỉ hành thiền xuông thôi, không
mang lại hiệu quả gì. Có thể ta cũng tìm được đôi
chút thanh tịnh qua sự thực tập đó, nhưng không phải là
một sự chuyển hóa đích thực như con đường đạo có thể
mang đến. Thiền là phương pháp giúp tâm thêm mạnh mẽ,
nhạy bén, thanh tịnh, nhưng đó không phải là cứu cánh.
Nó chỉ là một cách để điều phục tâm. Chúng ta chỉ xửû
dụng thiền cho mục đích đó, cũng là quá trình phát triển
tư duy, tình cảm của ta. Dần dần, ta sẽ đạt được
tâm viên mãn, không còn chướng ngại, phiền não gì nữa.
Đức Phật đã giải thích về lý duyên khởi đầu tiên bằng
cách vẽ hình lên mặt cát như một phương tiện giúp
các đệ tử của Ngài dễ hiểu. Các vị đệ tử rất
vui mừng vì việc đó, họ đã xin phép Đức Phật được
họa lại bức tranh. Đức Phật chấp thuận và qui định
tất cả mọi tu viện đều nên treo bức tranh nầy, cũng như
cử ra một vị có hiểu biết sâu xa về bức tranh để có
thể giảng cho khách viếng chùa hiểu ý nghĩa của lý duyên
khởi qua hình thức nầy. Các tu viện, cũng như phần
lớn những vết tích về thời Đức Phật còn tại thế ở
Aán Độ đã bị các tín đồ Hồi giáo phá hủy, tuy nhiên
ý nghĩa của bức tranh vẫn được truyền đến Tây Tạng,
để hôm nay chúng ta vẫn có thể được chiêm ngưỡõng một
bản vẽ rất chi tiết, công phu. Vào thời Đức Phật
có lẽ được thực hiện đơn giản hơn.
Khi quan sát bức tranh đó, ta thấy một vòng tròn lớn hay một
bánh xe với hình một con hổ ở phía trên vòng tròn.
Chiếc đuôi to lớn của hổ kéo dài chấm đến dưới bánh
xe, trên đầu hổ là một vòng nguyệt quế có hình năm chiếc
đầu lâu, biểu tượng của năm đặc tính của nhân loại,
còn được gọi là năm uẩn (Khandhas). Con hổ ở đây
được xem là một biểu tượng của cái đẹp; trên đầu
có những chùm lông uốn dợn, trên các móng vuốt có đeo vòng
xuyến, và nhẫn trên ngón chân cái – nhưng nó trông vẫn
hung hãn như bất cứ mọi con hổ khác. Miệng hổ há
rộng chừng như muốn nuốt chửng bánh xe. Con hổ biểu
hiện cho vô thường; dầu cho chúng ta có tự tô điểm mình
với bao quần áo đẹp đẽû, sang trọng, chúng ta vẫn không
thoát khỏi nanh vuốt của vô thường.
Bên trong bánh xe, có một vòng tròn nhỏ hơn, trong đó có ba
con vật: rắn, ga ø trống và heo. Con nầy cắn đuôi con
kia, tạo thành một vòng tròn nữa. Rắn là biểu tượng
của lòng sân hận, vì rắn có nọc độc. Gà trống biểu
hiện lòng tham lam, vì nó có bao nhiêu là gà mái ở cạnh bên,
heo thì biểu hiện cho vô minh, vì heo luôn bới đất cát qua
đầu, nên không thể nhìn thấy được gì. Cả ba là
biểu tượng cho các gốc rễ vô lậu khiến ta mãi sinh tử
luân hồi –mà vô minh là nguyên do chính, trong khi tham lam,
sân hận là những hậu quả tất yếu.
Nếu ta có thể chấp nhận rằng chính bản thân mình đôi
khi cũng thiếu sáng suốt, cũng tham ái, cũng sân hận, ta sẽ
dễ chấp nhận bản thân và tha nhân hơn, bất kể họ là
ai. Dầu họ có là kẻ thống lãnh một nước, người
cầm quyền sinh sát trong tay, hay chỉ là người sống bên ta
mỗi ngày. Tất cảû chúng sanh, đều bị tham, sân, vô
minh chi phối. Chỉ có bậc giác ngộ mới hoàn toàn thoát
khỏi các lậu hoặc. Nếu biết tự soi mình, ta cũng có
thể dễ dàng nhận diện chúng nơi bản thân, nhất là tham,
sân. Vô minh thì khó nhận ra hơn, vì cần phải có trí
tuệ mới làm được điều đó. Tham sân không nhất thiết
phải là những hành động bạo lực hay đam mê mạnh mẽ.
Chúng xuất hiện mỗi lúc ta sinh tâm ưa ghét điều gì.
Bất cứ điều gì ta thích hay không thích, cũng là tham sân.
Khi đã nhận biết chúng nơi bản thân, ta cũng có thể nhận
thấy đấy là nỗi khổ của tất cả nhân loại. Khi
đã biết như thế, ta mới có thể xử dụng khả năng nhận
thức, sự chịu đựng một cách đúng đắn. Tuy con người
có những khác biệt, nhưng sự khác biệt đó không đáng kể.
Tất cả đều có thể được chuyển hoá. Sự chuyển
hóa thực sự chỉ có được khi ta đã được giải thoát,
giác ngộ.
Ba con vật kể trên bị giam hãm trong một vòng tròn lớn, thường
được chia làm sáu phần, chỉ cho sáu cõi hiện hữu.
Một là cõi người, trong đó người họa sĩ có thể tưởng
tượng ra đủ cảnh: mẹ bồng con, người nông dân trên ruộng
đồng, máy móc, xe cộ. Đôi khi còn có hình ảnh chiến
tranh trong đó nữa. Kế tiếp là cõi súc sinh, với đủ
loại thú vật. Tiếp đến là cõi địa ngục, là một
trạng thái tâm hạ căn. Nhà họa sĩ thường vẽ các
cảnh: lửa cháy rực, các hình ảnh bị tra tấn, cảnh bão
lụt, đói khát mà những con người bất hạnh phải gánh chịu.
Kế tiếp là cõi ngạ quỷ. Những con quỷ đói thường
được phác họa với cổ, miệng bé tí, nhưng bụng thì phình
to, nên không bao giờ có thể được no. Lòng tham quá
lớn sẽ khiến chúng không bao giờ thấy đủ, cũng là một
hình thức hạ căn khác. Kế đến là A-tu-la (asuras), những
người luôn gấu ó, tranh giành, họ luôn ở trong trạng thái
gây sự, tấn công. Đó là những cõi giới thấp hơn
cõi người. Nhưng cũng có cõi trời, có thể coi như thiên
đàng, nơi hoàn hảo, được phác họa bằng những lâu đài
nguy nga, những con người đẹp đẽ, với hoa bứơm đủ màu
sắc bao quanh. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều có thể
kinh qua các trạng thái tâm nầy trong ngay kiếp sống nầy.
Đai ngoài của vòng tròn quan trọng nhất. Được chia
làm mười hai phần. Hình ảnh đầu tiên vẽ một bà
cụ già, đui mù, tay cầm gậy lần mò tìm đường qua khu rừng
rậm. Đó là biểu tượng của vô minh. Trong ngôn
ngữ Phật giáo, vô minh không có nghĩa là không có học thức,
nhưng là người không biết đến các quy luật tự nhiên trong
vũ trụ. Vì ta thờ ơ với các quy luật tự nhiên
nơi bản thân, ta cũng coi thường môi trường sống quanh ta.
Do đó, quanh ta những cánh rừng đang chết dần, sông rạch,
không khí bị ô nhiễm, và đủ loại thiên tai khác do chính
ta gây ra cho mình. Cuộc sống quanh ta cũng tuân theo những
quy luật của vô thường, vô ngã và không. Nhưng vì ta
không quan tâm đến các quy luật nầy, ta sống bất cần chúng,
hay đúng hơn cố gắng chối bỏ chúng. Đó là gốc của
mọi vấn đề của chúng ta.
Vô minh có thể được coi là khởi đầu của cái không có
khởi đầu. Khi Đức Phật được hỏi về nguồn gốc
của vũ trụ, Ngài đã im lặng. Đó là một trong ‘bốn
thứ không thể nghĩ bàn’, vì thế Đức Phật không muốn
đào sâu vấn đề nầy. Ngài chỉ dạy rằng vô minh chính
là nguồn gốc của mọi vấn đề của chúng ta. Khi đã
hoàn toàn giác ngộ (nibbana), ta sẽ có câu trả lời cho mọi
thắc mắc, vì thế ta chỉ cần tu tập để đạt đến trạng
thái đó.
Cả vòng tròn đó là biểu tượng cho nhân quả duyên sanh.
Bức tranh kế tiếp là hình một người thợ gốm đang làm
nồi. Có những cái nồi tròn trĩnh hoàn hão, nhưng cũng
có những chiếc bị bể vỡ. Đó là ẩn dụ của các
hành động tạo nghiệp của ta. Vì ta vẫn còn luẩn quẩn
trong ảo tưởng về ‘cái tôi’, ‘cái của tôi’, nên ta
tạo ra các nghiệp xấu, tốt hay trung tính. Khởi đầu
của mọi nghiệp là từ tâm, vì tất cả đều bắt đầu
từ khởi ý. Vì thế mà tu thiền, luyện tâm, học hỏi
Phật pháp là vô cùng quan trọng, vì chúng giúp ta tạo ra đủ
nghiệp thiện để ta có thể ung dung với bao cánh cửa mở
ra cho ta. Nếu ta tạo quá nhiều nghiệp xấu ác, ta sẽ
bị phạt tù; trái lại, nếu ta có nhiều nghiệp thiện, ta
có thể sống với lương tâm yên ổn, tâm hồn thoải mái,
đầy từ bi.
Vì thế, ta cần luôn nhớ rằng nghiệp khởi đầu bằng tác
ý, rồi tiếp nối bằng lời nói, bằng hành động. Tất
cả mọi thứ đều qua cánh cửa: ý, ngữ và hành. Và
vì tất cả đều khởi đầu từ ý, nên đó là nơi đầu
tiên và quan trọng nhất ta cần chú ý. Thiền là phương
tiện giúp ta rèn luyện tâm cho sắc bén, thông thái, trí tuệ
để có thể chuyển hoá những cấu uế thành thanh tịnh.
Chúng ta không cần phải tiếp tục duy trì các ý nghĩ tiêu
cực; không cần thiết phải làm thế chút nào.
Khi nghiệp đã tạo, thì thức sẽ sinh. Nhưng chúng ta
không cần nghĩ đến sự tái sinh như một điều gì ở tương
lai. Thật ra, chúng ta tái sinh từng phút giây với những
tư tưởng, tình cảm đổi thay theo từng giây phút, và theo
đó là các nghiệp ta vừa tạo ra những giây phút trước.
Nếu vài phút trước đây ta nổi sân, thì sau đó ta không
thể cảm thấy vui vẻ, thoải mái ngay. Nhưng nếu ít
phút trước đây, ta tràn đầy tình thương, thì giờ ta đã
cảm thấy rất an ổn. Do đó ta trả nghiệp trong từng
giây phút.
Mỗi buổi sáng, có thể được coi như một sự tái sinh.
Khi ngày mới bắt đầu, ta còn tràn đầy năng lực, ta còn
có một ngày dài trước mắt. Mỗi giây phút trôi qua,
ta như già hơn, mệt mỏi hơn, để đến cuối ngày khi đêm
xuống ta chìm vào giấc ngủ, một cái chết ngắn ngủi.
Nếu không ngủ, thì ta cũng chỉ có thể lăn trở trong giường,
đầu óc mơ mơ, màng màng. Mỗi ngày có thể coi như cả
một khoảng đời, vì ta chỉ có thể sống từng ngày; quá
khứ đã qua, và tương lai có thể đến hay không đến bao
giờ; chỉ có sự tái sinh nầy, ngày hôm nay, giây phút nầy
là quan trọng hơn cả.
Thức tái sinh bao gồm các nghiệp ta đã tạo. Những gì
đã xảy ra trong bao nhiêu kiếp trước, khi ta có thể là một
vũ công người Ba Tư, một công chúa Ai Cập hay một hải tặc
Viking, hay bất cứ gì mà ta nghĩ mình đã từng là, không có
nghĩa lý gì, phải không? Đôi khi đó chỉ là những ảo
tưởng. Quan trọng nhất là cái hiện tại, ngay tại nơi
nầy, một ngày mà ta có thể thực sự sống. Khi biết
rằng nghiệp luôn theo ta, điều đó sẽ giúp ta sống mỗi
ngày trong đời một cách hữu ích nhất, không lãng phí thời
gian, không dùng nó trong những cuộc trốn tìm vô vọng, mà
xử dụng nó với tất cả khả năng, dùng nó để phát triển
tâm linh.
Thức tái sinh có thể được ví như một chú khỉ chuyền
từ cây nầy sang cây kia (từ kiếp sống nầy qua kiếp sống
khác), vì tâm không rèn luyện không có khả năng trụ ở một
nơi mà không sinh ra chán nản. Nó thiếu một phương hướng
nhất định. Có thể so sánh với tâm ta trong một ngày.
Có những việc ta buộc phải thực hiện vì mưu sinh, vì phải
lo cho gia đình hay vì những trách nhiệm khác, nhưng một hướng
đi cho tâm linh thường bị quên lãng. Nếu mỗi sáng ta
có thể coi như một lần được tái sinh với lòng biết ơn
chân thành, tự đáy tim, rằng đây là một ngày nữa ta không
phải lo đói, lo không có nơi nương tựa, mà lại được có
cơ hội để tu hành, thì ta sẽ có nhiều cơ duyên tạo ra
các nghiệp lành hơn.
Do có thức tái sinh, danh sắc sẽ khởi hiện. Nếu nói
rộng thêm về sự tái sinh mỗi sáng, ta có thể nói rằng,
khi thức dậy, ta biết rằng mình vẫn còn thân tâm. Khi
chìm sâu vào giấc ngủ, ta thật sự không biết mình là ai.
Bước đầu tiên đến với trí tuệ, đòi hỏi ta phải hiểu
rằng thân và tâm là hai. Nghĩ rằng đây là ‘tôi’,
một thực thể vẹn toàn, và tất cả mọi thứ xảy ra chỉ
vì ‘tôi’ muốn, cần, hay cảm, là sai lầm. Điều đó
khiến ta không thấy mình có quyền quyết định, cũng như
khả năng tạo ra nghiệp lành hay vạch ra hướng đi cho đời
sống tâm linh. Đời sống tâm linh chỉ có thể thành
hiện thực khi ta biết rằng ta có thể tạo ra những gì ta
muốn trong đời bằng tâm và thân chỉ là người đầy tớ.
Tuy nhiên có người đầy tớ tốt, có người không. Chúng
ta phải bằng mọi cách biến người đầy tớ của mình thành
tốt hơn bằng thực phẩm, thể dục hay thuốc men. Nhưng
dầu thế nào nó cũng chỉ là người đầy tớ, tâm mới chính
là chủ nhân. Nếu một người chỉ có thân mà không có tâm,
thì dầu ta có làm gì, nó cũng không biết phản kháng, vì
không có gì ở đó để phản kháng. Nhưng với người
có tâm thì sẽ khác hẳn.
Hình ảnh kế tiếp thường là cảnh một người khách qua
đò và người lái đò. Người khách là thân, tâm là
người lái đò. Chúng ta không thể hành động gì, nếu
không có tâm sai bảo ta. Nếu tâm không bảo ta phải tọa
thiền, thì thân sẽ không ngồi xuống chiếu thiền. Tâm
cũng bị những đau nhức của thân ảnh hưởng, nhưng đó
chỉ là đối với những tâm chưa được rèn luyện.
Tâm của Đức Phật hay của các vị A-la-hán (arahant) không
còn bị những cảm giác khó chịu nơi thân ảnh hưởng.
Thực ra, ta không thể tránh khỏi các cảm giác khó chịu nơi
thân. Ai không có những lúc bị thân bệnh, đau nhức.
Ngoại trừ ta chết trẻ, không thì ta sẽ trở nên già nua,
và thân ta lúc đó cũng sẽ không hoạt động tốt giống như
lúc trẻ. Đức Phật đã dạy: ‘Người không tu tập,
chưa đạt được giải thoát sẽ bị hai mũi tên bắn phải.
Người có tu tập, đã đạt được giải thoát chỉ bị một
mũi tên bắn”. Hai mũi tên làm hại ta đó là thân và
tâm. Cả hai đều mang đến đau khổ cho ta. Nhưng
người giác ngộ chỉ phải khổ vì thân. Tâm không còn
bị ảnh hưởng. Khi còn tại thế, Đức Phật cũng bị
bịnh, và có căn bịnh dẫn Ngài đến cái chết, tuy nhiên
trên giừơng bệnh, trước giờ ra đi, Đức Phật vẫn còn
có thể nhập định vào các tầng thiền vì tâm của Ngài
không còn bị ảnh hưởng bởi thân bịnh.
Đối với người bình thường như chúng ta, dĩ nhiên ta vẫn
còn bị ảnh hưởng của thân, và thường phản ứng lại.
Nhưng dần dần ta sẽ có thể tách biệt thân và tâm, khi ta
đã có đủ trình độ thiền định và trí tuệ. Ta sẽ
hiểu thân là gì và tâm là gì, sẽ biết rằng tâm cần được
chăm sóc nhiều nhất, dầu ta thường hành động trái ngược.
Phần lớn thời gian, năng lực của ta lại dành để lo cho
thân. Ta lo bồi dưỡng, tắm rửa, làm đẹp thân, tập
thể dục cho nó, cho nó nghỉ ngơi trong giừơng mỗi đêm,
che chở cho nó dưới mái nhà. Mặc quần áo để giữ
thân ấm, che chở thân. Khi nó bịnh, ta lại lo thuốc
men cho nó.
Tâm cũng cần được chăm sóc như thế, nếu không muốn nói
là hơn thế nữa. Dĩ nhiên tâm cũng cần được nghỉ
ngơi. Và cách duy nhất là tâm phải ngưng suy nghĩ, để
được thanh tịnh, yên ổn. Ban đêm khi thân nghỉ ngơi,
tâm vẫn mơ, và suốt ngày, nó phải nghĩ suy. Chúng ta
bắt cái dụng cụ mỏng manh nhất, giá trị nhất trong vũ
trụ phải làm việc quá sức. Nhưng ta lại bất ngờ
khi sự việc không xảy ra như ta mong muốn, khi thế giới ta
đang sống không phải là thiên đàng ta mơ ước. Những
đầu óc hình thành nên thế giới nầy, kể cả chúng ta, không
thể hoạt động hết công suất, vì chúng đã quá mỏi mệt.
Chúng chưa bao giờ được nghỉ ngơi, chùi rửa, cho thuốc.
Tâm như thế chỉ có thể tuột dốc, thay vì được phục
hồi. Thiền là phương cách giúp chúng ta phục hồi tâm.
Mỗi giây phút thiền định là mỗi phút giây thanh tịnh, chùi
rửa tâm. Sự bình an, tĩnh lặng giúp tâm nghỉ ngơi,
tìm hiểu giáo lý Phật pháp là thuốc chữa các bịnh sợ
hãi, lo âu, sân hận và ảo tưởng. Chăm sóc tâm không
có nghĩa là nhồi nhét thêm các kiến thức vào đó, mà phải
có trí tuệ hiểu biết, giúp ta tự tại, không bao giờ phải
cần đến các ảo tưởng. Dĩ nhiên đó là hướng ta
lần hồi tiến đến, nhưng ít nhất ngay bây giờ ta biết
phải làm gì. Khi ta nhận thức được rằng tâm là cây
chèo đưa con đò đi tới, mà thân chỉ là người đi đò,
thì ta sẽ biết đặt ưu tiên ở đâu.
Bức hình kế tiếp là một ngôi nhà với năm cửa sổ và
một cửa lớn, ẩn dụ cho năm uẩn. Cánh cửa lớn, tượng
trưng cho khả năng tư duy, có thể để tất cả mọi thứ
tạp nhạp vào nhà, nếu không biết canh giữ. Đây là
điểm quan trọng cần thấu triệt và ghi nhớ. Mỗi chúng
ta có sáu ngõ mở ra với thế giới bên ngoài. Nếu ta
chỉ xửû dụng sáu ngõ nầy, ta chỉ biết thế giới hạn
hẹp qua sắc, thanh, hương, vị, xúc và ý. Nếu ta không
hề biết có gì khác hơn thế, e rằng ta đi tìm giải thoát
theo một hướng sai lầm. Các giác quan của ta, kể cả
ý, không bao giờ đem lại toại nguyện. Bản chất của
chúng là thay đổi không dừng.
Nếu chúng ta không biết rằng mình phải vượt lên ngũ dục,
ta sẽ tìm kiếm hạnh phúc một cách vô vọng thôi, không những
vì ngũ dục có vui có khổ, mà còn vì chúng nhanh chóng trôi
qua. Không có cách gì giữ chúng lại được.
Thử tưởng tượng bạn phải nghe bản hợp xướng số Chín
của Beethoven ba ngày liên tục, nghe suốt từ sáng đến chiều
chỉ có như thế. Sau một thời gian, nó không còn đem
lại cho ta thú vị nữa, và có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ muốn
nghe nó nữa. Đối với cái ăn cũng vậy. Hãy thử
tưởng tượng nếu ta vừa dùng xong một bữa ăn ngon miệng,
và người ta bảo rằng: ‘Nếu bạn thích, hãy ở lại ăn
thêm hai, ba tiếng nữa’. Nếu phải làm thế, ta sẽ
rất khổ sở. Bữa ăn dù ngon cách mấy cũng không thể
ăn mãi. Đối với tất cả các giác quan khác cũng thế.
Chúng không thể kéo dài mãi. Chúng ta không thể nghe,
ăn, xúc chạm hay nhìn trong một thời gian dài. Nếu ngũ
dục nào kéo dài quá lâu, sẽ khiến ta vô cùng khổ sở.
Ngay các lạc dục cũng không thể kéo dài. Chúng luôn
biến mất, vì thế ta cứ phải tìm kiếm cái khác.
Nền kinh tế của ta dựa vào nguyên lý nầy. Chúng ta
không thể bán một sản phẩm không mang lại lạc thọ nào,
vì thế tất cả mọi thứ đều được sản xuất vì mục
đích duy nhất đó. Vì lạc thọ không thể kéo dài, ta
phải bỏ bao thời gian, công sức, tư duy, để tái tạo chúng.
Nhưng sự thỏa mãn toàn vẹn không thể đến bằng cách đó.
Tất cả đều chỉ là những giây phút chóng qua, dầu ta có
chấp nhận hay không, đó vẫn là sự thật. Thường đó
là lý do tại sao người ta tìm đến thiền định. Tuy
nhiên khi hành thiền, ta cần có quyết tâm và kiên định.
Bức hình kế tiếp diễn tả sự xúc chạm, với hình ảnh
người nam và người nữ ôm nhau. Ngụ ý nói rằng khi
các giác quan của ta còn hoạt động, chúng còn đòi hỏi sự
xúc chạm, nhất là những xúc chạm dễ chịu, là điều ta
luôn đòi hỏi. Khi mắt ta còn hoạt động, ta muốn ngắm
nhìn; nếu tai còn hoạt động, ta lắng nghe; với lưỡi, ta
còn muốn nếm; với thân, ta còn muốn xúc chạm; với tâm,
bao ý nghĩ khởi sinh, tất cả đều xảy ra một cách tự nhiên.
Không ai bảo là ta phải khác đi. Nhưng chúng ta cần soi
xét nội tâm để xem thật sự ta mong muốn điều gì, để
ta có thể phần nào làm chủ cuộc đời ta.
Khi các giác quan còn, ta còn muốn xúc chạm. Điều nầy
rất rõ khi ta ngồi thiền. Vì ta ngồi mãi ở một vị
trí (tiếp tục xúc chạm) nên cảm giác khó chịu khởi lên.
Đó là tiến trình tự nhiên của các phản ứng của nhân
loại. Nhưng có một bước trong quá trình nầy không phải
do sự xếp đặt tự nhiên trước.
Kế tiếp là hình một người bị mũi tên bắn vào mắt, gợi
lên cảm giác đau đớn, khó chịu. Nhưng ta không có cách
nào tránh khỏi cảm thọ nầy phát khởi sau sự xúc chạm
của giác quan; ngay cả các bậc giác ngộ cũng có sự xúc
chạm và có các cảm thọ phát sinh. Tuy nhiên bước kế
tiếp có thể là cánh cửa thoát mở ra khỏi bánh xe sinh tử
luân hồi (samsàra).
Chúng ta đi từ xúc đến thủ. Bức hình kế tiếp thường
vẽ một người ngồi ở một bàn tiệc thịnh soạn, đang
dồn nhét thức ăn vào bụng. Thủ không chỉ có nghĩa
là muốn giữ lấy mà còn có nghĩa là muốn vứt đi một cái
gì đó. Trong trường hợp của chúng ta, trong thế ngồi
thiền, xúc chạm lâu, ta muốn thoát khỏi cảm giác khó chịu
bằng cách chuyển thân. Ước muốn thoát khỏi cảm giác
khó chịu, và chỉ muốn có các cảm giác dễ chịu, là ước
muốn khiến ta mãi trong vòng luâân hồi sanh tư.û
Vòng tái sinh liên tục của ta có thể chấm dứt ở điểm
nầy, nếu ta có thể hiểu rằng cảm thọ chỉ là cảm thọ,
mà không coi chúng là ta. Nếu chúng là ta, thì tại sao
ta lại muốn có các cảm giác khó chịu như thế? Nếu
ta có quyền hạn gì với chúng, ta đã quẳng chúng đi rồi
mà chỉ giữ lại các cảm giác dễ chịu. Nhưng không
ai có thể làm thế. Tất cả chúng ta đều có các cảm
giác dễ chịu hay khó chịu. Ở đây, cảm thọ bao gồm
cả xúc cảm và các cảm giác vật o5
Cánh cửa dẫn chúng ta thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử
triền miên, chỉ có thể mở ra cho ta nếu như nội tâm ta
đã đạt đến trình độ khi mà ta không còn né tránh, phản
kháng các cảm thọ. Khi ta đã hiểu và nghiệm ra rằng
mọi việc đơn giản chỉ là thế, một dòng chảy liên tục
và không có gì hơn thế nữa. Chúng ta chỉ cần biết
có một chuyển động không ngừng như thế, để quan sát,
nhận thức, chứ không phải để ta cản trở dòng chảy đó
với ý muốn giữ lại những gì tốt đẹp và tránh né những
khó chịu. Nói cách khác, chúng ta cần thực tập tâm
xả ly, bình đẳng.
Xả là một trong bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi).
Tất cả chúng ta đều có khả năng thực hành điều đó,
nhất là khi ta đã biết các cảm giác khó chịu chỉ xuất
hiện như chúng phải xuất hiện. Ta tưởng rằng ta có
quyền hạn đối với chúng, vì chúng phát sinh, rồi qua đi.
Do đó ta thường muốn chúng qua nhanh đi, đôi khi bằng vài
viên aspirin hay bằng những phương tiện mạnh hơn. Khi
hành thiền, thì ta chuyển đổi thế ngồi. Tất cả những
điều đó khiến ta ảo tưởng rằng mình làm chủ các cảm
thọ của mình, nhưng thật ra chúng ta chỉ ngụy trang cho các
định luật tự nhiên. Ta che đậy chúng lại để không
phải đối diện với chúng. Nhưng một ngày nào đó,
khi ta thực sự quán sát các định luật tự nhiên như chúng
hiện hữu, ta sẽ thấy rằng tất cả những suy nghĩ của
ta đều là ảo tưởng. Lúc đó ta có thể mỉm cười
tự chế ngạo mình. Vì có quá nhiều điều phải ngụy
tạo, tất cả năng lực của chúng ta bị tiêu tán, và sự
giác ngộ xa với tầm tay. Tuy nhiên, những gì là thật,
là đúng vẫn trở đi, trở lại trong cuộc sống của ta, rồi
ta lại tiếp tục che giấu những gì ta không thích, cho đến
khi ta bằng lòng chấp nhận chúng.
Thực tập diệt bỏ các phản ứng là cách giúp ta mở được
cánh cửa giải thoát. Mỗi lần ta có thể bỏ qua một
phản ứng, là mỗi lần ta bước gần hơn đến với tự do,
giải thoát. Nếu không làm được như thế, ta sẽ mãi
phụ thuộc vào các cảm thọ của mình, là điều không dễ
chịu gì. Vì ta có thể trốn chạy chúng, ta ảo tưởng
rằng mình làm chủ được chúng, nhưng các cảm thọ lại
vẫn xuất hiện. Khi ta vẫn là nạn nhân của các cảm
giác vui buồn, vẫn còn ưa cái nầy, ghét cái kia, chúng ta
vẫn không thể làm chủ cuộc đời mình. Nhưng khi ta
buông xả được các khổ thọ, không quan tâm đến chúng,
chấp nhận chúng chỉ là một cảm thọ, ngay khi đó, ta làm
chủ mọi tình huống. Ta sẽ đầy lòng tự tin đến nỗi
ta có thể không bị ảnh hưởng, không phản ứng gì cả.
Sức mạnh nội tâm phát sinh từ sự tự tin đó. Không
phải là sức mạnh vượt trội hơn ai, mà chính là ta tự
thắng ta, giúp ta có thể nhận thức rõ ràng được sự thật
tuyệt đối.
Nhưng nếu chúng ta để cánh cửa vượt quá tầm tay, vì lần
nữa ta lại phản ứng theo cảm tính, ta lại bước vào vòng
luân chuyển tất nhiên của nhân quả. Bước kế tiếp
là thủ, được diễn tả bằng hình ảnh một người đang
hái trái cây, bỏ vào một cần xé đã đầy tràn. Hình
ảnh đó không phải là xấu đối với nền nông sản ở các
xứ sở giàu có, nơi hàng tấn bơ, càphê dư thừa sẽ bị
đổ dưới biển. Ý nghĩa mà hình ảnh đó muốn thể
hiện là lòng tham của con người quá mãnh liệt đến nỗi
họ không biết mình đã có quá đủ. Khi chúng ta còn
ham muốn thứ gì, là ta còn bám víu vào ái dục, do đó làm
ảnh hưởng đến sự an bình của tâm. Trong tiềm thức,
ta biết rằng bất cứ những gì ta ao ước –con người hay
vật chât- đều vô thường, luôn thay đổi, hoai diệt, bị
đánh cắp, bị mất mát. Mặc dầu thừa biết như thế
nhưng ta không muốn chấp nhận. Tuy nhiên vì thực sự
là chúng ta biết như thế, nên cảm giác sợ hãi luôn
đi kèm theo mọi bám víu: nỗi lo sợ bị đánh mất.
Điều nầy rất rõ đối với vấn đề sở hữu. Các
nhà giàu thường trang bị hệ thống chống trộm, cửa khóa
hai ba lớp, tường cao cổng kín, nuôi chó dữ, và mua bảo
hiểm cao. Họ sợ tài sản của họ bị mất cắp, bị
cháy hay bị kẻ khác sang đoạt. Lo sợ bị mất người
yêu, khiến ta sanh lòng ghen ghét, là một tình cảm không dễ
chịu chút nào.
Khi chúng ta bỏ qua cơ hội giải thoát mình khỏi cái khổ,
vì ta một lần nữa lại phản ứng theo tình cảm, có nghĩa
là ta đã bám víu vào hoặc cái ta thích hoặc cái ta không
thích. Dầu nhỏ mọn đến thế nào, điều đó cũng khiến
ta bất an. |