Chúng
ta đã bàn qua hai loại hạnh phúc: hạnh phúc ngũ dục và hạnh
phúc phi ngũ dục. Hạnh phúc ngũ dục chứa đựng ái dục.
Bản chất của ái dục là tâm tham. Nếu không có tham ái sẽ
không hình thành loại hạnh phúc này. Vì chứa ái dục nên
hạnh phúc ngũ dục là loại hạnh phúc mang phiền não, không
trong sạch. Do đó, hạnh phúc ngũ dục còn mang nhiều tên khác
như: hạnh phúc pha trộn, hạnh phúc tạp nhạp, và hạnh phúc
bất tịnh. Hạnh phúc phi ngũ dục là loại hạnh phúc không
chứa ái dục. Hạnh phúc phi ngũ dục còn mang nhiều tên khác
như: hạnh phúc không pha trộn, hạnh phúc thuần khiết, và
hạnh phúc thanh cao. Hạnh phúc phi ngũ dục được hình thành
trong quá trình thanh lọc tâm. Bắt đầu từ sự giữ giới,
đến
sự
hành thiền thực hành chánh niệm. Nhờ giữ chánh niệm liên
tục vào các hiện tượng sinh khởi qua lục căn, giúp bảo
vệ tâm không bị phiền não xâm nhập. Thu thúc lục căn
được duy trì liên tục. Kết quả từ sự giữ giới, duy
trì chánh niệm, và thu thúc lục căn làm cho tâm được an
định, tạo nên loại hạnh phúc an tinh, thuộc loại hạnh
phúc phi ngũ dục, hạnh phúc thanh cao, hạnh phúc không pha trộn,
không tạp nhạp.
Hôm
nay chúng ta bàn tiếp loại hạnh phúc phi ngũ dục về hai phương
diện pháp học và pháp hành.
Khi
chú tâm theo dõi phồng xẹp, bạn vận dụng tinh tấn, cố
gắng hướng tâm đến đề mục, giữ chánh niệm duy trì trên
đề mục, trở nên gắn chặt với đề mục, và liên tục
chà sát đề mục. Kết quả này đạt được nhờ tinh tấn
và hai chi thiền Tầm và Tứ. Tầm giúp đưa tâm đến đề
mục, và Tứ giúp chà sát đề mục. Đồng thời cũng do kết
quả của năng lực dũng mãnh của sự tinh cần làm cho tâm
trở nên năng động, linh hoạt và tỉnh giác. Các sức mạnh
này đẩy lui các tâm sở như ái dục, sân hận, dã dượi
buồn ngủ, v.v...làm cho tâm trở nên rạng rỡ và sáng ngời.
Tâm an trụ trên đề mục không còn phóng chạy nơi khác. Tâm
giờ đây trở nên phi thường không giống như tâm thông thường.
Tâm không còn bị ảnh hưởng bởi các chướng ngại như:
ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, bất an hối tiếc,
và hoài nghi. Đây là kết quả của sự rèn luyện tâm, phát
triển các tâm thiện lành. Tâm trở nên cao thượng, phi thường.
Trạng thái tâm an tịnh tĩnh lặng này là loại hạnh phúc
phi ngũ dục.
Hạnh
phúc an tịnh tĩnh lặng do tâm vắng bóng phiền não. Hạnh
phúc này là kết quả tu tập theo pháp thiền Tứ Niệm Xứ
“Nầy chư Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhất để thanh
lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn,uất ức
than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và
chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.” Kết quả này
do sự thực hành chánh niệm quán sát các hiện tượng vật
chất sinh khởi nơi thân, niệm thân hay quán thân trên thân,
chánh niệm quán sát các cảm giác, niệm thọ hay quán thọ
trong thọ, chánh niệm quán sát các hiện tượng thuộc về
tâm, niệm tâm hay quán tâm trong tâm, chánh niệm quán sát các
hiện tượng qua lục căn, niệm pháp hay quán pháp trong các
pháp.
Tóm
lại, hành giả phải chánh niệm tất cả các hiện tượng
tâm và vật chất ngay khi mới sinh khởi. Nhờ kết quả của
tinh tấn và yếu tố Tầm, tâm được giữ an trụ nơi đề
mục từng thời điểm này sang thời điểm khác, hình thành
sát na định. Do vậy, tâm được an tịnh trong sạch, không
phiền não, không ô nhiễm trong từng thời điểm liên tục
tạo nên hạnh phúc an tịnh tĩnh lặng. Hành giả kinh nghiệm
được hạnh phúc này trong thiền tập. Đây là kết quả của
sự rèn luyện tâm giúp cho tâm phát triển lành mạnh, bhāvāna.
Nhờ thiền tập, các tâm thiện được hình thành và phát
triển, tâm hành giả trở nên mạnh mẽ, phi thường, adhicitta.
Hạnh phúc hình thành từ loại tâm phi thường này gọi là
adhicitta sukha, thuộc loại hạnh phúc trong sạch thanh cao, không
pha trộn, avyāseka-sukha. Hạnh phúc do tâm thanh tịnh trong sạch
và loại hạnh phúc khác hẳn loại hạnh phúc ngũ dục chứa
đựng tham ái, mang bản chất không trong sạch. Tương tự như
loại thức ăn có nhiều gia vị, nhờ gia vị nên làm cho người
ăn cảm thấy khoái khẩu. Bản chất của ngũ dục không có
gì thích thú, nhưng khi có sự tham ái làm cho người thọ hưởng
cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc phi ngũ dục không pha trộn
phiền não, loại hạnh phúc trong sạch thanh cao.
Hạnh
phúc phi ngũ dục hình thành do sự thu thúc lục căn, cùng sự
thực hành Tứ Niệm Xứ, chánh niệm không để phiền não
xâm nhập vào tâm. Dù không hành thiền, nhưng nếu có sự
thu thúc kiểm soát lục căn cũng tránh được ảnh hưởng
của phiền não.
Vào
thời Đức Phật, có một vị vua rất thắc mắc về giới
luật của các vị sư trẻ tuổi. Nhà vua bèn hỏi vị sư trẻ
tuổi. “Thưa Đại Đức, ngài còn trẻ tuổi chịu ảnh hưởng
bởi dục lạc. Làm thế nào Đại Đức kiểm soát được
lòng mình không bị ảnh hưởng bởi ái dục?”
Vị
sư trẻ tuổi trả lời: “Khi gặp phụ nữ, tôi xem họ như
là em, là chị, hay là mẹ mình”.
Không
bằng lòng câu trả lời này, nhà vua nói: “Nhưng tâm thay
đổi rất nhanh có thể làm cho đại đức không coi người
kia là em, là chị, hay là mẹ nữa. Vậy thì Đại Đức phải
làm sao?”.
Vị
sư trẻ tuổi trả lời: “Tôi quán tưởng đến sự bất
tịnh của cơ thể dưới hình thức 32 phần ô trược. Quán
tưởng sự ô trược của mỗi thành phần cũng giữ tâm không
bị xáo trộn vì ái dục”.
Vẫn
chưa thỏa mãn, nhà vua hỏi tiếp: “Nhưng có thể trong khi
quán tưởng ô trược, tâm coi đó là những gì đẹp đẽ
không ô trược thì sao?”
Vị
sư đáp: “Tôi dùng thiền Tứ Niệm Xứ, thực hành chánh
niệm, thu thúc lục căn, giữ tâm không bị phiền não xâm
nhập. Và nếu có ý tưởng ái dục sinh khởi, tôi cũng dập
tắt được ý nghĩ nảy nhờ sức mạnh của chánh niệm”.
Nhà
vua thỏa mãn với câu trả lời như vậy, và nói: “Quả thật
vậy Đại Đức, đúng với kinh nghiệm bản thân, mỗi khi
có việc phải đi ngang qua Tam Cung Lục Viện, nhờ thu thúc
lục căn nên trẩm cảm thấy bình thản an nhiên, không bị
xáo trộn vì ái dục”.
Qua
thí dụ trên cho thấy, nếu thực hành chánh niệm, giữ gìn
lục căn sẽ bảo vệ được tâm không bị phiền não quấy
rối. Nếu không chánh niệm kịp thời vào lúc đối tượng
sinh khởi, sẽ phát sinh sự ưa thích vào dáng vẻ tổng quát,
đưa đến các ý tưởng chi tiết hóa đối tượng, làm cho
tâm mang hình ảnh càng nhiều chi tiết giúp cho ái dục kích
động tâm, tâm trở nên giao động bất an.
Khi
giữ chánh niệm vào tất cả những gì sinh khởi qua lục căn,
tâm được chánh niệm bảo vệ không bị phiền não quấy
phá bởi ái dục, sân hận, v.v...nên tâm trở nên an tịnh
trong sạch, tạo nên loại hạnh phúc bình an tĩnh lặng, santi,
một loại hạnh phúc thanh khiết, trong sạch, không pha trộn.
Những
ai thích hạnh phúc ngũ dục sẽ cho rằng hạnh phúc ngũ dục
là loại hạnh phúc cao nhất, đáng hưởng thụ nhất. Họ
không muốn từ bỏ, sợ hãi phải từ bỏ hay bị mất mát.
Cho đến khi tới đây, thực hành thiền Minh Sát, thực hành
đúng phương pháp, đạt kết quả, tự bản thân chứng nghiệm
được hạnh phúc thanh tịnh thuần khích từ trạng thái tâm
trong sạch, an tịnh, không giao động, bạn mới hiểu được
hạnh phúc phi ngũ dục vượt trội biết bao lần hạnh phúc
ngũ dục. Bạn hiểu được lợi lạc của sự luyện tâm nên
cảm kích pháp hành. Bạn phát triển đức tin, thực hành nghiêm
túc và cẩn trọng để rồi cuối cùng bạn sẽ chứng nghiệm
loại hạnh phúc vô biên không gì sánh bằng. Đó là hạnh
phúc Niết Bàn, loại hạnh phúc giải thoát cao tột, vô biên.