|
. |
Phật Học Tinh Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Trọn bộ 3
thiên
---o0o---
Phật Giáo Với
Gia Ðình
Tiết mục:
I. Lược thuyết về năm thừa
II. Bổn phận cha con
III. Bổn phận vợ chồng
IV. Bổn phận chủ tớ
Kinh sách trích dẫn: Các Kinh: Biện-Ý-Trưởng-Giả-Tử, Thiện-Sanh,
Trường-A-Hàm, Ðại-Tập, Tâm-Ðịa-Quán, Tạp-Bảo-Tạng, Tịnh-Phạn-Niết-Bàn,
Bản-Sự, Vu-Lan-Bồn, Ngọc-Gia-Nữ, Trưởng-Giả-Pháp-Chí-Thê.
Ðề yếu: Nhiều người hiểu lầm rằng: Tu phải là kẻ lớn tuổi, phải lìa bỏ
tất cả việc đời, vui phận thanh đạm nâu sồng, sớm kệ chiều kinh, dưa muối
chay lòng, gió trăng mát mặt. Tắt một lời: họ cho Tu-sĩ phải là con người
thế ngoại. Những vị ấy chưa quan niệm được nghĩa tu là sửa đổi, sửa xấu
thành tốt, dở ra hay, ác hóa lành, vọng thành chơn, phàm thành thánh. Và
tu đã là sửa đổi, thì bất luận nam, nữ, già, trẻ, sang, hèn, tùy phần mình
ai cũng có thể tu được.
Ðức Phật ra đời không phải vì lợi ích riêng cho một hạng người, nên Ngài
đã tùy cơ diễn giảng năm thừa: Về Nhơn-thừa, một trong năm nấc thang giáo
pháp, Ðức Thế-Tôn đã dạy bổn phận đối xử giữa cha và con, chồng vợ, chủ
tớ... như sự trích dẫn nơi các tiết của bản chương. Ðã biết Phật-pháp bao
hàm thế pháp, nếu nhận thức sâu hơn, các bạn có thể xóa tan quan niệm ranh
giới giữa hai khu vực ấy.
Tiết I: Lược Thuật Về Năm Thừa
Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục,
Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Ba nẻo trước gọi là ác thú hay ác đạo,
hai nẻo sau là thiện thú hoặc thiện đạo. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp
lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo.
Nhân duyên ấy như thế nào? Trong kinh Biện-Ý-Trưởng-Giả-Tử, Đức Phật nói:
“Có năm việc được sanh lên cõi trời:
1- Giữ hạnh từ bi không giết hại loài hữu-tình;
thường phóng sanh, nuôi dưỡng, ái hộ vật mạng, khiến cho chúng được yên
ổn.
2- Giữ hạnh hiền lương không tham lam, không trộm
cướp tài vật của kẻ khác; bố thí giúp đỡ người nghèo nàn khốn khổ.
3- Giữ hạnh trinh tiết không ngoại tình; tinh tiến
phụng trì trai giới.
4- Giữ hạnh thành tín không khi dối người; tránh
bốn điều vọng ngữ; thực hành bốn điều chân ngữ.
5- Không say mê rượu hoặc bài bạc, khéo giữ tâm trí
sáng suốt xa lìa nhiễm duyên
Có năm việc được sanh cõi người:
1-
Bố thí, thi ân trạch đối với kẻ bần cùng.
2-
Giữ giới, không phạm mười điều ác.
3- Nhẫn nhục, không làm não người.
4- Tinh tiến, khuyến hóa kẻ giải đãi.
5- Nhất tâm, trọn hiếu, tận trung. Giữ trong năm
điều nầy, sẽ làm người giàu sang, sống lâu, khỏe đẹp, có oai đức; hoặc làm
vua chúa được mọi người kính mến thừa sự.
Có năm việc bị đọa vào loài Bàng-sanh:
1- Phạm giới, ngoại tình, trộm cướp.
2- Mắc nợ mà lừa lọc, ngang ngạnh, không chịu trả.
3- Ưa sát sanh, rượu thịt.
4- Không chịu nghe học kinh pháp.
5- Say mê theo tục duyên, không thích trì trai, giữ
giới, bố thí.
Có năm việc bị đọa vào loài Ngạ-quỷ:
1- Bỏn sẻn không thích bố thí.
2- Trộm cắp, bất hiếu với cha mẹ.
3- Ngu tối hẹp hòi, không có lòng rộng rãi, xót
thương.
4- Chứa cất nhiều tiền của mà không dám ăn mặc, chi
dùng.
5- Có tiền của, song không cấp dưỡng cha mẹ, anh
em, vợ con, tôi tớ.
Có năm việc bị đọa Địa-ngục:
1- Không tin, Phật, Pháp, Tăng, khinh báng
thánh-đạo.
2- Phá hoại chùa miếu.
3- Hủy báng bốn chúng của Phật, lung lăng không tin
việc nhân-quả-tội-phước.
4- Ngỗ nghịch, không biết thượng hạ tôn ty, chẳng
kể quân thần phụ tử, không chịu thuận tùng phục thiện theo lẽ phải.
5- Không nghe lời dạy chân chánh của thầy, tự cao,
khinh mạn, hủy báng sư trưởng.
- Nầy Biện Ý! Ðó là những nhân duyên sanh về thiện hay ác đạo”. (Kinh
Biện-Ý-Trưởng-Giả-Tử)
Bởi chúng-sanh đều có tánh Phật và đều có thể thành Phật, nên Như-Lai vận
đức từ vô duyên, lòng bi đồng thể, nói ra năm thừa. Trong năm thừa nầy,
Nhơn và Thiên-thừa được thi thiết với mục đích khiến cho chúng-sanh khỏi
bị đọa vào ba đường ác khổ não, giữ thân trời, người, để lần lần gặp nhân
duyên nghe pháp đắc ngộ. Nhưng phước nhơn thiên vẫn là hữu lậu, vô thường,
còn trong nẻo luân-hồi, khó bảo đảm khỏi bị sa đọa, nên Đức Phật nói ra
Thanh-Văn và Duyên-Giác-thừa, để loài hữu-tình thoát ly ba cõi, được vĩnh
viễn an vui. Tuy nhiên, hai thừa nầy còn chưa đi đến chỗ giải thoát cứu
cánh; vì thế Ðức Như-Lai lại nói ra Bồ-Tát-thừa để hàng tiểu quả tiến tu
chứng lên cảnh an vui tự tại cực điểm là ngôi viên giác của Phật.
Tóm lại, Nhơn-Thiên-thừa chỉ là thế gian pháp trong Phật-pháp. Thanh-Văn,
Duyên-Giác-thừa lấy cảnh Vô-dư-niết-bàn làm chỗ quy túc, tuy cũng xót
thương cứu độ loài hữu-tình, nhưng lại chủ trương theo đường lối xuất thế.
Còn Bồ-Tát-thừa thì quy túc nơi cảnh Vô-trụ-niết-bàn; vì Niết-bàn nên
không đắm nhiễm thế gian, vì Vô-trụ nên không lìa bỏ thế gian, hằng gần
gũi với đời, vận lòng bi trí tiến tu phước huệ cho đến khi thành Phật. Ðây
tức là xuất thế mà nhập thế, nhập thế mà xuất thế vậy.
Nếu ngộ tất cả pháp là Phật-pháp, thì dù nhập thế hay xuất thế, đối với
thế gian, hành giả phải nhìn bằng con mắt bình đẳng, không nên khinh
thường.
Tiết II: Bổn Phận Cha Con
Như trên đã nói, Phật-pháp có năm thừa bao hàm cả pháp thế gian và xuất
thế gian. Ðiều nầy chứng tỏ Phật-giáo nhiếp hóa tất cả các hạng người,
không luận nam nữ, già trẻ, tăng tục, giàu nghèo, sang hèn. Có người đã
nghĩ: tu hành là phải lìa nhà vào nơi thanh vắng cạo tóc, mặc nâu sồng, ăn
chay lạt, sớm mõ chiều chuông. Có vị lại bảo: tôi mắc gia đình, còn làm
ăn, hoặc còn trẻ tuổi, chưa thể tu được. Ðó là những quan niệm sai lầm về
tu hành đối với Phật-pháp. Những đoạn kinh sau đây sẽ đính chánh quan niệm
ấy.
Phận làm cha mẹ đối với con cái phải thế nào?
Cha mẹ nên dùng năm việc để tỏ lòng thương lo săn sóc cho con:
1- Khuyên răn dạy bảo, cho học kinh sách đời và
đạo.
2- Con lớn lên, lo phần đôi bạn, trai cưới vợ, gái
gả chồng.
3- Mưu tính sự lợi ích cho con.
4- Giúp con gầy dựng cơ nghiệp.
5- Ðem tiền của phân cấp cho con cái. (Kinh
Phật-Thuyết-Thiện-Sanh-Tử)
Bổn phận con đối với cha mẹ như thế nào? Con cái có năm điều phải thuận
thảo với cha mẹ:
1- Chăm lo học tập hoặc siêng năng làm việc để giúp
đỡ song thân.
2- Săn sóc thức ăn uống cho cha mẹ khi hôm sớm.
3- Ðừng có hành động gì để cha mẹ phải lo buồn.
4- Thường nghĩ ơn cúc dục, luôn luôn lo báo bổ.
5- Khi song thân đau yếu, già nua, phải lo phần
thuốc thang và phụng sự cho chu đáo. (Kinh Thiện-Sanh)
Lại, đạo làm con phải kính dưỡng cha mẹ theo năm điều:
1- Tùy phần, làm hết sức mình trong việc cung phụng
song thân.
2- Có hành động gì phải thưa trước cho cha mẹ biết.
3- Khéo uyển chuyển, đừng tỏ ra ngỗ nghịch đối với
bề trên.
4- Cha mẹ bảo điều phải, chớ nên trái ý.
5- Ðừng gàn trở, nên nối chí cha mẹ trong công việc
chánh đáng. (Kinh Trường-A-Hàm)
Cha mẹ có ân lớn đối với con. Nếu đời không Phật, khéo thờ cha mẹ tức là
thờ Phật. (Kinh Ðại-Tập)
Và, với con, người từ mẫu có mười đức:
1- Như đất chở: vì khi con chưa sanh, con nương nơi
thai làm cho mẹ phải chịu nhiều điều nặng nhọc.
2- Hay sanh nở: ngày lâm bồn, mẹ phải trải qua
nhiều đau khổ, thừa sống thiếu chết.
3- Khéo nâng sửa: thường dùng tay nâng sửa năm vóc
cho con.
4- Chăm dưỡng dục: mẹ nằm chỗ ướt, để con nằm chỗ
khô, bú sữa mớm cơm cho hài nhi, tùy nghi các mùa nuôi cho khôn lớn.
5- Cho trí huệ: thường dùng phương tiện khiến cho
con phát sanh sự hiểu biết.
6- Hằng trang nghiêm: tùy phần lực, may y phục đẹp,
hoặc sắm đồ trang sức cho con.
7- Năng an ổn: thường bồng ẵm, ôm con vào lòng cho
nó được yên nghỉ.
8- Lo dạy dỗ: dắt dìu, dùng nhiều cách dạy dỗ con
từ chút.
9- Hay khuyên răn: dùng lời từ hòa nhắc nhở, răn
dạy con tránh chỗ hiểm nguy, xa nơi xấu ác.
10- Cho sự nghiệp: lo cho con có gia đình, sự
nghiệp, tùy sở hữu thường cung cấp, thậm chí con đi xa, mẹ tựa cửa ngóng
trông.
Nầy Thiện-nam-tử! Vì thế các ông phải siêng năng tu tập để báo ân đức mẹ
cha. (Kinh Tâm-Ðịa-Quán)
Không những Đức Phật đem đạo hiếu dưỡng dạy người, mà trong tiền thân cho
đến khi thành chánh-giác, Ngài cũng đã thực hành theo hạnh thảo thuận ấy.
Như đoạn kinh sau đây:
Ðời quá khứ lâu xa về trước, trong núi Tuyết có con chim Anh-Võ, vì cha mẹ
già mắt lại mù, nên thường bay đi các nơi hái trái ngon đem về phụng dưỡng
song thân. Bấy giờ có người điền chủ, trong khi gieo giống phát nguyện
rằng: “Xin chư thần giúp đỡ cho hoa màu của tôi được tốt. Những lúa nầy
khi kết hạt, xin cấp cho tất cả chúng-sanh cùng hưởng”. Chim Anh-Võ nghe
biết người điền chủ có tâm bố thí, nên vừa lúc lúa chín, thường lấy về
cung phụng cha mẹ. Một hôm, điền chủ đi thăm ruộng thấy lúa mình bị loài
phi cầm ăn hao hớt khá nhiều, bỗng sanh lòng ác não, liền làm một cái bẫy
lưới và kết quả bắt được chim Anh-Võ. Khi bị sanh cầm, Anh-Võ nói với điền
chủ: “Trước kia ông đã có tâm bố thí, nên tôi mới dám đến đây lấy lúa, sao
nay ông lại bắt tôi? Ðiền chủ hỏi: “Ngươi lấy lúa cho ai ăn?” - Ðáp: “Tôi
có cha mẹ già lại mù lòa, nên lấy đem về cấp dưỡng”. Ðiền chủ bỗng ngậm
ngùi bảo: “Loài chim chóc còn biết hiếu thuận như thế, huống nữa là người?
Từ đây về sau, ta cho phép ngươi tự tiện đến lấy lúa. Chớ nghi ngờ sợ hãi
chi cả!”
Ðức Phật bảo các Tỷ-khưu: “Chim Anh-Võ con thuở xưa, chính là tiền thân
của ta ngày nay. Vị điền chủ lúc ấy là Xá-Lợi-Phất đây. Và hai con chim
Anh-Võ già lại mù lòa, là Tịnh-Phạn-Vương cùng Ma-Gia phu-nhân, cha mẹ đời
hiện tại của ta vậy”. (Kinh Tạp-Bảo-Tạng)
Bấy giờ, Tịnh-Phạn-Vương đau nặng sắp mất, trông nhớ Đức Phật, cùng con
thứ là Nan-Ðà, điệt tử A-Nan và tôn tử La-Vân.
Ðức Phật biết được, liền cùng các vị ấy dùng sức thần túc đi đến vương
cung. Khi đến nơi Ðức Thế-Tôn phóng ánh sáng rực rỡ báo tin cho hay trước,
rồi vào cung an ủi rằng: “Xin Phụ-vương chớ lo buồn suy nghĩ, vì tất cả
pháp hữu vi đều vô thường và đạo đức của Phụ-vương cũng đã thuần bị”. Nói
xong, từ trong áo cà-sa, Ðức Thế-Tôn đưa ra cánh tay sắc vàng, bàn tay như
hoa sen, rờ nơi trán vua cha, ân cần thuyết pháp.
Sau khi nghe Phật an ủi và nói pháp yếu, Tịnh-Phạn-Vương trong lòng vui
vẻ, nắm tay Phật để lên ngực mình, rồi thưa rằng: “Ðức Như-Lai là bậc chí
nhân, chúng-sanh nào thấy từ dung, nghe thuyết pháp, đều được lợi ích. Nay
tôi được chiêm ngưỡng Như-Lai và thấy các vị Tôn-giả, tâm nguyện đã mãn.
Xin từ đây giã biệt!” Nói xong, vua chắp hai tay nơi ngực, tỏ dấu tâm lễ
Ðức Thế-Tôn, rồi yên ổn mà qua đời. Lúc ấy bàn tay của Phật còn để trên
ngực vua cha.
Khi đó, các hàng Thích-tử theo nghi thức tắm rửa tẩm liệm, rồi để kim quan
Tịnh-Vương ra nơi bảo tòa. Ðức Phật nghiêm túc đứng trước, Nan-Ðà và
La-Vân đứng sau linh quan. Ngài A-Nan quỳ bạch Phật rằng: “Xin Thế-Tôn cho
con đỡ linh quan của bá phụ”. La-Vân lại thưa: “Con cũng xin đỡ quan quách
của tổ vương”.
Bấy giờ Ðức Thế-Tôn nghĩ người đời sau phần nhiều ngỗ nghịch với cha mẹ,
không tưởng đến ân dưỡng dục; Ngài muốn làm gương khuyến hóa kẻ bất hiếu
hậu thế, nên đưa tay ra sắp đỡ linh quan để lên vai. Lúc ấy cõi Ðại-thiên
hốt nhiên chấn động sáu cách, các núi lớn nhỏ đều rung chuyển mạnh. Tất cả
chư thiên ở Dục-giới đồng bay xuống phó tang. Phương bắc, Tỳ-Sa-Môn
thiên-vương đem các thần Dạ-xoa, phương đông Ðề-Ðầu-Lại-Tra thiên-vương
đem các thần Kỹ-nhạc, phương nam Tỳ-Lâu-Lặc-Xoa thiên-vương đem các thần
Cưu-bàn-trà, phương tây Tỳ-Lưu-Bác-Xoa thiên-vương cũng đem các Long-thần
bay xuống. Bốn vị Thiên-vương thành khẩn quỳ bạch Phật, xin cho mình thay
thế đỡ linh quan vua Tịnh-Phạn. Ðức Thế-Tôn nhận lời, rồi tự bưng lư hương
chậm rãi dẫn tang đi trước, đến chỗ trà tỳ. (Kinh
Tịnh-Phạn-Vương-Bát-Niết-Bàn)
Như trước đã nói, công ơn của cha mẹ đối với con rất sâu dày. Vậy bổn phận
làm con phải làm thế nào để báo đáp? Ðức Phật đã dạy:
- Chúng-sanh có mối thâm ân khó đền đáp, đó là ơn cha mẹ. Giả sử có người
suốt đời thường để cha mẹ trên hai vai, cung cấp cho áo mặc thức ăn và mọi
thứ cần dùng, khi bịnh lại thuốc thang săn sóc, cũng chưa thể báo được ân
sâu ấy. Tại sao thế? Vì ơn cha mẹ đối với con rất cao dày. Ðại khái như
những việc: chịu khổ lúc mang thai; sanh sản; chăm nom phần bú sữa sú cơm;
thường tắm rửa cho sạch sẽ không kể sự hôi nhơ; dùng lòng từ ái săn sóc
nuôi con cho đến khi khôn lớn; cung cấp cho trẻ y phục, thức ăn ngon, đồ
chơi hoặc vật trang điểm; dạy dỗ con cách nói năng, những nghi thức, cho
học hành; lo lắng khi con đau yếu; tâm thường muốn cho trẻ khỏi khổ được
vui; chăm non tưởng nghĩ đến con như bóng theo hình.
- Ân cha mẹ đã sâu như thế, con phải đền đáp thế nào cho xứng!
- Nếu cha mẹ đối với Phật, Pháp, Tăng, không có lòng tin tưởng, con phải
dùng phương tiện giảng giải, khuyến khích, tán dương về sự lợi ích phụng
sự Tam-bảo, cho song thân sanh lòng tin. Như cha mẹ không giữ tịnh giới,
con phải khuyên lơn cho thọ trì cấm giới. Nếu song thân chưa hiểu rộng về
Phật-pháp, con phải dùng phương tiện khiến cho nghe hiểu chánh-pháp. Hoặc
cha mẹ có tánh tham lam bỏn sẻn, không ưa bố thí, con phải giải rõ sự lợi
hại trong việc ấy, và khuyên cho sanh tâm rộng rãi, thích làm việc bố thí.
Nếu song thân bẩm tánh ngu tối, con phải thường dẫn giải, khuyến khích về
đạo pháp, chỉ phương châm tu hành, cho cha mẹ phần thắng huệ.
Làm con đối với song thân như thế, mới gọi là chân thật báo đáp thâm ân.
(Kinh Bản-Sự)
- Ðức Phật bảo: “Các thiện nam, thiện nữ! Nếu hàng Phật-tử muốn tu hiếu
thuận, nên thường tưởng niệm công ơn dưỡng dục, ân cần phụng sự cha mẹ
hiện tại và nghĩ cách cứu độ song thân trong bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm
tháng bảy, người con phải sắm lễ Vu-Lan-Bồn cúng Phật và Tăng, để báo đáp
ân đức trưởng dưỡng từ ái ấy.
Tất cả đệ-tử của Phật đều nên phụng trì pháp nầy. (Kinh
Phật-Thuyết-Vu-Lan-Bồn)
Tiết III: Bổn Phận Vợ Chồng
Trong gia đình người chồng nên khéo giữ năm việc đối với vợ:
1- Phải kính trọng, biết chiều thuận vợ theo lời
khuyên hợp lý, đừng nên có thái độ rẻ rúng, tự chuyên.
2-
Ðể ý săn sóc vợ trong việc ăn mặc.
3- Tùy phần sắm sửa đồ tư trang cho vợ.
4- Tín cẩn và giao phó cho vợ hiền nhà cửa, tiền
bạc cùng của cải.
5- Không nên ngoại tình, tư riêng, để cho vợ sanh
lòng lo buồn.
Ðối lại, vợ cũng có năm việc phụng sự chồng:
1- Chồng ở ngoài về, phải vui vẻ đón chào.
2- Chồng đi làm, vợ ở nhà phải quét dọn sửa sang
trong ngoài cho ngăn nắp sạch sẽ, và lo sẵn cơm nước chờ về để cùng ăn.
3- Không được ngoại tình; đôi khi bị chồng rầy la,
phải nhẫn nại và nhẹ nhàng giải thích, chẳng nên cau có cãi mắng lại.
4- Biết nghe lời phải của chồng, không được cất
giấu để của tư riêng.
5- Ban đêm, đợi chồng vào nằm rồi, tự mình kiểm
soát cửa nẻo, đậy cất đồ vật, rồi mới đi nghỉ sau.
Nói rộng ra, bổn phận người vợ phải gắng giữ trọn vẹn mười bốn điều:
1- Khéo léo trong việc làm.
2- Vâng lời và làm cho xong việc chồng dặn dò, giao
phó.
3- Cẩn thận trong việc xuất nhập, chi thu.
4- Sáng dậy sớm.
5- Tối ngủ muộn.
6- Rành rẽ việc nội trợ, nên tập cho biết các việc
cần thiết để giúp chồng.
7- Trọn bổn phận khi chồng đi vắng.
8- Săn sóc hỏi han chồng.
9- Dáng điệu từ hòa.
10- Nói năng nhu thuận.
11- Sửa sang dọn dẹp bàn ghế đồ đạc cho có ngăn
nắp.
12- Khéo léo, sạch sẽ trong việc nấu ăn.
3- Rộng rãi, bố thí.
14- Sắm các thức cần dùng cho chồng.
Ðiểm cần yếu là vợ chồng phải trung thật với nhau, không nên có ngoại tâm.
Bởi sự tà dâm có sáu điều nguy hại:
1- Khó giữ vẹn thân mình.
2- Gây sự xáo trộn buồn rầu cho gia đình con cái.
3- Công việc sanh nhai có thể do đó thất bại, sự
sản tiêu hao.
4- Thân thuộc khinh chê, trong gia đình thường có
sự hiềm nghi, chống trái.
|