|
. |
Phật Học Tinh Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Trọn bộ 3
thiên
---o0o---
Từ Ðức Thích Ca Đến Phật Di Lặc
Tiết mục:
I. Phật-pháp trong ba thời kỳ
II. Phật-pháp trong năm thời kỳ
III. Những lời huyền ký về thời mạt kiếp
IV. Đức Từ-Thị và hội Long-Hoa
Kinh sách tham khảo: Tam-Tạng-Ký-Lục, Nhơn-Vương-Kinh-Sớ, Kinh
Đại-Tập-Nguyệt-Tạng, Tân-Bà-Sa-Luận, Kinh Đại-Bi, Kinh Ma-Ha-Ma-Gia, Kinh
Pháp-Diệt-Tận, Kinh Di-Lặc-Hạ-Sanh, Kinh Trường-A-Hàm, An-Sĩ-Toàn-Thơ,
Thái-Hư-Toàn-Thơ.
Đề yếu: Muôn vật giữa đời, có thạnh tất có suy, dù cho đạo pháp của Phật
cũng vậy. Nhưng động cơ chánh trong sự suy vong của nền đạo là do con
người chớ không phải do giáo pháp. Như hiện thời có thể nói Tam-tạng
Kinh-điển đầy đủ hơn xưa, nhưng sở dĩ gọi là mạt-pháp, vì con người kém
đạo đức căn lành không giữ đúng theo lời dạy của Phật. Cho nên người xưa
có câu: “Nhơn năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhơn”, chính là ý nầy, “Người
hay mở mang cho đạo, không phải đạo mở mang cho người”, câu nầy chỉ có ý
nghĩa phiến diện!
Về đạo Phật, theo thuyết tam thời, thì hiện tại là thời mạt-pháp; theo
thuyết ngũ thời, hiện tại chính nhằm thời đấu tranh. Từ đây về sau, cứ
đúng theo thật tế mà nói, Phật-pháp có ở trong tình trạng tiệm suy, nếu có
vùng dậy cũng chỉ trong giai đoạn tạm thời, hay hoặc chỉ có ảnh hưởng bên
ngoài. Vậy, nhất là hàng Phật-tử, càng nên cố gắng thật học, thật tu, để
duy trì pháp vận, lợi ích thế gian, và phải làm với hết sức của mình. Tuy
nhiên, hết thạnh rồi suy, hết suy lại thạnh, Phật Thích-Ca đã nhập diệt,
Ðức Di-Lặc sẽ kế tiếp giáng sinh, nên chung qui chánh-pháp vẫn là bất
diệt, chẳng qua chỉ tạm ẩn để phục hưng đấy thôi.
Những vị muốn được dự vào Long-Hoa-tam-hội, nên kết duyên bằng cách quy
kính hộ trì Tam-bảo và thiết thực hành thiện ngay trong lúc nầy.
Tiết I: Phật Pháp Trong Ba Thời Kỳ
Khi một Đức Phật ra đời rồi nhập diệt, đạo pháp của vị giáo chủ ấy được
chia thành ba thời kỳ là: chánh-pháp, tượng-pháp và mạt-pháp. Về pháp vận
của Ðức Thích-Ca, tham khảo trong ba tạng, các kinh, luật, luận đều nói có
hai thời chánh và tượng; luận Câu-Xá, kinh Tạp-A-Hàm duy nói một thời
chánh-pháp; riêng kinh Đại-Bi là có nói đủ ba thời mà thôi.
Về vấn đề trên, các Kinh-luận ghi chép cũng không đồng, đại khái có bốn
thuyết:
1. Chánh-pháp 1.000 năm, tượng pháp 1.000 năm, mạt-pháp 10.000 năm, là
thuyết của kinh Đại-Bi. Kinh Tạp-A-Hàm nói chánh-pháp 1.000 năm,
Luật-Thiện-Kiến nói chánh, tượng đều 1.000 năm; hai bộ kinh và luật nầy
tuy một không đề cập đến tượng, mạt, một không nói về mạt-pháp, song đại
lược cũng đồng với thuyết của kinh Đại-Bi.
2. Chánh-pháp 500 năm, tượng pháp 500 năm, là thuyết của kinh
Đại-Thừa-Tam-Tụ-Sám-Hối.
3. Chánh-pháp 1000 năm, tượng pháp 500 năm, là thuyết của kinh Bi-Hoa
4. Chánh-pháp 500 năm, tượng pháp 1.000 năm, là thuyết của các kinh:
Đại-Tập-Nguyệt-Tạng, Hiền-Kiếp, Ma-Ha-Ma-Gia. Cổ lai, các bậc danh Đức
Phật-giáo bên Trung-Hoa đều thể dụng thuyết chánh-pháp 500 năm, tượng pháp
1.000 năm, và y cứ theo kinh Đại-Bi thêm vào phần mạt-pháp 10.000 năm.
Sao gọi là chánh, tượng và mạt-pháp? Sở dĩ nói chánh-pháp, vì “chánh” có
nghĩa là “chứng”. Trong thời kỳ nầy, Ðức Thế-Tôn tuy đã nhập diệt, nhưng
pháp nghi chưa cải, có giáo lý, có kẻ hành trì, có nhiều người chứng quả.
Nói tượng-pháp, vì “tượng” có nghĩa “tương tợ”, tức là mường tượng. Trong
thời kỳ nầy đạo hóa chỉ còn mường tượng, pháp nghi lệch lạc, tuy có giáo
lý, có người hành trì, nhưng rất ít kẻ chứng đạo. Nói mạt-pháp, vì “mạt”
hàm ý “vi mạt”, nghĩa là mong manh nhỏ nhiệm, như chót đầu lông chim nhỏ,
như hạt bụi điểm sương. Trong thời kỳ nầy đạo hóa suy vi, tuy có giáo lý,
song rất ít kẻ hành trì đúng pháp, huống chi là chứng đạo?
Nhơn-Vương-Kinh-Sớ nói: “Có giáo lý, có hành trì, có quả chứng, gọi là
chánh-pháp. Có giáo lý, có hành trì không quả chứng, gọi là tượng-pháp. Có
giáo lý, không hành trì, không quả chứng, gọi là mạt-pháp”. Thật ra, thời
tượng pháp chẳng phải là không có quả chứng, song bậc chứng quả như sao
buổi sáng trên nền trời, khó tìm khó gặp; thời mạt-pháp chẳng phải là
không có người hành trì, song kẻ hành trì đúng theo giáo lý rất ít, hầu
như không có, nên mới gọi là không hành trì.
Trên đây là thuyết minh đại lược ba thời kỳ chánh, tượng, mạt và di-pháp
của Ðức Thích-Ca-Mâu-Ni. Dẫn ra đoạn nầy, không phải bút giả cố ý gây quan
niệm chán nản tiêu cực cho hàng Phật-tử; nhưng ngoài sự trình bày để người
học Phật biết thế nào là chánh, tượng, mạt, còn nói lên lời nhắc nhở đồng
nhơn nên nhìn vào thật hạnh, đừng để cho pháp đã mạt lại càng thêm mạt.
Tiết II: Phật Pháp Trong Năm Thời Kỳ
Theo Kinh Đại-Tập-Nguyệt-Tạng, sau khi Ðức Thế-Tôn niết-bàn, Phật-pháp sẽ
diễn biến qua năm thời kỳ, từ thạnh đến suy. Năm thời ấy gọi là
Ngũ-kiên-cố, mỗi giai đoạn là 500 năm. Hai chữ kiên-cố trong đây, ý nói
tùy mỗi thời, nghiệp duyên và tâm niệm của chúng-sanh hướng theo mỗi chiều
hướng một cách bền chắc, ví như gốc cây to rễ bám đã sâu, khó nhổ lên hoặc
xô cho lay chuyển. Danh từ kiên-cố nầy, các Kinh-luận khác cũng thường
dùng, như kinh Pháp-Hoa có câu: “Diệu-Quang giáo hóa nay kiên-cố”. Năm
thời kiên-cố như sau:
1. Giải-thoát-kiên-cố: Sau khi Ðức Thế-Tôn niết-bàn, trong 500 năm đầu
tiên, đệ-tử của Phật có nhiều vị chứng quả, được vào cảnh an vui giải
thoát. Thời kỳ nầy các phương diện học, tu, chứng đều thạnh, hành nhơn
hiểu sâu lẽ mầu, giữ gìn giới hạnh, một trăm người tu có đến sáu bảy mươi
vị đắc đạo. Bấy giờ trong nhơn gian đầy dẫy những bậc thánh-hiền.
2. Thiền-định-kiên-cố: Sang 500 năm thứ hai, hàng Phật-tử xuất-gia,
tại-gia tuy ít kẻ chứng đạo như thời gian trước, song phần nhiều đều thực
hành đúng theo lời Phật dạy, đi sâu vào cảnh giới thiền định. Giai đoạn
nầy, trong một trăm người tu, có được sáu, bảy người chứng đạo.
3. Đa-văn-kiên-cố: Qua 500 năm thứ ba, đạo căn của chúng-sanh đã cạn cợt
hơn trước, người tu Phật đa số chỉ thích học rộng nghe nhiều; các phương
diện diễn dịch kinh sách, biện luận đạo lý được thạnh hành khắp nơi. Lúc
nầy kẻ thiết thật cầu giải thoát thâm nhập thiền định, còn ít có người,
huống chi là chứng quả. Tuy nhiên, trong muôn ức người tu, cũng có đôi ba
bậc đắc đạo.
4. Tháp-tự-kiên-cố: Sang 500 năm thứ tư, Phật-giáo đồ phần nhiều hướng về
việc cất chùa, xây tháp, bố thí, tụng kinh để cầu phước báo; về phương
diện văn tự rất ít có người, huống nữa là tu? Thuở xưa, cũng vào khoảng
thời gian nầy, bên Trung-Hoa có một bậc cao tăng là Tĩnh-Công. Sau khi
ngài tham thiền ngộ đạo, một vị tôn túc bảo rằng: “Ngày kia ông ra hoằng
hóa, dưới tòa có đến 1.000 tăng chúng, song không kẻ nào là bậc xuất-gia”.
Quả nhiên, sau Tĩnh-Công đáp lời yêu thỉnh của Tiền-công, về trụ trì một
ngôi chùa, tăng chúng quy tụ đến số ngàn, song chỉ toàn là hạng tụng kinh
để gieo căn lành phước báo ở tương lai, không có vị nào tham thiền ngộ
đạo. Cổ-đức quan niệm rằng: nghĩa chân thật của “xuất-gia” là phải ra khỏi
nhà tam giới, hay ít nữa ra khỏi nhà phiền não, không phải chỉ ra khỏi nhà
thế tục vào cửa chùa, cạo tóc mặc áo cà-sa là đủ. Cách bốn mươi năm về
trước, những bạn đồng tham với Tĩnh-Công, trong 1.000 người cũng được bảy
tám mươi vị đại ngộ; không ngờ qua một thời gian chẳng bao lâu mà lại có
sự sai biệt dường ấy! Sự kiện nầy tương tợ các sông rạch gặp cơn nước kém,
mỗi ngày mực nước mỗi thấp xuống; căn cơ của chúng-sanh trong thời giảm
kiếp cũng như vậy.
5. Đấu-tranh-kiên-cố: Đến 500 năm thứ năm, nhơn loại vì ngã chấp nặng, tự
ái nhiều, chẳng những ngoài đời thường xảy ra cảnh tượng tranh đua giết
hại lẫn nhau, mà trong đạo cũng lắm kẻ chen lấn trên đường danh nẻo lợi.
Giai đoạn nầy, hàng đệ-tử Phật tuy nhiều, song đối với Tam-tạng Kinh-điển
ít người tin hiểu sâu, ít ai thiết thật vì đạo, đi đúng với đạo trên
phương diện tự lợi lợi tha. Kinh Kim-Cang nói: “Năm trăm năm rốt sau”
chính là thời kỳ nầy.
Trong An-Sĩ-Toàn-Thơ có đoạn nói về tình trạng hơn kém của phước báo xưa
và nay như sau: “Con người do có đức nên mới được hưởng phước, nếu đức đã
giảm thì tất cả đều giảm. Chẳng hạn như: thọ số lần lần giảm, phước báo
lần lần suy, ngũ cốc lần lần mất mùa, bảy báu lần lần ẩn một, y thực lần
lần khó khăn, dung mạo lần lần thô xấu, tư bẩm lần lần tối tăm, tinh thần
lần lần bại nhược, phong hóa lần lần hoang sơ, thân tộc lần lần bất hòa,
sưu thuế lần lần cao nặng, tai nạn nước lửa trộm giặc lần lần thêm nhiều,
người lành lần lần điêu tàn, kẻ ác lần lần tăng thạnh, tà đạo lần lần phát
hưng, Phật-pháp lần lần hư phế. Lấy một ít việc để suy nghiệm: như thời
xưa vào đời nhà Châu, Võ-Vương thọ 93 tuổi, Văn-Vương thọ được 97 tuổi.
Trước Văn-Vương 1.000 năm, vua Hạ-Võ thọ 106 tuổi, vua Thuấn thọ 110 tuổi,
vua Nghiêu thọ 117 tuổi. Trước vua Nghiêu, vua Đế-Cốc ở ngôi 70 năm, vua
Chuyên-Húc ở ngôi 78 năm, vua Thiếu-Hạo ở ngôi 84 năm, vua Huỳnh-Đế ở ngôi
100 năm, vua Viêm-Đế ở ngôi 140 năm. Thời gian tại vị mà còn dài như thế,
thọ số tất cao biết dường nào! Thế thì thuyết nhà Phật nói thọ lượng nhơn
loại lúc cực tăng được 84.000 tuổi, khi vào giảm kiếp qua 100 năm bớt một
tuổi, không phải là việc hoang đường. Cho nên Hàn-Dũ dâng biểu tâu nói
thời xưa không có Phật mà nhơn loại sống lâu, đời nay có Phật mà thiên hạ
chết yểu, là bởi ông ta chưa rõ thuyết giảm kiếp của nhà Phật. Ðức
Thích-Ca ra đời lúc nhơn thọ giảm còn 100 tuổi, thuở ấy nhằm thời đại
Châu-Chiêu-Vương của Trung-Hoa. Bấy giờ thọ số con người thường trên dưới
100 tuổi nên theo pháp chế nhà Châu, trai gái đến 30 tuổi mới được phép có
chồng vợ. Từ đời Châu-Chiêu-Vương đến nay đã gần 3.000 năm, thọ số con
người chỉ trên dưới thất tuần, trai gái mới 13, 14 tuổi đã sớm nghĩ đến
đường tình ái. Lại có người khai phát những mộ cổ từ đời nhà Tùy, Đường
trở về trước, thấy xương của người xưa to lớn, so với xương người thời nay
cao hơn độ hai thước (thước Trung-Hoa). Thế thì thuyết “khi nhơn thọ cao,
sắc thân của loài người tùy theo thọ số mà cao lớn” cũng không phải là
điều huyễn hoặc. Về trân bảo, như thuở đời Hạ, Thương, Châu, khi các vương
hầu tống tặng nhau, thường sắm lễ vàng ròng mấy muôn lượng, ngọc bạch bích
mấy trăm đôi, chưa từng dùng thuần bạch kim. Đến đời nhà Hán mới xen dùng
bạch kim, những thứ ngọc dạ quang ánh sáng chiếu xa đôi mươi cỗ xe, các
nước nhỏ đều có. Đến nay thì vàng, bạc là vật quí báu hi hữu, người ta lại
pha chế xen đồng bỏ vào; đây là triệu chứng bảy báu lần lần ẩn một vậy.
Thuở xưa quốc khố chứa không đủ lương tiền chi dụng trong mười năm gọi là
“bất túc”, chứa không đủ lương tiền chi dụng trong sáu năm gọi là “cấp”.
Đời nay cầu cái “cấp” còn không được; ấy chẳng phải triệu chứng sự thọ
dụng về ăn mặc lần lần khó khăn là gì? Thời xưa các bậc vương hầu còn đến
núi rừng thôn dã để cầu hiền, hoặc kết giao với người đạo đức; hàng khanh
tướng tuy sang trọng, nhưng không có công lớn chẳng dám ngồi xe quí. Người
đời nay vừa được chút quan tước đã coi rẻ bạn bè, xem thường làng xóm, cho
đến trẻ không kính già, trò ngang ngỗ với thầy. Đây là triệu chứng phong
hóa lần lần hoang sơ, đồi trụy. Thuở xưa các bậc cao tăng có khi vua mời
không đến, vua xuống chiếu thơ cầu thỉnh tất xưng tặng như bậc thầy; nên
ngài Huyền-Trang tịch mà vua Cao-Tôn bãi triều ba ngày, và các bậc hiền
vương hoặc thường giá lâm đến chùa, hoặc thỉnh pháp nơi nội điện. Đời nay
hàng sĩ thứ thấy tượng Phật không lễ, gặp bậc cao-tăng không chào; ấy cũng
bởi bên trong ít người đạo đức, bên ngoài nhiều kẻ ngạo kiêu. Đây chính là
triệu chứng Phật-pháp lần lần điêu phế vậy.
Tóm lại, năm thời kiên cố đi theo chiều kiếp giảm, nên căn lành của
chúng-sanh càng ngày càng kém. Phước đức căn lành của nhơn loại càng kém,
thì trong đạo càng ngày ít bậc cao-tăng, ngoài đời càng ngày thêm nỗi đảo
điên tai nạn. Cảm tác cảnh thanh tu giải thoát của người xưa,
Bát-Chỉ-Đầu-Đà đã có câu:
“Mâu tháp đăng hôn
tăng nhập định.
Tùng chi nguyệt lãnh
hạc sơ hoàn”
(Giường lau đèn tối
tăng vào định.
Trăng lạnh cành thông
bóng hạc về)
Trong tăng giới ngày
nay, khó tìm được phong độ tiêu sái ấy. Gần đây, Hư-Vân thiền-sư xuất thần
lên cung trời Đâu-Xuất, được nghe Di-Lặc Bồ-Tát nói pháp
Duy-tâm-thức-định; sau cùng Bồ-Tát thuyết kệ trong ấy có câu: “Kiếp nghiệp
đương đầu. Cảnh tích phổ giác”. Đại ý của hai câu nầy, Bồ-Tát bảo ngài
Hư-Vân: “Dưới trần thế đang ở trong giai đoạn khởi đầu của tam-tai
tiểu-kiếp. Vậy ngươi hãy trở về nhắc nhở khuyên mọi người nên giác ngộ, cố
gắng tu hành”. Tân-Bà-Sa-Luận nói: “Nếu kẻ nào thọ giới bất sát đúng pháp
trong một ngày đêm, sẽ được tránh khỏi tai nạn đao binh ở tương lai. Nếu
kẻ nào đem lòng ân cần trong sạch dùng một trái Ha-lê-lặc cúng dường chư
tăng, sẽ không gặp tai nạn tật dịch ở tương lai. (Ha-lê-lặc là thứ trái có
thể trị bịnh, người muốn tịnh thí có thể dùng thuốc men để thay thế). Nếu
kẻ nào sanh tâm bi mẫn, dùng một nắm cơm bố thí cho loài hữu-tình, quyết
định không gặp tai nạn cơ cẩn ở tương lai”.
Những ai muốn chủng phước duyên, tránh tam tai tiểu-kiếp, nên thực hành
các hạnh lành như trên. Và muốn cho kiếp nạn được tiêu giảm, không chỉ sức
của một đôi người, mà tất cả mọi người phải đồng tâm hướng thiện.
Tiết III: Những Lời Huyền Ký Về Thời Mạt Kiếp
Khi Ðức Thế-Tôn sắp niết-bàn, Ngài có huyền ký tình trạng trong đời
mạt-pháp và lúc chánh-pháp sắp diệt. Xin dẫn ra đây ít đoạn để cho hàng
Phật-tử xuất-gia tại-gia tự kiểm điểm, gạn bỏ điều ác, tu tập pháp lành.
Trong kinh Đại-Bi, Đức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Khi ta niết-bàn rồi, trong
thời gian 500 năm rốt sau, nhóm người giữ giới, y theo chánh-pháp, lần lần
tiêu giảm; các bè đảng phá giới, làm điều phi pháp, ngày tăng thêm nhiều.
Do chúng-sanh phỉ báng chánh-pháp, gây nhiều ác hạnh, nên phước thọ bị tổn
giảm, các tai nạn đáng kinh khiếp nổi lên. Bấy giờ có nhiều Tỷ-khưu đắm mê
danh lợi, không tu thân, tâm, giới, huệ. Họ tham trước những y, bát, thức
ăn, sàng tòa, phòng xá, thuốc men, rồi ganh ghét tranh giành phỉ báng lẫn
nhau, thậm chí đem nhau đến quan ty, lời nói như đao kiếm.
Cho nên, A-Nan! Đối
với những vị xuất-gia tu phạm hạnh, thân khẩu ý thực hành đạo từ bi, ông
nên cung cấp những thức cúng dường cho đầy đủ. Vị nào đối với các phạm
hạnh hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc tin, hoặc làm, hoặc nhiều, hoặc ít, ông
nên làm thế nào cho họ không khởi lòng não loạn, nên vâng giữ điều nầy!
Tại sao thế? Vì trong cõi ngũ trược vào thời mạt kiếp, có nhiều sự khổ nạn
như: đói, khát, giặc, cướp, nắng hạn, bão lụt, các loài trùng phá hại mùa
màng, tóm lại có nhiều nhân duyên làm cho chúng-sanh bị xúc não.
A-Nan! Lúc bấy giờ có
các hàng trưởng-giả, cư-sĩ, tuy bị nhiều sự khổ não bức thiết, song vẫn
sanh lòng tịnh tín, cung kính tôn trọng ngôi Tam-bảo, bố thí, giữ giới,
tụng kinh, tu các công đức, khuyên người y theo Phật-pháp làm lành. Do
thiện căn đó, khi mạng chung họ được sanh về Thiên-đạo, hưởng các điều
vui. Còn các Tỷ-khưu ác kia, ban sơ dùng đức tin, tâm lành, bỏ tục
xuất-gia; nhưng sau khi xuất-gia, họ lại tham trước danh lợi, không cố
gắng tu hành, nên kết cuộc bị đọa vào ác đạo”...
Kinh Đại-Tập nói: “Trong đời mạt-pháp, có những vua, quan, cư-sĩ ỷ mình
giàu sang quyền thế, sanh tâm kinh mạn, cho đến đánh mắng người xuất-gia.
Nên biết những kẻ gây nghiệp ấy, sẽ bị tội đồng như làm cho thân Phật ra
huyết...”
Kinh Ma-Ha-Ma-Gia nói: “Khi đấng Nhất-thiết-trí vào Niết-bàn rồi, một trăm
năm sau, có Tỷ-khưu Ưu-Ba-Cúc-Đa, đủ tài biện thuyết như Phú-Lâu-Na, độ vô
lượng chúng. Hai trăm năm sau, có Tỷ-khưu Thi-La-Nan-Đà, khéo nói pháp
yếu, độ mười hai ức người trong châu Diêm-Phù. Ba trăm năm sau, có Tỷ-khưu
Thanh-Liên-Hoa-Nhãn thuyết pháp độ được nữa ức người. Bốn trăm năm sau, có
Tỷ-khưu Ngưu-Khẩu thuyết pháp độ được một vạn người. Năm trăm năm sau có
Tỷ-khưu Bảo-Thiên thuyết pháp độ được hai vạn người, và khiến cho vô số
chúng-sanh phát tâm Vô-thượng-bồ-đề. Đến đây thời kỳ chánh-pháp đã chung
mãn. Sáu trăm năm sau, 96 thứ ngoại-đạo phục hưng, nhiều tà thuyết nổi lên
phá hoại chánh-pháp. Lúc ấy có Tỷ-khưu Mã-Minh ra đời, dùng tài huệ biện
hàng phục ngoại giáo. Bảy trăm năm sau, có Tỷ-khưu Long-Thọ ra đời, dùng
sức chánh trí xô ngã cột phướn tà kiến, đốt sáng ngọn đuốc Phật-pháp. Tám
trăm năm sau, hàng xuất-gia phần nhiều tham trước danh lợi, giải đãi buông
lung, trong trăm ngàn người tu, chỉ có một ít người đắc đạo. Chín trăm năm
sau, trong giới tăng ni, phần nhiều là hạng nô tỳ bỏ tục xuất-gia. Một
ngàn năm sau, các Tỷ-khưu nghe nói pháp bất-tịnh-quán, pháp-sổ-tức, buồn
chán không thích tu tập, trong trăm ngàn người chỉ có ít người được vào
chánh định. Từ đó về sau, lần lần hàng xuất-gia hủy phá giới-luật, hoặc
uống rượu, hoặc sát sanh, hoặc đem bán đồ vật của ngôi Tam-bảo, hoặc làm
hạnh bất tịnh, nếu có con thì trai làm tăng, gái làm ni, chỉ còn số ít
người biết giữ giới hạnh, gắng lo duy trì và hoằng dương chánh giáo. Khi
áo cà-sa của tăng ni biến thành sắc trắng, đó là triệu chứng Phật-pháp sắp
diệt...”
Trong kinh Pháp-Diệt-Tận, Đức Phật bảo: “Về sau, khi pháp của ta sắp diệt,
nơi cõi ngũ trược nầy tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến
thuộc ma vào làm Sa-môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục như thế
gian, ưa thích áo cà-sa năm sắc, ăn thịt uống rượu, sát sanh, tham trước
mùi vị, không có từ tâm tương trợ, lại ganh ghét lẫn nhau. Bấy giờ có các
vị Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán vì bản nguyện hộ trì Phật-pháp, hiện thân làm
Sa-môn, tu hành tinh tấn, đạo hạnh trang nghiêm, được mọi người kính
trọng. Các bậc ấy có đức thuần hậu, từ ái, nhẫn nhục, ôn hòa, giúp đỡ kẻ
già yếu cô cùng, hằng đem kinh tượng khuyên người phụng thờ đọc tụng, giáo
hóa chúng-sanh một cách bình đẳng, tu nhiều công đức, không nệ tổn mình
lợi người. Khi có những vị Sa-môn đạo đức như thế, các Tỷ-khưu ma kia ganh
ghét phỉ báng, vu cho những điều xấu, dùng đủ cách lấn áp, xua đuổi, hạ
nhục, khiến cho không được ở yên. Từ đó các Tỷ-khưu ác càng lộng hành,
không tu đạo hạnh, bỏ chùa chiền điêu tàn hư phế, chỉ lo tích tụ tài sản
riêng, làm các nghề không hợp pháp để sinh sống, đốt phá rừng núi làm tổn
hại chúng-sanh không có chút từ tâm. Lúc ấy có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện
xuất-gia làm tăng ni, họ thiếu đạo đức, dâm dật tham nhiễm, nam nữ sống
lẫn lộn, Phật-pháp suy vi chính là do bọn nầy. Lại có những kẻ trốn phép
vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác không học không tu. Đến
kỳ tụng giới trong mỗi nửa tháng, họ chỉ lơ là gắng gượng, không chịu
chuyên chú lắng nghe. Nếu có giảng thuyết giới luật, họ lược bỏ trước sau,
không chịu nói ra hết. Nếu có đọc tụng kinh văn, họ không rành câu, chữ,
không tìm hỏi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải. Tuy thế, bề
ngoài họ cũng ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô, để hy vọng mọi người cúng
dường. Các Tỷ-khưu ma nầy sau khi chết sẽ bị đọa vào Địa-ngục, Ngạ-quỷ,
Súc-sanh trải qua nhiều kiếp. Khi đền tội xong, họ thác sanh làm người ở
nơi biên địa, chỗ không có ngôi Tam-bảo.
Lúc Phật-pháp sắp diệt người nữ phần nhiều tinh tấn, ưa tu những công đức.
Trái lại, người nam phần nhiều kém lòng tin tưởng, thường hay giải đãi
khinh mạn, không thích nghe pháp, không tu phước huệ, khi thấy hàng Sa-môn
thì rẻ rúng chê bai, xem như đất bụi. Lúc ấy, do nghiệp ác của chúng-sanh,
mưa nắng không điều hòa, ngũ sắc hư hao, tàn tạ, bịnh dịch lưu hành, người
chết vô số. Thời bấy giờ, hàng quan liêu phần nhiều khắc nghiệt tham ô,
lớp dân chúng lại nhọc nhằn nghèo khổ, ai nấy đều mong cho có giặc loạn.
Trong thế gian lúc ấy khó tìm được người lương thiện, còn kẻ ác thì nhiều
như cát ở bãi biển, đạo đức suy đồi, chư thiên buồn thương rơi lệ.
Nầy A-Nan! Lúc đạo pháp ta sắp diệt, ngày đêm rút ngắn, con người đoản
mệnh, nhiều kẻ mới bốn mươi tuổi, tóc trên đầu đã điểm bạc. Về phần người
nam, bởi nhiều dâm dật nên hay yểu chết, trái lại người nữ sống lâu hơn.
Lúc ấy có nhiều tai nạn nổi lên, như giặc cướp, bịnh tật, bão lụt, nhơn
dân hoặc không tin hiểu đó là nghiệp báo, hoặc vì sống quen trong cảnh ấy,
xem như là việc thường. Bấy giờ nếu có bậc Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán dùng
bi tâm ra giáo hóa, do nghiệp ác của chúng-sanh và sức ngoại ma xua đuổi,
cũng ít ai đến dự pháp hội. Còn bậc tu hành chân chánh, phần nhiều ẩn cư
nơi núi rừng xa vắng, giữ đời sống an vui đạm bạc, được chư thiên hộ trì.
Khi nhơn thọ giảm còn 52 tuổi, áo cà-sa của hàng Sa-môn đổi thành sắc
trắng, kinh Thủ-Lăng-Nghiêm và Bát-Chu-Tam-Muội tiêu diệt trước, các kinh
khác lần lần diệt sau, cho đến không còn văn tự.
Nầy A-Nan! Như ngọn đèn dầu trước khi sắp tắt, ánh đèn bỗng bừng sáng lên
rồi lu mờ và mất hẳn. Đạo-pháp của ta đến lúc tiêu diệt cũng có tướng
trạng như thế. Từ đó về sau trải qua ức triệu năm, mới có Phật Di-Lặc ra
đời giáo hóa chúng-sanh”.
Tiết IV: Đức Từ Thị Và Hội Long Hoa
Gần đây, có nhiều thuyết tuyên truyền nói không bao lâu hội Long-Hoa sẽ
mở, Ðức Di-Lặc sẽ ra đời giáo hóa chúng-sanh. Có người lại quả quyết rằng:
độ chừng 40 năm nữa, sẽ có hội Long-Hoa mở ra tại núi Cấm. Chẳng những ở
Việt-Nam, mà thời gian trước tại Trung-Hoa cũng có thuyết ấy. Đó là do
những người của các giáo phái khác không tham khảo chính xác về đạo Phật,
nghe nói hội Long-Hoa rồi phụ họa theo mà tuyên truyền, nếu có người thử
hỏi ý nghĩa của hai chữ Long-Hoa, không chừng họ chẳng hiểu nữa là khác!
Cũng có giáo phái cố ý đem hội Long-Hoa của đạo Phật làm của mình, nên mới
sanh ra sự đồn đãi như trên. Xét ra họ được điểm tốt là khuyên mọi người
cố gắng làm lành “để rồi gần đây sẽ gặp Di-Lặc”. Nhưng cũng có điều lỗi
lầm là đã vô tình hoặc cố ý làm sai lạc giáo thuyết trong kinh Phật.
Theo Phật-giáo, Ðức Thích-Ca ra đời lúc nhơn thọ còn 100 tuổi. Qua mỗi
trăm năm thọ số con người bớt xuống 1 tuổi, giảm đến khi nhơn thọ còn 10
tuổi rồi lại tăng lần đến lúc 84.000 tuổi là mãn tiểu-kiếp thứ chín của
trụ kiếp. Sang tiểu-kiếp thứ mười, lúc nhơn thọ từ 84.000 tuổi giảm còn
80.000 tuổi, Ðức Di-Lặc mới ra đời. Từ khi Phật Thích-Ca niết-bàn đến nay
đã được 2.508, ta tạm kể chẵn là 2.500 năm, mức sống con người hiện thời
75 tuổi là thượng thọ. Lấy mức nhơn thọ 75 tuổi kể theo số niên kiếp tăng
giảm, thì từ đây đến lúc Ðức Di-Lặc ra đời còn 8.805.500 năm nữa. Lúc Ðức
Di-Lặc thành chánh giác, Ngài ngồi nơi một gốc đại thọ, cành cây như mình
rồng, hoa nở tủa ra bốn bên như những đầu rồng, nên gọi cây nầy là
Long-Hoa-bồ-đề. Sau khi thành đạo quả, Phật Di-Lặc cũng ngồi nơi đây mà
thuyết pháp, nên lại có danh từ Long-Hoa-pháp-hội.
Theo kinh Di-Lặc-Hạ-Sanh và Trường-A-Hàm, thì khi Ðức Di-Lặc giáng sinh,
nhơn thọ được tám muôn tuổi. Bấy giờ mực nước biển giảm xuống để lộ thêm
3.300 du-thiện-na đất liền, châu Nam-Thiệm-Bộ chu vi rộng được một vạn
du-thiện-na. Dưới đây là một đoạn kinh tả cảnh tượng vui đẹp thanh bình
trong lúc đó:
Thuở ấy nước giàu thạnh
Dân không bị hình phạt
Khỏi tất cả tai ách
Chúng nam nữ trong xứ
Đều do thiện nghiệp sanh.
Đất khắp nơi bằng phẳng
Không có những chông gai
Cỏ xanh tốt dịu mềm
Đi êm như bông nệm
Ngoài nội mọc lúa thơm
Đủ hương vị ngon lạ.
Các cây sanh y phục
Mọi vẻ đều tươi sáng
Cây cao ba câu-xá
Hoa trái thường sung mãn.
Bấy giờ người trong nước
Đều sống tám muôn tuổi
Không có các tật bịnh
Tướng mạo rất xinh đẹp
Sắc lực đều đầy đủ
Tâm hằng được an vui
Khi biết mình mệnh chung
Đến Thi-lâm xả thọ.
Chỗ Luân-vương đóng đô
Là thành Diệu-Tràng-Tướng
Dọc mười hai do-tuần
Bảy do-tuần ngang rộng.
Những kẻ ở trong đó
Ðều đã chủng nhân mầu
Đây là nơi phước địa
Người hưởng cảnh nhàn vui
Lâu đài để trấn quốc
Bằng bảy báu nguy nga
Các cửa ngõ trong ngoài
Đều trang nghiêm mỹ lệ
Những hào lũy quanh thành
Cũng xây bằng chất báu
Hoa tươi khắp bốn bề
Chim lành bay đậu hót
Ngoài thành cây Đa-la
Đủ bảy vòng bao bọc
Lưới đẹp cùng linh ngọc
Giăng nối các hàng cây.
Mỗi cơn gió thoảng qua
Tiếng linh khua thanh diệu
Dường như nhạc bát âm
Khiến lòng người vui vẻ.
Trong ngoài nhiều ao hồ
Trong hồ nhiều sen lạ
Vườn hoa cùng hương lâm
Trang nghiêm cảnh thành ấy...
Đại khái, nhơn loại thời đó đều xinh đẹp sống lâu, trai gái 500 tuổi mới
có vợ chồng. Cảnh vật trong nước sáng sủa tốt tươi, không có các loài ruồi
muỗi rắn rết độc trùng; gạch ngói sạn đều biến thành lưu ly. Con người
thuở ấy không bị khổ vì chiến tranh, khỏi lo nhọc về sự ăn mặc. Tất cả đều
hiền lành, tu mười nghiệp thiện, sau khi chết phần nhiều được sanh lên cõi
trời. Nhưng phước đức chưa được đầy đủ, nên bấy giờ loài người còn có
những nghiệp tướng như: nóng, lạnh, đói, khát, tiểu tiện, đại tiện, tham
dục, thích ăn uống, suy già. Tuy nhiên, do phước nghiệp, khi đại tiểu tiện
xong, đất chỗ ấy nứt ra rồi khép lại che dấu uế vật, hoa sen đỏ liền ló
lên tuôn ra mùi thơm đánh tan xú khí.
Vị Luân-vương thời đó tên là Hướng-Khê. Vua cai trị bốn châu, có bảy báu,
một ngàn người con và đủ cả bốn binh. Trong nước có bốn kho tàng lớn; mỗi
kho chứa trăm vạn ức châu báu. Vị Quốc-sư cũng chính phụ tướng đại-thần
đương triều là Thiện-Tịnh Bà-La-Môn, ông nầy có bà phu-nhơn xinh đẹp tên
là Tịnh-Diệu. Di-Lặc Bồ-Tát từ cõi trời Đâu-Suất giáng sinh làm con trai
của vợ chồng Quốc-sư. Bồ-Tát lúc sanh ra, có đủ 32 tướng tốt, thân hình
đầy đặn, khuôn mặt đoan trang tươi sáng như trăng rằm, đôi mắt trong đẹp
như cánh hoa sen xanh. Khi Bồ-Tát lớn lên, ngài thông thuộc các nghề, kẻ
tùy học được 84.000 người. Một năm nọ, vua Hướng-Khê làm tràng Diệu-bảo để
mở hội Thí-vô-giá, các phạm-chí vì giành giựt châu báu làm gãy nát bảo
tràng. Bồ-Tát thấy thế ngộ lý vô thường, xuất-gia tu thành Phật, hiệu là
Từ-Thị Như-Lai. Trong hội thuyết pháp đầu tiên, Ðức Từ-Tôn độ được 96 ức
người thành đạo quả; hội thứ hai độ được 94 ức người và hội thứ ba độ được
92 ức người. Nơi thiền-môn, vào kỷ niệm Ðức Di-Lặc, chư tăng ni thường đọc
bài tán, trong ấy có câu: “Long-Hoa tam hội nguyện tương phùng” (Ba hội
Long-Hoa nguyền được gặp). Câu nầy là chỉ cho ba pháp hội đã nói trên.
Nhưng thật ra, Ðức Từ-Thị Như-Lai thuyết pháp rất nhiều hội, chớ không
phải chỉ có ba hội ấy. Sở dĩ trong kinh nói có ba là muốn nêu ra tánh cách
quan trọng và lớn lao nhất của ba hội trong nhiều pháp hội đó thôi. Người
nào muốn dự ba hội Long-Hoa, nên thực hành đúng ba điều kiện, theo lời
nguyện của Ðức Di-Lặc như sau:
1. Những vị tăng ni xuất-gia trong giáo pháp của Phật Thích-Ca-Mâu-Ni, nếu
có thể giữ gìn giới hạnh trang nghiêm, tương lai sẽ được tham dự và độ
thoát trong pháp hội đầu tiên của ta.
2. Hàng Phật-tử tại-gia, nếu giữ đúng Ngũ-giới, Bát-quan-trai-giới, phụng
thờ và cung kính cúng dường ngôi Tam-bảo, sẽ được độ thoát trong pháp hội
thứ hai của ta.
3. Những kẻ tuy chưa giữ giới, nhưng có lòng chánh tín đối với ngôi
Tam-bảo biết kính lễ Phật và đem tâm thành cúng dường Phật, Pháp, Tăng, sẽ
được độ thoát trong pháp hội thứ ba của ta.
Trên đây là đại lược về thời kỳ giáng sinh thành Phật của Ðức Di-Lặc ở
tương lai. Nếu vị nào muốn nghe pháp và được hóa độ trong ba hội Long-Hoa,
cần nên chú ý.
---o0o---
Mục
Lục
Thiên thứ nhất | 1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
| 9
| 10
| 11 | 12
Thiên thứ hai
| 1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
Thiên thứ ba
| 1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
---o0o---
Source:
Di Đà Nguyện Hải
Vi tính:
Huệ Toàn, Huệ Trang, Từ Hỷ và Tuệ Cường
Trình bày : Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-04-2003
|
|