|
. |
Phật Học Tinh Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Trọn bộ 3
thiên
---o0o---
Phật Giáo Với Xã
Hội
Tiết mục:
I. Ðạo trị nước
II. Ðạo thầy trò
III. Ðạo bằng hữu
IV. Ðạo mưu sanh
Kinh sách trích dẫn: Kinh
Phật-Thuyết-Vương-Pháp-Chánh-Luận, Kinh
Phật-Vị-Thắng-Quang-Thiên-Tử-Thuyết-Vương-Pháp, Kinh Thiện-Sanh, Kinh
Trường-A-Hàm, Căn-Bản-Tỳ-Nại-Gia, Kinh
Phật-Thuyết-A-Nan-Vấn-Sự-Phật-Kiết-Hung, Bột-Kinh, Tứ-Phần-Luật, Kinh
Phật-Bản-Hạnh, Kinh Ưu-Bà-Tắc-Giới, Kinh Ðại-Phương-Tiện-Phật-Báo-Ân.
Ðề yếu: Ðức Phật ra đời thuyết pháp lợi
sanh, ví như những đám mưa to thấm nhuần muôn vật, cây cỏ đều tùy phần mà
tốt tươi tăng trưởng. Về Nhơn-thừa, chẳng những Ðức Thế-Tôn chỉ dạy bổn
phận trong gia đình mà còn khuyên bảo cách đối xử ngoài xã hội, đại lược
như mấy tiết ở bản chương. Thế thì quan niệm thông thường cho rằng tu là
phải dứt khoát việc đời? Không đúng với chân nghĩa của đạo Phật. Kinh
Pháp-Hoa nói: “Nếu học tập các sách thế gian, và làm những nghề mưu sanh,
đều thuận với chánh-pháp”. Cho nên, theo nghĩa viên dung của Phật-giáo,
thì tất cả pháp đều là Phật-pháp, người chánh ứng dụng thành chánh, kẻ tà
khu xử ra tà. Vậy chúng ta học Phật-pháp là để biết cách sử dụng hoặc tà
hoặc chánh thế thôi.
“Tam giáo xưa nay đồng một thể. Chánh đạo đâu từng có lệch thiên!” Xin
mượn hai câu của người xưa để nói về đại thể đạo Phật, còn phần chi tiết
thì như nội dung đã lược thuật trong đây.
Tiết I: Ðạo Trị Nước
Trong Nhơn-thừa, Phật-giáo đã đề cập đến cách đối xử ở gia đình, lại
giảng luận về việc thành, bại, đắc, thất giữa xã hội. Như những đoạn kinh
sau đây:
“Bấy giờ Ðức Thế-Tôn bảo vua Ưu-Ðiền rằng: Nay Đại-vương nên biết rõ những
việc: thất bại, công đức, suy tôn, đáng ưa và nhân duyên phát khởi pháp
đáng ưa của nhà vua.
- Thế nào là việc thất bại của nhà vua? Ðại vương! Việc thất bại của nhà
vua lược có mười điều, nếu bậc quốc-vương vấp phải những thất bại như thế,
tuy có kho tàng đầy dẫy, tôi giỏi phụ tá, và quân đội hùng mạnh cũng không
được dân chúng quy ngưỡng. Mười điều ấy là gì?
1- Chủng tộc không cao sang: Nhà vua do bậc thứ thần, hay giai cấp hạ tiện
sanh ra, không thuộc dòng dõi sang quý.
2- Không được tự tại: Nhà vua bị quan phụ tướng đại-thần khống chế, việc
làm không được tùy ý, thường gặp sự can ngăn, cho nên những thú vui riêng
cũng không được tự do.
3- Tánh tình hung bạo: Nhà vua có tánh bạo ác đối diện và bối diện. Tánh
bạo ác đối diện là khi bầy tôi hay kẻ khác có chút lỗi nhỏ, liền giận dữ
la hét, dùng lời thô tháo quở mắng ngay trước mặt, thêm xử phạt, biếm
truất. Tánh bạo ác bối diện là dù kẻ ấy không có mặt tại đó, cũng vẫn quở
mắng, gia hình, hoặc hằng đem lòng giận ngầm không quên.
4- Nóng giận quá đáng: Vị quốc-vương tánh quá nóng, khi thấy bầy tôi phạm
lỗi nhỏ, hơi vượt kỷ luật, liền tước hết bổng lộc, đoạt mất thê thiếp, đem
trọng pháp mà gia hình.
5- Ân huệ hẹp hòi: Mặc dù kẻ thần thuộc, hầu cận hết sức trung kiên thanh
bạch hợp với tâm mình, nhưng vua chỉ dùng lời nhu nhuyễn an ủi, nếu có ban
thưởng cũng là phần chút ít không xứng đáng với công lao. Hoặc có khi vua
lưu dụng lâu, hay để cho phục dịch nhiều rồi mới thi ân huệ.
6- Nghe lời tà nịnh: Vị quốc-vương không minh mẫn và nghe tiếng ngọt ngào,
lời luận bàn a dua nịnh bợ của một nhóm thần thuộc. Những kẻ nầy thật ra
chẳng phải hạng trung lương, không hiểu rành quốc pháp, không có tài trị
nước, hay ganh ghét bậc hiền thần, chỉ xu phụ theo vua để gây thế lực bè
đảng riêng. Do bởi quốc-vương ưa nghe lời của bọn tà nịnh ấy, mà kho tàng
hao thiếu, công vụ ngưng trệ, thiện chánh không lưu hành, cho đến quốc thể
bị ô nhục và tiếng tốt của vua cũng tiêu tan.
7- Không gìn giữ được pháp chế của tiên-vương: Vị quốc-vương không biết
xem xét lựa chọn đức tánh, khả năng của bầy tôi. Vì thế, trong việc nước,
kẻ không kham ủy nhiệm mà ủy nhiệm, người có thể ủy nhiệm lại không ủy
nhiệm, việc đáng phong thưởng mà hình phạt, việc đáng hình phạt lại phong
thưởng. Trong triều nội cuộc luận bàn chưa xong, có kẻ đứng lên to tiếng
cắt đứt, hay phát khởi sự tranh đua, mà nhà vua chẳng thể y theo pháp xử
trị tội không biết cung kính nể sợ ấy. Ðây gọi là không duy trì nổi luật
pháp, không gìn giữ được giáo mạng của tiên-vương.
8- Chẳng nghĩ đến pháp lành: Nhà vua không tin nhân-quả, không hiểu nghiệp
báo lành dữ ở tương lai, từ nơi thân, miệng, ý tùy tình tạo những ác pháp.
Ðã thế mà vua lại không huệ thí, tu phước, trì trai, học giới, thọ phép
Ðà-la-ni-quán-đảnh, cùng thực hành Tứ-vô-lượng-tâm.
9- Không đoái đến việc phải quấy hơn kém: Vị quốc-vương dụng tâm điên đảo,
không nhận biết rõ những sự trung tín, tài năng, trí huệ của bầy tôi. Vì
thế đối với kẻ không trung tín tưởng là trung tín, kẻ bất tài tưởng là tài
năng, kẻ nông cạn sai lầm tưởng là trí huệ. Lại đối với hạng thần thuộc có
công phụ tá hầu hạ gần gũi mình lâu năm, thấy họ suy già không còn thế
lực, cố ý lơ lãng không sanh tâm mến trọng, không cấp cho bổng lộc để đền
đáp, biết họ bị kẻ khác lăng miệt cũng bỏ qua không thăm hỏi.
10- Buông lung tự chuyên: Nhà vua say đắm theo thú vui ngũ dục, không tự
dè dặt giới hạn, không làm những việc đáng làm, không ủy lạo phong thưởng
kẻ có công.
Nếu nhà vua vướng phải mười điều thất bại như trên, tuy có kho tàng đầy
dẫy, tôi giỏi phụ tá, quân đội hùng mạnh, dân chúng cũng không quy ngưỡng,
chẳng bao lâu trong nước sẽ sanh tai họa biến loạn. Ðại vương nên biết,
trong mười điều nầy, điều thứ nhất là sự thất bại về chủng tộc, chín điều
sau là những lỗi lầm về tự tánh.
- Thế nào là việc công đức của nhà vua? Việc công đức của nhà vua đại khái
có mười thứ:
1- Chủng tộc cao sang.
2- Ðược đại tự tại.
3- Tánh không hung bạo.
4- Sự nóng giận nhẹ ít.
5- Ân huệ rộng rãi.
6- Nghe lời chánh trực.
7- Việc làm suy nghĩ kỹ, giữ được pháp chế của tiên
vương.
8- Mến tưởng pháp lành.
9- Biết phân biệt việc phải quấy hơn kém.
10- Không buông lung tự chuyên.
Tóm lại, mười việc công đức nầy trái hẳn với mười điều thất bại trên. Nếu
nhà vua thành tựu mười việc công đức như thế, tuy kho tàng trống thiếu,
không có người giỏi phụ tá, không có quân đội hùng mạnh, nhưng dân chúng
lần lần quy ngưỡng, chẳng bao lâu quốc gia sẽ được hưng thạnh, phong
nhiêu. Nầy Đại-vương! Trong mười việc công đức ấy, điều thứ nhất là chủng
tánh công đức, chín điều kia là tự tánh công đức.
- Thế nào là việc suy tổn của nhà vua? Ðại vương nên biết, việc suy tổn
của nhà vua lược có năm điều:
1- Không khéo quan sát để thu dụng, nhiếp phục bầy
tôi.
2- Tuy khéo xem xét, biết dùng người mà không ban
ân huệ, hay dù có thi ân cũng trễ muộn không kịp thời.
3- Tự chuyên, buông lung, không nghĩ đến việc nước.
4- Phóng dật vui chơi, không giữ gìn quốc khố.
5- Không biết tu các công đức.
Nếu nhà vua thành tựu năm việc suy tổn trên, tất sẽ mất phước báo trong
hiện thế, cũng mất cả phước nhơn thiên ở tương lai. Trong năm việc suy tổn
nầy, bốn điều trước làm mất phước trong hiện kiếp, một điều sau làm mất
phước ở lai sanh.
- Thế nào
là việc đáng ưa của nhà vua? Ðại vương nên biết nhà vua có năm pháp đáng
ưa, đáng mến, và thích ý. Ðó là:
1- Mọi người yêu kính.
2- Oai đức tự tại.
3- Hay dẹp trừ oán địch.
4- Khéo nhiếp dưỡng thân mình.
5- Biết tu các công đức.
Năm việc trên đây là những pháp đáng ưa, đáng mến và thích ý của nhà vua.
- Thế nào là nhân duyên phát khởi pháp đáng ưa của nhà vua? Ðại-vương nên
biết có năm điều lành hay phát khởi pháp đáng ưa của nhà vua. Năm điều ấy
là gì?
1- Ân dưỡng thương sanh: Có vị quốc-vương tánh biết vừa đủ, hay cẩn thận
không tham lam, thành tựu được hạnh trong sạch. Kho tàng có bao nhiêu, vua
đều tùy phận đem ra cấp thí cho những kẻ nghèo khổ côi cút, lại thường
nhẫn nhục nhu hòa, đem lời êm dịu mà hiểu dụ trong dân chúng. Các bầy tôi
nếu ai phạm pháp, vua lường công tội mà tha thứ, dù phải trách phạt cũng
hợp thời, hợp lý, và có bằng chứng rõ ràng. Do nhà vua dùng ân đức, chánh
đạo mà trị hóa thương sanh như thế, nên được dân gian yêu kính.
2- Ðầy đủ anh dõng: Có vị quốc-vương mưu lược và võ bị đều đầy đủ, kẻ chưa
hàng phục có thể hàng phục, người đã hàng phục lại hay nhiếp hộ.
3- Phương tiện khéo léo: Có vị quốc-vương biết rành rẽ việc trị nước, khéo
dùng phương tiện mà điều hòa nhiếp phục những cường đảng, nên hay dẹp yên
được tất cả oán địch.
4- Giỏi về việc điều nhiếp: Có vị quốc-vương khéo suy tính sự tăng giảm
của kho tàng, nên việc chi dụng được đầy đủ. Vua không xa hoa hoặc bỏn
sẻn, biết tùy thời mà chu cấp cho trong thân quyến, bầy tôi, và tất cả kẻ
thuộc hạ. Khi những người nầy hay chính mình đau yếu, lại khéo lo việc
thuốc thang, biết lựa chọn các thức đáng ăn hay không đáng ăn. Lúc có muốn
ăn ngon thì đem phân chia đồng nhau, khiến cho những người tùy thuộc đều
hoan hỷ.
5- Siêng tu pháp lành: Có vị quốc-vương lòng tin trong sạch, nhận chắc có
đời sau và những quả báo lành dữ. Trong ngày lục trai mỗi tháng và ba
tháng trường trai mỗi năm, vua đều thọ trì và giữ các tịnh giới như: không
sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói vọng, không uống rượu
và buông lung theo các việc vui chơi. Vua lại ưa nghe học về lý nhân-quả,
pháp Bát-nhã và các diệu môn của thánh-đạo, siêng năng nghiên cứu cho
thông đạt cùng tiến tu đức nghiệp. Ðối với những kẻ quan, quả, cô, độc,
nghèo khổ, tật bệnh, vua thường huệ thí không có chút tâm bỏn sẻn, hối
tiếc. Với những bậc Sa-môn học rộng, có giới hạnh, vua thường gần gũi hỏi
han, và xa lánh các giáo phái tà ác. Chẳng những thế vua còn đốc suất
quyến thuộc, quần thần cùng trì trai giữ giới, bố thí làm lành, thường tu
phép hộ-ma-trừ-tai, hoặc lập mạn-trà-la, thọ quán-đảnh. Trên đây là những
điều: chánh tín, giữ giới, cầu học, bố thí, tịnh huệ của nhà vua biết
siêng tu pháp lành.
Nầy Đại-vương! Như-Lai đã nói lượt qua những việc thất bại, công đức suy
tổn, đáng ưa và nhân duyên phát khởi pháp đáng ưa của nhà vua. Nếu mỗi
buổi sớm mai, Đại-vương đọc tụng những điều vương giáo bí mật nầy, rồi y
theo đó mà thực hành, tất sẽ thành một bậc thánh-vương hay pháp-vương. Như
thế Đại-vương, sẽ được chư Phật, Bồ-Tát, Thiên-long-bát-bộ ngày đêm thường
gia trì ủng hộ, có thể cảm được mưa gió thuận hòa, chiến tranh lặng dứt,
các tiểu quốc đều triều cống, trong nước bình yên. Riêng phần Đại-vương
cũng được ngôi vị bền vững, thọ số lâu dài, hiện đời an vui, và thu hoạch
những điều lợi ích”. (Kinh Phật-Thuyết-Vương-Pháp-Chánh-Luận)
Bấy giờ Thắng-Quang-Vương từ chỗ ngồi đứng lên, chấp tay hướng về Phật làm
lễ và thưa rằng: “Kính bạch đấng Ðạo-sư! Xin Ngài từ mẫn chỉ dạy đạo làm
vua, khiến cho tôi và các vị quốc-vương hiện đời được an vui, khi mạng
chung sanh lên cõi trời, tâm lành bồ-đề hằng được tương tục”.
Ðức Phật khen ngợi và bảo: “Nầy Đại-vương! Bậc quốc
chủ phải thực hành đúng theo chánh-pháp và trừ bỏ tất cả việc ác. Nếu vua
hay đại-thần bỏ pháp lành, làm điều ác, thì hiện đời bị người khinh bỉ,
nghi ngờ, không dám gần gũi, ban đêm thường thấy ác mộng, kẻ oan gia theo
rình rập, trong lòng lo sợ hối não; sau khi mạng chung sẽ sa đọa vào
Địa-ngục. Như vua hay đại-thần bỏ việc ác, tu pháp lành, thì hiện đời được
người kính mến, tất cả đều ưa gần gũi không có tâm nghi ngờ, ban đêm
thường mộng thấy điềm lành, hay tiêu trừ oán địch, lòng thư thái an vui;
sau khi mạng chung được sanh lên thiên giới, cho đến chứng đạo
Vô-thượng-bồ-đề, hưởng cảnh Niết-bàn-thường-lạc. Ví như cha mẹ thương các
con, thường muốn cho chúng được yên ổn không bị não hại, ngăn những hạnh
ác, khuyên tu nghiệp lành. Cũng như thế bậc quốc-vương đối với thần thuộc
và nhân dân trong nước, đều dùng Tứ-nhiếp-pháp là bố thí, ái ngữ, lợi
hành, đồng sự, mà bủa ân hàm dục. Nếu người trên đối với kẻ dưới như cha
mẹ thương con, thì kẻ dưới cũng xem người trên như cha mẹ hết lòng trung
hiếu.
Lại nữa, Đại-vương đã là bậc quốc chủ, nên có lòng xót thương khoan thứ,
nhẹ phần xâu thuế, bớt những quan chức phiền phức, truất phạt kẻ ác, phong
thưởng người hiền, gần hạng trung lương, xa phường tà nịnh, lấy đức mà cảm
hóa, chớ chuyên theo việc hình phạt. Tại sao thế? Vì những loài hữu-tình
được sanh nơi cõi người là do thắng nhân chiêu cảm, nếu giết nhiều nhân
mạng, nhất định sẽ bị ác báo. Ðại vương nên một lòng cung kính Tam-bảo,
chớ sanh tà kiến. Sau khi Như-Lai vào Niết-bàn, chánh-pháp sẽ phú chúc lại
cho bậc quốc-vương, đại-thần, nên ủng hộ chớ làm suy tổn. Nếu các bậc
vương thần có thể đốt cao ngọn đuốc chánh đạo và xoay chuyển pháp-luân
khiến cho không đoạn tuyệt, thì thiên long đều vui đẹp, ủng hộ trong nước
được tiêu tai yên ổn, mưa thuận gió hòa, thái bình phong lạc. Các hàng
vương thần ấy ngôi vị sẽ được bền vững, phước thọ sẽ tăng thêm, hiện đời
danh tốt bay xa, khi mạng chung hóa sanh lên cõi trời, hưởng sự vui thú
thắng diệu cho đến khi thành Phật. (Kinh
Phật-Vị-Thắng-Quang-Thiên-Tử-Thuyết-Vương-Pháp)
Tiết II: Ðạo Thầy Trò
Cách trị nước đã như thế, đến như đạo thầy trò, Đức Phật cũng khuyên dạy:
Đệ-tử có năm việc kính dưỡng thầy: 1- Siêng năng chăm chỉ trong sự học
tập. 2- Suy gẫm tìm hiểu thêm những điều đã nghe. 3- Thầy sai làm việc,
phải cần mẫn. 4- Biết vâng lời và giữ tánh hạnh đừng để lầm lỗi cho thầy
phải trách phạt. 5- Cúng dường sư trưởng.
Thầy cũng có năm điều đối xử với đệ-tử: 1- Ðem hết sở học truyền dạy. 2-
Nhiệt thành trong sự giáo huấn. 3- Ðể ý khuyến tấn đệ-tử trong việc học.
4- Dắt dìu môn đệ trên đường an lành và đi đến thành công. 5- Chỉ bảo cho
đệ-tử gần gũi bạn hiền, người tốt. (Kinh Thiện-Sanh)
Trong kinh khác cũng có một đoạn dạy về việc nầy:
Thầy có năm việc đối với đệ-tử:
1- Biết điều nhiếp hoặc chiết phục đệ-tử đúng pháp.
2- Siêng năng trong sự dạy dỗ.
3- Khéo về cách giáo huấn khiến cho đệ-tử được lãnh
hội.
4- Chỉ bảo cho đệ-tử gần gũi bạn tốt, bậc hiền tài.
5- Ðem chỗ hiểu biết truyền dạy, không bỏn sẻn dấu
diếm.
Đệ-tử có năm việc kính thờ sư trưởng:
1- Cung cấp cho thầy những thức ăn và đồ cần dùng.
2- Săn sóc giúp đỡ thầy.
3- Kính trọng nhớ ân sư trưởng.
4- Biết vâng lời và thực hành theo điều hay thầy đã
dạy.
5- Những điều thầy dạy ghi nhớ không quên. (Kinh
Trường-A-Hàm)
Nếu đệ-tử có phạm một trong năm việc, thầy mới nên trách phạt.
Năm việc ấy là:
1- Không tin tưởng vâng lời.
2- Trễ nãi biếng nhác.
3- Nói lời thô ác.
4- Tùy tình làm quấy không biết hổ thẹn.
5- Gần gũi người tà, kẻ xấu ác.
Các tỳ-khưu hỏi: “Phép trách phạt như thế nào?”
Ðức Phật bảo: - Có năm cách:
1- Không cùng nói chuyện.
2- Không giáo huấn.
3- Không đồng thọ dụng.
4- Không sai khiến và bảo cho những điều hay.
5- Không ở đồng nhà. (Căn-Bản-Tỳ-Nại-Gia)
Ngài A-Nan hỏi Phật: “Bạch Thế-Tôn! Nếu người ngoài đời hoặc đệ-tử của
Phật khinh dễ thầy, đem ác ý đối với thầy và bậc đạo đức, tội ấy như thế
nào?” Ðức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Mọi người giữa đời khi thấy bậc có đức
hạnh phải kính trọng, thấy ai làm điều lành phải tùy hỷ mến ưa, không nên
đem lòng ganh ghét. Nếu kẻ nào đem ác ý đối với bậc đạo đức, thì chẳng
khác đem ác ý đối với Phật. A-Nan! Giả sử có người dùng cung cứng mạnh
muôn thạch bắn lại chính mình, người ấy có bị đau đớn không?
- Bạch Thế-Tôn! Kẻ đó
bị đau đớn rất nhiều!
Ðức Phật bảo: - Nếu chúng-sanh nào đem ác ý đối với
bậc đạo đức hoặc thầy của mình, sẽ bị thống khổ còn hơn thế nữa! Cho nên
hàng đệ-tử chớ khinh mạn sư trưởng, hoặc ganh ghét phỉ báng bậc đạo đức,
mà phải kính trọng như kính Phật. Bởi bậc có giới đức Thiên-long Quỷ-thần
đều cảm mến tôn trọng. Thà gieo mình vào trong lửa đỏ, dao bén, chớ ganh
ghét khinh báng người hiền lành, vì tội ấy không nhỏ. Phải nên ghi nhớ dè
dặt!
Tôn-giả A-Nan lại thưa: - Bạch Thế-Tôn! Đệ-tử có lỗi mọn, Thầy có nên mặc
tình la trách quở phạt chăng?
Ðức Phật bảo: - Không nên đâu! Ðạo thầy trò nên cảm thông và tín cẩn nhau.
Thầy phải thương đệ-tử như mình, việc gì mình không làm được hay không
thích, đừng đem trách bảo kẻ khác. Bậc sư-trưởng nên chính mình giữ đúng
luật nghi, lễ độ, đem điều phải dạy bảo đệ-tử; hàng môn đệ phải kính thuận
trung thành đối với sư tôn. Thầy nên tùy nghi khuyên dạy đệ-tử chớ để cho
lỗi nhỏ thành tội lớn, oán ít hóa hận sâu, rồi phỉ báng ghét hờn nhau,
khác nào đem lửa tự đốt lấy mình! Cho nên thầy phải giữ đúng tư cách thầy,
đệ-tử phải giữ tròn bổn phận đệ-tử.
Nếu ngoài đời có hạng sư đệ xấu ác, trong Phật-pháp cũng có hạng tỳ-khưu
ma, thầy không ra thầy, trò chẳng ra trò, cùng nhau làm quấy, tham luyến
sự nghiệp thế gian, chứa để nhiều của cải, không nghĩ đến sự vô thường,
chẳng lo tu tập, khiến cho pháp lành tiêu hoại. Những kẻ đó sau khi chết
sẽ bị đọa vào ác đạo, chịu khổ vô cùng! Cho nên người tu, kinh không thể
không học, đạo không thể không hành, phải bố đức làm lành, độ mình và
người thoát khỏi vòng sanh-tử. Chớ đem lỗi nhỏ chứng thành tội to, đừng
khinh báng người hiền đức. Việc tội phước đều có báo ứng phân minh, đáng
nên răn dè và kiêng sợ”. (Kinh Phật-Thuyết-A-Nan-Vấn-Sự-Phật-Kiết-Hung)
Tiết III: Ðạo Bằng Hữu
Về sự đối xử với nhau trong đạo
bằng hữu Đức Phật đã dạy: Có năm việc cư xử trong tình đồng bạn:
1-Thấy bạn làm điều lỗi lầm tội ác, nên ở chỗ vắng thẳng thắn khuyên
trách can ngăn nhau.
2-Khi có việc cấp nạn, phải đến giúp đỡ nhau.
3-Có việc cẩn mật riêng, phải che dấu cho nhau.
4-Ðối xử với nhau, phải cung kính có lễ độ.
5-Có vật tốt, phải chia nhường cho bạn phần hơn. (Kinh Thiện-Sanh)
Bạn tác có bốn hạng,
cần nên biết:
1- Có bạn như hoa,
khi tươi đẹp giắt lên đầu, lúc héo tàn vứt xuống đất. Người bạn nầy cũng
thế, khi giàu sang thì nương tựa, lúc nghèo khó lại bỏ đi.
2- Có bạn cũng như
cán cân, vật nặng thì nghiêng xuống, vật nhẹ thì nhấc lên. Người bạn nầy
cũng thế, khi đắc thời thì cúi luồn chiều chuộng, lúc thất thế lại khinh
rẻ, lãng quên.
3- Có bạn dường núi
báu, ví như núi vàng khi các loài chim đậu xuống thì lông cánh đều được
ánh kim quang chiếu rực rỡ. Người bạn nầy cũng thế, khi giàu sang thì làm
cho bằng hữu được vinh dự thơm lây.
4- Có bạn dường đất
đai, ví như đất hay sản xuất thảo mộc ngũ cốc và bao hàm tất cả tài bảo.
Người bạn nầy cũng thế, thường ân hậu không khinh bạc, khi có tiền của thì
hay giúp đỡ cấp dưỡng cho những bằng hữu trong cảnh tai biến nghèo nàn.
(Bột-Kinh)
Nếu có đủ bảy điều sau đây, mới thật là bạn thiết:
1- Làm giúp việc khó
làm.
2- Cho vật khó cho.
3- Nhẫn việc khó
nhẫn.
4- Cho biết
những điều cẩn mật.
5- Che dấu
những điều nguy hại.
6- Gặp cảnh khổ không
bỏ nhau.
7- Nghèo nàn không khinh nhau. (Tứ-Phần-Luật)
Phật cùng Nan-Ðà đi
vào thành Ca-Tỳ-La-Vệ. Ðến một tiệm bán cá, Phật bảo: “Nan-Ðà! Ông vào
tiệm lấy một nắm tranh khô của người ta lót cá đem ra đây”. Tỷ-kheo Nan-Ðà
vâng lời. Ðức Phật lại bảo: “Bỏ nắm tranh trả lại, ngửi tay ông xem có mùi
gì chăng?” Nan-Ðà làm y theo lời rồi thưa: “Bạch Thế-Tôn! Chỉ có mùi tanh
khó chịu thôi!”
Sau khi bảo Nan-Ðà rửa tay, hai thầy trò lại đi đến một tiệm bán các thứ
hương liệu. Ðức Phật bảo: “Ông thử đi vào tiệm đưa tay nắm túi đựng bột
hương liệu trong giây phút rồi ra đây”. Tỷ-khưu Nan-Ðà lại vâng lời. Phật
bảo: “Ngửi tay ông xem có mùi gì chăng?” Nan-Ðà cũng làm y lời rồi thưa:
“Bạch Thế-Tôn! Có mùi thơm thanh thoát rất thích ý”.
Bấy giờ Đức Phật mới bảo: “Nầy Nan-Ðà! Nếu kẻ nào gần gũi những ác trí
thức, cùng nhau làm bạn không bao lâu tất nhiễm theo các thói ác, tiếng
xấu sẽ lan truyền xa, ví như khi ông cầm lấy nắm tranh lót cá hồi nãy. Và
kẻ nào gần gũi những thiện tri thức, cùng nhau làm bạn, tự sẽ tùy tập theo
các đức tốt, không bao lâu danh làm tất được thành tựu, ví như lúc ông nắm
túi hương bột bấy giờ”. (Kinh Phật-Bản-Hạnh)
Ác tri thức có bốn hạng:
1- Trong có lòng oán
hờn ganh ghét, ngoài giả dạng thân thiện vui cười.
2- Trước mặt khen
ngợi nói toàn là việc tốt, sau lưng chê bai nói toàn là việc xấu.
3- Nếu có sự cấp nạn,
trước mặt giả vờ hiện vẻ sầu khổ, vắng mặt lại tỏ ra thái độ vui mừng.
4- Bên ngoài như
tuồng thân hậu, bên trong sắp đặt mưu kế hại ngầm.
Thiện tri thức có bốn
bậc:
1- Bên ngoài như oan
gia, bên trong có ý ân hậu.
2- Ðối diện thì thẳng
thắn chê trách khuyên can, với người khác lại khen ngợi nói những điều
tốt.
3- Khi bạn có việc
thưa kiện hay đau yếu, hết lòng tìm cách cứu giải, an ủi.
4- Thấy bạn nghèo
khổ, thất thế, tìm phương tiện giúp đỡ, không lơ lãng bỏ rơi.
Ác tri thức lại có bốn hạng:
1- Không thành thật
khuyên can, bảo người làm lành, nhưng lại xúi cho làm những việc không
tốt.
2- Bảo người đừng
theo tửu sắc, bài bạc, nhưng lại xúi gần gũi kẻ tửu sắc, bài bạc.
3- Bảo người nên thủ
phận, bớt việc, nhưng lại gây thêm cho nhiều việc.
4- Bảo người làm bạn
với người hiền, nhưng lại giới thiệu cho kết thân với kẻ xấu ác.
Thiện tri thức lại có bốn bậc:
1- Thấy bạn nghèo khổ
thiếu hụt, khuyên bảo cho cách mưu sanh.
2- Cùng đồng sự hoặc
chia tài vật, không tranh đua, so đo hơn kém.
3- Thường hay săn
sóc, hỏi han.
4- Thường nghĩ nhớ
giúp đỡ.
Lại nữa, ác tri thức có bốn hạng:
1- Hơi xâm phạm một
chút liền nổi giận.
|