Nền Học
Thuyết Ấn Độ Trước Phật Giáo
Tiết mục:
I. Điểm xuất phát
của các tôn-giáo
II. Lục-đại-học-phái
II. Lục-sư-ngoại-đạo
IV. Tổng quát các nguồn tư tưởng Ấn-Độ đương thời
Kinh sách tham khảo: Kinh Phạm-Động, Kinh Sa-Môn-Quả, Luận
Quảng-Bá, Ấn-Độ-Phật-Giáo-Sử-Lược.
Đề yếu: Do hoàn cảnh, tâm niệm khác nhau, con người có những xu
hướng tư tưởng sai biệt. Để hiển minh sự kiện đó, tiết thứ nhất trong đây
nói về điểm xuất phát của các tôn-giáo gồm ba nguyên nhân: tin tưởng thần
linh, tìm hiểu sự thật, cầu thoát khổ. Lục-đại-học-phái ở tiết thứ hai tuy
nội dung phức tạp, nhưng vì chịu ảnh hưởng hệ thống Phệ-Ðà, nên đại khái
đều xây dựng trên tư tưởng triết học hàm ẩn quan niệm Nhất-thần-giáo. Tựu
trung, hai phái Phệ-Ðàn-Đà và Du-Già rất được thạnh truyền. Tám thế kỷ sau
tây-lịch, Thương-Yết-La lấy giáo nghĩa đạo Phật bổ sung cho học thuyết
Phệ-Ðàn-Đà, làm cho phái nầy thêm phần khởi sắc. Bà-La-Môn giáo hay Ấn-Độ
giáo hiện thời chính là di sản của phái nầy. Lục-sư-ngoại-đạo ở tiết thứ
ba, được phát xuất bởi hai điểm: tư tưởng tự do khởi cứu, và quan niệm yếm
thế, hoài nghi, phẫn uất do chế độ giai cấp bất công. Trong đây có
Kỳ-Na-Giáo là thịnh hành hơn cả. Trong khi các phái kia lần lần tiêu diệt,
thì dư thế phái nầy dường như hiện thời vẫn còn. Kỳ-Na-Giáo có nhiều tên
khác như: Thiền-na, Lộ-hình, Đồ-khôi, Ni-kiền, và vị giáo tổ cũng có lắm
biệt danh, nên các nhà khảo cứu thường lầm lẫn, biệt lập phái nầy ra ngoài
Lục-sư-ngoại-đạo. Tiết thứ tư tổng kết 62 giáo phái thành tám hệ thống.
Sáu mươi hai phái là nói về thời trước Phật-giáo, còn từ khi Phật-giáo ra
đời đến sau, từ tám hệ thống đó nảy sanh thêm thành 96 phái ngoại-đạo. Cho
nên trong nhà Phật có câu:
“Cửu thập lục gia tà trí huệ.
Bách thiên vạn kiếp thọ luân hồi”.
(Chín sáu tà sư mê chánh trí.
Trăm ngàn muôn kiếp chịu luân hồi).
Tiết I: Điểm Xuất Phát Của Các Tôn Giáo
Giữa
cuộc đời sai biệt, con người tất cũng có những sở thích và tư tưởng khác
nhau. Cuộc sống thế gian không làm cho nhân sanh hoàn toàn hạnh phúc. Để
thỏa mãn những tâm niệm ấy, các giáo phái đã hiện ra đời. Điểm xuất phát
nầy đại để có ba nguyên nhân:
1. Do
khổ muốn cầu thoát ly: Trên con đường gập ghềnh, giữa lúc trời trưa
nắng gắt, khách lữ hành mỏi mệt ước ao có một cơn gió, một bóng cây mát để
nghỉ ngơi. Trên đường đời cũng thế, sự vui dù có, cũng chỉ là tương đối.
Vì vui tương đối nên mới có khổ, mà sự khổ lại thường chiếm phần tối đa.
Và vì khổ, con người mới nảy sanh tư tưởng cầu thoát ly.
2. Do
sự sùng tín trước hiện tượng của vũ trụ: Trong thời đại tối sơ, con
người chưa giải thích nổi những nghi vấn trước hiện tượng của vũ trụ. Cho
nên họ quan niệm rằng: mọi ánh sáng giữa bầu trời đều là những phẩm cách
thần-thánh. Cũng vì thế, họ mới sùng bái các hiện tượng sáng suốt như: mặt
trời, mặt trăng, ngôi sao, làn chớp, ngọn lửa. Họ tin tưởng đủ mọi phương
diện. Tựu trung, mục đích sùng bái của họ không ngoài dục vọng sanh tồn
cho bản thân. Rồi do đó mới có những hình thức thờ phượng để trừ tai, cầu
phước và những hành nghi cúng tế, ca tụng thần-thánh. Vì thế mới có các
lối tư tưởng sai biệt, mà người ta gọi là Đa-thần-giáo.
3. Do
sự cầu giải thích nguyên lý nhơn sanh, vũ trụ: Lại có một hạng người,
trước đối tượng vũ trụ bao la, họ động tánh hiếu kỳ, muốn tìm hiểu các sự
bí mật giữa trời đất. Lối giải thích thần thoại không làm thỏa mãn họ. Căn
cứ vào những Kinh-điển xưa và sự tu tập của bản thân, họ tự do khảo cứu và
lập ra các phái triết học.
Tóm lại,
điểm xuất phát của các giáo phái, đại để như: cầu thoát khổ được an vui,
dựa trên tin tưởng sùng bái, và tìm hiểu mọi sự bí mật để đem con người
trở về vũ trụ. Giáo nghĩa Phệ-Ðà mà chúng ta đã thấy ở chương đầu và các
học thuyết sau đây là những điểm chứng minh cho các nguồn tư tưởng ấy.
Tiết II: Lục Đại Học Phái
Như trên
đã nói, giáo lý Phệ-Ðà diễn biến trong ba giai đoạn mà chúng ta gọi là ba
thời đại: Phệ-Ðà-thiên-thơ, Phạm-thơ và Áo-nghĩa-thơ. Trong lúc ấy, lại có
những phái chịu ảnh hưởng Phệ-Ðà, căn cứ vào đó mở mang thêm cho giáo lý
của mình có hệ thống; cũng có nhiều học giả thoát ly ngoài tư tưởng
Phệ-Ðà, chủ trương tự do khảo cứu, rồi lập thành phái triết học tự nhiên.
Vì thế ở Ấn-Độ thuở bấy giờ có nhiều phái nối nhau xuất hiện như Địa-luận,
Phục-thủy-luận, Hỏa-luận, Phong-tiên-luận, Thời-luận, Phương-luận,
Hư-không-luận...
Các
phong trào tư tưởng đó, hoặc dung hòa, hoặc xung đột lẫn nhau, làm cho nền
học thuyết của Ấn-Độ lâm vào một tình trạng rất rối ren. Tuy nhiên, nếu
kiểm điểm lại, ta có thể chia các tư trào lúc bấy giờ thành hai hệ thống:
hệ thống Phệ-Ðà và hệ thống phản Phệ-Ðà. Hệ thống Phệ-Ðà tuy nhiều nhưng
đáng kể chỉ có Lục-đại-học-phái. Còn hệ thống phản Phệ-Ðà thì có
Lục-sư-ngoại-đạo. Trước tiên, chúng ta thử xét qua học thuyết của sáu môn
phái lớn thuộc hệ thống Phệ-Ðà, tức là Lục-đại-học-phái:
1.
Phái Phệ-Ðàn-Đà (Vedanta: Tự-tại-thiên): Vị khai tổ của bản phái là
Bà-Đạt-La-Gia-Na (Bàdarayana). Phái nầy lấy kinh Phệ-Ðàn-Đà do
Bà-Đạt-La-Gia-Na trứ tác làm căn cứ. Kinh Phệ-Ðàn-Đà cũng dựa theo giáo
nghĩa chánh thống của Phệ-Ðà, song được phát minh thêm. Phái nầy chủ
trương rằng Phạm (Brahma) là nguồn gốc của muôn loài, là một thứ biểu hiện
về tinh thần, không phải vật chất mà là năng lực. Phạm là duy nhất, siêu
việt, bao trùm cả muôn loại trong thế gian. Tự ý chí của Phạm khai triển
thành hiện tượng giới, trước tiên là Hư-không, rồi từ Hư-không phát sanh
ra Gió, từ Gió phát sanh ra Lửa, từ Lửa phát sanh ra Nước, từ Nước phát
sanh ra Đất. Năm nguyên tố nầy một mặt được tổ chức thành khí thế gian,
mặt khác thành hữu-tình thế gian. Theo kinh Phệ-Ðàn-Đà thì Phạm và Tự-ngã
là một thể. Trong giai đoạn chưa khai triển, Tự-ngã là bào thai của Phạm;
nhưng khi ở giai đoạn đã khai triển thì Tự-ngã có địa vị độc lập, chịu
phần chi phối của Phạm. Đặc chất của Tự-ngã là Trí-huệ. Bởi hành vi con
người nương theo sự phán đoán của tự do ý chí nên gây ra nhiều tác nghiệp.
Do sự huân tập của tác nghiệp, nên chúng-sanh bị lạc mất nguồn gốc trí
huệ, chịu nhiều nỗi khổ trong nẻo luân-hồi. Theo phái nầy thì loài
hữu-tình là một bộ phận của Phạm, có đầy đủ thể tánh thanh tịnh như Phạm.
Muốn trở về với Phạm, cần phải rời khỏi mọi sự chấp trước sai biệt, y theo
môn giải thoát mà tu hành. Do công tu tập lâu ngày, Tự-ngã lại được dung
hợp với Phạm. Đến giai đoạn nầy mới gọi là hoàn toàn giải thoát.
2.
Phái Di-Man-Tát (Mìmàmsà: Thanh-thường-trú): Vị khai tổ của bản phái
là Sà-Y-Nhĩ-Ni (Jaimini). Phái nầy lấy kinh Thanh-thường-trú
(Mìmàmsàsutra) làm căn cứ, những điều cấm chế vẫn y theo thánh-điển
Phệ-Ðà. Đồ chúng của phái Di-Man-Tát rất chú trọng về phương diện luân lý
triết học, và chủ trương thuyết Âm-thanh-thường-trú. Về chủ thuyết nầy,
giáo chúng chia ra làm hai phe:
- Một là
do hạng Bà-La-Môn chấp theo bốn bộ luận Phệ-Ðà. Họ cho rằng khi tụng kinh
Phệ-Ðà phát ra phạm-âm, lời và tiếng đều khế hợp với thật nghĩa, nên gọi
là “thường”. Các thứ tiếng khác không hợp với thật nghĩa, nên gọi là vô
thường.
- Hai là
sở chấp do hạng Bà-La-Môn học theo Tỳ-dà-la-luận (tức Học-tập-thanh-luận);
phe nầy lại có hai chi:
a. Chi
Thanh-hiển-luận cho rằng: tánh của tiếng là thường trú, đợi các duyên tầm,
từ và danh, cú, văn-thân mới phát. Danh, cú, văn-thân là âm hưởng nên vô
thường; tiếng là “thường”.
b. Chi
Thanh-sanh-luận thì cho rằng: âm thanh bản lai không thật có, đợi các
duyên mới phát. Nhưng khi âm thanh đã phát sanh, thì là thường trú bất
diệt.
Tóm lại,
phái Di-Man-Tát dựa trên tư tưởng tôn trọng giáo quyền giữ theo lề lối đọc
tụng tế lễ xưa. Cho nên chủ thuyết Âm-thanh-thường-trú của họ không ngoài
sự giải thích và bảo tồn nghi thức trong tôn-giáo. Về lý tưởng giải thoát,
họ cho rằng: muốn được hạnh phúc, cần phải có những hình thức hy sinh. Kết
quả của sự hy sinh ấy, tùy theo nhân hạnh nhiều ít, sự an lạc sẽ đến nhiều
ít với ta trong tương lai hay hiện tại.
3.
Phái Ni-Dạ-Gia (Nyàya: Chánh-lý-luận): Vị khai tổ của bản phái là
Túc-Mục tiên-nhơn (Aksapàda). Tư tưởng của phái triết học nầy thuộc về
Ða-nguyên-luận, lấy kinh Chánh-lý (Nyàya sutra) làm căn cứ. Về quan niệm
nhơn sanh, phái Ni-Dạ-Gia lấy phương châm lìa khổ đến chỗ giải thoát làm
mục đích. Phái nầy cho rằng con người giữa cõi trần có đầy dẫy nỗi khổ, mà
nguyên nhân thọ sanh là tác nghiệp (Pravrtti). Tác nghiệp lấy phiền não
(Dosa) làm cơ sở và căn bản của phiền não là vô-tri (Mithyajnàna). Vậy,
muốn dứt khổ phải tiêu diệt vô-tri, khi vô-tri hoàn toàn đoạn trừ, hành
giả liền chứng vào cảnh an vui giải thoát (Nihsreyasa). Lý thuyết nầy
tương tợ với Thập-nhị-nhân-duyên của Phật-giáo.
Về
phương thức nghị luận để bảo vệ cho lập trường của mình, phái Ni-Dạ-Gia
dựa theo Ngũ-phần tác pháp (luận thức năm phần): Tôn (Pratijnà), Nhân
(Hetu), Dụ (Udahadana), Hợp (Upanaya) và Kết (Nigamana). Phương thức nầy,
nếu đem so sánh với môn luận lý tây-phương (tam-đoạn-luận - Syllogisme của
Aristote), thì Tôn tương đương với bộ phận Ðoán-án (conclusion), Nhân là
Tiểu-tiền-đề (Mineure), Dụ tương đương với bộ phận Đại-tiền-đề (Majeure).
Nhưng phương thức luận lý của phái Ni-Dạ-Gia còn thêm hai chi là Hợp và
Kết, tự biểu lộ một lập trường luận lý rất vững vàng. Về sau, phương thức
luận lý nầy được hoàn bị hóa qua hai bậc thạc học trong Phật-giáo là
Thế-Thân và Trần-Na và được chuyển làm môn luận lý học của đạo Phật.
4.
Phái Phệ-Thế-Sư-Ca (Vaisesika: Thắng-luận): Vị khai tổ của bản phái là
Can-Na-Đà (Kanada, có nơi gọi là Ẩu-Lộ-Ca tiên: Ulùka). Phái nầy lấy kinh
Phệ-Thế-Sư-Ca (Vaisesika-sutra) gồm 370 câu làm căn cứ.
Về
phương diện vũ trụ quan, phái Thắng-luận phản đối thuyết Hữu-thần, kế thừa
tư tưởng của phái triết học tự nhiên, rồi đề xướng lên thuyết
Duy-vật-đa-nguyên. Họ dùng sáu cú nghĩa hay sáu yếu tố mà thuyết minh
nguyên lý thành lập vũ trụ. Sáu yếu tố ấy là:
Thật:
Bản chất của vũ trụ; gồm có chín thứ: địa, thủy, hỏa, phong, không, thời,
phương, ngã, ý.
Đức:
Tính chất có đủ trong bản thể; gồm có 24 thứ: sắc, hương, vị, xúc, số,
lượng, biệt tánh, hợp tánh, ly tánh, bỉ tánh, thử tánh, giác, lạc, khổ,
dục, sân, cần dũng, trọng tánh, dịch tánh, nhuận, hành, pháp, phi pháp,
thanh.
Nghiệp: Tác dụng của bản chất; gồm có năm thứ: thủ, xả, thân, khuất,
hành (lấy, bỏ, duỗi, co, làm).
Đại-hữu-tánh: Có nghĩa duy nhất; sự tồn tại của thật, đức, nghiệp đồng
nương về một thể đại hữu ấy.
Đồng-dị-tánh: Vạn hữu mỗi thứ có một đặc tính, nên chúng mới thành sai
biệt. Như đất với đất là đồng, đất với nước là dị.
Hòa-hợp-tánh: Một đặc tính có thể làm cho thật, đức, nghiệp được hòa
hợp nhau không tan rã.
Sáu yếu
tố trên đây, ba thứ trước nói về thể, tướng, dụng của vũ trụ; ba thứ sau
nói về sự quan hệ của chúng.
Về
phương diện nhân sanh quan, phái nầy cho rằng con người được thành lập là
do bởi tám yếu tố: yếu tố thứ nhất là Tự-ngã (Atman), thật thể của nó vốn
không sanh diệt. Yếu tố thứ hai là Ý (Manas), cơ quan liên lạc giữa Tự-ngã
và Ngũ-căn. Năm yếu tố kế là Ngũ-căn. Năm căn nầy hoàn toàn do vật chất
tạo thành: Nhãn-căn do hỏa-đại, Nhĩ-căn do không-đại, Tỷ-căn do địa-đại,
Thiệt-căn do thủy-đại, Thân-căn do phong-đại. Đối tượng của Ngũ-căn là
Ngũ-trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Tự-ngã là trung tâm, còn Ý và
Ngũ-căn chỉ là cơ quan phụ thuộc để nhận thức và hành động. Yếu tố sau hết
là Nghiệp-lực (Adrsta), động cơ của sự sống chết luân-hồi.
Lý tưởng
giải thoát của phái Thắng-luận là con người cần phải tu khổ hạnh để diệt
trừ nghiệp lực. Khi nghiệp lực đã tan, hành giả liền đạt đến cảnh giới
thuần túy của Tự-ngã, chứng quả Niết-bàn an vui tự tại.
5.
Phái Tăng-Khê-Da (Sàmkhya: Số-luận): Vị khai tổ của bản phái là
Kiếp-Tỷ-La (Kapila), tục gọi Hoàng-Xích tiên-nhơn. Kinh-điển căn cứ của
phái nầy là Chế-số-luận (Sàmkhya-sùtra).
Về giáo
lý, phái Tăng-Khê-Da dung hòa cả hai tư tưởng hữu thần và duy vật mà cấu
thành học thuyết của mình. Họ cho rằng “số” là căn bản để đo lường các
pháp, từ nơi “số” mà khởi “luận”, “luận” hay sanh “số” nên mới có mệnh
danh là “số luận”. Theo nhà Số-luận thì nguồn gốc của vũ trụ không ngoài
“Thần-ngã” là nguyên lý tinh thần, và “Tự-tánh” là nguyên lý vật chất. Do
hai nguyên lý nầy kết hợp mà sanh 23 đế, và đó là thứ tự tạo ra vũ trụ.
Khi hai nguyên nhân thần ngã và tự tánh kết hợp, thần ngã là động lực, tự
tánh là chất liệu. Vì thế phái nầy cũng gọi là Minh-nhị-nguyên-luận. Về
tuần tự hai nguyên lý sanh 23 đế, xin tạm trình bày theo biểu đồ như sau:
Thần-ngã
Tự-tánh
Giác (Đại)
Ngã mạn |
Năm tri-căn (ưu-tánh): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
Năm tác-căn (ưu-tánh): tay, chân, miệng, sanh-thực-khí,
bài-tiết-khí.
Tâm căn
Năm duy (hỷ-tánh): sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Năm đại (ám-tánh): đất, nước, gió, lửa, hư không. |
Trong 25
đế trên (kể cả Thần-ngã và Tự-tánh), Tự-tánh là căn nguyên phát triển
thành vạn hữu, nên cũng gọi nó là vật chất căn bản. Kiếp sống con người có
bao nhiêu nỗi đau khổ, là do cái thể xác tự tánh sanh ra. Chúng-sanh đã
nhận lầm những sự kiện tạo ra thân thể là vật của mình. Muốn diệt trừ mọi
nỗi đau khổ, hành giả phải dứt điều ngộ nhận ấy, tách đôi sự kết hợp của
hai thứ trên, mà trở về bộ mặt thật của Thần-ngã. Đây là phương thức giải
thoát của phái Số-luận để thể hiện “Thần-ngã độc tồn”.
6.
Phái Du-Già (Yoga: Tương-ưng): Vị khai tổ của bản phái là Bát-Tử-Xà-Lê
(Patanjali), giáo điển y cứ là kinh Du-Già (Yoga-sùtra). Phái nầy chú
trọng về pháp môn thiền định để đạt đến mục đích Ta với Thần hợp nhất.
Phương pháp thật tu chia làm tám giai đoạn: Cấm-chế (Yama), Khuyến-chế
(Niyama), Tọa-pháp (Asana), Điều-tức (Prànayama), Chế-cảm (Pràtyàkara),
Chấp-trì (Dhàranà), Tĩnh-lự (Dhyàna), Đẳng-trì (Samàdhi). Cấm-chế, cần
phải giữ năm điều: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói
dối, không tham lam, thuộc đức độ tiêu cực. Khuyến-chế, cần phải làm năm
việc: Thanh tịnh, mãn định, khổ hạnh, học tập kinh-điển, định thần, thuộc
đức độ tích cực. Tọa-pháp để điều hòa thân thể. Điều-tức để chỉnh đốn hô
hấp. Chế-cảm để thống ngự ngũ căn. Chấp-trì để tập trung tư tưởng. Tĩnh-lự
để lóng gạn thức tâm. Đẳng-trì để tâm trở thành vắng lặng như hư không.
Cứ y
theo phương pháp trên đây tu tập, lâu ngày tâm cảnh sẽ sáng suốt, chứng
được tam-muội, chỉ còn một “Thần-ngã” tự tại. Đây là lý tưởng giải thoát
của phái Du-Già.
Tiết III: Lục Sư Ngoại Ðạo
Trên đây
là sáu môn phái lớn thuộc hệ thống Phệ-Ðà; còn hệ thống phản Phệ-Ðà tuy
cũng có nhiều môn phái, song được nổi danh nhất chỉ có lý thuyết của sáu
học giả mà kinh Phật thường gọi là Lục-sư-ngoại-đạo. Nhưng, sáu môn phái
nầy chỉ bộc phát một thời gian rồi tiêu diệt. Lý thuyết của
Lục-sư-ngoại-đạo đại khái như sau:
1.
Phú-Lan-Na-Ca-Diếp (Pùrana Kacyapa: Mãn-Ẩm-Quang): Ông chủ trương
thuyết ngẫu nhiên, không tin luật nhân-quả, cho rằng tất cả sự khổ vui họa
phước của con người, chỉ là ngẫu nhiên mà có. Lại nữa. Mãn-Ẩm-Quang là một
nhà thuyết lý của Hoài-nghi-luận. Theo ông thì thiện ác không có tiêu
chuẩn nhất định, bất quá do tập quán xã hội gọi thế mà thôi. Xã hội cho là
thiện hoặc ác, vị tất đã là thật thiện, thật ác. Cho nên, làm lành hoặc
dữ, đối với ông, không có quả báo chi cả. Phật-giáo gọi phái nầy là
Không-kiến-ngoại-đạo.
2.
A-Di-Đa-Xúy-Xá-Khâm-Bà-La (Ajtakesa-Kam-bali: Vô-Thắng-Tử): Trong kinh
có nơi gọi ông là Lộ-Dà-Gia hoặc Chước-Bà-Ca (Lokayata). Ông chủ trương
thuyết Cực-đoan-duy-vật-luận, cho rằng con người do đất, nước, gió, lửa
hòa hợp mà thành, chết rồi là hoại diệt, thân tứ đại lại trả về chất tứ
đại. Theo ông, mục đích của nhân sanh là tận hưởng những thú vui vật chất.
Vô-Thắng-Tử cực lực bài xích luân lý đạo đức, cho đó là những điều khắt
khe, vô lý. Học thuyết của phái nầy tương tợ triết học Dương-Chu ở
Trung-Quốc hoặc triết học Hiện-sanh của Tây-phương. Nhà Phật gọi họ là
Thuận-thế-ngoại-đạo.
3.
Mạt-Già-Lê-Câu-Xá-Lê (Makkhali-Gosala: Ngưu-Xá-Tử): Ông chủ trương
thuyết Cực-đoan-định-mạng-luận, cũng gọi là Tự-nhiên-luận hay
Túc-mạng-luận. Theo Ngưu-Xá-Tử, vận mạng con người đều do luật tự nhiên
chi phối, không phải ai muốn là được. Khi túc mạng đã định con người phải
chịu khổ, vui, hoặc giải thoát thì tự nhiên được khổ, vui, giải thoát. Ông
đề xướng giáo lý vô vi điềm đạm, gần giống với học thuyết của Lão, Trang.
Phật-giáo gọi phái nầy là Tự-nhiên-ngoại-đạo hoặc Tà-mạng-ngoại-đạo.
4.
Bà-Phù-Đà-Ca-Chiên-Diên (Pakudha-Katyayana: Hắc-Lãnh): Danh từ nầy lại
có một lối gọi khác là Ca-La-Cưu-Đà-Ca-Chiên-Diên. Ông chủ trương thuyết
Cực-đoan-thường-kiến-luận, phản đối thuyết Đoạn-kiến của
Thuận-thế-ngoại-đạo, Bà-Phù-Đà-Ca-Chiên-Diên lập thuyết
Tâm-vật-nhị-nguyên-bất-diệt, cho rằng con người do bảy yếu tố: Địa, thủy,
hỏa, phong, khổ, lạc, sanh mạng hợp thành. Bản chất của bảy yếu tố nầy là
thường trụ, không vì sự sống chết mà sanh diệt theo. Với ông, thí dụ như
người bị chết chém, đó chẳng qua là lưỡi dao ấy tạm thời làm cho địa,
thủy, hỏa, phong... (vật) phân tán mà thôi, không quan hệ đến sự tồn vong
của khổ, lạc và sanh mạng (tâm). Ông dùng lý luận nầy để cổ lệ con người
bất tất phải sợ chết. Phật-giáo gọi phái nầy là Thường-kiến-ngoại-đạo.
5.
San-Xà-Dạ-Tỳ-La-Lê-Tử (Sanjaya Belatthiputta: Đẳng-Thắng): Danh từ
nầy, theo lối tân xưng, gọi là Tán-Nhạ-Gia-Tỳ-La-Lê-Tử. Ông chủ trương
thuyết Vô-cầu, sở hành hằng ngày là tu tập thiền định. Theo ông, đạo quả
giải thoát không cần tìm cầu, cứ để trải qua nhiều kiếp luân chuyển, tự
nhiên sẽ đến kỳ sự khổ dứt trừ. Thí dụ như cái trục cất nước, khi quay hết
dây thì gàu nước tự ra khỏi giếng. Vì thế, ông đưa ra lập thuyết “Mãn tám
muôn kiếp, tự nhiên đắc đạo”. Phật-giáo gọi phái nầy là
Ngụy-biện-ngoại-đạo.
6.
Ni-Kiền-Đà-Nhã-Đề-Tử (Nigantha Nataputta: Ly-Hệ-Thân-Tử): Ông là vị tổ
hữu danh đã khai sanh ra Kỳ-Na-giáo, cũng gọi Thiền-Na-giáo (Jaina).
Ly-Hệ-Thân-Tử người thuộc dòng Sát-Ðế-Lỵ, ở xứ Cung-Đồ-Bổ-La (Kyndapura),
phụ cận kinh thành Tỳ-Xá-Ly (Vaisali). Ông xuất-gia hồi 31 tuổi, chuyên tu
khổ hạnh trải qua 12 năm. Sau khi ngộ đạo, ông đi du hóa khắp nơi, thâu
phục đồ đệ rất nhiều, gây thế lực mạnh mẽ ở vùng thượng lưu sông Hằng,
nhất là hai xứ Tỳ-Xá-Ly và Ma-Kiệt-Đà (Magadha). Trong lịch sử tư tưởng
Ấn-Độ, ông có vai trò trọng yếu không kém Ðức Thích-Ca-Mâu-Ni. Đức Phật có
mười hiệu, ông cũng có nhiều danh hiệu như: Thiền-Na (Jaina: Thắng-Giả),
Đa-Tha-Dà-Dà (Tathagata: Như-Lai), Phật-Đà (Buddha: Giác-Giả), Ma-Ha-Tỳ-La
(Mahàvira: Đại-Hùng). Kinh Phật nói có bảy Ðức Thế-Tôn, phái của ông cũng
có thuyết 23 bậc Thắng-Giả. Sau 29 năm du hóa, ông viên tịch ở xứ Ba-Bà
(Pavà) thọ được 72 tuổi, nhằm lúc Đức Phật đang còn giáo hóa ở nhơn gian.
Tư tưởng
triết học căn bản của Ly-Hệ-Thân-Tử xây dựng trên Thật-thể (Dravya).
Thật-thể nầy chia ra hai trạng thái là Sinh-mạng-yếu-tố và
Phi-sanh-mạng-yếu-tố (Jìva, Ajìva). Sinh-mạng-yếu-tố thì gồm đủ hai phần:
Lý trí và tình cảm. Phi-sanh-mạng-yếu-tố được chia làm năm thứ: Không
(Àkàsa), Vật-chất (Pudgala), Pháp (Dharma), Phi-pháp (Adharma), Thời-gian
(Kata). Không là nguyên lý bao trùm khắp mọi nơi. Vật-chất là nguyên lý
tạo thành nhục thể. Pháp là nguyên lý vận động. Phi-pháp là nguyên lý đình
chỉ. Thời-gian là nguyên lý biến hóa. Bởi hai yếu tố Sanh-mạng và
Phi-sanh-mạng liên kết nhau, nên con người sanh ra phiền não, bị quanh
quẩn trong nẻo luân-hồi. Muốn được giải thoát, hành giả phải xa lìa sự
chấp trước trên hai yếu tố mà trở về Thật-thể.
Về
phương diện thực tiễn, Ly-Hệ-Thân-Tử chủ trương khổ hạnh tột độ để xa lìa
tham nhiễm. Ông đặt ra năm giới là: Không sát sanh, không trộm cắp, không
nói dối, giữ tịnh hạnh và không tham cầu. Đồ chúng xuất-gia của ông phần
nhiều đều lõa thể, lấy tro bôi trát cùng mình, sống một cách cơ cực, khi
khất thực thì dùng hai tay tiếp lấy rồi đưa vào miệng ăn liền. Vì thế, nhà
Phật gọi phái nầy là Vô-tâm-ngoại-đạo.
Tiết IV: Tổng Quát Các Nguồn Tư Tưởng Ấn Độ
Đương Thời
Về thời
gian sáng lập, sáu đại-học-phái và lục-sư-ngoại-đạo nói trên, xuất hiện
trước Phật-giáo không bao lâu. Lúc Ðức Thích-Ca mới xuất-gia, Ngài có đến
phỏng đạo những vị thủ lãnh của mấy giáo đoàn ấy như các ông: Nhã-Đề-Tử,
Bạt-Già-Bà, A-La-Ra, Uất-Đà-La...
Nói
chung, tư tưởng giới Ấn-Độ thời bấy giờ gần giống như tư tưởng giới đời
Chiến-quốc bên Trung-Hoa. Xét về mặt xã hội thì trước Phật giáng sinh
khoảng 100 năm, nhằm thời đại tiền kỷ nguyên độ bảy thế kỷ, đạo Bà-La-Môn
thịnh hành đến cực điểm. Nhưng cũng do sự độc quyền của phái Tăng-lữ, mà
đạo đức tôn-giáo thời đó chỉ có nghi thức phô trương bề ngoài. Hơn nữa,
lại vì chế độ giai cấp không công bình, nhân dân không được tự do, rồi
sanh ra tư tưởng yếm thế. Bởi duyên cớ ấy, một phương diện bị mê tín hoành
hành, người ta hy sinh tu theo khổ hạnh. Họ quan niệm rằng có gần sự khổ
mới quen với cái khổ, và sẽ xem thường, không còn thấy khổ. Có kẻ tin
tưởng tu khổ hạnh sẽ được sanh lên cõi trời hưởng các điều vui. Lại một
phương diện khác, người ta nảy ra tư tưởng hoài nghi, phủ nhận tất cả
tôn-giáo, nhân-quả và đạo-đức. Nương theo quan niệm ấy, họ cổ xúy tư tưởng
phản kháng. Do đó, ngoài những giáo phái thuận theo hệ thống Phệ-Ðà truyền
lại, các chủ nghĩa khác tiếp tục nổi lên. Như ông Phú-Lan-Na-Ca-Diếp đại
biểu cho chủ nghĩa Hoài-nghi, ông Vô-Thắng-Tử đại biểu cho chủ nghĩa
Khoái-lạc, ông Đẳng-Thắng đại biểu cho thuyết Ngụy-biện, ông Nhã-Đề-Tử đại
biểu cho thuyết Khổ-hạnh.
Theo
kinh Phạm-Võng và Sa-Môn-Quả thì lúc bấy giờ có đến 62 phái ngoại-đạo khác
nhau. Nhưng nhìn tổng quát, ta có thể chia ra tám hệ thống lớn:
1.
Thường-kiến-luận (Sassatavada): Chủ trương thế-giới và tự-ngã thường
còn.
2.
Bán-thường-bán-vô-thường-luận (Ekaccasassa-tika): Chủ trương tất cả
hiện tượng đều có một bộ phận thường còn và một bộ phận biến diệt.
3.
Hữu-biên-vô-biên-luận (Anatanantika): Chuyên thảo luận về thế-giới hữu
hạn hay vô hạn.
4.
Ngụy-biện-luận (Amaravikkhepihà): Lý luận không dứt khoát đối với tất
cả vấn đề không có một giải pháp quyết định.
5.
Vô-nhân-luận (Adhiccasamuppada): Chủ trương mọi hiện tượng đều ngẫu
nhiên phát sanh, không quan hệ đến nhân-quả.
6.
Tử-hậu-hữu-tưởng-vô-tưởng-luận (Udhamagha-tamika): Chuyên thảo luận về
vấn đề: sau khi chết ý thức còn tồn tại không và sanh ra những trạng thái
như thế nào?
7.
Đoạn-kiến-luận (Ucchedavada): Chủ trương chết là đoạn diệt.
8.
Hiện-pháp-niết-bàn-luận (Ditthadhammanib-banam): Chủ trương hiện tại
là cảnh giới lý tưởng tối cao.
Trong
tám hệ thống trên, bốn hạng trước lập luận trong phạm vi đời hiện tại, nên
có tên là Bản-kiếp-bản-kiến. Còn bốn hạng sau lập luận trong phạm vi đời
vị lai, nên có tên Mạt-kiếp-vị-kiến. Đây là những điểm mà căn cứ vào đó,
ta có thể thấy tất cả sự hỗn tạp của tư tưởng giới đương thời.
Như
trước đã nói, điểm xuất phát của các tôn-giáo đại để: do tâm cầu thoát
khổ, do tin tưởng sùng bái, do trí huệ tìm cầu sự thật mà sanh ra. Cho nên
sự xuất hiện của 62 môn phái cũng không ngoài ba yếu điểm nầy. Nhưng dù
sao, những học thuyết rối ren hồi đó, cũng là cơ vận để mở mang một thứ
tôn-giáo canh tân. Thời đại ấy, phải có một bậc vĩ nhân xuất hiện, để đả
phá thành kiến giai cấp bất công và phân tích, dung hội tất cả tư tưởng
phức tạp, vạch ra một đường lối chánh chân, giải thoát.
Và, đó
là lý do Phật-giáo ra đời.
---o0o---
Mục
Lục
Thiên thứ nhất | 1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
| 9
| 10
| 11 | 12
Thiên thứ hai
| 1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
Thiên thứ ba
| 1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
---o0o---
Source:
Di Đà Nguyện Hải
Vi tính:
Huệ Toàn, Huệ Trang, Từ Hỷ và Tuệ Cường
Trình bày : Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-04-2003