Trong
kinh Amagandha, Đức Phật nói:
"Chẳng phải thịt, chẳng
phải nhịn ăn, chẳng phải lõa thể,
Chẳng phải cạo đầu, chẳng phải bện tóc, chẳng phải trát đất,
Chẳng phải da xù xì, chẳng phải thờ thần lửa
Chẳng phải tự hành xác nơi đây trong thế giới này
Chẳng phải thánh ca, chẳng phải hiến cúng, chẳng phải tế thần
Chẳng phải hội mừng mùa màng
Có thể làm một kẻ tâm đầy hoài nghi trở thành trong sạch."
Ăn
cá hay ăn thịt tự nó không làm cho một người trở thành bất tịnh. Một
người tự làm mình không trong sạch bởi niềm tin mù quáng, gian dối, thèm
muốn, tự đề cao, ô danh và những dụng ý tội lỗi. Do những tư tưởng và
hành động xấu xa của mình tự làm mình bất tịnh. Không có một giới luật
khắt khe nào trong Phật Giáo nói là tín đồ của Đức Phật không nên ăn cá
thịt. Đức Phật chỉ khuyên là không nên liên quan vào việc giết chóc có
dụng ý hoặc không nên yêu cầu người khác giết bất cứ chúng sanh nào cho
mình. Tuy nhiên những ai ăn chay và không ăn thịt của thú vật đáng được
ca ngợi.
Mặc dù không chủ trương các thầy tu phải ăn chay, Đức Phật vẫn khuyên các
thầy không nên ăn mười loại thịt vì sự tôn trọng và bảo vệ cho chính các
thầy. Mười loại thịt ấy là: người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, hổ, báo,
gấu, linh cẩu. Một số các thú vật tấn công người khi chúng ngửi mùi thịt
sống cùng loại với chúng. (Vinaya Pitaka - Tạng Luật)
Một đệ tử của Ngài là Đề Bà Đạt Đa yêu cầu Đức Phật bắt các đệ tử của Ngài
ăn chay, nhưng Ngài từ chối. Vì Đạo Phật là một tôn giáo tự do, nên Ngài
khuyên là để cá nhân các đệ tử tự mình quyết định việc ăn chay. Rõ ràng
Đức Phật không coi việc ấy là một luật lệ đạo lý quan trọng. Đức Phật
cũng không đả động gì về vấn đề ăn chay của các cư sĩ Phật Giáo trong
giáo lý của Ngài.
Jivaka Komarabhacca, một vị lương y, bàn thảo về vấn đề tranh luận này với
Đức Phật:
- "Bạch Đức Thế Tôn, con có nghe thấy rằng thú vật bị giết để dành cho
Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết để dành cho
Ngài. Thưa Thế Tôn, có phải người ta nói thú vật bị giết là để cho Ẩn Sĩ
Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết vì mục đích để dâng
cho Ngài Cồ Đàm. Họ buộc tội sai cho Đức Phật phải không? Hay đó là họ
nói sự thật? Những lời tuyên bố và những lời giải thích thêm của Ngài
phải chăng là đề tài bị người khác báng nhạo bằng một thái độ nào đó?"
- "Này Jivaka, những ai nói: 'Thú vật bị giết là để cho Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và
Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết để dâng cho mình', không nói
đúng điều ta nói, họ đã buộc tội ta không đúng. Này Jivaka, ta đã nói là
không nên ăn thịt, nếu nhìn thấy, nghe thấy hay nghi ngờ thịt đó do thú
vật bị giết để dâng cho các thầy tỳ kheo. Ta cho phép các thầy tỳ kheo
dùng thịt trong ba điều kiện: Nếu không nhìn thấy, không nghe và không
nghi ngờ thịt do thú vật bị giết để cung cấp cho các thầy tỳ kheo"
(Kinh Jivaka).
Trong một số quốc gia, một số các Phật tử trường phái Đại Thừa chỉ ăn
chay. Sự tuân hành này dưới danh nghĩa tôn giáo đáng tán dương nhưng
chúng ta phải nhấn mạnh là họ cũng không nên buộc tội những người không
ăn chay. Họ phải hiểu rằng không có giới luật trong Giáo Lý nguyên thủy
của Đức Phật bắt tất cả người Phật tử phải ăn chay. Chúng ta phải nhận
thức Phật Giáo là con đuờng Trung Đạo. Phật Giáo là một tôn giáo tự do,
và lời khuyên của Đức Phật là không cần thiết đi đến cực đoan để thực
hành lời Ngài dạy.
Ăn
chay không thôi không thể giúp cho một người trau dồi nhân phẩm. Có
những người mộ đạo thuần thành khả ái, nhũn nhặn và lễ phép giữa những
người không ăn chay. Cho nên ta không nên bỏ qua quan điểm là một người
trong sạch, mộ đạo là phải ăn chay.
Mặt khác, nếu bất cứ ai nghĩ rằng con người nếu không ăn thịt cá thì không
thể sống khỏe mạnh, không cần thiết phải theo điều đó vì không đúng:
hàng triệu người ăn chay trên khắp thế giới mạnh hơn và có sức khỏe hơn
những người ăn thịt.
Những ai chỉ phê bình Phật Tử ăn thịt là không hiểu thái độ của đạo Phật
về thực phẩm. Mỗi chúng sanh cần có thực phẩm. Chúng ta ăn để sống. Như
vậy con người cần phải cung cấp cho thân xác thực phẩm cần thiết để giữ
cho được khỏe mạnh và có đủ năng lực làm việc. Tuy nhiên, do kết quả của
sự gia tăng của cải, càng ngày càng nhiều người, nhất là trong các quốc
gia phát triển, đơn giản ăn để thỏa mãn khẩu vị của họ. Nếu ta tham đắm
vào bất cứ loại thực phẩm nào, hay giết thú vật để thỏa mãn thói tham ăn
thịt của mình thì điều đó là sai quấy. Nhưng nếu một người ăn thịt chẳng
phải vì tham lam, và không trực tiếp liên can vào hành động giết mà chỉ
là để trợ sức cho xác thân vật chất, người đó thực hành hạnh tự chế.
Trích: "Vì sao tin Phật" (What Buddhists believe), Tỳ kheo Thích Tâm Quang
dịch.
---o0o---
[
Mục Lục
] [
01]
[
02] [
03] [
04] [
05]
[
06] [
07] [
08] [
09] [
10] [
11]
Về danh mục