Trước
đây đã có một dịp tôi nói chuyện về đề tài "Phật Giáo và vấn đề ăn
chay," một vài nguời trong hàng thính giả đã có những phản ứng rất mạnh
mẽ. Những người có phản ứng mạnh với các bài nói chuyện thường là những
người quá quan tâm về đề tài đó, nghĩa là họ có quan điểm rất mạnh mẽ về
đề tài của bài nói chuyện. Ðây là một mối nguy hiểm lớn, là vì ngay khi
chúng ta đã có định kiến mạnh mẽ và cố hữu về bất kỳ điều gì, thường
khiến chúng ta trở thành cứng ngắc. Suy nghĩ của ta trở thành hẹp hòi,
khiến ta có phản ứng quá đáng với bất kỳ những gì được trình bày. Nếu
điều gì không hợp với ta, dứt khoát điều đó chống lại ta. Chúng ta chỉ
thấy có vậy thôi - chỉ có trắng hoặc đen - và thật là đáng hổ thẹn biết
bao! Ðức Phật đã từng cảnh cáo chúng ta về sự chấp thủ vào những quan
niệm và ý kiến, như là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra đau
khổ.
Chúng ta thường thấy điều này lập đi lập lại trong mọi hình thức của cuộc
sống. Hầu hết các vụ xung đột mà chúng ta can dự trong đời sống đều phát
xuất từ bất đồng ý kiến với một số quan điểm về những việc nào đó. Những
xung đột này xẩy ra là do chúng ta quá gắn bó với những quan kiến và
nhận thức của ta.
Lẽ
tất nhiên, chúng ta cần có những quan kiến, chúng ta không thể sống mà
không có chúng. Quan kiến là cách thức chúng ta nhìn sự vật xung quanh,
là cách chúng ta am hiểu đôi điều gì đó, là sở thích liên quan đến những
lựa chọn đa dạng về mọi vấn đề. Ðây là điều rất tự nhiên. Bao lâu chúng
ta còn có khả năng suy nghĩ, nhận thức hay bị chi phối cách này cách
khác, chúng ta sẽ có quan kiến riêng, và với một số vấn đề nào đó, những
quan kiến này lại hết sức mạnh mẽ và cứng nhắc.
Chủ nghĩa ăn rau đậu, hay "ăn chay", là một vấn đề thuộc loại này. Tối
nay, tôi sẽ trình bày một đề tài để suy gẫm. Tôi không có ý định ngồi
đây để đưa ra lời cuối cùng về đạo Phật và chủ nghĩa ăn chay. Ðó không
phải là ý định của tôi, cũng không phải là phong cách của một Phật tử.
Sự hiểu biết của tôi là từ kinh nghiệm của tôi, từ nhận thức của tôi, và
từ sự suy tư của tôi. Các bạn có thể đồng ý hay không đồng ý với tôi .
Ðiều đó không thành vấn đề, khi nào các bạn vẫn còn suy tư rõ ràng về đề
tài này và tự rút ra kết luận cho chính mình. Tôi giữ một vị thế trung
hòa vì tôi không cho là đề tài đặc biệt này lại chỉ đơn giản có thể hiểu
được bằng các từ ngữ trắng hay đen. Tôi giữ vị thế của một Phật tử như
theo tôi hiểu.
Căn bản
kinh điển
Chúng ta hãy bắt đầu với một câu hỏi hết sức cơ bản: Theo tất cả những gì
chúng ta có thể thẩm định được, "ăn chay" có phải là điều kiện tiên
quyết để trở thành Phật tử theo giáo lý của Đức Phật hay không? Tôi phải
nói ngay là: Không. Theo các bản kinh của đạo Phật, ăn chay không phải
là một điều kiện tiên quyết để trở thành Phật tử.
Có
người nói, "Vâng, làm sao ông biết được Ðức Phật đã dạy gì nào?" Ðúng
vậy, tôi không thể biết được bằng chính kinh nghiệm cá nhân của mình;
nếu tôi đã gặp Ðức Phật vào thời của Ngài, bây giờ tôi cũng không nhớ
hết. Vậy thì chúng ta phải dựa vào điều gì đây? Chúng ta phải dựa vào
những kinh điển đã được truyền lại cho chúng ta qua bao thế kỷ nay.
Chúng ta có tin vào các bản kinh đó hay không là tùy ở thái độ chúng ta
có chấp nhận chúng như là những bản ghi chép chính xác về những lời
giảng dạy của Ngài hay không. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy,
chúng ta có được các bản kinh, gọi là Thánh điển Pali. Có rất nhiều
quyển kinh: như tạng Luật, bao gồm các giới luật dành cho các vị Tăng
Ni, tạng Kinh, bao gồm các bài thuyết giảng của Đức Phật, và cuối cùng
là tạng Vi Diệu Pháp, là hệ thống triết học và tâm lý Phật giáo được
phát triển từ những bản văn cơ bản trên. Ða số các học giả đều đồng ý
rằng tạng Vi Diệu Pháp, "giáo lý cao cấp", được phát triển sau này bởi
các vị luận sư từ các bài kinh căn bản, như là một hệ thống phân tích để
dễ giải thích và cũng để dùng trong các buổi tranh luận.
Tóm lại, có ba bộ tạng kinh điển. Những nghiên cứu của tôi chỉ giới hạn
vào tạng Luật và tạng Kinh, là những quyển sách ghi chép về giới luật và
các bài thuyết giảng. Từ những nghiên cứu học hỏi, tôi có được một niềm
tin tưởng rất lớn rằng những gì được trình bày trong những kinh điển này
đều mô tả chính xác những gì Ðức Phật đã giảng dạy. Tuy nhiên, tôi không
dám khẳng định là từng chữ trong các kinh điển đó đều giống y như lời
của Ðức Phật. Ðã có một vài thay đổi, thêm thắt qua thời gian, nhưng
điều cốt lõi vẫn còn đó. Điều quan yếu là các bản văn này là một hồ sơ
ghi nhận chính xác và thành thật những gì Đức Phật đã giảng.
Nền tảng cho lý luận của tôi chỉ đơn giản dựa trên thực tế là: những người
truyền lại cho ta và kiểm chứng những giáo lý này đều là những đệ tử,
những vị Tăng Ni đã hết lòng kính trọng Ðức Phật, y hệt như chư Tăng
ngày nay, và tôi không nghĩ là có nhiều người dám cố ý thay đổi những
lời giảng dạy của Ðức Phật. Rất ít khi có vị tăng ni nào lại dám sẵn
sàng thực hiện điều đó. Bất kỳ thay đổi nào, nếu có xảy ra, cũng chỉ đơn
giản là những phương cách thiết thực giúp cho việc tụng đọc được thuận
lợi hơn mà thôi. Rất có thể đã có những thay đổi vô ý, nhưng tôi không
tin các văn bản đó đều đã bị cố ý hủy hoại, nhất định không thể có trong
một đường lối nghiêm trọng.
Ðiều này đã được xác minh đặc biệt đối với các quyển Giới Luật Tu Sĩ. Qua
nhiều thời đại, Phật giáo được truyền bá một cách chậm chạp, từ vùng
thung lũng sông Hằng xuyên suốt Ấn Độ, tiến về hướng Nam đến Sri Lanka,
băng qua Miến Điện và Thái Lan, rồi tiến về hướng Bắc đến Tây Tạng và
cuối cùng là đến Trung Hoa. Qua nhiều thế kỷ, đạo Phật bắt đầu chia chẻ
thành nhiều trường phái. Một vài trường phái phát triển mạnh mẽ tại
nhiều miền khác nhau ở Ấn Độ và tại nhiều địa phương xa xôi khác, và như
vậy các trường phái này có rất ít hay hầu như không có liên lạc với
nhau. Tuy nhiên, khi so sánh bản Giới Luật, chúng ta thấy được những
điểm tương đồng rõ rệt giữa các trường phái khác nhau này. Vì các bộ
Luật rất tương đồng với nhau, ắt hẳn các bộ đó phải có cùng một nguồn
gốc nhất định.
Thế nên, có đủ lý do mà tin tưởng vào những tài liệu chúng ta gọi là Thánh
điển Pali và chấp nhận thánh điển đó là đại diện giáo lý của Ðức Phật.
Trong bất kỳ tình huống nào, đây chính là bằng chứng hiển nhiên ta phải
xử lý, bởi vì chẳng có ai hiện diện ở đây có thể nói, "Tôi đã nghe Ðức
Phật nói khác như vậy." Những kinh điển đó là đại diện có thẩm quyền
nhất hay minh định nhất cho những lời giảng dạy của Ðức Phật.
Nếu chúng ta nghiên cứu các kinh điển này một cách cẩn thận, chúng ta sẽ
không tìm thấy huấn thị nào dành cho cả cư sĩ lẫn tu sĩ về vấn đề ăn
chay. Cũng không có bất kỳ đề cập nào về ăn chay như là lời giáo huấn
Phật giáo dành cho các vị tăng ni hoặc cư sĩ. Nếu như Đức Phật đã qui
định ăn chay là điều kiện tiên quyết để trở thành Phật tử, chắc chắn
Ngài phải đề cập đến ở đâu đó trong kinh điển. Nhưng ngược lại, chúng ta
có thấy một số trường hợp Đức Phật có nói đến thực phẩm, đặc biệt các
giới luật có liên quan đến chư tăng, cho thấy là, vào thời đức Phật, đôi
khi các vị chư tăng cũng ăn thịt.
Nếu các bạn kiên nhẫn với tôi, tôi có thể trình bày cho các bạn một số
chứng cớ lịch sử. Trong các bản kinh điển này, đặc biệt là trong tạng
Luật, có nhiều đoạn trích dẫn về các vị chư tăng được và không được phép
làm gì. Có nhiều giới luật qui định về thức ăn thức uống; có những giới
luật đề cập đến đủ thứ linh tinh liên quan đến thực phẩm, một số qui
định xem ra rất lạ thường. Nếu như các vị sư bắt buộc phải là người "ăn
chay trường" thì những qui định này hình như hoàn toàn vô tác dụng hoặc
vô nghĩa.
Thí dụ như có một giới luật cấm các vị sư không được ăn thịt một số các
con vật như: thịt ngựa, thịt voi, thịt chó, thịt rắn, thịt hổ, thịt báo
và thịt gấu. Có hàng tá các loại thịt mà Đức Phật đã chỉ định cấm các vị
tăng ni không được sử dụng. Việc Ngài ra luật nghiêm cấm các vị Tăng Ni
không được dùng một số loại thịt đó cho thấy là họ có thể sử dụng các
loại thịt khác.
Cũng có một giới luật khác: khi có một vị sư bị bệnh, và vì ông bị đau quá
nặng, có một môn đệ phụ nữ rất sùng đạo đã đến hỏi xem nhà sư đã bị đau
như vậy bao giờ chưa và nhà sư dùng thứ gì để chữa trị? Có lẽ nhà sư bị
đau dạ dày, và ông cho biết lần trước ông cũng đã bị như vậy và có người
đem đến cho ông một ít "nước sốt thịt" để giúp làm dịu cơn đau. Thế là
người phụ nữ sùng đạo liền chạy ra chợ tìm mua một ít thịt để làm nước
sốt thịt cho nhà sư dùng. Tuy nhiên hôm đó lại là ngày Bố-tát, nên không
thể kiếm đâu ra thịt. Có một truyền thống tại Ấn Độ là không giết mổ thú
vật vào những ngày kể trên. Vì quá mộ đạo, người phụ nữ này đã quyết
định không thể để cho nhà sư phải tiếp tục chịu đau khổ, thế nên bà ta
cắt ngay một miếng thịt của chính mình và làm món nước sốt thịt. Rồi bà
đem món đó lại cho nhà sư, dâng cho ông, và hình như nhà sư đã dùng món
nước sốt thịt đó và đã bình phục. Khi Ðức Phật nghe được điều này, Ngài
đã đưa ra một giới luật nghiêm cấm các vị chư tăng không được ăn thịt
người. Thật là may (cho tu sĩ chúng tôi) khi có được giới luật đó! Cho
nên, đây sẽ là một giới luật lạ lùng, hoàn toàn vô nghĩa lý, nếu như đã
có qui định là các vị chư tăng không bao giờ được dùng thịt.
Còn có nhiều thí dụ tương tự như thế, trong tạng Luật và tạng Kinh. Khi
Đức Phật nghe biết người ta tố cáo các vị chư tăng của Ngài gây ra sự
giết hại thú vật vì họ ăn thịt, Ngài đã khẳng định không phải như vậy.
Thế rồi Ngài công bố ba điều kiện (tam tịnh nhục), theo đó các vị sư
không được ăn thịt là: nếu như họ đã nhìn thấy, đã nghe được hoặc nghi
ngờ là con vật đó được giết mổ đặc biệt để cúng dường họ, trong các
trường hợp này các vị tăng ni phải từ chối, không nhận thực phẩm đó. Còn
các trường họp khác, khi các vị chư tăng đi khất thực, thông thường họ
phải nhìn vào bình bát khất thực của mình và nhận bất cứ món gì được
dâng cúng với tấm lòng biết ơn, không được tỏ vẻ thích thú hay khó chịu
gì cả. Tuy nhiên, nếu một vị sư biết, nghe và nghi ngờ là con vật đó bị
giết lấy thịt chỉ để nuôi các vị sư, thì họ phải từ chối, không nhận
thực phẩm đó.
Còn có nhiều ví dụ khác nữa mà tôi không nêu ra đây, rải rác đây đó trong
kinh điển cho thấy là không nhất thiết đòi hỏi các vị chư tăng và các cư
sĩ phải là người ăn chay.
Hơn thế nữa, chúng ta có thể nhận thấy qua lịch sử đạo Phật, không có quốc
gia Phật giáo nào lại áp dụng việc ăn chay thành phổ biến cho mọi công
dân Phật tử. Ðiều này cho thấy việc ăn chay không được thực hiện ngay từ
lúc ban đầu. Mặc dù một số tu sĩ Bắc Tông ăn chay - nhất là người Trung
Hoa, Việt Nam và một vài người Nhật Bản - đa số các cư sĩ thì không ăn
chay. Về mặt lịch sử từ thuở ban đầu cho đến ngày nay, nhìn chung, các
Phật Tử không phải là những người ăn chay nghiêm khắc. Ðiều này hỗ trợ
cho kết luận rút ra từ việc khảo sát kinh điển là không bao giờ có một
điều kiện tiên quyết nào đòi hỏi những người muốn trở thành Phật tử phải
là người ăn chay.
Tuy nhiên ta cũng có thể tranh luận với nhau, và điều này thường hay xảy
ra, đặc biệt nơi các vị chư tăng ăn chay, cũng như các cư sĩ, cho là
kinh điển có thể đã bị sửa đổi. Họ biện luận là chính Đức Phật đã dạy
phải ăn chay, nhưng các vị chư tăng (kết tập kinh điển) muốn ăn thịt nên
đã cố tình thay đổi một số điều có liên quan đến vấn đề ăn chay trong
toàn bộ tất cả các bản văn. Lúc đó, họ đã không có máy vi tính để chỉ gõ
vào cụm từ "có liên quan đến thịt" và có được danh sách liệt kê các đoạn
kinh về vấn đề đó. Ngay từ đầu, khi kinh điển được truyền tải qua lời
truyền khẩu và đã có rất nhiều các vị chư tăng tham gia vào công việc
này. Không ai trong họ có được một "đĩa mềm" để có thể thực hiện được
việc thay đổi đó trong vòng nửa giờ đồng hồ. Thật không dễ gì thực hiện
được điều đó, vì có quá nhiều điểm tham khảo rải rác khắp trong kinh
điển. Bạn có thể thay đổi một điểm ở chỗ này nhưng rồi điều đó có thể
mâu thuẫn với các điểm qui chiếu khác. Các vị tu sĩ khó có thể đạt được
một mức độ thuần nhất nếu họ phải thay đổi vô số điểm quy chiếu trong
toàn bộ kinh điển. Vì thế cho nên tôi nghĩ lập luận cho là các vị chư
tăng muốn ăn thịt đã thay đổi sai lạc kinh điển là hoàn toàn không có cơ
sở. Tôi nghĩ là kinh điển là chính xác. Tôi nghĩ Ðức Phật đã không đưa
ra một điều kiện tiên quyết nào cho bất kỳ ai muốn trở thành đệ tử của
Ngài. Tôi cũng không nghĩ là Ngài đã đề ra một giới luật (về ăn chay)
như vậy để huấn luyện các vị chư tăng.
Một điểm gây tranh cãi nữa lại nổi lên về giáo lý của Ðức Phật, vì một
trong những học giới cho tất cả những ai muốn trở thành đệ tử của ngài
là họ không được giết hại (sát sinh) bất kỳ sinh vật nào. Giới luật đầu
tiên dành cho một Phật tử là: Panatipata veramani sikkhapadam
samadiyami
(Tôi nguyện gìn giữ học giới là không giết hại bất kỳ sinh vật nào). Ðây
là công việc tu tập cho mỗi vị tăng, ni, sa di, bạch y, nam và nữ cư sĩ,
và là căn bản cho sự tu tập đức tính vô hại.
Dường như có một sự không nhất quán, dường như không cân bằng, nhưng đây
chỉ đơn giản là do không suy nghĩ rõ ràng về vấn đề thảo luận. Rõ ràng
là Ðức Phật đã thấy sự khác biệt rộng lớn nơi hai việc luyện tập này -
việc luyện tập không giết hại (sát sanh) và việc luyện tập có liên quan
đến chế độ ăn uống. Chúng hoạt động trong các cấp độ khác nhau.
Ðức Phật rất thực tế. Khi Ngài đề ra những học giới, Ngài chỉ đề ra những
giới luật nào mọi người có thể tuân theo, có thể gìn giữ được. Thí dụ
như, Ngài đã không đưa ra một giới luật tu tập cấm bạn không được ăn
uống quá độ. Các nhà sư phải sống nhờ khất thực và Ngài đã đề ra rất
nhiều giới luật có liên quan đến ăn uống cho các vị chư tăng - họ chỉ
được phép ăn vào buổi sáng (trước ngọ), khi ăn họ không được gây tiếng
động với thức ăn nhai trong miệng hay húp xì xụp, họ không được làm rơi
vãi cơm, họ không được vét bát, không được nhìn ngó xung quanh. Tuy
nhiên Ngài không đưa ra giới luật cấm không được ăn quá độ. Các bạn có
thể ăn cho căng đầy bụng mà vẫn không phạm luật. Bạn có thể nghĩ rằng
đáng lẽ Ðức Phật phải đặt ra một giới luật về vấn đề này. Sao lại không
nhỉ, trong khi Ngài đã lập ra đủ mọi thứ luật lệ? Đó chính là vì tùy ở
mỗi người nhằm tự rèn luyện chính mình để ăn uống sao cho điều độ. Ðó
chính là điều bạn phải tự lãnh lấy trách nhiệm để tự rèn luyện dần dần,
nhưng không nhất thiết phải bắt đầu bằng một giới luật.
Có
một điểm khác biệt rất lớn giữa ăn thịt và giết hại (sát sanh) thú vật,
cho dù có thể tranh luận là khi chúng ta ăn thịt, chúng ta gián tiếp ủng
hộ việc giết hại thú vật. Chắc chúng ta phải cân nhắc một vài điều, và
tôi sẽ trở lại điều này với nhiều chi tiết hơn. Tuy nhiên có một sự khác
biệt rất lớn giữa hai điều trên, là vì việc giết hại (sát sanh) thú vật
được quy vào sự cố ý cướp đi khỏi thú vật sự sống của
chúng hay
cố ý gây ra hoặc trực tiếp bảo ai đó giết chết con vật. Ðiều
này là điều giới luật đầu tiên nhắm tới - sự cố ý hay tác ý giết chết
một con vật. Ðó là mục đích ở phía sau hành động. Có ý định, có mục đích
và có cả việc tiến hành thực hiện hành động của mục tiêu đó trong việc
giết hại (sát sanh).
Nếu bạn lái xe của bạn đến đây vào buổi tối hôm nay, tôi đoan chắc là bạn
đã giết chết một số sinh vật nào đó - bạn thử nhìn xem trên kính chắn
gió của xe bạn, chắc hẳn đó có một số côn trùng chết dính trên đó. Khi
chúng tôi đi xe từ tu viện, nơi tôi đang sống tại huyện Serpentine đến
thành phố Perth, cách xa khoảng 60 kilômét, kính chắn gió trên xe ô tô
phủ đầy một lớp các côn trùng chết dính trên đó, đặc biệt vào buổi sáng
và buổi tối. Tôi biết khi tôi bước vào xe và nhờ một người lái xe đưa
tôi tới một nơi nào đó, chắc chắn sẽ có một số côn trùng bị chết như
vậy. Tôi biết điều này, nhưng đó không phải là ý định của tôi để vào xe
và được chở đi. Tôi không nói, "Chúng ta hãy lái xe đi chơi và xem có
bao nhiêu côn trùng đã bị giết chết." Nếu đó là ý định của tôi, thì tôi
đã thực hiện "sát sanh", sát sanh một cách cố ý. Nhưng chúng ta không
làm thế. Chúng ta chỉ bước vào xe và lái từ A đến B với một mục đích rõ
ràng khác. Có lẽ một số côn trùng sẽ bị giết chết, nhưng không phải
chúng ta có ý định giết chúng.
Ðó
không phải là giết hại (sát sanh) - có sự chết xảy ra nhưng bạn không
tạo ra nghiệp sát sanh. Giới luật này là nền tảng mọi công việc tu trì
trong Phật Giáo "không gây hại cho ai" (vô hại): bạn tự hạn chế không cố
ý sát sanh.
Khi người ta ăn thịt, ý định của họ là gì nhỉ? Có bao nhiêu người ăn thịt
mà lại có ý định giết chết con bò, con heo hay con cừu? Nếu như ý định
của họ khi ăn thịt của họ là giết chết thêm nhiều bò, thì rất có thể
hành vi ăn thịt đó gần giống với sát sanh. Nếu bạn xem xét lý do tại sao
người ta thực sự ăn thịt, bạn sẽ thấy có nhiều lý do khác nhau. Tại sao
những người sống ở những xã hội nguyên sơ, quê mùa tại vùng Ðông Bắc
Thái Lan là nơi tôi đã sống một thời gian, và ở đó đa số là những người
theo đạo Phật nhưng họ lại vẫn ăn thịt? Họ ăn ếch, châu chấu, kiến càng,
trứng kiến... và ăn đủ mọi thứ khác trên đời. Tại sao thế? Là vì để có
được chất đạm, vì họ cần phải sống còn, họ cần phải có thứ gì để ăn, và
kiếm được thức ăn là điều vô cùng khó khăn. Một người sống trong hang
động thì họ ăn thứ gì nhỉ? Họ ăn bất kỳ thứ gì họ có thể có được. Do bản
năng cơ bản là để sinh tồn, họ ăn bất kỳ thứ gì có được. Ðó là điều có
nhiều liên quan đến những gì chúng ta ăn - bản năng cơ bản của sinh tồn.
Nó còn tùy thuộc vào những gì có sẵn.
Thế rồi lại còn có ảnh hưởng văn hóa nữa, cách thức vị giác của bạn được
hình thành là do bạn đã được nuôi dưỡng ra sao. Nếu bạn quen dùng một số
thực phẩm nào đó, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi ăn loại thức ăn đó.
Chính vì vậy mà bạn thích mua thức ăn đó. Ðó là loại thực phẩm bạn đã
biết cách nấu nướng ra sao. Tại sao đa số người Úc lại là người
"không-ăn-chay"? Họ ăn thịt là bởi vì đó là điều họ đã quen ăn. Ðó là
một phần tạo ra nền văn hóa Úc.
Chính vì thế khi mà phần lớn những người ăn thịt không ăn chay, không phải
vì họ có ý muốn giết hại thú vật. Ðó chỉ là điều họ đã quen ăn ngay từ
thuở nhỏ. Ðó chính là một phần nền văn hóa của họ, chính là vì họ đã
biết cách nấu món ăn đó, và họ biết cách ăn món đó ra sao. Ðiều đó thích
hợp với họ, chính vì vậy mà họ ăn thịt.
Bạn có thể cho như vậy là kém hiểu biết (vô minh). Vâng, đa số chúng ta
đều vô minh, đa số chúng ta chỉ có được những mục tiêu hết sức giới hạn
trong toàn bộ qui trình hiểu biết, lựa chọn và khả năng; đa số chúng ta
sống theo những gì đã được định sẵn. Không cần thiết phải là như vậy,
nhưng đó lại là cách thức sinh hoạt của đa số chúng ta.
Điều quan trọng là chúng ta có thể phân biệt được như vậy. Ăn thịt không
đồng nghĩa với giết hại sinh vật, vì ý định khác nhau. Ðức Phật đã đề ra
giới luật này, là tự kiềm chế không cố ý giết hại bất kỳ sinh vật nào,
như là một bước đầu tiên hướng tới việc tôn trọng sự sống, của cả con
người lẫn của loài vật. Ðó mới chỉ là bước đầu, chứ chưa phải là điểm
đến. Và đa số chúng ta cũng không thể thực hiện được ngay cả điều đó. Có
bao nhiêu người trên trái đất này đã thực sự kiềm chế để không giết chết
các sinh vật nào? Rất có thể chúng ta phải rơi vào một trận chiến lý
tưởng để xem vì lý do gì mọi người nên "ăn-chay-trường", nhưng bạn phải
thừa nhận một thực tế là tuyệt đại đa số những người trên hành tinh này
vẫn chưa đạt đến mức độ "không cố ý sát sanh". Chỉ cần họ đạt đến được
mức độ đó thôi, thì mọi sự có thể tốt đẹp hơn rất nhiều. Tầm nhìn của
Ðức Phật hết sức thực tiễn, nên Ngài đã dạy rằng tất cả chúng ta ít nhất
là hãy bắt đầu ở mức độ này trước đã.
Đến đây, tôi đã trình bày những lý lẽ tại sao Phật giáo lại không ép buộc
phải ăn chay. Thế thì Phật giáo có khuyến khích mọi người ăn thịt chăng?
Trong kinh điển, chúng ta không đọc được ở đoạn nào Ðức Phật nói, "Hãy
ăn nhiều thịt, điều đó rất tốt cho quý vị". Chúng ta cũng không tìm thấy
đoạn nào Ngài nói, "Hãy mang thịt đến cho con người." Không có đoạn kinh
nào khuyến khích cúng dường nhiều thịt đến cho chư tăng. Kinh điển chắc
chắn không khuyến khích ăn thịt; không có đoạn nào nói như vậy cả, không
có một đề nghị nào tương tự như vậy. Như thế, chúng ta phải hiểu thế nào
đây? Ðơn giản là mỗi cá nhân chúng ta hãy xem xét cẩn thận vấn đề này,
và tự rút ra những kết luận cho chính mình và nhận trách nhiệm về những
kết luận đó.
Những cứu xét về mặt luân lý
Giờ thì chúng ta phải xét xem ăn chay có thích hợp với giáo lý của Ðức
Phật không. Tôi có thể nói là hoàn toàn thích hợp. Ăn chay là công việc
thực hành hết sức bổ ích cho những ai đang phát triển hai điều kiện mà
mỗi Phật tử nên cố gắng đạt đến, đó là lòng bi mẫn và trí tuệ. Ðó là
điều chúng ta nỗ lực tu dưỡng qua con đường tâm linh. Lòng từ bi có
nghĩa là cảm thông với, cảm thông vì, nhạy cảm với những đau khổ của
người khác. Kết quả đương nhiên do việc phát triển lòng bi mẫn là chúng
ta không muốn sát sanh, chúng ta không muốn làm tổn thương đến người
khác,
Với trí tuệ, chúng ta bắt đầu nhận thức rõ là hành động của chúng ta không
chỉ gây ra những hậu quả trực tiếp, nhưng còn gây ra cả những hậu quả
gián tiếp nữa. Ðây chính là sự hiểu biết đang khởi hiện. Tôi thường luôn
viện dẫn một trong những luật tự nhiên cơ bản, gọi là Duyên Sinh hay
Phát Sinh Có Ðiều Kiện. "Khi cái nầy có, cái kia sẽ có" (có khói, phải
có lửa). Nói cách khác, một số điều kiện nào đó sẽ duyên sinh những kết
quả nào đó. Khi trí hiểu biết của chúng ta phát triển rõ ràng hơn và ý
thức được nhiều hơn, chúng ta sẽ nhận ra mối tương quan này. Bất luận
điều gì chúng ta làm, đều gây ra những hậu quả. Ngay cả cách thức chúng
ta đang sống cũng làm phát sinh những nguyên nhân và hậu quả. Chúng ta
bắt đầu nhận thức rõ đây là một luật tự nhiên cơ bản, và chúng ta bắt
đầu ý thức nhiều hơn cách thức chúng ta đang sống ra sao, kèm theo những
hậu quả gắn với các hành động của chúng ta. Một khi ta cảm thông và khôn
ngoan hơn, chúng ta sẽ bắt đầu định hướng cuộc sống của chúng ta để đến
chỗ "vô hại" hơn, hay là làm giảm bớt đau khổ và thiệt hại trong cuộc
sống.
Ðến đây chúng ta hãy xem xét vấn đề này trên một bình diện rộng hơn là
việc chỉ ăn rau đậu, bởi vì chủ đề "Phật giáo và Chủ nghĩa ăn chay" quá
hạn hẹp. Chúng ta không thể thảo luận về chủ nghĩa ăn chay giống như là
một điều gì đó riêng rẽ lẻ loi một mình. Có rất nhiều vấn đề liên quan
đến đề tài này, ăn chay dính dáng đến cả môi sinh, nghĩa là mọi lãnh vực
trong cuộc sống. Có lẽ chúng ta phải đặt tên cho đề tài này lại là:
"Phật giáo và Môi sinh", hay "Phật giáo và Đời sống" mới đúng.
Một khi chúng ta nhận thức được rằng bất kể chúng ta sống ra sao cũng đều
gây ra những hậu quả, thế thì ảnh hưởng nào sẽ nảy sinh do cách chúng ta
sống? Chúng ta thẩm định như thế nào về những gì những gì chúng ta đang
làm? Mọi việc làm, mọi lời nói của chúng ta đều gây ra hậu quả, vì chúng
ta là bộ phận của một hệ thống. Mỗi người đang ngồi đây đều là một bộ
phận của một hệ thống, của toàn bộ vũ trụ.. Chỉ có một hệ thống và chính
bạn là một phần của hệ thống đó. Mọi hành vi của bạn đều tác động đến vũ
trụ này.
Bạn có thể nghĩ, "Tôi làm được gì mà ảnh hưởng đến sự chuyển động của các
hành tinh và các giải ngân hà?" Có lẽ rất ít tác dụng, nhưng theo nguyên
lý tương quan tương tác, thì mọi hành vi bạn thực hiện đều ảnh hưởng đến
tất cả mọi thứ khác. Nếu các bạn không thể nhận ra điều đó trong toàn
khối của nó, thì chắc hẳn bạn có thể nhìn ra được điều đó trong căn
phòng này. Bất kỳ điều gì bạn làm ở đây tối nay đều ảnh hưởng đến mọi
người khác. Ðiều gì tôi làm đang ảnh hưởng đến bạn đó. Ðiều chúng ta
đang làm sẽ ảnh hưởng đến bên ngoài kia. Bất kỳ điều gì chúng ta làm đều
có ảnh hưởng về lâu về dài đến mọi sự việc khác.
Vậy thì khi chúng ta ăn thịt, cũng sẽ tất yếu gây ra những hậu quả. Những
hậu quả đó là gì? Chúng ta đang trực tiếp hỗ trợ cho một kỹ nghệ mà công
việc sản xuất của họ là chăn nuôi súc vật, thường thì với những điều
kiện vô cùng khủng khiếp, chỉ với một mục tiêu đó là giết mổ. Thịt được
bán trong những gói nhỏ gọn, để chúng ta mua và ăn. Ý định của chúng ta
khi nấu và ăn món thịt không phải là giết hại (sát sanh) thú vật - tôi
không nghĩ ai trong chúng ta lại có ý định đó, tuy nhiên, qua hành vi
mua, nấu và ăn, chúng ta vẫn gián tiếp hỗ trợ cho việc giết hại (sát
sanh) con vật đó. Đây không phải là hành vi sát sanh, mà là hỗ trợ cho
hành vi sát sanh đó.
Hiểu như vậy, một số cá nhân có thể quyết định không hỗ trợ cho hành vi
sát sanh. Họ không muốn là một phần của sự giết hại đó, họ muốn tách ra
ngoài hệ thống giết hại đó. Nếu có một lý do vì sao người Phật tử nên có
quyết định chỉ ăn toàn rau đậu, quyết định đó nên đặt cơ sở trên viễn
tượng này. Chỉ có một lý do hợp lý nhất, tốt nhất, đó là lòng bi mẫn -
nghĩa là không muốn gây đau khổ cho bất kỳ một ai ngoài sự bắt buộc.
Ăn
chay là một vấn đề chọn lựa và trách nhiệm của mỗi cá nhân, không thể là
sự ép buộc, nhưng rất đáng khen và rất phù hợp với giáo lý của Ðức Phật.
Thế nhưng, bạn chỉ dừng lại ở đó thôi sao? Hiện giờ bạn có thanh tịnh
chưa? Bạn vừa trở thành một người ăn chay, nhưng bạn đã là người "vô tội
vạ" chưa? Bàn tay của bạn đã sạch chưa?
Tôi xin báo cho bạn biết bao lâu bạn còn sống trên hành tinh này, bao lâu
bạn còn là thành viên của hệ thống đó, bàn tay của bạn sẽ không bao giờ
thanh sạch cả. Khi bạn ăn bất kỳ món gì, bạn luôn luôn góp phần tạo ra
cái chết và sự tàn phá, cho dù bạn có làm gì đi chăng nữa. Bạn có thể ăn
toàn rau đậu, nhưng bạn vẫn góp phần tạo ra sự tàn phá vì bạn là một
phần của hệ thống này. Bạn không thể trốn thoát. Bạn đang ngồi trên ghế,
thế thì ghế từ đâu mà ra? Ghế lại kê trên tấm thảm, thảm từ đâu mà có?
Còn điện khí, máy điều hòa, căn nhà này, xe ô tô, xe lửa, xe buýt, tất
cả những thứ đó từ đâu mà ra? Tất cả những thứ đó đều có tương quan với
nhau. Vạn vật đều có quan hệ với nhau. Chúng ta luôn dự phần vào toàn bộ
một hệ thống, và khi nào chúng ta còn sống trên đời này, chúng ta luôn
luôn dự phần đóng góp vào đó. Chúng ta sử dụng máy điều hòa, chúng ta sử
dụng điện năng, điều đó có nghĩa là chúng ta đang hỗ trợ cho công việc
xây dựng các đập nước, dẫn đến tàn phá nhiều cánh rừng. Không còn gì
phải nghi ngờ nữa. Các bạn ai cũng đang mặc y phục, đang đi giầy, có
phải không? Nếu không đi giầy da thì bạn đi giầy nhựa. Thế ai chế tạo ra
giầy nhựa? Hẳn phải là các công ty hóa chất, các công ty này cũng là đã
là nơi chế ra bom na-pan và các chất độc. Các bạn đang hỗ trợ cho họ
đấy!
Như tôi đã nói, việc huấn luyện tu sĩ là phải biết chấp nhận những gì
người khác cho mình và không đòi hỏi điều gì đặc biệt cả. Hầu hết các
thực phẩm chúng tôi nhận được là đồ chay, nhung không phải là tất cả
(nghĩa là cũng có đồ thịt cá). Chính vì thế mà tôi vẫn có thể bị kết án
là đóng góp (vào việc sát hại). Tôi phải thú nhận là bàn tay của tôi
không trong sạch gì cả. Ngay cả nếu như tôi là người ăn chay, như tôi có
thể hành trì trong đa số thời gian sống, thì bàn tay của tôi vẫn không
trong sạch. Thế bạn nghĩ hoa quả và rau đậu từ đâu mà có? Làm sao những
vườn rau lại sạch bóng không còn bất kỳ thứ cây rừng và bụi rậm nào cả?
Cây rừng và bụi rậm đó đã biến đi đâu? Các cánh đồng bao la trồng lúa
mì, ngô bắp và cây ăn trái ... điều gì đã xảy đến với những cánh rừng
nguyên sinh ngày xưa? Chúng đã biến mất với những luống cầy và thuốc hóa
học xịt liên tục. Chúng ta đang hưởng một lượng rau quả tuyệt vời. Nhưng
để có những giỏ rau quả tuyệt vời đó, các bạn đã phải xử lý một số sâu
bọ côn trùng.
Ở
mức độ cá nhân, nếu bạn thực sự có lòng từ bi, nếu bạn thực sự khôn
ngoan, bạn có thể phục vụ tận khả năng của bạn để giảm thiểu sự tổn hại.
Nhưng khi bạn xét rằng hiện đang có 6 tỷ người trên hành tinh này, đó là
một lượng người khổng lồ để nuôi ăn và nuôi mặc, thì như thế chắc hẳn đã
tạo ra biết bao nhiêu là sự hủy hoại, trực tiếp hay gián tiếp. Ðời sống
là như thế đó!
Những gì tôi đang trình bày ở đây không dựa trên thuyết định mệnh. Những
điều đó chỉ đơn giản giúp chúng ta ý thức được thực tế mà thôi. Trong
hiện trạng này, tất cả chúng ta có thể và phải xem xét cẩn thận điều gì
chúng ta đang làm, chúng ta đang sống ra sao, chúng ta đang tiêu thụ
những gì. Chúng ta đang góp phần vào cái chết và sự hủy hoại ra sao? Ðây
không chỉ là chuyện ăn chay. Thật đáng trân trọng biết bao nếu ta ăn
chay một cách thích hợp, và như tôi đã trình bày, là phải hợp với giáo
lý của Ðức Phật, nhưng còn phải làm nhiều việc hơn thế.
Bước đi thận trọng và dè dặt.
Ngay cả nếu như chúng ta không ăn chay, chúng ta cũng còn rất nhiều điều
phải làm. Ngày nay chúng ta đang bắt đầu hiểu ra vấn đề. Chúng ta không
thể tiếp tục tiêu thụ nhiều hơn, không thể đòi hỏi nhiều hơn nữa, ước
muốn có được đủ thứ, càng nhiều càng tốt và không thể kỳ vọng ở cái hành
tinh hữu hạn này với những tài nguyên hữu hạn của nó có thể cung cấp cho
chúng ta đủ mọi thứ. Một trong những lời dạy căn bản của Ðức Phật đó là
hãy bằng lòng với những điều nhỏ bé. Ðiều này không có nghĩa là hãy nhịn
đói đến chết, đó là chỉ vấn đề hài lòng, biết đủ, với những gì bạn đang
có, đừng để liên tục bị ám ảnh kiếm được càng nhiều càng tốt, đây chính
là hội chứng của xã hội tiêu thụ ngày nay, có phải không? Ða số chúng
ta, những người trong xã hội Tây Phương đều đau khổ về điều đó.
Tôi có một thiền sinh người Mỹ luôn phàn nàn than trách vì ở đây, tại nước
Úc này, các loại thức ăn quá hạn chế. Cô ta nói, "Ở đây quý vị chỉ có ba
loại sô-cô-la, trong khi đó ở Mỹ, chúng tôi có đến 20 loại khác nhau".
Hai mươi loại sô-cô-la và một trăm hai mươi thứ kem lạnh khác nhau để
lựa chọn - thật là một thành tựu tuyệt vời của nhân loại, là tột đỉnh
của văn minh con người! Ðây chính là tiêu thụ chủ nghĩa, trong đó có
chứa các cụm từ "thêm nữa đi", "nữa đi, nữa đi, và nữa đi". Lúc nào cũng
đòi thêm nữa, mà không thấy nhấn mạnh vào chữ "mãn nguyện, hài lòng, vừa
đủ".
Các bạn có thể nhận ra xã hội này sẽ đi về đâu, với hội chứng con ma đói -
ngạ quỷ - luôn luôn muốn có được nhiều hơn, không bao giờ biết thỏa mãn.
Nó đang hủy diệt toàn bộ hành tinh này. Hành tình này rất hữu hạn, các
hậu quả đó sẽ rộng lớn vô cùng. Một con ma đói chắc là không mấy nguy
hiểm, nhưng nếu một khi chúng ta đạt đến hàng triệu con ma đói đó, lòng
ham muốn có được càng nhiều càng tốt này sẽ thiêu rụi toàn bộ hành tinh
chúng ta. Nó đang tàn phá thế giới với một mức độ đáng báo động.
Ðức Phật đã chỉ ra một nguyên lý căn bản, đó là: - lòng tham thủ là
nguồn phát sinh ra đủ mọi vấn đề, và chẳng bao giờ có thể thỏa mãn nếu
cứ chạy theo nó. Sự mãn nguyện, thỏa mãn với những nhu cầu tối
thiểu là vô cùng hệ trọng. Ðương nhiên đây phải là một phán đoán của
riêng mỗi cá nhân. Ðức Phật không thể ngồi xuống đây và dạy: "Tôi chỉ
phân phối có 20 gam phô-mai cho mỗi người mỗi ngày mà thôi." Ðiều đó
thật là khôi hài! Ðức Phật là một nhân vật đã được giác ngộ và Ngài cũng
muốn mọi người được giác ngộ giống như Ngài, và trở nên có trách nhiệm
hơn. Ðức Phật không tước trách nhiệm khỏi bạn bao giờ, điều này tùy
thuộc vào mỗi cá nhân. Ngài chỉ đưa ra những hướng dẫn mà mỗi người
chúng ta phải tận dụng lấy, qua suy gẫm về cuộc sống của mình. Hãy cân
nhắc những gì chúng ta đang làm, những hậu quả của chúng, và nhận lãnh
trách nhiệm. Chúng ta đang sẵn sàng từ bỏ bao nhiêu? Mỗi người trong
chúng ta đều phải tìm cho ra giới hạn của mình. Ðối với một số người có
thể là một chiếc xe ô tô, với người khác có thể là hai chiếc. Một số
người khác có lẽ chỉ muốn có mỗi một chiếc xe đạp mà thôi. Ðây chính là
thẫm định nhu cầu của mỗi người chúng ta.
Chúng ta càng nhấn mạnh đến lòng từ bi và hiểu biết những hậu quả của các
hành động, chúng ta càng có thể thực hiện được những sự chọn lựa đúng
đắn, để đơn giản hóa, để phát triển thêm lòng mãn nguyện và hiểu được
thế nào là điều độ (tiết độ). Điều này còn quan trọng hơn là chỉ biết có
ăn chay. Ăn chay chỉ là một yếu tố, một khía cạnh trong một bức tranh
toàn cảnh. Toàn cảnh còn rộng lớn hơn rất nhiều, vì phải đề cập đến số
lượng chúng ta tiêu thụ, ngay cả hoa quả, rau đậu, quần áo, giầy dép,
năng lượng, không khí, nhiên liệu và đủ thứ khác... vì mọi nhu cầu tiêu
dùng đều gây ra hủy diệt.
Ðây là cách sống của đạo Phật: hãy bắt đầu vun trồng lòng từ bi và hiểu
biết, và từ đó ta bắt đầu định hướng lại cuộc sống chúng ta bằng cách
thực hiện những lựa chọn đúng đắn. Tùy mỗi cá nhân chúng ta quyết định
xem mình phải tiến tới bao xa, bước những bước đi rất thận trọng trên
hành tinh này, để cho cuộc sống chúng ta không phải là nguyên nhân của
biết bao nhiêu sự hủy diệt không cần thiết.
Đây là một sự kiện cá nhân. Các bạn không làm được gì tốt nếu bạn đi vòng
quanh và chỉ tay điểm mặt người khác rồi đòi hỏi họ phải ngưng, "Quí vị
nên ngưng dùng các loại giấy vệ sinh được tẩy trắng (vì chúng phá hoại
môi sinh), nếu không thì chúng tôi sẽ bắt bỏ tù quý vị". Nếu xã hội tiến
tới điểm cực đoan này, thì cấm đoán sản phẩm đó cũng là một điều tốt,
nhưng bạn không thể làm như thế cho đến khi nào có đủ số người thông
hiểu và tán đồng nhu cầu cần phải làm như thế. Mục đích chính của đạo
Phật là luôn luôn khuyến khích lòng từ bi và trí tuệ. Từ đó, mọi việc
khác sẽ xảy đến tương hợp với sự đáp ứng của từng cá nhân và sự hiểu
biết trách nhiệm của từng người.
Các bạn có thể nhận ra lý do tại sao tôi tin tưởng rằng Ðức Phật lại không
chủ trương bó buộc các Phật tử phải ăn chay, vì đó không phải là cách
thức Ngài tiếp cận vấn đề. Mối bận tâm chính của Ngài là đề ra một tiêu
chuẩn cơ bản, nhưng ngay cả tiêu chuẩn đó cũng là tự nguyện. Từ đó, tùy
ở bạn có nên tuân thủ theo hay không. Tùy ở mỗi cá nhân, qua lời dạy của
Ngài, mà trở nên từ bi hơn, khôn ngoan hơn, nhận lấy trách nhiệm cho
cuộc sống của chính mình. Cho dù bạn có hay không có đề ra một luật lệ
nào, điều quan trọng là người ta có tuân thủ theo luật đó hay không.
Ðường hướng của Ðức Phật, mục đính chính của giáo lý của Ngài, là khuyến
khích để mọi người hiểu biết hơn, từ bi hơn, giúp mỗi cá nhân có thể
thực hiện được những sự lựa chọn thích hợp - không chỉ trong việc ăn
chay, nhưng còn trong nhiều việc khác nữa.
Ăn
chay là một sự lựa chọn rất cao thượng, nhưng sự lựa chọn đó phải phát
xuất từ một vị thế đúng - phát xuất từ lòng bi mẫn và sự hiểu biết. Sau
khi có một sự lựa chọn như vậy, xin đừng làm ô uế nó qua lòng ác cảm đối
với những người không ăn chay. Bởi vì nếu như thế, sự tốt lành phát sinh
từ việc lựa chọn đó sẽ trở nên băng hoại, và cách này hay cách khác bạn
sẽ trở nên tệ hơn những người không ăn chay. Chúng ta thực hiện sự lựa
chọn này xuất phát từ lòng từ bi. Nếu chúng ta ở vào vị thế phải giải
thích (về sự chọn lựa), chúng ta giải thích cho người khác theo lý trí
và lô-gích, không phải bằng cách chỉ trích họ vì họ không ăn chay.
Tôi kính trọng những người ăn chay. Họ có hành động rất cao thượng; đó là
một cử chỉ xuất ly. Ăn chay chỉ là chuyện nhỏ nhưng cao thượng, và rất
hòa hợp với những lời dạy của Ðức Phật về lòng bi mẫn và sự hiểu biết.
Nhưng không được dừng lại ở đó. Ngay cả khi bạn không ăn chay, cũng xin
đừng nghĩ là không còn gì để cho bạn thực hiện được nữa. Có rất nhiều
điều để cho bạn thực hiện trong cuộc sống này, trong cách nói năng của
bạn, trong hành động của bạn, trong mọi sự việc. Xin hãy là người hành
động thận trọng, xin hãy là người không tạo thêm đau khổ cho nhân loại
và cho mọi sinh linh trên hành tinh này. Một khi chúng ta có ý định nỗ
lực đi theo chiều hướng đúng đắn đó, chúng ta là những đệ tử tốt của Ðức
Phật. Mỗi người chúng ta phải bước đi với nhịp chân của chính mình.
Nguyên tác: "Buddhism and
Vegetarianism", Ajahn Jagaro (1994). Tỳ kheo Thiện Minh dịch.
---o0o---
[
Mục Lục
] [
01] [
02] [
03] [
04]
[
05]
[
06] [
07] [
08] [
09] [
10] [
11]
Về danh mục