Vấn đề ăn chay, ăn mặn trong đạo Phật

 

Nhiều tác giả

 ---o0o---

 

Phật giáo và vấn đề chay mặn
Phân tích quan điểm của Đức Phật về việc sử dụng thịt

V.A. Gunasekara

Giới thiệu: Tiến sĩ Victor A. Gunesekara là một cư sĩ người Úc gốc Tích Lan. Ông là giáo sư của Đại học Queensland, và là Tổng thư ký Hội Phật Giáo bang Queensland, Úc châu. Ông viết nhiều sách về đạo Phật và đã được xuất bản ở Úc, Singapore, và Sri Lanka.

-ooOoo-

Nội dung

1. Ghi chú tựa đề.
2. Luật tam tịnh nhục của Ðức Phật.
3. Quan điểm các tôn giáo khác về việc ăn thịt.
4. Phân tích về giới luật của Ðức Phật.
5. Những luận chứng về ăn chay
6. Kết luận.

1. Ghi chú tựa đề ^

Bài viết này xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Vìmamsà của Hội Phật Giáo Queensland vào tháng 10 năm 1983. Rồi sau đó được in lại trên Tạp chí Người Phật Tử Trẻ (Young Buddhist) tại Singapore. Sau đó lại được phát hành trên loạt bài về Phật Giáo của Hội Phật Giáo Queensland, và các bản in không còn lưu hành nữa. Xét thấy có nhiều người rất quan tâm đến chủ đề này chúng tôi lại cho tái xuất bản trong một tập sách nhỏ.

Ðây cũng là cơ hội để có thể thực hiện một số thay đổi văn phong, thêm vào một vài tư liệu bổ sung và cước chú. Tuy nhiên, không có thay đổi nào về các luận cứ trình bài trong tập sách.

2. Luật Tam Tịnh Nhục của Đức Phật ^

Ăn chay là một sự thực hành đang phát triển trong xã hội hiện đại và một số người nhiệt tình mới nổi lên đã chỉ tay phê phán nhắm vào Ðức Phật là nguời đã sử dụng thịt như được ghi chép lại, và nhắm cả tới những Phật tử hiện đại đã sử dụng thịt. Ðây cũng là cơ hội đáng để chúng ta nghiên cứu lại thái độ của Ðức Phật về việc sử dụng thịt cá. Trước tiên chúng ta sẽ nói rõ giới luật Ðức Phật đã để lại có liên quan đến việc sử dụng thịt cá, và rồi sẽ điều tra nghiên cứu các bài phân tích về giới luật này. Mặc dù giới luật của Ðức Phật đã được công bố rất nhiều lần, có rất ít bàn luận về lý lẽ cơ bản của qui luật này. Chính vì điều đó mà bài viết này được tạo ra.

Có đôi điều gây tranh cãi về thành phần món ăn cuối cùng, "sùkaramaddava", mà Ðức Phật đã dùng. Một số người (tin theo lời bình luận của ngài Buddhaghosa - Phật Âm) cho là Ngài đã dùng thịt heo, một số người khác (tin theo trường phái Bắc Tông - Mahayana) lại cho đó là dược liệu hay chỉ là một loại nấm rừng. Tuy nhiên còn có một số sự kiện khác được ghi lại về Ðức Phật cũng như các Tỳ Kheo tiên khởi đã ăn thịt. Chi tiết cổ xưa nhất liên quan đến vụ này được ghi trong câu chuyện viết về việc "cải đạo"của vị Tướng Quân Siha đã được ghi trong Luật Tạng (Mahàvagga, VI, 31-2). Vị tướng quân này đã mời Ðức Phật và các vị Tỳ Kheo của ngài dùng một bữa trai Tăng trong đó thịt đã được cúng duờng. Những người Kỳ-na giáo vốn đã được hưởng sự bảo trợ đặc biệt của viên tướng này từ trước, đã lan truyền câu chuyện là vị Tướng Quân Siha đã giết một "con vật béo" (thùla pasu) vào dịp đó và chính Ðức Phật đã cố ý tham dự bữa tiệc đó, và như thế, Ngài đã phạm phải một hành vi gây hậu quả nghiệp chướng nghiêm trọng (pàticcakamma). Trong thực tế, con vật đã không được giết mổ chỉ để dành riêng cho dịp đó, nhưng thịt đã được mua ở chợ. Ðức Phật đã tận dụng cơ hội này, Ngài đã đề ra một giới luật có liên quan đến việc sử dụng thịt và cá.

Ðức Phật đã nói với chư tăng: "Quý thầy không được cố ý sử dụng thịt đã được giết mổ chỉ dành riêng cho quý thầy; Như Lai chỉ cho phép sử dụng thịt và cá không bị phiền trách [1] trong ba trường hợp sau đây: không thấy, không nghe và không nghi ngờ cả " (Luật I, 233). Chúng tôi sẽ đề cập đến giới luật này khi nói về luật Tam Tịnh Nhục của Ðức Phật quy định về ăn thịt [2]. Ba điều kiện này đòi hỏi không được chứng kiến công việc giết mổ, không được nghe nói thịt đó được giết mổ (để cung cấp cho người trong cuộc), và ngay cả khi không có thông tin như vậy thì cũng không có gì phải nghi ngờ về hai trường hợp trên (nghĩa là mắt, tai và tâm ý phải thõa mãn được "sự vô can" về món thịt đó).

Với sự căn bản của luật Tam tịnh nhục đó, các kinh văn Pàli đã phân biệt có hai loại thịt, gọi là "uddissakatamasa""pavattamasa". Danh từ thứ nhất - uddissakatamasa - được dùng để chỉ loại thịt được giết mổ chỉ dành riêng cho một người tiêu thụ nào đó. Loại thịt này không được luật Tam tịnh nhục cho phép ăn. Cho dù không xác minh, một tiêu chuẩn thô sơ có thể dùng để xác định loại thịt này là do người giết mổ đã có ý định rõ ràng chỉ dành riêng cho một người cá biệt nào đó sử dụng, và nếu như người đó sử dụng thì không những người đó cùng chia sẻ thịt không mà thôi, mà còn chia sẻ cả những hậu quả nghiệp chướng gắn liền với việc cung cấp loại thịt đó. Danh từ thứ hai được dùng để chỉ một loại thịt khác được phép dùng - pavattamasa - theo nghĩa đen được hiểu là "loại thịt đã sẵn có" (bà Horner, Hội Thánh điển Pàli, dịch là "thịt có sẵn trong tay"). Từ đó, đã có một số vụ tranh cãi để xem những loại thịt nào thuộc vào loại "loại thịt đã sẵn có". Một số người giải thích cho là đó là loại thịt những con vật bị giết một cách tình cờ, hay bị các con vật khác giết chết. Nhưng trong thực tế nó gồm cả thịt được bán ở ngoài thị trường. Ðiều này được làm rõ bằng một sự kiện ghi chép trong tạng Luật, kể về bà Suppiyà sai tớ gái ra chợ để mua thịt về (nấu súp cho một vị sư ốm nặng) và người đầy tớ gái về cho bà biết là không thể kiếm đuợc loại thịt đã giết mổ sẵn vì "hôm nay không phải là ngày giết mổ". Ðiều này cho thấy thịt giết mổ bán ở ngoài chợ được coi như là loại thịt pavatta-masa, và do đó là loại thịt được phép sử dụng. Loại thịt này được xem như là "vô can". Vì loại này thuộc dạng nghiệp chướng trung hòa đối với người tiêu dùng (nhưng đương nhiên người giết mổ và cung cấp phải chịu trách nhiệm nghiệp chướng). Chúng ta sẽ đề cập đến hai loại thịt này như là "thịt nghiệp tác" (karmically effective) và "thịt nghiệp trơ" (karmically neutral, "thịt có nghiệp trung tính, vô can") [3]. Một phiên bản ngắn về sự kiện này đã được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh.

Trong kinh Jivaka thuộc Trung Bộ Kinh, cùng một giới luật như trên đã được giải thích cho y sĩ Jivaka. Bài kinh này đã xác định với nhiều lời lẽ về những nghiệp ác đi kèm theo việc vi phạm giới luật Tam Tịnh Nhục. Giới luật này đã được tái khẳng định khi Ðức Phật đã từ khước lời yêu cầu của Đề-bà-đạt-đa để đem việc ăn chay vào giới luật tu sĩ [4]. Cũng ghi nhận rằng luật tam Tịnh Nhục cũng thấy các tạng Luật của các bộ phái nguyên thủy khác, như bộ phái Pháp Tạng và Hữu Bộ (tuy nhiên không thấy viết trong kinh tạng của họ). Vi thế, có thể xem luật Tam Tịnh là một giới luật đích thực của Ðức Phật.

Sự phân biệt giữa hai loại thịt nghiệp tác và nghiệp trơ được dựa trên những cơ sở đạo đức. Tuy nhiên cũng còn có những luận cứ khác cho việc ăn chay, sẽ được đề cập đến trong phần 4 dưới đây. Ðức Phất cũng đã gán cho tầm quan trọng ít nhất vào một trong những lý do đó. Dựa trên những cơ sở này mà thịt của mười sinh vật sau đây bị cấm sử dụng, đó là: thịt người, thịt voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, beo, gấu và linh cẩu. Những bản văn chỉ đơn giản công bố những loại thịt đó là không "thích hợp" mà không đưa ra những phân tích chi tiết tại sao mười loại thịt lại là loại thịt bị cấm. Nhưng chúng ta có thể đoán rằng cấm như vậy vì đã được công chúng đồng ý như thế. [5]

Dựa theo quan điểm loại thịt nghiệp trơ mới được phép sử dụng trong cộng đồng Phật giáo, Ðức Phật đã yêu cầu không được sử dụng bất kỳ loại thịt nào mà không tìm hiểu rõ ràng căn nguyên ("na ca bhikkhave appativekkhitvà masam paribhunjitabbam"). Thiếu hiểu biết không thể là lý do để tự bào chữa được nếu như một loại thịt sai quy định đã được sử dụng. Ðây là trách nhiệm của người sử dụng để xác định loại thịt nào là thích hợp để tiêu dùng. Những giới luật được đề ra chủ yếu liên quan đến các vị tăng ni, nhưng cũng được áp dụng rộng rãi cho toàn thể cộng đồng Phật tử, tu sĩ lẫn cư sĩ.

Ngày nay, lối hành trì tại các quốc gia Nam Tông không giống nhau. Nhìn chung tại Sri Lanka, các nhà sư chỉ được dùng cá trong các bữa ăn, mặc dù số các nhà sư ăn chay đang gia tăng. Tại Thái Lan, dường như người ta thường cúng dường các món có thịt trong các bữa ăn của các vị sư.

3. Quan điểm các tôn giáo khác về việc ăn thịt. ^

Những quan điểm của Ðức Phật về ăn thịt phải được xét đến trong khung cảnh thời đại của Ngài. Các bản văn tôn giáo Ấn độ sớm nhất, như Vệ-đà, lại không cấm sử dụng thịt hay giết mổ súc vật. Thực vậy, một số lớn các nghi thức sát tế đã trở thành qui luật, đặc biệt là nghi thức tàn nhẫn Asvamedha đã dần dà được thừa nhận là cách tỏ rõ sức mạnh của các nhà cầm quyền đang gia tăng.

Thoạt đầu mang tính thăm dò, chính những người Upanishads đã đề ra nguyên tắc "không gây tổn thương" (ahimsà - vô hại) vào cuộc sống tôn giáo Ấn độ. Nhưng ngay cả nghi thức sát tế cho các thần linh cũng được cho phép, tuy nhiên không phải trên qui mô được thừa nhận dưới thời Vệ-dà sau này. Nơi những người Upanishads đầu tiên, như Chandogya, lại cho phép sử dụng thịt đặc biệt nếu một phần thịt đó đã được cúng cho các vị thần linh. Chỉ sau thời Đức Phật, một số người theo đạo Hindu (Ấn độ giáo, Bà-la-môn giáo) mới chấp nhận việc ăn chay như một luật chung. Nhưng giới luật này cũng không phổ biến mấy và một số giáo phái Hindu như những người theo việc thờ cúng Tara lại dính líu đến nghi thức giết mổ và sử dụng thịt. Tuy nhiên đa số tín đồ Hindu lại là người ăn chay, hay ít nhất cũng tránh sử dụng một vài loại thịt, như là thịt bò.

Chính nơi các người Kỳ-na giáo, chúng ta thấy rõ sự khẳng định đặc biệt đối với nguyên tắc vô hại - ahimsà. Họ nghiêm cấm giết hại tất cả các hình thức sự sống, ngay cả những sinh vật cực nhỏ. Toàn bộ nền đạo đức của người Kỳ-na bao gồm hàng loạt những giới luật và các điểu khoản liên quan đến qui luật Ahimsà. Thực vậy, tám điều kiêng cữ cơ bản (mùlaguna) người cư sĩ Kỳ-na thường phải tuân thủ liên quan đến kiêng cữ: thịt, rượu, mật, và năm loại quả vải đặc trưng. Bảy loại thức ăn sau bị cấm sử dụng vì có thể tìm thấy một số sinh vật nhỏ sống trong đó. Thêm vào đó, toàn bộ một loạt những giới luật khác cũng phải được tuân thủ, thí dụ như không được dùng bữa sau khi mặt trời lặn (vì bếp lửa nấu ăn có thể thu hút một số côn trùng đến thiêu thân.) và không được uống nước chưa được lọc (rất có thể trong nước đó có chứa một ít sinh vật). Những người thường dân Kỳ-na còn loại bỏ cả công việc trồng tỉa ra khỏi những nghề tạo"sinh kế hợp lý" của họ, vì canh nông cũng đưa đến phá hoại sự sống. Rất nhiều người chỉ làm nghề thương mại và đổi chác. Các giới luật dành cho các tu sĩ đạo Kỳ-na (muni) còn nghiêm khắc hơn nhiều. Một số giáo phái còn tránh không cả mặc quần áo vì sợ có thể hủy diệt các loại ký sinh trùng sống trên thân thể con người. Một số các tu sĩ khác còn thi hành việc tuyệt thực đến chết (sallekhana) vì không có loại thực phẩm nào có thể thực sự không gây hại đến các thú vật. (xin đọc phần dưới đây bàn về những luận chứng về ăn chay).

Trong số các Phật tử, một số nhóm theo phái Bắc Tông hết mực tán dương việc ăn chay. Ðã thấy xuất hiện trong kinh Đại Niết-bàn phiên bản chữ Sanskrit, lời tuyên bố sau đây được gán cho là do Ðức Phật nói: "Như Lai ra lệnh toàn thể các đệ tử từ nay về sau không còn được tham gia vào các bữa ăn có thịt." Dĩ nhiên, lời tuyên bố này không thấy xuất hiện trong phiên bản tiếng Pàli của bài kinh có cùng tên. Một điều được biết rõ ràng là có nhiều tuyên bố khác nữa cũng đã được thêm vào bản kinh Sanskrit này dựa vào uy tín của Ðức Phật sau khi Ngài đã qua đời. Sự kết án việc ăn thịt được thấy trong các kinh điển khác của Bắc Tông, như trong phiên bản của họ về kinh Phạm Võng, và quan trọng hơn là kinh Lăng Già. Trong chương Tám của kinh này đã được dành trọn vẹn cho vấn đề ăn thịt, và có đến 24 luận cứ được đưa ra chống lại việc ăn thịt. Một vài luận cứ tiêu biểu được viện dẫn chống lại việc ăn thịt trong kinh Lăng Già là:

1. Những thú vật hiện nay có thể là bạn bè họ hàng với chúng ta trong quá khứ.
2. Chính cha mẹ và họ hàng chúng ta có thể được tái sinh là một con vật trong cuộc sống mai sau.
3. Theo lý lẽ thông thường thì không có lý do gì để cấm dùng thịt một số loài vật, đang khi đó lại không cấm sử dụng tất cả các loại thịt khác.
4. Thịt luôn được xem là ô uế vì nó luôn luôn bị nhiễm các chất phóng uế của thân xác
5. Viễn cảnh bị giết thịt có thể khiến cho thú vật phải kinh hoàng.
6. Toàn bộ thịt chẳng là gì khác hơn là xác chết thối rữa.
7. Việc dùng thịt có thể kiến cho người sử dụng trở nên độc ác và gợi cảm nhục dục.
8. Theo bản chất tự nhiên, con người không phải là con vật ăn thịt.

Trong kinh này, Đức Phật đã chỉ vẽ cho Bồ Tát Đại Huệ như sau:"Không có loại thịt nào lại tinh khiết, xét theo ba cách thức sau đây: không được dự tính trước, không được yêu cầu, và không bi ép buộc; chính vì vậy mà nên tránh không ăn thịt."

Thật rõ ràng đây là câu trả lời của phái Bắc Tông về luật Tam Tịnh Nhục của Ðức Phật đã đề ra trong kinh Pàli và trong kinh điển của các bộ phái nguyên thủy khác. Nhưng ba điều kiện đề cập đến ở trên không ăn khớp với những điều kiện đã được Ðức Phật qui định trong các kinh điển Pàli. Cho dù có rất nhiều lời phê phán trong kinh điển về việc ăn thịt, những người theo phái Bắc Tông nhìn chung trong thực tế cũng vẫn tiêu thụ thịt. Đặc biệt điều này hoàn toàn đúng nơi các Phật tử Tây Tạng. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã đưa ra lời biện hộ cho rằng đó là vì đất đai và khí hậu tại Tây Tạng khô cằn và khắc nghiệt, không có lợi cho việc trồng tỉa. Nhưng điều này cũng là do những ảnh hưởng của môn phái Mật Tông trong đó, thịt và cá là hai trong số 5 loại "thịt" mà người thuộc phái Mật tông thường ham mê thích thú.

Như chúng ta đã thấy, phái Nam Tông cố gắng tuân giữ giới luật của Ðức Phật. Duy chỉ có một ngoại lệ đáng chú ý nhất đó là cuộc ly khai của Ðề Bà Ðạt Ða, trong đó Ðức Phật đã thẳng thắng từ khước ngay việc đưa ăn chay thành giới luật. Tuy vậy một số tàn dư của của cuộc ly khai bởi Ðề Bà Ðạt Ða vẫn thấy xuất hiện nơi một vài phái Tàpasa trong Nam Tông. [6]

Các tôn giáo thờ độc thần đã xuất hiện tại vùng Trung Ðông (Do thái giáo, Ky-tô giáo và Hồi giáo) đã không phát triển nền đạo đức "vô hại" cho loài súc vật. Cả Do thái giáo lẫn Hồi giáo đều qui định dùng súc vật làm tế cho Thượng đế. Và họ còn qui định cả cách thức giết thịt súc vật làm thức ăn cho con người (một cách thức thường rất dã man). Theo Kinh Thánh, ngay sau khi tạo dựng nên trời đất muôn vật, Thượng đế đã ra lệnh cho con người phải ăn rau đậu, tuy nhiên huấn thị này không tồn tại được lâu và đã bị hủy bỏ sau cơn "Lụt đại hồng thủy" thần thoại. Giờ đây, con người được phép giết và ăn thịt kèm theo một số giới hạn thật là kỳ quặc có liên quan đến việc gây đổ máu. Ðó là cơ bản của một phương pháp giết mổ dã man được người Do thái và người Hồi giáo sử dụng. Kinh thánh Do thái và Ky-tô giáo thừa nhận sự "thống trị" mà Thượng đế đã đặt lên thú vật và môi trường, và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong lịch sử.

Chúng ta sẽ thấy Phật giáo giữ một vị thế trung dung giữa lý tưởng Vô hại của Kỳ-na giáo và sự bỏ rơi hoàn toàn trong vị thế của Do thái - Ky-tô - Hồi giáo.

4. Phân tích về giới luật của Ðức Phật. ^

Ðâu là lý lẽ căn bản của giới luật Tam Tịnh Nhục của Ðức Phật về việc ăn thịt? Không thể cho là bàn tay của người tiêu thụ loại "thịt nghiệp trơ" là hoàn toàn tinh khiết, đặc biệt nếu như ta ra chợ mua thứ thịt đó như trường hợp của hầu hết những người tiêu thụ. Chính vì luật thị trường cho thấy là nếu không có cầu thì cũng không có cung [7]. Vấn đề ở đây là mức độ can dự vào hành vi sát sinh nếu là thịt thuộc bất kỳ loại nào được tiêu thụ (ngoại trừ khi con vật bị được giết một cách vô tình, hoặc con vật chết một cách tự nhiên.) Chúng ta có thể xác định được nhiều mức độ can dự của người tiêu thụ với hành vi sát sinh:

* Mức độ trực tiếp nhất là khi người tiêu thụ trực tiếp giết con vật để lấy thịt sử dụng.

* Mức độ can dự thứ hai là khi người làm công của ai đó dưới quyền trực tiếp của người tiêu thụ được yêu cầu thực hiện việc sát sinh đó. Các chi tiết khác nhau về mức độ can dự này là: khi người tiêu thụ dùng bữa với món thịt do người bạn gửi tặng hay một người trong gia đình lần lượt hoặc trực tiếp sát sinh hoặc tạo cớ cho con vật trực tiếp bị giết. Cả hai mức độ can dự nêu trên đều nằm ngoài phạm vi Tam Tịnh Nhục của Ðức Phật và đều bị nghiêm cấm đối với cộng đồng Phật tử.

* Mức độ can dự thứ ba là khi người tiêu thụ mua thịt ở chợ. Hình như đức Phật đã xem mức độ này là phù hợp với luật Tam Tịnh Nhục của Ngài, và mức độ này được xem như "nghiệp trơ" hay "nghiệp trung tính". Những lý do thừa nhận mức độ dính líu thứ ba này với hành động sát sinh đã không được trực tiếp bàn đến trong Thánh điển. Cho nên, các lý do đó chỉ được phỏng đoán từ vị thế của đức Phật nói chung. Đó là lý lẽ chúng tôi hy vọng sẽ được trình bày trong chương này.

Trước hết, tương quan nơi mức độ can dự này trong việc sát sinh đối với giới luật đầu tiên trong Phật giáo (kiềm chế không được sát sinh) phải được khai triển. Nghiệp gắn liền với những hành vi lựa chọn tuyệt đối. Thực vậy, người đồ tể chỉ giết súc vật đề bán thịt mà thôi, nếu như người tiêu thụ không mua thịt, chắc hẳn người đó đã không giết mổ. Nhưng để thực hiện được điều đó, người đồ tể đã thực hiện một sự lựa chọn tuyệt đối. Không có cưởng bách nào đối với người đó để trở thành đồ tể, cũng như người làm nghề nướng bánh hay ngưòi sản xuất chân nến. Nếu không có người cung cấp và bán thịt thì người tiêu thụ, nếu như họ muốn tiếp tục sử dụng thịt, sẽ buộc phải tự mình là chuyện sát sanh, như vậy họ phải gánh chịu trách nhiệm nghiệp chướng. Chính vì thiếu sự thúc bách về phía người tiêu thụ, đã thực sự giải thoát người tiêu thụ thịt khỏi toàn bộ trách nhiệm nghiệp chướng về hành vi sát sanh, khiến cho người này có thể mua thịt ngay tại chợ. Thế nên Ðức Phật đã chủ trương một cách hợp lý cả giới luật đầu tiên của Phật giáo và giới luật Tam Tịnh Nhục về việc ăn thịt để cả hai không dẫn đến xung khắc.

Luận chứng thuyết phục nhất về giới luật của Ðức Phật chính là toàn bộ sự hiện hữu của cõi Ta-bà đều có dính líu đến sát sanh, bằng cách nầy hay cách khác. Như sẽ được trình bày ở phần kế tiếp, việc cung cấp thực phẩm cho người ăn chay cũng có can dự đến việc tiêu diệt sự sống, đôi khi còn sâu rộng hơn cả việc cung cấp các sản phẩm có chứa thịt. Một thực tế phủ phàng là cả người ăn chay lẫn người ăn thịt - từ ngay chính sự hiện diện của họ trong cõi Ta-bà này - đều tạo ra sự giết hại những dạng sinh vật khác nhau. Thực vậy, ta không thể nào sinh tồn mà không gây tàn phá cho sự sống (như các vị tu sĩ Kỳ-na giáo đã nhận thức được).

Ðiều căn bản nhất nơi giáo lý của Ðức Phật chính là toàn bộ sự hiện hữu luân hồi đều dính líu đến một vài hình thức giết hại. Ðó chính là khía cạnh của đau khổ (dukkha), một thực tế luôn luôn tồn tại khắp nơi. Thay vì phải cố gắng vô vọng để kết thúc mọi hình thức sát sanh, và biến thế giới trở nên hoàn hảo theo kiểu đó, Ðức Phật đã tạo ra một lối thoát khỏi cõi Ta-bà và mọi khiếm khuyết của nó. Ðiều này bao gồm sự xa lánh những hình thức thô sơ của tội lỗi, kể cả việc tránh sử dụng "thịt nghiệp tác", cùng với việc phát triển những yếu tố khác của Bát Chánh Ðạo.

Ðức Phật còn nhấn mạnh đến những khiếm khuyết luân lý nghiêm trọng hơn là việc ăn thịt. Một bài kinh điển hình về vấn đề này là kinh Àmagandha trong Kinh Tập, một trong các quyển kinh nguyên sơ nhất của bộ Thánh điển Pàli. Trong bài kinh này, một nhân vật Bà-la-môn ăn chay trường khuyết danh đã đối diện với Ðức Phật, và ông ta tuyên bố những tội ác về việc sử dụng thịt và cá. Danh từ "àmagandha" theo nghĩa đen có nghĩa là mùi hôi thối của thịt cá, và cũng được dùng để ám chỉ sự ô uế. Trong khi trả lời ông ta, Ðức Phật đã thốt ra một số vần thơ liệt kê ra sự ô uế thực sự đang hủy hoại tư cách đạo đức, chứ không phải là việc ăn thịt cá. Ở phần cuối của mỗi đoạn kinh, Ngài đều thốt ra cùng một điệp khúc: "... đấy chính là thứ mùi hôi thối tạo hủy hoại, chứ không phải chỉ là việc sử dụng thịt mà thôi." ("esàmagandho ni hi mamsabhojanam").

Cách tiếp cận vấn đề của Ðức Phật được minh chức nơi học thuyết Darwin. Ông Darwin cho rằng muôn loài vạn vật đều xung đột liên tục với nhau và chỉ có loài nào mạnh nhất mới tồn tại được. Theo học thuyết này thì sự sống còn của bất kỳ một chủng loại nào đều gây ra sự hủy hoại cho bất kỳ chủng loại nào khác đang tranh dành lấy cùng một không gian sinh học có giới hạn. Sự sống còn và sự sinh sôi nảy nở của nhân loại cần thiết phải dính líu đến sự hủy diệt của vô số sinh vật khác, bất kể chế độ ăn uống của nhân loại có tên là ăn chay hay ăn mặn.

5. Những luận chứng về ăn chay ^

Kế đến, chúng ta phải xem xét đến ý nghĩa đạo đức và những tác động khác của chủ nghĩa ăn rau đậu. Có nhiều luận chứng được đưa ra về vấn đề ăn chay, trong số đó những luận chứng sau đây cần phải cứu xét: luận chứng đạo đức, sinh học, sinh thái, và văn hóa - xã hội.

* Xét theo quan điểm tôn giáo thì luận chứng đạo đức là quan trọng nhất và sẽ được đề cập đến đầu tiên. Nhiều người ăn chay rất thích thú dùng cơ sở đạo đức cao. Họ cho là khẩu phần ăn của họ không liên quan gì đến sát sinh và gây đau khổ cho thú vật, hoặc cho dù nếu có liên quan đi chăng nữa thì nếu họ chấp nhận chế độ không ăn chay thì mức độ gây đau khổ cho súc vật và sát sinh sẽ còn lớn hơn. Tuy nhiên, một thực tế đơn giản là nền nông nghiệp thương mại, vốn là căn bản cho khẩu phần ăn chay, sẽ không thể thực thi được nếu không có sự hủy diệt sự sống. Ngay cả chỉ một hành động cày đất thôi thì cũng đã hủy hoại cuộc sống của nhiều côn trùng sống trong đất, nhưng hình thức sát sinh chính yếu lại xuất hiện từ nhu cầu bảo vệ mùa màng và vụ thu hoạch khỏi côn trùng, dã thú và một số thú vật phá hoại khác. Chúng ta chỉ cần ngẫm nghĩ đến việc giết hại toàn bộ các loài heo rừng, thỏ rừng, kăng-ga-ru v.v... cho mục đích này. Các loại thuốc độc, cạm bẫy, và những bệnh dịch cho chính con người gây ra đã tạo ra những sự hủy diệt chết chóc tàn bạo và khủng khiếp. Những con ốc sên, châu chấu, các con giòi, cào cào, và nhiều côn trùng khác đã bị hủy diệt bằng các chất thuốc trừ sâu cực mạnh, và con số phải lên đến hàng triệu. Ngay cả số chuột bị tiêu diệt để bảo vệ những kho chứa ngũ cốc khỏi bị chúng phá hoại thì còn lớn hơn con số đoàn gia súc bị giết mổ để phục vụ cho những người sử dụng thịt. Thật thế, có thể tranh luận là con số thú vật và côn trùng bị giết hại để làm ra một bữa ăn trung bình cho người ăn chay còn lớn hơn con số súc vật bị giết để làm ra một bữa ăn cho người ăn thịt với cùng một giá trị dinh dưỡng. Nếu quả đúng như thế, sự chấp nhận khẩu phần ăn chay thực sự có thể gia tăng số sinh vật bị giết trong quy trình sản xuất thực phẩm.

Còn nữa, nhiều người ăn chay còn dùng các sản phẩm lấy từ gia súc như sữa. Trong khi xem ra các sản phẩm này "nhân đạo" vì không phải sử dụng đến sát sinh, nhưng thực chất không phải là như vậy. Giả sử như mọi người đều bỏ không dùng thịt nữa và chỉ duy trì uống sữa mà thôi. Một hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra ngay đó là các con bò đực sẽ bị giết ngay từ lúc mới sinh (trừ một số được giữ lại để dùng vào mục đích lấy giống), trừ phi các bò đực không có giá trị sản xuất lại được lưu giữ và điều này rất khó xảy ra. Sữa là sản phẩm đuợc thiên nhiên dành cho các con bê con, và việc ép buộc dành riêng cho con người lại là một vấn đề luân lý gây tranh cãi. Một điều lạ kỳ cần lưu ý là một số người ăn chay nghiêm khắc nhất, như nhóm Hare Krishna, lại là những người rất thích dùng các loại sản phẩm lấy ra từ sữa . Hình như họ không nhìn ra sự mâu thuẩn đạo đức liên quan đến những thói quen ăn uống của họ. Giới luật Tam Tịnh Nhục của Ðức Phật, tuy không phải là giới luật hoàn chỉnh nhất, bởi vì không có giới luật nào mà tuyệt đối hoàn chỉnh, nhưng ít nhất cũng tránh được những vấn nạn luân lý đã làm bối rối người ăn chay vì lý do đạo đức.

* Luận chứng sinh học cho chủ nghĩa ăn rau đậu có giá trị hơn luận chứng đạo đức. Một điều rất rõ ràng là cơ thể con người không được thiết kế để tồn tại chỉ nhờ vào thịt (như là kinh Lăng Già khẳng định). Hai khía cạnh cơ thể học con người cho thấy thực phẩm chay là thực phẩm thích hợp cho con người. Ðầu tiên là cấu tạo của răng con người (trong đó răng hàm lại quan trọng hơn là răng cửa) và một khía cạnh khác nữa là ruột con người chiếm một tỷ lệ chiều dài, dài hơn là cơ thể con người. Những loài thú ăn thịt có răng cửa sắc bén để xé thịt, và có bộ ruột ngắn hơn để cho lượng thịt bị thối rữa nhiễm trùng có thể được tống ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt. Cơ thể con người ta thường giống hơn với loài vật ăn cỏ, nhưng không hoàn toàn là loại ăn cỏ vì chúng lại có một cấu trúc dạ dày khắc hẳn. Thực ra, cơ thể con người là một sự thỏa hiệp giữa loài ăn cỏ thuần túy và loài ăn thịt thuần túy -- do đó, con người là một loài ăn tạp. Còn nữa, hiệu quả gây tác hại từ việc sử dụng các sản phẩm động vật (thí dụ Cholesterol) đã không được cân bằng do thiếu hụt các chất đạm cao trong các thức ăn chay. Sau khi cân nhắc kỹ, thì luận chứng sinh học xem ra có phần thiên về ăn chay hơn là ăn thịt.

* Luận chứng sinh thái cũng có phần thiên về ăn chay. Thịt là một cách thức thiếu hiệu quả để chuyển đổi toàn bộ năng lượng thành thực phẩm. Thật dễ dàng và rẻ tiền hơn nhiều để chuyển đổi năng lượng thành sinh khối (biomass) rất thích hợp cho con người tiêu thụ trực tiếp hơn là một cách gián tiếp sau khi đưa sinh khối đó vào thú vật và rồi lại tiêu thụ thịt thú vật. Sản xuất hàng loạt gia súc (gà, heo, bò) có thể dẫn đến hoặc là phá hủy toàn bộ những cánh rừng nguyên sinh để tạo đồng cỏ chăn nuôi, hoặc là với phương pháp nuôi gà công nghiệp dẫn đến sự tàn nhẫn cùng cực, thải ra lượng khí mêtan v.v... Sự gây giống chọn lọc ở các trại chăn nuôi súc vật và việc sử dụng hóa chất và các chất kích thích hóc-môn để làm tăng trọng có thể tạo ra những hậu quả phụ thuộc không ngờ được trong một số lãnh vực khác. Nhưng cũng cần phải được đề cập đến ở đây là việc chuyển đổi sang chế độ ăn chay sẽ không nhất thiết có thể cải thiện được môi trường sinh thái. Ðiều cần thiết chính là giảm gia tăng dân số và áp dụng những tiêu chuẩn sinh sống lâu bền mà không gây tác hại đến môi trường.

* Luận chứng văn hóa - xã hội lại dính líu đến luận chứng thẩm mỹ thuộc về những gì xã hội cho là thích hợp để ăn. Các qui luật xã hội rất khác biệt nhau về khía cạnh này. Ða số các xã hội đều loại bỏ tục ăn thịt người và không cho phép tiêu thụ xác chết thối rữa và ăn xác các súc vật chết. Tại hầu hết các quốc gia Tây phương và nơi tiểu lục địa Ấn độ đã có một sự chống đối ăn thịt các thú vật yêu chuộng (chó, mèo) hay các loài bò sát. Tuy nhiên không có sự ngăn cấm như vậy tại một vài nơi khác ở Phi Châu và vùng Viễn Ðông (mặc dù ở Trung Hoa vào năm 511 Tây lịch, Lương Vũ Đế đã ra lệnh cấm ăn thịt). Thực ra, không có gì khác nhau trong việc tiêu thụ thịt của một loại thú vật này và tránh ăn thịt của loại khác. Nhưng xét dưới khía cạnh thẩm mỹ và văn hóa, ta thấy có khác biệt đáng kể. Chắc chắn là các thực phẩm chay thì hay hơn so với các sản phẩm về thịt xét dưới góc độ thẩm mỹ, cho dù sản phẩm thịt được đóng gói để dễ nhìn hơn.

6. Kết luận. ^

Những luận chứng trên đây không nên xem như là cách bào chữa cho việc ăn thịt. Ðiều chúng tôi quan tâm là cố suy đoán về những lý lẽ căn bản đàng sau giới luật Tam Tịnh Nhục vốn đã được Ðức Phật đặt ra, và phản bác lời chỉ trích rằng giới luật của Ðức Phật hàm chứa một mâu thuẫn luân lý với những phần giáo lý khác của Ðức Phật, vì Ngài đã từng nhấn mạnh đến lòng từ bi và giới luật cấm sát sanh.

Có nhiều luận chứng có tính thuyết phục về việc ăn chay, quan trọng nhất là về khía cạnh sinh học, môi sinh và xã hội mà chúng tôi đã xác định ở phần trên. Luận chứng đạo đức mà nhiều người ăn chay chấp nhận, để cho là có đạo đức còn cao hơn cả điều Ðức Phật đã dạy, đã được cho thấy là không có giá trị. Thật ra, nếu chúng ta chuyển từ ăn thịt sang ăn rau đậu, vẫn không cần thiết phải có sự sút giảm về số lượng sát sanh và tàn nhẫn liên quan đến việc cung cấp thực phẩm. Chỉ có những loại sinh vật khác có thể phải chịu đau khổ.

Cũng còn có một quan điểm đạo đức rất thú vị cần được giải quyết. Toàn bộ những thú vật bị giết để cung cấp thịt đã được cố ý gây giống và chăn nuôi cho mục tiêu này (thí dụ: gà công nghiệp, heo và đàn bò thịt). Nếu không có nhu cầu về thịt, thì điều đơn giản là chúng sẽ không còn tồn tại nữa. Như vậy, loại bỏ việc ăn thịt về lâu về dài sẽ không "cứu" được bất kỳ loại gia súc nào khi mà chúng không còn được gây giống nữa. Vấn đề là dựa trên căn bản đạo đức nào để quyết định duy trì sự sống cho một số loài gia súc trong một thời gian có giới hạn hay là hoàn toàn chấm dứt sự hiện hữu của chúng. Không có người tiêu thụ thịt thì hầu hết các súc vật không bị giết mổ vì thực phẩm sẽ không còn hiện hữu nữa. Chúng ta sẽ không xem xét khía cạnh đạo đức khó khăn của câu hỏi này.

Yêu cầu của Ðức Phật chỉ nhằm đạt đến sự điều độ trong ăn uống (mattamuta ca bhattasmi). Dù các chế độ ăn uống có thể là ăn chay hay ăn thịt thì việc ăn uống nên phải được hạn chế tới mức tối thiểu, chỉ cần thiết để giữ cho các chức năng cơ thể tiếp tục họat động. Giới luật không được ăn sau giờ ngọ có liên quan với qui luật giữ điều độ trong việc ăn uống. Nhưng cho dù có cẩn thận đến đâu trong chế độ ăn uống, cũng không có cách nào duy trì thể xác chúng ta ổn định về mặt thể chất mà lại không gây tác hại cho một số sinh vật khác. Vì có phụ thuộc lẫn nhau giữa các sinh vật, sự sống còn của bất cứ một loại sinh vật nào - kể cả loài người chúng ta nữa - chắc chắn đưa đến sự tàn phá những dạng thức khác của sự sống

Ngay cả nếu như không có qui định bao trùm về ăn thịt trong trong giáo lý của Ðức Phật, giới luật Tam Tịnh Nhục mà Ngài đã đề ra vẫn có giá trị đáng kể. Ðức Phật quan tâm đến việc đặt ra một giới luật thực tiễn có thể hài hòa được vấn đề nan giải liên quan đến việc sống trong cõi Ta-bà và cho phép những sinh dạng khác được hiện hữu. Sự kiện mà luật Tam Tịnh Nhục không là một quy luật lý tưởng không phản ảnh vào Đức Phật, mà là phản ảnh của một thực trạng của thế giới Ta-bà nầy, liên quan đến sự tác hại đến các sinh vật khác. Giải pháp tối hậu của Đức Phật có lẽ là một phương cách duy nhất để vấn đề này được giải quyết ổn thỏa. Giải pháp đó là vạch ra một hướng đi để thoát ra khỏi sự hiện hữu này, có nghĩa là vạch ra con đường đưa đến Niết-bàn.

Ghi Chú

1. Chữ "parisuddha" được dịch sát nghĩa nhất có thể là "blameless - không chê được, không khiển trách được", đúng hơn là dịch "pure - tinh khiết. Đó cũng là cách dịch mà bà Horner thích dùng (bà đã dịch tạng Luật cho Pàli Text Society). Nó có nghĩa là một đặc tính nghiệp chướng về thịt rất quan trọng, không phải là sự tinh khiết của thịt về các khía cạnh khác.

2. Chữ "meat - thịt" được dùng để chỉ tất cả các loại thực phẩm có xuất xứ từ loài vật. Cho dù là cá, thịt hay là gia cầm (gà, vịt, chim), từ góc độ luân lý đạo đức không hề có sự khác biệt cơ bản nào giữa các loại thịt đó.

3. Mối tương quan giữa ăn thịt và nghiệp đã không được Ðức Phật xác định cụ thể. Sự phân biệt chúng ta bàn luận ở đây phải được xem xét một cách cẩn thận. Ngay cả những việc tiêu thụ những thứ mà chúng ta qui cho là loại thịt "nghiệp trơ" (hay "nghiệp chướng vô can", "nghiệp trung tính", karmically neutral) có thể tạo nghiệp xấu tùy thuộc vào các sát-na tâm đi kèm với việc sử dụng loại thịt đó. Tuy nhiên, tiêu thụ loại thịt "nghiệp tác" (karmically effective) thì luôn luôn sẽ có nghiệp quả xấu, còn tiêu thụ loại thịt "nghiệp trơ" thì có thể có hoặc không có nghiệp quả xấu. Trong cả hai trường hợp, không thể có nghiệp quả tốt.

4. Giới luật về ăn chay là giới luật thứ năm trong danh sách mà Đề-bà-đạt-đa đã đề nghị với Ðức Phật. Đề-bà-đạt-đa là một người lập nên phong trào Tàpasa trong Phật giáo và những giới luật đặc biệt của ông ta có liên quan đến những cách hành trì mang tính khổ hạnh khắc nghiệt (sống trong rừng, chỉ mặc y rách, v.v...) Ðức Phật đã bác bỏ tất cả các đề nghị của Đề-bà-đạt-đa. Và cũng chính vì liên quan đến vấn đề này mà Ngài đã tái khẳng định lại giới luật Tikoiparisuddha (về vấn đề này, xin đọc cuốn "Western Buddhism and a Theravada Heterodoxy" của tác giả).

5. Nhìn chung, Ðức Phật thường có khuynh hướng chấp nhận những phong tục xã hội đang thịnh hành, chỉ trừ khi có gì mâu thuẫn với những nguyên lý giáo pháp của Ngài. Trong trường hợp này, không cần thiết phải có những thay đổi hiện hành. Thật thú vị khi ghi nhận rằng trong 10 con vật lại không có con bò đực hay bò cái trong đó. Sau này bò cái lại trở thành một trong những vật cấm kỵ lớn nhất trong Ấn độ giáo. Có lẽ ở vào thời Ðức Phật, khía cạnh Ấn độ giáo (Hinhduism) này chưa được phát triển và sự quan trọng của nó sau này mới được thừa nhận.

6. Về vấn đề này, xin đọc cuốn "Western Buddhism and a Theravada Heterodoxy" của tác giả.

7. Luận chứng cho là súc vật đã chết khi chúng ta mua thịt là không có cơ sở. Ða số những người bán thịt và các cửa hàng bán thịt đều bán hết số lượng hàng tồn kho. Khi đã hoàn tất bán lượng hàng đó, người buôn lại đặt thêm hàng hóa để thay thế số lượng hàng đã bán ra. Như thế, khi gà được làm thịt đã bán hết thì nhà buôn lại viết đơn đặt hàng để nhiều con gà khác được giết để thay vào số thịt gà đã bán.

Nguyên tác: "Buddhism and Vegetarianism - The Rationale for the Buddha's View on the Consumption of Meat", V.A. Gunesekara. Tỳ kheo Thiện Minh dịch.

 

---o0o---

 

[ Mục Lục ] [ 01] [ 02] [ 03] [ 04] [ 05]

[ 06] [ 07] [ 08] [ 09] [ 10] [ 11]

 

Về danh mục

tuổi trẻ và những điều cần biết khi An nhiên giữa vùng xung cà 河南有专属的佛教 ดวยอำนาจแหงพระพ Mít kho sả ớt món chay quê Lễ cầu siêu thứ phi vua Bảo Đại phát ç æˆ maha 研究生奖学金自我总结 Kháng sinh khi nào không nên dùng trước tịnh húy Bắp cải giảm béo chữa tiểu đường c½u Hẻm rêu hãy sống vì những ước mơ của mình Lưu Thủ Ï tue Ä Äƒng nhân vía bồ tát quán thế âm 19 cao 念地藏圣号发愿怎么说 村上市お墓 墓地の販売と購入の注意点 梵僧又说 我们五人中 chướng นามสก ล จ นทรา tây phương đã tiếp nhận đạo phật 忏悔 Cái 簡単便利戒名授与水戸 Đâu là nguyên nhân gây ra chứng 地藏十轮经 Ð Ð Ð 盂蘭盆会 応慶寺 vua lương vũ đế tạm 蔬菜 谜语 Thiền sư Vô Ngôn Thông đến VN tìm Mẹ 心经 閼伽坏的口感 自强不息的名人名言 å æžœå žå¾ con duong hoc phat va tu phat