LỜI
DẪN: Một chùy liền thành siêu phàm vượt Thánh, nửa câu
khả dĩ mở trói gỡ niêm, như đi trên tảng băng, chạy trên
kiếm bén, ngồi trong khối thanh sắc, đi trên đầu thanh sắc.
Diệu dụng dọc ngang gác lại, khoảng sát-na liền đi thế
nào, thử cử xem ?
CÔNG
ÁN: Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa:
Tiếng mưa rơi. Cảnh Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên
mình theo vật. Tăng thưa: Hòa thượng thì thế nào ? Cảnh
Thanh bảo: Toàn chẳng quên mình. Tăng thưa: Toàn chẳng quên
mình ý chỉ thế nào ? Cảnh Thanh bảo: Xuất thân vẫn còn
dễ, thoát thể nói rất khó.
GIẢI
THÍCH: Chỉ trong này khéo tiến lấy, cổ nhân dùng một cơ
một cảnh cần tiếp người. Một hôm, Cảnh Thanh hỏi Tăng:
Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Thanh bảo:
Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Lại hỏi: Ngoài cửa
là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng chim bột cưu. Thanh bảo: Muốn
được chẳng chuốc nghiệp vô gián, chớ chê bai chánh pháp
Như Lai. Lại hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng
rắn bắt nhái kêu. Thanh bảo: Sẽ bảo chúng sanh khổ, lại
có khổ chúng sanh. Những câu này với công án ở trước không
có hai thứ. Hàng Thiền tăng ở trong đây thấu được thì
ở trong thanh sắc chẳng ngại tự do. Nếu thấu chẳng được
liền bị thanh sắc lôi. Công án này, các nơi gọi là lời
“tôi luyện”. Nếu là “tôi luyện” chỉ thành tâm hạnh,
không thấy được chỗ vì người của cổ nhân. Cũng gọi
lời này là “thấu thanh sắc”, một sáng đạo nhãn, hai
sáng thanh sắc, ba sáng tâm tông, bốn sáng vọng tình, năm
sáng triển diễn. Song nếu không chín chắn, sao khỏi thành
hang ổ. Cảnh Thanh hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa:
Tiếng mưa rơi. Lại nói: Chúng sanh điên đảo quên mình theo
vật. Người ta lầm hội, cho là cố ý chuyển người, quả
thật không dính dáng. Đâu chẳng biết Cảnh Thanh có thủ
đoạn vì người, mật lớn chẳng nệ một cơ một cảnh,
rất mực chẳng tiếc lông mày. Cảnh Thanh đâu chẳng biết
tiếng mưa rơi, tại sao lại hỏi ? Phải biết cổ nhân dùng
sào dò bóng cỏ, cốt nghiệm vị Tăng này. Vị Tăng này khéo
xô đẩy liền hỏi: Hòa thượng thì sao ? Liền được Cảnh
Thanh vào bùn vào nước, nói với ông “toàn chẳng quên mình”.
Vị Tăng kia quên mình theo vật là phải, Cảnh Thanh vì sao
cũng quên mình ? Phải biết nghiệm trong câu kia liền có chỗ
xuất thân. Vị Tăng này quá lầm lẫn cốt cắt đứt lời
này, hỏi: Chỉ cái chẳng quên mình ý chỉ thế nào ? Nếu
là tông môn Đức Sơn, Lâm Tế thì gậy hét đã hiện. Cảnh
Thanh thông qua một bước, tùy kia tạo sắn bìm, nói với kia
“xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó”. Tuy nhiên
thế ấy, người xưa nói tương tục cũng rất khó. Cảnh Thanh
chỉ một câu làm vị Tăng này sáng việc lớn dưới gót chân.
Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG:
Hư đường vũ trích thanh
Tác giả nan thù đối
Nhược vị tằng nhập lưu
Y tiền hoàn bất hội
Hội bất hội
Nam sơn Bắc sơn chuyển bàng bái.
DỊCH:
Nhà trống tiếng mưa rơi
Tác giả khôn đối đáp
Nếu bảo từng nhập lưu
Như trước lại chẳng hội
Hội chẳng hội
Núi Nam núi Bắc mưa xối xả.
GIẢI
TỤNG: “Nhà trống tiếng mưa rơi, tác giả khôn đối đáp”,
nếu nói tiếng mưa rơi thì quên mình theo vật, chẳng nói
tiếng mưa rơi lại làm sao chuyển vật ? Đến trong ấy, dù
là tác giả cũng khó đối đáp. Vì thế, cổ nhân nói: “Thấy
cùng thầy bằng, kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy,
mới kham truyền thọ.” Nam viện nói: “Dưới gậy vô sanh
nhẫn, lâm cơ chẳng nhượng thầy.” “Nếu bảo từng nhập
lưu, như trước lại chẳng hội”, trong kinh nói: “Ban đầu
trong cái nghe nhập lưu vong sở, sở nhập đã lặng, hai tướng
động tịnh rõ ràng chẳng sanh…” Nếu nói là tiếng mưa
rơi thì chẳng phải. Nếu nói chẳng phải tiếng mưa rơi cũng
chẳng phải. Phần trước bài tụng hai hét cùng ba hét. Tác
giả biết cơ biến chính là loại tụng này. Nếu nói là vào
thanh sắc cũng chẳng phải. Nếu gọi là thanh sắc, như trước
chẳng hiểu ý kia. Ví như lấy tay chỉ mặt trăng, mặt trăng
chẳng phải là ngón tay. Hội cùng chẳng hội, núi Bắc núi
Nam mưa xối xả vậy.
?
TẮC
47: VÂN MÔN SÁU CHẲNG THÂU
LỜI
DẪN: Trời nói gì đâu bốn mùa đi vậy, đất nói gì đâu
vạn vật sanh vậy. Nhằm chỗ bốn mùa đi khả dĩ thấy thể,
ở chỗ vạn vật sanh khả dĩ thấy dụng. Hãy nói nhằm chỗ
nào thấy được Thiền tăng ? Lìa sạch ngôn ngữ động dụng,
đi đứng ngồi nằm, dẹp hết môi mép cuống họng, lại biện
được chăng ?
CÔNG
ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là Pháp thân ? Vân Môn đáp:
Sáu chẳng thâu.
GIẢI
THÍCH: Vân Môn nói sáu chẳng thâu hẳn là khó nắm. Nếu nhằm
khi điềm ứng chưa phân nắm được, đã là đầu thứ hai.
Nếu nhằm khi điềm ứng đã sanh tiến được, lại rơi vào
đầu thứ ba. Nếu nhằm trên ngôn cú biện minh, rốt cuộc
tìm chẳng được. Cứu kính cái gì là Pháp thân ? Nếu là
hàng tác gia vừa nghe cử lên liền đứng dậy đi ra. Nếu
chờ suy đợi cơ, hãy lắng nghe xử phân. Thượng tọa Phù
ở Thái Nguyên trước là Giảng sư, một hôm lên tòa giảng
về Pháp thân, nói “dọc cùng tam tế, ngang khắp mười phương”.
Có một Thiền khách ở dưới tòa nghe liền bật cười. Phù
xuống tòa, hỏi: Vừa rồi tôi có chỗ nào dở, mong Thiền
giả vì chỉ cho. Thiền khách nói: Tọa chủ chỉ giảng được
bên lượng của Pháp thân, mà chẳng thấy Pháp thân. Phù hỏi:
Cứu kính thế nào mới phải ? Thiền khách bảo: Hãy tạm
bãi giảng, ngồi trong thất vắng, ắt được tự thấy. Phù
làm như lời Thiền khách. Một đêm ngồi yên lặng bỗng nghe
đánh chuông canh năm, hốt nhiên đại ngộ, liền chạy gõ
cửa Thiền khách nói: Tôi ngộ rồi. Thiền khách hỏi: Ông
thử nói xem ? Phù nói: “Kể từ ngày nay tôi chẳng nắm cái
lỗ mũi của cha mẹ sanh ra.” Trong kinh nói: “Chân Pháp thân
Phật ví như hư không, ứng vật hiện hình như trăng trong
nước.” Lại Tăng hỏi Giáp Sơn: Thế nào là Pháp thân ?
Giáp Sơn đáp: Pháp thân không tướng. Hỏi: Thế nào là Pháp
nhãn ? Đáp: Pháp nhãn không tỳ. Vân Môn nói: Sáu chẳng thâu.
Công án này có người nói: Chỉ là sáu căn sáu trần sáu
thức, sáu cái này từ Pháp thân sanh, nên sáu căn thâu nó
không được. Nếu tình giải thế ấy, quả thật chẳng dính
dáng, lại làm đới lụy Vân Môn. Cần thấy liền thấy, không
có chỗ cho ông đục đẽo. Trong kinh nói: “Pháp ấy chẳng
phải chỗ suy nghĩ phân biệt hay hiểu.” Vân Môn đáp câu
hỏi phần nhiều gợi lên tình giải của người. Vì thế,
trong một câu phải đủ ba câu, lại chẳng cô phụ lời hỏi
của ông, hợp thời hợp tiết, một lời một câu, một chấm
một vạch cũng có chỗ xuất thân. Cho nên nói: “Một câu
thấu, ngàn câu muôn câu đồng thời thấu.” Hãy nói là Pháp
thân, là Tổ sư ? Tha ngươi ba mươi gậy. Tuyết Đậu tụng
ra:
TỤNG:
Nhất nhị tam tứ ngũ lục
Bích nhãn Hồ Tăng sổ bất túc
Thiếu Lâm mạn đạo phó Thần Quang
Quyện y hựu thuyết qui Thiên Trúc.
Thiên Trúc mang mang vô xứ tầm
Dạ lai khước đối Nhũ Phong túc.
DỊCH:
Một hai ba bốn năm sáu
Hồ Tăng mắt biếc đếm không đủ
Thiếu Lâm dối nói trao Thần Quang
Cuộn áo lại bảo về Thiên Trúc.
Thiên Trúc mênh mang không chỗ tìm
Đêm về lại đến Nhũ Phong ngủ.
GIẢI
TỤNG: Tuyết Đậu thực tài ở chỗ không thưa hở, xuất
phát nhãn mục tụng cho người thấy. Vân Môn nói “sáu chẳng
thâu”. Tuyết Đậu vì sao nói “một hai ba bốn năm sáu”,
liền nói “Hồ Tăng mắt biếc đếm không đủ” ? Bởi vì,
“chỉ cho lão Hồ biết, chẳng cho lão Hồ hiểu”. Phải
là trả lại cho con cháu trong nhà kia mới được. Như trên
nói “một lời một câu hợp thời tiết”, nếu thấu được
mới biết nói không ở trong ngôn cú. Nếu chưa được thế,
chẳng khỏi khởi tình giải. Ngũ Tổ lão sư nói: “Phật
Thích-ca Mâu-ni, khách hạ tiện làm con, cây bá ở trước sân,
một hai ba bốn năm.” Nếu nhằm dưới ngôn cú Vân Môn thấy
được cùng tột thì đến cảnh giới này. “Thiếu Lâm dối
nói trao Thần Quang”, Nhị Tổ trước tên Thần Quang.
Nhẫn đến sau này lại nói “về Thiên Trúc”, Tổ Đạt-ma
tịch, nhập tháp dưới núi Hùng Nhĩ. Khi ấy Tống Vân vâng
lệnh đi sứ Tây về, đến ngọn núi phía Tây thấy Tổ Đạt-ma
quảy một chiếc giày trở về Tây thiên… Tống Vân về triều
tâu lại, triều đình cho khai tháp xem, chỉ thấy để lại
một chiếc giày. Tuyết Đậu nói “kỳ thật việc này làm
sao phân phó”? Đã không phân phó “cuộn áo lại bảo về
Thiên Trúc”. Hãy nói vì sao xứ này lại có sáu vị thứ
lớp trao truyền nhau ? Trong đây quả thật kỳ quái, phải
là nắm được mới có thể nhập. Câu “Thiên Trúc mênh mang
không chỗ tìm, đêm về lại đến Nhũ Phong ngủ”, thử nói
hiện nay ở chỗ nào ? Sư liền đánh, nói: Mù !